▼
Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014
Điển Hay Tích Lạ Phần 4
Đông Sàng với Thiếp Lan Đình
Đời nhà Tấn (265-419) có quan Thái Úy tên Khước Giám muốn chọn một người rể hiền, mới cho người đến trường của Vương Đạo xem trong đám học sinh, có người nào xứng đáng không.
Lúc người nhà trở về, Khước Giám hỏi thì người ấy đáp:
- Học sinh giỏi thì đông, người nào nghe việc kén rể cũng sửa soạn áo quần bảnh bao, ganh đua nhau, ra dáng nề nếp; chỉ có một người không để ý đến, trật áo, tréo chân nằm ở giường phía đông.
Khước Giám bảo:
- Người ấy mới thật đáng rể ta.
Đoạn chọn làm rể. Người đó là Vương Hy Chi, sau làm quan đến chức Hữu quân, có tài viết chữ đẹp hơn cả thiên hạ.
"Đông sàng" là giường phía đông, chỉ người rể quý, "rể đông sàng".
Trong "Nhị độ mai" có câu:
"Có Tây Tử Đô, thiếu đông sàng nào" là do điển tích trên.
Vương Hy Chi, tự Dật Thiếu. Vì làm quan đến chức Hữu quân nên thường gọi là Vương Hữu Quân.
Tương truyền Vương tập viết chữ bên bờ ao, sau nước ao đen ngòm những mực.
Lối chữ "Khải" của Vương được người đời cho là lối chữ đẹp nhất từ xưa đến nay.
Người đời thường khen bút thế của Vương "lướt như mây bay, mạnh như rắn lộn". Trong các bản bút thiếp của Vương để lại có bản "Lan Đình tập tự" viết ngày 3 tháng 3 năm Vĩnh Hòa thứ 9 đời nhà Tấn (337) được hậu thế quý trọng, cho làm mẫu mực để tập theo. Những bản "Lan Đình tập tự" có lưu hành nhưng có lẽ đó là những bản phỏng theo. Bản chính đã thất lạc từ sau đời nhà Đường (618-907).
Ngày nay, trong các lối chữ Hán có lối chữ "Lan Đình"; đó tức là lối chữ phỏng theo chữ viết của Vương Hy Chi trong "Lan đình tập tự".
Trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du, đoạn nói về Kiều bị Hoạn Thư cho ra tu ở Quán Âm các để chép kinh, Hoạn Thư khen chữ viết của Kiều, có câu:
Khen rằng: "Bút pháp đã tinh
So vào với thiếp Lan Đình nào thua!
Ý nói chữ viết tốt ngang với chữ của Vương Hy Chi.
Trường Tương Tư
Đời Hậu Chu, thời Ngũ Quý (905-955), ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có nàng Ý Nương, con gái của Lương công. Nàng có sắc đẹp lại hay chữ. Ở trọ nhà có chàng Lý Sinh, một hàn sĩ mỹ mạo tuấn tú.
Nhân một đêm Trung Thu, Ý Nương thưởng trăng bỗng gặp Lý Sinh. Trai tài gái sắc gặp nhau, trao đổi tâm tình. Từ đó cả hai thường tìm cách lui tới.
Lương công biết được, tức giận đuổi Lý Sinh đi. Ý Nương lấy làm đau đớn, từ đó sinh ra bịnh tương tư triền miên, mới làm bài khúc "Trường tương tư" mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu biết. Trong bài có những câu rất lâm ly ai oán:
Người ta bảo sông Tương rất sâu,
Nhưng chưa bằng nguồn tương tư
Sông sâu còn có đáy,
Tương tư không bờ bến.
Thiếp ở đầu sông Tương,
Chàng ở cuối sông Tương.
Tương tư không gặp mặt,
Cùng uống nước sông Tương.
Hồn mơ bay chẳng tới
Chỉ thiếu một điều chết.
Ta vào cửa tương tư,
Mới biết tương tư đau khổ!
Nguyên văn:
Nhân đạo Tương Giang thâm,
Vị để tương tư bán.
Giang thâm chung hữu để;
Tương tư vô biên ngạn.
Ngã tại Tương Giang đầu,
Quân tại Tương Giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương Giang Thuỷ
Mộng hồn phi bất đáo,
Sở khiếm duy nhất tử.
Nhập ngã tương tư môn,
Tri ngã tương tư khổ!
Lý Sinh tiếp được, đọc xong, cảm xót vô cùng, đầm đìa nước mắt. Chàng chạy nhờ mai mối đến năn nỉ với Lương ông, kể lể mối tình đầu, xin hỏi nàng làm vợ. Ông trước còn dùng dằng, sau đọc được khúc "Trường tương tư" của con, lấy làm cảm động nên đành vui lòng cho Sinh thành mối lương duyên.
Trong "Đoạn trường tân thanh" có câu:
Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.
Và trong "Chinh phụ ngâm", bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm cũng có câu:
Chốn Hàm Dương, chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương, thiếp hãy trông sang...
Giảo Thố Tam Quật
"Giảo thố tam quật" nghĩa là "con thỏ khôn có ba ngách hang". Ý nói: thỏ có ba ngách hang để tránh cho khỏi bị chết; cũng như con người phải có trí mưu tự tồn.
Câu này là do Phùng Huyên bày kế cho Mạnh Thường Quân.
Sách cổ văn có chép:
Phùng Huyên người nước Tề, đời Chiến Quốc (470-221 trước D.L.) làm thực khách ở cửa Mạnh Thường Quân là Tướng quốc nước Tề. Một hôm, Mạnh Thường Quân đưa sổ bộ ra hỏi các thực khách xem có người nào biết về việc kế toán, nhờ qua đất Tiết, là phong ấp của Thường Quân, để thu các mối nợ, thì xin ký tên vào sổ. Phùng Huyên nhận sổ ký tên. Thường Quân lấy làm lạ hỏi tên họ người ký là ai? Kẻ tả hữu đáp:
- Đó là người thường ca câu "trường hiệp quy lai".
"Trường hiệp" là cán gươm dài, "quy lai" là đi về. Nguyên trước khi ấy, họ Phùng có ba lần ca. Lần thứ nhất là:
"Ở đây không có cá, nên mang gươm dài đi về".
Lần thứ hai ca:
"Ở đây không có xe, nên mang gươm dài đi về".
Lần thứ ba ca:
"Ở đây không có nhà cho cha mẹ ở, nên mang gươm dài đi về".
Họ Mạnh cười, ân hận lỗi mình đã bạc đãi họ Phùng, nên cho người mời Phùng đến tạ:
- Văn này chìm đắm trong công việc quốc gia rất mỏi mệt, lòng lo rối loạn mà tính lại ngu đần, không rảnh gặp mặt, xin tạ tội cùng tiên sinh. Tiên sinh đã không lấy làm hổ thẹn, nay lại có ý muốn vì tôi đi thu nợ ở đất Tiết chăng?
Phùng thưa:
- Huyên nguyện đi.
Khi ra đi, họ Phùng hỏi: thu nợ xong rồi có cần mua vật gì? Mạnh bảo: xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về.
Phùng Huyên đến đất Tiết, cho người thuộc lại mời tất cả những người thiếu nợ đến đông đủ, rồi truyền rằng Mạnh Tướng quốc ra lịnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và, để cho mọi người tin tưởng, Phùng đem đốt hết những văn khế nợ. Dân đất Tiết vui mừng, tung hô vạn tuế.
Khi họ Phùng trở về, Thường Quân lấy làm lạ cho là đòi nợ cách gì mà mau chóng thế, mới hỏi:
- Thu nợ xong phải không?
- Thu xong cả.
- Có mua gì về không?
- Khi đi, Tướng công có bảo: nên mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ trong bụng
Tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa, nhà sau la liệt những mỹ nhân, vậy vật mà Tướng công còn thiếu, chưa có là điều Nghĩa, nên tôi trộm lịnh mua điều Nghĩa đem về.
Thường Quân ngạc nhiên hỏi:
- Mua điều nghĩa thế nào?
Họ Phùng đáp:
- Tướng công nguyên trước được phong cho thực ấp ở đất Tiết là đất nhỏ mọn, mà không lo vỗ về thương yêu dân, lại còn mưu toan làm lợi. Vì vậy, tôi trộm lịnh xóa cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy cả văn khế, được dân chúng vui mừng tung hô vạn tuế. Ấy là tôi vì Tướng công mua được điều nghĩa vậy.
Thường Quân nghe nói không bằng lòng, nhưng phải bỏ qua.
Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm Tướng quốc nữa, phải về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tính đất Tiết, trai gái già trẻ đua nhau đến đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy, Mạnh quay lại Phùng Huyên mà bảo rằng:
- Tiên sinh vì Văn này mua điều nghĩa, ngày nay Văn mới trông thấy.
Phùng thưa:
- "Con thỏ khôn có ba cái ngách hang mới khỏi chết", nay Tướng công mới có một ngách hang, chưa được dựa gối nằm yên, tôi xin vì Tướng công đào thêm hai ngách nữa.
Mạnh nghe nói, liền ban 50 cỗ xe và 50 cân vàng để họ Phùng hoạt động. Họ Phùng liền tây du nước Lương, bảo vua Huệ Vương nước Lương rằng:
- Được người hiền thì nước mạnh, bỏ người hiền thì nước yếu. Nước Tề nay bỏ Mạnh Thường Quân, nếu Lương dùng làm tướng thì Mạnh Thường Quân sẽ đem những việc khả dĩ làm lợi cho Tề được mà làm lợi cho Lương. Như vậy, Lương sẽ hùng mạnh mà Tề nguy mất.
Lương Huệ Vương bằng lòng khiến sứ giả dem 1000 cân vàng và 100 cỗ xe qua mời Thường Quân. Giữa lúc ấy, Phùng lại sang Tề, vào yết kiến Tề Mân Vương bảo:
- Được người hiền thì nước mạnh, bỏ người hiền thì nước yếu. Nay Tề bỏ Mạnh Thường Quân, nếu nước Lương hay một nước nào khác dùng làm tướng thì Mạnh Thường Quân sẽ đem những việc khả dĩ làm lợi được cho Tề mà làm lợi cho nước khác. Như vậy, nước khác sẽ hùng mạnh. Huống chi Mạnh trước kia ở Tề, những việc bí mật của Tề, Mạnh đều hiểu biết, như vậy dù muốn dù không Mạnh cũng dựa theo đó mà làm nguy Tề.
Mân Vương ngoài miệng tuy khen phải nhưng lòng còn do dự. Bỗng có quân báo nước Lương đương cho xe ngựa đi rước Mạnh Thường Quân về làm Tướng quốc, nên lập tức sai quan Thái Phó đem 1000 cân vàng và văn xa tứ mã (xe có vẽ vời và gác 4 ngựa) cùng một bảo kiếm, một phong thư đến xin lỗi Thường Quân và xin mời về làm tướng như cũ.
Sau khi vua Tề tái dụng Thường Quân, Phùng Huyên lại khuyên Mạnh nên thỉnh cầu cho đủ những đồ tế khí của tiên vương và xin lập nhà tôn miếu ở đất Tiết. Vì Mạnh vốn là dòng dõi của vua Uy Vương nước Tề, xong lập tôn miếu ở đất Tiết để thờ tiên vương làm căn bản vững vàng, sau này nước Tề chẳng những không dám đoạt đất Tiết, mà phải cứu trợ một khi đất Tiết bị nước khác xâm lăng.
Vua Tề không hiểu được mẹo của Phùng Huyên nên bằng lòng cho Mạnh thiết lập tôn miếu ở đất Tiết. Khi ấy họ Phùng bảo Mạnh:
- Ngày nay ba ngách hang đã đào xong, Tướng công có thể dựa gối cao mà nằm được yên vậy.
Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc hơn vài mươi năm, không xảy ra chút mảy tai họa gì là nhờ mưu kế "Giảo thố tam quật" của Phùng Huyên.
"Ba ngách hang" của Phùng Huyên là: mua nghĩa, lập kế cho vua Tề tái dụng làm tướng, lập tôn miếu ở đất Tiết.
Thành ngữ "Giảo thố tam quật" chỉ con người cần phải có trí mưu để tạo nhiều điều kiện, nhiều phương tiện mới tự tồn được.
Đổi Mỹ Nhân Lấy Ngựa
Tô Đông Pha là một thi hào danh tiếng đời nhà Tống (950-1275). Ông có một cô hầu tuyệt đẹp tên Xuân Nương. Vì bất đồng ý kiến với Tể tướng Vương An Thạch nên bị nhà vua trích đi Hoàng Châu.
Lúc sắp lên đường, có người bạn làm chức quan Vận sứ họ Tưởng đến nhà Tô chơi để tiễn biệt.
Tô Đông Pha bảo Xuân Nương ra mời khách uống vài chén rượu, cảm khái biệt ly. Thấy Xuân Nương đẹp như tiên nga, họ Tưởng giựt mình hỏi:
- Cô bé này có đi theo bác không?
Tô bảo là Xuân Nương không muốn đi theo vì đường sá xa xôi khó nhọc nên xin trở về nhà nàng. Nhân đó, họ Tưởng nói:
- Vậy thì bác cho phép tôi đem con ngựa bạch tuyệt hay để đổi lấy cô Xuân được không?
Đông Pha ưng chịu.
Họ Tưởng lấy làm khoan khoái vô cùng, liền ứng khẩu làm bài thơ tứ tuyệt:
Tiếc gì con ngựa đẹp như mây,
Ơn bác cho tôi đổi gái này,
Giờ mất nhạt vàng rung bóng nguyệt,
Nhưng thêm má phấn bạn làng say.
Nguyên văn:
Bất tích sương mao võ tuyết đề,
Đẳng nhân phân phó tặng nga mi.
Tuy vô kim nặc tê minh nguyệt,
Khước hữu giai nhân bỗng ngọc bì.
Tô Đông Pha cũng ứng khẩu đáp lại:
Cô Xuân đi vậy cũng xa xăm,
Dầu chẳng kêu ca chớ giận ngầm.
Vì nỗi non sông nhiều hiểm trở,
Đổi người lấy ngựa phải đành tâm.
Nguyên văn:
Xuân Nương thử khứ thái thông thông,
Bất cảm đề thanh tại hận trung.
Chỉ vị sơn hành đa hiểm trở,
Cố tương hồng phấn hoán truy phong.
Xuân Nương nghe hai người đối đáp nhau và có một hành động khinh thường nàng như thế nên bực tức, đĩnh đạc nói:
- Tôi nghe ngày xưa vua Tề Cảnh Công muốn chém tên giữ chuồng ngựa mà Yến Tử cản ngăn. Chuồng ngựa nhà mình cháy, Khổng Phu Tử chỉ hỏi thăm có ai chết không, chớ không hỏi ngựa chết mất còn. Ấy là người ta quý người khinh vật. Nay học sĩ đem người đổi lấy ngựa, thì ra quý vật mà khinh người.
Đoạn, Xuân Nương cũng ứng khẩu làm một bài thơ:
Chém cha cái kiếp của đàn bà,
Khổ sướng trăm bề há bởi ta.
Giờ mới biết người thua giống vậy,
Sống làm chi nữa trách ai mà.
Nguyên văn:
Vi nhân mạc tác vị nhân thân,
Bá ban khổ lạc do tha nhân.
Kim nhật thủy tri nhân tiện súc,
Thử sinh cẩn hoạt oán thùy sân.
Đọc xong, nàng vội lao mình ra sân đập đầu vào cây mà chết.
Thấy thân xác nàng quằn quại trên vũng máu đào bên cội cây, cả hai vô cùng hối hận, nhìn nhau ngậm ngùi, nhỏ lệ.
Nhưng đã muộn rồi.
Trường Môn Phú
Tư Mã Tương Như tự Tràng Khanh, người đất Thục đời Tiền Hán (206 trước D.L.-8 sau D.L.), rất đa tài, văn hay, đàn giỏi.
Ông nổi tiếng nhất về phú.
Nguyên Trần hoàng hậu bị vua Hán Vũ đế ghét bỏ đày ra Trường Môn. Sống lẻ loi trong thâm cung, nàng lấy làm đau đớn cho thân phận. Không biết làm thế nào tỏ hết nỗi lòng để mong nhà vua hồi tâm xe lại mối tơ duyên. Nghe Tư Mã Tương Như có văn tài, nàng nhờ người đem 100 lượng vàng đến, yêu cầu Tương Như viết một bài phú để dâng vua.
Tương Như bằng lòng.
Bài phú nhan đề là "Trường Môn phú", rất hay, lời lẽ vô cùng ai oán. Bài ấy có đoạn:
Sầu nhìn chung quanh mà rỏ lệ chừ, nước mắt ròng ròng chảy dọc ngang.
Ráng thở dài mà thêm thẹn chừ, xỏ giày đứng dậy mà bàng hoàng.
Vung tay áo để che mặt chừ, nhớ ngày xưa lầm lỗi mà sinh tai ương.
Mặt mày coi tiều tụy chừ, buồn lòng mà lên giường.
Vò bông để làm gối chừ, trải cỏ thơm mà ướp hương. Hốt ngủ quên mà nằm mộng chừ, phách như ở bên quân vương.
Chợt tỉnh mà chẳng thấy chừ, hồn hốt hoảng như mất vật gì.
Nghe gà gáy mà lòng rầu chừ, dậy coi trăng sáng long lanh.
Xem sao bầy hàng chừ, Tất, Mão hiện ở phương đông.
Nhìn ra sân lạnh lẽo chừ, như tháng chín trời gieo sương.
Đêm dằng dặc như năm chừ, lòng uất ức mà chẳng nguôi.
Lặng lẽ trăn trở đợi sáng chừ, trời hừng hừng đã rạng đông.
Thiếp trộm buồn tủi chừ, cho đến già chẳng dám quên.
Nguyên văn:
Tả hữu bi nhi thùy lệ hề, thế lưu ly nhi tung hoành.
Thư tức ấp nhi tăng hi hề, đồ lý khởi nhi bàng hoàng.
Du trường duệ dĩ tự ế hề, sổ tích nhật chi thiên ương.
Vô diện mục chi khả hiển hề, toại đồi tứ nhi tựu sàng,
Đoàn phân nhược dĩ vi chẩm hề, tịch thuyên lan nhi chi hương.
Hốt tẩm mị nhi mộng tưởng hề, phách nhược quân chi tại bàng.
Dịch ngộ giác nhi vô kiến hề, hồn cuống cuồng nhược hữu vong.
Chúng kê minh nhi sầu dư hề, khỏi thị nguyệt chi tinh quang.
Quan chúng tinh chi hàng liệt hề, tất mão xuất ư đông phương.
Vọng trung đình chi ái ái hề, nhược quí thu chi giáng sương,
Dạ mạn mạn nhước tuế hề, hoài uất uất kỳ bất khả tài canh.
Đạm uyển kiển nhi đãi thự hề, khương đình đình nhi phục minh.
Thiếp nhân thiết tự bi hề, cứu niên tuế nhi bất khả cảm vương.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Xem qua bài phú, nhà vua cảm động, nghĩ ngợi, xót thương nên đem nàng về phục ngôi hoàng hậu.
Giá trị thay bài phú!
Nhưng bài phú chỉ giá 100 lượng vàng. Một trăm lượng vàng mua lại được lòng yêu dấu của đấng quân vương.
Trong "Nhị độ mai" của Vô Danh có câu: "Phú Tương Như dễ mấy vàng chuốc nên", là do điển tích trên.
Trúc Mai
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả lúc nàng Kiều bán mình chuộc cha, đành lỗi ước với Kim Trọng, nàng than thở có câu:
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Và, đoạn diễn tả cảnh của Kiều lúc sống đầm ấm với Thúc Sinh:
Một nhà xum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông.
"Trúc mai" là cây trúc và cây bương.
Trúc thuộc một loại tre nhỏ. Bương là một giống tre to ở rừng. Lá to có thể dùng gói bánh. Thân to dùng làm cột nhà. Cây bương già có hoa, gần giống bông lau nhưng dài hơn, người ta gọi là bông mai, thường bó làm chổi, gọi là chổi bông mai. Mai này không phải cây mơ, nở hoa trắng về mùa xuân.
Măng bương to và mập, người ta gọi là măng mai. Trong ca dao "Lính thú ngày xưa" có câu:
Miệng ăn măng trúc măng mai,
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng.
"Trúc mai" ở đây chỉ người bạn tình chung thủy. Vì trúc và mai là giống cây có đốt thẳng lóng ngay (tiết thẳng); và suốt đời không thay đổi đốt, lóng ấỵ Người ta mượn "trúc mai" để chỉ người bạn suốt đời \giữ được trọn tiết (tiết nghĩa đen là đốt, như đốt trúc), không thay lòng đổi dạ, không nghĩ quanh co (tre bao giờ cũng thẳng) tức là người giữ trọn được lời thề.
Hai người thề bồi với nhau, người này không giữ được lời thề, tức là mang nợ (lời thề) với người kia.
Và, theo thuyết luân hồi của đạo Phật: người mắc nợ kiếp này thì kiếp sau phải làm trâu ngựa để trả cái nợ cho người chủ nợ, như thế là tức là người giữ trọn lời thề.
Hình dung bằng cây trúc, cây mai là những người trọn đời giữ vững lòng ngay tiết thẳng.
Nhưng "Trúc mai" còn có một nghĩa khác hơn.
Đây không phải là cây tre và cây mơ (bamboo et abricotier), cũng không phải là cây tre và cây bương.
Mà chính do tiếng "Mai trúc" đảo ngược. Nghĩa là Tre làm mai mối.
"Mai trúc" do điển tích chép trong sách "Lưỡng ban thu vũ am tùy bút":
Ở cửa sông Liêu Khê, huyện Long Môn, tỉnh Quảng Đông có một cái đầm (hồ), tên là "Đỗ Phụ đàm" (nghĩa là đầm đánh đố được vợ).
Tương truyền ngày xưa có một cậu và một cô bé trạc tuổi nhau, thường ngồi chơi bên mé đầm. Hai trẻ rất thân. Một hôm cả hai bảo nhau:
- Chúng ta bây giờ chơi thân nhau nhưng không biết có được thân với nhau mãi chăng? Đây rồi khi lớn lên, kẻ nơi người ngả.
Hai trẻ đều buồn. Nhưng rồi lại nghĩ ra một cách đánh đố nhau, chẻ một lóng tre ra làm đôi, mỗi người cầm một mảnh liệng xuống dòng nước, nguyền với nhau rằng: hể hai thanh tre ấy mà trôi khép lại làm một thì hai bên kết làm vợ chồng. Có thế mối tình thân mật, gần gũi nhau được mãi mãi.
Cả hai thực hành, quả nhiên hai mảnh tre trôi xuôi và khép liền nhau như lóng tre chưa chẻ.
Thế là cô cậu lấy nhau làm vợ chồng. Và, đầm ấy có tên là "Đỗ Phụ đàm". Giống tre mọc ở trên bờ đầm gọi là "Mai trúc" nghĩa là giống tre làm mai mối.
Đời Thanh (1644-1909), thi hào Khuất Ông Sơn có thơ vịnh trúc mai:
Một đôi thanh trúc khép như in
Thanh trúc xe nên duyên bách niên.
Mai trúc trên đầm nay vẫn tốt,
Rườm rà cành nhánh cháu con hiền.
(Bản dịch của Vân Hạc Lê Văn Hòe.)
Nguyên văn:
Lưỡng biên sinh trúc hợp vô ngần,
Sinh trúc năng thành phu phụ ân.
Đàm thượng chí kim mai trúc mỹ,
Chi chi từ hiếu cánh đa tôn.
"Một nhà xum họp trúc mai" là mai trúc ở chung nhau tức là vợ chồng xum họp, căn cứ vào điển cố trên.
Lão Tiều Phu Hay Con Hạc Đen
Núi Na ở thôn Quần Ngọc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trên đỉnh núi có chùa xưa, tục danh là Tiên am. Phía tả có động thâm u. Đời nhà Trần, Hồ (1225-1407) có một tiều phu ẩn cư ở đấy. Người ta gọi là Hoàng My tiên sinh.
Một hôm Hồ Hán Thương đi săn đến đấy, bỗng gặp một lão tiều phu vừa đi vừa hát:
Na chi sơn hữu thạch toàn ngoan
Thụ thương thương
Yên tịch mịch
Thủy sàn sàn
Triêu hề ngô xuất
Mộ hề ngô hoàn
Hữu y hề chế kỹ,
Hữu bội hề nhận lan
Thát bài thanh hề bình hiểu chướng,
Điền hộ lục hề chẩm tình than.
Nhậm tha triều thị
Nhậm tha sa mã
Tri trần bất đáo thử giang san,
U thảo Tống triều cung kiếm
Cổ khâu Tấn đại y quan.
Vương Tạ phong lưu
Triệu Tào sự nghiệp,
Toán vãng cổ lai kim khanh tướng
Trạch triện đài man
Tranh như ngã trạo đầu nhất giác
Hồng nhật tam can.
Tạm dịch: (Bản dịch của Trúc Khê)
Núi Na đá mọc chênh vênh,
Cây tùm um, nước long lanh khói mờ.
Đi về hôm sớm thẩn thơ,
Mình dư áo lá, cổ thừa chuỗi hoa.
Non xanh bao bọc quanh nhà,
Ruộng đem sắc biếc xa xa diễu ngoài.
Ngựa xe võng lọng thây ai,
Nước non riêng chiếm, bụi đời khôn vương.
Áo đai đời Tấn gò hoang,
Kiếm cung triều Tống dưới làn cỏ xanh
Sự đời bao xiết mong manh,
Phong lưu Vương, Tạ, công danh Triệu, Tào
Từ xưa khanh tướng ngôi cao,
Đá mờ rêu phủ đã bao nhiêu rồi.
Sao bằng ta được thảnh thơi,
Giấc mai bừng tỉnh, mặt trời lưng không.
Hán Thương nghe hát cho đó là một vị ẩn giả, bèn truyền thị thần đi theo vào động. Thấy trên vách đá có đề hai khúc ca "Ái miên" (Thích ngủ) và khúc "Ái kỳ" (Thích đánh cờ), thị thần xin mời tiều phu về triều.
Tiều phu không bằng lòng nói:
- Nghiêm Tử Lăng không lấy chức Gián nghị ở Đông Đô mà đổi cái thú yên ba sông Đồng Lại. Khương Bá Duy không vì họa đồ của Thiên tử mà làm nhơ cái cảnh sơn thủy Bành Thành.
Sứ thần về tâu lại, nhưng Hán Thương bảo đi mời một lần nữa, mang theo một cỗ an xa, quyết mời cho kỳ được. Nhưng đến nơi chỉ thấy cửa động rêu mọc phủ cả, gai góc lấp mất đường đi, trên vách đá có hai câu thơ đề bằng nhựa cây:
Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn,
Cao Vọng đầu khách tứ sầu
Nghĩa:
Cửa biển Kỳ La hồn sẽ dứt,
Đầu non Cao Vọng khách đeo sầu.
Sứ thần về kể lại; Hán Thương nổi giận, khiến người đến đốt núi ấy. Chỉ thấy một con hạc đen từ trong núi bay bổng lên, liệng múa giữa không trung, mà không thấy giấu tích tiều phu đâu cả.
Về sau, hai cha con họ Hồ là Quý Ly và Hán Thương đều bị xảy ra tai họa đúng như hai câu thơ báo trước của lão tiều phu.
Hà Đông Sư Tử
Trần Tạo tự Quý Thường, người đời nhà Tống, quê ở Vĩnh Gia. Vợ của Trần họ Liễu vốn có tính ghen dữ ghê gớm. Quý Thường rất sợ vợ nhưng rất có lòng tôn sùng đạo Phật. Hằng ngày ngồi đọc kinh, vợ lấy làm bực, la hét om sòm, nhưng Trần vẫn điềm nhiên, không dám cự một tiếng.
Tính của Trần cũng hào hoa, bằng hữu nhiều, nên ở nhà thường có yến tiệc. Để tăng phần hứng thú, long trọng của buổi tiệc, Trần chiều khách, mời kỹ nữ xướng ca. Liễu Thị trong phòng mượn điều này, điều nọ, quát tháo om sòm. Trần có lúc hốt hoảng, cầm gậy nơi tay bỏ rơi mất gậy. Bạn thân của Trần là Tô Đông Pha, nhân đó làm một bài thơ đùa cợt:
Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,
Đàm không thuyết pháp dạ bất miên.
Hốt văn Hà Đông sư tử hống,
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.
Tạm dịch:
Ai hiền bằng thầy đồ Long Khâu,
Đọc kinh thuyết pháp suốt đêm thâu,
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu.
"Hà Đông sư tử" chỉ người đàn bà ghen dữ tợn.
Tô Đông Pha dùng hai tiếng "Hà Đông" là mượn câu thơ của Đỗ Phủ: "Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu" (cô gái Hà Đông người họ Liễu) vì vợ của Quý Thường cũng họ Liễu. Và tiếng "Sư tử" do lời trong kinh Phật: sư tử là chúa loài thú, mỗi khi rống lên thì các thú vật đều khiếp đảm để vừa chỉ tính ghen dữ của Liễu Thị, vừa chỉ Quý Thường là một tín đồ đạo Phật.
Tú Xương trong bài thơ vịnh cảnh lấy lẽ, có câu:
Hậu hạ đã cam phiền cát lũy,
Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà Đông.
Lá Thắm Đưa Duyên
Triều vua nào cũng vậy, nhiều giai nhân tuyệt sắc trong nước được tuyển vào cung để làm cung nữ. Họ là những giai nhân bạc mạng, đi chẳng có về, suốt đời chịu cảnh lạnh lùng, buồn tủi, sầu đau trong chốn thâm cung.
Nhà vua có cả tam cung, lục viện, hàng ngàn cung nữ phi tần toàn bực diễm kiều, tài sắc cả. Mỗi đêm ngủ ở cung nào, nhà vua phải nhờ xe dê đưa đến. Xe dừng trước cung nào thì nhà vua vào cung ấy. Có những nàng hằng năm không được đoái hoài, đành chịu cảnh cô phòng giá lạnh.
Đời Đường (618-907), đời vua Hy Tông có nàng cung nữ tuyệt sắc tên Hàn Thúy Tần sống cảnh lẻ loi buồn bực trong thâm cung, nên thường nhặt những chiếc lá đỏ (hồng diệp) rồi đề thơ lên trên lá, thả xuống ngòi nước:
Nước chảy sao mà vội?
Cung sâu suốt buổi nhàn.
Ân cần nhờ lá thắm
Trôi tuốt đến nhân gian.
Nguyên văn:
Lưu thủy hà thái cấp
Cung trung tận nhật nhàn.
Ân cần tạ hồng diệp.
Hảo khứ đáo nhân gian.
Chiếc lá chở bài thơ theo dòng nước chảy xuôi ra ngoài vòng cấm lũy. Lúc bấy giờ có người môn khách của quan Tể Tướng Hàn Vinh tên Vưu Hựu vốn kẻ phong lưu tài tử, thơ hay, chữ tốt, chỉ hiềm một nỗi vận chưa đạt nên đành chịu sống nhờ nơi quan Tể Tướng họ Hàn. Đương thơ thẩn ngắm dòng nước chảy, Hàn bỗng nhìn thấy chiếc lá có bài thơ, lấy làm lạ mới vớt lên xem. Cảm tình chan chứa với người gởi thơ lạ mặt, chàng cũng bẻ một chiếc lá, viết một bài thơ vào đấy, đợi dòng nước xuôi mới thả lá xuống cho trôi trở vào cung.
Nghe oanh thấy liễu chạnh lòng thương,
Thương kẻ trong cung lúc đoạn trường.
Chiếc lá đề thơ trôi mặt nước,
Gởi cho ai đó nói không tường.
(Bản dịch của Phan Như Xuyên)
Người cung nữ họ Hàn thường ngồi nhìn dòng nước chảy, bỗng bắt được chiếc lá trở vào của người không quen biết, mới đem cất vào rương son phấn.
Ba năm sau, nhà vua sa thải một số cung nữ, trong đó có Thúy Tần. Nàng đến ở tạm dinh quan Tể Tướng họ Hàn để chờ thuyền trở về quê cũ, bỗng gặp Vưu Hựu. Hai người trò chuyện, ý hợp tâm đầu. Tể Tướng họ Hàn thấy cả hai đều xứng đôi vừa lứa nên làm mối thành duyên giai ngẫu.
Đêm tân hôn, Hựu chợt mở rương của vợ thấy chiếc lá của mình ngày xưa. Lấy làm lạ lùng, chàng cũng đem chiếc lá của mình vớt được cho vợ xem. Thì ra cả hai lại giữ hai chiếc lá của nhau. Cho là thật duyên trời định.
Cổ thi có bài:
Một đôi thi cú theo dòng nước
Mười mấy năm qua nhớ dẫy đầy.
Mừng bấy ngày nay loan sánh phụng
Cũng nhờ lá thắm khéo làm mai.
Nguyên văn:
Nhất liên giai cú tùy lưu thủy,
Thập tải ưu tư mãn tố hoài.
Kim nhật khước thành loan phượng lữ,
Phương tri hồng diệp thị lương môi.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, có câu:
Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
hay:
Dù khi lá thắm chỉ hồng,
và:
Nàng rằng hồng diệp xích thằng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
"Lá thắm", "Hồng diệp" đều do điển tích trên.
Lam Kiều
Lam Kiều là một cái cầu bắc trên sông Lam, thuộc tỉnh Thiểm Tây bên Tàu, tương truyền là nơi tiên ở.
Đời nhà Đường, triều Mục Tông (821-825), có một chàng nho sĩ tên Bùi Hàng, lều chõng đi thi bao lần đều hỏng. Một hôm, Bùi thuê đò đi Tương Hán định sang ghé Ngọc Kinh để xem phong cảnh. Cùng đáp một chuyến đò có một mỹ nhân tên Vân Kiều, sắc nước hương trời, con người đoan trang, thùy mị. Bùi sinh cảm mến, mong được giao duyên, mới mượn thơ thay lời, nhờ con nữ tỳ của giai nhân đưa hộ:
Kẻ Hồ, người Việt còn thương nhớ,
Huống cách người tiên chỉ bức mành.
Ví được Ngọc Kinh cùng nối gót,
Xin theo loan hạc đến mây xanh.
(Bản dịch của Phan Như Xuyên)
Nguyên văn:
Đồng vi Hồ Việt do hoài tưởng,
Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình.
Thắng nhược Ngọc Kinh triều hội khứ,
Nguyện tùy loan hạc nhập thành vân.
Vân Kiều xem thơ, vui vẻ mỉm cười.
Nhưng thơ đi mà tin chẳng lại, Bùi rất lo lắng, băn khoăn. Nhưng khi đò sắp ghé bến, Bùi bỗng tiếp được thơ do con nữ tỳ của giai nhân đưa đến:
Uống rượu Quỳnh Tương trăm cảnh sinh,
Huyền Sương giã thuốc thấy Vân Anh.
Lam Kiều vốn thật nơi tiên ở,
Hà tất nhọc nhằn đến Ngọc Kinh.
Nguyên văn:
Nhất ẩm Quỳnh Tương bách cảnh sinh,
Huyền Sương đảo tận kiến Vân Anh.
Lam Kiều tự hữu thần tiên quật,
Hà tất khí khu thượng Ngọc Kinh.
Bùi không hiểu ý nghĩa ra sao, định hỏi; nhưng thuyền vừa ghé bến thì Vân Kiều đã thoáng mất. Nghiền ngẫm hai câu thơ cuối, Bùi không đến Ngọc Kinh, mà hỏi dò người, tìm đến Lam Kiều.
Trời trưa nắng gắt, Bùi mệt mỏi, mồ hôi nhuễ nhoại. Ghé vào hàng nước, nghỉ chân, hỏi nước uống. Bà lão chủ quán bảo người con gái đem nước ra. Nàng rất đẹp, trông dáng vẻ tựa Vân Kiều. Bùi hỏi, thì ra nàng là em của Vân Kiều, tên Vân Anh.
Bùi Hàng mừng rỡ, cho là gặp duyên trời định, mới thuật lại cả hai bài thơ. Bà lão cười, bảo:
- Hẳn là con Vân Kiều muốn xe duyên em nó cho cậu đó.
Bùi nghe nói lấy làm hớn hở. Nhưng bà lão cho biết là hiện bà có cái cối, song thiếu chiếc chày ngọc để giã thuốc Huyền Sương, nếu Bùi tìm được chày thì bà sẽ gả Vân Anh cho.
Bùi Hàng bằng lòng. Nhưng đi tìm mãi khắp nơi mà không biết ở đâu có chày ngọc. Lòng buồn tha thiết. Tưởng hoàn toàn thất vọng, chàng đi lang thang. May mắn, một hôm, chàng gặp được tiên cho chiếc chày ngọc. Thế là duyên thành.
Sau cả hai vợ chồng Bùi Hàng đều tu thành tiên cả.
Những tác phẩm cổ văn của ta có nhiều đoạn dùng điển tích này:
Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
(Đoạn trường tân thanh)
Chầy sương chưa nên cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?
(Đoạn trường tân thanh)
Chốn Lam Kiều cách nước mây,
Bùi Hàng chưa dễ biết đây chốn nào?
"Lam Kiều" chỉ chỗ tiên ở hay người đẹp ở, hoặc chỉ gặp duyên tốt đẹp... như gặp duyên với tiên.
Hết Phần 4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét