(Vương Quốc Phù Nam)
Tổng Quan Về Sự Thành Hình Của Vùng Đông Nam Á:
Trong suốt quá trình thành hình lục địa và biển của địa cầu thì mực nước
biển toàn cầu đã nhiều lần dâng lên rồi hạ xuống với sự sai biệt lên
tới 150 mét. Vùng lãnh thổ của vương quốc Phù Nam tại miền Nam Việt Nam
ngày nay, tức là vùng Thủy Chân Lạp, nằm ở hạ lưu sông Mékong, có quá
trình thành hình với 3 thời kỳ chính, đó là Cổ Sinh Muộn, Trung Sinh, và
Tân Sinh.
Đây là các thời kỳ Late Paleozoi, Mesozoi và Kainozoi. Vào cuối thời Tân
Sinh, do hoạt động kiến tạo mới, vỏ trái đất trong khu vực nầy bị nứt
nẻ nhiều chỗ đã gây ra sự sụt lún, làm chênh lệch các lớp đá. Hậu quả là
hai khối được nâng lên. Riêng tại Việt Nam, có khối nâng Nam Trung
Phần; ở Campuchia có khối nâng ở phía Đông; và ngay giữa hai khối nâng
nầy là một khối lún sụt, gồm những vùng trũng lớn, mà sông Mékong và
những phụ lưu của nó chảy ngang qua đây với vô số những bùn, đất sét, và
cát... lấp đầy các vùng trũng nầy để hoàn thành lớp trầm tích
Plio-Pleistoxen cách nay khoảng 700.000 năm.
Riêng tại vùng Biển Đông, mà các bản đồ hàng hải quốc tế gọi là South
China Sea(1), cách nay khoảng trên dưới 20.000 năm thì diện tích của
vùng biển nầy chỉ bằng phân nửa diện tích hiện tại. Lúc ấy vùng Đông Nam
Á bây giờ nối liền với Nam Dương và Úc Châu qua vùng lục địa Sunda, và
các vùng vịnh Bắc Việt và vịnh Thái Lan là những cánh đồng trũng nước.
Khi các khối băng thạch ở hai cực Bắc Nam của địa cầu tan rã thì mực
nước biển dâng lên thật nhanh, khiến phần lớn vùng thềm lục địa Việt Nam
hiện tại bị chìm dưới mặt nước biển.
Riêng tại vùng mà bây giờ là Nam Phần Việt Nam trở thành một vùng trũng
ngập nước quanh năm tại các vùng Cần Giờ, Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh,
Sóc Trăng và Cà Mau. Nếu không nhờ sự bồi đắp của dòng Mekong thì có lẽ
giờ nầy các vùng nầy hãy còn chìm dưới mực nước biển. Ngay khi mực nước
biển dâng cao, các bộ tộc sống rải rác trong vùng lục địa Sunda đang bị
ngập nước phải chạy về các vùng cao hơn ở hướng Tây, hoặc chạy xuống các
hải đảo phía Nam.
Riêng những bộ tộc chạy về phía Tây thì co cụm lại để thành lập những
vương quốc trong vùng. Theo William Meacham, khi nghiên cứu bản đồ
địa hình đấy biển cho biết, lúc xưa bờ biển Đông tương đối bằng phẳng.
Khoảng 18.000 năm trước diện tích biển Đông chỉ bằng phân nửa ngày
nay(2).
Khi băng đá hai cực địa cầu tan rả thì nước biển dâng lên nhanh. Vào
khoảng 14.000 năm trước đây, nước biển cứ cao dần. Khi mực nước biển đạt
đến gần mức độ hiện nay, chừng 25 mét, lúc nầy là lúc biển tiến, bờ
biển đã lùi sâu vào lục địa. Rồi cách nay khoảng trên 10.000 năm, vùng
đất nầy đã xảy ra các giai đoạn biển tiến và biển lùi. Cho đến khoảng
năm 4000 trước tây lịch, hàng trăm ngàn dặm vuông lục địa đã bị chìm
ngập dưới Biển Đông. Thế rồi từ đó đến nay với nhiều đợt biển tiến, làm
cô lập các giồng đất cao(3). Hiện vẫn còn các di tích tại các giồng
trong huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhất là Giồng Tân Hiệp. Sau đó,
cách nay khoảng 5.000 năm, lại xảy ra hiện tượng biển lùi, mực nước
biển rút dần. Trong khoảng từ 4.000 đến 2.700 năm trở lại đây, những dao
động biển khá rõ rệt, những cồn cát miền duyên hải hạ lưu sông Mékong
lại hiện ra, lộ hẳn lên khỏi mặt nước biển.
Tiếp theo đó là sự xuất hiện của các thảm thực vật, cũng như thế giới
động vật đa dạng. Do tác động của sóng biển và dòng hải lưu, các đống sò
điệp tụ lại tại các cồn mới nổi lên. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện
tại vùng Cai Lậy các dĩa sò điệp, dấu vết của bờ biển xưa(4). Từ
khoảng 2.700 năm trở lại đây, vùng đất miền Nam Việt Nam đi dần vào thế
ổn định và định hình. Tuy nhiên, toàn vùng mà ngày nay là miền Tây vẫn
còn chìm dưới mực nước biển, khoảng 0,4 mét, nên cư dân miền Đồng Nai
không thể di cư xuống đây được, chính vì thế mà hồi nầy miền Tây Nam
Phần vẫn chưa có người sinh sống. Chỉ đến khoảng đầu Tây lịch, khi nước
đã rút xuống thì vùng nầy mới bắt đầu có cư dân. Cách nay khoảng 2.000
năm, người Malayopolynesia từ các đảo ngoài biển tràn vào tạo dựng văn
hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.
Trong khi đó, bờ biển miền Trung từ Thuận Hóa vào đến Bình Thuận (Phan
Thiết) đã được định hình rõ ràng và gần giống như ngày nay. Tuy nhiên,
bờ biển Nam Kỳ vẫn còn đang trong thời kỳ bồi đắp. Lúc đó chưa có bờ
biển chạy từ Chân Bồ(5) đến Cà Mau và từ Cà Mau đến Hà Tiên, mà gần như
là một đường thẳng chạy từ Chân Bồ đến Hà Tiên, phần còn lại chỉ là một
cái biển thật cạn, một vùng trũng ngập nước quanh năm. Thời đó hải cảng
lớn nhất của Phù Nam là Óc Eo chỉ cách bờ biển khoảng vài ba cây số, và
các núi trong dãy Thất Sơn hiện nay là những núi nằm sát bờ biển, bằng
chứng là người ta đã tìm thấy rất nhiều những vỏ sò biển trong vùng chân
núi Núi Sập và chân núi Thất Sơn. Tuy nhiên, đến khoảng năm 350 sau Tây
lịch, nước biển lại bắt đầu dâng lên từ từ, người Phù Nam đã phải tìm
cách sống chung với lũ bằng cách đào thêm kinh rạch xả nước, đồng thời
cất nhà sàn tránh lũ.
Đến năm 650, đột nhiên nước lũ dâng lên cao hơn 1 mét với tốc độ quá
nhanh, khiến người Óc Eo không thể tiếp tục ở lại vùng châu thổ miền Tây
được nữa, một phần đã dong buồm trở ra các hải đảo phía Nam, phần khác ở
vùng tiếp giáp với miền Đông Nam Phần đã bỏ chạy lên phía Nam dãy
Trường Sơn. Theo nhà địa chất học người Pháp tên H. Fontaine,
do sự nóng dần của địa cầu, từ khoảng 7.000 năm trở lại đây, vùng Đông
Nam Châu Á đã bị ảnh hưởng bởi quá nhiều đợt ‘Biển Tiến’ và ‘Biển Lùi’.
Cuối Đại Pleistoxen đầu Holoxen có một đợt biển thoái, mực nước biển hạ
thấp từ 100 đến 120 mét so với mực nước biển ngày nay, khiến cho toàn
vùng Biển Đông chỉ còn là những vũng nước nhỏ. Tiếp đó là thời kỳ băng
hà Wum cách nay từ 60 đến 11 ngàn năm. Tiếp theo là trên 500 năm băng
tan, từ khoảng 11.000 đến 10.250 năm trước, khiến nước biển bắt đầu dâng
cao lại. Đến khoảng 4850 năm trước Tây lịch, nước biển tiếp tục dâng
lên bằng với mực nước biển ngày nay.
Sau thời kỳ nầy là bốn đợt hải xâm và hải thoái:
Đợt ‘Hải Xâm Holoxen I, từ năm 4850 đến 1650 trước Tây lịch, kéo dài
3.200 năm với 3 giai đoạn đỉnh cao 4 mét năm 3900 trước Tây lịch, 3 mét
năm 2950 trước Tây lịch, và 2 mét vào năm 2350 trước Tây lịch’. Tiếp
theo đó là đợt hải thoái Holoxen 1, trong khoảng thời gian 500 năm, từ
khoảng 1650 đến 1150 năm trước Tây lịch. Mực nước biển hạ thấp nhất là
0,8 mét vào năm 1400 trước Tây lịch. Đợt hải thoái ở miền Nam bán đảo
Đông Dương cách nay 3.350 năm tương đương với đợt hải thoái 2 mét ở
Crane Key cách nay 3.300 năm.
Đợt Hải Xâm Holoxen II trong thời gian 300 năm, từ 1150 đến 850 trước
Tây lịch. Đỉnh cao nhất xảy ra vào năm 950 trước Tây lịch. Tiếp theo đó
là đợt hải thoái Holoxen 2, từ năm 850 đến năm 200 trước Tây lịch, với
điểm cực tiểu xảy ra vào năm 550. Đợt Hải Xâm Holoxen III trong
thời gian 150 năm, từ 200 đến 50 trước Tây lịch, mực nước cao nhất
khoảng 0,4 mét vào năm 50 trước Tây lịch. Rồi đến đợt hải thoái Holoxen 3
trong thời gian 500 năm, với mực nước thấp nhất là 0,5 mét vào năm 200.
Điều đáng chú ý là đợt hải thoái ở miền Nam bán đảo Đông Dương cách nay
1.750 năm tương đương với đợt hải thoái 3 mét ở Florida cách nay 2.000
năm. Đợt Hải Xâm Holoxen IV trong thời gian 800 năm, từ 350 đến
1150 sau Tây lịch, với mực nước cao trung bình khoảng 0,8 mét vào năm
650. Từ năm 1150 đến năm 1950, nước biển dao động 1 mét, được coi như là
ổn định hơn các thời kỳ trước đó.
Đại Cương Lịch Sử Của Các Vùng Đất Mà Bây Giờ Là Nam Kỳ:
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về vương quốc Phù Nam, tưởng cũng nên nhắc
lại một điều rất quan trọng về ngọn nguồn nhân chủng của các dân tộc Phù
Nam, Chân Lạp, Lâm Ấp, Nam Chiếu, Chà Và (Java) và Việt Nam. Các thư
tịch cổ đời nhà Hán đã không nói gì nhiều về vương quốc Phù Nam, vì cho
rằng Phù Nam nằm quá xa lãnh địa của người Hán, nên không cần phải chiếm
cứ mà chỉ cần vương quốc nầy chịu đời đời thần phục là đủ. Cũng theo
Hán Thư, vào khoảng những năm 144, 157, và 178 đã có nhiều cuộc khởi
nghĩa của người Man Di ở huyện Tượng Lâm, huyện nằm về cực Nam của một
trong 5 huyện của quận Nhật Nam.
Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa ấy đều bị dẹp yên. Nhưng theo sách Thủy
Kinh Chú của người Trung Hoa thời nhà Ngụy chép rằng: “Đến những năm từ
năm 190 đến năm 193, viên công tào huyện Tượng Lâm tên là Khu Liên đã
nổi lên đánh phá huyện đường và giết chết quan huyện lệnh mà thành lập
nước Lâm Ấp. Lúc ấy huyện Tượng Lâm về phía Nam có núi Đại Lãnh, và về
phía Bắc có núi Ải Vân. Như vậy có lẽ Khu Liên nổi lên từ huyện Tượng
Lâm, nhưng đã mở rộng bờ cõi về phía Bắc bằng cách đánh chiếm một số đồn
trú nằm về phía Nam của Giao Chỉ, nên biên giới của Lâm Ấp mới chạy lên
đến các vùng phía Nam của Thanh Hóa bây giờ. Thời Đông Hán (25-220
A.D.), Dương Phù đã viết quyển sách đầu tiên đề cập đến Phù Nam là “Dị
Vật Chí”. Đến thời nhà Ngô (220-280 A.D.), theo Ngô Thư thời Tam Quốc,
vào tháng chạp năm 243, vua Phù Nam là Phạm Chiên có sai sứ đến dâng
nhạc công và phương vật cho vua Ngô Tôn Quyền (182-252 A.D.).
Đến khi nhà Ngô đánh chiếm Giao Châu và Cửu Chân, vua Ngô cũng đã sai
người đến các nước ở phương Nam gồm Lâm Ấp và Phù Nam. Theo sách Lương
Thư, Ngô Tôn Quyền sai Cu Ứng (Chou Ying) và Khang Thái (Kang Tai) đi sứ
các nước phía Nam, trong số đó có Phù Nam. Sau khi đi sứ về, Khang Thái
có viết quyển “Phù Nam Thổ Tục”, còn gọi là “Phù Nam Truyện”.
Cũng theo Thủy Kinh Chú thì vào năm 280 sau Tây lịch, thái thú Giao Chỉ
là Đào Hoàng đã gửi sớ về triều xin đừng rút bớt quân đồn trú tại Giao
Chỉ vì sợ rằng sẽ bị người Lâm Ấp tấn công. Trong thư có nói rõ là về
phía Nam Giao Chỉ có 2 nước Lâm Ấp và Phù Nam tiếp giáp với nhau. Theo
sử Nam Tề, người Phù Nam thường buôn vàng bạc, tơ lụa. Con cái nhà quí
tộc thường mặc xà rông bằng lụa the. Đàn bà thì mặc một thứ áo vải luồn
qua đầu. Người nghèo thì quấn một mảnh vải thô quanh mình. Họ làm nhẫn
và vòn đeo tay bằng vàng, làm chén bát bằng ngọc. Họ đốn cây lấy gỗ làm
nhà và rào vườn tược xung quanh nhà. Nhà vua ở trong nhà lầu có tầng
gác. Dọc bờ biển người ta trồng cây thốt nốt, lá dài dùng để lợp nhà.
Người ta đóng những chiếc thuyền dài từ 8 đến 9 trượng(6), rộng 6 đến 7
phần mười trượng. Mũi thuyền và lái thuyền giống như đầu và đuôi cá. Nhà
vua ngự trên mình voi.
Đàn bà có thể cỡi voi. Họ thích chơi đá gà. Họ không có nhà tù. Khi có
kiện cáo hay tranh chấp, họ ném nhẫn vàng hoặc trứng vào nước sôi. Ai
dúng tay vào nước sôi đó lấy ra mà không bị phỏng thì người ấy được
thắng kiện. Theo Lương sử, nước Phù Nam ở về phía nam quận Nhật Nam,
trong một vịnh lớn ở phía tây biển. Nước nầy cách Nhật Nam chừng 7 ngàn
lý và cách Lâm Ấp chừng 3 ngàn lý về phía tây nam. Đô thành của Phù Nam
cách biển 500 lý(6). Một con sông lớn từ tây bắc chảy về phía đông và đổ
ra biển. Khí hậu đại để giống như xứ Lâm Ấp.
Họ không đào giếng, nhưng mấy chục gia đình thường chung nhau xây một
cái hồ nước để dùng chung. Họ có tập tục sùng bái các vị thần trên trời.
Họ đúc tượng thần để thờ, tượng có một mặt bốn tay hay tám tay, mỗi tay
cầm một vật gì đó, hoặc một đứa trẻ, hoặc một con chim, hay một con thú
nào đó, hoặc hình mặt trời hay mặt trăng.
Nhà vua thường ngự giá trên mình voi, đình thần cũng vậy. Khi vua ngồi
thì đầu gối chân phải gấp thẳng đứng, đầu gối chân trái gấp bằng sát
đất, tư thế nầy thường thấy nơi các tượng thờ của Ấn Độ giáo. Trước mặt
vua người ta thường trải một tấm vải và đặt trên đó những lọ bằng vàng
và những lư hương. Khi nhà có tang, người ta có tục cạo râu và cạo đầu.
Người Phù Nam có bốn cách mai táng: bỏ xác xuống biển hay dòng sông, hỏa
táng, địa táng, hoặc bỏ xác ngoài đồng cho chim quạ mổ xẻ. Theo Tấn
Thư, đất Phù Nam rộng 3 ngàn lý, có những thành phố xây tường, có lâu
đài và nhà ở.
Đàn ông Phù Nam xấu và đen, quấn tóc, ở truồng và đi chân không. Tánh
tình họ rất đơn giản và không hề trộm cắp. Họ thích trang trí bằng điêu
khắc, chạm trổ, nộp thuế bằng vàng, bạc, châu báu, hương liệu. Họ có
sách vở, thư viện và nhiều vật khác.
Chữ viết của họ giống thứ chữ Hồ. Ma chay cưới hỏi đại để giống như Lâm
Ấp. Theo các nhà sử học Tây phương thì có lẽ thuộc quốc của vương quốc
Phù Nam vương ra đến tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam ngày nay. Theo “Journal
Asiatique” vào tháng giêng năm 1927, L. Finot đã khẳng định rằng bia Võ
Canh tại tỉnh Khánh Hòa cho thấy vùng nầy đã từng là một thuộc quốc của
Phù Nam vào thế kỷ thứ III. Như vậy chúng ta có thể đoán được là vào
thế kỷ thứ III, lãnh thổ phía Bắc của vương quốc Phù Nam với Chiêm Thành
là núi Đại Lãnh, và lãnh địa của Chiêm Thành có thể từ phía Nam Thanh
Hóa đến tận miền Đại Lãnh.
Còn theo các thự tịch cổ thì các dân tộc vừa kể trên đều có chung gốc
tích Nam Á. Chính vì vậy mà trong quá khứ họ đã nhiều lần chung lưng đấu
cật, cùng đứng lên đánh đuổi quân Hán xâm lược và hiếu chiến. Thuở đó
cộng đồng cư dân Nam Á (Protoviets) trong vùng mà bây giờ là bán đảo
Đông Dương gồm các dân tộc Việt ở Giao Châu, Lâm Ấp ở Trung Việt, Phù
Nam ở Nam Việt, và Kambuja ở Nam Lào và Cao Miên ngày nay luôn luôn liên
kết để chống lại ách thống trị của Hán tộc. Bằng chứng là theo Biên
Niên Sử Việt Nam, năm 722, Mai Thúc Loan, một nông dân nghèo ở Hà Tỉnh,
thuộc Châu Hoan đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân nhà Đường,
đã được sự ủng hộ rộng rãi của các nước đồng chủng như Lâm Ấp và Chân
Lạp. Các nước nầy đã tiếp trợ hơn 20 vạn quân hợp cùng với 20 vạn nghĩa
quân của Mai Thúc Loan ào ạt tấn công 20 vạn quân thiện chiến nhà Đường,
khiến cho quan An Nam Đô hộ Phủ là Quang Sở Khách phải cùng tàn quân
tháo chạy về nước. Mai Thúc Loan lên ngôi lấy hiệu là Mai Hắc Đế. Lúc ấy
mối giao hảo giữa Đại Việt, Lâm Ấp và Chân Lạp hết sức tốt đẹp.
Khi người Pháp đánh chiếm Chân Lạp vào năm 1864 thì vương quốc nầy không
có một tài liệu lịch sử nào được ghi chép lại từ trước, nên họ chỉ biết
có những bản văn được ghi lại trên lá thốt nốt chép lại những chuyện
xảy ra cách đó khoảng 150 năm mà thôi, vì lá thốt nốt không tồn tại trên
150 năm. Đến khi các nhà khảo cổ học khám phá ra vùng Đế Thiên Đế Thích
(Angkor) thì họ mới biết được những diễn tiến trong vương quốc Chân Lạp
qua nhiều thế kỷ về trước qua các chữ Phạn khắc trên bia đá. Tuy nhiên,
khi soạn bộ sử ký Chân Lạp, người Pháp lại lầm tưởng vương quốc Phù Nam
và vương quốc Chân Lạp là một. Kỳ thật, hai vương quốc nầy có hai nguồn
gốc hoàn toàn khác nhau. Có lẽ lúc đó người Pháp không có đủ tư liệu
lịch sử nói về vương quốc Phù Nam, chính vì thế mà trong bộ L’histoire
du Cambodge (Lịch Sử Cao Miên), người Pháp ghi từ thế kỷ thứ 1 đến thế
kỷ thứ VI là vương triều Phù Nam. Đến thế kỷ thứ 6 mới thấy xuất hiện vị
quốc vương đầu tiên của Chân Lạp.
Cổ Sử Vùng Nam Phần Thời Kỳ Tiền Phù Nam: Khi nói về Nam
Phần Việt Nam, người ta thường liên tưởng đến một vùng đất mới với chiều
dài lịch sử chỉ trên dưới 300 nay mà thôi. Tuy nhiên, theo những kết
quả khảo cổ được khai quật, thì vùng đất nầy đã có lịch sử tương đối khá
lâu đời, nghĩa là ngay từ trước khi vương quốc Phù Nam được thành lập
cách nay khoảng 2.000 năm. Ngay từ 4 hoặc 5 ngàn năm về trước, thì vùng
đất mà bây giờ chúng ta gọi là Miền Đông Nam Phần, đã có cư dân cổ cư
ngụ và tạo nên nền “Văn Hóa Đồng Nai”. Vào năm 1976, qua cuộc khai quật ở
Cầu Sắt, thuộc Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, kết quả cho thấy nền văn hóa
“Đá Mới” của vùng Đồng Nai đã tồn tại tại vùng nầy cách nay khoảng trên
dưới 5 ngàn năm. Vào thời Pháp Thuộc (1944), các nhà khảo cổ đã tìm thấy
những dụng cụ bằng đồng có niên đại cách đây từ 3 đến 4 ngàn năm tại
những khu di chỉ “Mộ Cổ Hàng Gòn”(7), khu Núi Gốm(8), và khu Dốc
Chùa(9).
Điều nầy chứng tỏ nền văn hóa đồ đồng đã xuất hiện tại đây vào khoảng
trên dưới 1.000 năm sau nền văn hóa đồ đá mới. Đi xa về miền Tây,
nơi mà dưới thời vương quốc Phù Nam gần như phân nửa diện tích hãy còn
chìm ngập trong sình lầy, nhưng người ta vẫn tìm thấy được rất nhiều
những di chỉ thuộc văn hóa Tiền Óc Eo và Óc Eo, có niên đại từ 1.500 năm
đến 2.500 năm trước. Từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII sau Tây lịch,
nền văn hóa Óc Eo đã phát triển rực rỡ tại vùng An Giang bây giờ. Các
nhà khảo cổ học lấy tên theo địa danh Óc Eo tại chân núi Ba Thê, thuộc
tỉnh An Giang. Căn cứ theo những không ảnh chụp được từ thập niên 1930s,
với hệ thống kinh đào cổ, có hình nan hoa, tỏa khắp miền Tây, mà tụ
điểm của nó nằm tại vùng Đá Nổi(10), có những con kinh cổ dài đến 80 cây
số, các nhà khảo cổ học cho rằng tại vùng nầy đã từng có những sinh
hoạt nông nghiệp và giao thông bằng đường thủy rất phát triển. Mặc dầu
công cuộc khai quật khảo cổ vẫn còn đang tiếp diễn, và các di chỉ đã
được khai quật vẫn còn đang trong vòng nghiên cứu, nhưng kết quả cho
thấy rõ rệt hình ảnh một dân tộc có một nền văn hóa thật rực rỡ đang từ
từ được phơi bày ra ánh sáng: dân tộc Phù Nam với nền văn hóa Óc Eo.
Cổ Sử Về Sự Thành Lập Và Lãnh Thổ Của Vương Quốc Phù Nam:
Riêng về phần lịch sử vùng Nam Phần thời kỳ vương quốc Phù Nam cho tới
bây giờ hãy còn rất mù mờ không những đối với thế giới, mà còn ngay cả
với các lân quốc trong vùng Đông Nam Á nữa. Hiện tại trong các thư tịch
cổ của các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước có lịch sử lâu đời
như Ấn Độ và Trung Hoa, lại không có nhiều ghi chép về vương quốc Phù
Nam một cách rõ rệt, vì vương quốc này đã bị triệt tiêu cách nay gần 15
thế kỷ rồi còn gì. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ thứ 19, lịch sử thế giới
cận đại đã có những ghi chép lại về một vương quốc mang tên Phù Nam. Phù
Nam là tên của một vương quốc cổ đầu tiên trong lịch sử Đông Nam Á.
Theo các thư tịch cổ được viết bởi các quan hoặc các sứ giả Trung Hoa,
hoặc nhựt ký của các thương thuyền Âu châu thời cổ, cũng như những di
tích khai quật được thì vương quốc nầy trải dài trên một vùng đất rộng
lớn, chạy dài từ Trung Lào qua Nam Thái Lan đến bán đảo Malacca về phía
Tây; và về phía Đông chạy dọc theo bờ biển từ phía Nam Champa đến tận
vùng Hà Tiên. Nghĩa là vùng đất trù phú miền Nam Việt Nam ngày nay, khu
vực Đồng Nai đến Hà Tiên đã từng là lãnh địa của vương quốc nầy.
Theo các thư tịch cổ của Trung Hoa thì vương quốc Phù Nam hay còn gọi
là ‘Diệu Nghiêm Quốc’ xuất hiện khoảng đầu thiên niên kỷ Tây lịch và tồn
tại khoảng trên dưới bảy thế kỷ. Các nhà khảo cổ đã và đang tiếp tục
khai quật các di chỉ rải rác khắp vùng Nam Kỳ từ di chỉ Gò Chùa, Gò
Tháp, Gò Rộc Chanh, Gò Sao, Gò Cây Thị, và Cạnh Đền, vân vân. Tuy công
việc chưa hoàn tất, nhưng qua những kết quả gặt hái được từ những mẫu
đất nung, những mảnh gốm sứ, và rất nhiều di vật khác có thể giúp chúng
ta có những nhận định tương đối ít mù mờ hơn về hình ảnh của một vương
quốc mang tên Phù Nam xưa. Hơn thế nữa, những kết quả gặt hái được còn
giúp cho chúng ta thấy được những lấp lánh sắc màu của nền văn hóa Óc Eo
một thời rực rỡ trong suốt từ đầu thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ
sáu. Sau một số khai quật về khảo cổ học tại vùng Óc Eo, các nhà khảo cổ
đều đồng ý rằng ngay từ những năm đầu thiên niên kỷ thứ nhất, một vương
quốc rộng lớn được thành hình tại vùng Đông Nam châu Á, phía Đông giáp
với biển Đông, chạy dài từ Vũng Tàu đến Hà Tiên.
Thời đó các vùng ven biển Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc
Liêu Cà Mau và Rạch Giá đều còn là những vùng trũng thấp nằm dưới mặt
biển, hoặc giả khi hải triều xuống thì một dãy đất ven biển xuất hiện mà
khi hải triều lên thì dãy đất ấy lập tức bị chìm vào biển nước.
Phía Bắc lên tận miền Trung Lào và Bắc Thái bây giờ. Phía Tây trải dài
đến các miền trung tâm Thái Lan tại vùng thung lũng sông Mê Nam, và phía
Nam đến tận vùng Malacca của Mã Lai. Nhờ những khai quật khảo cổ học
trong giữa thế kỷ thứ XX, mà các nhà khảo cổ học và sử học đã xác định
được vị trí cũng như lãnh thổ của một vương quốc mang tên Phù Nam và một
nền văn hóa khá mạnh mang tên văn hóa Óc Eo. Thời đó vương quốc Phù Nam
có một một thương cảng rất lớn nhất, nằm trong vùng đất mà bây giờ
thuộc vùng Núi Sập(11), thuộc tỉnh An Giang. Không ai biết ngày đó
thương cảng ấy có tên gì, chỉ biết nó có nhiều di chỉ thuộc văn minh Óc
Eo, nên người ta gọi nó là cảng Óc Eo, thế thôi.
Qua những di chỉ khai quật được người ta thấy thương cảng nầy đã đóng
một vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt kinh tế của vương quốc Phù
Nam. Tuy nhiên, mãi đến hôm nay chúng ta có quá ít sử liệu nói về vương
quốc Phù Nam. Hiện tại chỉ còn một số rất ít ghi chép hoặc ký sự viết về
vương quốc Phù Nam của các học giả Trung Hoa.
Danh hiệu của vương quốc Phù Nam hãy còn rất mù mờ với nhiều nhà sử học
trên thế giới. Thậm chí nhiều nhà cổ sử vẫn tưởng vương quốc Chân Lạp
chính là hậu thân của vương quốc Phù Nam, hay dân tộc Phù Nam và Chân
Lạp chỉ là một chứ không sai khác.
Mãi đến ngày nay, đa số những dữ kiện liên quan đến vương quốc cổ nhất
tại vùng Đông Nam Châu Á đều lấy từ sử liệu Trung Hoa hoặc từ kết quả
tìm được từ các di vật khai quật được quanh vùng Óc Eo. Phù Nam(12) là
tên phiên âm theo tiếng Hán của từ “Phnom”, có nghĩa là núi hoặc đồi.
Các vua Phù Nam đều lấy vương hiệu là “Sailaraja” hoặc “Kurung Bonam”,
có nghĩa là “Vua Núi”.
Theo sách Lĩnh Nam Trích Quái thì người Trung Hoa cổ gọi vương quốc nầy
là Diệu Nghiêm. Đây là vương quốc được thành lập trước nhất tại vùng
Đông Nam châu Á. Nó tồn tại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ sáu sau
Tây lịch. Theo những khai quật khảo cổ mới đây trong vùng cho thấy đã có
nhiều xã hội hay nhiều cộng đồng cư dân cổ sinh sống trên vùng đất nầy
trước khi người Phù Nam thành lập vương quốc của họ.
Theo tài liệu của Viện Bảo Tàng Bắc Kinh thì vào khoảng giữa thế kỷ thứ
III, sứ giả Trung Hoa có đến đây và có ghi chép lại một vài điều về địa
lý và phong tục tập quán của vương quốc nầy, nhưng không được chi tiết.
Chỉ biết dân Phù Nam thời đó thuộc văn hóa Ấn Độ với một nền văn minh
rất cao. Về ngoại thương thì Phù Nam đã có sự giao dịch với Trung Hoa,
Ấn Độ, và ngay cả với các xứ Ba Tư, Hy Lạp và La Mã nữa(13).
Theo tài liệu nầy thì tại vùng Óc Eo, dưới chân núi Ba Thê, vào những
thế kỷ thứ II và thứ III có nhiều ngôi đền bằng gạch bên cạnh những khu
nhà sàn liền nhau trên một khu đất rộng lớn. Điều nầy trùng hợp với
những khai quật khảo cổ tại đây vào những thập niên 1930s và 1940s. Căn
cứ vào những bông tai, nhẫn, cà rá, và chuỗi hột đào được, người ta đoán
những khu nhà sàn nầy có lẽ là những khu buôn bán sầm uất của người Phù
Nam.
Điều nầy cũng trùng hợp với những ghi chép từ phía Ấn Độ là vào những
thế kỷ từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ VII, rất nhiều thương gia Ấn Độ
đến khu mà bây giờ chúng ta gọi là Đồng Bằng Sông Cửu Long để mua bán.
Họ bán vải và mua về gia vị và những thổ sản. Không thấy bất cứ tài liệu
nào ghi chép lại về việc sản xuất lúa gạo của vùng nầy vào thời vương
quốc Phù Nam, nhưng theo các nhà khảo cổ Louis Malleret và B. Groslier
thì thuở ấy vùng phía Bắc và Đông Bắc của cảng Óc Eo đã có những cánh
đồng, nhất là khu vực từ chân núi Ba Thê đến bờ sông Hậu Giang, và dân
chúng ở đây đã biết cách đào kinh dẫn thủy nhập điền, qua không ảnh chụp
được người ta tìm thấy cả một hệ thống kinh đào thẳng tắp theo hướng
Đông Bắc-Tây Nam chạy từ Óc Eo đến tận vùng Banam(14), nghĩa là đem nước
trũng phèn từ những cánh đồng ngập mặn chảy thẳng ra vịnh Thái Lan.
Có lẽ ngày đó dân Phù Nam chỉ làm lúa sạ, nghĩa là chỉ dọn đất rồi sạ
lúa, cây lúa lớn lên theo con nước lũ, rồi đến mùa nước rút là họ gặt
hái. Có người cho rằng việc dân Phù Nam biết làm ruộng lúa sạ tại vùng
nầy hồi thế kỷ thứ nhất là vô lý, nhưng họ quên rằng các dân tộc tại
vùng Đông Á, từ Trung Hoa, xuống Việt Nam, Chăm Pa, kể cả Phù Nam, vân
vân, đã biết làm ruộng lúa nước từ lâu lắm rồi. Thật ra thì tất cả những
lý luận trên đều là những suy đoán, dựa theo kết quả của những khai
quật khảo cổ mà thôi, chứ không có lấy cái gì làm bằng chứng chính xác.
Các nhà khảo cổ học cũng đoán rằng ngày đó nhiều thương thuyền đã theo
các kinh đào đi tận vào vùng Đồng Tháp để mua bán trao đổi với dân bản
địa, hồi nầy vẫn còn là một vùng duyên hải ngập mặn, vì người ta khai
quật được trong trung tâm vùng Đồng Tháp rất nhiều xác tàu và cột buồm
xưa. Ngày nay các sử gia trên thế giới đều nhìn nhận rằng vương quốc
Phù Nam là vương quốc đầu tiên trong vùng Đông Nam Á, một vương quốc cổ
đại ở hạ lưu sông Cửu Long, được khai sáng từ đầu Tây lịch. Và theo cổ
thư Trung Hoa cũng như những di tích còn ghi lại trên những bia đá tìm
thấy tại miền Nam Việt Nam, không có một dấu vết nào chứng minh sự có
mặt cũng như sự liên hệ về vương triều chính thống giữa Phù Nam và Chân
Lạp (Kambuja), mà mãi đến năm 598 sau Tây lịch mới thấy xuất hiện vị
quốc vương đầu tiên của Kambuja là Bhavavarman I dựng lên vương quốc
Chân Lạp, đóng đô ở Kompong Thom, cách Nam Vang khoảng 200 cây số về
hướng tây bắc. Mãi cho đến ngày nay người ta vẫn chưa biết rõ vì lý do
gì mà vương quốc Phù Nam sụp đổ. Có thuyết cho rằng vương quốc Phù Nam
bị nước chư hầu là Kambuja tiêu diệt, nhưng lại có thuyết cho rằng vương
quốc Phù Nam bị một trận đại hồng thủy khiến đa số đất đai của họ tại
vùng Óc Eo bị chìm trong biển nước và cư dân của họ phải sơ tán đến các
vùng cao.
Vương Quốc Phù Nam Theo Cổ Thư Và Nhật Ký Của Các Nhà Hành Hương:
Theo Nghĩa Tịnh, một nhà hành hương Trung Quốc vào thế kỷ thứ VII, Phù
Nam là một vương quốc hùng cường nằm về phía Nam của vương quốc Lâm Ấp
(Champa), nhưng đã bị Chân Lạp tiêu diệt vào thế kỷ thứ VI. Nghĩa Tịnh
chỉ ghi lại vỏn vẹn có như vậy về vương quốc Phù Nam. Trong khi đó, theo
nhật ký của các nhà hành hương Tây phương cũng như những thương nhân
thời cổ, vương quốc và dân tộc Phù Nam có một nền văn minh rực rỡ đáng
phục.
Theo họ, giới quí tộc Phù Nam ăn mặc lòe loẹt và ở trong những cung điện
nguy nga bật nhất của nước Phù Nam, với đầy đủ phương tiện vật chất và
ngọc ngà châu báu. Nhưng chính vì thiếu sử liệu ngay tại các vương quốc
đã bị suy tàn như Phù Nam và Chiêm Thành (Lâm Ấp), nên nhật ký của các
nhà hành hương cũng như các cổ thư Trung Hoa có liên hệ đến vùng Đông
Nam Á thật là quí báu vô cùng, vì nếu không có những tài liệu nầy, chúng
ta không tài nào phác họa lại được hình ảnh của những vương quốc đã bị
suy tàn từ nhiều thế kỷ trước như Phù Nam và Chiêm Thành.
Trong số những cổ thư nầy phải kể đến Thủy Kinh Chú, quyển sách ghi lại
những con sông xưa ở Trung Hoa và các vùng Nam Trung Hoa cũng như những
biến cố xảy ra vào lúc bộ sách được sáng tác. Cuốn Niên Giám Đời Nhà
Tiền Hán (Ts’ien Han Shu) ghi lại các biến cố về những cuộc bang giao
với quần đảo Nam Dương từ năm 206 trước Tây lịch đến năm 24 sau Tây
lịch. Bên cạnh đó, những cổ thư khác của Trung Hoa ghi lại lịch sử Trung
Hoa qua các thời đại từ đời nhà Ngô, qua Hậu Hán, Nam Tề, Lương, nhà
Tùy, rồi đến đời nhà Đường, khoảng từ năm 222 đến 916, đều có những ghi
chép về vương quốc Phù Nam. Dựa theo những sự kiện lịch sử ngoại giao
của Trung Hoa, chúng ta có thể khẳng quyết rằng vương quốc Phù Nam đã
được khai sanh trước vương quốc Chân Lạp, vì vào thế kỷ thứ 3 là lúc
thịnh thời của vương quốc Phù Nam thì Chân Lạp chỉ là một chư hầu phụ
thuộc vương quốc Phù Nam có tên là Kambuj. Từ đầu kỷ nguyên Tây lịch,
vương quốc Phù Nam là một trong những vương quốc hùng mạnh nhất trong
vùng Đông Nam Châu Á, nằm về phía Nam nước Lâm Ấp (Champa).
Hán sử có ghi chép nhiều về tình trạng bang giao giữa Trung Quốc với một
vương quốc phía Nam mang tên Phù Nam. Theo truyền thuyết, Phù Nam là
một vương quốc được thành lập trước vương quốc Cao Miên khoảng 5 hay 6
thế kỷ. Trước khi Phù Nam được thành lập thì trên những vùng đất mà bây
giờ là Cao Miên và vùng Nam Kỳ bây giờ đã từng có nhiều sắc dân có nguồn
gốc từ Môn Khmer sinh sống. Cổ sử Trung Hoa gọi họ là tộc Tây Khương
(Khel). Họ có một nền văn hóa khá cao thời tiền sử. Trong khi Hán tộc
còn là một bộ tộc du mục thì họ đã biết canh tác, dù hãy còn là du canh,
họ biết canh tác lúa nước, biết sản xuất dụng cụ đồ đồng. Họ chịu ảnh
hưởng của nền văn minh Ấn Độ. Tuy nhiên, trước áp lực lấn chiếm một cách
thô bạo của những người du mục thuộc Hán tộc, những người thuộc chi
Môn-Khmer phải thiên cư xuống phương Nam, nhất là sau năm 314 sau Tây
lịch khi quân đội nhà Tần tiêu diệt nước Thục, thì đa phần cư dân bản
địa phải rời bỏ địa bàn sinh sống để thiên di về miền Trung Lào, đánh
đuổi những người đồng chủng đã thiên di xuống đây trước họ để thành lập
nước Chân Lạp ở vùng Trung Lào. Đây chính là phiên quốc Kambuja đã từng
thần phục vương quốc Phù Nam trong nhiều thế kỷ.
Lãnh Thổ Của Vương Quốc Phù Nam:
Lãnh thổ của vương quốc Phù Nam có nhiều sông rạch nên người Trung Hoa
có thể chạy buồm đi xuyên qua đất Phù Nam, trên đường đi đến bán đảo Mã
Lai. Vào hậu bán thế kỷ thứ XX khi kỹ thuật không ảnh đã được áp dụng
trong nghiên cứu lịch sử và địa chất, người ta tiến hành khai quật khu
vực Óc Eo, nay thuộc quận Ba Thê (Núi Sập), thuộc tỉnh Long Xuyên. Các
nhà nghiên cứu cổ sử Hervley de Saint Denys (1883), De Rosny (1886), và
G. Schlegel (1896) đã nói về một vương quốc cổ mang tên Phù Nam, nhưng
vào thời đó ngành hàng hải chưa phát triển nên người ta không định vị
được một cách chính xác vị trí của vương quốc Phù Nam.
Trong khi đó, nhà khảo cổ học người Pháp tên Giteau, tác giả quyển “Lịch
Sử Cao Miên” (Histoire du Cambodge), cho rằng vào hậu bán thế kỷ thứ
II, một biến cố chánh trị lớn đã xảy ra tại Ấn Độ: dòng họ Kushana sụp
đổ, dòng họ Gupta hưng khởi. Sau biến cố nầy, nhiều người Ấn Độ, nhứt là
những hoàng thân quốc thích thuộc dòng họ Kushana đã dong buồm đi về
bán đảo Nam Đông Dương, họ định cư lại tại vùng nầy và xây dựng nên
vương quốc Phù Nam. Vương quốc nầy cường thịnh trong suốt gần 6 thế kỷ,
nhưng sau đó vào thế kỷ thứ 6, họ chạm trán với vương quốc Champa, và bị
vương quốc Champa lấn dần về phía Nam(15).
Những di tích nầy vẫn còn được ghi lại trong một tấm bia đá của Phù Nam
tại vùng Võ Cạnh. Nội dung về nguồn gốc của vương quốc Phù nam được ghi
trên bia đá tại Võ Cạnh phù hợp với các cổ thư Trung Hoa như sau: “Một
vị hoàng thân Ấn Độ theo đạo Hồi, tên Kaundinya, sau khi cưới công chúa
Thủy tề là Thần Rắn 7 đầu tên Soma, liền phóng ngọn giáo xuống đất chọn
địa điểm dựng nước Phù Nam.” Như vậy, qua những chứng cứ khảo cổ, lãnh
thổ của vương quốc Phù Nam chạy dài từ Mã Lai, Thái Lan, Nam Miến Điện,
Cao Miên, Nam Lào và toàn thể vùng đất mà bây giờ là Nam Phần Việt
Nam(16). Đây là vùng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nền văn hóa Ấn Độ. Tuy
nhiên, điều trớ trêu là không có một tài liệu nào của Ấn Độ đề cập đến
vùng đất phía đông của Ấn Độ nầy. Mà ngược lại, tất cả những ghi chép
còn sót lại về vùng đất nầy đều nằm trong những thư tịch cổ của Trung
Hoa.
(Mời Xem Tiếp Phần 2 )
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
***
hay va de hieu
Trả lờiXóa