Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Quang Trung Đại Đế Phần Cuối


 VUA QUANG-TRUNG CẦU PHONG. 

Vua nhà Thanh nghe tin Tôn sĩ Nghị bại binh, nổi giận đùng đùng, lập tức giáng chỉ sai quan nội-các là Phúc khang An 福 康 安 ra thay Sĩ Nghị làm tổng-đốc Lưỡng Quảng, đem binh-mã chín tỉnh, sang kinh-lý việc An-nam.
Phúc khang An ra đến Quảng-tây nghe tiếng quân An-nam thế mạnh trong bụng đã sợ, có ý muốn hòa, bèn sai người đưa thư sang nói việc lợi-hại và bảo phải làm biểu tạ tội để cho yên việc binh-đao.
Vua Quang-trung bèn cho người đưa vàng bạc sang đút lót cho Khang An, rồi sai người cháu là Nguyễn quang Hiển 阮 光 顯 và quan là Vũ huy Tấn 武 輝 瑨 đem đồ cống-phẩm sang Yên-kinh vào chầu vua nhà Thanh và dâng biểu xin phong.
Bấy giờ quan ngoài thì có Phúc khang An đề đạt giúp đỡ, quan trong thì có các-thần là Hòa Thân 和 珅 làm chủ-trương, cho nên vua nhà Thanh mới thuận cho giảng-hòa. Hòa Thân được tiền-bạc của vua Quang-trung đút lót, rồi dùng lời nói khéo, điều gì cũng hợp ý vua nhà Thanh. Vua nhà Thanh bèn sai sứ sang phong cho vua Quang-trung làm An-nam quốc-vương, và lại giáng chỉ vời quốc-vương vào chầu.
Vua Quang-trung bèn chọn một người hình-dung giống mình, tên là Phạm công Trị 范 公 治 trá làm quốc-vương, rồi sai Ngô văn Sở, Đặng văn Chân, Phan huy Ích, Võ huy Tấn đưa sang Yên-kinh, vào chầu vua Càn-long. Ngoài những phẩm-vật phải đem cống, vua Quang-trung lại đem cống thêm đôi tượng đực, làm cho các cung-trạm ở dọc đường bên Tàu phải phục-dịch đưa đón thật là vất-vả. Quan Tổng-đốc Lưỡng Quảng là Phúc khang An 福 康 安 và quan Tuần-phủ Quảng-tây là Tôn vĩnh Thanh 孫 永 清 phải đưa Quốc-vương An-nam vào Kinh.
Sang đến Yên-kinh, vua Càn-long nhà Thanh tưởng là Nguyễn Quang-trung thật, vời đến chầu ở Nhiệt-hà, cho vào làm lễ ôm gối, như là tình cha con một nhà, và cho ăn yến với các thân-vương. Đến lúc về nước, vua lại sai thợ vẽ làm một bức ảnh truyền-thần để ban cho ân lễ thật là hậu.

 VUA CHIÊU-THỐNG NHÀ LÊ BỊ NHỤC BÊN TÀU. 

Vua Chiêu-thống theo Tôn sĩ Nghị vào thành Nam-ninh ở Quảng-tây, được ít lâu thì vua nhà Thanh sai các-thần là Phúc khang An ra thay Tôn sĩ Nghị. Khang An muốn giảng-hòa với Tây-sơn, bèn mời vua Chiêu-thống về Quế-lâm. Bấy giờ những quan cựu-thần nhà Lê là : Hoàng-thúc Lê duy Án 黎 維 桉, Đinh nhạ Hành 丁 迓 衡, Đinh lịnh Dận 丁 令 胤, Trần huy Lâm 陳 輝 林, Lê Doãn 黎 允, Lê Dĩnh 黎 潁, Phan khải Đức 潘 啟 德, Bế nguyễn Cung, Bế nguyễn Doãn 閉 阮 允, đều lục tục sang theo vua Chiêu-thống, vào ra mắt Khang An.
Khang An dùng Đinh nhạ Hành làm chức thủ-bị Toàn-châu, Phan khải Đức làm chức đô-tư Liễu-châu, còn thì tùy tiện an trí mỗi người một nơi. Duy chỉ có Lê duy Án, Trần huy Lâm, Lê Doãn, Lê Dĩnh về Quế-lâm theo vua nhà Lê.
Đến tháng tư năm kỷ-dậu ( 1789 ), vua tôi nhà Lê vào thành Quế-lâm, Khang An nói thác ra bảo với vua Chiêu-thống rằng : Trời đang mùa hè nắng nóng, sang đánh phương nam không tiện, nên để đến mùa thu mát-mẻ sẻ khởi binh. Vậy nhà vua nên gióng-giả dần bọn tướng-thuộc đi trước. Nhưng nhà vua hãy nên gọt đầu thay áo, làm như dáng người Tàu, để khi về nước, giặc không nhận được mặt. Việc hành binh phải nên biến trá, đợi khi thành công rồi lại theo tục nước mà ăn-mặc. Vua Chiêu-thống không ngờ là Khang An đánh lừa mình, bèn cùng với các quan cạo đầu gióc tóc và đổi y-phục.
Phúc Khang An bèn làm một tờ biểu tâu với vua nhà Thanh rằng : « Vua nước Nam là Lê duy Kỳ không có ý xin viện binh nữa, vua tôi hiện đã gióc tóc, thay áo, xin yên tâm ở lại nước Tàu, Vậy xin bãi binh đánh An-nam ». Ở trong lại có Hòa Thân tán-thành, bởi vậy vua nhà Thanh mới xuống chỉ bãi binh.
Vua nhà Thanh đã nghe lời bọn Phúc Khang An và Hòa Thân, và đã phong vương cho vua Quang-trung rồi, lại giáng chỉ triệu vua tôi nhà Lê về Yên-kinh.
Mùa xuân năm canh tuất ( 1790 ), vua Chiêu-thống cùng với các quan tòng vong vào kinh. Vua Càn-long để vua Chiêu-thống, bà Thái-hậu và Hoàng-tử ở ngõ Hồ-đồng, Tòa Quốc-tử-giám, cửa Tây-định ở Yên-kinh, ngoài cửa đề chữ « Tây An-nam dinh ». Còn các quan An-nam đi theo, thì cho ở ngõ Hồ-đồng, Dương-phố, cửa Đông-trực, ngoài cửa đề chữ : « Đông An-nam dinh ».
Vua Chiêu-thống đến Yên-kinh được mấy hôm, thì thấy quan Đô-thống Nhương-hoàng-kỳ là Kim Giản 鑲 黄 旗 都 統 金 簡, phụng chỉ vua nhà Thanh ra phong cho chức Tá-lĩnh 佐 領, và ban cho áo mão quan tam-phẩm. Còn các quan đi theo thì cấp cho mỗi người ba lạng bạc và một thạch gạo.
Vua Chiêu-thống giận vì người Tàu đánh lừa, bèn cùng với bề tôi là bọn Phạm như Tùng 范 如 松, Hoàng ích Hiểu 黄 益 曉, Lễ Hân 黎 昕, Nguyễn quốc Đống 阮 國 棟, Nguyễn viết Triệu 阮 曰 肇, Lê quí Thích 黎 貴 適, Nguyễn đình Miên 阮 廷 綿, Lê văn Trương 黎 文 張, Lê Tùng 黎 松, Lê Thức 黎 式 uống máu ăn thề, định sống chết thế nào thì cũng dâng biểu xin binh cứu viện. Nếu không cho thì xin đất hai tỉnh Tuyên-quang, Thái-nguyên để phụng thờ tông-tự ; mà không nữa, thì xin cho về nước vào đất Gia-định với chúa Nguyễn, để đồ việc khôi-phục.
Văn biểu làm xong, đến nói lót trước với Kim Giản 金 簡, Kim Giản không nghe, vua tôi nhà Lê phục xuống đất mà kêu khóc. Kim Giản bất-đắc-dĩ mời vào an-ủi, rồi nói rằng : hãy xin về quán nghỉ-ngơi, đợi để thương-lượng thế nào, sau sẽ cho biết.
Kim Giản bèn mưu với Hòa Thân phân trí vua tôi An-nam đi ở mỗi người một nơi, để cho khỏi kêu ca khó chịu.
Đến tháng tư năm tân-hợi ( 1791 ) Hoàng ích Hiểu phải đày sang I-lê (thuộc Hồi-bộ ở Tây-vực, phía Tây nước Tàu) ; Lê Hân đày đi Phụng-thiên ( Mãn Châu ) ; Phạm như Tùng đày lên Hắc-long-giang ( Mãn-châu ) ; Nguyễn-quốc-Đống đày đi Cát-lâm ( Mãn-châu ) ; Nguyễn viết Triệu, Lê quí Thích, Nguyễn đình Miên, Đàm thận Xưởng, Lê văn Trương đày ra bến Trương-gia ở Nhiệt-hà (thuộc tỉnh Trực-lệ). Chỉ để Phạm đình Thiện, Đinh nhạ Hành ở lại hầu hạ vua Lê.
Vua Chiêu-thống nghe chuyện ấy lo-lắng chua-xót, ruột nóng như lửa đốt, sáng hôm sau cưỡi ngựa đế nhà Kim Giản, để kêu oan cho mấy người phải đi đày, gặp Kim Giản vào chầu vua nhà Thanh ở vườn Viên-minh, vua Chiêu-thống đi vào cửa vườn, bị lính giữ vườn ngăn-cấm không cho đi. Bấy giờ có Nguyễn văn Quyên 阮 文 涓 đi theo hầu vua, thấy lũ lính vô lễ, mới nổi giận lên mà chửi mắng rằng : « Lũ chó Ngô kia sao chúng bay được làm nhục đến vua tao ! ». Rồi lấy gạch ném vào chúng nó. Chúng nó xúm nhau lại đánh Văn Quyên về thành bệnh mà chết.
Tự đó vua Chiêu-thống trong bụng buồn-bã rầu-rĩ, không dám nói đến việc xin binh nữa. Qua sang tháng năm năm nhâm-tí ( 1792 ) hoàng-tử lên đậu mất. Vua nhân dịp đó phải bệnh một ngày một nặng, đến tháng mười năm quí-sửu (1793 ) thì mất, thọ được 28 tuổi.
Vua nhà Thanh sai theo lễ tước công mà táng ở ngoài cửa Đông-trực.
Tháng 11 năm kỷ-mùi ( 1799 ) đời vua Gia-khánh thì bà Hoàng-thái-hậu mất.
Đến năm nhâm-tuất ( 1802 ) nhân khi bên Việt-nam ta vua Thế-tổ nhà Nguyễn đã thống-nhất cả nam bắc, và có sứ ta sang cầu phong, các quan nhà Lê mới nhân dịp dâng biểu xin đem ma Thái-hậu và Cố-quân về nước. Vua Gia-khánh nhà Thanh cho tất cả những người Việt-nam theo vua Lê sang Tàu về nước.
Sử chép rằng khi đào đất lên để cải táng mả Cố-quân, thì thấy da thịt đã tiêu cả, chỉ còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường. Ai trông thấy cũng động lòng thương xót. Dẫu chuyện đó thực hư thế nào mặc lòng, nhưng tưởng đến tình-cảnh vua Chiêu-thống lúc bấy giờ, thì ai cũng ái-ngại thay cho ông vua một nước, phải đày-đọa đến nỗi như thế, có thể làm được một bài bi kịch thảm-xót muôn đời. Tuy rằng tại vua tôi nhà Lê vụng tính cho nên bị người ta đánh lừa, nhưng cũng nên trách vua quan nhà Thanh xử tệ, bạc-đãi một ông vua vong quốc, đem thân đến nương-nhờ nước mình. Ấy cũng là một thời dã-man về đời áp-chế, khiến cho cái oan-khổ của người ta muôn đời về sau không tiêu thoát đi được.
Khi đem ma bà Thái-hậu và vua Chiêu-thống về đến Việt-nam thì bà Hoàng-phi trước phải ẩn nấp ở đất Kinh-bắc, nay lên đến Ải-quan đón rước, rồi về đến Thăng-long cũng nhịn ăn mà tự tử.
Ngày 24 tháng 11, rước ma Cố-quân, Thái-hậu, Hoàng-phi và Hoàng-tử về táng ở lăng Bàn-thạch ở Thanh-hóa.

 ĐỨC-ĐỘ VUA QUANG-TRUNG. 

Vua Quang-trung nhà Nguyễn Tây-sơn là ông vua anh-dũng, lấy võ-lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ-lượng, rất am-hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền-tài văn-học. Khi ngài ra lấy Bắc-hà, những người như Ngô thì Nhiệm 吳 時 任, Phan huy Ích 潘 輝 益 đều được trọng dụng và nhất là đối với một người xử-sĩ như Nguyễn Thiệp thì thật là khác thường.
Ông Nguyễn Thiệp 阮 浹, tự là Khải-chuyên 啟 顓, hiệu là Nguyệt-úc 月 澳, biệt hiệu là Hạnh-am 幸 庵. Ông làm nhà ở Lục-niên thành 六 年 城, thuộc huyện La-sơn, tỉnh Hà-tĩnh bây giờ, cho nên người ta gọi là Lục-niên tiên-sinh hay là La-sơn phu-tử. Vua Quang-trung từ khi đem quân ra đánh Bắc-hà, biết tiếng Nguyễn Thiệp, đã mấy lần cho người đem lễ-vật mời ông ra giúp, ông không nhận lễ và cũng từ chối không ra. Đến khi ngài đã đăng cực, lại mấy lần cho người đến mời ông, ông có đến bái-yết và khuyên vua nên lấy nhân-nghĩa mà trị dân trị nước, rồi lại xin về. Vua Quang-trung tuy không dùng được ông, nhưng bao giờ cũng tôn kính ông như bậc thầy, và việc chính-trị trong nước thường theo ý-nghĩa của ông đã trình-bày.

 CHÍNH-TRỊ CỦA VUA QUANG-TRUNG. 

Vua Quang-trung tuy đã thụ-phong nhà Thanh, nhưng vẫn tự xử theo cách Hoàng-đế, lập bà Ngọc-Hân con vua Hiển-tông nhà Lê làm Bắc-cung Hoàng-hậu, lập con là Quang Toản 光 纘 làm Thái-tử. Lại lấy thành Nghệ-an là đất giữa nước và lại là đất tổ khi xưa ở đó, mới sai thợ-thuyền tải-vận đá, gỗ, gạch, ngói, sửa-sang đền-đài cung-điện, và sai quân các đạo đào lấy đá ong để xây nội thành, gọi là Phượng-hoàng trung-đô 鳳 凰 中 都. Cải thành Thăng-long là Bắc-thành 北 城, chia đất Sơn-nam ra làm hai trấn, gọi là Sơn-nam thượng, Sơn-nam hạ.
Mỗi trấn đặt quan Trấn-thủ 鎮 守 và quan Hiệp-trấn 協 鎮. Mỗi huyện, văn thì đặt chức phân-tri 分 知 để xét việc kiện cáo, võ thì đặt chức phân-suất 分 率 để coi việc binh-lương.
.....

VIỆC ĐỊNH ĐÁNH TÀU. 

 Trước vua Quang-trung cầu hòa với nước Tàu và chịu phong là cốt để đợi ngày có đủ sức mà đánh báo thù, cho nên từ khi trong nước đã dẹp yên rồi, ngày đêm trù-tính việc đánh Tàu. Đình thần ai cũng bàn nên xét số dân đinh cho đích-thực để kén lấy lính. Vua bèn xuống lệnh cho các trấn bắt dân xã làm lại sổ đinh, ai ai cũng phải biên vào sổ, rồi cấp cho mỗi người một cái thẻ bài, khắc bốn chữ Thiên-hạ đại tín 天 下 大 信, chung quanh ghi tên họ quê quán, và phải điểm chỉ làm tin. Người nào cũng phải đeo thẻ ấy gọi là tín bài 信 牌. Ai không có thẻ là dân lậu, bắt sung vào quân phòng, và bắt tội tổng-trưởng, xã-trưởng. Nhân có việc ấy, những kẻ lại-dịch hiệp với xã-trưởng đi lại làm bậy : thường vào làng vây bắt hỏi thẻ, làm cho dân-gian nhiễu-động, nhiều người phải trốn vào rừng mà ở.
Sổ đinh làm xong rồi cứ ba tên đinh kén lấy một người lính.
Quân thì chia ra làm đạo, cơ, đội. Đạo thì thống các cơ, cơ thì thống các đội. Cơ đội nào theo về cơ đội ấy, bắt phải diễn tập luôn luôn.
Bấy giờ ở bên Tàu có những giặc Tàu-ô, quấy-nhiễu ở miền bể bị quân nhà Thanh đánh đuổi, chạy sang xin phụ thuộc nước ta, vua Quang-trung cho người tướng Tàu-ô làm chức tổng-binh, sai sang quấy-nhiễu ở mặt bể nước Tàu. Lại có người thuộc về đảng Thiên-địa-hội 天 地 會 làm giặc ở Tứ-xuyên, vua cũng thu-dùng cho làm tướng.
Công-việc xếp-đặt đâu vào đấy rồi, đến năm nhâm-tí ( 1792 ) vua Quang-trung sai sứ sang Tàu, xin cầu hôn và xin trả lại cho Việt-nam đất Lưỡng Quảng. Việc ấy tuy không phải là bản-ý, nhưng muốn mượn chuyện để thử ý vua nhà Thanh. Không ngờ vua Quang-trung phải bệnh mất, các quan dìm việc cầu hôn và việc xin trả đất đi, không cho Thanh-triều biết.

VUA QUANG-TRUNG MẤT. 

Vua Quang-trung mất năm nhâm-tí ( 1792 ), làm vua được 4 năm, thọ được 40 tuổi, miếu-hiệu là Thái-tổ Võ-hoàng-đế 太 祖 武 皇 帝.
Triều-thần bấy giờ là Bùi đắc Tuyên 裴 得 宣, Trần quang Diệu 陳 光 耀[11], Vũ văn Dũng 武 文 勇 lập thái-tử là Nguyễn quang Toản lên nối ngôi làm vua, rồi sai sứ sang Tàu dâng biểu cáo tang và cầu phong. Trong biểu nói dối rằng khi vua Quang-trung mất có dặn lại rằng phải đem chôn ở Tây-hồ gần Bắc-thành, để tỏ cái bụng quyến-luyến trông về Thiên-triều. Vua nhà Thanh xem biểu tưởng là thật, khen là trung, đặt tên thụy cho là Trung-thuần 忠 純 , lai ngự chế một bài thơ sang viếng, sai quan Án-sát Quảng-tây là Thành Lâm sang tế, và phong cho Quang Toản làm An-nam quốc-vương. Trong bài văn-tế có câu rằng:

Chầu ngôi Nam cực, Lòng trung-nghĩa hết đạo thờ vua. 
Chôn đất Tây-hồ, Nghĩa thần-tử vẫn còn mến chúa. 
----

Trích "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trong Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét