Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Dạng Thơ Thú Vị


Bối Cảnh Thi Đàn Việt Nam Thập Niên 30 Thế Kỷ 20

Thơ Mới, tên gọi để phân biệt với các dạng thơ cũ như Lục Bát, Cổ Phong, Đường Luật Thi..., một dạng thơ mang bóng dáng như thơ của Tây Phương. Phan khôi đã từng lên tiếng chỉ trích Đường Luật Thi trên Đông Pháp Thời Báo vào năm 1928 :" Bó buộc quá làm mất cả sinh thú.."
Đến năm 1932, phát súng khởi điểm cho Thơ Mới là bài "Tình Già" của Phan Khôi, một dạng thơ mới thật sự ra đời, cùng với sự hưởng ứng mạnh mẽ và sự xuất hiện các bài Thơ Mới của những nhà thơ như Lưu Trong Lư, Nguyễn thị Manh Manh, Thanh Tâm, Thế Lữ, J. Leiba...
Thành trì của Đường Luật Thi nghiêng ngửa. Có thể ví Thơ Đường Luật bấy giờ giống như bóng dáng Cụ Đồ trong "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên, hay Chúa Sơn Lâm nơi Vườn Thú trong "Hổ Nhớ Rừng" của Thế Lữ...người cố gắng chóng chỏi, để bảo vệ Thơ Đường Luật, bấy giờ có Tản Đà được coi là đại diện, cùng một số nhà nho khác như Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Duy Từ, Thái Hỉ, Nguyễn Văn Hanh...
Đến năm 1936, phong trào Thơ Mới thắng thế và áp đảo hoàn toàn. Lưu Trọng Lư kiêu hãnh viết trên Hà Nội Thời Báo:

Đôi lời nhắn nhủ bạn làng nho
Thơ thẩn thẩn thơ khéo thẩn thờ
Nắn nót miễn sao nên bốn vế
Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ.

Sức Sống Mãnh Liệt của Đường Luật Thi

Những tưởng Thơ Đường Luật sẽ khuất phục sau gần 10 năm bị tấn công dữ dội. Nhưng thật khó cho Phan Khôi, Lưu Trọng Lư...vì Đường Luật Thi đã bám rễ vững vàng trong mấy ngàn năm, nên không dễ gì chịu mất vị trí quan trọng trên thi đàn trong nước vì Thơ Mới. Ngày nay, Thơ Đường Luật, tuy gò bó nhưng vẫn được giới làm thơ yêu chuộng.
Ngoài những dạng thơ Đường Luật có từ trước, như Thủ Vỹ Ngâm, Tiệt Hạ, Liên Hoàn...Các nhà thơ Đường của thế kỷ 20 trở lại đây, cũng sáng tác ra nhiều dạng mới, làm phong phú thêm Thơ Đường Luật như:  Bát Điệp, Ô Thước Kiều, Khoán Thủ, Ngũ Độ Thanh...
Tuy hiện tại Thơ Đường Luật rất đa dạng, nhưng có một dạng rất đặc biệt và thú vị xuất từ thế kỷ 15. Một dạng rất riêng của người Việt. Đó là dạng thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn.

Dạng Thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn

Có lẽ trong chúng ta, không ai không biết đến bài thơ "Đánh Đu" của nữ Sĩ Hồ Xuân Hương:

          Đánh Đu

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Hai hàng chân ngọc duổi song song
Chơi xuân có biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.

Nhưng theo một số tài liệu được kiểm chứng xác minh, thì bài thơ này được Nữ sĩ sửa lại từ bài thơ "Cây Đánh Đu" từ thời Lê Thánh Tôn:

     Cây Đánh Đu

Bốn cột lang nha cắm để trồng
Ả thì đánh cái ả thì ngong
Tế hậu thổ khom khom cật
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng
Tám bức quần hồng bay phới phới
Hai hàng chân ngọc đứng song song
Chơi xuân hết tất xuân dường ấy
Nhổ cột đem về để lỗ không.
              Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập

Điểm lạ ở bài thơ này ở hai câu 3 & 4, chỉ có 6 chữ. Có phải khi ấn loát hay ghi chép lại bị thiếu chữ? Thưa không, đây là một dạng thơ Đường Luật xuất hiện thời kỳ đầu của nhà Hậu lê.

Sự Hình Thành Dạng Thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn

Kể từ khi Nguyễn Thuyên viết bài "Văn Tế Cá Sấu" bằng chữ Nôm, được ca tụng, đã khiến các thi nhân của ta có thêm động lực, bắt đầu sáng tác thơ Nôm theo Luật Đường. Thơ Nôm viết theo luật thơ Đường, lần đầu tiên mang tên gọi là thơ "Hàn Luật" được ghi chép trong " Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục" triều Nguyễn do Phan Thanh Giản chủ biên.
Vào Thời Trần, Thơ Nôm phát triển rất mạnh, nhưng hầu hết là các dạng thơ Đường Luật, Lục Bát..., riêng thơ Nôm Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn không hề xuất hiện trong triều đại Nhà Trần. Mãi đến thời kỳ đầu của Nhà Hậu Lê, ta mới thấy xuất hiện trong "Quốc Âm Thi Tập "của Nguyễn Trãi.

Năm 1407 vua nhà Minh bên Tàu sai tướng Trương Phụ sang thôn tính nước ta. Lúc bấy giờ, nước ta đang vào triều đại Hồ Quý Ly quốc hiệu Đại Ngu. Cuộc chống giặc ngoại xâm thất bại, vua tôi nhà Hồ bị bắt gần hết. Trong số các quan lại thoát được có Nguyễn Trãi. Nơi ông trốn lánh lâu nhất là Côn Sơn. Trong khoảng thời gian này, ngoài việc lên kế sách để đuổi giặc xâm lăng, ông còn thay đổi dạng thơ Đường luật thành một dạng riêng cho mình. Không những thế, các vua, quan từ đó về sau cũng sáng tác Thơ Đường Luật dạng này. Đó là dạng thơ mà ngày nay gọi tên là " Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn".
Từ đó dạng thơ này được thi nhân các triều Hậu Lê, Nguyễn tiếp tục sáng tác.

Một Số Bài Thơ Và Tác Giả Tiêu Biểu

    Mạn Thuật 4

Giũ bao nhiêu bụi bụi lầm,  
Giơ tay áo đến tùng lâm.  
Rừng nhiều cây rợp hoa chầy động,  
Đường ít người đi cỏ kíp xâm.  
Thơ đối tục hiềm câu đối tục,  
Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm.  
Trúc thông hiên vắng trong khi ấy,  
Năng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm.
                             Nguyễn Trãi

         Người Ăn Mày

Góp giang sơn xách một quai, 
Lượng bằng sông biển chẳng từ ai! 
Vườn đào ngõ mận từng len lỏi, 
Gác tía lầu son mặc nghỉ ngơi. 
No biết thế tình mùi mặn nhạt, 
Quản bao nhật nguyệt bữa đầy vơi! 
Vương tôn thuở trước làm sao tá ? 
Bái tướng phong hầu, ấy những ai ?
                               Lê Thánh Tôn

          Mẫu Đơn

Dưỡng cẩn vườn tiên của hạ thường 
Trăm hoa tươi tốt đã khiêm nhường 
Thức tươi chiếm được xuân thiên hạ 
Giá trọng kham khoe đất Lạc Dương 
 
Khắp trong đời khen quốc sắc 
Hơn chúng bạn khải hoa vương 
Dầu thêm hay thốt hay cười nữa 
Thấy mặt trong lòng những đoạn trường
                      (Khuyết Danh Thời Hậu Lê)

     Nhân Tình Thế Thái 12

Cầu may cuốc nguyệt gánh yên hà
Nào của nào chăng phải của ta
 

Đêm đợi trăng lồng bóng trúc
Ngày chờ gió thổi tin hoa

Thấy cơ doanh mãn cho hay chửa
Phải đạo trung thường chớ có qua
Dẫu lấy thánh kinh noi thửa học
Ví chưng xuất xử đạo thờ cha
                 Nguyễn Bỉnh Khiêm

Ngôn Ẩn Thi Tập Bài 1

Trên đầu đã rối tóc hoa râm 
Lẩn thẩn còn chơi đám cát lầm 
Nẻo lợi danh tuy dở bước  
Lòng trung hiếu hãy bền cầm 
Khôn chửa đủ mùi kim cổ 
Dại nào lường máy thiển thâm 
Miễn trọn cho cùng nhân sự chửa 
Thôi thôi rất lẽ thuận thiên tâm
                 Nguyễn Hữu Chỉnh


Ngoài ra Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có bài thơ thuộc dạng này nhưng với dạng Tứ Tuyệt:

  Cùng Quan Tế Tửu Họ Phạm

Kìa ai tỉnh, kìa ai say (*)
Kìa ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày 
Khoan khoan xin hãy dừng tay lại 
Chớ mó hang hùm nữa mất tay.

(*) có bản viết:
                Ông đồ tỉnh ông đồ say
                Sao ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày...
hay là: 
           Say hay tỉnh tỉnh hay say
           Trêu hoa ghẹo nguyệt giữa ban ngày...
Kết Luận

Là một người yêu nước, có tinh thần tự chủ mạnh mẽ, Nguyễn Trãi muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào Thơ của Tàu, Ông đã tự mở cho mình một lối đi riêng bằng cách sửa đổi số chữ trong bài Đường Luật Thi. Con đường được vạch ra, ông đi trước, các thế hệ sau nhất là những thi nhân Triều Hậu Lê đã hưởng ứng mạnh mẽ, tỏ rỏ sự độc lập của đất nước .

Tính đến nay, đã tìm được gần 1000 bài thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn cho hậu thế. Nhìn chung, có 4 nhà thơ làm dạng này nhiều nhất. Đó là Nguyễn Trãi với Quốc Âm Thi Tập, vua Lê Thánh Tôn và Hội Tao Đàn với Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập và Nguyễn Hữu Chỉnh với Ngọc Ẩn Thi Tập.

Tôi thường hỏi: "Trong hiện tại, Thơ Đường Luật cũng phát triển rất mạnh, tại sao thế hệ chúng ta không hưởng ứng và phổ biến sự bất khuất của Nguyễn Trãi nói riêng và dân tộc Việt nói chung, qua dạng Thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn?". Với suy nghĩ này, thỉnh thoảng tôi có làm một số bài thơ Đường Luật theo dạng này, gần đây nhất là bài "Tập Tành Thơ":

     Tập Tành Thơ

Nhớ xưa tập tểnh học làm thơ
Mới viết đôi câu đã đẫn đờ
Lục Bát vần lưng nghe lủng củng
Luật Đường niêm đối thấy ngu ngơ
 
Tự Do ư Tự Do hử
Thơ Mới ơ Thơ Mới quờ
Cứ tưởng dễ dàng nên bắt chước
Ai dè rắc rối thiệt không ngờ.
                      
***
Huỳnh Hữu Đức biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét