Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Vùng Đất Cochinchine Và Công Nữ Ngọc Vạn Phần 3

Nói gì thì nói, dù sử Việt hay sử Miên không hề đá động gì đến sự nghiệp lớn lao của công nữ Ngọc Vạn. Nếu công tâm mà xét về mặt lịch sử, nếu vua Chey Chetta II không tiến hành cuộc hôn nhân với công nữ Ngọc Vạn vào năm 1620, nghĩa là Chân Lạp không có sự trợ giúp của xứ Đàng Trong thì chẳng những xứ nầy không chiến thắng quân Xiêm La trong hai trân chiến 1621 và 1623, mà rất có thể nó đã bị xóa sổ ngay từ đó. Như vậy, đối với đất nước và thần dân Chân Lạp, công nữ Ngọc Vạn đáng được ghi công hay đáng bị oán hận? Riêng đối với Việt Nam, có thể công nữ Ngọc Vạn đã thực hiện được hơn những gì mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã căn dặn khi ngài gả nàng về cho Miên vương. Có thể ngày đó chúa chỉ cần có sự giao hảo tốt với Miên vương để rảnh tay phía Nam mà lo đối đầu với chúa Trịnh về phương Bắc. Nhưng công nữ Ngọc Vạn đã thực sự khơi nguồn cho lịch sử Nam Tiến của dân tộc Việt Nam về vùng đất Thủy Chân Lạp. Nhứt thời nàng đã đem lại mối giao hảo với Chân Lạp và đem về cho xứ Đàng Trong cả một phần đất bao la đầy hứa hẹn. Chẳng những thế, nàng đã bắt được một nhịp cầu thật vững chắc cho công cuộc Nam Tiến sau nầy. Chính nhờ cuộc hôn nhân ấy, chẳng những vua Chey Chetta II phải đền ơn các chúa bằng cách thật dễ dãi với lưu dân người Việt, mà còn cho quan Việt Nam vào Prey-Nokor đặt trạm thâu thuế (năm 1623), rồi liên tiếp những vị vua Miên sau này lại đền ơn sự trợ giúp của các chúa bằng cách dâng đất. Cứ mỗi lần quân chúa Nguyễn tiến qua Miên giúp Miên vương chống lại Xiêm La, là mỗi lần triều đình Chân Lạp dâng hiến một số phủ huyện trong vùng Thủy Chân Lạp cho xứ Đàng Trong. Hết Meso, Longhor, Tầm Bôn, rồi Lôi Lạp, Trapeang, Bassac, rồi đến Tầm Phong Long... để rồi cuối cùng non sông Việt Nam liền một dãy từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Nhưng rất tiếc, do quan điểm hẹp hòi khi chép sử của triều đình các chúa Nguyễn, nên công lao to lớn của công nữ Ngọc Vạn trong công cuộc mở cõi và khai khẩn đất phương Nam không được ghi chép lại để lưu truyền cho hậu thế. Do đó mà ngày nay trên toàn cõi Nam Phần, chúng ta không thấy có một dấu tích tưởng niệm nào về bà, ngoài ngôi phế tháp Phổ Đồng ở chùa Kim Cang, nay thuộc ấp Bình Thảo, xã Tân Phước, thị xã Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai. Người viết bài nầy cũng xin đê đầu dâng lên một nén hương tưởng niệm và cáo trình với “Cô Chín Xinh” hay công nữ Ngọc Vạn và công nữ Ngọc Khoa rằng công ơn của các ngài sẽ được dân tộc Việt Nam đời đời tưởng nhớ. Xin hồn thiêng của các ngài hãy tiếp tục phò trợ cho dân tộc Việt Nam luôn được vững mạnh và sáng suốt như các ngài, từ đó biết đặt quyền lợi “Tổ Quốc Trên Hết”, trên cả quyền lợi gia đình và đoàn thể để có thể giữ vững toàn cõi đất đai mà một thời cũng là tâm nguyện dựng nước và giữ nước của các ngài! 



Sông nước miền Nam 4 thế kỷ sau ngày Công nữ Ngọc Vạn về làm Hoàng hậu cho vương quốc Chân Lạp vào năm 1620 



Người Long Hồ 
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.


Chú Thích: (1) Theo Phan Đình Phùng trong “Việt Sử Địa Dư”, Vinh: NXB Nghệ An, 2008, tr. 27-29, Nhà Tần lấy Triệu Đà làm chức lệnh Long Xuyên, di dân bị tội đày sang thú ở Ngũ Lĩnh (Long Xuyên là tên huyện của Nam Hải, nay là đất Tuần Châu; còn Ngũ Lĩnh, theo Quảng Châu Ký của Bùi Uyên, Ngũ Lĩnh là Đại Dũ, Thủy An, Lâm Hạ, Quế Dương, Yết Dương, nay thuộc địa giới hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Tàu). Năm 210 trước tây lịch, quân của hai bên Triệu Đà và Thục An Dương Vương đánh nhau, Thục Vương cắt đất từ Bình Giang về phía Bắc cho Triệu Đà rồi lui binh về núi Vũ Ninh. Sau đó, Triệu Đà dùng mưu đánh chiếm nước Âu Lạc của Thục Phán và tự lập mình làm Nam Việt Vương lấy hiệu là Triệu Vũ Vương, năm thứ nhất (207 trước tây lịch), đóng đô ở Phiên Ngung. Thành Phiên Ngung thời nhà Hán gọi là Nam Thành, thuộc quận Nam Hải, nay là Quảng Đông và Quảng Châu. Triệu Việt Vương năm thứ 10 (198 trước tây lịch), sai hai viên sứ coi giữ ở hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Giao Chỉ, xưa là phần đất các bộ Giao Chỉ, Chu Diên, Phúc Lộc, Vũ Ninh, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định và Tân Hưng. Nhà Triệu đặt làm quận, thống lãnh 10 huyện. Về sau các bộ nầy giữ nguyên hoặc thay đổi mỗi thời mỗi khác. Nay thuộc phần đất của các tỉnh Bắc Kỳ. Cửu Chân, xưa là phần đất của ba bộ Cửu Chân, Hoài Hoan và Việt Thường; nhà Tần đặt làm đất Tượng Quận; nhà Triệu đặt làm quận, thống lãnh 12 huyện; nhà Hán, khoảng niên hiệu Nguyên Đỉnh (116-111 trước tây lịch), tách năm huyện Tỷ Cảnh, Lư Cốc, Tây Quyển, Tượng Lâm và Chu Ngô đặt làm quận Nhật Nam, còn bảy huyện Tư Phố, Cư Phong, Đô Bàng, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết và Vô Biên, vẫn theo cũ đặt làm quận Cửu Chân; nhà Ngô, Tấn, Tống, Tề giữ nguyên như thế. Đến nhà Lương đổi làm Ái Châu, về sau châu nầy giữ nguyên hay thay đổi mỗi thời mỗi khác. Nay là phần đất Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng trị và Thừa Thiên. Triệu Vương Kiến Đức năm thứ nhất (111 trước tây lịch), nhà Hán diệt nhà Triệu, chiếm lấy đất nhà Triệu, đặt làm chín quận, liệt làm bộ Giao Chỉ, mỗi quận đặt một viên Thái thú, gọi gộp chung đất Nam Việt là Giao Châu. Chín quận nầy gồm quận Thương Ngô, nay là đất Ngô Xuyên. Quận Uất Lâm, nay là Quảng Tây. Quận Hợp Phố nay là Quảng Châu. Quận Nhật Nam, xưa là bộ Việt Thường, nhà Tần đặt làm Tượng Quận, đến nhà Triệu thuộc quận Cửu Chân, đầu nhà Hán tách ra làm Nhật Nam, đến các nhà Ngô, Tần, Tống giữ theo như nhà Hán. Về sau bị Lâm Ấp chiếm đoạt. Nhà Tùy đánh Lâm Ấp, đặt làm Đam Châu, tiếp đến đổi thành quận Tỷ Cảnh. về sau quận nầy sáp nhập vào Chiêm Thành. Nay thuộc phần đất hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Quận Châu Nhai, ở trong biển lớn, sát bên bờ biển. Nhà Đường đổi làm Châu Nhai, nay là phần đất Quỳnh Châu và Nhai Châu. Quận Đam Nhĩ, cũng là một bãi nổi trong biển lớn, nhà Đường đổi làm Đam Châu, nay là phần đất Đam Châu của phủ Quỳnh Châu. Sau năm 110 sau tây lịch, Nam Việt bị nội thuộc nhà Hán, châu thì đặt Thứ sử, còn quận thì đặt Thái thú cai trị. Các châu Long Uyên (Long Biên, theo Thủy Kinh Chú, niên hiệu Kiến An năm thứ 13, tức 208 trước tây lịch, khi mới đắp thành có loài long giao đi lại ở hai bên bờ, nhân đó đổi thành Long Uyên. Đến đời nhà Lý dời đô về đây, đổi tên là Thăng Long, nay thuộc Hà Nội), Mê Linh, Doanh Lâu và Quảng Tín đều có trị sở của quan Thứ sử. Năm Hán Quang Võ, niên hiệu Kiến Võ thứ 18 (42 sau tây lịch), Mã Viện đem quân đến Lãng Bạc, giao chiến với Trưng Trắc và kể từ đó nước ta lại tiếp tục bị nội thuộc Tàu.  (2) Trong bộ sách Đất Phương Nam nầy, có khi người viết dùng hai chữ ‘Công Chúa’ và ‘Công Nữ’ để nói về Công Nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa. Kỳ thật, phải là con gái của vua thì mới được gọi là ‘Công Chúa’, còn con gái của các chúa chỉ được gọi là ‘Công Nữ’ thôi. 
 (3) Theo cuốn Royaume du Cambodge (Vương Quốc Cao Miên) của Moura, có đoạn viết: “Nhà vua mới lên ngôi Chey Chetta II, liền xây một cung điện ở Oudong, nơi ông long trọng cử hành lễ cưới một công chúa , con vua An Nam. Bà này rất đẹp, chẳng bao lâu ảnh hưởng đến nhà vua. Nhờ bà mà một sứ đoàn An Nam đã xin được phép Chey Chetta II đến lập thương điếm trong miền Nam Cao Miên, ở chính nơi ngày nay là Sài Gòn... Cũng từ đó, Chân Lạp mất dần lãnh thổ cho người Việt bằng cách dâng tặng, đền ơn đáp nghĩa. Cuộc Nam tiến hoàn thành kể từ lúc người Việt tới Đồng Nai cho đến khi tới Hà Tiên, kéo dài khoảng một thế kỷ rưỡi. Khi về Chân Lạp và trở thành Hoàng Hậu, bà Ngọc Vạn có đem theo một đám tùy nữ để phục dịch trong nội cung. Bà dạy chúng gọi bà bằng ‘Cô Chín’ thay vì hoàng hậu. Từ đó dân Miên cũng theo thói quen ấy gọi bà bằng ‘Cô Chín’. Dân Miên oán hận chúa của họ vì mê ‘Cô Chín’ mà tạo ra đầu dây mối nhợ mất lần lần cả Thủy Chân Lạp. Đối với họ ‘Cô Chín’ tượng trưng cho đất Thủy Chân Lạp.” 
(4) Có lẽ vua Norodom muốn dùng chữ “Cochin” cũng không chừng? Tuy nhiên, hồi Tây mới qua chiếm Cao Miên (1862), vua Norodom làm gì biết được từ “Cochin” của tiếng Pháp; vì vậy giả thuyết cho rằng ông cũng gọi tên của vùng đất nầy theo kiểu mà dân gian hai vùng Prei Nokor và Kas Krobei đã gọi hồi giữa thế kỷ thứ XVIII có lẽ hợp lý hơn.  (5) Christoforo Borri là một giáo sĩ người Ý đã sống gần vùng Qui Nhơn từ năm 1618 đến năm 1622. Trong cuốn hồi ký được xuất bản năm 1631, ông đã diễn tả về phái đoàn của công nữ Ngọc Vạn đi Oudong như sau: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới Oudong thì dân chúng Khmer, thương nhân người Bồ, Nhật, Trung Hoa, đã tụ tập đông đảo để tiếp đón và hoan nghênh.” Nghĩa là phái đoàn của công nữ Ngọc Vạn đã được thần dân xứ Chân Lạp đã tiếp rước nàng một cách linh đình và trọng thể, và ngay sau đó nàng được Miên vương phong làm hoàng hậu.”  (6) Bây giờ vẫn còn dấu tích của xưởng đóng tàu bên kia sông đối diện với thành Nam Vang. 
 (7) Có sách nói vua vua Chey Chetta II băng hà vào năm 1628. 
(8) Bây giờ là Sài Gòn-Chợ Lớn.  (9) Nhiều người ngoại quốc lầm tưởng bà là Cô Chín Tàu (Cochinchine).  (10) Tên Khmer là Ang Saur, em của Ông Đài.  (11) Hai xứ Prei Nokor và Kas Kobei là vùng Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay.

***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét