Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Về Miền Tây Bài 7


Mãi đến đầu thế kỷ thứ 18, tuy người Việt đã sinh sống khắp Nam Việt, nhưng hãy còn một dãy đất rộng lớn nằm giữa hai sông Tiền và sông Hậu cũng như vùng Thất Sơn giáp đến Cần Thơ vẫn còn trực thuộc vương triều Cao Miên. Đến năm 1759, quốc vương Chân Lạp là Nặc Ông Tôn nhờ chúa Nguyễn đem quân sang trợ giúp chống lại quân Xiêm đang lăm le dòm ngó. Sau khi đuổi quân Xiêm ra khỏi bờ cõi Chân Lạp, vua Nặc Tôn bèn dâng phần đất Tầm Phong Long gồm năm tỉnh bây giờ là Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long và Trà Vinh lên chúa Nguyễn. Kể từ đó, toàn bộ Nam Kỳ đã thuộc về Chúa Nguyễn, và đất nước Việt Nam, dù bị Trịnh Nguyễn xâu xé, là một dãy đất chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Từ đó các chúa Nguyễn cho sáp nhập toàn vùng Châu Đốc, Long Xuyên và Trà Vinh vào dinh Long Hồ. Như vậy, thuở đó dinh Long Hồ là một trong ba dinh lớn của vùng Nam Kỳ. Đến đời Minh Mạng thứ 13 thì nhà vua chia Nam Kỳ ra làm 6 tỉnh. Tỉnh Vĩnh Long lúc ấy gồm hầu như toàn bộ đất đai trực thuộc dinh Long Hồ xưa, phía Đông Bắc giáp tỉnh Định Tường, Đông Nam giáp biển Đông, Tây Nam giáp tỉnh An Giang. Sau khi Pháp chiếm xong toàn bộ Nam Kỳ, chúng chia Vĩnh Long ra làm bốn tỉnh là Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, và Tam Cần (một phần của quận Trà Ôn và một phần của thành phố Cần Thơ và tỉnh Cần Thơ sau này).
Hiện tại thì Vĩnh Long chỉ còn là một tỉnh nhỏ nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, cách Sài Gòn khoảng 136 cây số và tổng số diện tích khoảng 1.487 cây số vuông. Địa đầu của thị xã Vĩnh Long là vùng Mỹ Thuận, giao điểm của quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) và quốc lộ 53 (đi về Sa Đéc), là đầu mối giao thông quan trọng giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Đây là một vùng châu thổ đã được thành hình lâu đời, mặt đất ở đây bằng phẳng nhưng không cao hơn mặt nước biển trung bình là bao nhiêu, chỉ vào khoảng từ 1 đến 2 thước (khoảng từ 3 đến 6 bộ Anh), thậm chí có nơi chỉ cao bằng mực nước biển mà thôi. Địa thế Vĩnh Long như một cù lao, Bắc giáp sông Tiền, Tây Bắc giáp Cái Tàu, Nam giáp sông Hậu, Tây Nam giáp Cần Thơ, Đông Nam giáp Trà Vinh. Diện tích toàn tỉnh hiện nay khoảng chừng 159.584 mẫu, vào khoảng 1.487 cây số vuông (dựa theo bản đồ phân chia ranh giới tỉnh dưới thời đệ nhị Cộng Hòa vào năm 1967), gồm 7 quận: Châu Thành, Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, Chợ Lách, Bình Minh và Cái Nhum (Minh Đức). Sau năm 1975, hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh được nhập làm một với tên Cửu Long, nhưng những năm về sau này thì lại tách ra làm hai tỉnh như cũ. Hiện một phần của quận Chợ Lách thuộc tỉnh Bến Tre.

Dưới thời các Chúa Nguyễn, Vĩnh Long từng có tên Long Hồ Dinh, rất rộng lớn, bao gồm các vùng đất Vĩnh Long ngày nay, một phần phía Nam của Bến Tre và Gò Công, Trà Vinh, Trấn Giang (bây giờ là Cần Thơ), Trấn Di (bây giờ là Bạc Liêu), Châu Đốc, Long Xuyện, một phần của Rạch Giá và Cà Mau. Vào thuở đó, đất Nam Kỳ chỉ gồm có 3 dinh và 1 trấn là Trấn Biên dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh (Gia Định), Long Hồ dinh (Vĩnh Long), và Hà Tiên trấn. Ngày đó, thị xã Vĩnh Long hiện nay giống như Cần Thơ bây giờ, đã từng là trung tâm văn hóa, chánh trị và quân sự của dinh Long Hồ hay cả miền Tây (ngoại trừ Hà Tiên trấn). Ngay như Cần Thơ xưa cũng chỉ là một huyện của dinh Long Hồ mà thôi. Sau những cuộc thư hùng giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn, vào năm 1786, dinh Long Hồ thuộc quyền kiểm soát của Tây Sơn. Đến năm 1787, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, kéo đại quân về tiến chiếm Tiền Giang và Hậu Giang cũng như toàn bộ dinh Long Hồ. Dù quân Xiêm bị quân của Nguyễn Huệ đánh tan tát ở Rạch Gầm Xoài Mút, nhưng nhà Tây Sơn phải kéo toàn quân về ngăn giặc xâm lăng phương Bắc (do Lê Chiêu Thống cầu viện và Nguyễn Ánh gửi giúp 500 xe lương thực), nên Nguyễn Ánh lại kéo quân về đánh chiếm Bãi Tiên (bên kia sông tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ), rồi ổn định vùng dinh Long Hồ và biến nơi đây thành kho lương cho cuộc tranh giành giang sơn về sau này. Sau khi Nguyễn Ánh đã thu phục cả miền Nam thì đổi tên miền Nam thành đất Gia Định và chia ra làm 4 dinh: Phiên Trấn (Gia Định), Trấn Biên (Biên Hòa), Vĩnh Trấn (Long Hồ) và Trấn Định.
Tỉnh Vĩnh Long được khai phá từ năm 1732, khi các chúa Nguyễn bắt đầu dựng dinh Long Hồ. Thủ phủ lâu đời nhất của dinh Long Hồ được đặt tại thôn Long Hồ (khoảng tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ). Đến năm 1804, vua Gia Long đổi Long Hồ thành Vĩnh Thanh Trấn, chỉ bao gồm Vĩnh Long và An Giang, gồm phủ Định Viễn và 4 huyện Định Viễn, Vĩnh An, Tân An và Vĩnh Định, các vùng Rạch Giá và Cà Mau thì sáp nhập vào Hà Tiên Trấn. Vị Tổng Trấn đầu tiên của Vĩnh Thanh Trấn là cụ Nguyễn văn Nhân (1801-1805). Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) thì nhà vua đổi Vĩnh Thanh trấn làm Vĩnh Long trấn, gồm 4 phủ có 8 huyện: phủ Định Viễn gồm 2 huyện Vĩnh Bình và Vĩnh Trị, phủ Hoằng An gồm 2 huyện Tân Minh và Duy Minh, phủ Hoằng Trị gồm 2 huyện Bảo Hựu và Bảo An, phủ Lạc Hóa gồm 2 huyện Tuân Nghĩa và Trà Vinh. Tên Vĩnh Long được giữ đến ngày nay, dù diện tích có khi bị thu hẹp hay nới rộng thêm ra. Ngay sau khi Tổng Trấn Gia Định là Lê văn Duyệt qua đời thì vua Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng Trấn và đổi các trấn ra làm tỉnh, chia đất miền Nam ra làm 6 tỉnh là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Từ đó mới có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ranh giới giữa các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Hà Tiên thì vẫn giữ như cũ, riêng tỉnh An Giang thì lấy đất Tân Châu, Châu Đốc và 2 huyện của phủ Định Viễn cũ. Như vậy dưới thời Minh Mạng, tỉnh Vĩnh Long đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Năm Minh Mạng thứ 7, Vĩnh Long đã có Học Xá do quan Đốc Học điều khiển. Vào các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Vĩnh Long không có thay đổi gì đáng kể về mặt địa lý. Dưới thời Tự Đức, về hành chánh thì có Tổng Đốc Long Tường trông coi hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường, thủ phủ đặt tại tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ. Sau khi Pháp tiến chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) thì Vĩnh Long trở thành tuyến đầu của ba tỉnh miền Tây. Vua Tự Đức phái cụ Phan Thanh Giản vào làm Kinh Lược Sứ 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên), bản doanh đặt tại tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ. Những người không chịu sống chung với Pháp thì tản cư qua 3 tỉnh miền Tây, hãy còn do triều đình kiểm soát. Bấy giờ Vĩnh Long nghiễm nhiên trở thành tỉnh địa đầu của Nam Kỳ. Nhưng rồi sau đó vào năm 1867, quân ta thế cô sức yếu và vũ khí thô sơ, nên 3 tỉnh miền Tây cũng lại thất thủ và rơi vào tay giặc Pháp. Từ đó về sau này, về mặt địa đồ hành chánh, Vĩnh Long có lúc thay đổi, có lúc Sa Đéc thuộc Vĩnh Long, có lúc lại tách ra làm tỉnh riêng. Đến thời đệ nhị Cộng Hòa, Sa Đéc lại được tách ra làm tỉnh.
Sông Cửu Long chảy đến Châu Đốc thì phân ra làm hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang. Đến Vĩnh Long, sông Tiền chia làm nhiều nhánh và chảy ra biển bằng 6 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Còn sông Hậu nằm về phía Nam Vĩnh Long cũng chảy ra biển bằng 3 cửa: Định An, Ba Thắc và Tranh Đề (chính vì thế mà gọi là Cửu Long hay chín con rồng). Vĩnh Long có cái may mắn là được nằm ngay giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang nên khí hậu rất ôn hòa, đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Trên thì bạt ngàn đồng lúa và vườn cây ăn trái xanh tươi quanh năm, dưới nước thì cá tôm dẫy đầy trong các kinh rạch, nên đời sống vật chất của dân chúng rất phong phú, có lẽ cũng chính vì vậy mà tánh tình dân Vĩnh Long cũng rất phóng khoáng, thuần hậu và hiền hòa.
 

Có thể nói Vĩnh Long là tỉnh vùng châu thổ sông Cửu Long với kinh rạch chằng chịt nhau. Đặc biệt là khi người Pháp vừa lấn chiếm xong Nam Kỳ, họ đã cho đào những con kinh mới mà trước kia chỉ là những lạch nước nhỏ như kinh Bocquét, kinh Lộc Hòa, kinh Đội Hổ, kinh Phó Tế, kinh Ruột Ngựa (còn gọi là Kinh Cụt). Mục đích chính của họ khi cho đào những con kinh này không phải với hảo ý là để dẫn thủy nhập điền nhằm tăng thu hoạch cho dân ta đâu, mà mục đích chính của họ là đào thêm kinh với đường nước rộng rãi để tàu bè của họ có thể đến tận những nơi xa xôi mà thu chở lúa cho dễ dàng. Nhưng rồi theo luật đào thải, họ chỉ đè đầu đè cổ dân ta được một thời gian thôi, còn thì nước vẫn tiếp tục từ những dòng kinh đó tuôn chảy vào những cánh đồng ủng phèn, biến những nơi này thành những cánh đồng trù phú bạt ngàn.
Như trên đã nói, Vĩnh Long là vùng đất hiền hòa, từ nhân văn đến khí hậu. Trong lịch sử, Vĩnh Long ít khi bị bão tố hay lụt lội hạn hán vì nhờ có nhiều sông rạch. Ngày trước khi dân cư hãy còn thưa thớt và đất đai phì nhiêu thì người ta chỉ cần làm mỗi năm một mùa lúa cũng dư ăn dư để, thường thì gieo mạ vào tháng 6, cấy tháng 8 và gặt vào tháng giêng. Ngày nay với đà dân số tăng nhanh, người dân các nơi chứ không riêng gì Vĩnh Long, ai nấy đều phải làm lúa thần nông, có khi đến hai hay ba vụ một năm. Nói rằng Nam Kỳ là vựa lúa cho cả nước cũng không phải là quá đáng, tuy nhiên, không phải vùng nào của Nam Kỳ cũng đều trù phú như nhau. Có những vùng như Đồng Tháp, U Minh Thượng và U Minh Hạ, đa phần đất đai ở những vùng này hãy còn quá trũng và úng quá nhiều phèn, nên chỉ có những loại cây như tràm, mắm, giá là có thể mọc được mà thôi. Dù Vĩnh Long nằm trong trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, mặt đất lại không cao so với mực nước biển, nhưng ít khi Vĩnh Long bi nạn lũ lụt như những tỉnh An Giang, Châu Đốc và Đồng Tháp, vì Vĩnh Long có cái may mắn là sông rạch và kinh nước chằng chịt như mạng nhện, nên nước từ sông Cửu Long đổ xuống bao nhiêu cũng được thẩm thấu bởi hệ thống sông, kinh, rạch này. Chẳng những vậy, nhờ những kinh rạch này mà vùng Vĩnh Long được sông Cửu Long bồi đắp rất nhiều phù sa hơn nhiều vùng khác trong vùng châu thổ. Và cũng chính vì thế mà Vĩnh Long là quê hương của rất nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam như nhãn, xoài, mít, ổi, mận, cam, quít, sầu riêng, măng cụt, sa bô chê, chôm chôm, vân vân. Bên kia sông Tiền Giang là cù lao An Bình (An Thành) chạy dài về Đồng Phú, gồm bốn xã là An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú. Đất đai thật màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, với những vườn cây ăn trái say oằn quanh năm. Dân cư trên cù lao đã trải qua bao đời nên ai cũng an cư lạc nghiệp. Trên khắp cù lao, ngoài những vườn cây ăn trái xanh tươi và những ao nuôi cá (nhiều nhất là cá tai tượng), thấp thoáng chúng ta cũng nhìn thấy những vườn hoa được chăm bón kỹ lưỡng, từ mai chiếu thủy, mai vàng, lài, lan, đến các loại cúc, hồng... Ngoài ra, quận tại Bình Minh, bên cù lao Mỹ Hòa, cách thị xã Vĩnh Long chừng 30 cây số, dân tại đây chuyên trồng bưởi năm roi, một loại bưởi nổi tiếng ngon nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong thời Tây Sơn hưng khởi thì Vĩnh Long cũng như toàn thể đất Nam Kỳ đều chịu chung số phận làm con dân hai chủ. Hễ anh em Tây Sơn kéo quân vào thì Nguyễn Ánh bỏ chạy về vùng Cà Mau hay Phú Quốc, hoặc qua Xiêm. Đến lúc anh em Tây Sơn phải kéo quân về Bắc để diệt Trịnh hay để chống giặc Thanh thì Nguyễn Ánh lại kéo quân về cát cứ vùng Gia Định. Cứ thế mà trò chơi cút bắt này lập đi lập lại làm cho dân tình ngày càng điêu đứng hơn. Có thể nói khắp các miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, không có nơi nào là không có vết chân bôn tẩu của Nguyễn Ánh, từ Cần Giờ, Giồng Tài (Bến Tre), Ba Vát, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Cà Mau, vân vân. Nói gì thì nói, không ai trong chúng ta phủ nhận công ơn khai mở đất đai của các chúa Nguyễn, nhưng đất nước này nào phải của riêng ai. Nếu không có sức chịu đựng và lòng nhẫn nại của tiền nhân chúng ta thì thử hỏi các chúa Nguyễn đã tiến được đến đâu về phương Nam? Thế mà một người trong dòng họ của các chúa Nguyễn, chỉ vì muốn giành giựt lại giang sơn trong tay nhà Tây Sơn, nên hết rước Xiêm, rước Tàu, rồi rước Tây về dày xéo mả tổ, chỉ với một mục đích duy nhất là giành lại giang sơn, để rồi đưa đất nước chúng ta đến chỗ điêu linh đồ thán, mà mãi cho đến ngày hôm nay hậu quả vẫn còn tàn phá đất nước và dân tộc. Chính Nguyễn Ánh đã nợ quá nhiều người dân Nam Kỳ trong suốt thời kỳ bôn tẩu để lẩn trốn nhà Tây Sơn, thế mà khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã quay mặt, nếu không nói là không ban cho đất Nam Kỳ một đặc ân nào, ngay cả chuyện xây thành đắp lũy để phòng thủ bảo vệ vùng đất đã từng cưu mang Nguyễn Ánh. Rồi các vua chúa Nguyễn triều về sau này chẳng những cứ y như vậy mà đối xử với đất và người Nam Kỳ, mà còn có phần khắc khe hơn những nơi khác nữa, khiến sau này đã xãy ra không biết bao nhiêu là cuộc tao loạn khác như chuyện xiềng mã Tả Quân Lê văn Duyệt và sau đó Lê Văn Khôi uất ức nổi lên làm loạn chẳng hạn. Thôi thì chuyện lịch sử hãy để cho lịch sử sau này phê phán, bây giờ chúng ta trở lại chuyện Nam Kỳ mến yêu của chúng ta.
Về di tích lịch sử tại Vĩnh Long, nếu kể từ thời còn mang tên Long Hồ dinh thì thôi quá nhiều. Tuy nhiên, cũng có nhiều di tích quan trọng ngày nay đã hoàn toàn mất dấu như Thành Long Hồ, nằm trọn trên khoảng đất mà ngày nay là phường một của thị xã Vĩnh Long, cửa hậu day ra sông Cổ Chiên, cửa tiền quay về phía Cầu Lầu, cửa tả quay ra sông Long Hồ, còn cửa hữu thì hiện nay người ta gọi là “Cây Da Cửa Hữu.” Ngoài ra, xưa kia còn có hai đồn khác trấn giữ sông Cổ Chiên, một nằm về phía Đông của Bãi Tiên là đồn Vĩnh Tòng, và một là đồn Vàm Tuần ở xóm Vĩnh Mỹ Thành, ngày nay đã bị phù sa bồi đắp mất. Tuy nhiên, thành cũ đồn xưa đã hoàn toàn bi giặc Pháp phá hủy sau trận lấn chiếm 3 tỉnh miền Tây năm 1867. Hiện tại thì di tích Cây Da Cửa Hữu vẫn còn một nền đất cao và một ngôi miếu nhỏ mà dân địa phương gọi là “Miếu Bảy Bà.” Ngày trước cửa hữu rộng khoảng 4 công đất, bốn phía là ao vũng sình lầy. Bên kia sông Tiền Giang, đối mặt với Cầu Tàu Vĩnh Long là chùa Tiên Châu (thuộc địa phận cù lao An Thành). Chùa do Hòa Thượng Đức Hội xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ thứ 19 trên một khu đất rộng rải. người dân địa phương còn gọi là chùa Di Đà hay chùa Tô Châu.
Cách tỉnh lỵ Vĩnh Long chừng một cây số có một cây cầu hãy còn tên gọi Cầu Lầu, dù cầu Lầu ngày xưa đã không còn mà thay vào bằng một cây cầu đúc, nhưng danh từ Cầu Lầu vẫn là danh từ thân thương đặc biệt của người dân đất Vĩnh vì nơi đây đã từng có cây Cầu Lầu bằng ván ghi lại dấu vết của thành Vĩnh Long thuở xa xưa. Đây cũng là chòi canh chính dòm ra dòng sông Long Hồ. Ngày xưa cầu được lót bằng ván bên dưới cho khách bộ hành, khoảng giữa cầu có 4 cây cột cao, bên trên là chòi canh, lợp bằng ngói âm dương, bốn vách đều có lỗ châu mai. Cầu Lầu và Cầu Lộ bây giờ ngày xưa là hai cửa của thành Vĩnh Long, là những nơi quan yếu nhứt trong thành. Bên kia rạch Cầu Lầu là rạch Cá Trê chảy vào làng Phước Hậu. Ngay đầu Cầu Lầu và con đường dọc theo bờ sông đi về xóm lò Rèn là ngôi chợ Chiều. Chợ chỉ nhóm vào buổi chiều nên gọi là chợ chiều. Ông bà già xưa kể lại, chính tại xóm lò rèn này là nơi mà cựu trào dùng để đúc binh khí cho binh lính. Nhưng khi người Pháp chiếm Vĩnh Long, họ đã phá hủy Cầu Lầu và làm lại bằng cầu bê tông cốt sắt. Ngày xưa con đường từ Cầu Lầu đi về ngã ba Long Hồ, là huyết mạch chính nối liền Vĩnh Long Trà Vinh nên xe cộ đông đúc và sinh hoạt tấp nập, nhưng ngày nay đã thưa thớt xe chạy vì đã có lộ cầu Vồng lớn hơn nối liền Liên Tỉnh Lộ Vĩnh Long Trà Vinh. Năm 1864, cụ Phan Thanh Giản sai quan Đốc Học Nguyễn Thông xây dựng Văn Thánh Miếu, đến năm 1865 thì xây xong. Hiện nay khu di tích Văn Thánh Miếu vẫn còn ở phường 4 thị xã Vĩnh Long, phía Bắc ngó ra sông Long Hồ. Đây là một trong số rất ít văn miếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ ngoài đi thẳng vào trong nội điện (ba gian hai chái trông rất cổ kính) là nơi thờ Đức Khổng Phu Tử, chứng tỏ ảnh hưởng Nho giáo rất sâu đậm vào thời nhà Nguyễn. Ngay khi bước vào cổng phía bên phải là Văn Xương Các, nơi thờ các cụ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản là những người có công đối với nền giáo dục Khổng Mạnh của nước nhà thời bấy giờ. Trên giữa đường đi vào Văn Miếu có bia ký ghi lại tiến trình xây dựng Văn Miếu. Thường thì giữa tháng 2 và tháng 8 âm lịch thì Văn Miếu có tổ chức hai ngày lễ hội truyền thống. Văn Thánh Miếu chẳng những là một di tích văn hóa, mà còn là một điểm son, nơi một thời là điểm hội tụ của các nhà cách mạng yêu nước, nói là hội họp tao đàn, chứ thật ra là họp bàn phương án chống trả giặc Tây. Đối diện với Văn Thánh Miếu, bên kia sông Long Hồ là đình Long Thanh, nay thuộc phường 5 thị xã Vĩnh Long, cách trung tâm thị xã chừng 3 cây số. Ngôi đình được xây dựng trước thời các chúa Nguyễn chính thức làm chủ vùng đất này. vào khoảng năm 1720 tại vùng này có nhiều người Việt sinh sống lẫn lộn với người Khmer, nên các quan Nam triều thời bấy giờ đã cho xây dựng ngôi đình để dân chúng có nơi tụ họp sinh hoạt lễ hội. Đình Long Thanh là một trong những ngôi đình cổ nhất tại miền Nam còn tồn tại đến ngày nay. Ngoài ra, ở ấp Đông Phú, xã Ngãi Tứ, quận Trà Ôn, hiện còn ngôi chùa Phước Hậu, được xây dựng từ hậu bán thế kỷ thứ 18. Vào các năm 1895 và 1910, thiền sư Hoàn Chỉnh từ Quảng Ngãi vào trùng tu và trụ trì tại đây. Sau đó năm 1939 Hòa Thượng Khánh Anh trùng tu lại. Từ năm 1961 đến năm 1972, Hòa Thượng Thiện Hoa trụ trì tại đây. Thiền Sư Thích Thanh Từ, một thiền sư nổi tiếng thời cận đại là một trong những đại để tử của Thầy Thiện Hoa. Hiện nay tại quận Tam Bình còn một ngôi chùa cổ rất lớn, đó là chùa Kỳ Sơn, được xây vào khoảng năm 1812. Đây là ngôi chùa chính làm nơi sinh hoạt và lễ hội của người Việt gốc Miên tại quận Tam Bình. Ngoài ra, ở Vũng Liêm còn có chùa chùa Vũng Liêm hay chùa Sanghamangala, nhiều tài liệu cho thấy đây là ngôi chùa Miên cổ nhất còn tồn tại. Chùa được xây vào năm 1339. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá nên năm 1964 và 1974 chùa được hai lần trùng tu. Ngay tại thị xã Vĩnh Long còn có những chuađược xây vào đầu hay giữa thế kỷ 20 như chùa Long Viễn, chùa Viên Giác, chùa Giác Thiên, chùa Pháp Hải, và tịnh xá Ngọc Viên. Bên cạnh những ngôi chùa cổ, Vĩnh Long còn có một nhà thờ chánh tòa rất lớn, được Đức Cha Ngô Đình Thục xây dựng vào năm 1957, và Thánh Thất Cao Đài nằm đối diện với trường Trung Học Nguyễn Thông (nay là trường Lê Quý Đôn).                   

(Chương Vĩnh Long Phần Đầu - Trang 33-35)

Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Quí Vị mở Link bên dưới:

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét