Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Truyện Kiều Và Ca Dao

 
Kiều là một tuyệt tác được lưu truyền rộng rãi khắp nước ta, không chỉ được các nhà nghiên cứu hay học giả ca ngợi; mà Truyện kiều còn đi sâu vào tâm hồn của giới bình dân. Chính vì thế mà giữa Truyện Kiều và Ca Dao có sự ràng buộc, sự tương thông hiếm thấy trong các tác phẩm Thi ca của Việt Nam.
Khi đọc Kiều, chúng ta thấy có rất nhiều câu ca dao, cũng như trong ca dao có rất nhiều câu đề cập đến các nhân vật trong Kiều.

1- Nhân Vật Truyện Kiều Trong Ca dao
Những nhân vật vật trong truyện Kiều, đã được dùng làm đối tượng so sánh trong ca dao.

Gặp gỡ, tỏ tình:
                                 Con cá trừng Đông Ngô 
                                   Lâu Hớn mới gặp Hồ
                         Tỷ như Kim Trọng gặp cô Thúy Kiều


            Bạc với vàng còn đeo còn đỏ
       Đôi đứa mình còn nhớ thương nhiều
                      Nghe tiếng em,
Anh muốn như Kim Trọng Thúy Kiều thuở xưa

                                  Bây giờ tôi mới gặp tình
                       Khác gì Kim Trọng, thanh minh gặp Kiều

       Lòng dặn lòng ai đổ đừng xiêu
Ví như Kim Trọng Thúy Kiều thuở xưa.

                           Sông Tiền Đường cá lội giao đuôi,
                Kiều thương Kim Trọng giả như tui thương mình.

Chia ly:
                              Sen xa hồ, sen khô sen cạn
                        Liễu xa đàng liễu ngã liễu nghiêng .
                            Anh xa em như bến xa thuyền
         Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi

                             Dứt tình kẻ ở người đi 
                 Cũng như Kim Trọng biệt ly Thúy Kiều.

So sánh tình yêu:
                                    Chỗ anh thương ít
                                   Sao anh xít ra nhiều
                                  Anh hổng coi Từ Hải
                           Thương nàng Kiều mấy năm?

Chê người bội bạc:
                          Tui ra chợ mua đường thốt nốt
                       Tui mua cân bột cùng gói đậu xanh
                   Tui về nấu chè trôi nước đặt lại tên anh
                           Để cho trong trào ngoài quận
                    Biết tiếng thằng Sở Khanh điếm đàng

Chồng muốn có vợ hai
                       Anh mà bắt chước Thúc Sinh,
             Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư!"

2- Ca Dao trong Truyện Kiều

Trong Kiều, cụ Nguyễn sử dụng khá nhiều ca dao, hoặc sửa đổi chút ít. 

- Kiều : Phần  mở đầu
Câu 3              Trải qua một cuộc bể dâu
           Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Ca dao: 
                       Trải qua một cuộc bể dâu
                Nào người đế bá, công hầu là ai?

- Kiều : Trong dịp Thanh Minh, Kiều đã khóc, thương cho kiếp số Đạm Tiên:
Câu 85 -         Phủ phàng chi bấy hoá công
             Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
Ca dao:
               Con cò lặn lội bờ sông 
  Ngày xuân mòn mỏi má hồng phôi pha.
             Em về giục mẹ cùng cha
 Chợ trưa, dưa héo nghĩ mà buồn tênh.

- Kiều: Sau khi gặp Kiều; về nhà, Kim Trọng tơ tưởng
247 -        Sầu đông càng lắc càng đầy
           Ba thu dồn lại một ngày dài ghê
Ca dao:      
                     Sầu đông càng khắc càng chầy,
                   Ba thu luận lại một ngày dài ghê.
  
  259 -    Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người,
              Nhớ nơi kỳ ngộ chẳng rời chân đi
Ca dao:  
               Ai về Quảng Cái sang sông
     Viếng chùa Non Nước tiên bồng bạn ơi
        Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
         Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân vô

- Kiều: Kiều và Kim mơ kết nghĩa trăm năm
453 -           Chén hà sánh giọng quỳnh tương
               Dải là hương lộn bình gương bóng lồng
Ca Dao
              Chén ngà sánh giọng quỳnh tương
         Mời chàng nho sĩ văn chương bước vào

- Kiều: Kiều bị bán vào lầu xanh, toan tự tử, Tú Bà hết lời khuyên 
1011 :               Người còn thì của hãy còn
                  Tìm nơi xứng đáng là con cái nhà
Ca dao:
                      Người còn thì của cũng còn
            Miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi

Kiều: Thúc Sinh (Thúc Kỳ Tâm) năn nỉ Thúc Ông cho Kiều tiếp tục chung sống với mình, nhưng Thúc Ông không đồng ý
1397:            Trót vì tay đã nhúng chàm
              Dại rồi còn biết khôn làm sao đây
Ca dao
                    Lỡ tay trót đã nhúng chàm
             Dại rồi mới biết khôn làm sao đây!

Kiều:  Kiều tiễn Thúc Sinh về nhà
1525            Vầng trăng ai xẻ làm đôi
            Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường

Ca dao
                     Vừng trăng ai xẻ làm đôi
           Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường

Kiều : Hoạn Thư dùng thuốc mê bắt Kiều về làm nô tỳ, Kiều không chịu bị đánh đập tàn nhẫn. Bà quản gia thấy thương tình khuyên nhủ.
1755 -          Ở đây tai vách mạch rừng,
           Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi
Ca dao
                    Ở đây tai vách mạch rừng
        Người trong chưa rõ người ngoài đã hay.

Kiều : Hoạn Thư đưa Kiều vào Quan Âm Các chép kinh, Thúc Sinh khuyên Kiều nên trốn  để tránh Hoạn Thư hành hạ.
2019 -          Phận bèo bao quản nước sa,
            Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
Ca dao
                   Phận bèo bao quản nước sa,
            Linh đinh đâu nữa cũng là linh đinh.

Kiều: Kiều gặp Giác Duyên, được Giác Duyên gởi cho một phật tử là Bạc Bà, Bị bà ép lấy cháu là Bạc Hạnh và bán vào lầu xanh.
2117 -         Thiếp như con én lạc đàn,
            Phải cung rày đã sợ làn cây cong.
Ca dao
                   Thiếp như con én lạc đàn,
         Thấy cung mà sợ phải phàn mấy cung.

Kiều : Cụ Nguyễn nêu lên cái nhìn của mình trong cuộc sống của con người  nơi phần cuối của truyện Kiều
3247 -            Có tài mà cậy chi tài,
             Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Ca dao
                 Khen ai sao khéo đặt bày,
           Chữ tài liền với chữ tai một vần.

...và còn rất nhiều, nhưng với hiểu biết còn nông cạn, nên chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số ít ra đây.

Qua những thí dụ trên, chúng ta thấy rất rõ giữa Ca dao và truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du  ảnh hưởng và giao hoà với nhau thật tuyệt diệu. 
Một số người cho rằng những câu ca dao này có nguồn gốc từ truyện Kiều, nhưng cũng có quan điểm cụ Nguyễn đã mượn trong Ca Dao đưa vào tác phẩm của mình.
Chúng ta đều biết, Nguyễn Du  được sinh và lớn lên trong gia đình khoa bảng, Nho học. Ông đã học chữ Hán từ thuở nhỏ theo truyền thống của gia đình. Vì thế cái học chính của ông là Hán học. Về thơ Lục bát, có thể ông tìm hiểu và học hỏi từ Ca dao trong giới bình dân. Vì thế trong Truyện Kiều, chúng ta thấy có rất nhiều câu ca dao hay gần giống với Ca Dao.
Ai đúng ai sai không quan trọng, điều quan trọng là chính sự tương quan rất sâu sắc với ca dao; mà truyện Kiều ngày càng đi sâu vào giới bình dân, biến Kiều trở thành một tác phẩm đại chúng.

Huỳnh Hữu Đức

....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét