Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Đất Phương Nam 1 (TT)- Phần 2 Đồng Bằng Miền Đông




Địa Lý Và Khí Hậu Của Đồng Bằng Miền Đông: 

Miền đất nầy là sự nối tiếp của các cao nguyên Bảo Lộc và Di Linh nên độ cao trung bình khoảng từ vài chục mét đến 200 mét, với những cao nguyên thấp và những đồi núi không cao lắm. Chúng ta có thể nói “Đồng Bằng Miền Đông” bao gồm các tỉnh Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Bà Rịa, Vũng Tàu, và một phần của tỉnh Hậu Nghĩa. Tổng diện tích của toàn vùng vào khoảng 23.467 cây số vuông và tổng dân số khoảng gần 9 triệu người(15). Sau năm 1975, chánh quyền Cộng Sản chia miền Đông Nam Phần ra làm 6 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, và thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn). Phải nói nếu so với Đồng Bằng Sông Cửu Long thì Đồng Bằng Miền Đông có địa thế đất tương đối cao vì phần lớn đồng bằng nầy nằm trên vùng bình nguyên và đồng bằng, là vùng chuyển tiếp từ cao nguyên Trung Phần đến đồng bằng sông Cửu Long và càng về miền Tây thì càng thấp dần nên miền Đông ít khi bị lũ lụt như miền Tây. Về phương diện cấu trúc địa chất, đồng bằng miền Đông so với Đồng Bằng sông Cửu Long thì khác hơn nhiều về mọi mặt. Thế đất miền Đông cao, phù sa cổ, và ít sông rạch, chỉ có một số suối ngắn, vào mùa mưa thì nước tràn bờ, nhưng vào mùa nắng thì khô cạn tới đáy. Từ Sài Gòn đi Tây Ninh người ta không thấy sông mà chỉ qua một con rạch với chiếc cầu không lớn lắm. Từ Sài Gòn đi Biên Hòa chỉ có con sông Đồng Nai, tuy có bề mặt rộng, nhưng nước chảy yếu và không có phù sa như dòng Cửu Long. Nói chung, đồng bằng Miền Đông chỉ có những con sông ngắn như sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Sài Gòn, và sông Bé. Ven các sông nầy, cũng có nhiều nơi thung lũng sông mở rộng thành những cánh đồng phì nhiêu, chẳng hạn như đồng bằng sông La Ngà, rộng trên 10 ngàn mẫu ở quận Hoài Đức, đồng bằng sông Bé rộng trên 20 ngàn mẫu ở phía Bắc tỉnh Bình Dương, và một số thung lũng khác nằm ven bờ sông Đồng Nai như vùng Cát Tiên và Lâm Đồng. 
Sông Đồng Nai là con sông chảy hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam, chỉ dài khoảng 635 cây số, phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên(16), sau khi chảy qua cao nguyên Lâm Đồng thì chảy vào đồng bằng miền Đông. Lưu lượng nước sông Đồng Nai chỉ khoảng 485 mét khối một giây. Sông Đồng Nai có nhiều phụ lưu như sông La Ngà, sông Bé và sông Sài Gòn. Sông Đồng Nai chảy qua Biên Hòa và sau đó gặp sông Sài Gòn tại Nhà Bè, rồi đổ ra biển bằng nhiều cửa, trong đó có cửa Soài Rạp là lớn nhất. Trên sông Đồng Nai có hai công trình thủy điện là Đa Nhim và Trị An. Sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Trung Phần có độ cao khoảng 1.600 thước, là nhánh sông bên trái của sông Đồng Nai. Sông La Ngà chỉ có khả năng cung cấp nước cho một số quận huyện thuộc tỉnh Bình Thuận như Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận. Bên cạnh đó, trên sông La Ngà còn có hai công trình thủy điện Hàm Thuận và Đa Mi. Sông Sài Gòn phát xuất từ Thủ Dầu Một chảy qua Bình Dương rồi đổ vào sông Đồng Nai, gần Nhà Bè, với một lưu lượng nước rất nhỏ(17).
Về phía thượng lưu sông Sài Gòn, tại Tây Ninh, có hồ Dầu Tiếng, có diện tích khoảng 27 ngàn héc ta. Sông Bé là nhánh sông bên phải của sông Đồng Nai, phát nguyên từ cao nguyên M’nong, chảy qua Bình Long và Phước Long, dài khoảng 360 cây số và đổ vào sông Đồng Nai ngay phía Nam Trị An với lưu lượng nước khoảng 264 mét khối một giây. Có nhiều khúc sông người ta thấy mặt nước phẳng lì như mặt nước hồ thu không gợn sóng, thuyền ghe qua lại cũng rất ít so với hai con sông Tiền và Hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dầu đồng bằng miền Đông Nam Phần có rất ít sông ngòi, nếu có cũng chỉ là những sông ngắn, thế nhưng nó không khô khan như vùng Tây Nguyên nằm sát nách nó, do bởi hệ thống nước ngầm từ các lòng sông cũ, cũng như những lỗ hỏng từ các khe nứt của lớp đá trầm tích, khiến nước từ dưới lòng đất có thể phun lên từ những nơi nầy và chảy len lỏi vào đồng ruộng. Riêng tại tỉnh Tây Ninh, với diện tích khoảng 4.000 cây số vuông mà vào cuối thế kỷ thứ XVI vẫn còn là khu rừng rậm hoang vu. Mãi đến thập niên 1940,
Tây Ninh vẫn còn trên 50% là rừng rậm. Lại nữa, cấu tạo đất đai của miền Đông cũng khác với miền Tây. Nền địa chất bên dưới là phần đá xanh (granit) cuối của dãy Trường Sơn, được phủ lên bởi nhiều lớp đá trầm tích trẻ, trong đó các trầm tích trẻ nhất thuộc niên đại Jura, bên trên cùng là lớp phù sa cổ trải rộng ra trên khắp bề mặt của toàn vùng, mà người bình dân gọi là “đất xám.” Miền Đông có cấu tạo nham thạch cổ đã biến chất thành đất đỏ nên rất thích hợp cho việc thiết lập các đồn điền cà phê và cao su, nhưng độ phì nhiêu lại kém hơn so với phù sa mới ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Chính vì thế mà việc trồng lúa nước ở vùng này kém hơn vùng châu thổ sông Cửu Long rất nhiều. Và cũng chính vì thế mà có một khoảng thời gian khá lâu toàn vùng chìm đắm trong cơn khủng hoảng về trồng trọt, người ta không biết phải trồng loại cây gì cho hợp với loại đất xám này. Mãi đến khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam họ mới khám phá ra loại đất xám này rất thích hợp cho các loại cây công nghệ như cao su, cà phê, ca cao, vân vân.
Thế là từ hơn 150 năm nay, vùng đất này trở thành cái nôi của những đồn điền trên những vùng đất đỏ chen lẫn đất xám. Bên cạnh đó, những khu rừng cao su rộng lớn nhưng rất ngay hàng thẳng lối khiến cho toàn miền có một sắc thái rất đặc biệt, nhất là khi chúng ta lái xe vào trên một con đường băng qua rừng. Loại phù sa cổ Đồng Nai làm cho chúng ta liên tưởng đến thềm lục địa của một con sông lớn, phải lớn hơn sông Đồng Nai nhiều. Chính vì vậy mà một nhà khảo cổ và địa chất người Pháp tên Saurin đã đặt ra giả thuyết rằng ngày trước cửa sông Cửu Long cũng đã từng nằm ở vùng này, hoặc giả có lúc nào đó sông Cửu Long đã từng chảy qua vùng này. Trong kỷ nguyên đệ tứ, vùng Đồng Nai được nâng cao lên cùng lúc với sự nâng cao của dãy Đậu Khấu bên Miên, đồng thời vùng trũng vịnh Óc Eo càng trở nên trũng hơn vì bị lún. Chính sự nâng cao đó mà phần chót của dãy Trường Sơn lại có những núi cao đến 500 mét. Trong các vùng của đỉnh núi lửa đã tắt có những núi tương đối cũng còn khá cao như núi Bà Đen ở Tây Ninh (cao 986 mét), núi Bà Rá (cao 736 mét), núi Chứa Chan (cao 838 mét). Đây cũng là những vùng có loại đất màu đỏ, chỉ thích hợp cho các loại cây cao su và cà phê mà thôi. Các nhà địa chất học đã tìm thấy dấu tích của những lòng sông cũ dưới dạng những hồ dài và những trũng nước đọng ở các vùng Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Biên Hòa và Long Khánh. Người ta tin rằng các sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây và ngay cả những sông lớn hơn như sông Sài Gòn và Đồng Nai, sông Bé, sông La Ngà, vân vân cũng đang chảy trên các lòng sông cũ đó. Ngoài hai vùng đất xám và đất đỏ của Đồng Bằng Miền Đông, vùng châu thổ này còn có một vùng đất thấp với phù sa mới ở vùng châu thổ thủy triều của sông Đồng Nai.
Đó là khu rừng sát nằm dọc theo bờ biển miền Đông Nam Kỳ, tuy chỉ dài khoảng 100 cây số, nhưng trữ lượng hải sản lên đến 670.000 tấn, chiếm gần 40 phần trăm trữ lượng hải sản miền Nam. Miền Đông Nam Phần có khoảng trên 200 cây số biên giới với Cao Miên, mà về phía Việt Nam là các vùng Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long và Phước Long giáp với các vùng Kompong Cham, Prey Veng và Svay Riêng của Cao Miên. Đây là khu vực cuối của dãy Trường Sơn nên hãy còn nhiều loại gỗ quý như trắc, cẩm lai, căm xe, cà chất, cũng như hãy còn lác đác những loại thú vùng Trường Sơn như voi, cọp, beo, heo rừng và bò rừng... Mãi đến cuối thế kỷ thứ XVI, miền Đông Nam Phần vẫn còn là vùng hoang địa với rừng rậm hoang vu. Nói đúng ra là từ khi vương quốc Phù Nam sụp đổ từ thế kỷ thứ VI, nghĩa là 10 thế kỷ sau, vùng nầy vẫn chỉ có một số rất ít người Mạ và Stiêng sống du canh du mục mà thôi. 

Đường lộ miền Đông Nam Kỳ

Ngày trước, Đồng Bằng Miền Đông là một vùng rộng lớn chạy dài từ phía Đông Bắc là vùng Mô Sài(18) đến phía Nam thành phố Sài Gòn Gia Định, phía Tây Bắc đến tận vùng Tây Ninh, và phía cực Bắc là các vùng Phước Long, Bình Long. Vùng nầy có địa hình đồi gò thuộc thềm phù sa cổ của sông Đồng Nai. Theo các di chỉ khảo cổ tại các vùng Rỏng Bàng(19), Bến Đò, Long Bửu, Hội Sơn thuộc quận 9 Sài Gòn, và Gò Cát thuộc quận 2 Sài Gòn, cách nay khoảng 3.000 năm đã có cư dân sống tại vùng nầy. Mãi đến ngày nay, khi nói đến miền Đông người ta liên tưởng ngay đến vùng Đồng Nai, một thời vang bóng với Cù Lao Phố năm xưa. Đây là một trong những thương cảng lớn nhất của Việt Nam thời bấy giờ. Theo truyền thuyết của dân tộc Mạ và Stiêng, thì vùng này sở dĩ có tên “Đồng Nai” vì dưới thời vương quốc Phù Nam, chưa có vùng đồng bằng sông Cửu Long, lúc đó bờ biển nằm khoảng vùng Óc Eo, thuộc Long Xuyên bây giờ, thì vùng Đồng Nai-Biên Hòa là một vùng đồng cỏ rộng lớn nhất trong khu vực.
Đặc biệt là cánh đồng cỏ này có rất nhiều nai lui tới ăn cỏ và uống nước. Thường thì nai hay sinh sống nơi các vùng đồi núi, dù không có đồng cỏ lớn, nhưng mùa khô vẫn còn nước để uống. Còn vào thế kỷ thứ VI, tại vùng mà chúng ta gọi là “Đồng Nai” bây giờ, mùa nào cũng có cỏ xanh và nước ngọt từ hai bên bờ sông hay từ các hố sâu, nên rất nhiều nai đã qui tụ về đây. Hiện nay vẫn còn một số địa danh nói lên dấu ấn rõ rệt thời đó, đó là những vùng “Hố Nai,” “Bàu Nai,” hay “Hóc Hươu” ở Biên Hòa. Vùng nầy có địa hình đồi gò dốc thoai thoải, lớp đất trên mặt có màu vàng đỏ hoặc màu xám phủ lên trên lớp trầm tích phù sa cổ, có độ cao trung bình từ 10 đến 25 thước(20). Càng chạy về phía Đông Nam thì địa thế của Đồng Bằng Miền Đông càng trở nên thấp trũng vì đây là vùng đồng bằng chưa hoàn chỉnh mà lại thường xuyên ngập mặn như các khu rừng Sác và Cần Giờ. Theo các di chỉ Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ tại vùng Cần Giờ thì những mộ chum gốm đào được có niên đại từ 1.500 năm đến 2.500 năm. Như vậy con người xuất hiện tại vùng nầy sau các vùng Tây Ninh, Bình Long và Phước Long đến cả ngàn năm.
Riêng các vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định ngày nay thuộc vào vùng có địa hình thấp chỉ mới được cấu tạo cách nay khoảng từ 10.000 đến 11.000 năm mà thôi. Đây là là vùng đất chuyển tiếp giữa hai thế đất phù sa cổ Đồng Nai và phù sa mới Cửu Long như các vùng có địa hình thấp chạy dài từ Hóc Môn xuống Cần Giờ. Ngoài ra, sự thành hình của toàn vùng mà ngày nay chúng ta gọi là Nam Phần Việt Nam chịu tác động trực tiếp của những đợt ‘biển tiến’ và ‘biển thoái’. Theo các nghiên cứu địa lý, nếu chỉ tính từ khoảng 13.000 năm trở lại đây thì ban đầu có một đợt mực nước biển hạ thấp nên toàn vùng đã được nối liền với quần đảo Côn Sơn. Sau đó, cách nay khoảng từ 10.000 đến 6.000 năm, nước biển lại dâng cao với tốc độ nhanh, nên bờ biển thời đó lấn sâu đến tận phía Nam Sài Gòn như các vùng Long An, Mỹ Tho và Đồng Tháp Mười. Đến thời kỳ cách nay khoảng từ 3.000 đến 4.000 năm thì mực nước biển hạ thấp khoảng 2 mét, nên các vùng bấy lâu nay bị ngập nước đang dần trồi lên, lại được sự bồ đắp của phù sa mới từ sông Cửu Long, và kể từ đó đến nay vùng nầy cũng như các vùng ven biển khác của miền Nam luôn được tiếp tục bồi đắp. 
Trước khi Sài Gòn được khai sanh thì vùng Cù Lao Phố đã là một vùng trù phú thịnh vượng, với sự buôn bán tấp nập của các thương thuyền từ khắp các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Hòa Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha... Lúc đó Cù Lao Phố với đất rộng người thưa, lại thêm lâm sản dồi dào và đồng ruộng bao la nên lúa gạo lúc nào cũng thặng dư để xuất cảng ra nước ngoài. Ngoài ra, còn các nguồn tài nguyên khác như mía và bông vải được bán sang Ấn Độ. Khi bắt đầu công cuộc khai phá đất miền Đông các Chúa Nguyễn đã mộ dân phu từ các tỉnh Thuận Quảng từ miền Trung vào để thành lập hệ thống dinh điền theo phương hướng “Hễ có biến động thì làm lính, tới lúc bình an thì làm dân khai khẩn đất hoang.” Như vậy trong những ngày đầu mở đất về phương Nam các chúa đã rất khôn khéo trong việc vừa khai khẩn, vừa bình định và vừa sản xuất. Sau khi người Pháp chiếm Việt Nam, họ đã sớm nhận ra tiềm năng của vùng đất có loại phù sa cổ này nên chẳng bao lâu sau đó họ đã biến toàn bộ phía Bắc của Đồng Bằng Miền Đông thành ra những đồn điền cà phê và cao su với tổng sản lượng xuất cảng đứng nhứt nhì vùng Đông Nam Á. Họ đã mộ phu đồn điền từ các tỉnh phía Bắc, dùng lao động của dân bản địa nhằm biến các vùng rừng thiêng nước độc thành ra những đồn điền trù phú nhất nước. Lịch sử khai mở các đồn điền miền Đông đã đẫm không biết bao nhiêu là máu xương của người Việt Nam chúng ta để làm lợi cho bọn chủ đồn điền thực dân này. Khi Đồng Bằng sông Cửu Long đã được khai khẩn thành khoảnh và lưu dân từ các miền Thuận Quảng đến đó đã ăn nên làm ra thì dân cố cựu vùng Đồng Nai cũng quyết bám trụ chứ không chịu bỏ miền Đông dời đi lập nghiệp. Ngày nay, đồng bằng miền Đông đã khởi sắc hẳn lên với khu công nghiệp Biên Hòa nằm trên xa lộ Sài Gòn Biên Hòa. 
Hai con sông lớn đã tạo nên Đồng Bằng Miền Đông là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sông Sài Gòn chảy ngang qua Gia Định trước khi đổ ra biển. Sông Đồng Nai chảy ngang qua tỉnh Biên Hòa. Sau đó hai dòng sông này cùng chảy vào sông Nhà Bè nên từ xưa đã có câu hò vè: 
“Nhà Bè nước chảy chia hai Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.” 
Kỳ thật không phải sông nhà bè chia làm hai nhánh để chảy chia hai, mà sông Nhà Bè chính là sông Đồng Nai khúc chảy ngang qua khu vực Nhà Bè, có một chi lưu nhỏ là sông Lòng Tảo, còn sông Đồng Nai tiếp tục chảy xuống phía Nam rồi đổ ra biển Đông bằng cửa Xoài Rạp. Ở đây mỗi con nước lớn có hiện tượng nước chảy ngược (một từ phía sông Lòng Tảo, và một từ phía sông Nhà Bè) tức hai ngã: một ngả chảy xuống phía Nam để gặp chỗ giáp nước, còn một ngả xuôi dòng về đất Gia Định. Phải chăng cô lái đò hay cô thôn nữ vùng Đồng Nai Gia Định đang phân vân trước ngả rẽ cuộc đời, hay cô đang rủ rê ai đó về Gia Định Đồng Nai với cô? Khi nói tới Gia Định, người ta cứ tưởng vùng Gia Định là vùng đất thuộc đồng bằng miền Đông. Vâng, đất Gia Định luôn được xem như là một phần đất của những tỉnh miền Đông. Ngay thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa, vùng Sài Gòn Gia Định cũng được xem như trực thuộc quân đoàn III, quân khu III. Tuy nhiên, nếu nói theo địa chất học, thì vùng Gia Định có cách cấu tạo đất của vùng 2 sông Vàm Cỏ, hay vùng đồng bằng sông Cửu Long. 
Vì vậy khi ông bà chúng ta đặt ra 2 câu vè trên, thì câu sau “ai về Gia Định Đồng Nai thì về,” ngụ ý nói ai muốn về vùng đồng bằng sông Cửu Long hay về vùng đồng bằng miền Đông thì cứ tự nhiên rẽ theo dòng nước Nhà Bè mà về. Về phương diện địa chất, vùng Sài Gòn Gia Định có thể được chia làm ba khu vực: Khu vực đồi gò thấp ở vùng Củ Chi, có đất màu vàng đỏ. Khu vực tiếp giáp vùng đồi gò ngay phía Đông Nam vùng Củ Chi là vùng đồng bằng do phù sa mới tạo thành, có địa hình bằng phẳng, nhưng đất vẫn còn trũng phèn như các vùng Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và một phần của vùng Cần Giờ. Vùng thứ ba là vùng phù sa đang phát triển, nằm về phía Đông Nam của Cần Giờ. Đất đai vùng nầy trũng và thấp, đa phần ngập mặn, điển hình là khu rừng Sác. Khu rừng Sác tại Cần Giờ cũng giống như một bán đảo bị cắt ra khỏi đất liền bởi những con sông lớn, về phía Bắc thì có các sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu, và về phía Đông thì có các sông Đồng Tranh và sông Soài Rạp. Trong lòng khu rừng Sác lại có nhiều giồng, tuy nhiên, tại đây thủy triều lên xuống ngày hai lần khiến cho các giồng nầy luôn bị cô lập như những cồn nhỏ, chỉ đi lại được bằng những xuồng nhỏ mà thôi. Toàn bộ vùng nầy nằm trong khu khí hậu tương đối điều hòa, ít có sự thay đổi đột ngột, và ít có thiên tai lũ lụt. Dầu có nhiều mưa với lượng nước dồi dào, trung bình khoảng từ 1.500 đến 2.000 mili lít mỗi năm, nhưng vấn đề lớn khác khiến cho việc sinh sống và khai khẩn vùng rừng Sác trở nên vô cùng khó khăn vẫn là việc khan hiếm nước ngọt. Tại đây không có tầng nước ngầm, lại thêm mùa mưa thường đến trễ và chấm dứt sớm hơn các vùng khác nên lượng nước mưa rất ít. Thêm vào đó, dù sông Đồng Nai là một con sông lớn và có trữ lượng nước khá lớn nhưng vẫn không đủ cung cấp cho sinh hoạt công nghiệp cho một vùng đất đang trên đà phát triển về công nghiệp rất mạnh. Tuy nhiên, chính con sông nầy đã cung cấp thủy điện trên 10 tỷ KW giờ cho toàn vùng. 

Đồng Bằng Miền Đông, Với Hai Nền Văn Hóa Sa Huỳnh Và Óc Eo:

Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng vùng Mô Xoài-Bà Rịa cũng như toàn thể miền Đông Nam Phần không những gắn liền với vùng Tây Nguyên về mặt địa chất, mà hai vùng nầy cũng có quan hệ mật thiết với nhau về mặt nhân chủng; tuy nhiên, cho đến nay, bằng chứng về mối quan hệ giữa hai khu vực nầy trong thời tiền sử vẫn còn nằm yên dưới lòng đất, chứ chưa được các nhà khảo cổ học khai quật bao nhiêu. Tại khu vực Hóc Môn Bà Điểm, nay là 2 quận Hóc Môn và quận 12, người ta đã tìm thấy hai di chỉ khảo cổ tại Gò Sao và Rỏng Bàng. Tại khu Gò Sao nằm trong phạm vi quận 12, trên một khu đất xám thuộc phù sa cổ có lẫn lộn nhiều sạn sỏi, người ta đã tìm thấy nhiều dụng cụ bằng đá như rìu, cuốc, đục, vân vân, có niên đại từ 3.000 đến 3.500 năm. Khu Rỏng Bàng, một gò đất có độ cao khoảng 6 mét, với triền dốc thoai thoải từ vùng phù sa cũ xuống vùng phù sa mới, nằm trong phạm vi quận Hóc Môn. Tại đây người ta đã tìm thấy nhiều vật dụng như rìu, đục, một số mũi tên và dao bằng đá cũng có niên đại từ khoảng 3.000 đến 3.500 năm. Riêng tại vùng trường đua Phú Thọ, qua những không ảnh chụp vào khoảng thập niên 1930, nhà khảo cổ học L. Malleret cho rằng có dấu vết của một khu cư trú cổ rộng lớn, gồm những đường thẳng đan chéo hình bàn cờ giống như những con đường của một thành phố. Tuy nhiên, mãi đến ngày nay vẫn chưa có sự khám phá mới nào về vùng nầy. Vùng thấp phù sa mầu mỡ dọc theo bờ sông Sài Gòn chạy ra đến biển, vùng này sản xuất lúa gạo cũng như thủy sản và hải sản, tuy nhiên hãy còn rất nhiều đầm lầy hoang vu gần biển chưa được khai khẩn. Vào khoảng tháng 4 năm 1977, dân vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân, thuộc quận Bình Chánh, đã phát hiện một số cọc gỗ, thiết kế theo kiểu nhà sàn và nhiều mảnh vụn đồ gốm, được các nhà khảo cổ xác định là có niên đại khoảng 2.500 năm, nghĩa là có trước nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam. 
Riêng tại Cần Giờ, thuộc vùng sinh thái ngập mặn, vào nửa thiên niên kỷ thứ nhất đã hình thành nên một nền văn hóa mới, đó là văn hóa Giồng Phệt. Dựa trên những di chỉ, đồ gốm sứ và mộ táng khai quật mới đây, người ta có đủ bằng chứng để nói rằng nền văn hóa nầy thể hiện sự hội tụ nhiều yếu tố của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai. Cũng tại Cần Giờ, người ta đã cũng tìm thấy nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại từ 1.500 năm đến 2.000 năm, tức là thuộc nền văn hóa Óc Eo. Nhất là tại Giồng Am, người ta tìm thấy nhiều di chỉ có niên đại thế kỷ thứ IV hoặc thứ V, gồm những đồ gốm sứ và những viên gạch hình thang, những thỏi đất nung hình trụ vuông, có đầu thon vẹt, những chai gốm thân dài, đáy tròn, mép miệng cuộn tròn, màu đỏ, trên thân có hoa văn in những đường nét thô có hình xương cá. Đây là một trong những di tích độc đáo của nền văn hóa Óc Eo. Tại đây người ta đào được tại Chùa Gò(21) những viên gạch lớn, những mảnh gốm Óc Eo, mảnh miệng bình, hũ, vòi và nấp ấm. Đặc biệt có những tượng hình đầu người bằng đất nung với khuôn mặt tròn, gò má rộng, môi dầy. Nói tóm lại, đa số các di chỉ tìm thấy trong vùng Cần Giờ đều thuộc nền văn hóa Óc Eo, thuộc loại văn hóa vùng ven biển của cộng đồng cư dân sinh sống trên các giồng và gò ven các sông rạch gần biển. Qua những phát hiện tại Giồng Phệt cũng như tại Giồng Am, chúng ta có thể đi đến kết luận sơ khởi rằng văn hóa Giồng Phệt là một trong những con đường Tiền Óc Eo ở khu vực ven biển Đông bên cạnh các di tích Tiền Óc Eo khác dọc theo lưu vực sông Vàm Cỏ như Gò Cao Su, Gò Ô Chùa ở Long An, và lưu vực sông Cửu Long như Gò Cây Tùng ở An Giang.

Hết Phần 2
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét