▼
Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019
Chú Thích Chương Vùng Đồng Tháp
Chú Thích:
(1) Bây giờ là 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.
(2) Tỉnh Kiến Phong thời VNCH là vùng Cao Lãnh ngày nay.
(3) Tỉnh Kiến Tường thời VNCH là vùng Mộc Hóa ngày nay.
(4) Khoảng 120 cây số một giờ.
(5) Theo Nguyễn Hiến Lê trong quyển “7 Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, 1954, tr. 42.
(6) Khoảng 1.000 thước.
(7) Thời Pháp thuộc, từ khi đào kinh Ngang nối dài với kinh Trà Cú để đi tắt từ Vàm Cỏ Đông qua Vàm Cỏ Tây tại vùng Thủ Thừa, dân thương hồ muốn chở hàng hóa từ Kompong Cham vào Đồng Tháp chỉ còn mất khoảng 3 ngày chèo ghe, thay vì cả tuần lễ như trước đây.
(8) “Đồng Cỏ Lác”.
(9) Bàng là một loại cỏ giống như cọng lác nhưng to hơn.
(10) Khoảng 1 kí lô mét.
(11) Đất Tầm Phong Long tức phủ Kompong Luông của Chân Lạp, được vua Nặc Ông Tôn dâng lên chúa Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1757 để đền ơn chúa đã giúp ổn định nội tình Chân Lạp. Nay là các vùng Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, và một phần của Vĩnh Long nằm dọc theo sông Hậu.
(12) Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
(13) Theo Nguyễn Văn Ba trong “Chút Tình Với Quê Hương”, Canada: NXB Phù Sa, 1997, tr. 101-114.
(14) Sau nầy người Pháp vét lại và đặt tên là Arroyo Commercial, tức kinh Thương Mại.
(15) Kinh đô của Nguyễn Ánh trong thời gian bôn tẩu.
(16) Gần vùng Sa Đéc bên phía Tiền Giang.
(17) Kinh Ông Lớn Lagrange được đào từ năm 1899 đến năm 1903. Đến năm 1947, Ủy Ban Kháng Chiến Nam Bộ đổi tên là kinh Dương văn Dương. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, sau năm 1954, người ta gọi nó là Kinh Cùng, sau năm 1975 nó được đổi trở lại là kinh Dương văn Dương.
(18) Còn gọi là Kinh Xáng, vì vào năm nầy kỹ thuật đào kinh đã tiến bộ với những chiếc xáng tối tân, nên ít dùng sức người.
(19) Kỳ thật kinh Tháp Mười đã được Ủy Ban Kháng Chiến Nam Bộ đổi thành Nguyễn văn Tiếp từ năm 1947. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa nó được đổi thành Kinh Tháp Mười vào năm 1957. Rồi sau năm 1975 nó lại được đổi trở lại làm tên Nguyễn văn Tiếp, với 2 đoạn: đoạn từ Rạch Ruộng lên phía Đông, gặp kinh Tháp Mười giữa hai xã Hậu Mỹ Bắc A và Hậu Mỹ Bắc Hậu Mỹ Bắc B, là kinh Nguyễn văn Tiếp B, dài khoảng trên 20 cây số, cắt ngang quốc lộ 30 (quốc lộ 30 chạy từ ngã ba Cao Lãnh tại Giáo Đức đi Cao Lãnh, Thanh Bình, Hồng Ngự, rồi sang Cao Miên). Đoạn rẻ về phía Đông nối với sông Vàm Cỏ Tây là Nguyễn văn Tiếp A, dài khoảng trên 45 cây số.
(20) Ngoài vàm kinh với sông Tiền rộng tới khoảng 125 mét.
(21) Tại trung tâm thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước.
(22) Khoảng trên 40 thước.
(23) Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
(24) Sau khi chiếm xong Nam Kỳ, người Pháp tìm cách thương lượng với Cao Miên để có thể mang quân đánh Đồng Tháp Mười từ phía biên giới Cao Miên.
(25) Súng đại bác.
(26) Tên Việt gian Huỳnh công Tấn.
(27) Tổng Đốc Lộc, một trong những tên tay sai khét tiếng độc ác nhứt thời đó.
(28) Từ trước thời Pháp thuộc đến nay có rất nhiều giả thuyết được đặt ra về khu Gò Tháp này. Đây là một khu gò cao nằm giữa một vùng trũng bao la, với diện tích khoảng 1 cây số vuông, với chiều dài khoảng 500 mét và chiều rộng khoảng 200 mét. Gò Tháp cao hơn mặt ruộng khoảng từ 3 đến 4 mét, diện tích khoảng 4.500 mét vuông. Ngay từ năm 1944, nhà khảo cổ học người Pháp tên Louis Malleret đã tìm thấy trên gò có rất nhiều gạch và hàng chục khối đá lớn, yoni, linga, trong đó có 3 linga lớn bằng đá hoa cương, mặt cắt ngang hình vuông mỗi cạnh khoảng 0,48 mét, và có chiều dài từ 1,10 mét, 1,42 mét đến 1,56 mét; một đầu có chốt và đầu kia có mộng để ráp vào nhau. Theo hướng đông-tây là một kiến trúc khá qui mô bằng gạch, dài khoảng 17,30 mét, rộng khoảng 12 mét. Khi khai quật khu Gò Tháp, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy tại đây rất nhiều pho tượng Phật bằng gỗ mù u. Bên cạnh đó nông dân trong vùng đào đìa và cày ruộng cũng đã phát hiện rất nhiều tượng Phật bằng gỗ, với nhiều kích cỡ khác nhau. Tính đến nay, người ta đã khai quật được rất nhiều bia đá, trong số đó có một tấm bia mang ký hiệu K5 đã được tìm thấy torng khu Gò Tháp, được khắc bằng chữ Sanskrit với nội dung nói rõ sự hòa quyện giữa Ấn giáo và Phật giáo trong văn hóa Óc Eo. Văn bia còn cho biết chính đây là vùng đầm lầy được chinh phục bởi vua Phù Nam Jayavarman, rồi tấn phong cho con trai là Gunavarman cai quản. Hiện nay, quanh vùng Gò Tháp hãy còn rất nhiều mảnh gốm, bình, ấm có vòi, mảng vở của yoni, tượng Visnu, vân vân. Theo Thái Văn Chải trong “Chữ Viết Cổ Trên Bia Ký Ở Đông Dương”, TPHCM: NXB TPHCM, 2000, tr. 187, bia ký Tháp Mười (Prasat Pram Loven) trong di tích của đền chùa Tháp Mười cũng được người ta phát hiện với những chữ khắc chạm của Mulavarman và Purnavarman của Borneo và Java, những phần chữ khắc chạm nầy dường như thuộc thế kỷ thứ V sau tây lịch, được Goerge Coèdes dịch lại với nội dung nói về một hoàng tử có tên Gunavarman, có lẽ là con trai của vua Jayavarman và Kulaprabhavati dâng cúng một dấu chân của thần Vishnu do Chakratirthasvamin thực hiện. Trong các câu kệ thứ 2 đến thứ 7 đã tán dương người khắc chạm. Hoàng tử Gunavarman dường như thuộc dòng dõi Kaundinya.
(29) Nhất là vào khoảng từ tháng 9 trở đi, nước từ các sông Vàm Cỏ và sông Tiền tràn vào làm vùng trũng ngập sâu từ 2 đến 3 mét, biến cả vùng thành một biển nước mênh mông.
(30) Vàm Cỏ Đông, tức sông Bến Lức; và Vàm Cỏ Tây, tức sông Tân An.
(31) Khu Gò Tháp Mười tọa lạc tại làng Mỹ Thọ thuộc quận Cao Lãnh, nay thuộc huyện Tháp Mười, cách Mỹ An, huyện lỵ của huyện Tháp Mười, khoảng 11 cây số về phía Bắc.
(32) Theo tiếng Khmer là rạch Nước Lộn.
(33) Tiếng Khmer, Prasah Préam Loveng có nghĩa là Tháp Năm Căn, nhưng người Việt Nam gọi là Tháp Mười có thể vì xưa kia ngôi tháp nầy có mười tầng, nhưng ngày nay đã đổ nát hoàn toàn.
(34) Hồi này người Chân Lạp còn chịu ảnh hưởng của Ấn giáo.
(35) Bảo Tàng Viện Sài Gòn được người Pháp xây dựng vào năm 1927.
(36) Nay là tỉnh Tiền Giang.
(37) Mộc Hóa ngày nay là một quận của tỉnh Long An.
(38) Nay thuộc tỉnh Đồng Tháp.
(39) Ngày nay, do sự bồi đắp phù sa trong vùng trũng Đồng Tháp nên khu gò nầy chỉ còn cao hơn mặt ruộng khoảng 4 mét mà thôi.
(40) “Lưu Vực Sông Cửu Long”.
(41) Vùng Đồng Tháp Mười.
(42) Những đường nước nầy là những kinh đào cạn, có lẽ đã được đào từ những thế kỷ đầu Tây lịch.
(43) Ngày nay thuộc huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
(44) Tên tiếng Phạn của Bồ Tát Quán Âm.
(45) Các kiểu kiến trúc ở đây rất đa dạng, nhưng đa số đều có hình chữ nhật khép kín, chung quanh có tường bao bọc. Tại trung tâm có cấu trúc hình vuông, đây là loại kiến trúc Óc Eo.
(46) Vào năm 1944, nhà khảo cổ học người Pháp tên Louis Malleret cho rằng về phía Đông Bắc khu Gò Tháp chừng 345 mét là khu Gò Minh Sư (giáp chân Gò Tháp), nhỏ hơn khu Gò Tháp nhiều. Đây là khu cư trú nhà sàn, được dựng ở địa hình thấp. Trên gò cao được đắp bằng cát và đất sét nung, đây cũng là khu di tích của những đền thờ hay mộ hỏa táng.
(47) Trong các di chỉ tìm thấy tại khu vực Miễu Bà Chúa Xứ người ta thấy có vết tích của bếp lửa, mảnh gốm ám khói, thanh củi, xương cốt trâu bò, vỏ dừa, hạt lúa, cọc gỗ nhà sàn, đặc biệt là người ta tìm thấy rất nhiều tượng Phật bằn gỗ, và dấu tích của một cơ xưởng chế tạo ra loại tượng nầy. Tất cả những di vật nầy đều có niên đại từ thời tiền sử muộn đến thời Óc Eo.
(48) Vào ngày 16 tháng 3 âm lịch.
(49) Kiến trúc mộ táng có cấu trúc trung tâm xây gạch, gồm mộ huyệt hình vuông, chính giữa là một trụ gạch vuông sâu đến đáy, nằm trong khuôn viên hình chữ nhật.
(50) Theo Nguyễn Hiến Lê trong “7 Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1954, vào khoảng trung tuần tháng 3 năm 1939, ông đã đi bảy ngày trong vùng Đồng Tháp Mười, nơi trang 33, trong một cuộc đối thoại với một người bạn đồng hành, người bạn bảo ông dân Đồng Tháp nghèo quá, nghèo hơn dân quê Bắc Việt nhiều. Nguyễn Hiến Lê bảo anh bạn nói vậy là lầm. Dầu dân ngoài Bắc không phải ở trong những chòi tranh xiêu vẹo như dân Đồng Tháp, nhưng nói về cái ăn cái mặc dân quê miền Bắc không hơn dân Đồng Tháp đâu. Dân quê Đồng Tháp dầu nghèo thế mấy, suốt năm họ cũng được ăn cơm với cá hoặc mắm, chứ không phải như dân quê miền Bắc luôn phải ăn khoai độn cơm đâu. Đến ngay cái mặc của người phụ nữ Đồng Tháp, thỉnh thoảng trong một vài cái chòi xiêu vẹo đó, một vài phụ nữ bận quần bằng tơ và đeo vàng tây (đồng). Còn việc tại sao họ lại ở trong những căn chòi xiêu vẹo, theo Nguyễn Hiến Lê, vì họ rày đây mai đó, chỗ nào đất tốt thì họ ở, còn chỗ nào đất xấu thì họ bỏ đi chỗ khác, nên cất nhà tốt để làm gì? Chính vì vậy mà khi cha anh của chúng ta vào đến đây mới có câu ca dao: “Ai ơi về miệt Tháp Mười, cá tôm sẵn bắt lúa trời sẵn ăn.”
(51) Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII.
(52) Trong thời chiến tranh Nam-Bắc ít ai dám đi đến vùng rừng kín nầy.
(53) Có nơi còn gọi là “Lúa Trời”.
(54) Vùng Vũng Tàu.
(55) Những bậc thềm phù sa cổ nằm bên dưới các gò từ 1 đến 2 mét.
(56) Lagrange là tên của viên Chánh Tham Biện tỉnh Tân An thời đó.
(57) Từ sản lượng 500 ngàn tấn mỗi năm trước 1975, tăng lên 1 triệu tấn năm 1990, 1 triệu rưỡi tấn năm 1995.
(58) Mỗi công đất khoảng 12 tầm vuông, mỗi tầm khoảng trên 2 thước tây.
(59) Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thời vương quốc Phù Nam, môi sinh vùng này chưa bị ô nhiễm bởi hóa chất và cư dân cũng không đông cho lắm.
(60) Độ cao của mặt nước thường xuyên.
(61) Người địa phương gọi chuột nơi nầy là thỏ Đồng Tháp.
(62) Nói như vậy không có nghĩa là địa chủ nào cũng bóc lột tá điền một cách tàn bạo, cũng có nhiều địa chủ tốt, giúp đỡ tá điền, nhưng con số này quá ít.
(63) Có lẽ người Pháp nghĩ rằng kinh này được đào để làm phương tiện thông tin giữa Tân An và Mỹ Tho trong thời chiến tranh.
(64) Giáp với Tiền Giang và Long An.
(65) Tính từ ngã ba đi Cao Lãnh gần cầu Mỹ Thuận.
(66) Tương truyền vào năm Gia Long thứ 16 (1817), ông bà Đỗ Công Tường, tục danh là “Ông Lãnh”, gốc người Quảng Nam, đã theo lời kêu gọi của ông Chưởng mà di cư đến làng Mỹ Trà. Ông Lãnh lập ra một miếng vườn lớn chuyên trồng quít, và cư dân trong vùng ngày ngày hội tụ về đây buôn bán rất sầm uất như một cái chợ. Ông Lãnh thì được quan tri phủ giao cho chức “Câu Đương” lo xét xử những vụ tố tụng trong vùng. Vào năm 1820, xảy ra một nạn dịch lớn, giết hại rất nhiều cư dân trong vùng, khiến cho ngôi chợ trước nhà Ông Lãnh vắng teo, không có lấy một bón người.
Cảm thương cho dân tình sở tại nên hai vợ chồng “Ông Lãnh” đã lập bàn hương án, nguyện cầu với Phật Trời, xin được thế mạng cho dân chúng trong vùng. Kể từ ngày 6 tháng 6 năm 1820, hai ông bà bắt đầu trường trai cầu khẩn cho dân tình thoát khỏi tai trời. Qua ngày mồng 9 bà Tường lâm bệnh qua đời, đến ngày mồng mười thì ông cũng mất theo. Điều kỳ diệu là sau khi chôn cất hai vợ chồng “Ông Lãnh” thì nạn dịch cũng chấm dứt. Để tường nhớ hai vợ chồng “Ông Lãnh” dân chúng trong vùng quyết định lấy chức vụ và tục danh của ông mà đặt cho ngôi chợ vườn quít ngay trước cửa nhà hai ông bà thuở trước. Kể từ đó mới có tên “Câu Lãnh” (Câu Đương tên Lãnh. Về sau người ta đọc trại chữ “Câu” ra “Cao” cho suông tai nên mới có từ “Cao Lãnh”. Hiện nay ngôi miếu thờ hai ông bà Đỗ Công Tường vẫn còn và hàng năm vào hai ngày mồng 9 và mồng 10 tháng 6 âm lịch là ngày vía Ông Bà rất lớn. Vào năm 1936, vua Bảo Đại đã ra sắc chỉ phong cho ông Đỗ Công Tường là “Dực Bảo trung Hưng Thành Hoàng Chi Thần.”
(67) Tổng An Tịnh gồm các xã Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Tân Tịch, Tân Thới.
(68) Gồm các xã Mỹ Trà, An Bình, Mỹ Ngãi, Nhị Mỹ, Phong Mỹ, Tân An.
(69) Tổng Phong Nẫm gồm các xã Bình Hàng Tây, Bình Hàng Trung, Bình Thạnh, Mỹ Hiệp, Mỹ Hội, Mỹ Long, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, và Mỹ Xương.
(70) Tràm Chim và Tam Nông.
(71) Long An và Đồng Tháp.
***
Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,34..ở cột danh mục hai bên.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét