▼
Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019
Mộc Hóa Cái Nôi của Đồng Tháp Mười - Đất Phương Nam 1 (TT)
Tổng Quan Về Vùng Đất Mộc Hóa:
Về phía tây bắc Tân An là Mộc Hóa. Vùng Mộc Hóa nằm trọn trong vùng Đồng Tháp Mười bao la bát ngát. Đối với Việt Nam thì Mộc Hóa là vùng biên địa, nhưng với Đồng Tháp Mười thì Mộc Hóa vừa là trung tâm mà cũng là cái nôi của vùng trũng thấp nhất nức nầy. Từ thị xã Tân An, theo tỉnh lộ 49 về hướng tây bắc, hoặc từ thị trấn Cai Lậy theo tỉnh lộ 29 đi về hướng bắc, chúng ta sẽ đi đến một vùng trũng thấp nhất của Nam Kỳ, đó là vùng Mộc Hóa của Đồng Tháp Mười. Hàng năm bắt đầu từ tháng 5 trở đi, miền Nam Việt Nam mưa liên miên, đất sét ủng phèn của vùng Mộc Hóa không kịp thẩm thấu. Kế đến bắt đầu từ tháng 6 thì nước sông Cửu Long tràn xuống, khiến cho cả miền Nam chứ không riêng gì vùng Mộc Hóa biến thành một biển nước mênh mông. Riêng tại vùng Mộc Hóa, có chỗ nước dâng cao khoảng từ 4 đến 5 mét. Từ trên phi cơ nhìn xuống, toàn vùng Đồng Tháp không còn phân biệt được đâu là sông rạch và đâu là đồng ruộng nữa. Chỉ còn lác đác vài cái gò cao nơi cư dân miền nầy co cụm lại tránh lũ(1). Sở dĩ gọi là Đồng Tháp Mười vì giữa cánh đồng bao la có một ngôi tháp cổ mười tầng(2). Năm 1957, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cho xây lại một ngôi tháp khác, theo lối kiến trúc Khmer xưa, cũng gồm 10 tầng và cao khoảng 36 mét. Xưa kia Mộc Hóa là một quận lỵ nhỏ của tỉnh Tân An, nằm ở thượng lưu sông Vàm Cỏ Tây, giữa Đồng Tháp Mười. Hai bên bờ sông Vàm Cỏ quanh vùng Mộc Hóa toàn là dừa nước. Mộc Hóa là một vùng bao la với những rừng tràm, năn, lác, được thiên nhiên ưu đãi với vô số cá tôm, rùa, rắn, cua đinh... đây cũng là những đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười. Từ Mộc Hóa qua Cao Lãnh và ra Tân An hãy còn rất nhiều cụm rừng tràm, xa xa mới có một vài căn chòi xuất hiện. Cây cối quanh nhà còi cọc chứ không xanh tươi um tùm như những vùng khác ở miền Nam. Hai con sông Vàm Cỏ chảy từ biên giới Cao Miên qua Việt Nam với chằng chịt những kinh rạch lớn nhỏ đổ vào. Đây chính là cửa ngỏ thông thương giữa hai nước. Về mùa khô thì cả vùng nầy biến thành một cánh đồng màu nâu lợt ngút ngàn, đất đai hai bên Miên Việt hình như liền nhau. Nhưng về mùa mưa thì toàn vùng trở thành một biển nước bao la. Quanh vùng Mộc Hóa trũng thấp có rất nhiều gò cao hơn mặt nước bình thường rất nhiều. Theo truyền thuyết thì ngay từ thời vương quốc Phù Nam, khi mà vùng Đồng Tháp hãy còn là một khu thị tứ sầm uất của vương quốc nầy, các vị vua chúa thời đó đã cho xây đắp nhiều gò tháp theo tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Ngày nay vẫn còn rất nhiều gò quanh Mộc Hóa như gò Bát Chiên(3), Gò Ớt, Gò Dưa(4), Gò Thiềng(5), Gò Tháp(6), Gò Nổi(7), vân vân.
Kinh Rạch Trong Vùng Mộc Hóa:
Vùng Đồng Tháp bên phía Cao Miên hãy còn lưu lại rất nhiều dấu tích của một vùng biển cạn của thời xa xưa, vì chỉ riêng trong vùng Xvay Riêng đã có đến gần hai chục cái hồ lớn nhỏ. Tuy nhiên, vùng Đồng Tháp phía bên Việt Nam, nghĩa là các khu vực Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và Tân Thạnh, vân vân, là một vùng trũng thấp, nhưng tương đối bằng phẳng. Hệ thống hai sông Vàm Cỏ(8) bồi đắp nên cả một vùng rộng lớn từ Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng, nhưng địa thế đất bên phía Vàm Cỏ Đông khác hơn bên phía Vàm Cỏ Tây rất nhiều. Bên phía Vàm Cỏ Đông dầu cũng có những vùng trũng thấp nhưng thế đất tương đối cao hơn khu vực được bồi đắp bởi sông Vàm Cỏ Tây. Từ trên phi cơ nhìn xuống, chúng ta sẽ thấy rõ ràng vùng Mỏ Vẹt(9) là cái nhưn của hai vùng Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Phía bên Mộc Hóa, phải nói sông Vàm Cỏ Tây là con sông duy nhất, con sông huyết mạch của cả vùng Đồng Tháp Mười bên phía Việt Nam. Sông Vàm Cỏ Tây bắt nguồn từ phía Cao Miên, giữa một vùng trũng thấp, chảy qua Việt Nam giữa một vùng trũng thấp với nhiều đầm, láng, lung, bàu, bưng, trấp(10). Kỳ thật từ phía rạch Khơ Vin bên phía Cao Miên chảy qua rạch Long Khốt bên phía Việt Nam thì dòng sông Vàm Cỏ Tây chỉ là sự kết hợp của nhiều con rạch nhỏ nối kết với nhau chảy trong địa phận huyện Vĩnh Hưng, đến ngã ba Bình Châu thì dòng chảy của dòng Vàm Cỏ Tây mới thật sự gom lại làm một để chảy xuống Mộc Hóa, Tân An, và cuối cùng nó hợp lưu với dòng Vàm Cỏ Đông tại ngả ba Bần Quì trong vùng Tân Trụ. Hơn 90 cây số của dòng Vàm Cỏ Tây đã chảy ngang qua chỉ riêng trong địa phận ba huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và Thạnh Hóa. Bề rộng của dòng chảy khoảng từ 80 đến 200 mét, có nhiều đoạn rộng đến hơn 300 mét. Vì phía đầu nguồn không có núi đồi, mà ngược lại chỉ là một vùng trũng thấp nên sức chảy của cả hai con sông Vàm Cỏ không mạnh, cũng như lượng phù sa rất nhỏ so với dòng Cửu Long về phía nam. Tuy sức nước không chảy mạnh, nhưng hai bên sông Vàm Cỏ Tây có rất nhiều kinh rạch chằng chịt đổ vào dòng chảy chính nên rất thuận tiện cho việc dẫn thủy nhập điền cũng như giao thông đường thủy. Trong đó có những kinh rạch quan trọng hơn cả là rạch Cái Cỏ(11), Lò Gạch(12), rạch Cái Bát, rạch Cái Răng, rạch Bắc Chang(13), rạch Cá Rô, rạch Ba Hằng Minh(14), và rạch Đá Biên, vân vân.
Dầu hệ thống sông rạch tự nhiên trong vùng cũng đã khá nhiều, nhưng vừa để dẫn thủy nhập điền vừa để thuận tiện hơn trong giao thông đường thủy, nên người ta đã đào thêm nhiều con kinh cho chảy thông thương vào những sông rạch tự nhiên nầy.
Từ năm 1899 đến năm 1903, người Pháp cho đào kinh Lagrange, nối sông Vàm Cỏ Tây với kinh 12. Kinh nầy còn có tên là kinh Ông Lớn hay Kinh Cùng(15). Kinh có chiều dài khoảng 45 cây số, rộng 40 mét, sâu 4 mét, được khởi công đào vào năm 1899 và hoàn thành vào năm 1903. Lúc chưa có kinh Bắc Đông, người Pháp cho đào kinh 12 để nối liền kinh Lagrange nối sông Vàm Cỏ Tây tại vùng Tân Thành. Kinh 12 bắt đầu từ sông Vàm Cỏ Tây, dưới thị trấn Mộc Hóa chừng 12 cây số, chạy cặp theo liên tỉnh lộ 29(16). Kinh Bắc Đông, nối liền sông Vàm Cỏ Tây đến kinh Trà Cú Thượng trong địa phận 2 huyện Thạnh Hóa và Tân Thạnh ngày nay. Kinh 12 cắt kinh Lagrange(17) ngay tại thị trấn Tân Thạnh, từ Vàm Cỏ Tây đến Tân Thạnh khoảng 9 cây số, rồi dòng kinh chảy tiếp xuống Cai Lậy, sau đó chảy theo dòng rạch tự nhiên ra sông Tiền. Lúc mới đào thì kinh có bề rộng khoảng 10 mét, nhưng ngày nay rộng trên 20 mét, có chỗ lên tới 30 mét. Ngoài ra, vùng Mộc Hóa còn rất nhiều kinh nhỏ như kinh Cá Rô(18), kinh Tân Lập-Cống Bà Bồng (19), kinh Tân Lập-Sò Đô(20), kinh Bắc Chang-Vĩnh Lợi(21), kinh Tân Thiết(22), kinh Bình Châu-Lò Gạch(23), kinh Lò Gạch-Cái Trết(24), kinh Đá Biên-Rạch Cái Tôm(25), kinh Cống Biện Minh(26), kinh Nhơn Hòa(27), kinh Bảy Thước chảy từ kinh 12 qua Tân Hưng, kinh Bùi, kinh Ngang, kinh Tây, kinh Năm Ngàn, kinh Phụng Thớt, kinh Trại Lớn, kinh Bằng Lăng, vân vân. Sau năm 1975, để phòng chống lũ lụt và khai thác vùng Đồng Tháp, chánh quyền mới đã cho nạo vét lại một số kinh hay những đường nước đã có sẵn từ trước như các kinh Thống Nhất, Cái Cái, Tân Thành-Lò Gạch, và kinh Sa Rài, vân vân. Từ năm 1985 trở về sau nầy, họ đã cho nạo vét lại kinh Thống Nhất từ Hồng Ngự qua Vĩnh Hưng, chảy từ biên giới Việt-Miên theo hướng tây bắc-đông nam, cắt kinh An Phong tại vùng Tân Mỹ, huyện Thanh Bình. Năm 1988, kinh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng được, hay kinh Trung Ương được khởi công đào. Kinh nầy chảy từ Tân Hưng nằm về phía tây của Mộc Hóa, theo hướng đông tây và đổ ra sông Tiền tại Hồng Ngự. Cũng năm 1988, chánh quyền mới cho nạo vét sâu và rộng hơn kinh Phước Xuyên(28). Kinh Hòa Bình, cắt ngang kinh Phước Xuyên tại vùng Hòa Bình, chảy theo hướng đông bắc-tây nam, qua Tràm Chiêm, đến Tân Mỹ, rồi đổ ra Tiền Giang tại vùng chợ Thanh Bình. Tất cả những dòng kinh mới nầy đều được nạo vét lại từ những dòng nước đã có sẵn nhưng đã bị cạn từ lâu.
Mưa Và Lũ Lụt Vùng Mộc Hóa:
Về thời tiết, cũng như các vùng khác ở Nam Kỳ, Mộc Hóa có lượng mưa trung bình khoảng 1.532 mili mét. Tuy nhiên, số ngày nắng và khô trong các vùng Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng nhiều hơn nơi khác, nhất là vào những tháng giêng, hai và tháng ba. Kịp đến mùa mưa(29), từ tháng 5 đến tháng 12, thường thì mùa mưa đi liền với mùa lũ. Lũ ở Đồng Tháp nói chung và ở Mộc Hóa nói riêng dao động trong khoảng từ 2.5 mét đến 4.5 mét, thường bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 11 hoặc 12. Theo tài liệu của Nha Khí Tượng Thủy Văn VNCH vào năm 1963 thì kể từ năm 1960, 1961, đến năm 1962, là những năm có lượng mưa nhiều nhất tại tỉnh Kiến Tường dưới thời đệ nhất Cộng Hòa(30). Nói chung, lũ lụt tại vùng Mộc Hóa tuy có tùy thuộc vào lượng mưa nhiều hay mưa ít, nhưng cũng tùy thuộc nhiều vào lưu lượng nước sông Vàm Cỏ Tây đổ xuống từ thượng nguồn. Kỳ thật, hệ thống hai sông Vàm Cỏ không có lưu vực riêng, mà chúng chỉ là những con sông thoát nước của sông Cửu Long. Như vậy, lũ lụt ở vùng Mộc Hóa lớn hay nhỏ tùy thuộc nhiều vào lưu lượng nước từ phía sông Cửu Long đổ vào Đồng Tháp. Về mùa mưa, nhất là những năm có lũ lớn, vùng biên giới dài khoảng 120 cây số giữa Việt Nam và Cao Miên chỉ là một biển nước mênh mông vô tận. Từ phía chân trời xa xa chỉ toàn là một màu trắng bạc của nước lẫn với chân trời. Từ đầu thập niên 1950 đến nay có nhiều trận lũ, nhưng những trận lũ lớn nhất vào các năm 1952, 1961, 1966, và 1978. Trong những năm nầy mực nước có thể dâng lên đến 4,52 mét. Mùa lũ thường bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 mỗi năm. Thường thì vào đầu tháng 9, nước từ thượng nguồn đổ về từ hướng tây qua hướng đông, từ hướng sông Tiền đổ qua, gây ngập lụt cho các vùng Tuyên Bình; đến giữa tháng 9 thì toàn vùng Mộc Hóa chìm trong biển nước; đến cuối tháng 9 các quận Kiến Bình và Tuyên Nhơn cũng lần lượt bị nhận chìm trong nước; và mỗi ngày nước dâng từ 4 đến 5 phân. Riêng tại thị trấn Mộc Hóa, mực nước cao nhất vào giữa tháng 10. Tại các vùng đất gò, nước ngập khoảng 1,5 mét; còn tại những vùng trũng thì nước ngập từ 2,5 đến 3 mét. Thường thì mùa lũ chấm dứt từ cuối tháng 12, và nước rút theo hướng đông-tây, nghĩa là nước từ các vùng Tuyên Nhơn và Kiến Bình rút về Mộc Hóa và Tuyên Bình, rồi đổ trở về lại về hướng sông Tiền.
Giao Thông Đường Bộ Trong Vùng Mộc Hóa:
Vì toàn khu Mộc Hóa nằm trong vùng sình lầy trũng thấp nên giao thông đường bộ rất hạn chế. Ngày trước, đường vào Đồng Tháp rồi lên Mộc Hóa chỉ có hai con đường mòn duy nhất. Thứ nhất là con đường dọc theo sông Vàm Cỏ Tây; tuy nhiên, con đường nầy rất lầy lội và bị đứt quảng ở nhiều chỗ, như đoạn từ Thạnh Hóa qua Vàm Lớn, Đá Biên và Tân Thành hầu như không đi được vào mùa mưa. Con đường thứ hai là đường từ Cai Lậy lên Ấp Bắc, rồi lên Mộc Hóa, dọc theo kinh 12. Tuy nhiên, con đường nầy cũng không hơn gì con đường bên phía Long An, về mùa mưa cũng lầy lội không giao thông được. Sau khi thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ, họ đã cho đắp lộ 49 từ Tân An đi Thủ Thừa, qua Thạnh Hóa, tới Tân Thạnh để đi thẳng lên Mộc Hóa, rồi lên Vĩnh Hưng, nằm sát biên giới Việt Miên. Tuy nhiên, mỗi năm cơn lũ kéo về thì lộ 49 hoàn toàn bị chìm trong biển nước, không thể nào đi lại được. Sau đó họ lại cho xây dựng lộ 29 đi từ Cai Lậy lên Ấp bắc và Mộc Hóa, dân địa phương gọi là lộ Thiên Hộ(31). Đây là con lộ ngắn nhất, nối liền Mộc Hóa với quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1. Sau năm 1975, chánh quyền mới sửa chửa lại tỉnh lộ 49 và đổi tên là quốc lộ 62, từ Tân An qua Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, rồi lên Mộc Hóa và Vĩnh Hưng. Đoạn đường từ Tân Thạnh lên Mộc Hóa dài khoảng 23 cây số, từ Tân Thạnh đi Tân An khoảng 45 cây số. Quốc lộ 62 sau khi ra khỏi Mộc Hóa để đi Vĩnh Hưng khoảng 5 cây số theo hướng bắc-nam là tới vùng biên giới Bình Hiệp.
Cư Dân Vùng Mộc Hóa:
Như trên đã nói mãi đến cuối thế kỷ thứ XVIII, mặc dầu các chúa Nguyễn đã cho thành lập đạo Trường Đồn, nhưng cũng chưa có tên gọi Mộc Hóa, mà người dân trong vùng chỉ quen gọi là vùng “Chằm Mãng Trạch”(39). Phải thành thật mà nói, Mộc Hóa là vùng đất được khai phá muộn màng hơn các vùng đất khác của Nam Kỳ. Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, đầu thế kỷ thứ XIX, vùng đất nầy mới được các chúa Nguyễn cho ghép vào đạo Trường Đồn, nhưng các chúa thời đó chưa có kế hoạch di dân đặc biệt nào cho vùng Mộc Hóa cả. Đến đầu thế kỷ thứ XIX, một số binh lính giải ngủ, một số dân siêu tán từ các vùng đất khác trong vùng Nam Kỳ phải bỏ xứ ra đi tìm đất sống, cũng như một số tù vượt ngục trong các lao ngục khắc nghiệt của triều đình nhà Nguyễn, cũng như một số tù lưu đày được đưa lên đây(32). Họ đã tự động đưa cả gia đình đến đây khai hoang lập ấp, chứ không theo quốc sách nào của các chúa Nguyễn(33). Đặc biệt, sau khi Nguyễn Ánh đã diệt xong ấu chúa Tây Sơn vào năm 1802, rất nhiều quan quân Tây Sơn không phục triều đình nhà Nguyễn, nên họ đã tìm tới vùng đất xa xôi hẻo lánh nầy để tránh xa nanh vuốt của quan quân triều đình Nguyễn Ánh(34). Theo những bô lão trong vùng cho biết thì họ là con cháu 7 hoặc 8 đời của những người đi tiên phong về vùng Mộc Hóa nầy. Trong dân gian hãy còn truyền tụng nhiều giai thoại chiến đấu với dã thú như voi, cọp, heo rừng, vân vân. Chính vì vậy mà mãi cho đến ngày nay hãy còn rất nhiều gia đình cư dân Mộc Hóa vẫn tiếp tục truyền lại cho con cháu họ những võ công để phòng thân cũng như để chống chọi lại với dã thú. Bên cạnh đó, quan quân nhà Nguyễn được bổ nhiệm lên trấn thủ vùng đất khỉ ho cò gáy nầy dần dà cảm thấy đây chính là vùng đất với vô số “chim trời cá nước”, làm chơi ăn thiệt, nên họ đã đưa cả gia đình thân tộc lên đây lập nghiệp để rồi cuối cùng thành dân cố cựu. Đối với người Khmer, ngoài một số cư dân bản địa lạu đời trên các gò đất cao, có lẽ cha ông họ đã đến đây từ hồi vượng quốc Phù Nam mới bị Chân Lạp tiêu diệt(35). Tuy nhiên, cũng có một số lưu dân người Khmer, nay ở Mộc Hóa, mai ở Xvay Riêng, mốt ở Cham Tra hay Xam Rong, họ không chịu ở lại một nơi nào nhứt định. Đến năm 1956, khi chánh quyền đệ nhất Cộng Hòa hạn chế việc cư trú xê dịch như vậy nên họ đã chọn ở lại Mộc Hóa, và cuộc sống của họ cũng gần giống như tất cả những cư dân Việt Nam tại đây. Riêng đối với cư dân người Hoa, chắc chắn họ là con cháu của những người Minh Hương đã sang Việt Nam từ hậu bán thế kỷ thứ XVII. Họ đã theo chân đoàn quân của tướng Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho, rồi một số đi lần xuống phía Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu; số khác lại đi ngược lên vùng Mộc Hóa nầy khai hoang làm rẫy.
Một số khác vượt biên giới qua sinh sống bên Cao Miên. Nói tóm lại, tại Mộc Hóa, cả ba sắc dân Việt, Hoa và Khmer chung sống với nhau rất hài hòa(36). Họ là những cư dân hiền hòa chất phác, lam lũ làm ăn cũng giống như cha anh của họ ngày trước. Chính nhờ bàn tay siêng năng cần mẫn của họ mà chẳng mấy chốc, cả vùng rừng rậm hoang vu đã biến thành những cánh đồng phì nhiêu mầu mỡ.
Thiên Nhiên Và Tiềm Năng Kinh Tế Vùng Mộc Hóa:
Phải nói Mộc Hóa chính là một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, vì tất cả những gì Đồng Tháp Mười có thì Mộc Hóa đều có, cả về thiên nhiên lẫn tiềm năng kinh tế. Ngay từ giữa thế kỷ thứ XIX, khi nói tổng quát về vùng Gia Định, Trịnh Hoài Đức đã ghi trong Gia Định Thành Thông Chí: “Đất Gia Định nhiều sông hồ, đầm bãi, cứ 10 người thì có đến 9 người thông thạo việc đi thuyền, biết bơi lội, thích ăn mặn. Có người đánh đố đã ăn hết 20 cân mắm trong một bữa ăn.” Ngày đó khi nói về đất Gia Định là Trịnh Hoài Đức muốn ám chỉ cả vùng đất Nam Kỳ. Hãy thử nhìn về Mộc Hóa xem coi tiềm năng của vùng đất nầy ngày nay có còn giống như những gì mà Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí hay không? Phải thành thật mà nói cả vùng đất Nam Kỳ đã từng được thiên nhiên hết sức ưu đãi trong quá khứ. Bên cạnh vô số cá tôm và những loài thủy sản khác, Nam Kỳ còn là vùng trú ẩn của vô số chim muông. Riêng về Mộc Hóa, nếu nói Đồng Bằng Sông Cửu Long là vương quốc của các loài tôm cá, cả tôm cá nước ngọt lẫn nước mặn, thì Mộc Hóa chính là trung tâm của vương quốc cá tôm nước ngọt. Hiện vẫn còn trên 130 loài thực vật, 120 loài cá nước ngọt đủ loại, 40 loài bò sát, và trên 200 loài chim trong đó có 16 loài được coi như quý hiếm. Về mùa nước nổi, quanh vùng Mộc Hóa cũng như toàn vùng Đồng Tháp không đơn thuần chỉ là một biển nước, mà thấp thoáng đó đây là những khu rừng tràm ngập nước quanh năm mà bên dưới những đám tràm là những khu rừng kín quanh năm, những đầm sen súng đang khoe mình với trời với nước như đang thử thách cùng thiên nhiên, và những đồng cỏ năn đang vươn mình cao theo con nước. Bên cạnh đó, cũng như toàn vùng Đồng Tháp Mười, quanh vùng Mộc Hóa hãy còn rất nhiều những thảm cỏ dại, hễ nước dâng lên cao quá thì chúng chết, mà nước vừa rút đi là chúng lại tái sanh và biến vùng Đồng Tháp thành một tấm thảm xanh, rồi kịp đến mùa khô thì chúng lại biến thành những đám cỏ khô chờ người dân đốt đồng biến chúng thành phân, tiếp tục vun bón cho cả vùng Đồng Tháp. Ngoài ra, quanh vùng Mộc Hóa cũng như toàn vùng Đồng Tháp hãy còn một loài thực vật rất đặc biệt, đó là loại “Lúa Ma”(37).
Ngày nay, bên cạnh hệ thống hai sông Vàm Cỏ và mạng lưới kinh rạch dẫn thủy nhập điền đã được đào từ thế kỷ trước dưới thời VNCH. Sau năm 1975, chánh quyền mới cũng cho nạo vét lại một số kinh rạch cũ và đào thêm một số kinh rạch mới khác khiến cho việc dẫn thủy nhập điền và xả phèn có phần tốt hơn. Nhờ vậy mà cư dân vùng Mộc Hóa có khả năng trồng các loại lúa ngắn ngày với năng suất cao hơn trước rất nhiều. Hiện tại nếu toàn bộ 200 ngàn hécta ruộng đất đều được trồng lúa và năng suất chỉ cần 5 tấn một hécta, chúng ta có thể thấy được kết quả khả quan của vùng Mộc Hóa hôm nay. Bên cạnh việc trồng cây lúa nước, người dân Mộc Hóa hôm nay còn gia tăng đất trồng tràm, chứ không phá những khu rừng nguyên sinh để lấy tràm như trước đây nữa. Hiện tại đất canh tác tràm tại vùng Mộc Hóa đã lên đến trên 10.000 hécta, và tràm là một trong những nguồn thu hoạch rất đáng kể cho cư dân Mộc Hóa.
Phải nói thiên nhiên thật sự ưu đãi vùng Mộc Hóa nói riêng và toàn vùng Đồng Tháp nói chung, ưu đãi về nguồn sản vật có sẵn, ưu đãi vì lúa trời đã làm lương thực cho không biết bao thế hệ trên vùng đất nầy, ưu đãi vì cá tôm vô số và ở khắp nơi nơi, ưu đãi vì những cánh rừng tràm nguyên sinh đã cho cư dân ở đây hàng ngàn tấn mật ngọt mỗi năm, vân vân. Chính vì vậy mà có người đã viết về vùng Mộc Hóa rất hấp dẫn chỉ cần qua một câu ngắn ngủi “Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn”, hoặc “làm chơi ăn thiệt”. Sau khi nghe được những câu ngắn ngủi và thật hấp dẫn về Mộc Hóa và Đồng Tháp nầy, ai lại không thích và không muốn một lần được đến đây để biết sự tình thế nào. Tuy nhiên, đã nói lên một phần về mặt tích cực thì cũng phải nói thêm cái phần tiêu cực của thiên nhiên trên vùng đất nầy. Tưởng cũng nên nhắc lại, cách nay trên 200 thế kỷ, có thể nói toàn vùng Đồng Tháp ngày nay đã từng là một cái biển cạn(38). Chính vì vậy mà mãi đến ngày nay, toàn bộ đất đai vùng Mộc Hóa nói riêng và toàn vùng Đồng Tháp nói chung đều thuộc loại đất phèn, chỉ có một phần nhỏ có thể canh tác và sản xuất được. Thật vậy, đa số đất đai quanh vùng Mộc Hóa cũng như toàn vùng Đồng Tháp còn cần nhiều lắm bàn tay lao động dẫn thủy nhập điền của con người nhằm xả phèn và cải tạo đất, vì mãi cho đến đầu thế kỷ thứ XXI mà đa số đất đai Mộc Hóa không thể sử dụng trong canh tác được, vì hễ cày cuốc xuống thì phén lừng lên, hễ trồng lúa thì lúa chết, trồng cây thì cây khô, bất cứ cây gì cũng vậy, chỉ trừ một số ít chủng loại cây chịu phèn như thơm và khóm. Tại vùng Mộc Hóa lại còn có thêm một sự kiện tiêu cực nữa, đó là cơn lũ mỗi năm. Sau khi chiến tranh chấm dứt, nhiều người đã đổ xô nhau về Mộc Hóa lập nghiệp, nhưng chỉ riêng cơn lũ năm 1978 đã phá hủy hoàn toàn 10 ngàn mẫu lúa nước, khiến cho 27.000 cư dân trong vùng Mộc Hóa không có lương thực, trong đó có 8.000 người không có nhà ở vì nhà cửa của họ đã bị lũ cuốn trôi. Rồi liên tiếp những năm 1980, 1981, và 1982, năm nào lũ cũng lên thật cao, khiến cho một số người phải quyết định rời bỏ vùng đất hứa nầy. Một số người khác bỏ hẳn nghề làm ruộng để đi phá rừng. Đây cũng là một sự kiện tiêu cực khác đối với môi trường tự nhiên của vùng Mộc Hóa nói riêng và toàn vùng Đồng Tháp nói chung. Những người có trách nhiệm cần phải có biện pháp bảo vệ những khu rừng nguyên sinh với những loài thực vật đặc thù của vùng Mộc Hóa cũng như Đồng Tháp.
Đặc Sản Mộc Hóa:
Phải nói lũ lụt là thiên tai không tránh khỏi, nhưng đối với Mộc Hóa, lũ lụt là mùa mà cá tôm từ nhiều con sông lớn đổ về như từ sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây. Về mùa nước nổi, quanh vùng Mộc Hóa cũng như toàn vùng Đồng Tháp không đơn thuần chỉ là một biển nước, mà thấp thoáng đó đây là những khu rừng tràm ngập nước quanh năm mà bên dưới những đám tràm là những khu rừng kín quanh năm, những đầm sen súng đang khoe mình với trời với nước như đang thử thách cùng thiên nhiên, những đồng cỏ năn đang vươn mình cao theo con nước, và toàn cảnh được điểm những cánh hoa điên điển vàng tuyệt đẹp. Thật vậy, dọc theo hai bên bờ những tuyến kinh rạch dài hàng mấy chục cây số với những hàng cây điên điển đang nở rộ những chùm hoa vàng chen lẫn màu xanh của lá. Với người dân Mộc Hóa, bông điên điển đã trở thành một thứ đặc sản không có đối thủ, vì thứ đặc sản nầy có thể được dùng để chế được nhiều món tuyệt chiêu. Món mắm kho ăn với bông điên điển và một vài loại rau sống khác là một trong những món ăn gần như thường nhựt của người Mộc Hóa. Người dân Mộc Hóa hầu như trong bữa cơm nào cũng có cá kho, và dưa bông điên điển chấm với cá rô hay cá lóc kho cũng đã trở thành một món ăn đặc sắc của người Mộc Hóa. Bên cạnh dưa điên điển người ta thường ăn đệm thêm những thứ khác như bông súng, ngó sen, hay củ co, vân vân. Nhưng đặc sắc hơn hết là món canh chua cơm mẻ nấu với bông điên điển và cá rô đồng hay cá linh, dĩ nhiên là phải có rau om hoặc rau thơm và vài lát ớt bỏ vào nồi canh, quả là ngon tuyệt, hết chỗ chê! Nói đến canh chua bông điên điển cá linh, chắc phải nói một chút về loài cá đặc biệt nầy. Phải thật tình mà nói, thiên nhiên quả là ưu đãi người Mộc Hóa, lúc nước trong vùng từ từ dâng lên thì cũng là lúc bông điền điển trổ vàng rực trên khắp cái biển nước nầy, đồng thời lại cũng là lúc sông Tiền và sông Hậu đang vào mùa cá linh rộ. Cá linh là một loại cá nước ngọt, thân nhỏ xương mềm, khi nấu chín thì xương cũng bị mềm rụt giống như cá mòi sumaco vậy. Nếu có ngày ra rạch kéo lưới được một mẻ tép rong, chắc chắn ngày đó cả nhà sẽ có một dĩa bông điên điển xào tép thật ngon. Nếu không có tép, người ta có thể xào bông điên điển với trứng gà hay trứng vịt, cũng ngon tuyệt. Ngoài ra, dân Mộc Hóa thường dùng bông điên điển thay cho giá trong việc chiên bánh xèo. Năm 1974, có lần tôi ghé lại Mộc Hóa và được bà con ở đây đãi cho một bữa bánh xèo tép bông điên điển thật đặc sắc, vừa ngon mà vừa lạ miệng một cách khó diễn tả được.
Điểm đặc biệt khác của vùng Mộc Hóa là bông súng, nhất là vào mùa nước nổi thì bông súng ở đây nhiều không biết cơ man nào mà kể cho xiết. Đây là một trong những thứ hoa đồng cỏ nội hữu ích nhất cho dân Mộc Hóa vào mùa nước nổi. Có lẽ sen và súng cùng họ, nhưng hai thứ nầy khác nhau nhiều lắm. Bông sen có vẽ thanh tao quí phái, trong khi bông súng thì đơn giản và bình dân hơn. Tuy nhiên, dầu sắc hoa màu lá trông thật mộc mạc, nhưng những chùm bông súng đã góp phần không nhỏ trong việc tô điểm cho vẻ đẹp hiền hòa của vùng Đồng Tháp. Bông súng khi búp thì gần giống như những búp sen, nhưng khi nở thì nhiều cánh xòe bẹt ra, có màu tím pha lẫn màu hường, cũng có bông có màu xanh lơ pha lẫn màu vàng trắng. Bông chỉ tô điểm cho vẻ đẹp thiên nhiên, phần cuống là mới là đáng nói. Thật vậy, chính những cuống lá bông súng đã nuôi sống biết bao nhiêu thế hệ cư dân Đồng Tháp nói riêng, và cả dân Nam Bộ nói chung. Cuống lá bông súng rất dài, nó dài từ mặt nước xuống tới phần củ súng. Người ta chỉ việc bứt nó lên rồi tước vỏ bên ngoài, rửa sạch là ăn được. Hầu như trong các bữa cơm ở Mộc Hóa, ngày nào người ta cũng thấy có bông súng, nào là bông súng nấu canh chua, bông súng chấm nước cá kho, bông súng chấm mắm kho, vân vân. Ngày trước ở Mộc Hóa và các vùng phụ cận, vừa ăn Tết xong, người ta bắt đầu tát đìa hay tát mương vườn, cá lớn thì đem đi bán còn cá nhỏ thì làm mắm để dành cho mùa nước nổi. Đến mùa nước nổi, đi lại khó khăn mà bông súng thì mọc lan đầy đồng, nên người địa phương ở đây chỉ còn biết ăn cơm với bông súng chấm mắm kho. Cũng như các vùng khác ở Nam Kỳ, nồi mắm kho ở đây thường được nêm nếm gia vị cùng với sả và ớt. Nếu nhà nào ở gần chợ, có phương tiện đi lại, họ có thể kho mắm với tép, cá rô, cá lóc, cá trê hay tôm càng, hoặc bỏ vào mắm một ít thịt ba rọi. Có lẽ món bông súng chấm mắm kho đã theo chân những người đến đây khẩn hoang từ nhiều thế kỷ trước, nên vùng Đồng Tháp mới có câu hò thật lạc quan và hiếu khách “Muốn ăn bông súng mắm kho, thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.” Nhiều nơi trong Đồng Tháp người dân làm dưa cuống bông súng để ăn trong các bữa cơm. Dưa bông súng có mùi thơm đặc biệt, hấp dẫn, có thể chấm với nước cá kho, hoặc trộn gỏi gà, vịt, tôm, tép, vân vân. Ngoài ra, người bình dân nấu củ bông súng lấy nước uống để trị những chứng mất ngủ, an thần, viêm phế quản, kiết lị, vân vân.
Ngoài ra, cũng như các vùng khác ở Nam Kỳ, nói về đặc sản vùng Mộc Hóa chúng ta phải kể đến món cá lóc nướng trui. Vào đầu năm 1974, có lần tôi ghé lại Mộc Hóa, được người dân ở đây đãi cho một bữa cá lóc nướng trui ngon tuyệt. Phải nói Mộc Hóa được thiên nhiên ưu đãi với những đìa, bàu, kinh, rạch đầy tôm cá. Người ta nói vừa ăn Tết xong, là dân Mộc Hóa bắt đầu tát đìa hay tát mương vườn, cá tôm không biết cơ man nào mà kể cho hết, nhất là những con cá lóc to bằng cườm tay. Có thể nói món cá lóc nướng trui là món ăn ngon mà thật là đơn giản, trong khi tát đìa, chỉ cần chớp những con cá lóc lớn muốn trườn lên thành đìa đem lên rồi lấy rơm nướng ngay tại chỗ, sau khi nướng xong chỉ cần lấy miếng tre mỏng cạo sơ sơ rồi để lên tàu là chuối là cá nướng trui đã sẵn sàng cho bữa tiệc. Ăn cá lóc nướng trui giữa đồng giữa ruộng, thường không có đũa chén chi cả. Thường thì người ta dùng tay xé cá ra rồi chấm với muối ớt, hoặc chỉ cần quơ quào đâu đó những đọt bằng lăng, đọt xoài, lá sen non, rau mát, rau trai, cải trời, hay cọng bông súng rồi cuốn với cá cũng là quá ngon rồi. Nếu ăn cá lóc nướng trui tại nhà thì người ta sẽ cầu kỳ hơn một chút, người ta có thể lấy bánh tráng cuốn cá nướng trui với đủ thứ rau như lá lụa, lá quế, sà lách, húng lủi, chuối chát, khế chua, giá, hẹ, dưa leo, bún... rồi chấm với nước mắm nêm hay nước mắm me ớt hiểm. Ngày nay món đặc sản cá lóc nướng trui không còn hạn hẹp trong phạm vi đồng quê nữa, mà nó đã lan đến các quán ăn sang trọng tại các tỉnh thành. Và có lẽ không có người dân Nam Kỳ nào mà chưa từng có kỷ niệm với món cá lóc nướng trui nầy.
Mộc Hóa Dưới Thời Các Chúa Nguyễn: Ngày nay, người dân Nam Kỳ không còn lạ lẫm gì với cái tên Mộc Hóa nữa, nhưng hãy nhìn lại tiến trình mở cõi về phương Nam, trong khi các vùng khác luôn được nhắc nhở và được phát triển đặc biệt thì vùng đất mang tên Mộc Hóa vẫn còn chưa có tên gọi. Bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ XVII, đã có lưu dân người Việt xuôi Nam tìm đất sống, nhưng đa phần họ chỉ đi vào các cửa biển rồi định cư ở những vùng gần sông gần gò để tiện việc sinh sống và di chuyển. Mãi đến cuối thế kỷ thứ XVIII, mặc
dầu các chúa Nguyễn đã cho thành lập đạo Trường Đồn, nhưng cũng chưa có tên gọi Mộc Hóa, mà người dân trong “Chằm Mãng Trạch”(39) thời đó chỉ lờ mờ với cái vùng Xvay Riêng xa tít mù khơi nào đó của Cao Miên. Đến đầu thế kỷ thứ XIX, vào đầu đời Gia Long thì cả vùng mà bây giờ là Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và Thạnh Hóa thuộc tổng Hưng Xương, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An. Theo Gia Định Thành Thông Chí thì huyện Kiến Hưng nguyên trước đây thuộc tổng Kiến Hưng, năm 1808, vua Gia Long nâng tổng Kiến Hưng lên làm huyện Kiến Hưng, trông coi 5 tổng với 75 thôn. Trong đó có nhiều địa danh trong vùng Mộc Hóa mà ngày nay vẫn còn sử dụng như sông Bát Chiên, tức sông Vàm Cỏ Tây, Trấn Nguyên, Thông Bình, Tuyên Thạnh, Vĩnh Hưng, Thủy Đông, Bắc Đông, Rạch Lộ, Ngư Môn, Ngư Phủ, vân vân.
Mộc Hóa Dưới Thời Pháp Thuộc:
Các vùng Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng bên phía Việt Nam là vùng tiếp giáp với vùng đồng bằng rộng lớn của Cao Miên mà ranh giới không thể nào được phân định một cách rõ ràng. Trước thời Pháp thuộc thì đa số dân vùng Đồng Tháp và Mộc Hóa là người Miên, nhưng về sau này người Kinh và người Hoa từ các vùng khác đổ xô đến đây khai hoang lập nghiệp. Ngay khi chiếm xong miền Nam, người Pháp đã phải vô cùng vất vã với những cuộc kháng chiến ngay tại vùng trung tâm Đồng Tháp Mười. Tại đây, nghĩa quân Thiên Hộ Dương một thời đã biến Đồng Tháp thành căn cứ bất khả xâm phạm. Chính vì vậy mà họ luôn đặt vùng Mộc Hóa lên hàng chiến lược trong toàn cõi Nam Kỳ thời đó. Sau khi đã trấn áp xong nghĩa quân trong vùng Đồng Tháp, người Pháp đã xây dựng một đồn binh cấp tiểu đoàn(40) trên Gò Bát Chiên. Sau đó Gò Bát Chiên trở thành quận lỵ của quận Mộc Hóa. Lúc vừa mới chiếm xong Nam Kỳ, tại vùng Mộc Hóa người Pháp vẫn dựa theo sự phân chia của triều Nguyễn về lãnh thổ hành chánh. Đến năm 1876, thực dân Pháp cho phân chia lại toàn bộ, họ đặt ra nhiều hạt trên toàn cõi Nam Kỳ để dễ bề cai trị. Năm 1876, vùng Mộc Hóa thuộc hạt Tân An. Đến năm 1900, thực dân Pháp cho đổi hạt Tân An ra làm tỉnh Tân An, lúc đó các tổng Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh và Thạnh Hóa vẫn trực thuộc tỉnh Tân An. Đến năm 1916, vì lý do an ninh, người Pháp thành lập huyện Mộc Hóa gồm lãnh thổ của các vùng Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Thạnh ngày nay. Năm 1945, huyện Mộc Hóa gồm 2 tổng với 17 thôn xã. Tổng Thạnh Hóa Thượng gồm 8 xã(41). Tổng Thạnh Hóa Hạ gồm có 9 xã(42). Quận lỵ Mộc Hóa nằm trong xã Tuyên Thạnh, trên Gò Bát Chiên.
Mộc Hóa Dưới Thời Việt Nam Cộng Hòa:
Thời Nam Bộ Kháng Chiến, năm 1951, Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ giải thể tỉnh Tân An và thành lập tỉnh Đồng Tháp gồm luôn cả tỉnh Sa Đéc cùng với ba xã của huyện Thủ Thừa(43). Tuy nhiên, tỉnh Đồng Tháp nầy chỉ tồn tại có 16 tháng. Đến năm 1952, Mộc Hóa lại được tách ra thành một huyện của tỉnh Mỹ Tho Lớn. Tưởng cũng nên nhắc lại, tỉnh Mỹ Tho Lớn thời Nam Bộ Kháng Chiến bao gồm ba tỉnh Tân An, Gò Công và Mỹ Tho, nên người ta còn gọi nó là tỉnh Tân Mỹ Gò. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chánh quyền đệ nhất Cộng Hòa cho tái lập lại tỉnh Tân An, lúc đó Mộc Hóa trở thành một quận của tỉnh tân An. Đến năm 1956, nhận thấy rõ vị trí chiến lược quan trọng của vùng Mộc Hóa(44), nên ngày 17 tháng 2 năm 1956, chánh phủ VNCH đã quyết định lấy một phần đất của quận Thủ Thừa, một phần đất của tỉnh Sa Đéc và một phần đất của tỉnh Mỹ Tho để thành lập tỉnh Mộc Hóa(45). Tuy nhiên, đến năm 1957, theo nghị định số 136 của Bộ Nội Vụ VNCH vào ngày 24 tháng 4 năm 1957, chánh quyền cho đổi tên Mộc Hóa ra thành Kiến Tường(46) và ấn định các đơn vị hành chánh của tỉnh Kiến Tường, tỉnh lỵ được chính thức đặt tại Mộc Hóa(47). Lúc đó các đơn vị hành chánh của tỉnh Kiến Tường(48) bao gồm toàn bộ quận Mộc Hóa cũ, trước đây thuộc tỉnh Tân An; một phần nằm về phía tây của quận Thủ Thừa; một phần của tỉnh Sa Đéc, phía đông bắc kinh Vĩnh Hạ-Mỹ Tho và kinh số 4 nối dài; một phần đất của tỉnh Mỹ Tho, kinh số 4 nối dài, kinh số 4 tới vàm kinh Tổng Đốc Lộc, kinh Tổng Đốc Lộc tới vàm kinh Thương Mãi. Vì Kiến Tường là một tỉnh tân lập và vùng biên giới với các tỉnh Kiến Phong và Long An chưa được xác định rõ ràng, nên đến ngày 18 tháng 12 năm 1958, chánh phủ VNCH đã ký sắc lệnh số 567-NV, sửa đổi ranh giới giữa hai tỉnh Kiến Tường và Kiến Phong(49). Khi phong trào “Đồng Khởi” bắt đầu manh nha trong lãnh thổ tỉnh Kiến Tường, chánh phủ lại cho thành lập thêm một quận có tên là Tuyên Nhơn qua sắc lệnh ký ngày 10 tháng 3 năm 1959(50). Sau đó, vì lý do an ninh lãnh thổ nên ngày 28 tháng 7 năm 1961, chánh phủ đã ký nghị định số 725-NV dời quận lỵ quận Tuyên Bình đến xã Bình Thạnh Thôn(51). Mộc Hóa nằm giữa Đồng Tháp Mười, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây. Giữa cánh đồng năng lác bạt ngàn, chen lẫn những khu rừng tràm ủng nước, Mộc Hóa thuở ban sơ chỉ là một xóm nhà dùng làm nơi dừng chân cho giới lang bạt giang hồ từ Việt Nam tìm đường lên Cao Miên lập nghiệp, hay giới buôn lậu những món hàng được chuyên chở từ Miên về. Vào mùa khô thì cả vùng này là vùng đồng khô cỏ cháy, nhưng đến mùa nước nổi thì vùng này biến thành một biển nước không cạn không sâu, nhưng rất thuận tiện cho bọn buôn lậu vận tải hàng hóa từ Miên về Việt Nam hay từ Việt Nam lên Miên. Ngày 15 tháng 1 năm 1972, theo sắc lệnh số 006-SL/CC, chánh quyền đệ nhị Cộng Hòa quyết định thiết kế tỉnh lỵ Kiến Tường(52) với qui mô rộng lớn hơn. Tuy nhiên, chiến tranh ngày càng khốc liệt nên chương trình chưa tiến triển đến đâu thì VNCH sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khoảng năm 1973 hay 1974, dù chánh quyền VNCH đã cố gắng bảo vệ và phát triển tỉnh Mộc Hóa, nhưng ngay tại tỉnh lỵ cũng chỉ có một vài khu phố lèo tèo, có căn lợp ngói, có căn lợp tôle fibro ciment, có căn hãy còn lợp lá. Về buôn bán thì chỉ có một vài tiệm tạp hóa của người Hoa. Hồi này dân chúng còn chăn nuôi thả rong heo, trâu, bò, gà, vịt... rồi bán cho bạn hàng từ Tân An lên. Mãi đến gần năm 1975 thì phương tiện duy nhất vẫn là tàu đò, còn con lộ từ Cai Lậy vô Ấp Bắc đi Mộc Hóa thì bị tàn phá gần hết, không còn lưu thông được nữa. Gần đây chính quyền cho xây con đường 62 từ Tân An đi Thủ Thừa, qua Thạnh Hóa, rồi từ đó ăn qua con lộ 49 cũ tại Tân Thạnh để đi thẳng lên Mộc Hóa, rồi lên Vĩnh Hưng, sát nách biên giới Việt Miên.
Mộc Hóa Sau Năm 1975:
Sau năm 1975, chánh quyền mới sáp nhập Mộc Hóa vào tỉnh Long An(53), trong đó các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Thạnh nằm trọn trong vùng Đồng Tháp Mười. Ngày nay thị trấn Mộc Hóa là huyện lỵ của huyện Mộc Hóa, tọa lạc trên một gò đất cao, có thể nhìn bao quát toàn cảnh chung quanh. Theo thống kê của chánh quyền mới vào năm 1977, Mộc Hóa có khoảng 11.000 dân, nhưng theo thống kê mới nhất vào năm 2009, dân số Mộc Hóa đã lên đến 67.800 người. Năm 1978, huyện Mộc Hóa được chia thành hai huyện với tên mới là Mộc Hóa và Vĩnh Hưng. Đến năm 1980, huyện Mộc Hóa của năm 1978 lại được tách ra làm hai lần nữa, đó là huyện Tân Thạnh và Mộc Hóa. Như vậy, huyện Mộc Hóa ngày trước bây giờ đã được tách ra làm ba: Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Thạnh. Hiện tại, huyện Mộc Hóa mới gồm có thị trấn Mộc Hóa, xã Tuyên Thạnh, xã Tân Lập, xã Bình Hiệp, xã Thạnh trị, xã Bình Hòa Đông, xã Bình Phong Thạnh và xã Thạnh Phước.
Chú Thích:
(1) Vào mùa nước lũ, làng mạc quanh Mộc Hóa chỉ còn là những ngọn cây và những ngôi nhà sàn. Phương tiện đi lại duy nhất của nhân dân vào lúc nầy chỉ là những chiếc xuồng. Vì nước lũ có thể kéo dài từ tháng 6 đến tháng giêng hoặc tháng hai mới rút, nên mọi sinh hoạt canh tác đều phải ngưng trệ. Trong suốt thời gian nầy, nếu có ai đó không may qua đời thì không có sở đất nào để chôn cất. Cũng giống như những người đi mở cõi về vùng U Minh và Miệt Thứ, dân Mộc Hóa mùa nước nổi phải tẩn liệm người chết rồi dùng thứ nhựa chai, loại dùng trét xuồng, để khằn chiếc quan tài cho kín, rồi đem treo ở một nhánh cây lớn, chờ nước rút mới đem đi chôn.
(2) Ngôi tháp này nằm giữa khoảng Long An và Cái Bè. Tháp tọa lạc trên một động cát, xây bằng những tảng đá xanh rất lớn, giống như kiểu kiến trúc của Đế Thiên Đế Thích vậy. Khi mới tìm thấy ngôi tháp nầy, người ta tìm thấy một bia ký trên có khắc chữ Phạn với nội dung đây là ngôi tháp thứ 10 trong số 10 tháp mộ của các Miên vương khi trước. Người ta cũng tìm thấy bên trong và chung quanh ngôi tháp những tượng Phật và vật thờ bằng đá và đồng, hiện những bảo vật nầy đang được trưng bày ở Bảo Tàng Viện Sài Gòn.
(3) Bát Chiên là lối phát âm trại theo tiếng Khmer, có nghĩa là “mất nhẫn”. Tương truyền khi vùng đất nầy hãy còn là trung tâm thị tứ của vương quốc Phù Nam, có một vị hoàng tử dùng thuyền qua vùng nầy và đã đánh rơi mất chiếc nhẫn mình đang đeo trên tay bên bờ sông Vàm Cỏ, dưới chân cái gò nầy, nên dân chúng địa phương gọi nó là gò Bát Chiên.
(4) Theo lời kể của các vị bô lão địa phương thì thuở xa xưa, khi mà vùng Mộc Hóa hãy còn là một hoang địa, có một cụ già bỏ quê hương lên đây tìm đất sống. Sau khi cho thuyền cặp bờ sông rồi đi lần lên cái gò nầy cất chòi làm rẫy. Ông cụ đã gieo một số hột dưa hấu lên gò, và kết quả là chẳng bao lâu sau đó cả một vùng gò chỉ một màu xanh của những giây dưa hấu. Sau đó ông cụ quay trở về quê đưa rất nhiều dân làng lên gò nầy lập nghiệp. Từ đó người ta đặt tên là Gò Dưa, và cũng từ đó cho đến bây giờ dưa hấu Gò Dưa vẫn là một đặc sản của toàn vùng.
(5) Gò Thiềng hay còn gọi là Gò Thành tọa lạc trong huyện Vĩnh Hưng, nằm về phía tây bắc của Mộc Hóa. Tại đây ngày trước nghĩa quân Thiên Hộ Dương đã xây đắp thành một cái gò cao, rồi xây đắp thành lũy khá kiên cố để đánh Pháp.
(6) Từ trước thời Pháp thuộc đến nay có rất nhiều giả thuyết được đặt ra về khu Gò Tháp này. Đây là một khu gò cao nằm giữa một vùng trũng bao la, với diện tích khoảng 1 cây số vuông, với chiều dài khoảng 500 mét và chiều rộng khoảng 200 mét. Gò Tháp cao hơn mặt ruộng khoảng từ 3 đến 4 mét, diện tích khoảng 4.500 mét vuông. Ngay từ năm 1944, nhà khảo cổ học người Pháp tên Louis Malleret đã tìm thấy trên gò có rất nhiều gạch và hàng chục khối đá lớn, yoni, linga, trong đó có 3 linga lớn bằng đá hoa cương, mặt cắt ngang hình vuông mỗi cạnh khoảng 0,48 mét, và có chiều dài từ 1,10 mét, 1,42 mét đến 1,56 mét; một đầu có chốt và đầu kia có mộng để ráp vào nhau. Theo hướng đông-tây là một kiến trúc khá qui mô bằng gạch, dài khoảng 17,30 mét, rộng khoảng 12 mét. Khi khai quật khu Gò Tháp, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy tại đây rất nhiều pho tượng Phật bằng gỗ mù u. Bên cạnh đó nông dân trong vùng đào đìa và cày ruộng cũng đã phát hiện rất nhiều tượng Phật bằng gỗ, với nhiều kích cỡ khác nhau. Tính đến nay, người ta đã khai quật được rất nhiều bia đá, trong số đó có một tấm bia mang ký hiệu K5 đã được tìm thấy trong khu Gò Tháp, được khắc bằng chữ Sanskrit với nội dung nói rõ sự hòa quyện giữa Ấn giáo và Phật giáo trong văn hóa Óc Eo. Văn bia còn cho biết chính đây là vùng đầm lầy được chinh phục bởi vua Phù Nam Jayavarman, rồi tấn phong cho con trai là Gunavarman cai quản. Hiện nay, quanh vùng Gò Tháp hãy còn rất nhiều mảnh gốm, bình, ấm có vòi, mảng vở của yoni, tượng Visnu, vân vân.
(7) Trong huyện Vĩnh Hưng, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, có một ngôi chùa được xây dựng trên một cái gò nổi cao lên giữa một trũng nước bao la, nên dân chúng địa phương gọi là chùa Gò Nổi. Theo sự đồn đại của dân địa phương thì hễ mực nước dâng đến đâu thì gò cũng nổi cao đến đó và từ xưa đến giờ chưa bao giờ nước có thể tràn ngập được khu gò nầy. Chính vì vậy mà họ đặt tên là “Gò Nổi”. Theo thiển ý, vì tín ngưỡng mà dân địa phương cố làm cho ngôi chùa có vẻ linh thiêng hơn, nhưng có lẽ khi xây dựng ngôi chùa, Phật tử địa phương đã cố gắng đắp cho gò cao hơn bình thường để không bao giờ bị ngập nước.
(8) Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Mãi cho đến ngày nay, người ta cũng chưa biết hai dòng sông nầy được mang tên Vàm Cỏ từ lúc nào? Dưới thời nhà Nguyễn thì hai con sông nầy không có cái tên nhất định, nếu sông chảy qua vùng Gò Bát Chiên thì người ta gọi nó là sông Bát Chiên, khi nó chảy đến vùng Thạnh Phú thì người ta gọi nó là sông Thạnh Phú, chảy tới Thủ Thừa thì nó mang tên sông Thủ Thừa, qua Long An thì nó lại mang tên sông Long An, vân vân. Theo thiển ý, có lẽ về sau nầy vì do dòng nước chảy yếu nên hai bên bờ của cả hai dòng sông Vàm Cỏ mọc đầy cỏ cũng như lau sậy nên người ta đặt cho cả hai con sông cái tên Vàm Cỏ, ở phía đông thì nó mang tên Vàm Cỏ Đông, còn ở phía tây là Vàm Cỏ Tây.
(9) Các vùng Cham Tra và Xam Rong của Cao Miên.
(10) Láng, lung và bưng là tên gọi chung cho những vùng đất trũng thấp nhưng cạn và có bề mặt rộng. Bàu thì nhỏ hơn láng và lung, nhưng sâu hơn. Thường thì dân vùng Mộc Hóa thường bắt nhiều cá trong các bàu vào mùa nước rút, vì vào mùa khô khi nước rút thì nước trong các láng và lung cạn dần nên cá tôm cũng bắt đầu rút về các bàu. Trấp là những vùng trũng đọng nước nhưng có rất nhiều cỏ cây mọc phủ lên trên lớp sình sền sệt. Trong vùng Tân Thạnh có Trấp Trời mà dân địa phương rất sợ. Ngày xưa nó là một con rạch nước chảy thông thương, nhưng về sau nầy cỏ cây mọc um tùm cản bớt sức nước chảy, nên từ từ phù sa lắng đọng bên dưới lớp cỏ nước. Nếu người lạ không biết mà dẫm lên đám cỏ nước sẽ bị lún sụp xuống rồi chìm lỉm.
(11) Rạch Cái Cỏ đổ vào rạch Long Khốt tại vùng Hưng Điền.
(12) Rạch Lò Gạch trong xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, rồi đổ vào rạch Long Khốt. Tương truyền khi nghĩa quân Thiên Hộ Dương vào vùng nầy xây đắp đồn ải để đánh Pháp thì dân địa phương đã dựng nên lò gạch để giúp cho nghĩa binh xây dựng tháp canh và thành lũy của các đồn ải khác quanh vùng như đồn Tuyên Uy ở vùng Bát Chiên và thành lũy trên Gò Thiềng. Từ đó con rạch nầy được mang tên là rạch Lò Gạch.
(13) Rạch Bắc Chang chảy qua xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa. Bắc Chang là lối phát âm trại ra từ tiếng Khmer, có nghĩa là “Bể Chén”. Theo dân chúng địa phương kể lại lúc vùng nầy còn trực thuộc Thủy Chân Lạp thì con rạch nầy không có tên, sau chuyện một chiếc ghe đi ngang qua đây rồi đụng phải chướng ngại vật nên chén bát trên ghe đều bị bể hết, nên từ đó người ta gọi nó là rạch “Bắc Chang”.
(14) Có người gọi là Ba Hồng Minh, rạch nằm giữa hai xã Bình Hòa Đông và Bình Phong Thạnh trong huyện Mộc Hóa. Theo chuyện kể thì ngày trước vùng nầy không có cư dân người Việt, khi có một số người Việt đi xuồng lên đây họ chỉ thấy tại nơi nầy có ba gia đình người Miên, nên người ta gọi tên con rạch là “Ba Nhà Miên”, về sau người ta đọc trại ra là “Ba Hằng Minh”.
(15) Kinh Cùng được đào từ năm 1899, từ Thủy Đông đến Gãy Cờ Đen. Ban đầu nó có tên là kinh Kỳ Hương, còn dân chúng thì gọi nó là kinh Cùng. Trong khi trên bản đồ thì thực dân Pháp lấy tên viên tham biện tỉnh Tân An thời đó để đặt cho kinh là Lagrange. Trong thời gian Nam Bộ Kháng Chiến 1945, con kinh được đổi tên ra là Dương Văn Dương. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chánh phủ cho đào hai con kinh Đông Điền bên phía Kiến Phong và Bắc Đông bên phía Tân An để nối liền đường thủy từ Tân An qua Kiến Tường, Kiến Phong và Tiền Giang. Ngày nay, đoạn kinh chảy từ sông Tiền đến Gãy Cờ Đen dài khoảng 28 cây số, trong khi đoạn từ Gãy Cờ Đen đến sông Vàm Cỏ Tây dài khoảng 17 cây số.
(16) Bây giờ là tỉnh lộ 62 chạy từ Tân An lên Thạnh Hóa, qua Tân Thạnh và Mộc Hóa.
(17) Bây giờ là kinh Dương văn Dương.
(18) Kinh Cá Rô chảy từ Mộc Hóa lên Thạnh Trị và Nhơn Hòa, dài khoảng 12 cây số, rộng khoảng 8 mét và sâu khoảng 3 mét.
(19) Kinh Tân Lập và cống Bà Bồng là hai con kinh chảy song song, dài khoảng 6 cây số, rộng khoảng 5 mét và sâu khoảng 2 mét.
(20) Kinh Tân Lập-Sò Đô gồm hai con kinh chảy song song từ xã Tân Lập tới xã Tuyên Thạnh, dài khoảng 10 cây số, rộng khoảng 5 mét, sâu 2 mét.
(21) Kinh Bắc Chang-Vĩnh Lợi là hệ thống gồm hai kinh chảy song song, chảy từ xã Tuyên Thạnh, Mộc Hóa tới xã Vĩnh Lợi bên Vĩnh Hưng, dài gần 7 cây số, rộng khoảng 4 mét và sâu khoảng 2 mét.
(22) Kinh Tân Thiết chảy từ kinh 12 đến rạch Xẻo Xắng, dài gần 8 cây số, rộng khoảng 7 mét và sâu khoảng 2 mét.
(23) Kinh Bình Châu-Lò Gạch dài khoảng 11 cây số, rộng khoảng 7 mét và sâu khoảng 2 mét.
(24) Kinh Lò Gạch-Cái Trết dài hơn 15 cây số, rộng khoảng 7 mét, sâu khoảng 2 mét.
(25) Kinh Đá Biên-Rạch Cái Tôm dài khoảng 8 cây số, rộng khoảng 7 mét và sâu khoảng 2 mét.
(26) Kinh Cống Biện Minh chảy từ Tuyên Thạnh qua kinh Lagrange, dài khoảng 7 cây số, rộng khoảng 7 mét, sâu khoảng 2 mét.
(27) Kinh Nhơn Hòa chảy từ Cống Biện Minh bên Tuyên Thạnh đến kinh Nhà Thờ, dài khoảng 13 cây số, rộng khoảng 8 mét, sâu khoảng 3 mét.
(28) Kinh Phước Xuyên là ranh giới giữa hai vùng Tràm Chim và Tân Hưng.
(29) Chứ không như các nơi khác, từ tháng 5 đến tháng 10.
(30) Năm 1960, vào trung tuần tháng 9 thì lượng mưa đã lên tới 1.472 mili mét. Bên cạnh đó nước sông Vàm Cỏ Tây từ thượng nguồn đổ xuống tràn ngập các vùng Vĩnh Thạnh và Vĩnh Lợi. Đến cuối tháng 9, nước bắt đầu tràn qua những vùng khác. Đầu tháng 10, lại có thêm những trận mưa thật lớn, nên mực nước sông dâng lên rất nhanh và rất cao. Đến cuối tháng 10, lại có thêm những trận mưa lớn nữa, nên ở những vùng đất gò đã bị ngập khoảng 0,4 mét, và nơi trũng thấp đã có nơi bị ngập trên 2 mét. Năm 1961, bắt đầu giữa tháng 4 là đã có mưa nhiều, lượng nước mưa trung bình khoảng 1.395 mili mét. Đến tháng 10 đã có đến 20 ngày mưa, chỉ riêng lượng nước mưa của tháng 10 đã lên tới 313,9 mili mét. Đến đầu tháng 9, nước từ thượng nguồn sông Vàm Cỏ Tây đổ xuống làm ngập quận Tuyên Bình, đến giữa tháng 9 thì ngập luôn quận Châu Thành, và cuối tháng 9 ngập cả quận Kiến Bình và Tuyên Nhơn. Mỗi ngày, nước dâng lên khoảng từ 0,04 mét đến 0,05 mét. Riêng tại Mộc Hóa, vào cuối tháng 10 ở những vùng đất gò đã bị ngập từ 1 mét đến 1,6 mét. Trong khi đó ở các vùng trũng đã bị ngập từ 2,5 đến 3 mét. Đến cuối tháng 10, nước bắt đầu rút, nhưng rất chậm đến cuối tháng 1 năm 1962 nước mới rút hết hoàn toàn. Năm 1962 là năm có lượng nước mưa cao nhất: 1.988 mili mét. Lũ xuất hiện vào tháng 8 tại các vùng Nhơn Ninh, Nhơn Hòa, rồi sau đó tràn qua các vùng khác. Đến cuối tháng 10, tại các vùng gò đã bị ngập từ 0,7 đến 1,5 mét, còn tại các vùng trũng thấp có nơi ngập từ 2,2 đến 2,3 mét.
(31) Để tưởng nhớ đến công đức của ngài Thiên Hộ Dương ngày trước trong vùng Đồng Tháp Mười.
(32) Triều đình nhà Nguyễn thường đưa những tội phạm ở các vùng như Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ và Long Xuyên bị lưu đày lên Mộc Hóa xa xôi hoang vu nầy, nơi không có lấy một bóng người để họ sống cách biệt với môi trường mà họ đã phạm tội, mặt khác triều đình cũng muốn biến họ thành những người dân trấn giữ vùng biên địa nầy.
(33) Họ là những nông dân nghèo khổ hay những tá điền bị bọn cường hào ác bá bóc lột đến tận xương tủy, nên họ phải bỏ xứ từ các vùng Long Xuyên, Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, vân vân, đến đây tìm đất sống. Phải nói dân đến đây đều là dân tứ chiếng giang hồ, họ không cần gì ngoài đôi tay và tấm thân sẳn sàng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để sinh sống. Họ không còn bất cứ thứ gì để lưu luyến nơi chôn nhau cắt rún, nên họ thu thập cả gia tài hạn hẹp của họ là cái mùng, chiếc nóp, nồi, nêu, xoong, chảo, một ít lúa đem theo ăn dọc đường, rồi vợ chồng con cái cùng lênh đênh trên các kinh rạch của Đồng Tháp với vô số muỗi mòng. Họ cắm sào lại bất cứ nơi nào mà họ cảm thấy ưng ý, hay nơi nào mà họ tiếp xúc được với một ông chủ điền nhơn đức hiền hậu hơn. Sau đó họ đốn tràm làm cộ, chặt lá dừa nước làm lá, rồi dựng nhà và bắt đầu cuộc sống mới. Trước năm 1975, tại thị trấn Mộc Hóa tôi cũng có dịp hầu chuyện với một số bô lão trong vùng mới biết các cụ là đàn hậu duệ của hai ba thế hệ lưu dân trước đây đến Tháp Mười từ các vùng Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Vĩnh Long, và Sa Đéc. Họ đến đây vì nhiều lý do khác nhau, có người ở thôn quê vì mùa màng thất bác, có người ở thành thị vì không có công ăn chuyện làm, có người trốn thuế thân, vân vân, nên vợ chồng con cái chèo chống đến vùng nầy, chỉ với một mục đích duy nhất là mong sao cho có được cuộc sống dễ chịu hơn. Nhưng khi đến nơi thì họ mới vỡ lẽ đây là một vùng ma thiêng nước độc, khi vỡ lẽ như vậy thì mọi chuyện đã lỡ làng hết rồi, họ đâu còn chỗ nào nữa để mà quay về, nên đành một liều ba bảy cũng liều, họ tiếp tục chèo chống đi sâu hơn nữa vào Đồng Tháp. Vào mùa nước nổi Đồng Tháp là một biển nước bao la, chỉ còn trơ lại vài cái gò hoặc giả vài cái giồng cao hơn mặt nước. Họ dừng lại cắm sào ngay bất cứ gò nào mà họ tới, rồi thì vợ chồng con cái khiêng vác đồ đạc lên gò, đốn vài chục tràm làm cột, cắt vài trăm lá dừa nước làm nóc và vách, thế là vài ba ngày sau đó họ đã cất xong một cái nhà, không có cửa nẻo, cũng không phân chia thành buồng hay phòng ốc chi cả.
(34) Hiện tại trong vùng Mộc Hóa vẫn còn một ấp có tên ấp Bình Định, thuộc xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng.
(35) Vào khoảng thế kỷ thứ VI sau tây lịch.
(36) Khoảng năm 1900, theo thống kê của Cochinchine, toàn vùng Đồng Tháp có khoảng 100.000 dân, nhưng họ chỉ sống tập trung tại các vùng tiếp giáp với các vùng đất đai trù phú như Cao Lãnh, Cái Bè, Cai Lậy, vân, còn ở chính giữa Đồng Tháp thì vẫn đồng không mông quạnh, đi xa đến vài ba chục cây số vẫn chưa có lấy một bóng người. Đến năm 1956, theo thống kê của Bộ Thông Tin Văn Hóa VNCH, lúc nầy tỉnh Kiến Tường có trên 25.000 dân, bao gồm các quận Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Thạnh ngày nay. Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam 2009, các vùng thuộc lãnh thổ Mộc Hóa ngày trước đã có tới 285.100 dân. Mộc Hóa có 67.800, Thạnh Hóa có 52.700, Tân Thạnh có 79.000, Tân Hưng có 41.800 và Vĩnh Hưng có 43.800.
(37) Có người còn gọi là “Lúa Trời.” Đây là loại lúa không ai gieo, không biết hạt giống đầu tiên mọc lên từ đâu, cây lúa cứ vươn lên theo mực nước, mực nước càng lên cao thì cây lúa càng cao. Lưu dân trong Đồng Tháp cứ chống xuồng vô đồng, dùng cây dầm mà đập các cọng lúa cho hột rớt vô xuồng. Hột nào vô xuồng được thì vô, còn hột nào rớt ra ngoài lại tiếp tục nẩy mầm lên cây và tiếp tục cho hột nữa. Có nhiều nơi trong Đồng Tháp mực nước cao đến 4 hay 5 thước, như vậy thân cây “Lúa Ma” cũng cao đến 4 hay 5 thước. Thường thì “Lúa Ma” mọc trong các đầm lầy, có nơi “Lúa Ma” cũng mọc dọc theo hai bên bờ kinh. Dù năng suất rất thấp, chưa tới nửa tấn một héc ta, nhưng đây lại là nguồn sống chính cho lưu dân Đồng Tháp. Sau chiến tranh, lưu dân Đồng Tháp giảm dần và cư dân có khuynh hướng định cư vĩnh viễn nên đất đai Đồng Tháp ngày càng được khai thác đúng mức với những đồng lúa hai hay ba mùa vụ, vì vậy mà tính đến năm 2005, giống “Lúa Ma” gần như hoàn toàn bị tiêu diệt.
(38) Theo các nhà địa chất học thì cách đây 20 ngàn năm Đồng Tháp Mười là một cái vịnh cổ, được phù sa các sông Cửu Long, Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông bồi đắp. Vì ngay chính giữa Đồng Tháp, thỉnh thoảng người ta vẫn còn đào được những cột buồm, lòi tói, mỏ neo... của những loại ghe tàu đi biển thời xa xưa. Gần Cao Lãnh người ta thấy các gò cát trắng như Gò Bắc Vung, Gò Da, Gò Bắc Chiên, Gò Đồng Tháp, Gò Động Cát, vân vân, chứng tỏ khi xưa các gò nầy là những cù lao cát nằm ven biển.
(39) Chằm Mãng Trạch là tên gọi của vùng Đồng Tháp thời các chúa Nguyễn. Lúc đó chằm Mãng Trạch chỉ là một vùng trũng thấp hoang vu, ma thiêng nước độc, với rừng tràm, và với bạt ngàn rừng cỏ đưng, lác và năn. Đây là vương quốc của vô số cá tôm, lươn, rắn, trăn, kỳ đà, và vô số các thú dữ khác
(40) Một tiểu đoàn có khoảng 600 đến 1.000 lính.
(41) Tuyên Thạnh, Bình Hiệp, Tuyên Bình, Bình Thành thôn, Hưng Điền, Vĩnh Trị, Vĩnh Thanh và Vĩnh Lợi.
(42) Tân Lập, Bình Hòa, Phong Phú, Thuận Nghĩa, Thủy Đông, Nhơn Ninh, Tân Hòa, và Tân Đông.
(43) Long Ngãi Thuận, Tân Đông Bắc, Tân Hòa Đông.
(44) Các vùng Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Long Khốt, Vĩnh Hưng và Tân Hưng án ngữ một vùng đất trải rộng, tạo thành một hành lang nối liền Xvay Riêng và Xvay Tep qua vùng Bến Cầu của tỉnh Tây Ninh tạo thành một cửa ngỏ cực kỳ quan trọng cho toàn vùng Mỏ Vẹt. Thật vậy, nếu vùng Mộc Hóa được ổn định đúng mức thì quốc lộ số 4 mới được an toàn, vì quốc lộ nầy là con đường huyết mạch nối liền Sài Gòn, Tân An, Mỹ Tho với các tỉnh khác của miền Tây.
(45) Công Báo Việt Nam, 1956, tr. 504.
(46) Công Báo Việt Nam 1957, trang 1945. Kỳ thật, tên Kiến Tường đã có từ thế kỷ thứ 19, nó tên của một phủ trong tỉnh Định Tường, gồm hai huyện là Kiến Phong và Kiến Đăng. Chữ Kiến Tường theo lối giải thích của Công Báo Việt Nam, chữ Kiến là kiến thiết và xây dựng, còn chữ Tường có nghĩa là những điều tốt lành. Khi đặt tên như vậy, chánh quyền đệ nhất Cộng Hòa mong ước từ khi có tên Kiến Tường dân trong xứ sẽ kiến thiết và xây dựng quê hương mình với những điều tốt lành nhất trong hòa bình và thịnh vượng.
(47) Trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì vùng mà bây giờ là thị trấn Mộc Hóa chỉ là một xóm nhỏ qui tụ dân tứ chiếng giang hồ hay những người dân nghèo lang bạt tìm đất sống. Giữa chốn đồng không mông quạnh, họ đã co cụm lại với nhau bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây cũng như tại khu Gò Bát Chiêng. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, khi thành lập đạo Trường Đồn, chúa đã cho lập tại khu Mộc Hóa ngày nay một khu tiền đồn tên là Tuyên Uy và cử 5 đội quân, khoảng 750 người, vừa trấn giữ phòng ngự vừa canh tác tự túc.
(48) Tỉnh Kiến Tường vào năm 1957 có tỉnh lỵ đặt tại Mộc Hóa, bao gồm quận Châu Thành với 5 xã Tuyên Thạnh, Tân Lập, Bình Hòa, Thạnh Hóa, Nhơn Ninh, Nhơn Hòa, Trị Pháp; quận Tuyên Nhơn gồm 6 xã Thuận Nghĩa Hòa, Phong Phú, Thạnh Phú, Tân Đông, Thủy Đông, Thạnh Phước; quận Tuyên Bình gồm 8 xã Tuyên Bình, Vĩnh Lợi, Vĩnh Trị, Hưng Điền, Bình Thành Thôn, Thái Bình Trung, Thái Trị.
(49) Công Báo Việt Nam, 1958, tr. 4683.
(50) Công Báo Việt Nam, 1959, tr. 1073.
(51) Công Báo Việt Nam, 1961, tr. 2899.
(52) Công Báo Việt Nam, 1972, tr. 1310.
(53) Ngày nay Long An gồm có thị xã Tân An và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước và Cần Giuộc.
***
Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,34..ở cột danh mục hai bên.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét