Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

L'adieu (Guillaume Apollinaire) - Mùa Thu Chết Nhạc Phạm Duy Ca sĩ Julie Quang.



https://www.youtube.com/watch?v=YhLpfKMVBVM
(Mời bấm vào Link trên để thưởng thức Bài Hát)

****

Nghe lại bài hát "Mùa Thu Chết" của Phạm Duy, chợt nhớ bài thơ L'Adieu của
Guillaume Apollinaire. Vội lấy viết ra ghi lại mấy dòng cảm xúc:

                  L'adieu

J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends.
                   Guillaume Apollinaire

Dịch nghĩa

Anh hái một nhánh hoa thạch thảo
Mùa thu đã chết rồi em nhớ cho
Dù chúng ta không còn gặp nhau trên trái đất này

Nhưng vẫn còn đấy thời gian hương thạch thảo
Và em hãy nhớ rằng anh mãi mãi chờ em

Dịch Thơ


                         Chia Ly
1/
       Ngắt cành thạch thảo ngẩn ngơ
      Mùa thu đã chết em chờ mãi sao
           Đời này dẫu cách xa nhau

Nhưng thời gian vẫn ngạt ngào hương hoa
                Đợi em giờ đã có ta.

2/
Anh hái lấy cành hoa thạch thảo
Thu chết rồi em biết hay chăng
Rồi cõi đời mình chịu cách ngăn
Nhưng còn đấy mùi hương đọng lại
Và anh sẽ chờ em mãi mãi.

                                      Quên Đi

***

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Lưu Bình và Dương Lễ


Lưu Bình và Dương Lễ là bạn kết nghĩa với nhau. Cả hai cùng đi học và chơi chung với nhau thân thiết lắm.
Lưu Bình con nhà giàu sang nhưng lại lười biếng không chịu học hành mà chỉ thích ăn chơi. Thi kỳ nào hỏng kỳ đó. Trái lại Dương Lễ rất nghèo nhưng biết phận nên chịu khó học hành đêm ngày. Lưu Bình lại rất tử tế với bạn: Anh ta cho Dương Lễ tiền để mua giấy mực, áo quần, cơm gạo để ăn học.
Đến kỳ, Dương Lễ thi đậu, được làm quan, ở trong dinh có lính hầu canh gác. Trong khi đó Lưu Bình cờ bạc hết tiền, trở nên nghèo đói. Không tiền, không việc, Lưu Bình tìm đến Dương Lễ. Anh nghĩ là lúc xưa đã giúp bạn tiền để ăn học nên Dương Lễ chắc không bao giờ quên ơn đâu. Hơn nữa anh ta là một người bạn rất tốt.
Thế rồi Lưu Bình tìm đến nhà quan Dương Lễ. Anh ta không được phép vào gặp ngay mà phải chờ đợi ở ngoài rất lâu. Sau cùng một lính hầu đưa anh ta đến một căn phòng đặc biệt. Khi ra tiếp đón bạn, Dương Lễ trông rất thờ ơ lạnh nhạt như người xa lạ. Dương Lễ không cho tiền bạc gì cả. Đến khi Lưu Bình than đói bụng thì Dương Lễ mới sai lính hầu cho người bạn một bát cơm nguội đựng trong cái bát mẻ, mấy quả cà thiu, và bắt bạn ngồi ăn dưới đất.
Lưu Bình tức giận thâm gan tím ruột. Khi trở về căn nhà nghèo nàn của anh, anh ta buồn tủi cho số phận mình nên không sao ngủ được đêm hôm đó. Rồi anh ta quyết chí học hành để thi đỗ làm quan cho bằng Dương Lễ. Nhưng than ôi lấy tiền đâu mà mua giấy mực để học bây giờ. Còn áo quần và thức ăn nữa chứ. Anh ta buồn rầu lắm vì không biết giải quyết ra sao.
Một vài ngày sau có một thiếu phụ trẻ đẹp dọn đến ở căn nhà bên cạnh. Nàng buôn bán tơ lụa. Lưu Bình làm quen với nàng và hai người trở nên bạn thân thiết. Nàng bán lụa để giúp chàng ăn học. Lưu Bình học hành ngày đêm. Sau cùng thi đỗ làm quan và Lưu Bình xin cưới nàng.
Khi ở trường thi về nhà thì Lưu Bình không thấy ân nhân của mình đâu cả. Anh ta buồn lắm. Nhưng nghĩ tới Dương Lễ, anh ta muốn cho bạn mình thấy là bây giờ anh ta không kém ai.
Lần gặp gỡ này Dương Lễ lại đón tiếp bạn rất nồng hậu, mời bạn dự yến tiệc thịnh soạn, có đàn ca múa hát để mừng bạn. Khi Lưu Bình còn đang trở lại chuyện cũ để mỉa mai, bấy giờ Dương Lễ mới gọi vợ ra để tiếp rượu bạn. Lưu Bình sửng sốt khi trông thấy Châu Long, người xưa nuôi mình. Thì ra chính vợ của Dương Lễ đã giúp đỡ Lưu Bình ăn học thành tài như ngày hôm nay. Bây giờ Lưu Bình mới hiểu hành động của Dương Lễ ngày trước khi tiếp chàng một cách lạnh nhạt để cho Lưu Bình thấy là anh ta không thể ỷ vào tiền bạc mà sống mãi được. Cho nên Dương Lễ đã không cho bạn một xu, nhưng lại gởi vợ mình đến giúp bạn ăn học. Lưu Bình hiểu rằng mình có được người bạn chí thiết nên mãn nguyện lắm. Từ đó hai gia đình lại càng thân thiết hơn.

***
 

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Lục Thủy - Tùng Thiện Vương



Thơ Tùng Thiện Vương

     淥水                        LỤC THỦY

淥水青山常在,     Lục thủy thanh sơn thường tại,
孤雲野鶴同飛。     Cô vân dã hạc đồng phi.
短艇柳邊客釣,     Đoản đĩnh liễu biên khách điếu,
小橋月下僧歸。     Tiểu kiều nguyệt hạ tăng quy.

Dịch Thơ :
         Nước Biếc
Nước biếc non xanh mãi vậy thôi
Mây đơn hạc nội vẫn song đôi.
Thuyền con bờ liễu ai câu cá?
Cầu nhỏ sư về bóng nguyệt trôi !
                         Mailoc
***
                    Nước Biếc

        Còn đây nước biếc non xanh
  Hạc hoang mây lẻ đồng hành về đâu
     Thuyền neo cạnh liễu khách câu
Dưới trăng nhẹ bước qua cầu bóng sư.
                                     Quên Đi

***

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Lãng Mạn Vùng Cao


Dẹp bao phiền toái thế gian này
Có chút men nồng hứng lắm thay
Kìa suối giữa rừng như trải lụa
Cùng sương quanh núi tựa mây bay
Cảnh tiên ờ nhỉ mau khai bút
Thi tứ kia rồi thả vận ngay
Xướng họa đề thơ vui bạn hữu
Rượu cần vài ngụm thú trong ngày.
                             Quên Đi
***

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Từ Biên Trấn Bình Thuận Đến Tỉnh Bình Thuận P 2



Danh Lam Thắng Cảnh Bình Thuận:

Bình Thuận là tỉnh nằm giữa hai miền Trung và Nam Việt Nam, là một trong những tỉnh với đầy đủ núi đồi, sông ngòi, đồng bằng rừng rậm và biển cả. Vì là miền cuối của dãy Trường Sơn nên trong suốt chiều dài bờ biển của Bình Thuận chạy từ ga Cà Ná(11) xuống tận sông Đu Đủ(12) có nhiều nhánh núi thọc ra biển, tạo nên những mũi có cảnh sắc rất ngoạn mục, đồng thời chính những mũi đá nầy cũng là nơi che chắn gió bảo cho thuyền ghe của ngư dân như Mũi Né, mũi Rơm, mũi Đá, mũi La Gàn, và mũi Kê Gà (Khe Gà), vân vân. Dọc theo bờ biển là những đồi cát và những khu rừng phi lao lúc nào cũng vì vèo tiếng reo của những hàng phi lao trong gió. Ngay cạnh bờ biển là những vùng biển cát trắng với ngư trường dồi dào và rất phong phú tài nguyên biển. Bình Thuận còn có những khu rừng, không hẳn là nguyên sinh, nhưng cũng rất dồi dào về động thực vật của vùng nhiệt đới. Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng có những cánh đồng lúa, tuy không bao la bạt ngàn như miền Tây Nam Phần, và những khu vườn cây ăn trái với đầy đủ các loại hoa quả của vùng nhiệt đới. Đặc biệt, Bình Thuận rất nổi tiếng với những vườn cây thanh long, với hương vị thơm ngon tuyệt hảo. Chính vì thế mà tỉnh Bình Thuận có nhiều danh lam thắng cảnh. Và cũng chính vì thế mà từ năm 1998, tỉnh Bình Thuận đã đứng đầu toàn quốc về số lượng khách du lịch đến tỉnh nầy. Về thiên nhiên, Bình Thuận có nhiều ưu thế như núi rừng, bờ biển, đồi cát, sông hồ, rừng núi tuyệt đẹp. Thêm vào đó, tuy nằm trong vùng nhiệt đới, nhưng ít chịu ảnh hưởng gió mùa đông bắc, nên khí hậu Bình Thuận nóng và khô, tuy nhiên cũng không nóng lắm mà cũng không lạnh lắm, nhiệt độ trung bình khoảng 26 độ C nên rất thích hợp cho việc nghỉ mát. Về giao thông, thành phố Phan Thiết chỉ cách Sài Gòn khoảng 200 cây số và vì có quốc lộ 1A và đường rầy xe lửa chạy ngang qua tỉnh, cũng như các ga xe lửa Mường Mán, Sông Dinh, Sông Phan, Suối Vân, Ma Lâm và Long Thạnh... nên việc đi lại từ Sài Gòn ra Phan Thiết rất thuận tiện. Nhờ đó mà số du khách đến viếng các danh lam thắng cảnh tại vùng Bình Thuận ngày càng gia tăng.


Tại núi Tà Cú, có chùa Linh Sơn Trường Thọ, người dân địa phương thường gọi là chùa Núi Tà Cú. Chùa tọa lạc trên núi Tà Cú, ở độ cao khoảng 460 mét, thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, nằm cạnh quốc lộ 1A, cách Phan Thiết khoảng 28 cây số. Chùa được nhà sư Trần Hữu Đức khai sơn vào cuối thế kỷ thứ XIX. Đây là một trong những thắng tích độc đáo với lối kiến trúc cổ. Cách chùa Linh Sơn Trường Thọ không xa, chỉ khoảng một đoạn dốc và một rừng cây bằng lăng, là chùa Long Đoàn, còn gọi là chùa Dưới. Phía sau chùa Dưới là tượng Đức Phật nhập Niết Bàn.

Đây là pho tượng lớn nhất Việt Nam, được dựng lên vào năm 1963. Cách thành phố Phan Thiết khoảng 65 cây số về phía đông bắc, trong huyện Bắc Bình có một bàu nước lớn tên là ‘Bàu Trắng’, nằm giữa vùng đồi cát mênh mông chen lẫn với những rừng cây thấp. Bàu Trắng tọa lạc trong thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Trong bàu có rất nhiều bông sen nên dân chúng địa phương còn gọi là ‘Bàu Sen’, lại có người gọi là ‘Bàu Ông-Bàu Bà’, vì bàu bị một ngọn đồi nhỏ chia làm hai phần. Dầu nằm giữa vùng đồi cát và biển, nhưng nước trong bàu rất trong và tinh khiết nên được người dân ở đây sử dụng như nguồn nước quí hiếm, nuôi sống họ trong những ngày nắng hạn. Riêng dân chúng xã Hòa Thắng thì coi Bàu Trắng như một bầu sữa nuôi hết mọi người trong vùng. Quanh Bàu Trắng có nhiều thôn làng của người Champa, về phía nam người Champa đã dựng lên ngôi đền để thờ nữ thần Pô Nagar(13). Chính nhờ lượng nước trong Bàu Trắng đã giúp làm dịu mát không khí và cát quanh hồ không bị gió cuốn tung bay như nhiều nơi khác ở Bình Thuận.

Cách thành phố Phan Thiết khoảng 22 cây số về phía đông bắc, trên đường 706, là một dãy những cồn cát tuyệt đẹp của bờ biển Bình Thuận. Du khách có thể đến Mũi Né bằng quốc lộ 706, rồi đi xuyên qua một khu vườn dừa râm mát, cảnh trí gần giống như những khu rừng dừa Hạ Uy Di (Hawaii). Mũi Né là một dãy đồi cát mịn, uốn lượn theo những cơn gió(14). Mùa hè và mùa thu tại Mũi Né có những cây lá màu vàng và màu hồng, có phong cảnh rất giống Âu châu vào mùa thu. Đây là một trong những khu du lịch thu hút nhiều khách vãng lai nhất của vùng biển Bình Thuận. Vùng nầy thu hút du khách không kém bất cứ khu du lịch nào trong nước. Bãi biển vùng Mũi Né tương đối hãy còn nhiều đặc tánh thiên nhiên, sạch sẽ, cát trắng, chạy dài hàng chục cây số, với cảnh sắc thật nên thơ. Nhiều bãi cát hãy còn hoang sơ, như chưa từng có dấu chân người. Đây là nơi lý tưởng để tắm biển cũng như những sinh hoạt thể thao khác. Ngoài ra, chung quanh Mũi Né còn các khu vực du lịch khác như Hòn Rơm, Suối Tiên, khu Lầu Ông Hoàng, và khu Tháp Chàm Pô Shanư. Cách tỉnh lỵ Phan Thiết khoảng 70 cây số theo quốc lộ số 1 đi Phan Rang là thị trấn Phan Rí (ngày nay thuộc huyện Bắc Bình). Cách thị trấn Phan Rí chừng 3 cây số về phía Đông và phía Nam là khu đồi cát Phan Rí. Khu đồi cát ở Phan Rí rộng và cao hơn khu đồi cát Mũi Né. Tuy nhiên, khu Phan Rí có vẻ hoang vu vắng vẻ hơn khu Mũi Né nhiều. Tại đây, những đồi cát cao, sườn cong thoai thoải nối liền đến những đồi cát thấp chung quanh. Rất nhiều đồi cát có hình xoáy trôn ốc trông rất lạ mắt. Có lẽ chỉ duy nhất tại vùng Bình Thuận nầy mới có những đồi cát thật độc đáo, có lẽ vì những trận gió luôn đổi hướng, nên những đồi cát tại đây không bao giờ giữ nguyên hình dạng, mà chúng luôn thay đổi biến hóa thành ra muôn hình vạn trạng. Có khi chúng ta đến đây chỉ cách vài ngày mà hình trạng của những đồi cát đã hoàn toàn thay đổi, không lưu lại bất cứ một dấu vết gì của mấy hôm trước đây. Những sắc thái dị biệt của cả hai khu đồi cát Mũi Né và Phan Rí luôn thu hút những nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam. Tại Sài Gòn, thỉnh thoảng người ta thấy các nhiếp ảnh gia đã cho trưng bày rất nhiều hình ảnh về những đồi cát, như những bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp, có thể nói còn đẹp hơn cả những bức tranh thủy mạc của các danh họa Trung Hoa nữa là khác(15). 


Hiện tại, cách thành phố Phan Thiết khoảng 7 cây số về phía đông bắc, gần một ngọn đồi có tên là Lầu Ông Hoàng, chùa Bửu Sơn(16), và núi Cố nơi có mộ của đốc học Nguyễn Thông. Bên cạnh đó còn có nhóm tháp Pô-Sha-Nư, còn gọi là tháp Phú Hài, nằm trong phường Thanh Hải, thuộc thành phố Phan Thiết. Trong tháp thờ các tiên nữ, con gái của thần mẹ Pô-Nagar. Đây là một trong những tuyệt tác kiến trúc và mỹ thuật của dân tộc Champa có phong cách nghệ thuật Hòa Lai. Nhóm tháp nầy gồm 3 tháp và nhiều phế tháp khác, nay chỉ còn trơ lại phế tích và nền móng mà thôi. Ba ngôi tháp hiện còn đều là những ngôi tháp vuông(17), hướng mặt về biển Đông, tất cả đều có niên đại vào thế kỷ thứ 8. Đến thế kỷ thứ XV, người Champa xây thêm tháp thờ công chúa Pô Sha Nư (con gái của vua Para Chanh), người mà dân Champa rất sùng kính vì nhân đức và phong cách yêu mến và lễ độ mà bà đã dành cho nhân dân Champa. Ngày nay, 3 ngôi tháp này có nhiều chỗ bị thời gian và thời tiết làm hư hoại khá nhiều. Tuy nhiên, từ hơn 100 năm nay(18), chính quyền và nhân dân địa phương đã liên tục phục chế và trùng tu ba ngôi tháp nầy. Vào thời đệ nhất cộng hòa, chánh quyền cũng đã cho trùng tu lại vào khoảng năm 1958. Vào những năm từ 1992 đến 1995, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được nhiều nền móng của những ngôi đền đã bị sụp đổ và vùi lấp hàng mấy thế kỷ qua. Trong lòng các phế tháp bị vùi lấp nầy người ta cũng phát hiện rất nhiều gạch ngói và hiện vật có niên đại từ thế kỷ thứ 15. Ngày nay, hàng năm vào tháng giêng âm lịch, người Chăm cử hành các lễ hội Rija Nưga và Poh Mbăng Yang rất long trọng dưới chân tháp để cầu mưa cũng như những điều tốt lành nhất. Các ngư dân trong vùng, kể cả người Champa lẫn người Việt trong các vùng lân cận thường đến tháp Po Sha Nư cầu nguyện trước khi họ xuất hành đi biển. Bên cạnh khu tháp và các di tích là núi Cố, nơi có mộ của đốc học Nguyễn Thông.

Ngoài ra, cách thành phố Phan Thiết khoảng 60 cây số về phía bắc, tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, còn có nhà lưu giữ những bảo vật của Champa. Ngôi nhà bảo tàng nầy do bà Nguyễn thị Thềm, một hậu duệ của dòng vua cuối cùng của vương quốc Champa, đã dựng lên để lưu giữ những bảo vật của vương quốc Champa. Bộ sưu tập bảo vật nầy gồm đa số những báu vật của vua Pôklông-Mnai và một số ít những báu vật của các vị vua Champa từ nhiều thế kỷ trước. Đáng chú ý nhất là những di vật bằng vàng, gốm vương miện, bông đeo tai và xuyến...Ngoài ra, còn có áo long bào, giày của vua Pôklông-Mnai và hoàng hậu Popia Som. Bộ sưu tập chẳng những nhằm lưu lại những báu vật của các vương triều Champa, mà nó còn phản ảnh nghệ thuật điêu khắc mỹ nghệ của người dân Champa trải qua các triều đại. Cũng tại huyện Bắc Bình, gần quốc lộ 1A, còn có ngôi đền vua Pôklông-Mnai, vị vua cuối cùng vào đầu thế kỷ thứ XVII của vương quốc Champa. Trong đền hiện nay còn 3 pho tượng, một của vua Pôklông-Mnai, và 2 tượng kia là của hai vị hoàng hậu của nhà vua nầy.

Trước năm 1975, mặc dầu đất nước vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, các nhà đầu tư vẫn khai thác nước suối Vĩnh Hảo, vì nước suối nầy có tác dụng chữa những bệnh đường ruột rất cao. Vĩnh Hảo là một con suối nằm trong huyện Tuy Phong, giáp với vùng Ninh Thuận. Theo truyền thuyết, ngày xưa người Champa rất trân quí nước suối Vĩnh Hảo, họ chỉ dùng nước nầy để chế thành một loại nước thơm, chỉ dành riêng trong việc tẩy rửa các tượng thánh mà thôi. Trên bờ biển dài khoảng 50 cây số của vùng Tuy Phong, ngoài khu nghỉ mát Vĩnh Hảo, còn có nhiều khu di tích khác như hòn Lao Câu, khu Gành Sơn, khu Cổ Thạch Tự và tháp Podam.

Giữa hai huyện Đức Linh và Tánh Linh có hồ Biển Lạc. Hồ nầy còn giáp với hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Hồ tọa lạc giữa một khu rừng, có diện tích khoảng trên 1.000 mẫu tây, tuy nhiên, về mùa mưa, mặt hồ rộng trên 3.000 mẫu tây. Quả thật Hồ Biển Lạc là một hồ nước rộng lớn như một cái biển. Chung quanh hồ là rừng núi thanh u, về phía đông là núi Cà Tong, cao khoảng 506 mét, ngọn núi cao sừng sững như đang tự kiêu với mặt hồ thấp thoáng bên dưới. Những khu rừng quanh hồ có hãy còn nguyên sinh với nhiều loại danh mộc như sến, trắc, cẩm lai, giáng hương, vân vân. Trong rừng có vô số chim chóc quí hiếm như trĩ, công... Điểm đặc biệt của vùng Hồ Biển Lạc là đi đâu người ta cũng vô số hoa phong lan với nhiều loại và nhiều màu sắc khác nhau. Vì mặt hồ khá rộng, nên trữ lượng tôm cá cũng như các loài thủy sản khác trong hồ rất dồi dào và phong phú về chủng loại. Về mùa nước nổi, người ta có thể ngồi thuyền lênh đênh trên mặt hồ mênh mông đến độ khiến cho mình có cảm giác như mình đang đi du thuyền trên hồ Thanh Hải bên Trung Hoa hay hồ Possom Kingdom Lake của tiểu bang Texas vậy.

Ngay trong thành phố Phan Thiết hiện nay còn có Vạn Thủy Tú, một trong những ‘vạn’(19) cổ xưa nhất của ngư dân Bình Thuận. Ngày nay, đền thờ “Nam Hải Đại Tướng Quân” trong vạn Thủy Tú tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, được ngư dân địa phương xây dựng lên từ năm 1762, mặt của chánh điện hướng ra biển Đông. Theo truyền thuyết thì lúc mới xây, vạn nằm sát bờ biển, nhưng hiện nay nó nằm cách bờ biển khoảng 100 mét. Từ ngày được xây dựng đến nay, vạn Thủy Tú là nơi lưu trữ nhiều bộ cá Ông nhất trên cả nước. Hiện tại, có trên 100 bộ xương với nhiều bộ trên 200 năm tuổi. Tất cả đều được ngư dân ở đây trân trọng thờ phụng rất trang nghiêm. Bên trong khuôn viên có một voi đất lớn, được dùng để mai táng xác ‘Ông’ theo phong tục và truyền thống của ngư dân biển. Sau khi mai táng 3 năm, người ta mới bắt đầu lấy cốt lên để thờ phụng mà từ địa phương gọi là ‘thương cốt nhập tẩm’. Theo tục lệ địa phương ở đây, hễ ai thấy Ông trước nhất, thì người đó được phép làm trưởng tử của Ông. Người nầy phải lo làm đám tang chu đáo và phải để tang Ông ba năm. Hiện trong Vạn Thủy Tú hãy còn nhiều di sản văn hóa Hán Nôm liên quan đến nghề đi biển qua các câu liễn đối, hoành phi, cũng như những bài văn khắc ở đại hồng chung. Dưới thời nhà Nguyễn, các vua đã ban rất nhiều sắc phong cho Ông trong Vạn Thủy Tú nầy. Hiện tại, vạn Thủy Tú còn lưu giữ 24 sắc phong triều Nguyễn, kể từ các vua Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định, vân vân

Chỉ riêng vua Thiệu Trị, chỉ trị vì từ năm 1840 đến 1847 đã ban cho Vạn Thủy Tú 10 sắc phong thần cho các vị Nam Hải
Nằm sát trung tâm thành phố Phan Thiết là khu những đụn cát Novotel. Sau năm 1975, người ta giải tỏa khu xóm chài nghèo nàn Novotel để biến nó thanh một khu nghỉ mát lớn nhất Phan Thiết, gồm một sân golf rộng trên 60 mẫu tây đất, và một khách sạn cỡ lớn. Ngoài ra, ven vùng thành phố Phan Thiết còn có một suối nước mang tên ‘Suối Tiên’, cách trung tâm thành phố khoảng 18 cây số về hướng đông bắc. Đây chỉ là một con suối nhỏ, chảy quanh sườn đồi vùng Hàm Tiến, băng qua khu vườn dừa xanh mát, rồi vượt qua vùng đồi cát khô trước khi trút nước xuống đất. Lòng suối là những lớp đất sét pha cát với nhiều màu trắng, vàng, đỏ lẫn lộn rất đẹp. 

Ngoài ra, vùng Bình Thuận còn một mũi đá rất nổi tiếng, đó là Mũi Khe Gà, mà dân chúng địa phương gọi trại là Mũi Kê Gà(20). Mũi Khe Gà nằm trong huyện Hàm Thuận Nam. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi về mũi Khe Gà như sau: “Ở phía Tây huyện Tuy Lý, cách 52 dặm sát với biển có những hòn đá lớn ngang ra biển. Ở ngoài có hòn đảo tên ‘Kê Dữ’.” Cách bờ biển khoảng 500 mét có một hòn đảo nhỏ, mà vào những ngày nước ròng, người ta có thể lội ra đảo rất dễ dàng; tuy nhiên, lúc hải triều lên, nhất là lúc có sóng gió thì việc ra đảo rất khó khăn. Khu vực bãi biển mũi Khe Gà rất hiểm yếu, ngày trước thuyền bè qua lại hay bị chìm do không xác định được vị trí, và bị sóng gió tạt vào đá ngầm. Tương truyền, ngày xưa dân đi biển ngang qua vùng nầy đều phải dâng lễ vật cúng vái với ‘Bà Há’, mà người ta tin là một vị Thần Biển, để xin cho qua lại được dễ dàng. Vào cuối thế kỷ thứ 19, người Pháp đã xây trên đảo một ngọn hải đăng(21). Về phía Nam mũi Khe Gà chừng 2 cây số có hòn Bà(22). Theo truyền thuyết, sở dĩ người ta gọi là hòn Bà vì từ nhiều thế kỷ trước, người Champa ở đây đa số làm nghề đánh bắt cá ngoài biển, và vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, họ đã xây trên hòn một ngôi đền thờ nữ thần Pô Nagar để xin ‘Mẹ Xứ’ phù trợ cho những người sinh sống tại vùng nầy cũng như những người phải ra khơi đánh cá luôn được bình yên, phong hòa vũ thuận. Tuy nhiên, với dòng thời gian, ngôi đền cũ đã đổ nát thành phế tích và những pho tượng trong đền đã bị kẻ gian đánh cắp. Đến năm 1969, ngư dân Hàm Tân đã đóng góp để xây dựng lại ngôi đền trên nền cũ, nhưng lại gọi là đền ‘Thiên Y A Na Thánh Mẫu’ và vía Bà theo phong tục và truyền thống Việt Nam hàng năm vào ngày 23 tháng 3 âm lịch; tuy nhiên, vào dịp vía Bà cũng có nhiều người Champa từ các nơi ra đây dự lễ.

Cách thành phố Phan Thiết khoảng 210 cây số về hướng đông là quần đảo Phú Quí, một huyện đảo của tỉnh Bình Thuận. Quần đảo Phú Quí gồm các đảo Phú Quí, Long Hải, cù lao Thu, đảo Tam Thanh, đảo Ngũ Phụng... nằm sát cạnh nhau. Năm 1923, cách phía nam đảo Phú Quí khoảng 22 hải lý, đảo hòn Tro và một hòn đảo thấp nhỏ hơn đột nhiên trồi lên khỏi mặt biển. Hòn tro cao tới 30 mét, trong khi hòn nhỏ chỉ cao khỏi mặt nước biển chưa đầy 5 tấc. Trong vòng vài ba tháng sau, cả hai đều biến mất. Sở dĩ có tên hòn Tro vì đảo được tạo lập bởi tro bụi và dung nham của một núi lửa ngầm phun lên. Sau đó đảo bị sóng gió soi mòn và dòng nước cuốn trôi không còn lại dấu tích(23). Các nhà địa chất học cho rằng từ bờ biển Việt Nam ra tới các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn còn những dãy núi lửa đang hoạt động ngầm dưới đáy biển. Tuy là một đảo nhỏ, chỉ vào khoảng 16,4 cây số vuông, nhưng dân số trên toàn đảo lên tới 22.600 người, với mật độ trung bình khoảng 1.378 người trên một cây số vuông. Trên đảo có một làng chài rất nổi tiếng tên là ‘Vạn An Thạnh’, hiện còn một bộ xương cá voi rất lớn được dân chúng thờ trong đình Thần Nam Hải. Theo sách sử triều Nguyễn thì lưu dân người Việt đã đến sinh cơ lập nghiệp trên đảo Phú Quí ngay từ những thế kỷ thứ XVI và XVII. Vạn An Thạnh được thành lập vào năm Tân Sửu 1781 tại bờ biển xã Tam Thanh, nằm về phía Nam đảo Phú Quí. Đến năm Tân Sửu 1841, một con cá Ông khổng lồ trôi dạt vào bờ biển nầy, được ngư dân vớt lên và mai táng rất trọng thể. Đây là con cá Ông lớn nhất và đầu tiên phải ‘lụy’(24) trên bờ biển của đảo nên được ngư dân lấy ngày Ông lụy làm ngày vía Ông, vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Dưới thời nhà Nguyễn, nhất là thời Gia Long, vì trong thời bôn tẩu, vị vua nầy đã nhiều lần được cá Ông phù trợ, nên khi lên ngôi, vua Gia Long đã phong cho loài cá nầy làm ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’ với sắc phong chính thức của triều đình. Tính đến ngày nay, Vạn An Thạnh đã được thành hình hơn 200 năm và có tới 10 sắc chỉ vua ban với danh hiệu ‘Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân’, tức là những vị tướng ở biển Nam đã giúp cho Nguyễn Ánh thoát nạn trên đảo khi bị quân Tây Sơn truy đuổi. Đến năm 1960, một cá Ông lớn khác, dài trên 25 mét, trôi dạt vào bờ, được ngư dân mai táng rất long trọng, và sau đó họ phát lên rất nhanh nên sự tin tưởng nơi ‘Ông’ càng mãnh liệt hơn. Hiện tại, trên đảo Phú Quí vẫn còn lưu giữ 70 bộ xương cốt của cá ‘Ông’ đủ cỡ lớn nhỏ, lúc nào cũng được ngư dân thờ phụng rất trang nghiêm. Ngoài khơi huyện Tuy Phong, cách vùng bờ biển Liên Hương khoảng 9 cây số, có một cù lao với diện tích khoảng 10.000 mét vuông, đó là cù lao Cau(25). Ngày trước, muốn ra cù lao Cau chỉ có con đường duy nhất là phải ra bãi Cà Ná; ngày nay người ta có thể dùng thuyền máy từ các bến Cà Ná, Vĩnh Hảo, Bình Thuận, hay Phước Thể; tùy theo nơi xuất phát mà thời gian đến có mau hay chậm, tuy nhiên, thời gian trung bình khoảng 40 phút là có thể đến cù lao. Trên cù lao có hàng chục ngàn khối đá nhẵn với hình dạng và màu sắc khác nhau, mà từ ngoài biển ngó vào trông giống như những đàn chim cánh cụt(26) vậy. Theo cư dân vùng Phước Thể, thì xưa kia dân Champa đã xây dựng trên cù lao một ngôi đền thờ nữ thần Pô Nagar để xin ‘Mẹ Xứ’ phù trợ cho những người sinh sống tại vùng nầy cũng như những người phải ra khơi đánh cá. Tuy nhiên, qua dòng thời gian, hiện nay không còn dấu tích nào của ngôi đền thờ nầy trên cù lao. Đến khi người Việt đặt chân lên sinh sống trên đảo, người ta đã xây trên đảo ngôi đền thờ ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’ và lễ vía Ông diễn ra rất trang nghiêm vào những ngày 15 và 16 tháng 4 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những vùng giàu hải sản nhất của tỉnh Bình Thuận, trong đó có những loài hải sinh vật quí hiếm. Chính vì vậy mà cù lao Cau được chọn làm địa điểm bảo tồn sinh vật biển của tỉnh Bình Thuận. Trên cù lao có một cái giếng nhỏ tên là ‘Giếng Tiên’, do nước từ khe đá liên tục rỉ ra; tuy số lượng không lớn, nhưng cũng đủ giúp cho ngư dân trên cù lao dùng làm nước trong sinh hoạt hàng ngày. 
Điểm đặc biệt là quốc lộ 1 chạy qua 5 huyện duyên hải của tỉnh Bình Thuận(27), khiến cho việc giao thông đi lại giữa Bình Thuận và các miền khác rất thuận tiện. Chính nhờ vậy mà vùng Bình Thuận được xem như là một trong những điểm dừng chân nghỉ ngơi lý tưởng trên tuyến đường dài từ Nam ra Bắc. Thêm vào đó, trên tuyến đường sắt Bắc-Nam có nhiều ga quan trọng nằm trong địa phận tỉnh Bình Thuận, như ga Mường Mán, ga Sông Dinh, ga Sông Phan, ga Suối Vân, ga Ma Lanh, và ga Long Thạnh, vân vân. Những ưu điểm vừa kể có thể là những điểm thuận lợi nhất cho việc phát triển kỹ nghệ du lịch tại tỉnh Bình Thuận nếu chúng ta khéo biết xây dựng và khai thác những lợi điểm nầy.
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html



***

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

Câu Đối: Thi Ca Và Bạn Hữu


Nét chấm phá thi nhân tăng cảm xúc
Câu vui đùa Bạn hữu đậm tình thân


Câu Đối: Quên Đi

Tranh Câu Đối: Kim Oanh

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Lá Chết

(Phỏng Dịch theo  "Les Feuilles Mortes" của Jacque PréVert
                     
    Chuyện chúng mình chắc em còn nhớ
          Đôi bạn tình từ thuở thiếu thời
          Tháng năm thật đẹp trong đời
     Nay vầng dương ấm đã rời còn đâu
        Lá vàng úa nát nhầu từng đống
       Anh còn mê ôm mộng ngày nao
              Lá khô lại cứ gom vào
Mơ về kỷ niệm ngọt ngào luyến thương
    Gió cuốn trôi gió phương bắc thổi
        Đêm rét về lạnh mỗi riêng ta
            Nhớ lần em đã ngân nga
   Làm sao quên được bài ca gieo tình
           Lời ca ấy đưa mình gần lại
       Chuyện lứa đôi ước mãi kề bên
        Cầu cho hạnh phúc vững bền
  Đôi ta đắm đuối bỏ quên tháng ngày
        Làm sao biết đời này suôn sẻ
    Luôn chia lìa những kẻ đang yêu
          Ví như biển cả sớm chiều
   Âm thầm xoá hết bao điều cát lưu
    Từng bước mỏi sầu ưu đeo nặng
          Lá úa vàng lại lặng lẽ rơi
      Tiếc thương kỷ niệm chẳng rời
Yêu nhau thầm hứa một lời thuỷ chung
     Ôi cuộc sống vô cùng hạnh phúc
     Nàng diễm kiều cuốn hút hồn ta
            Sao em lại muốn anh xa
  Thời gian tươi đẹp mặn mà bên nhau
     Nắng sáng hồng mai sau khó thể
         Em dịu hiền anh để vào tim
             Tình ca đâu đã dễ tìm
     Như bài hát cũ nào im trong lòng
                               Quên Đi phỏng dịch

*** 

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Bà Chúa Bèo



Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ có một cô bé hiền lành, chịu thương chịu khó. Một ngày cô ngồi ở bờ ruộng lặng nhìn những cây lúa nghẹn đòng ở ruộng nhà. 
Cô thương cho lúa và lo cho gia đình mình. Năm nay mất mùa thì lại bữa cơm bữa cháo! 
Cô nhìn cánh đồng làng rộng thẳng cánh cò bay. Ðất bạc màu, lúa ốm yếu, xanh một màu vàng vọt.
Cô thương cho lúa và lo cho làng xóm. Năm nay mất mùa thì lại có người chết đói! 
Cô ôm mặt khóc. Bỗng Bụt hiện ra sáng lòa, hỏi: 
– Tại sao con khóc? 
Cô bé vừa mếu máo vừa thưa: 
– Con khóc vì con thương cây lúa nghẹn đòng. 
– Nhưng nước mắt của con có làm cho cây lúa trổ bông, sây hạt được đâu? 
Nghe Bụt nói thế, cô bé càng khóc to hơn. Bụt lại hỏi: 
– Con có muốn cứu lúa không? 
– Dạ, có. 
– Muốn cứu lúa, thì con phải đưa cho ta một vật gì con quý nhất.  
Cô bé nhìn áo mình thì áo nâu vá, sờ vào túi thì túi nhẵn không, nhòm vào giỏ thì giỏ chỉ có mấy con cua vừa mới bắt được. Sực nhớ đến đôi hoa tai bằng ngọc quý, cô vội gỡ ra, rồi hai tay dâng lên Bụt:
– Thưa Bụt, con chỉ có đôi bông tai hoa dâu, mẹ con trước khi chết đã trao lại. Mẹ con dặn rằng: “Bông hoa tai ngọc này là của quý của dòng họ ta đấy”. 
Nói đến đây, cô bé ngừng lại. Bụt giục nói tiếp. Cô bé nhìn đôi hoa tai lóng lánh: 
– Mẹ con còn bảo: “Dòng họ có lời nguyền hễ ai được đeo hoa tai mà làm mất hoặc đem bán đi, thì người đó suốt đời sẽ bị dòng họ xa lánh, hắt hủi, suốt đời sẽ sống một cuộc sống lẻ loi, buồn tủi”. 
– Con đưa cho ta vật quý, con không sợ bị trừng phạt sao? 
Nhìn ruộng lúa nhà mình, nhìn cánh đồng làng, cô bé mạnh dạn thưa: 
– Ðể cứu lúa, con xin chịu trừng phạt. 
Cô bé quỳ xuống, hai tay dâng đôi hoa tai lên cho Bụt. Bụt nâng cô bé dậy, chỉ vào một đám ruộng nước, bảo: 
– Con hãy ném đôi hoa tai bằng ngọc quý này xuống ruộng kia! 
Cô bé làm ngay theo lời Bụt. Lạ chưa! Bông hoa tai sáng rực lên một mầu xanh rồi chìm xuống nước. Sau đó nổi lên một cây bèo hình hoa dâu, giống hệt hoa tai của cô bé. 
Bụt bảo: 
– Con hãy nhân cây bèo lên hàng triệu triệu cây mà bón cho lúa. Lúa sẽ xanh, hết nghẹn đòng, sây hạt, nặng bông. Con xuống ruộng, đụng vào cây bèo đi! Khi nào con làm cho cánh đồng làng này xanh tốt, dòng họ sẽ rút lời nguyền cho con. 
Dứt lời, Bụt biến mất. Cô bé xuống ruộng, đụng vào cây bèo xanh mượt. Hễ đụng vào một cây hóa thành hai, đụng vào hai cây, hóa thành bốn, đụng vào bốn cây, hóa thành tám. Thoạt đầu, cô lấy một ngón tay đụng vào bèo, dần dần lấy cả năm ngón tay rồi cả bàn tay mà nhân bèo. Cô mải mê làm đến chiều tối, bèo đã xanh kín cả ruộng. Hôm sau, cô lại đem một ít bèo sang ruộng bên cạnh, và cứ thế nhân lên. 
Ruộng nào có bèo hoa dâu, thì lúa xanh tốt, mập khỏe hẳn lên. Dân làng thấy thế, ai cũng mừng rỡ và cùng cô bé ra sức nhân bèo. Chẳng bao lâu, cả cánh đồng mênh mông được phủ một lớp bèo hoa dâu xanh mượt. 
Mùa năm ấy, lúa chín vàng trĩu hạt. Dân làng chung quanh thấy bón bèo hoa dâu lúa tốt, đến mua giống. Bèo hoa dâu dần dần lan rộng ra nhiều làng, nhiều huyện. 
Một hôm, bố nhìn hai tai cô bé, hỏi: 
– Ðôi hoa tai ngọc của con đâu rồi? 
Cô bé cúi đầu, ngập ngừng, rồi kể hết cho bố nghe câu chuyện cô ngồi Khóc thương lúa và gặp Bụt. Bố cảm động, ôm con vào lòng, nói: 
– Bụt nói đúng. Dòng họ, dân làng nhờ con mà được ấm no, dòng họ sẽ bỏ lời nguyền, và thương con, yêu con mãi mãi. Ngày nay, không phải chỉ có một đôi hoa tai làm đẹp cho một người mà có hàng triệu triệu hoa tai làm cho mọi người ấm no. 
Người ta kể lại rằng: sau khi cô chết, để tỏ lòng nhớ ơn cô, dân làng La Vân, tỉnh Thái Bình lập đền thờ và gọi cô là: “Bà Chúa Bèo“.

Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Mất Nhau


Trời Vĩnh Long có còn ấm không em
Ta tiễn nhau sao nắng rũ bên rèm
Rồi mai đây một mình nơi đất khách
Như mây ngàn lặng lẽ chốn trời xa
Nhìn tuyết rơi em nhớ gì không nhỉ
Hay đã quên cái nóng ở quê nhà
Và cũng sẽ quên thời gian cũ kỹ
Để đi tìm những mới mẻ phương nao
Trời Vĩnh long buồn chán lắm hay sao
Nên có kẻ bỏ qua vùng kỷ niệm
Khi quay lưng vứt dĩ vãng êm đềm
Và thay đổi sắc đời nơi xứ khác
Anh đờ đẫn nhìn trời đêm ngơ ngác
Nghe muông trùng đang rên rỉ từng cơn
Như tiếng than theo gió của ai hờn
Anh cảm nhận mình chia ly mãi mãi.
Cảnh nơi này nào khác cảnh năm xưa
Sao không thể níu chân người ở lại
Nói gì thêm khi hồn đà tê tái
Mất thật rồi giờ thật đã mất nhau.
                                    Quên Đi


Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Từ Biên Trấn Bình Thuận Đến Tỉnh Bình Thuận P1

 
Cư Dân Bình Thuận:

Mặc dầu trong toàn tỉnh Bình Thuận ngày nay có trên 30 sắc dân cư trú; tuy nhiên, đông đảo nhất là 6 sắc dân: Việt, Champa, Hoa, Raglai, Koho, và Tày. Trong số nầy, dầu không đông như người Việt, nhưng người Champa luôn tạo cho vùng Bình Thuận một sắc thái hết sức đặc biệt. Tỉnh Bình Thuận xưa kia là lãnh địa của vương quốc Champa, nên dầu ngày nay vương quốc ấy không còn nữa nhưng cư dân Champa hiện vẫn còn trú ngụ trong địa bàn tỉnh Bình Thuận rất đông. Vào năm Đinh Sửu 1697, khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào Bình Thuận thiết lập bộ máy hành chánh, thì tại đây đang có rất nhiều cư dân bản địa người Champa, với các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như các đền miếu, cả Ấn Độ giáo lẫn Hồi giáo. Ngay sau khi nền hành chánh Việt Nam được thiết lập, rất nhiều cư dân Việt Nam và người Hoa đổ xô về Bình Thuận lập nghiệp. Người Việt sống tập trung ở các vùng ven biển, một số làm rẫy, số còn lại thì làm nghề đánh cá biển. Trong khi đó, người Hoa thì sống tập trung tại các vùng đô thị, đa số làm nghề trao đổi mua bán. Còn người Champa thì sống tập trung thành từng làng, một số làm ruộng, số khác làm các ngành nghề thủ công nghệ như gốm sứ hay dệt thổ cẩm. Đặc biệt, nếp sống của người Champa tại Bình Thuận rất khép kín, họ không muốn sống hòa nhập với các cộng đồng người Việt hay người Hoa. Thêm vào đó, hai bên đường vào làng của người Champa có nhiều vườn nho nối dài, bên trong làng chung quanh mỗi nhà đều có một bức tường đá hay tường gạch bao bọc, khiến cho nếp sống của người Champa càng trở nên khép kín hơn. Người con gái Champa khi đến tuổi thành hôn, lấy chồng phải ra ở riêng, nhưng chỗ ở mới cũng nằm trong khuôn viên của đại gia đình theo truyền thống từ bao đời nay. Theo thống kê năm 2009, tổng dân số Bình Thuận vào năm 2009 đã lên đến 1.136.773 người.

Di Tích Lịch Sử Của Tỉnh Bình Thuận:
Ngay khi còn trực thuộc vương quốc Champa, Bình Thuận đã là một vùng đất nổi tiếng là chốn rừng tiền biển bạc. Đến khi Bình Thuận được sáp nhập vào triều đình xứ Đàng Trong vào năm 1693, triều đình chiêu mộ lưu dân từ các vùng biển “Ngũ Quảng” của miền Trung(5) tới Bình Thuận để khai phá những vùng đất hãy còn hoang vu, vì bị người Chăm bỏ phế lâu ngày. Những lưu dân từ Ngũ Quảng đến đây đã thành lập những khu “Vạn Chài” ven biển. Một trong những khu “Vạn Chài” lớn nhất và giàu nhất tại Phan Thiết trước năm 1975 là khu Vạn Thủy Tú, một làng đánh cá nằm ngay cửa sông Mường Mán. Đây là một trong những “Vạn Chài” cổ xưa nhất của tỉnh Bình Thuận, nằm trên bến Ngư Ông, thuộc phường Đức Thắng. Có thể nói, lịch sử của Vạn Thủy Tú cũng là lịch sử thành hình của vùng Phan Thiết-Bình Thuận. Dinh Vạn Thủy Tù được xây dựng vào năm 1762, theo tập tục thì hàng năm Vạn Thủy Tú có bốn lần cúng vía chính(6) như “Tế Xuân”, “Hạ Nghệ”, “Tế Thu”, và “Mãn Mùa”. Hiện tại, tại Vạn Thủy Tú còn lưu giữ nhiều bộ xương cá ông, trong đó có một bộ rất lớn đã được dân địa phương bảo quản kỹ càng trên 200 năm nay, theo các nhà khảo cổ học, thì đây là bộ xương cá ông lớn nhất vùng Đông Nam Á. Tại Vạn Thủy Tú còn lưu giữ nhiều bản sắc phong của các đời vua, trong đó có bản hơn 150 năm tuổi, và một chuông đồng được đúc năm Tự Đức thứ 25. Đây là một trong những di tích lâu đời nhất trong lịch sử mở đất về phương Nam của dân tộc Việt Nam.

Về phía Nam của Bình Thuận, trong khu rừng Bầu Cát, thuộc xã Tân Hải, huyện Hàm Tân, cách thành phố Phan Thiết chừng 70 cây số về hướng Đông Bắc, còn có Dinh Thầy Thím, cũng đã được xây dựng lâu đời. Theo truyền thuyết, dưới thời các chúa Nguyễn có hai vợ chồng vị quan nọ bị kết án oan và bị chôn tại đây. Từ đó dân chúng trong vùng luôn chứng kiến sự hiển linh của “Thầy Thím” (dân trong vùng gọi hai ngôi mộ nầy là mộ Thầy Thím), và người ta thường thấy một đôi hổ thường xuất hiện nằm bên mộ của Thầy Thím. Đến năm Thành Thái thứ 18 (1906), nhà vua hạ chỉ xóa án cũ và truy phong cho Thầy Thím là “Chí Đức Tiên Sinh” và “Chí Đức Nương Tôn Thần”. Sau đó dân địa phương tôn kính Thầy Thím như thành hoàng của làng, nên lập đền thờ. Từ đó đến nay Dinh Thầy không ngớt khói hương vì chẳng những dân địa phương sùng bái mà khách thập phương cũng rất tôn kính uy danh của Thầy Thím. Trong quận Tuy Phong, xã Bình Thạnh, các Phan Thiết khoảng 100 cây số về hướng Nam, có một ngôi Cổ Thạch Tự, nằm sâu trong núi, còn được dân địa phương gọi là Chùa Hang. Theo lịch sử Phật Giáo thì ngôi chùa nầy do Thiền sư Bảo Tạng khai sơn vào năm 1835, dưới thời vua Minh Mạng.

Trong thôn Phú Mỹ(7), quận Tuy Phong có một ngôi miễu có tên là ‘Miễu Bà Chúa’. Tương truyền ‘Bà Chúa’ là công chúa vương quốc Champa. Kể từ năm 1653 thì vương quốc Champa chỉ còn lại phần đất từ sông Phan Lang, tức sông Cả trở vào đến vùng La Gi (Bình Thuận). Tuy nhiên, đến năm 1693 thì vương quốc nầy mất hẳn và phần lãnh thổ còn lại cũng bị bị sáp nhập vào xứ Đàng Trong. Trong 40 năm sau cùng nầy người Champa phải hai lần dời đô, lần đầu dời về Quang Hoa (quận An Phước), và lần sau cùng vua Bà Tranh dời đô về Phan Rang, rồi mất ngôi tại đây. Người ta không biết bà công chúa nầy là con của vị vua nào, và bà phạm tội gì mà phải bị đày ra một hải đảo xa xôi như vậy. Theo các kỳ lão người Champa tại Phan Thiết thì bà công chúa nầy sanh ra vào hậu bán thế kỷ thứ XVII, bà đã đến hải đảo nầy và sống chung với một số dân chày tại đây. Khi bà qua đời, dân chày thương mến nên lập miễu thờ bà. Họ tin tưởng nhờ nơi sự hộ trì của bà mà họ đã thoát được rất nhiều tai nạn trên biển. Ngày nay, hàng năm dân chày tại đây cử hành lễ cúng tế bà rất long trọng trong suốt tháng tư âm lịch.

Khi tới Bình Thuận, nhìn vào cách kiến trúc nhà cửa là mình có thể biết ngay khu đó của sắc dân nào. Kiến trúc nhà cửa của người Champa xưa được coi là có mỹ thuật, nổi bật với những tháp xây bằng đất đỏ nung, chịu nắng chịu mưa rất bền. Kỹ thuật chạm trổ Champa rất điêu luyện với những đường nét của văn hóa Sa Huỳnh cổ kín. Hiện nay, tại thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình hãy còn lưu giữ rất nhiều những di vật của triều đại các vua Champa cuối cùng, đặc biệt là những di vật bằng vàng như vương miện, bông tai, vòng xuyến, và áo bào của vua Pô Klong Mơh Nai và hoàng hậu Pô Bia Sơm. Hiện tại, tại thôn Thanh Hiếu, xã Thanh Hiệp, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết chừng 68 cây số, có ngôi đền thờ vua Pô Nít. Vua Pô Nít là một trong những vị vua cuối cùng của vương quốc Champa. Ông lên ngôi năm 1603, đến năm 1613 thì nhường ngôi cho em trai là Pô Chai Pran. Trước đây, đền được xây dựng trên một ngọn đồi cát bên cạnh sông Cái, đoạn nối dài của sông Lũy, cũng giống như đền thờ vua Pô Klong Mơh Nai, trong thời chiến tranh chống Pháp, đền bị phá hủy nên về sau nầy người ta dời đền về vị trí hiện nay. Tổng thể ngôi đền có ba gian giống như một ngôi chùa Việt Nam; ngôi giữa thờ tượng vua Pô Nít, tượng được chạm trổ hết sức tinh vi, tượng được đặt trên bệ thờ có hình yoni(8), và tượng vua Pô Nít tựa lưng vào là biểu tượng của một linga(9); gian bên cạnh là tượng thờ của một bà hoàng hậu người Champa tên Pô Mưk Cha, kế đó là tượng thờ của một bà hoàng hậu người Việt(10), cùng một số người trong hoàng tộc; gian bên kia thờ một phiến đá, tượng trưng cho một vị tướng tên Pô-Kay, người theo đạo Hồi. Tại đền thờ vua Pô Nít hầu như hàng năm có rất nhiều lễ hội. Trong các lễ hội đều có lễ rước sắc phong của triều Nguyễn, lễ tắm tượng, và lễ ca múa hát cho người Champa. Đến kỳ lễ hội, người ta thấy đồng bào Champa từ khắp nơi thường hay ăn mặc trang phục rực rỡ, hội tụ về đây dự lễ. Riêng tại đồi cát Lương Bình, xã Lương Sơn, cách huyện Bắc Bình khoảng 15 cây số, và cách thành phố Phan Thiết khoảng 50 cây số về hướng bắc, hiện còn đền thờ vua Pô Klong Mơh Nai, một trong những vị vua cuối cùng của vương quốc Champa. Vua Pô Klong Mơh Nai lên ngôi khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, đến năm 1627 thì nhường ngôi cho con rể là Pô Klong Ga Hul. Vào thế kỷ thứ XIX, ngôi đền nầy bị cháy, nhưng sau đó đã được đồng bào Champa tại đây xây dựng lại để thờ phụng, lần trùng tu mới nhất là vào năm 2001. Ngày nay, hàng năm cứ vào ngày lễ hội Katê, vào tháng 7 lịch Champa, hậu vệ của vua Pô Klong Mơh Nai hợp cùng với đồng bào Champa khắp nơi hội tụ về đây tổ chức những lễ cổ truyền Champa.
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

***

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Đêm Gặp Hồn Thơ


 Thơ Quên Đi
Thiết Kế Tranh H.H.Đức

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Kim Tỉnh Oán - Thơ Tùng Thiện Vương

Thơ Tùng Thiện Vương

  金井怨               KIM TỈNH OÁN

美人照金井,   Mỹ nhân chiếu kim tỉnh,
井底華顏冷。   Tỉnh để hoa nhan lãnh.
空房夜不歸,   Không phòng dạ bất quy,
月轉梧桐影。   Nguyệt chuyển ngô đồng ảnh.
Dch nghĩa :
Người đẹp soi giếng vàng 
Đáy giếng lộ ra dung nhan lạnh nhạt 
Phòng không đêm không (dám) về (ngủ) 
Trăng chuyển bóng ngô đồng
Dịch Thơ :
     Nỗi Oán Nơi Giếng Vàng
Giếng vàng người đẹp mặt gương soi,
Đáy nước dung nhan thấy kém rồi.
Trở lại phòng không đêm chẳng dám
Ngô đồng bóng chuyển ánh trăng lơi.
                                    Mailoc
 Giếng vàng người đẹp soi
Dung nhan kém tươi rồi,
Phòng không về chẳng dám
Ngô đồng bóng trăng lơi.
                    Mailoc

***
KHÚC OÁN THAN NƠI GIẾNG VÀNG

(1)
Người đẹp soi gương mặt giếng vàng
Thấy mình tiều tụy mảnh dung nhan
Đêm về phòng chiếc khôn yên giấc
Nhìn bóng ngô đồng trăng tỏa lan.

(2)
Mỹ nhân soi mặt giếng vàng
Nhìn trong đáy nước dung nhan héo tàn
Phòng đơn đêm lạnh bẽ bàng
Ngô đồng soi bóng mơ màng dưới trăng.
                    Phương Hà phỏng dịch
***
CHÚ THÍCH :
 * Kim Tỉnh : Giếng vàng, là giếng của các nhà quyền qúy, trên mặt miệng giếng có dát vàng. Trong Kiều khi chuyển mùa Nguyễn Du cũng đã viết :
                     Thú quê thuần hức bén mùi,
                 Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.

 * Hoa Nhan : là dung nhan của tuổi hoa niên, chỉ nét mặt son trẻ.

DIỄN NÔM :
                    Người đẹp soi giếng vàng,
                    Dưới giếng dung nhan lạnh.
                    Phòng không cũng chẳng màng,
                    Trăng soi ngô đồng ảnh.

 Lục Bát :
                Săm soi người đẹp giếng vàng,
                Lạnh lùng nhan cắc ngỡ ngàng tái tê.
                Phòng không đêm chẳng buồn về,
                Ánh trăng lay động đã xê ngô đồng !
     
                                             Đỗ Chiêu Đức
***
                Kim Tỉnh Oán

     Giếng vàng người đẹp thay gương
Nhìn từ mặt nước má hường nhạt phai
       Phòng không đêm vắng thiếu ai
Ngô đồng bóng chiếc ngã dài theo trăng
                                       Quên Đi

***

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Sự Tích Cây Chuối


Ngày xưa, rất xưa, cứ ba năm một lần. Thần Cây lại mở cuộc thi cây. Các con của Thần, cứ ba năm một lần, lại mang về những giống cây mới để Thần chấm giải. Lần thi ấy, người con út của Thần Cây tên là Tiêu Lá vừa lấy vợ và Sinh được đứa con trai đầu lòng rất xinh đẹp. Tiêu Lá yêu quý con, suốt ngày cứ ngắm nó mãi không chán. Một hôm, đang ngắm con, Tiêu Lá bỗng nảy ra cái ý định sẽ tạo nên một giống cây vừa bụ bẫm và xinh đẹp như con vừa có thể cho con nhiều thứ vui chơi và có quả ngon thơm nuôi con chóng lớn. Tiêu Lá nghĩ ra một giống cây hoàn toàn mới lạ. Thân của nó sẽ tròn trĩnh như tay chân của con, mát mẻ như da thịt của con. Lá của nó sẽ không nhiều nhưng rất to và nhìn giống như những cái lông chim khổng lồ buộc túm lại xòe ra bốn phía. Lên năm, lên sáu, con có thể bẻ từng lá che đầu đi chơi không sợ mưa, không sợ nắng. Quả của cây sẽ giống như ngón tay con trẻ và sẽ xếp thành dài dọc theo sống lá. Đến lúc chín quả sẽ thơm ngọt như có mùi sữa và mật quyện vào nhau. Con lớn lên chỉ cần với tay là hái được quả, bóc lấy mà ăn.

Nhưng có một điều đáng lo ngại là năm đó tự nhiên có một con chim ác xuất hiện. Nó to lớn, lông rằn ri như vảy rắn. Từ một nơi nào đó rất xa bay đến, nó chuyên lấy cắp những hạt giống của các thứ cây quý rồi bay đi. Vậy thì làm thế nào để cho giống cây mới của mình không bị con chim ác kia đánh cắp được? Tiêu Lá bèn nghĩ ra cách không cho giống cây mới Sinh ra cây con bằng hạt mà Sinh ra từ gốc, từ củ. Để trêu con chim ác, Tiêu Lá vẫn cho quả giống cây có hạt, nhưng hạt ấy dù có gieo xuống đất, có chăm sóc mấy, nó cũng chẳng bao giờ nảy mầm và Sinh ra cây con.

Con chim ác hình như đoán biết điều ấy. Nó bèn tìm cách phá hoại cây. Những quả đầu tiên của giống cây quý Tiêu Lá đã tạo nên, vừa đón đủ nắng để chín thì con chim ác đã bay tới. Nó chỉ bay tới trong đêm. Cái mỏ to quặm và sắc nhọn của nó mổ phá ngay những quả quý của Tiêu Lá. Tiêu Lá giận lắm. Đêm đến, Tiêu Lá cứ thức và rình chộp bắt cho được con chim ác nọ. Nhưng nó cũng tinh khôn vô cùng. Nó đánh hơi rất tài. Biết có Tiêu Lá rình nấp và đang thức, nó chỉ bay vụt qua rồi biến mất. Nhưng khi chàng vừa chợp mắt ngủ quên là nó đã lao đến mổ phá những quả quý kia ngay… Tiêu Lá đành phải cố thức suốt cả đêm. Có một lần, vừa chợt tỉnh giấc. Tiêu Lá đã suýt chộp được con chim ác nọ. Không may cho Tiêu Lá là chàng chỉ chộp được một túm lông và con chim ác đã vẫy vùng bay thoát. Nhưng từ đó, nó rất sợ hình dáng cái bàn tay của Tiêu Lá chộp nó. Tiêu Lá đoán biết được điều này và lập tức chàng nảy ra một ý định mới. Chàng sẽ không cho những quả cây quý ấy xếp dọc từng quả một theo gân lá nữa. Chàng sẽ xếp chúng lại thành từng khóm, giống hệt hình các bàn tay xòe ra như để sẵn sàng vồ lấy con chim ác. Và những bàn tay bằng quả ấy, cứ xếp xoay tròn, bàn này ở trên, bàn kia ở dưới, nối tiếp nhau…

Con chim ác quả nhiên không dám bay đến phá phách nữa. Mà hình dáng những quả cây quý xếp theo cách ấy nhìn cũng rất đẹp rất vui, vì nó giống như bàn tay của con trẻ đang xòe múa. Tiêu Lá rất vui lòng. Con trai của chàng cũng rất thích. Tiếng trống báo mùa thi cây đã đến, vang lừng khắp cả gần xa. Những người anh của Tiêu Lá từ các nơi đã lục tục mang cây về dự giải. Thôi thì đủ các hình dáng, đủ các màu sắc, đủ các hương vị, cây to, cây nhỏ, quả ngọt, quả chua… Tiêu Lá là người mang cây đến sau cùng nên giống cây của chàng được xếp ở hàng cuối. Đến sáng ngày thi, Thần Cây râu tóc bạc trắng, tươi cười từ trên núi cao đi xuống. Thần rất vui mừng vì kỳ thi này tất cả ba mươi sáu người con của Thần đều đủ mặt và người nào cũng đều mang những giống cây mới về dự. Thần Cây dừng lại trước từng giống cây một, nghe từng người dự giải nói về cái hay, cái quý của giống cây mình mới tạo nên. Thần Cây càng xem càng vui, nét mặt cứ rạng rỡ lên vì công trình của các con mình.

Nhưng phải đến lúc đứng trước giống cây rất mới lạ, vừa xinh đẹp, vừa mang đầy tình yêu thương con trẻ của Tiêu Lá, Thần Cây mới ha hả cười to lên và tuyên bố Tiêu Lá được giải nhất. Cây ấy là cây Chuối ngày nay. Nhưng tại sao lại gọi là Cây Chuối thì có lẽ vì lần ấy, hỏi xem cây nào được giải nhất, ai cũng đáp: Cây cuối! Cây cuối! (tức là xếp ở hàng cuối) nên sau này đọc chệch ra, tiếng cuối biến dần thành tiếng chuối. Còn vì sao mà những “bàn tay” chuối đến nay không phải chỉ có năm ngón, năm quả mà có khi đếm đến hàng chục, hàng hai chục thì điều ấy rất dễ hiểu: thấy các em ưa thích ăn chuối, nên các bàn tay chuối cứ tự động sinh thêm ngón, thêm quả cho các em vui lòng. Và đó cũng là một cách cây muốn tỏ ra mình rất hiểu bụng người đã tạo nên cây. Đó là lòng yêu con, yêu trẻ của Tiêu Lá, người con út của Thần Cây
 
Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

Theo truyencotich.vn