Sau khi thơ mới thoát khỏi thất ngôn , ngũ ngôn , lục bát , đem một sinh khí mới cho thơ ! Sau 1954 người ta nói tới một thứ thơ mới hơn (!) người ta gọi là thơ “ Tự Do “ . Thực ra thì thơ mới vẫn theo vần điệu . Đa số vẫn là Thất Ngôn ! Số lượng nhiều hơn , có cái mới là nhiều khổ ( mỗi khổ 4 câu ) . Trước đó cũng có khi nhiều khổ ( Trường thiên , hoặc thất ngôn hoặc song thất lục bát … như Tỳ bà hành … ) Hai bài tuyệt tác , rất mới là Màu Thời Gian , Tống Biệt Hành đã làm một cuộc bứt phá đẻ đi tìm Tự Do !!!
Thơ Tự Do đã làm loạn Thi Đàn , rất nhiều người khen chê từ khoảng 1954 .
Miền Bắc có Hữu Loan , Trần Dần , Phùng Quán , Hoàng Cầm . Miền Nam có Quách Thoại , Thanh Tâm Tuyền
Kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm , tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc của Thanh Tâm Tuyền là những trái Bom Tấn !!!
Tinh thần mê tự do của Hoàng Cầm , Quách Thoại đà khiến những bài thơ của các ông có một không khí tự do tuyệt vời !
Những bài thơ trúc trắc , gắt gỏng , gào thét tôi bỏ vào rọ Thơ Tự Do vì tôi rất thích cái nổi loạn , gào thét của nó như :
Máy điện giục gầm gừ
Chuông đạo réo vô tư
Kẻng tù khua gắt gỏng
( Nghĩa Đời Trong Ba Tiếng )
hoặc :
….. Và hồi lâu trước ngưỡng cửa song tù
Tôi còn nghe tiếng nói của Châu Ro
Đau cái bụng ! Ui Chu Choa ! Tức lắm !
…..
hoặc :
Đã đứng lên những con người uất ức
Những thế hệ nuốt oan hờn giữa ngực
Đã đứng lên những chiến sĩ những anh hùng
Những gươm thiêng giáo nhọn những gan đồng
Những dạ sắt đã đứng lên tất cả
…..
Lũ chúng bay loài bạc ác vô nhân
Xây sung sướng trên nhục nhằn kẻ khác
Lấy gian khổ của người làm cực lạc
Rượu mồ hôi nước mắt
Bánh xương tủy tim gan
Thịt nhân quần chúng mày vẫn uống ăn
…..
Còn rừng thiêng nước độc
Còn núi hiểm đèo cao
Còn cát khô đảo vắng biển sâu nào
Bay chẳng đọa những anh hùng chiến sĩ
Tôi không thích loại thơ “Tân Hình Thức “ gần đây vì nó ảnh hưởng quá nhiều của cái Tân Hình Thức Âu Mỹ ( nếu bạn nói là tối tăm , khó hiểu thì cũng được )
Tôi thích thơ nói lên khát vọng Tự Do của con người ! Hình như bài Liberte’ của ông J. Pre vert thì phải !
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người coi Thanh Tâm Tuyền là cha đẻ của thơ Tự Do . Chính vì Quách Thoại , Thanh Tâm Tuyền nghênh ngang , lớn giọng đòi tự do sáng tạo . Những bài thơ của các ông như những Tuyên Ngôn của thơ tự do !
Tư tưởng , giòng câu chứa đựng vạn niềm tin
Bao tâm huyết đổ dồn lên y nghĩ
Thơm tho thay những y tình tề nhị
Nói cho cùng những cảm động ẩn trong lời
Tôi biết các anh những kẻ đã khóc cười
Là những kẻ còn tin yêu vững sống
Còn sang tạo các anh hãy còn sáng tạo
Mặt trời mọc !
Mặt trời mọc !
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
Để nhìn các anh như vừa gặp buổi hôm nào
Và câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo
Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo
Quách Thoại
Bài thơ Trăng Thiếu Phụ của Quách Thoại biểu tả một tâm hồn yêu tự do , nhưng không ngủ và muốn :
Gửi cả lên trăng tiếng thở dài
Bài thơ Gửi Quách Thoại đúng là một “ Thông Điệp “ gửi đi , xác định rằng Tự Do sẽ thắng
Mây đục đậu lên bờ cửa sổ
Người nằm ôm chăn mỏng nhớ đời
Bệnh viện thành công viên khuất nẻo
Người ngủ một mình đợi chúng tôi
Trời cao , trời cao xin xanh biếc
Hơi thở rất tròn như vành môi
Không trách chúng tôi nhiều quên lãng
Cửa ngoài chưa thỏa vút tiếng cười
Còn thương những kẻ đau rỏ máu
Những chuyện hôm qua chuyện núi đồi
Mai kia than thể hoang từng mảnh
Nằm đây rồi cũng rõi mây trôi
Thoại ơi ! Thoại ơi ! Không biết khóc
Những giòng nước mắt ướt mặn môi
Không chết trần truồng không thể được
Chúng tôi đập vỡ những hình hài
Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời
T.T.T.
( Quách Thoại nhất quyết chết trần truồng . Bạn bè mặc quần áo cho ông , khi bạn đi khỏi , ông lại cởi hết !!! )
Tuyên Ngôn của nhóm Sáng Tạo là yêu Tự Do . Dĩ nhiên họ cũng ghét những kẻ ghét tư do :
Tên tôi là Phạm văn Thông
Tôi không ! Tôi không ! Tôi không !
Kệ xác nó
Cứ nhận đầu chôn sống
T.T.T.
Nếu Sáng Tạo ra tuyên ngôn , thì nhiều người khác xây dựng Hiến Chương chống lừa dối , hèn hạ , tham nhũng , lãng phí …
Ai mà không thán phục Phùng Quán với lời hứa như đing đóng cột của ông : quyết trở thành nhà văn
Chân Chính
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
…..
Tôi muốn làm nhà thơ chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá
Ai là không căm ghét những kẻ tham ô lãng phí :
….. Tôi đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt
Tôi đã gặp
Những bà mẹ già quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
….. Tôi đã gặp
Những cô gái…
Hai mươi ? Ba mươi ?
Tôi không nhìn ra nữa
….. Tôi đã gặp
Những đứa em còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám với rau
……..
Tôi muốn đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những con người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả …
Phùng Quán
Ai là không căm ghét những kẻ nịnh hót , thì khi đọc “ Cũng Những Thằng Nịnh Hót “ của Hữu Loan sẽ thấy … đã liền :
….. Dạ Dạ Anh Anh
Dạ Dạ Em Em
Hít thượng cấp
Cứ thơm như múi mít
……
Nếu trong thơ Hữu Loan có hình ảnh dung tục ( tục ngữ Bắc Kỳ có câu : L…thơm như mít , đít thơm như cam ) thì Nguyễn Duy không ngại dùng cả tiếng Đan Mạch ( Đ .M. = tiếng Đan Mạch ) Đến Bùi Chí Vinh thì nghệ thuật dùng chữ đã lên đến đỉnh tuyệt vời !
Rất nhiều bài thơ của ông vẫn có vần, nhưng hồn con chữ của ông đã nhẩy ra ngoài vần ! Hết đọc truyện Liêu Trai nửa đêm , đến lên Đà Lạt : Vén sương mù cổ tích coi chơi … đến … Chạm Ngõ :
Hai người lớn gặp mặt nhau
Vậy là con trẻ qua cầu gió bay
Áo tình anh giữ trong tay
Bỏ công em cởi từ ngày còn thơ
Chữ nghĩa của Bút Tre cũng nhẩy lung tung nhưng không bằng Bùi Chí Vinh .
Bút tre móc túi ra được 14 chữ , bèn xếp trên sáu dưới tám cho thành câu thơ lục bát tự do
Anh đi công tác Pơ Lê
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra
Con chữ của Bùi Chí Vinh nhẩy nhót điệu nghệ hơn ( có trời mà biết nó nhẩy điệu gì ) chỉ biết rằng Lạ Lắm … Lạ Lắm ! Cả ngàn bài thơ của Bùi Chí Vinh Lạ Lắm … Lạ Lắm !
Cái lạ của Bút Tre và Bùi Chí Vinh không sánh được với Bùi Giáng ! Hẳn nhiên rồi ! vì Bùi Giáng là Thi Tiên , Thi Thánh , Thi Phật :
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay
Có mà điên mới giở giọng phê bình thơ Bùi Giáng !
Dù sao thì sao , cái lạ lùng , quá đẹp , quá hấp dẫn , trên cả tuyệt vời của Bùi Chí Vinh làm tôi choáng váng , quỳ xuống , hôn lên từng chữ từng câu
SINH NGHI HÀNH
Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng em út nghi anh
Cha nghi con cái bè nghi bạn
Thủ Trưởng thì nghi hết ban nghành
……..
Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
……….
Thúy Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hóa lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Kẻ sĩ làm sao dám học hành
Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Ồ !
Hậu sinh khả úy !
Những chàng trai trẻ , rất trẻ lập nhóm Mở Miệng ! Làm thơ Rác ! thơ Nghĩa Địa ! … in những bài thơ ở nhà xuất bản Giấy Vụn !!!
Các chàng đã ra chiêu đầy sức sống ! Đầy suy tư ! Thật là những Chiêu Thức Bậc Thầy :
LUỘC
Món 1 : Luộc
Theo kiểu rau muống luộc của Bắc Kỳ
Sống ở VN ăn rau muống luộc là tốt nhất
Chưa tìm thấy thứ gì mà người Việt không thể luộc
Vậy nên
Sống ở VN ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc xe Honda, nhà đất , bằng cấp , chức tước
Từ luộc vệ sinh , an toàn thực phẩm , bảo hiểm
Từ luộc trí tuệ , thẩm mỹ , văn hóa , nhân tính
Chưa tìm thấy điều gì mà VN không thể luộc
Vậy nên
Sống ở VN ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc cho đến luộc
Nhà nhà tham gia luộc
Ngành ngành thi đua luộc
Duy chỉ có lí do tại sao mình bị luộc là không bị luộc
Vậy nên
Sống ở VN luộc là tốt nhất
Luộc là tốt nhất
……………….
Lí Đợi
RỒI TÔI
Rồi tôi nhận ra tiếng nói từ bầy súc vật
Mơ hành vi của những con người
Tổ Quốc !
Chúng ta vĩnh viễn không được tự ruồng bỏ
Bởi suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta
Thế giới cũng vút lên từ bước chân mòn
Với một niềm tin ở dưới gót
Tôi chiêm bao thấy đứa con sắp lọt lòng củ tôi nhắn nhủ
Tổ quốc ta như một con mèo
Tiếng chào đời con gọi meo meo
Bùi Chát
ĐÈN ĐỎ
Tôi đứng trước một ngã tư
Đèn đỏ ngăn tôi lại
Những dòng người ra đi tất bật
Gió mát sau lưng họ
Chúng tôi , nhiều thế hệ
Bị giữ lại bởi đèn đỏ
Chúng tôi không cất bước được
Giao lộ ở khắp nơi
Không ai có thể vượt qua đèn đỏ
Chúng tôi đứng trước ngã tư
Nhiều thế hệ
Chỉ một con đường đầy bụi đỏ trước mặt
Bùi Chát
Chân Diện Mục
-------------------
(*) Góp ý Thêm
Nói đến thơ Tự Do, trước hết ta cần biết sơ về Thơ Mới.
Tại sao được gọi là Thơ Mới?
Vào Đời Đường, khi dạng Thơ Luật xuất hiện và phát triển rộng, mọi người đặt tên dạng này là thơ Tân Thể, và tất cả những dạng thơ trước đó gọi là Cổ Thể. Tương tự, ở Việt Nam ta, khi dạng thơ được Phan Khôi phát động và xuất hiện từ 1932 được gọi là thơ mới và các dạng thơ từ 1932 trở về trước là Thơ Cũ.
Theo quyển Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh:
"Thơ mới cũng có nhiều lối... thơ Tự Do chỉ là một phần trong đó..."
Thơ Mới đã phá bỏ nhiều khuôn phép của Thơ Cũ, có câu nhiều hơn 10 chữ, các câu trong bài thơ không đều, hoặc là trong câu thơ có nhiều câu thừa như dạng văn xuôi: Ta là một khách chinh phu (Lời Chinh Phu của Thế Lữ). Ý cả câu này xét kỹ chỉ là 2 từ chinh phu, còn 4 chữ kia lại thừa. Trong khi thơ cũ : Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Không một chữ nào thừa.
Nhưng Thơ Mới vẫn gieo vần với nhau. Tuy nhiên, Thơ Mới cũng lưu giữ rất nhiều khuôn phép cũ, như các bài thơ 5 chữ, thơ 7 chữ...; phương pháp gieo vần yêu vận cũng như cước vận....
Một nhánh mới của Thơ Mới xuất hiện, phá bỏ cả những khuôn phép cũ về gieo vần. Nói rõ hơn là không cần hoặc gieo vần rất ít. Nhánh mới này được mọi người gọi là Thơ Tự Do...
Huỳnh Hữu Đức