Trong tiếng Việt chúng ta xử dụng tất cả 1270 âm tiết với dấu hỏi hoặc với
dấu ngã, trong đó có 793 âm tiết (chiếm 62%) viết dấu hỏi, 477 âm tiết
(38%) viết dấu ngã. Việc nắm được quy luật dấu hỏi và dấu ngã của lớp từ
láy và lớp từ Hán Việt sẽ giúp ta giảm được nhiều lỗi chính tả.
I. Từ láy và từ có dạng láy:
• Các thanh ngang (viết không có dấu) và sắc đi với
thanh hỏi, ví dụ như: dư dả, lửng lơ, nóng nẩy, vất vả...
• Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã,
ví dụ như: tầm tã, lững lờ, vội vã, gọn ghẽ...
Quy tắc từ láy chỉ cho phép viết đúng chính tả 44 âm tiết dấu ngã sau đây:
ã | ầm ã, ồn ã |
sã | suồng sã |
thãi | thưà thãi |
vãnh | vặt vãnh |
đẵng | đằng đẵng |
ẫm | ẫm ờ |
dẫm | dựa dẫm, dọa dẫm, dò dẫm |
gẫm | gạ gẫm |
rẫm | rờ rẫm |
đẫn | đờ đẫn |
thẫn | thờ thẫn |
đẽ | đẹp đẽ |
ghẽ | gọn ghẽ |
quẽ | quạnh quẽ |
kẽo | kẽo kẹt |
nghẽo | ngặt nghẽo ?? |
nghễ | ngạo nghễ |
nhễ | nhễ nhại |
chễm | chiễm chệ |
khễng | khập khễng |
tễng | tập tễnh |
nghễu | nghễu nghện |
hĩ | hậu hĩ |
ĩ | ầm ĩ |
rĩ | rầu rĩ, rầm rĩ |
hĩnh | hậu hĩnh, hợm hĩnh |
nghĩng | ngộ nghĩnh |
trĩnh | tròn trĩnh |
xĩnh | xoàng xĩnh |
kĩu | kĩu kịt |
tĩu | tục tĩu |
nhõm | nhẹ nhõm |
lõng | lạc lõng |
õng | õng ẹo |
ngỗ | ngỗ nghịch, ngỗ ngược |
sỗ | sỗ sàng |
chỗm | chồm chỗm |
sỡ | sặc sỡ, sàm sỡ |
cỡm | kệch cỡm |
ỡm | ỡm ờ |
phỡn | phè phỡn |
phũ | phũ phàng |
gũi | gần gũi |
hững | hờ hững |
(Hoàng Phê, 2).
Ngoài ra còn có 19 âm tiết dấu ngã khác dùng như từ đơn tiết mà có dạng
láy ví dụ như:
cãi cọ
giãy giụa
sẵn sàng
nẫu nà
đẫy đà
vẫy vùng
bẽ bàng
dễ dàng
nghĩ ngợi
khập khiễng
rõ ràng
nõn nà
thõng thượt
ngỡ ngàng
cũ kỹ
nũng nịu
sững sờ
sừng sững
vững vàng
ưỡn ẹo
Cần phải nhớ cãi cọ khác với
củ cải, nghĩ ngợi
khác với nghỉ ngơi, nghỉ học.
Như vậy quy tắc hài thanh cho phép viết đúng chính tả 63 âm tiết dấu ngã.
Ngoài ra còn có 81 âm tiết dấu ngã dưới đây thuộc loại ít dùng:
Ngãi, tãi, giãn (dãn), ngão, bẵm, đẵm (đẫm), giẵm
(giẫm), gẵng, nhẵng, trẫm, nẫng, dẫy (dãy), gẫy (gãy), nẫy (nãy), dẽ, nhẽ
(lẽ), thẽ, trẽ, hẽm (hẻm), trẽn, ẽo, xẽo, chễng, lĩ, nhĩ, quĩ, thĩ, miễu,
hĩm, dĩnh, đĩnh, phĩnh, đõ, ngoã, choãi,doãi, doãn, noãn, hoãng, hoẵng,
ngoẵng, chõm, tõm, trõm, bõng, ngõng, sõng, chỗi (trỗi), giỗi (dỗi), thỗn,
nỗng, hỡ, xỡ, lỡi, lỡm, nỡm, nhỡn, rỡn (giỡn), xũ, lũa, rũa (rữa), chũi,
lũi, hũm, tũm, vũm, lũn (nhũn), cuỗm, muỗm, đuỗn, luỗng, thưỡi, đưỡn,
phưỡn, thưỡn, chưỡng, gưỡng, khưỡng, trưỡng, mưỡu (Hoàng Phê, 3).
Tôi để ý thấy rất nhiều lỗi chính tả ở những âm tiết rất thường dùng sau
đây: đã (đã rồi), sẽ (mai sẽ đi), cũng (cũng thế), vẫn
(vẫn thế), dẫu (dẫu sao), mãi (mãi mãi), mỗi, những, hễ (hễ nói là lam),
hỡi (hỡi ai), hãy, hẵng.
Cũng có những trường hợp ngoại lệ như:
1. Dấu ngã: đối đãi (từ Hán Việt), sư
sãi (từ Hán Việt), vung vãi (từ ghép), hung hàn (từ Hán Việt), than vãn,
ve vãn, nhão nhoét (so sánh: nhão nhẹt), minh mẫn (từ Hán Việt), khe khẽ
(so sánh: khẽ khàng), riêng rẽ, ễng ương, ngoan ngoãn, nông nỗi, rảnh rỗi,
ủ rũ . . .
2. Dấu hỏi: sàng sảy (từ ghép), lẳng
lặng, mình mẩy, vẻn vẹn, bền bỉ, nài nỉ, viển vông, chò hỏ, nhỏ nhặt, nhỏ
nhẹ, sừng sỏ, học hỏi, luồn lỏi, sành sỏi, vỏn vẹn, mềm mỏng, bồi bỏ, chồm
hổm, niềm nở, hồ hởi . . . (Hoàng Phê, 4).
II. Từ Hán Việt:
a) Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là:
• Ch-: chuẩn, chỉ, chỉnh, chủ, chuẩn, chủng, chuyển, chưởng.
• Gi-: giả, giải, giảm, giản, giảng, giảo.
• Kh-: khả, khải, khảm, khảng, khảo, khẳng, khẩn, khẩu, khiển,
khoả, khoản, khoảnh, khổ, khổng, khởi, khuẩn, khủng, khuyển, khử.
• Và các từ không có phụ âm đầu như: ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu,
ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.
b) Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là:
• D-: dã, dẫn, dĩ, diễm, diễn, diễu, dĩnh, doãn, dõng, dũng, dữ,
dưỡng.
• L-: lãm, lãn, lãng, lãnh, lão, lẫm, lễ, liễm, liễu, lĩnh, lõa,
lỗi, lỗ, lũ, lũng, luỹ, lữ, lưỡng.
• M-: mã, mãi, mãn, mãng, mãnh, mão, mẫn, mẫu, mỹ, miễn.
• N-(kể cả NH-NG): nã, não, ngã, ngãi, ngẫu, nghĩa, nghiễm,
ngỗ, ngũ, ngữ, ngưỡng, nhã, nhãn, nhẫn, nhĩ, nhiễm, nhiễu, nhỡn, nhũ,
nhũng, nhuyễn, nhưỡng, noãn, nỗ, nữ.
• V-: vãn, vãng, vẫn, vĩ, viễn, vĩnh, võ, võng, vũ.
c) 33 từ tố Hán-Việt có dấu ngã cần ghi nhớ
(đối chiếu với bản dấu hỏi bên cạnh):
Bãi: bãi công, bãi miễn. | |
Bảo: bảo quản, bảo thủ. | Bão: hoài bão, bão ho |
Bỉ: bỉ ổi, thô bỉ | Bĩ: vận bĩ, bĩ cực thái lai |
Cưỡng: cưỡng bức, miễn cưỡng | |
Cửu: cửu trùnh, vĩnh cửu | Cữu: linh cữu |
Đãi: đối đãi, đãi ngộ | |
Đảng: đảng phái | Đãng: quang đãng, dâm đãng |
Để: đại để, đáo để, triệt để | Đễ: hiếu đễ |
Đỗ: đỗ quyên | |
Hải: hải cảng, hàng hải | Hãi: kinh hãi |
Hãm: kìm hãm, hãm hại | |
Hãn: hãn hữu, hung hãn | |
Hãnh: hãnh diện, kiêu hãnh | |
Hoãn: hoãn binh, hoà hoãn | |
Hổ: hổ cốt, hổ phách | Hỗ: hỗ trợ |
Hỗn: hỗn hợp, hỗn độn | |
Huyễn: huyễn hoặc | |
Hữu: tả hữu, hữu ích | |
Kỷ: kỷ luật, kỷ niệm, ích kỷ, thế kỷ | Kỹ: kỹ thuật, kỹ nữ |
Phẫn: phẫn nộ | |
Phẫu: giải phẫu | |
Quẫn: quẫn bách, quẫn trí | |
Quỷ: quỷ quái, quỷ quyệt | Quỹ: công quỹ, quỹ đạo |
Sỉ: sỉ nhục, liêm sỉ | Sĩ: sĩ diện, chiến sĩ, nghệ sĩ |
Tể: tể tướng, chúa tể, đồ tể | Tễ: dịch tễ |
Thuẫn: hậu thuẫn, mâu thuẩn | |
Tiễn: tiễn biệt, thực tiễn, hoả tiễn | |
Tiểu: tiểu đội, tiểu học | Tiễu: tuần tiễu, tiễu phỉ |
Tỉnh: tỉnh ngộ, tỉnh thành | Tĩnh: bình tĩnh, yên tĩnh |
Trĩ: ấu trĩ | |
Trữ: tích trữ, trữ tình | |
Tuẫn: tuẫn nạn, tuẫn tiết | |
Xả: xả thân | Xã: xã hội, xã giao, thị xã |
(Hoàng Phê, 6-7).
III. Tóm lại:
1. Từ láy: Các thanh ngang và sắc đi với thanh hỏi. Các thanh
huyền và nặng đi với thanh ngã. Để cho dễ nhớ chúng ta có thể tóm gọn
trong hai câu thơ sau:
Chị Huyền vác nặng ngã đau
Anh Sắc không hỏi một câu được là (Hoàng
Anh Tuấn).
2. Từ Hán Việt phần lớn viết với dấu hỏi (trong tổng số yếu tố
Hán-Việt, có 176 yếu tố viết dấu hỏi, chiếm 62%; 107 yếu tố viết dấu ngã,
chiếm 38%), (Hoàng Phê, 6).
• Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là CH, GI, KH và các
từ khởi đầu bằng nguyên âm hoặc bán nguyên âm như ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn,
ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.
• Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là M, N(NH-NG), V,
L, D, N (cho dễ nhớ tôi viết thành Mình Nên
Viết Là Dãu Ngã) (Hoàng Anh Tuấn).
Như vậy chỉ cần nắm các qui tắc trên và nhớ 33 trường hợp đặc biệt viết
với dấu ngã là có thể viết đúng chính tả toàn bộ 283 yếu tố Hán-Việt có
vấn đề hỏi ngã cũng coi như nắm được căn bản chính tả DẤU HỎI HAY DẤU
NGÃ trong tiếng Việt (Hoàng Phê, 1)
****
Huỳnh Hữu Đức sưu tầm
(theo e-cadao.com/ngonngu/Luathoinga.htm)
(theo e-cadao.com/ngonngu/Luathoinga.htm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét