Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Vương Quốc Phù Nam Phần 3

 
Tín Ngưỡng Và Tôn Giáo Chính Của Vương Quốc Phù Nam: 

Theo những bia ký(50) tìm thấy ở Đồng Tháp Mười, Bati và Tà Keo (Cao Miên), Võ Cạnh (Khánh Hòa), vv... cho thấy đa số người Phù Nam theo đạo Bà La Môn và Phật Giáo. Theo tấm bia tìm thấy trong ngôi đền Prasat Pram Lovek ở Đồng Tháp, người ta tìm thấy hình tượng chạm dấu chân vị thần Vishnou, một vị thần quan trọng trong Ấn Độ giáo. Bia văn thứ hai tìm thấy trong ngôi đền Ta Prohm ở Bati (Cao Miên) ghi lại một số chi tiết về Phật pháp mà ngay cả nhà vua mặc dầu ở địa vị cao cả cũng không thể xem đức hạnh như là không có ý nghĩa. Tất cả việc thiện của của nhà vua đều rất mực trung thành với Phật pháp. Bia văn thứ ba tìm thấy trong ngôi đền ông Tà Dambang Dek trong tỉnh Tà Keo, lời văn nói về việc lập một tu viện thờ thần Vishnou có một hồ nước và một tư thất do hoàng hậu Kulaprabhavati, chánh cung của quốc vương Jayavarman coi sóc. 

Bia văn thứ tư được tìm thấy ở Võ Cạnh (Khánh Hòa), lời văn nói về ý nghĩa của tình trạng bất an của thế gian, lòng trắc ẩn đối với muôn loài, sự hy sinh tài sản cho kẻ khác, tất cả những đặc tính mà vị quốc vương kế nghiệp vua Cri Mara biểu thị lòng rộng rãi của mình là một bản văn quá rõ rệt thuộc về Phật giáo, vì những nhà vua theo Bà La Môn thường hiến cúng vô số tài sản vào các đền thờ, chứ không bao giờ nghĩ đến việc giúp đỡ mọi người bằng số tài sản thặng dư. Tinh thần Asoka thể hiện trong bản văn nầy từ đầu đến cuối. Tưởng cũng nên nhắc lại, tất cả những bia ký trên đây đều được viết bằng chữ Bắc Phạn (Sanskrit). Tất cả nội dung của các bia ký vừa kể trên cho thấy đa số cư dân Phù Nam theo đạo Bà La Môn(51). 

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều di vật khai quật được cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo trên vương quốc nầy không phải là nhỏ. Tưởng cũng nên nhắc lại, thời kỳ vương quốc Phù Nam đang cường thịnh, tức là vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch, thì Phật giáo tại phương Đông chưa phát triển mạnh. Phật giáo chỉ phát triển mạnh tại đây vào cuối thế kỷ thứ sáu, nghĩa là lúc vương quốc Phù Nam suy tàn. Chính vì vậy mà bản sắc văn hóa Phù Nam đượm nét Bà La Môn hơn là Phật giáo. Điểm đặc biệt ở đây, qua những di vật khai quật được cho thấy Phật giáo Phù Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của Phật giáo Ấn Độ chứ không qua trung gian Phật giáo Trung Hoa như Phật giáo Việt Nam. Phật giáo phát triển ra khỏi xứ Ấn Độ bằng hai con đường, đó là đường bộ, phía bắc Ấn Độ, còn gọi là ‘Con Đường Tơ Lụa’. Con đường nầy lại rẽ làm hai nhánh, một đi vào Trung Hoa, và một rẽ xuống hướng Nam đi vào Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên và Phù Nam. 

Con đường thứ nhì là ‘Đường Thủy’, Phật giáo Ấn Độ theo các thương thuyền đi từ Ấn Độ qua Tích Lan, Nam Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, và Phù Nam. Ngay từ thế kỷ thứ 3, một vị sư người Ấn Độ tên Marajivaka, đã đến Phù Nam để truyền bá Phật giáo Mật Tông. Do tánh huyền bí của Phật giáo Mật Tông rất phù hợp với tín ngưỡng địa phương thời đó của người Phù Nam, nên Phật giáo Mật Tông đã phát triển song hành với Bà La Môn giáo một cách dễ dàng. Đến thế kỷ thứ VII thì vương quốc Phù Nam suy tàn và cuối cùng bị phiên quốc Kambuja tiêu diệt. Phật giáo dần dà lấn lướt sự phát triển của Bà La Môn, nhưng không phải là Mật Tông, mà là Phật giáo Nguyên Thủy xuất phát từ Tích Lan. 



Vương Quốc Phù Nam Suy Tàn Và Những Cư Dân Đến Sau Học Được Gì Trong Sự Suy Tàn Của Vương Quốc Nầy ? Người Phù Nam không phải là cư dân bản địa, mà là người di tản từ nơi khác đến. Họ đã mang theo nền văn minh vốn có từ cha anh của họ từ các vùng Nam đảo, và chỉ trong vòng 600 năm họ đã khắc phục được một trong những vùng nê địa khắc nghiệt nhất trên thế giới thời đó, vì hàng năm cứ đến mùa mưa là bị lũ lụt, còn vào mùa nắng là đồng khô cỏ cháy, không còn lấy một giọt nước. Để khắc phục lũ lụt hằng năm, người Phù Nam đã cho đào rất nhiều kinh chạy từ Angkor Borei ra Vịnh Thái Lan, vừa làm đường giao thông thủy, mà cũng vừa làm hệ thống thoát nước và dẫn thủy nhập điền(52). 



Đến khoảng năm 350 sau Tây lịch, nước biển lại bắt đầu dâng lên từ từ, người Phù Nam đã phải tìm cách sống chung với lũ bằng cách cho đào thêm kinh rạch xả nước, đồng thời cất nhà sàn tránh lũ. Ngày nay hầu như ai trong chúng ta cũng đều nghe nói về sự hưng thịnh của vương quốc Phù Nam, nhưng có lẽ ít ai biết rõ về sự suy tàn của nó. Gần hai ngàn năm trước đây, một nền văn hóa rực rỡ như Óc Eo mà lại đột nhiên biến mất và mãi cho đến ngày nay cũng chưa có giải thích nào được chấp nhận là hợp lý nhất cho sự đột biến nầy. Ngay cả các nhà khảo cổ học và sử học vẫn chưa đi đến sự đồng thuận nào về lý do chính khiến cho vương quốc nầy phải suy tàn. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra để nói về sự suy tàn của Phù Nam, nhưng mãi cho đến ngày nay sự tiêu vong của vương quốc Phù Nam vẫn còn là một bí ẩn đối với hậu thế chúng ta. Có giả thuyết cho rằng Phù Nam bị người Chân Lạp (Chenla) hay người Chà Và (Java) tiêu diệt. 

Theo giả thuyết nầy có lẽ đã xảy ra một cuộc chiến tranh khốc liệt giữa Phù Nam với Chân Lạp, kết quả là người Chân Lạp từ phía Tây tràn xuống cướp bóc và tiêu diệt cư dân Phù Nam, nhưng sau năm 1945, nhà khảo cổ học người Pháp tên Louis Malleret đã chứng minh rằng cách giải thích nầy không hợp lý, bởi lẽ những cổ vật do các nhóm khảo cổ đào lên cho thấy không có vết tích của những đổ vỡ do cướp phá vì chiến tranh, nghĩa là không có dấu tích tàn sát nào do ngoại xâm được tìm thấy qua những di vật đã được khai quật. Riêng tại cảng Óc Eo, hầu như những di vật quí giá đều còn nguyên vẹn. Ông Louis Malleret đã kết luận rằng một cuộc xâm lăng trên qui mô lớn giữa vương quốc nầy nhằm tiêu diệt vương quốc khác, mà không cướp của và chiếm đất thì chiến tranh để làm gì?(53) Như vậy, giả thuyết bị ngoại xâm tàn sát đã không xảy ra và không đáng tin ở đây. Có người cho rằng có lẽ là một cơn hồng thủy, những cơn chấn động địa chất, hay một cơn đại dịch đã xóa sạch cả một cộng đồng cư dân rộng lớn như vậy vào thế kỷ thứ VII sau Tây lịch. 

Theo cách lý giải nầy thì vào khoảng giữa thế kỷ thứ VII, vào khoảng năm 635, nước biển dâng cao hơn 1 mét khắp miền Nam Việt Nam ngày nay trong một khoảng thời gian dài khoảng 30 năm, khiến người Óc Eo không thể tiếp tục ở lại vùng châu thổ miền Tây được nữa, một phần đã dong buồm trở ra các hải đảo phía Nam, phần khác ở vùng tiếp giáp với miền Đông Nam Phần đã bỏ chạy lên phía Nam dãy Trường Sơn. 

Đến năm 665, nước biển bắt đầu rút, nhưng trong suốt 5 thế kỷ, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XII, mực nước biển trong vùng không được ổn định, lúc lên lúc xuống một cách bất thường, nên không có cư dân nào có thể trụ lại đây được. Cho mãi đến thế kỷ thứ 13, vào năm 1296, khi sứ thần Trung Hoa là Châu Đạt Quan đi ngang qua đây đã mô tả nơi nầy như những khu rừng sác, rậm rạp, hoang vu, không có cư dân, những vàm con sông lớn chạy dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cây cổ thụ và cây mây, tạo thành nhiều chỗ trú ẩn xum xuê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi... Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. 

Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng họp lại từng bầy trong vùng. Tiếp đó là những đồi dốc đầy tre gai chạy dài hàng trăm lý. Như vậy, có lẽ chính trận hồng thủy năm 635 đã dìm chìm toàn bộ miền đất nầy dưới mặt nước, và đã khiến cho cư dân Phù Nam còn sống sót phải bỏ chạy, hoặc ra đảo, hoặc lên miền Tây Nguyên. Đến năm 1150, mực nước biển đã rút trở lại mức độ bình thường cho đến khoảng năm 1950. 

Từ năm 1950 đến nay hình như toàn vùng châu thổ sông Cửu Long đang phải đối đầu với một chu trình hải xâm mới(54). Điều nầy cho thấy có thể chính hiện tượng hải xâm đã dìm cả vùng đồng bằng sông Cửu Long hàng trăm năm dưới mực nước biển và đã xóa đi nền văn hóa Óc Eo. Tuy nhiên, theo những tài liệu địa chất được nhiều nhà khoa học ngày nay chấp nhận thì kỷ tan băng lần chót đã xảy ra cách nay trên 8.000 năm. Còn những trận động đất hay những cơn sóng thần (Sunami) xảy ra ở vùng Đông Nam Á không thể nào có khả năng tiêu diệt cư dân của cả một vương quốc rộng lớn như Phù Nam. Riêng về nguyên nhân của một trận đại dịch cũng không được thuyết phục vì qua những ngôi mộ và di cốt có niên đại vào khoảng những thế kỷ thứ VI và thứ VII, đều thấy hầu hết những thi hài được an táng trong mộ một cách chỉnh tề, chứ không thấy dấu hiệu của cách mai táng vội vã vì bệnh dịch. Nếu giả thuyết ‘Hải Xâm’ đúng thì đây cũng là một bài học quí giá cho người Việt Nam trong công cuộc đương đầu với hiện tượng hải xâm và triều cường hiện nay tại vùng châu thổ sông Cửu Long. Một ngàn năm trăm năm trước đây khi người Phù Nam phải đối mặt với trận đại hồng thủy một cách bất ngờ, có thể họ chưa kịp đặt ra những biện pháp ứng phó với tình huống, nên thuở đó trên một triệu cư dân Phù Nam đã bị kẹt giữa làn nước nên một số ít vì tình thế bắt buộc phải dong buồm ra khơi để đi về các hải đảo phía Nam, chỉ một số ít chạy thoát được lên phía Nam Trường Sơn, còn đa số bị dìm trong làn nước. 

Ngày nay, tuy cư dân Việt Nam ở đây có đông hơn, khoảng 17 triệu người, nhưng khoa học có tiến bộ hơn, và chúng ta có nhiều thì giờ để chuẩn bị hơn. Dù không ai trong chúng ta muốn cả vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long bị dìm dưới mặt nước biển, nhưng một khi bà mẹ thiên nhiên ra tay thì có mấy ai ngăn cản được? Như vậy, thử hỏi chúng ta có chuẩn bị gì cho một cuộc hải xâm sắp tới đây hay không? Thử hỏi những người có trách nhiệm đã đề ra những phương án khả thi khi tình huống nầy xảy đến, chẳng hạn như vùng nào sẽ bị ngập trước, vùng nào ngập sau, bao nhiêu đất đai sẽ bị ngập và bao nhiêu cư dân sẽ bị ảnh hưởng, vân vân và vân vân. Đến khi một phần đất của vùng châu thổ sông Cửu Long bị chìm dưới nước, thì cái vựa lúa miền Nam cũng không còn, như vậy vấn đề lương thực cho cả nước cũng trở nên một nan đề khó giải quyết. 

 Theo thiển ý, vua Rudravarman qua đời vào khoảng thế kỷ thứ VI, thì vương quốc Phù Nam bị suy tàn bởi nhiều lý do, trong đó hai lý do kinh tế và sự bất ổn chánh trị trong vương quốc đã góp phần không nhỏ khiến vương quốc nầy suy tàn. Tưởng cũng nên nhắc lại, nền kinh tế nghiêng về thương mãi của Phù Nam đã phát triển mạnh nhờ vị trí thuận tiện của Phù Nam. Trong lúc kỹ thuật hàng hải chưa tiến bộ, các nước đi từ Ấn Độ Dương qua Biển Đông, đến Nhật Bản và Trung Hoa đều phải ghé lại hải cảng Óc Eo của Phù Nam. Chính nhờ vậy mà ngành thương mãi của Phù Nam phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, từ sau khi thế giới có những tiến bộ về kỹ thuật hàng hải, thuyền buôn có thể đi xa bờ và không cần phải ghé lại những hải cảng không cần thiết nữa, nên nhu cầu ghé lại cảng Óc Eo của các tàu buôn đi từ các xứ Ấn-Âu đến Trung Hoa không còn nữa, vì vậy mà nền thương mãi của Phù Nam suy sụp một cách nhanh chóng. 

Bên cạnh đó, nội loạn và sự nổi dậy của các chư hầu như Malacca, Chân lạp, Nam Vạn Tượng và vùng phía Đông của nước Xiêm, nhất là phiên quốc Kambuja, không còn chịu thần phục nữa, họ tràn xuống từ phía Nam Lào và đánh phá vương quốc Phù Nam. Theo cổ thư Trung Hoa thì giai đoạn cuối cùng của vương quốc Phù Nam trùng hợp với sự phát triển của một nước chư hầu có tên là Kambuja (tiền thân của Chân Lạp).

 Một người cháu của vua Rudravarman đang trị vì tại vùng Kambuja, phía Bắc Phù Nam, tập họp một lực lượng mới từ nội địa, vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Lục Chân Lạp, rồi đem thủy quân theo dòng Cửu Long tiến đánh thủ đô Vyadhapura, sau đó lên ngôi vua lấy hiệu là Bhavavarman. Sau khi bị vua chư hầu Kambuja đánh bật ra khỏi thủ đô Vyadhapura. 

Theo những bia ký tìm thấy sau nầy, vua Phù Nam lúc bấy giờ là Sailaraja chạy về phía Nam, thành lập một vương quốc nhỏ mang tên là Na Phất Na (Naravaranagara), còn gọi là nước Chí Tôn, gồm cả vùng chạy từ miền Tây sông Hậu ra đến biển Đông và vịnh Xiêm La, vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Miền Tây. Vua Sailaraja cố thủ tại vùng này trong suốt từ cuối thế kỷ thứ VI đến giữa thế kỷ thứ VII. Theo các nhà ngoại giao thời nhà Lương vào thế kỷ thứ VI thì trong suốt gần 50 năm trị vì, vua Sailaraja đã thành lập ra 7 thành phố trên vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Miền Tây. 

Tuy nhiên, theo các bia ký mới đào được sau này thì người ta chỉ tìm ra được dấu tích của 4 thành phố mà thôi. Đó là các vùng Tamandarapura, Aninditapura, Baladityapura, và Samudrapura. Như vậy kể từ năm 539 đến khi hoàn toàn bị diệt vong, vương quốc Phù Nam đã bị buộc phải triều cống cho vương quốc mới là Chân Lạp(55). Đến năm 627, vương quốc Phù Nam bị vua Chân Lạp là Bhavavarman xóa hẳn tên trên bản đồ. Tuy nhiên, trong năm này sứ giả Phù Nam vẫn còn đi sứ đến triều cống nhà Đường, như vậy, Phù Nam có lẽ bị tiêu diệt sau năm 627 sau Tây lịch. Khoảng trên một thế kỷ sau đó, thư tịch cổ nhà Hậu Đường đã ghi lại rằng sứ đoàn kế đó từ vương quốc Phù Nam gửi đến không phải của dòng vua Phù Nam nữa: “Đô thị của dân săn bắn, cựu thủ đô của đất Phù Nam bị Chân Lạp cướp mất, và nhà vua trốn về miền Nam.” Những thần dân của vương quốc Phù Nam bị sáp nhập vào vương quốc Chân Lạp, trong khi các hoàng thân quốc thích Phù Nam thì chạy sang tỵ nạn bên Nam Dương. Sau đó, một trận đại hồng thủy xãy ra trên toàn bộ vùng lãnh thổ mà bây giờ là Nam Kỳ, nên dân chúng Phù Nam phải chịu cảnh sơ tán, không ai còn thiết nghĩ đến chuyện đánh Bhavavarman để lấy lại kinh đô Vyadhapura và chiếc ngai vàng cho vương quốc Phù Nam nữa. 

Thế là bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ VII vương quyền từ vương quốc Phù Nam đã hoàn toàn chuyển sang vương quyền Kambuja mà không có sự phản kháng nào. Điều nầy cũng trùng hợp với những điều được ghi lại trong cổ thư Tân Đường do Âu Dương Tu và Tống Ký biên soạn: “Đầu niên hiệu Trinh Quán nhà Đường (627-649); sứ giả Phù Nam còn đến tiến cống nhà Đường. Tuy nhiên, trong nước Phù Nam đang có sự thay đổi lớn. Nhà vua đóng đô ở thành Đặc Mục, thình lình bị nước Chân Lạp đánh chiếm, phải chạy trốn về Na Phất Na.” Nhà khảo cổ học Maurice Glaize đã ghi trong quyển Les Monuments du groupe d’Angkor(56) về việc vương quốc Phù Nam bị nước Chân Lạp (Chenla) xâm chiếm và tiêu diệt như sau: “Vào thế kỷ thứ VI, trong lúc có nhiều cuộc nội loạn xảy ra, nước Chân Lạp hay Kambuja sau khi tuyên bố lập quốc, lấn dần đất đai của Phù Nam, chiếm đế đô và tiêu diệt hẳn xứ nầy sau ba phần tư thế kỷ chiến tranh do quốc vương Icanavarman I chỉ huy. 

Vị quốc vương nầy lên ngôi vào năm 615, trị vì đến năm 635, dựng kinh đô mới là Icanapura, chắc chắn là Sambor-Prei Kuk, gần tỉnh lỵ Kompong Thom này nay.” Sau khi Chân Lạp đánh bại Phù Nam, các cổ thư Trung Hoa bắt đầu xuất hiện tên gọi ‘Thủy Chân Lạp’ để chỉ phần lãnh thổ Phù Nam trên vùng đất miền Nam Việt Nam ngày nay, và cũng để phân biệt với vùng đất Lục Chân Lạp, tức là vùng đất mà trước kia thuộc phiên quốc Cát Miệt(57). 

 Đối với người Chân Lạp, dầu đã tiêu diệt và chiếm cứ những vùng đất thuộc Phù Nam trước đây, nhưng trên thực tế, người Chân Lạp chưa từng thực sự cai quản những vùng đất nầy. Vì trước tiên, dân Cát Miệt (Khmer) đã quen sống trên những vùng đất cao với lối du canh nên họ chưa bao giờ có ý định khai khẩn vùng đất đầy đầm lầy trũng nước của miền Thủy Chân Lạp nầy; thứ nhì dân Chân Lạp vào thế kỷ thứ VII hãy còn quá ít để có thể phân tán cho vùng đất xa xôi nầy. 

Chính vì vậy mà các vua xứ Cát Miệt cứ để mặc cho hậu duệ của hoàng gia Phù Nam trước đây tự ý lập nên những khu tự trị nhỏ trong vùng vùng, miễn sao họ đừng nổi lên đánh phá Chân Lạp là được. Và cũng chính vì vậy mà mãi đến thế kỷ thứ VIII sau Tây lịch, trong vùng đất Thủy Chân Lạp có rất nhiều tiểu quốc được thành lập, mà theo các bia ký thì tại vùng trung tâm của Phù Nam trước đây xuất hiện một tiểu quốc tên Aninditapura, do một hoàng thân dòng dõi Phù Nam tên là Baladitya trị vì. Thêm vào đó, sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt, có rất nhiều phiên quốc chư hầu của Phù Nam trước đây nổi lên thành những nước mạnh mà Chân Lạp không đánh bại được, trong số đó có triều đại Srivijaya của vùng Java. Đến giữa thế kỷ thứ VIII, Srivijaya đã đem quân vượt biển tiến đánh vào bán đảo Đông Dương, trong đó có vương quốc Chân Lạp. Như vậy, trong vòng gần một thế kỷ, toàn vùng phía Nam của bán đảo Đông Dương đã nằm dưới sự cai trị của triều đại Srivijaya. Chính vương quốc Chân Lạp cũng phải chịu cảnh bị xâm chiếm cho mãi đến đầu thế kỷ thứ IX (vào năm 802) họ mới thu phục được nền độc lập từ tay triều đại Srivijaya. 



Hình Ảnh Của Vương Quốc Phù Nam Theo Các Sử Gia Và Các Nhà Khảo Cổ Học Thời Cận Đại: Kỳ thật tất cả các sử gia thời cận đại đều dựa vào những cổ thư của Trung Hoa hoặc Ấn Độ để viết lại lịch sử của một vương quốc đã tàn lụn cách nay gần 15 thế kỷ. Dầu muốn dầu không, điều nầy khiến cho cái nhìn của các sử gia thời cận đại phần nào bị hạn hẹp. Theo nhà khảo cổ Pháp Giteau trong quyển Lịch Sử Cao Miên (Histoire du Cambodge), vương quốc Phù Nam do một vị hoàng thân Ấn Độ tên Kaudinya (Hỗn Điền—Hun-T’ien) sáng lập sau khi ông nầy gặp gỡ và kết hôn với nữ hoàng Liễu Diệp. Họ sinh con đẻ cháu và chia nhau cai quản 7 thành phố lớn thời bấy giờ. Hán sử ghi rằng vương quốc Phù Nam thành lập vào đầu kỷ nguyên dương lịch, thời kỳ nầy tương ứng với thời điểm khởi nghĩa của hai bà Trưng ở Giao Châu bị thất bại, khi đó các lạc hầu và lạc tướng cũng như các tù trưởng chạy xuống phương Nam hợp cùng cư dân bản địa xây dựng nên một vương quốc mang tên Phù Nam. Vương quốc nầy bao gồm nhiều tiểu quốc trải khắp vùng phía Nam bán đảo Đông Dương đến tận Malacca của Mã Lai. Các tiểu quốc nầy hợp lại với nhau thành vương quốc Phù Nam, nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi, định chế chính trị và bản sắc truyền thống của riêng họ như Đô Côn, Cửu Trì, Đốn Tốn, Xích Thổ, Bàn Bàn, Đan Đan, Cát Miệt (Chân Lạp), vân vân. Theo Aymonier (1883) thì Phù Nam là phiên âm của chữ “Phnom” nghĩa là “núi” từ tiếng Khmer. Do đó ông đoán Phù Nam chính là Chân Lạp về cả địa lý lẫn lịch sử. Cho tới bây giờ chưa ai dám cả quyết là Aymonier đúng hay sai trong việc ông này quyết đoán Phù Nam chính là Chân Lạp, vì những đoán định của các nhà nghiên cứu lịch sử thời cổ đại đều bắt nguồn từ những ghi chép trong các thư tịch cổ. Mãi cho tới ngày nay, chính những người Khmer cũng mặc nhiên xem mình là hậu duệ của Hỗn Điền. Trong khi đó nhà khảo cổ người Pháp tên Maurice Glaize trong quyển Les Monuments du Groupe d’Angkor(58), khi dựng lại phổ hệ của các triều đại Chân Lạp, bắt đầu từ thế kỷ thứ I lại ghi là vương quốc Phù Nam, đến thế kỷ thứ VI, cho rằng khi vị vua đầu tiên là Bhavavarman I của Chân Lạp, ngay sau khi lập quốc vào năm 598. Sau khi vua Bhavavarman I băng hà, người em trai tên là Mahendravarman lên nối ngôi từ năm 600 đến năm 615 sau Tây lịch. Sau khi vua Mahendravarman băng hà, con trai tên Icanavarman I lên ngôi (615-635), và chính người nầy đã từ từ uy hiếp và lấn dần đất đai của vương quốc Phù Nam, sau đó chiếm đế đô Đặc Mục (Vyadhapura) và tiêu diệt hẳn người Phù Nam. 

Như vậy là mâu thuẫn, vì làm sao con cháu có thể đi tiêu diệt tổ tiên của mình để lập nên một vương quốc khác được? Như vậy, khi muốn dựng lại hình ảnh của một vương quốc đã tàn lụn cách nay gần 15 thế kỷ, chúng ta không thể nào đơn thuần chỉ dựa vào sách vở hoặc những thư tịch cổ của một số quốc gia lân cận, vì không phải thư tịch cổ nào cũng ghi lại một cách chính xác những sự kiện lịch sử thời đó, vì đừng nói đâu xa, chỉ cách nay chừng vài thế kỷ thôi, phương tiện giao thông chưa có, nên ngay các lân bang cũng không biết về nhau nhiều lắm. Đến đầu thế kỷ thứ XX, vào năm 1903, P. Pelliot đã bắt đầu viết về một nước Phù Nam cổ bằng những công trình nghiên cứu cụ thể. Đây là một bước tiến quan trọng trong tiến trình dựng lại hình ảnh của vương quốc Phù Nam. Bốn thập niên sau đó, vào năm 1943, G. Coedes nghiên cứu tất cả bia ký cũng như tất cả những gì liên quan đến vương quốc Phù Nam từ khi thành hình đến khi tàn lụn, trong đó ông nói khá chi tiết về những phát triển của đất nước nầy. Tuy nhiên, sự nghiên cứu của ông đa phần dựa vào sử liệu chứ không nặng về những di tích khảo cổ. 



Theo quyển Đông Nam Á Sử Lược, giáo sư Hall viết rằng: 

“Chính Khương Thái và Châu Doanh (K’ang Tai và Chou Yinh), hai nhà văn Trung Hoa tháp tùng sứ đoàn Trung Hoa đến vương quốc Phù Nam vào giữa thế kỷ thứ III, đã đề cập lần đầu tiên đến vương quốc Phù Nam. Khương Thái kể rằng Hỗn Điền (Kaundinya) là người sáng lập ra vương quốc nầy và ông phiên âm tên vương quốc nầy là Hun T’ien. Theo ông, có lẽ Hỗn Điền là người ngoại quốc, đến từ Ấn Độ hay Mã Lai. Khương Thái kể tiếp rằng có lẽ Hỗn Điền đã đến đây theo giấc mộng của mình. Khi đến nơi, ông đánh bại nữ hoàng của xứ nầy là Liễu Diệp, rồi lại kết hôn cùng vị nữ hoàng nầy để sáng lập nên vương quốc Phù Nam.” Không biết thời đó Khương Thái có biết về truyện thần thoại “Rắn Bảy Đầu” của Ấn Độ hay không, chứ những gì mà ông ta ghi lại trong nhựt ký của mình giống hệt như truyện thần tiên Ấn Độ đã được khắc trên bia đá ở Mỹ Sơn, trước kia thuộc vương quốc Champa và ngày nay thuộc tỉnh Phú Yên của Việt Nam. Theo Việt Sử Tân Biên của Phạm văn Sơn, lịch sử thành lập vương quốc Phù Nam khởi đầu bằng truyền thuyết “Một hôm Hỗn Điền (Kaundinya) nằm mộng thấy một vị thần cho một cây cung và khuyên đi lập nghiệp ở Phù Nam. Sáng hôm sau, Hỗn Điền sửa soạn thuyền bè ra đi tìm đất Phù Nam. trước khi xuất hành, Hỗn Điền vào một đền thờ Bà La Môn làm lễ, quả nhiên bắt gặp một cây cung nằm dưới gốc của một loại cây quí. Ông bèn vượt biển tìm đến đất Phù Nam. Sau nhiều ngày gian truân trong chuyến hải hành, đoàn tàu của Hỗn Điền tìm thấy một vùng đất liền bao la bạt ngàn mà người ta tin là vùng đồng bằng sông Cửu Long bây giờ. Lúc đó vùng nầy đang do nữ hoàng Liễu Diệp (Soma—Lieo Ye) cai trị. Nữ hoàng thấy kẻ lạ đến, liền xua quân đánh đuổi. Sau nhiều trận thư hùng, nữ hoàng Liễu Diệp liệu sức không đánh bại được những mũi tên thần của Hỗn Điền nên xin cầu hòa. Sau đó hai người kết hôn để cùng nhau cai trị xứ Phù Nam.” 

Tuy nhiên, theo các nhà khảo cổ, những bia đá tìm thấy tại các vùng Phú Yên, Thánh địa Mỹ Sơn và Trà Kiệu(59) thì câu chuyện trên là rập khuôn theo thần thoại của người Chăm nói về vua Kaudinya và nàng Long Nữ Nagi Soma. Việt Sử Tân Biên của Phạm văn Sơn cũng ghi lại như sau: “.Lãnh thổ Phù Nam choán cả miền Nam bán đảo Đông Dương, từ vùng hạ lưu sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và các đất đai sát bờ biển Thái Lan. Dấu tích nước Phù Nam hiện nay còn lại 3 tấm bia bằng chữ Phạn: một tấm chạm hình Phật đào được ở Bati, phía Nam thành nam Vang, và 2 tấm chạm hình thần Vishnu tìm thấy ở Việt Nam và phía cực Nam Cao Miên. Ba tấm bia nầy có niên đại từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VI. Đế quốc Phù Nam liên hệ rất nhiều với biển nên có giao thương với các lân quốc Nam Dương, Mã Lai, Champa và nhất là với Trung Hoa. Từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI, vương quốc nầy gửi rất nhiều sứ đoàn đến Trung Hoa.” 



Louis Malleret, Nhà Khảo Cổ Người Pháp,Người Đầu Tiên Đã Phơi Bày Hình Ảnh Của Vương Quốc Và Dân Tộc Phù Nam Qua Những Chứng Tích Khảo Cổ: Vào năm 1944, một khúc quanh trong việc nghiên cứu khảo cổ về vương quốc Phù Nam, một nhà khảo cổ học người Pháp tên Louis Malleret, thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ, đã đến tận vùng Óc Eo để khai quật những dấu tích của một hải cảng đã bị sụp trong lòng đất, nằm trong xã Mỹ Lâm, quận Kiên Thành, tỉnh Rạch Giá. Ông Malleret đã cho khai quật 22 địa điểm và tìm thấy 12 di tích kiến trúc hiện chỉ còn lại những nền móng chìm dưới mặt đất khoảng 6 tấc. Trong số nầy có di tích quan trọng của hai ngôi đền lớn. Một ngôi còn lại nhiều căn phòng với vách tường cao gần 4 thước. Ngôi còn lại có nền được lót bằng những tảng đá hoa cương rất lớn, có viên với bề dài 3,12 mét và bề ngang 2,60 mét. Bên cạnh đó có nhiều tảng đá lớn, đục đẽo sơ sài, sắp xếp giống hình một căn phòng hình chữ nhật. Chung quanh di chỉ nầy, ông còn tìm thấy rất nhiều chén, bát, lu, hũ bằng đất nung, cùng những dụng cụ nông nghiệp và những đồ dùng nhỏ bằng đồng và rất nhiều nữ trang. Có nhiều nơi, ông thấy các món nữ trang nằm trên nền cát, và qua những dấu vết gần đó, ông suy đoán đây là khu vực của một nhà kim hoàng. Ngoài những đồ trang sức bằng vàng, người ta còn tìm thấy những xâu chuỗi hạt trai nhuộm màu, hoặc những viên hồng ngọc, mã não, đang làm dở dang, vân vân. 

Ông Malleret còn tìm thấy một cái chày vồ nhỏ, làm bằng đất nung, giống như loại chày vồ mà người Miên đang sử dụng hiện nay. Bên cạnh đó, ông cũng tìm thấy nhiều cọc gỗ, dấu tích của những ngôi nhà sàn, giống như nhà sàn của cư dân trong vùng thường bị ngập nước. Sau khi cho đào sâu xuống thêm khoảng 1,80 mét nữa thì ông khám phá ra nhiều xương cốt của người và thú vật, cũng như rất nhiều vỏ sò, ốc và chén bát bằng đất nung. Ông cũng tìm thấy một số vật nặng dùng để cột vào lưới đánh cá, cho thấy cư dân cổ tại đây đã từng sống với nghề đánh bắt cá. Lúc khai quật thì Óc Eo cách bờ biển khoảng 25 cây số, nhưng ông Malleret quả quyết rằng cách đây 20 thế kỷ, hải cảng nầy phải nằm sát bờ biển. Qua tài liệu và những không ảnh thu thập được, cũng như sự quan sát tại chỗ của ông, ông Malleret đã kết luận diện tích của thành phố nầy khoảng 400 mẫu. 



Toàn vùng chia thành nhiều ô nhỏ, chứng tỏ ngày xưa đô thị nầy tọa lạc gần biển với số lượng dân cư rất đông. Cũng theo những kết quả qua khai quật, những đồ nữ trang làm theo kiểu cách Ấn Độ, những dòng chữ Phạn vào thời kỳ thế kỷ thứ V hoặc trước hơn nữa được khắc trên những tảng đá, và một số đồ dùng có dấu hiệu của tôn giáo Bà La Môn, ông Malleret cho rằng dầu chưa có sử sách nào viết về vương quốc Phù Nam, nhưng theo ông vương quốc nầy chắc chắn phải thành lập vào thế kỷ thứ nhất, theo cổ thư Trung Hoa và vài bia ký ở miền Nam Việt Nam. 

Cư dân cổ của vương quốc nầy phần lớn chịu ảnh hưởng Bà La Môn. Họ dùng chữ Phạn trước thế kỷ thứ V. Qua một số vật dụng có nét mỹ thuật Ba Tư và một cái huy chương La Mã khắc hình vua Antonius le Pius, cũng như một số đồng tiền La Mã đánh dấu năm 152 D.L., ông Malleret cho rằng có thể vương quốc Phù Nam đã từng có một vị vua cai trị người gốc Ba Tư, và vương quốc nầy có quan hệ thương mãi với các vùng Ấn Độ chạy dài đến thành La Mã. Theo cổ thư Trung Hoa thì vào năm 166 sau Tây lịch, tướng Marc Aurèle, thống đốc thành Pondichéry(60) đã gửi một sứ đoàn đến Trung Hoa, có lẽ sứ đoàn nầy đã ghé lại Phù Nam vào năm nầy. Dầu phạm vi khai quật hãy còn hạn hẹp trong vùng Óc Eo, thuộc quận Ba Thê, tỉnh An Giang, năm 1944, nhà khảo cổ học và nghiên cứu cổ sử người Pháp là ông L. Malleret cũng đã bắt đầu đưa việc nghiên cứu về vương quốc Phù Nam sang một khúc quanh mới. Ông đã gắn chặt đời mình với công cuộc khai quật và nghiên cứu nầy. Hầu như không có nơi nào của miền Nam Việt Nam mà ông chưa đặt chân tới. Hễ nghe ai nói chỗ nầy có gò, chỗ kia có cổ mộ... là ông tìm tới. Riêng tại miền Tây Nam Phần, ông đã tiến hành khai quật trên 136 địa điểm. Từ Mỹ Tho lên đến biên giới Việt Miên ở miền Đông, ông đã khai quật hơn 167 địa điểm. 

Trong suốt gần 20 năm ròng rã, ông L. Malleret công bố đã khai quật được trên 1311 hiện vật vàng, cân nặng 1.120 gram và trên 10.000 hột ngọc đã làm ngạc nhiên toàn thể các giới nghiên cứu cổ sử và khảo cổ học. Ngoài ra, bên cạnh các gò tháp, ông còn thu nhặt trong các cổ mộ nhiều hài cốt và nhiều di tích cũng như hàng ngàn hiện vật bằng đồng, sắt, gỗ, và đá khác, cũng như hàng chục ngàn hiện vật bằng gốm sứ bao gồm nhiều chủng loại như bình, vò, tô, chén, tượng, và chân đèn, vân vân. 

Trong số những hiện vật khai quật, có rất nhiều hiện vật có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ, Ý, và Trung Á có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ III sau Tây lịch. Phải công nhận, chỉ có công trình nghiên cứu và khai quật của ông L. Malleret được xem là có tầm cỡ nhất từ trước đến nay. Ông đã chụp được những hình ảnh về các kiến trúc độc đáo như những dấu tích khu nhà sàn trên khu hải cảng Óc Eo. Vào năm 1963, theo báo cáo của ông Malleret, trên thềm cao phía Tây của Hậu Giang, bây giờ gắn liền với địa phận tỉnh Tà Keo, thuộc Kampuchia, có một dãy núi đá nhỏ Phnom Angkor Borei, Phnom Batep, và Phnom Da cách nhau từ 1 đến 3 cây số, cách dãy Phnom Chisor, Phnom Kleang, Phnom Bayang khoảng từ 15 đến 20 cây số. Người ta tìm thấy ở Angkor Borei những dấu vết tường thành, có chỗ xây bằng gạch, có chỗ xây bằng đá, dài khoảng từ 1800 thước đến 2.000 thước. Dọc theo tường thành người ta khám phá ra 5 con kinh cạn, kinh số 1 đi Vat Po, kinh số 2 đi Vat Sosey, kinh số 3 đi Vat Speu, chỉ dài khoảng từ 2 đến 4 cây số. 

Kinh số 4 đi sông Châu Đốc dài khoảng 15 cây số, và kinh số 5 nối liền Châu Đốc đi Ba Thê, dài khoảng 100 cây số. Như vậy, những con kinh dài số 4 và số 5 đi từ hải cảng lớn nhất của Phù Nam là Óc Eo, chảy từ những kinh rạch miền Đông đến sát chân tường thành Angkor Borei. Tại chân tường thành Angkor Borei, ông Malleret còn tìm thấy rất nhiều mảnh gốm sứ, trong đó có những vòi ấm Óc Eo, một số mảnh thiếc thuộc văn minh Óc Eo vẫn còn nguyên trạng... từ đó cho phép Malleret kết luận rằng kinh đô Vyadhapura của vương quốc Phù Nam trước khi bị chiếm là khu đền tháp Angkor Borei ngày nay. 

Nhờ những chứng cớ nầy mà ông L. Malleret đã phân chia văn hóa Óc Eo ra làm hai thời kỳ: thời kỳ tiền Khmer tương ứng với sự tồn tại của vương quốc Phù Nam và thời kỳ sau gọi là thời kỳ Chân Lạp. Theo Malleret thì từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, vương quốc Phù Nam là một trong những vương quốc hùng mạnh nhất trong vùng Đông Nam Châu Á. Họ đã có tổ chức hành chánh, quân sự và kinh tế rất vững vàng. Kinh đô đặt tại Vyadhapura, gần thị trấn Banam ngày nay (Đông Bắc Kampot), cách bờ biển hiện tại khoảng 120 hải lý(61). 

Tuy nhiên, ông chỉ có thể đưa ra những nhận xét bao quát, chứ không thể báo cáo một cách chi tiết về vương quốc nầy. Ông cho rằng vết tích những con tàu ở vùng Kiên Giang như một tiền cảng của Óc Eo và hiện vật di tích Óc Eo được tìm thấy ở nhiều địa điểm chứ không chỉ riêng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sau các cuộc khai quật khảo cổ, không nghi ngờ gì nữa, Óc Eo chẳng những là một hải cảng lớn, mà còn là trung tâm thương mại có tầm cỡ đối với nhiều người ngoại quốc vào thời đó. Vào thời mà phương tiện quan trọng vào bật nhất là đường hàng hải thì Óc Eo nằm ngay trên trục giao thông chính giữa Ấn Độ và Trung Hoa. 

Theo sử liệu Trung Hoa, các thương nhân Trung Hoa đã nói rằng con đường duy nhất để đi đến Malacca là phải đi ngang qua hải cảng Óc Eo. Họ còn ghi lại là đã có một cơn bão lụt kinh khủng xảy ra tại vùng nầy đã tàn phá kinh đô Vyadhapura và hải cảng Óc Eo, nhưng không ghi rõ xảy ra vào năm nào. Tại Óc Eo người ta phát hiện nền của một thành cổ dài khoảng 1.500 thước, trong đó có nhiều đồ trang sức khác nhau, làm bằng đất nung, gốm sứ, thủy tinh, đá quí, kim cương, chì, thiếc, bạc, vàng, vân vân. Người ta còn phát hiện ra một con dấu và nhiều đồng tiền, có cả đồng tiền La Mã nữa. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các khuê bài bằng vàng của hoàng đế La Mã, Antonius Pius, năm 152 sau Tây lịch và nhiều ấn chiếu bằng chữ Phạn vào thời nầy. Riêng tại khu di chỉ Gò Cây Me trong ấp Bình Thạnh, xã Trung Hiếu, và ấp Bình Phụng thuộc xã Trung Hiệp, quận Vũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long, ông L. Malleret cho rằng có thể tại vùng nầy đã từng có một thành phố cũ của vương quốc Phù Nam vì tại Nỗng Vua và Bàu Vàng dân chúng địa phương đã đào được rất nhiều tượng vàng và những mảnh gốm sứ rất lạ. Có thể thành phố nầy nằm trong địa phận của các xã Trung Hiệp, Trung Hiếu và Trung An thuộc quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. 



Tuy nhiên, vì tình trạng chiến tranh ngày càng khốc liệt nên ông Malleret phải đình chỉ việc khai quật khu Gò Cây Me vào năm 1963. Sau khi nhà khảo cổ Louis Malleret đưa ra những kết quả cũng như nhận định của mình về vương quốc Phù Nam, hãy còn nhiều người hoài nghi về những kết quả nầy, vì nó chỉ là kết quả của những khai quật nằm trong phạm vi hạn hẹp tại vùng Óc Eo. Những người có khuynh hướng hoài nghi nầy cho rằng nhận định của ông Louis Malleret về một thành phố cảng Óc Eo hãy còn nhiều điều mơ hồ. Nhưng đến những năm 1980 và 1983, người ta đã cho khai quật một loạt các gò nổi trong vùng Giồng Cát trong khu di tích Ba Thê, kết quả cho thấy đây chính là một trong những bộ phận của đô thị Óc Eo như Louis Malleret đã nói đến trước đây. Năm 1995, trong khi đào kênh trong vùng lân cận Gò Cây Me, nơi mà nhà khảo cổ Louis Malleret đã khai quật dang dở vào năm 1963, người ta đã phát hiện ra những dãy gốm trang trí rất đẹp, đây chỉ có thể là nơi cư trú của hàng vua chúa hay hoàng gia của một vương quốc mà thôi. Theo các nhà khảo cổ học thì có lẽ đây là di tích duy nhất ở vùng châu thổ sông Cửu Long còn nguyên vẹn chưa bị đào bới từ trước tới nay. Tháng 12 năm 1998, Viện Khảo Cổ Học Việt Nam đã tiến hành đào một hố thám sát trên ruộng lúa nằm về phía Tây của khu di chỉ và người ta đã tìm thấy rất nhiều lớp gốm sứ điển hình của nền văn hóa Óc Eo. Nói tóm lại, hiện vật di tích Óc Eo được tìm thấy ở nhiều địa điểm khác nhau, rải rác không chỉ riêng trong lưu vực sông Cửu Long, từ Kiên Giang, Óc Eo (Ba Thê), Cần Giuộc (Long An); mà còn tìm được rải rác khắp lưu vực sông Iwaradi bên Miến Điện nữa. 

Tất cả những cống hiến của nhà khảo cổ học Louis Malleret không chỉ mang lại cho ông sự nổi tiếng về bộ sưu tập đồ sộ về những hiện vật có liên quan đến nền văn hóa Óc Eo, mà nó còn phơi bày cho hậu thế chúng ta về hình ảnh khá rõ ràng của dân tộc và vương quốc Phù Nam. Ông Louis Malleret đã phân định rõ ràng về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Phù Nam và Chân Lạp. Ông gọi nền văn hóa Óc Eo là nền văn hóa Tiền Khmer, trong đó vương quốc và dân tộc Phù Nam tồn tại. Với Louis Malleret, dấu tích những con tàu ở Kiên Giang cũng như dấu tích của hải cảng Óc Eo cho thấy rõ rệt sự khác biệt giữa hai dân tộc Phù Nam và Chân Lạp, một bên là dân chuyên sống gần biển, còn một bên chỉ thích hợp với những vùng núi cao mà thôi. Khi phơi bày những không ảnh chụp được một hệ thống kinh đào có hình nan hoa với những kỹ thuật dẫn thủy nhập điền để phát triển ngành nông nghiệp, ông Louis Malleret cho thấy dân tộc Phù Nam rất thạo trong việc trồng lúa nước. Bên cạnh đó, ông cũng phơi bày những hình ảnh của một hải cảng Óc Eo phồn thịnh vào thế kỷ thứ II, cho thấy dân Phù Nam cũng là một dân tộc rất giỏi về thương mãi. 

Chính ông Louis Malleret đã đi tiên phong trong việc tìm ra được một di chỉ kiến trúc nằm bên trên một tầng văn hóa của cư dân Óc Eo, để đi đến khả năng tách biệt hai tầng văn hóa nầy riêng ra. Điều nầy đủ để minh chứng rằng trước khi người Chân Lạp có mặt ở vùng Thủy Chân Lạp, đã có một dân tộc, một vương quốc cổ từng cư trú tại vùng đất nầy. Có thể nói đây là lần đầu tiên, những phát hiện trong khai quật khảo cổ được dùng trong việc dựng lại hình ảnh một vương quốc, một dân tộc, một nền văn hóa đã tàn lụn cách nay gần 15 thế kỷ. Đây quả là một kỳ công trong ngành khảo cổ học! Thay Lời Kết Về Vương Quốc Phù Nam: Nói tóm lại, theo kết quả của những di tích khảo cổ khai quật được, thì miền Nam Việt Nam, từ khu vực từ Vũng Tàu đến Hà Tiên, trong quá khứ hai ngàn năm trước đã từng là lãnh thổ của một vương quốc hùng mạnh và rộng lớn nhất vùng Đông Nam châu Á, đó là vương quốc Phù Nam. 

Tuy nhiên, theo cổ sử Trung Hoa, những vùng đất của vương quốc Phù Nam bao gồm các miền đất trên bán đảo Đông Dương, kể cả Việt Nam, Campuchia, Malacca, và Champa. Theo các sử gia, thì mối quan hệ giữa Ấn Độ và vùng Đông Dương đã có từ lâu, nên không riêng gì Phù Nam mới có truyền thuyết lập quốc từ một ông hoàng Ấn Độ kết hôn với một bà hoàng gốc địa phương, mà cả vùng Mã Lai và Malacca cũng đều có một truyền thuyết tương tự. Bằng chứng xác thực của truyền thuyết về nguồn gốc Ấn Độ được đưa ra bằng bia ký mà người ta phát hiện được ở vùng Mỹ Sơn, Trà Kiệu trong tỉnh Quảng Nam, thuộc vương quốc Chmapa cổ đại. 

Một sử gia nổi tiếng người Ấn Độ, tên Majumda, đã khẳng định trong quyển Hindu Colonies on Far East(62), “những viễn cảnh giàu sang đã khiến các thương gia người Ấn tìm kiếm những vùng đất lạ ngoài biên giới của họ. Những vùng đất và hải đảo ngoài biển khơi và những vùng đồi núi ở phía đông được nổi tiếng với huyền thoại về vàng bạc và đá quý, và người ta gọi chúng là những vùng đất vàng Suvannabhumi và Suvandipa, vân vân, nơi các thương gia Ấn thường xuyên lui tới mua bán đồ gia vị, quế, và nhiều loại dầu thơm.” Thật vậy, trong quá khứ đã có nhiều ông hoàng Ấn Độ, thuộc giai cấp Sát Đế Lợi (Ksatriya) đã đem tư tưởng Ấn Độ truyền bá vào vùng Đông Dương, và người ta cũng không lấy làm lạ khi vùng Đông Dương của Đông Nam Á một thời đã trở thành trung tâm văn hóa, thương mại, và chính trị quan trọng của nền văn minh Ấn Độ, mà vương quốc Phù Nam là một thí dụ điển hình. Phù Nam là tên của một trong những vương quốc cổ nhất trong lịch sử Đông Nam Á. 

Vương quốc với nền văn hóa Óc Eo có một lịch sử khá lâu đời như những nền văn hóa Âu Châu khác mà chúng ta từng biết đến. Vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, khi tại Âu châu thì Đại Đế Claudius đang ra sức chinh phục đất Anh Cát Lợi và tại Trung Hoa là triều đại nhà Tây Hán, thì tại vùng Đông Nam châu Á một vương quốc hùng cường xuất hiện trên bản đồ thế giới, đó là vương quốc Phù Nam. Theo các nhà sử học, khảo cổ học và nhân chủng học, lãnh thổ của vương quốc nầy về phía Đông chạy dài từ lưu vực hạ lưu sông Cửu Long, đến phía Nam Trung Phần(63), về phía Tây đến thung lũng sông Mê Nam (Thái Lan), và về phía Nam chạy đến phía Bắc của bán đảo Mã Lai. Hiện tại chúng ta có rất ít sử liệu cũng như quá trình phát triển của vương quốc nầy, chính vì thế mà việc phác họa lại hình ảnh và văn hóa của cư dân cổ trong vùng nầy không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, trong thời cận đại, qua kết quả khai quật của các nhà khảo cổ học của cả Việt Nam lẫn Tây phương đã giúp cho các nhà sử học có thể đem những di vật khai quật được ra để đối chứng với những tài liệu trong các thư tịch cổ của Trung Hoa để khả dĩ xác định được vị trí và lãnh thổ từng phần của vương quốc Phù Nam ngày trước. Theo các thư tịch cổ của Trung Hoa, vào khoảng giữa thế kỷ thứ III, sứ giả Trung Hoa có đến đây ghi chép một số điều về cảnh quang, phong tục và tập quán của cư dân trong vùng. Thật tình mà nói, mãi cho đến ngày hôm nay, danh hiệu “Phù Nam” cũng còn rất mơ hồ với chúng ta, vì chưa ai trong chúng ta dám đoan chắc Phù Nam là một dân tộc hoàn toàn khác với dân tộc Cao Miên, cũng chưa ai trong chúng ta có đầy đủ chứng cứ xác định rằng hai dân tộc nầy không có liên hệ gì với nhau. 

Chính vì vậy mà các sử gia, nhất là các sử gia người Trung Hoa, khi viết về lịch sử Phù Nam, họ thường ghi lại sự thành hình của nó tại những vùng hạ lưu châu thổ sông Mékong, vùng phía Bắc Malacca, và ngay cả các vùng phía Bắc Thừa Thiên (Huế của Việt Nam), và vùng Arakan cũng như hạ lưu Miến Điện, nhưng hiện nay các nhà khảo cổ chưa tìm được những bằng chứng xác thực về sự hiện diện của vương quốc Phù Nam tại vùng Arakan (Burma). Một yếu tố khác đã góp phần không nhỏ vào sự suy tàn của vương quốc Phù Nam là nền kinh tế của vương quốc nầy bị suy sụp từ sau sự tiến bộ kỹ thuật của nền hàng hải. 

Vào khoảng thế kỷ thứ 6 thì các tàu buôn từ Ấn Độ và Malacca có thể đi thẳng đến Trung Hoa mà không cần ghé lại Óc Eo nữa. Sự kiện nầy đã khiến cho nền thương mãi của Phù Nam đột nhiên suy sụp một cách thảm hại, khiến cho vương quốc không còn đủ khả năng duy trì đội chiến thuyền hùng mạnh, do đó mà khả năng quân sự của Phù Nam cũng bị suy sụp theo, và cuối cùng là sự sụp đổ của vương quốc nầy. Sau khi Kambuja đánh bại vương quốc Phù Nam vào thế kỷ thứ VII, chúng ta không còn thấy danh xưng Phù Nam xuất hiện trong các cổ thư Trung Hoa nữa, mà thay vào đó bằng tên gọi Thủy Chân Lạp. Có lẽ, người Trung Hoa gọi như vậy để chỉ vùng lãnh thổ Phù Nam trên vùng đất Nam Phần Việt Nam, và cũng để phân biệt với vùng đất Lục Chân Lạp, tức vùng đất gốc của vương quốc Chân Lạp. Dầu sau năm 627, vương quốc Chân Lạp mặc nhiên là chủ nhân ông của một vùng đất bao la bạt ngàn, về phía Nam của họ, nhưng trên thực tế Chân Lạp chưa bao giờ thực sự cai quản vùng đất nầy, vì cư dân ít ỏi của họ đã quen với việc sinh sống trên các vùng đất cao, không có khả năng tổ chức khai phá vùng đồng bằng sình lầy ngập mặn đang được bồi đắp của vùng Thủy Chân Lạp. Dầu đến thế kỷ thứ VII thì coi như Phù Nam đã bị diệt vong, nhưng mẫu mực của nền văn minh Phù Nam (Óc Eo) cũng như cách tổ chức hành chánh của vương quốc nầy đã là gương mẫu cho nhiều nền văn minh sau nầy như là tiểu vương Palembang (Sri Vijaya) và Java (Sailendra) thuộc Nam Dương ngày nay, cũng như vùng Malacca đã góp phần truyền bá văn minh Ấn Độ đến những vùng đất xa xôi hay những bộ lạc phiên thuộc của vương quốc Phù Nam.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

  Chú Thích: 
(1) South China Sea là biển nằm về phía Nam của Trung Hoa, chứ không phải là Biển Nam của Trung Hoa. Ngày nay vì có sự tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước trên vùng biển nầy nên Việt Nam gọi biển nầy là Biển Đông, trong khi Phi Luật Tân lại gọi là Biển Tây Philippines.  (2) Theo Vũ Hữu San trong “Địa Lý Biển Đông Với Hoàng Sa Và Trường Sa”, California – USA: Hương Quê, 1994, tr. 10-15.  (3) Theo giáo sư Trần Kim Thạch trong ‘Nguồn Gốc Tại Chỗ Cho Đồng Bằng Sông Cửu Long’ được đăng trong Tin Sáng ngày 30 tháng 1 năm 1981.  (4) Theo H. Fontaine trong ‘Những Đống Sò Điệp ở Châu Thổ Sông Cửu Long’, trong Việt Nam Địa Chất Khảo Lục, số 14-1971, tr. 135-141.  (5) Có thể là bờ biển Vũng Tàu ngày nay.  (6) Theo Từ Nguyên, một nhà Trung Hoa học, một trượng dài khoảng từ 2,2 đến 2,5 mét. Một lý dài khoảng 576 mét.  (7) Trong vùng Xuân Lộc, Đồng Nai.  (8) Cũng thuộc vùng Xuân Lộc, Đồng Nai.  (9) Vùng Tân Uyên, tỉnh Sông Bé.  (10) Vùng Kiên Giang.  (11) Vùng Ba Thê, tỉnh An Giang ngày nay.  (12) Theo truyền thuyết thì Hỗn Điền đến từ phía Đông Ấn Độ với một cây nỏ thần và hơn một ngàn binh sĩ, vượt biển sang đánh chiếm xứ Koh Thlok. Công chúa xứ nầy tên là Liễu Diệp, con của Long vương Naga, sau một trận kịch chiến đã bị nỏ thần của Hỗn Điền đánh bại, công chúa đầu hàng và ưng thuận làm vợ và cho phép Hỗn Điền lên ngôi vua cai trị xứ Koh Thlok, sau nầy lấy tên là Phù Nam.” Dù đây chỉ là truyền thuyết, nhưng về sau nầy người ta khám phá những điều tương tự trên một bia ký tại Trà Kiệu, Mỹ Sơn, vùng Quảng Nam (Trung Phần), chỉ khác chỗ là tên nàng công chúa trên bia ký là “Soma”.   (13) Có thể lúc ấy người Phù Nam không có giao dịch trực tiếp với các xứ Hy Lạp và La Mã, nhưng các xứ Ấn Độ và Ba Tư đã đem hàng hóa của 2 xứ nầy đến buôn bán tại Phù Nam.  (14)  Ngày nay thuộc Cao Miên.  (15) Tức là các vùng nằm về phía đông bắc vương quốc Phù Nam thuở đó.  (16) Chạy dài từ Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, đến Hà Tiên.  (17) Có sách ghi là từ 205 đến 225 sau Tây lịch.  (18) Ngày nay thuộc Thái Lan. (19) Hiện còn di tích bia Võ Canh. (20) Vùng Tam Giác Vàng ngày nay, biên giới giữa các nước Lào, Miến và Thái.  (21) Phạm Chấn tức là Fan Chan, đã giết chết Phạm Chiêu, rồi trị vì Phù Nam từ năm 225 đến 250 sau Tây lịch.  (22) Vùng đất nầy ngày nay thuộc vùng Thừa Thiên của Việt Nam. (23) Có thể là năm 357?  (24) Lúc ấy lãnh thổ về phía Nam của Phù Nam bao gồm cả những phần đất chạy dài từ Bắc đến Nam bán đảo Mã Lai gồm 2 nước mà cổ sử ghi là Tunhsun hay Đốn Tốn và Chihtu hay Xích Thổ.  (25) Kaundinya Jayavarman, vua thứ XI triều Kaundinya, trị vì vương quốc Phù Nam từ năm 470 đến năm 514, có sách ghi là từ năm 478 đến năm 514.  (26) Âm Hán Việt là Sĩ Đạt Đa Na Già Tiên.  (27) Âm Hán Việt là Mạn Đà La Tiên.  (28) Âm Hán Việt là Tăng Già Bà Thi Sa (Tăng Già Bà La). Ông là một vị Tăng người Phù Nam, người đã dịch mười một bộ kinh Phật sang Hán tự từ năm 506 đến năm 520 sau Tây lịch.  (29) Giải Thoát Đạo, một trong những bộ luận nổi tiếng của Phật giáo Nguyên Thủy.  (30) Theo cổ thư nhà Tùy, Bhavavarman có tên là Chitrasena, cháu của vua Rudravarman, nhưng cổ thư ghi họ là Kshatriya, theo thiển ý thì đây là sự nhầm lẫn vì chữ Phạn Kshatriya chỉ có nghĩa là dòng dõi Sát đế lợi hay dòng vua chúa mà thôi.  (31) Có lẽ là vùng trũng Đồng Tháp Mười ngày nay, và cả vùng chạy từ miền Tây sông Hậu ra đến biển Đông và vịnh Xiêm La.  (32) Theo sách Tân Đường Thư, Vyadhapura là tiếng Phạn có nghĩa là ‘Thành phố của những người thợ săn’. (33) Theo Từ Nguyên, 1 lý dài khoảng 576 mét.  (34) Hiện tại không ảnh cho thấy có rất nhiều dấu vết của các kinh đào từ Óc Eo tới Angkor Borei, dài trên 70 cây số. Ngay tại Óc Eo cũng có 4 con kinh cắt nhau, và rất nhiều dấu vết của những con kinh khác.  (35) Theo Lê Hương trong “Sử Liệu Phù Nam”, Sài Gòn, 1974, tr. 53, theo các thư tịch cổ Trung Hoa, có lẽ vương quốc Phù Nam được thành hình vào đầu thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch. Nguồn gốc của vương quốc Phù Nam được ghi trong quyển Sử Ký Tư Mã Thiên về đoạn sứ giả Việt Thường nhờ kim chỉ nam của ông Châu Công đi về nước, ngang qua Phù Nam và Lâm Ấp có nói nước Phù Nam đang có một vị Nữ Vương tên Say-Liêu trị vì. Ông Mã Đoàn Lâm trong quyển “Văn Hiến Thông Khảo” ghi rằng Phù Nam có một nữ vương tên Liễu Diệp mạnh mẽ, còn trẻ tuổi, rất giống con trai, can đảm phi thường, nổi danh trong những cuộc chinh phạt các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, không ai được biết thêm về triều đại Lieou-Ye vì thời đó người Tàu không có bang giao với Phù Nam nên sách sử Tàu cũng không nhắc nhở gì đến bà hoàng Lieou-Ye.  (36) Tức núi Ba Thê, nay thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.  (37) Theo kết quả khai quật nầy thì vương quốc Phù Nam tồn tại trong khoảng từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Tây lịch.  (38) Chenla là tên gọi theo âm Hán Việt của vương quốc Chân Lạp hay Cao Miên ngày nay.  (39) Hải cảng nầy tồn tại suốt từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII.  (40) Việc thuần hóa và sử dụng được loài voi đã minh chứng điều nầy một cách rõ nét. Những di vật tìm thấy cũng giúp cho chúng ta thấy được sự khả tín của những thư tịch cổ Trung Hoa. Theo Tân Đường Thư thì Phù Nam có 5.000 voi chiến. Thời Trúc Chiên Đàn xưng vua Phù Nam, ông đã sai sứ sang cống voi thuần dưỡng. Theo đó cho thấy ngay từ thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, Phù Nam đã là một vương quốc có tổ chức trung ương tập quyền hẳn hòi, trong khi người ta không tìm thấy dấu vết của một nhà nước có tổ chức của nền văn minh ở phía Bắc là Sa Huỳnh.  (41) Thuộc vùng Kiên Giang ngày nay.  (42) Thuộc vùng Đồng Tháp  ngày nay.  (43)  Thuộc vùng Long An ngày nay.
 (44) Lúa ma còn có tên là lúa trời hay lúa hoang mà ngày nay vẫn còn trong miệt Đồng Tháp Mười. 
(45) Theo Lê Vinh Quốc và Hà Bích Liên trong “Các Nhân Vật Lịch Sử Trung Đại, Tập I: Đông Nam Á”, TPHCM: NXB Giáo Dục, 1997, tr. 9-13.  (46) Thả xác người chết cho trôi theo dòng sông, làm mồi cho cá tôm.  (47) Thiêu xác người chết rồi lấy tro đem về thờ trong chùa. Một thời gian sau, có thể là ba năm hay một năm thì đem rải xuống sông hay xuống biển.  (48) Để xác người chết trên ngọn cây cho kên kên và những loài chim lớn ăn thịt.  (49) Năm 245, một sứ giả của Ngô Tôn Quyền thời Tam Quốc bên Trung Hoa tên Khương Thái, một trong những sứ thần đầu tiên của Trung Hoa đi sứ sang vương quốc Phù Nam.  (50) Theo Nguyễn Mạnh Cường & Nguyễn Ngọc Minh trong “Tôn Giáo-Tín Ngưỡng của Các Cư Dân Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long”, TPHCM: NXB Phương Đông, 2005, tr. 33-54.  (51) Bà La Môn là Ấn Độ giáo. Một đạo giáo cổ truyền của Ấn Độ cách đây trên bốn ngàn năm, do ông Krishna sáng lập. Căn cứ trên Thánh kinh Vệ Đà thì thần Phạm Thiên là vị thần có quyền pháp sáng tạo ra muôn vật. Có bốn giai cấp trong xã hội theo Ấn Độ giáo. Theo đạo Bà La Môn, sống đây là sống gởi. Chết sẽ về với Phạm Thiên đời đời nếu tuân theo đúng chân lý của Phạm Thiên. Bà La Môn là những người thuộc giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ dưới thời Đức Phật.  (52) Hiện tại không ảnh cho thấy có rất nhiều dấu vết của các kinh đào từ Óc Eo tới Angkor Borei, dài trên 70 cây số. Ngay tại Óc Eo cũng có 4 con kinh cắt nhau, và rất nhiều dấu vết của những con kinh khác.  (53) Ngoài những di vật còn nguyên vẹn, sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt, không ai tuyên bố chủ quyền trên phần đất nầy cho mãi đến thế kỷ thứ VIII thì vua Chân Lạp mới bổ nhiệm người đến đây cai quản. Như vậy, trong suốt hai thế kỷ, lãnh thổ trước đây của Phù Nam hoàn toàn bị bỏ hoang. Hơn thế nữa, các thư tịch cổ Trung Hoa cũng chưa từng thấy ghi chép về những sự việc nầy.  (54) Từ năm 1950 đến 1980, các nhà địa chất học đã đo ở Hòn Dáu vùng Hải Phòng mực nước biển đã tăng lên đến 30 phân.  (55) kể từ năm 539 đến khi hoàn toàn bị diệt vong, vương quốc Phù Nam đã bị buộc phải triều cống cho vương quốc mới là Chân Lạp, một trong những thuộc quốc xưa kia của Phù Nam.  (56) ‘Những Đền Đài của Angkor’.  (57) Cát Miệt là phiên âm Hán của chữ Khmer theo tiếng Phạn.  (58) Những đền đài Đế Thiên Đế Thích.  (59) Quảng Nam.  (60) Pondichéry là một thuộc địa của La Mã tại vùng Ấn Độ ngày nay. (61) Khoảng cách nầy có thể gấp đôi khoảng cách bờ biển thời đó vì tiến trình biển tiến. (62)  ‘Những Thuộc Địa của Ấn Độ ở miền Viễn Đông’, tái bản lần thứ nhì tại Calculta vào năm 1963.   (63) Ngày trước là phía Nam của vương quốc Champa.   


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét