Tổng Quan Về Quần Đảo Côn Sơn:
Về cái tên Côn Lôn, từ lâu đã có nhiều người đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau. Người Tây phương gọi là Poulo Condore, có lẽ họ lấy từ tên mà người Mã Lai đã gọi đảo ấy từ thời xa xưa là Pulau Kundur hay là đảo Bí. Về sau nầy người Trung Hoa đã phiên âm Pulau Kundur ra thành K’ouen L’ouen, rồi người Việt đọc trại ra thành Côn Lôn. Ngay từ thế kỷ thứ XV đã có nhiều học giả bàn đến cái tên Côn Lôn nầy.
Người Pháp cho rằng núi Quân Đột Lọng hay Kiun T’ou Nong ghi trong Dã Đam Ký chép trong Tân Đường Thư chính là đảo Côn Lôn và họ cho rằng Kiun T’ou là tương đương với Condoré. Một người Đức tên là Schlegel thì cho rằng Poulo Condore, hay tên thổ âm là Côn Nôn, đã được người Trung Hoa phiên âm thành K’ouén Louen (Côn Lôn) và K’ouen T’ouen (Côn Đồn). Tuy nhiên, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, người Trung Hoa đã dùng từ Côn Lôn từ những thế kỷ trước tây lịch, không phải để chỉ quần đảo Côn Sơn hiện nay, mà để ám chỉ một quả núi mà truyền thuyết cho rằng Mục thiên tử nước Tần đã đến đây để thăm Tây vương mẫu(1). Sau đó người Trung Hoa đã dùng tên Côn Lôn để chỉ những ngọn núi cao, và cuối cùng ám chỉ cả ngọn núi Hi Mã Lạp Sơn. Từ thế kỷ thứ VII sau tây lịch, người Trung Hoa dùng chữ Côn Lôn để chỉ tên của một số đảo quốc trong vùng biển phía Nam Trung Hoa, như Mã Lai và Chà Và (Java). Tuy nhiên, khi người Trung Hoa gọi tên các đảo quốc ấy là nước Côn Lôn và người Côn Lôn thì quần đảo Côn Lôn của Việt Nam chưa có tên.
Người Việt gọi Côn Sơn là Côn Lôn hay Côn Nôn, còn người Pháp gọi quần đảo là Poulo Condore. Côn đảo cách Vũng Tàu khoảng 180 cây số. Tuy nhiên, nó chỉ cách cửa sông Cửu Long, chỗ gần nhất là vùng Trà Vinh khoảng 72 cây số mà thôi. Theo các tài liệu thời Pháp thuộc, quần đảo Côn Sơn gồm 16 đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích khoảng 72,2 cây số vuông, và dân số chỉ vào khoảng trên dưới 4.000 người mà thôi. Tuy nhiên, theo Lê Bá Thảo trong “Thiên Nhiên Việt Nam”(2), xuất bản năm 2006, thì diện tích của quần đảo là 67,2 cây số vuông. Quần đảo Côn Sơn mang tên hòn đảo lớn nhất tại đây, đó là đảo Côn Sơn với diện tích khoảng 20 cây số vuông (khoảng chừng 8.000 mẫu), dài 15 cây số, rộng khoảng 3 cây số, có nơi rộng đến 7 cây số. Các đảo Côn Sơn Nhỏ (hòn Bà), hòn Bãi Cạnh, và hòn Cau nhỏ hơn nhiều. Còn nhiều đảo khác bao quanh đảo Côn Sơn, diện tích rất nhỏ, không đáng kể như Hòn Tre Lớn, Hòn Trác, hòn Tai Lợn, vv... Tuy quần đảo Côn Sơn nằm gần vĩ độ 9, nghĩa là ngang với Cà Mau trong đất liền, nhưng ở đây khí hậu rất ôn hòa, vừa ấm áp vừa mát mẻ vì là khí hậu biển. Trên đảo Côn Sơn ngoài nhiều bãi tắm rất lý tưởng, như Bãi Hòn Tre Lớn, Hòn Bảy Cạnh, và các bãi Hàng Dương, Phi Yến, vân vân, còn có khu Vườn Quốc Gia rất đẹp, rộng trên 15.000 mẫu tây, đây là một khu rừng gần như còn nguyên sơ, tập hợp được rất nhiều động thực vật quí hiếm. Trong khu rừng nầy có đầy đủ các loại cây nhiệt đới, từ tre, tràm, đước, mắm, vẹt, đà... với đủ các thứ chim chóc và các loại cá quí hiếm, đặc biệt là vùng nầy hãy còn rất nhiều đồi mồi và vích biển. Riêng loài cá “cúi” (dugon) đã hầu như bị tuyệt chủng trên thế giới, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn còn thấy chúng xuất hiện ở vùng Côn Sơn. Chỉ riêng quần đảo Côn Sơn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đủ đưa danh tiếng của xứ nầy lên hàng đầu về kỹ nghệ du lịch. Phải nói quần đảo Côn Sơn là một thiên đàng du lịch, vì nơi đó có đầy đủ những thứ mà thiên nhiên ban tặng, từ biển, rừng nguyên sơ, đến những khu vườn mát mẻ, luôn có gió biển thổi vào. Tại trung tâm đảo Côn Sơn, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích của những ngôi làng cổ. Mặc dầu chưa có kế hoạch khai quật khảo cổ qui mô nào trên quần đảo Côn Sơn, nhưng dựa vào những dấu tích và các di vật bằng đá, gồm sứ cổ hay bằng kim loại, người ta có thể khẳng định về sự hiện diện của cư dân cổ trên quần đảo nầy. Tại đây có khu mộ vò, cồn Hải Đăng và khu Miếu Bà có qui mô khá rộng. Hiện vật chôn theo bên trong hoặc bên ngoài khu mộ gồm những dụng cụ lao động và đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày như nồi niêu, bình, bát và đồ trang sức. Cũng như các di tích tại vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, các di tích tìm thấy trong các khu mộ tại vùng quần đảo Côn Sơn đều có ảnh hưởng văn hóa Sa Huỳnh.
Quần Đảo Côn Sơn Dưới Thời Nhà Nguyễn:
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí(1), về quần đảo Côn Lôn, từ cửa Cần Giờ tỉnh Gia Định, đi thuyền một ngày một đêm thì tới. Đảo rộng trăm dặm. Triều Nguyễn cho thuộc vào đạo Cần Giờ. Đến đời Minh Mạng thì trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Đảo ở giữa biển, phía đông gần các đảo Đông Trúc và Tây Trúc (?). Đời trước, bọn hải tặc Chà Và làm sào huyệt, mỗi năm chúng nhân gió đông nam đi thuyền vào cướp các châu Giao Ái, đánh chiếm các châu thành và cướp bóc nhân dân. Về sau nầy bản triều đuổi được bọn cướp Chà Và, và kén đinh tráng trên đảo vào đội ngũ phòng vệ. Từ đó về sau cư dân trên đảo mới được yên ổn vì bọn cướp Chà Và không còn dám xâm phạm hải phận của ta nữa. Tàu bè đi từ Hải Nam, Bắc Việt và Gia Định muốn đi Tân Gia Ba đều lấy quần đảo Côn Lôn làm điểm chuẩn. Theo Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2: “Họ Nguyễn(3) lại đặt đội Bắc Hải, không định số người, hoặc là người thôn Tứ Chính phủ Bình Thuận, hoặc là người xã Cảnh Dương, có ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, cho ngồi thuyền câu tư đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn và các cù lao ở Hà Tiên để kiếm lượm những vật của tàu bị chìm, cùng đồi mồi và hải ba mang về. Những người nầy được miễn tiền sưu và các thứ tiền tuần đò.”
Tài Nguyên Thiên Nhiên Và Đặc Sản Trên Quần Đảo Côn Sơn:
Quanh đảo có rất nhiều rùa biển (đồi mồi), yến sào, vít biển, cá hàm hương, trai tai tượng, vân vân. Trên đảo cũng có rất nhiều cây quế. Ngày trước, nghề làm vôi ở Côn Sơn rất thịnh hành, và dưới thời Pháp thuộc thì các cai tù người Pháp chiếm độc quyền khai thác. Sau năm 1975, không biết cư dân trên đảo còn đốt nung các lò vôi lấy nguyên liệu từ san hô nữa hay không? Hiện nay đa số cư dân trên đảo làm nghề đánh cá biển đem về bán cho đất liền. Ngoài ra, một số khác cũng làm vườn và làm rẫy, cũng đủ cung cấp phần nào nhu cầu rau, củ, và quả cho dân địa phương. Phải nói quần đảo Côn Sơn là một trong những nơi còn sót lại của Việt Nam hãy còn một số những động vật quý hiếm như sóc đen Côn Đảo, sóc mun, bồ câu Nicoba, chim gầm ghì trắng, mỹ nhân ngư, và rùa biển. Hiện tại thì hai loại mỹ nhân ngư và rùa biển chỉ còn ở Côn Đảo, Phú Quốc và một số rất ít ở Hà Tiên mà thôi. Riêng rùa biển trong vùng Côn Sơn có những con rất lớn, có con nặng đến mấy chục kí lô. Vào giữa tháng tư đến tháng bảy âm lịch, người ta thường ra những bãi cát nóng để lượm trứng rùa biển. Thịt rùa biển không phổ biến và quí bằng mai rùa, vì người ta dùng mai rùa để làm đủ thứ đồ thủ công mỹ nghệ như quạt, lược, vòng đeo tay, vân vân. Theo các nhà nghiên cứu về sinh vật biển thì loại rùa biển nầy thường quay về chỗ mà nó được sanh ra để làm tổ và sinh sản, và hàng năm số rùa biển đến làm tổ và sinh sản tại quần đảo Côn Sơn rất lớn. Trung bình mỗi con rùa mẹ đẻ khoảng 240 trứng trong một mùa và khoảng 80 phần trăm số trứng nầy được nở thành con. Ngày nay thì ai trong chúng ta cũng đều biết là loài rùa thường có tuổi thọ rất cao, có khi lên tới cả trăm năm. Cũng theo các nhà nghiên cứu thì phải mất 35 năm một con rùa mới đến tuổi thành thục sinh sản được. Còn một loại sinh vật biển quý hiếm khác nữa, đó là mỹ nhân ngư (Dogong Dugon), mà dân địa phương thường gọi là ‘bò biển Côn Đảo’. Đây là một trong những loại sinh vật biển có vú quý hiếm, có chiều dài khoảng từ 2,5 đến 3 mét, và nặng khoảng từ 250 đến 300 kí lô. Mỹ nhân ngư có hình thoi, da dày, lông thưa, chỉ ăn rong biển và cỏ biển mà thôi. Thời Pháp thuộc và VNCH, số lượng mỹ nhân ngư còn rất khá, nhưng sau năm 1975 đến nay, do tình trạng săn bắt bừa bãi nên hiện nay số lượng mỹ nhân ngư còn sót lại ở Côn Đảo và Phú Quốc rất ít.
Trước kia, phía tây nam đảo có nguồn suối nước ngọt mà đa số cư dân ở đây đều đến đó lấy đem về sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, dưới chân các dãy núi lại có những khu đầm lầy và những hồ nước lợ, không uống được, nhưng có thể dùng để tắm giặt. Về sau nầy người ta đào xẻ thêm kinh mương nên phần lớn những khu đầm lầy đã biến thành những khu ruộng lúa nước xanh tươi. Ngày nay đi đâu trên đảo người ta cũng thấy rất nhiều vườn cây ăn trái, những rẫy khoai lang, đậu phộng, khóm, bắp, vân vân. Phải nói ngoài Hòn Khoai ở Cà Mau ra, quần đảo Côn Sơn là một trong những nơi còn sót lại của Việt Nam với những khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, nằm ở vùng giữa đảo lớn, mặc dầu dưới thời Pháp thuộc họ đã tận lực khai thác rất nhiều những loại gỗ quí như sao, dầu, gáo, gụ, mun. Nói về động vật trên đảo, phải kể đến trăn và nưa. Nưa cũng là một loại trăn, nhưng có 9 lổ mũi. Ngoài ra, trên đảo còn có rất nhiều sóc, khỉ, và cắc kè loại lớn, loại nầy để lại vết cắn rất sâu và rất độc. Trên đảo có một ít heo rừng và hầu như không có cọp. Theo La Cochinchine vào năm 1930, có lẽ trong thời gian có trận bão lớn tàn phá trên đảo, rất nhiều heo nhà đã sút chuồng bỏ chạy vào rừng và trở thành loại heo rừng rất hung dữ. Điểm đặc biệt về lý do mà người Pháp đã quyết định lấy Côn Đảo làm trại tù là vì bờ biển quanh đảo có vô số cá mập, nên chuyện tù vượt ngục Côn Đảo thời Pháp thuộc hầu như không thể thực hiện được, hoặc giả nếu có một số tù kết bè để thả trôi vào đất liền đều bị cá mập sát hại. Hiện tại cư dân trên đảo vẫn còn một số người làm nghề câu cá mập, và không biết có bị chánh phủ hiện thời cấm đoán hay không? Ngoài ra, vùng quần đảo Côn Sơn còn có một loài rít biển rất lớn. Theo La Cochinchine vào năm 1883, một cư dân trên đảo đã bắt được một con rít biển dài đến 19 mét.
------------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
***