Ngày
xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại.
Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho
bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng; do đó hắn đã vơ
vét được bao nhiêu là tiền của. Vợ hắn chết sớm lại không có con cho
nên tiền bạc của hắn không biết tiêu đâu cho hết. Ngoài số chôn cất, hắn
đem tiền tậu ruộng làm nhà. Ruộng của hắn cò bay thẳng cánh, mỗi mùa
thu hoạch kể hàng ngàn "giạ" lúa.
Khi thấy cuộc sống quá thừa thãi, hắn bèn thôi việc về nhà, sống một cuộc đời trưởng giả.
Một
hôm, có người mách cho Thủ Huồn biết chợ Mạnh-ma ở Quảng-yên là chỗ
người sống và người chết có thể gặp nhau. Muốn gặp người chết, người
sống phải chờ đến mồng một tháng Sáu, mang một món hàng vào chợ hồi nửa
đêm mà đi tìm. Thủ Huồn là người rất yêu vợ. Tuy vợ chết đã ngoài mười
năm nhưng hắn vẫn không lúc nào quên. Hắn bèn giao nhà lại cho người bà
con rồi làm một chuyến du lịch ra Bắc, mong gặp lại mặt vợ cho thỏa lòng
thương nhớ bấy lâu.
Khi
gặp vợ, Thủ Huồn không dám hỏi vì thấy vợ ăn mặc rất đài các. Sau cùng
người đàn bà ấy cũng nhận ra được. Thủ Huồn mừng quá vội dắt vợ ra một
chỗ kể cho vợ nghe cảnh sống của mình từ lúc âm dương cách biệt. Rồi hắn
hỏi vợ:
- Mình lâu nay làm gì?
-
Tôi làm vú nuôi trong cung vua. Cuộc đời của tôi không có gì đáng phàn
nàn. Tôi có một gian nhà riêng trong hoàng cung, cái ăn cái mặc được chu
cấp đầy đủ.
Hắn nói:
- Tôi nhớ mình quá. Tôi muốn theo mình xuống dưới ấy ít lâu có được không?
- Đi được. Nhưng chỉ trong vài ngày là cùng, nếu quá hạn sẽ nguy hiểm.
Thủ
Huồn và vợ cùng đi. Qua mấy dặm đường tối mịt, chả mấy chốc đã đến cõi
âm. Hắn rùng mình khi lọt qua bao nhiêu cổng trước lúc vào thành nội,
qua những tên quỷ gác cổng có những bộ mặt gớm ghiếc. Nhờ có vợ nên chỗ
nào cũng vào được trót lọt. Đến một gian nhà thấp, vợ bảo chồng:
-
Đây là nhà bếp, đằng kia là nhà ngục, trước mặt là cung hoàng hậu, chỗ
tôi túc trực hàng ngày. Qua khỏi đấy là cung vua. Cứ ẩn tạm trong buồng
vắng này vì không thể lên buồng tôi trên kia được. Tôi sẽ kiếm cách cho
chàng đi xem một vài chỗ, nhưng rồi phải về ngay.
Chiều hôm đó người vợ về trao cho Thủ Huồn một mảnh giấy phép và nói:
- Chỉ có cung vua và cung hoàng hậu thì đừng có vào còn mọi nơi khác chàng cứ đi xem cho thỏa thích.
Hắn
lượn mấy vòng xung quanh nhà bếp rồi tiện chân đến nhà ngục. Chưa lọt
khỏi cổng mà những tiếng kêu khóc, tiếng la hét ở phía trong làm cho hắn
bồn chồn. Qua mấy phòng chuyên mổ bụng, móc mắt, cắt tay, v.v... hắn
thấy đây quả là nơi hành hạ tội nhân kinh khủng, đúng như lời đồn ở trên
trần thế.
Sau
cái bàn xẻo thịt là cả một kho gông. Trong đó có một cái gông đặc biệt:
nó vừa to vừa dài, làm bằng những thanh gỗ nặng như sắt. Thủ Huồn lân
la hỏi người cai ngục:
- Thứ gông này để làm gì?
-
Để chờ một thằng ác nghiệt ở trần xuống đây. Bao nhiêu những cái gông
trong này đều đã có chủ cả. Cứ xem gông to hay nhỏ thì biết tội ác của
nó.
Thủ Huồn lại hỏi:
- Thế cái thằng sẽ đeo cái gông vừa to vừa dài đó là ai?
Lão cai ngục thủng thỉnh giở một cuốn sách vừa to vừa dày chỉ vào một hàng chữ, đọc: "Hắn là Võ Thủ Hoằng[1] tức là Thủ Huồn". Rồi nói tiếp:
- Thằng cha đó ở Đại-nam quốc, Gia-định tỉnh, Phúc-chính huyện...
Nghe nói thế, Thủ Huồn giật mình mặt xám ngắt. Nhưng hắn vẫn giữ được vẻ bình tĩnh. Hắn hỏi thêm:
- Thế nào? Hắn có tội gì?
Lão cai ngục mắt vẫn không rời quyển sách.
-
Khi làm thơ lại hắn bẻ mặt ra trái làm bao nhiêu việc oan khốc đến nỗi
tội ác của hắn đen kín cả mấy trang giấy đây. Này nghe tôi đọc này:
năm Ất sửu hắn sửa hai chữ "ngộ sát" thành "cố sát" làm cho hai mẹ con
thị Nhân bị chết để cho người anh họ chiếm đoạt gia tài. Việc này Thủ
Huồn được mười nén vàng và mười nén bạc, một trăm quan tiền. Cũng năm
đó, hắn làm cho ông Ngô Lai ở thôn Bình-ca bị hai mươi năm tội đồ chỉ vì
trong nhà có cái áo vải vàng, để đoạt không của ông ta mười hai mẫu
ruộng. Năm...
Thủ
Huồn tái mặt, không ngờ mỗi một cái cất tay động chân của mình trên
kia, dưới này đều rõ mồn một. Hắn ngắt lời đánh trống lảng.
- Thế vợ hắn có cùng đeo gông không hở ông?
- Ồ! Ai làm người ấy chịu chứ! Vợ hắn nghe đâu là người tốt đã xuống đây rồi.
Thủ Huồn lại hỏi gặng:
- Ví thử hắn muốn hối cải thì phải làm thế nào?
Lão cai ngục hạ sách xuống bàn, đáp:
- Đã vay thì phải trả! Nếu hắn muốn thì phải đem những thứ của cải cướp giật được đó bố thí và cúng lễ cho hết đi.
Từ
biệt lão cai ngục và những hình cụ khủng khiếp, Thủ Huồn không còn bụng
dạ nào để đi xem nơi khác nữa. Vợ thấy chồng đòi về, lại đưa chồng ra
khỏi hoàng cung của Diêm vương và ra khỏi mấy dặm đường tối tăm mù mịt.
Lúc sắp chia tay hắn bảo vợ:
- Tôi về trang trải công nợ có lẽ ba năm nữa tôi lại xuống. Mình nhớ lên chợ đón nghe!
Về
tới Gia-định. Thủ Huồn mạnh tay bố thí. Hắn tập hợp những người nghèo
khó trong vùng lại, phát cho họ tiền, lúa. Hắn đem ruộng đất của mình
cúng cho làng, cho chùa, chia cho họ hàng thôn xóm. Hắn mời hầu hết sư,
sãi các chùa gần vùng tới nhà mình cúng đơm, tốn kém kể tiền vạn. Người
ta lấy làm lạ không hiểu tại sao một tay riết róng như hắn bây giờ trở
nên hào phóng một cách lạ thường. Ai xin gì được nấy. Có những người
trước chửi hắn bây giờ lại đâm ra thương hại hắn. Nhiều người bảo nhau: -
"Thứ của vô nhân bất nghĩa ấy không trước thì sau thể nào cũng đội nón
ra đi mà thôi!" hay là: - "Có lẽ hắn không con, biết để của cũng chả làm
gì nên tự làm cho vợi bớt". Thủ Huồn có nghe rất nhiều lời đàm tiếu về
mình, nhưng hắn chẳng nói gì sất, cứ việc quẳng của không tiếc tay.
Cứ
như thế sau ba năm, Thủ Huồn tính ra đã phá tán được ba phần tư cơ
nghiệp. Nhớ lại lời hẹn, hắn lại khăn gói ra Bắc tìm đến chợ Mạnh-ma. Ở
đây, hắn dỗ khéo được vợ cho hắn xuống thăm cõi âm một lần nữa.
Khi
trở lại nhà ngục. Thủ Huồn thấy quang cảnh vẫn như cũ. Lão cai ngục vẫn
là lão cai ngục ba năm về trước. Cách bố trí y hệt như xưa: cũng có nơi
mổ bụng, nơi móc mắt, cắt tay: v.v... Duy chỗ để gông thì có ít nhiều
thay đổi. Bên cạnh những cái vẫn còn nguyên hình như xưa thì lại có
những cái trước bé nay đã lớn lên, có cái trước lớn, nay nhỏ hẳn đi. Đặc
biệt cái gông mà Thủ Huồn chú ý nhất thì bây giờ đã rút ngắn lại tuy vẫn còn to và dài hơn các thứ gông thường một tý. Hắn lân la hỏi lão cai ngục:
- Cái gông để ở nơi này trước kia tôi nhớ hình như to lắm thì phải.
-
Đúng đấy! Lão đáp. Có lẽ gần đây ở trên dương thế thằng cha ấy đã biết
chuộc lỗi nên nó đã nhỏ lại. Nếu hắn gắng hơn nữa, thì rồi sẽ có phúc
lớn.
Thủ Huồn lại lên đất, trở về Gia-định. Hắn lại làm tiếp công việc bố thí và cúng
dàng. Lần này hắn bán hết tất cả những gì còn sót lại, kể cả nhà của
của mình. Hắn đến Biên-hòa dựng một ngôi chùa lớn để cúng Phật. Hắn xuôi
sông Đồng-nai để làm một việc nghĩa cuối cùng. Hồi đó ở ngã ba sông
Đồng-nai và sông Gia-định việc đi lại rất bất tiện. Cũng vì thế mà bên
kia sông Đồng-nai người ta còn ngần ngại chưa dám di cư sang để sinh cơ
lập nghiệp.
Thủ
Huồn liền quyết định ở lại đây. Hắn kết một cái bè lớn, trên bè có nhà
ở, có đủ chỗ nghỉ, có sẵn nồi niêu, đồ dùng và tiền gạo. Những thứ ấy
hắn dùng để tiếp rước những người qua lại, nhất là những người nghèo
khó. Hắn cho họ trú ngụ tại bè của mình kẻ năm ba ngày, người một đôi
tháng mà không lấy tiền. Hắn làm công việc đó mãi cho đến ngày xuống âm phủ thật sự.
*
Sau
đó khá lâu, có lần một ông vua tên là Đạo Quang (*) bên Trung-quốc lúc mới
lên ngôi có cho sứ sang Việt-nam hỏi lai lịch một người ở Gia-định. Số
là khi nhà vua mới sinh, người ta thấy trong lòng bàn tay vua có mấy
chữ: "Đại-nam, Gia-định, Thủ Hoằng", nên nhà vua cần biết rõ gốc gác Thủ
Hoằng là ai. Sau khi sứ giả cho biết rõ lai lịch Thủ Huồn, vua
Trung-quốc có cúng vào ngôi chùa Biên-hòa ba pho tượng vàng. Do việc đó
người ta bảo Thủ Huồn nhờ thành thực hối lỗi, chẳng những làm tiêu mất
cái gông chờ hắn ở coi âm, mà còn được Diêm vương cho đi đầu thai làm
vua Trung-quốc.
Ngày
nay, một ngôi chùa ở Biên-hòa còn mang tên là chùa Thủ Huồn: chỗ ngã ba
sông Đồng-nai và Gia-định còn gọi là sông Nhà-bè để kỷ niệm lòng tốt
của Thủ Huồn đối với khách hộ hành Nam Bắc qua con sông đó[2]. Có câu tục ngữ:
Nhà bè nước chảy phân hai,
Ai về Gia-định Đồng-nai thì về.
KHẢO DỊ
Truyện trên giống với truyện Người đi dạo âm phủ cũng do Jê-ni-bren (Génibrel) sưu tập:
Có
hai vợ chồng một người ở Nam-định, nhà giàu có lớn. Họ sinh được một cô
con gái rất xinh và khôn ngoan tên là Trần Thị Xuân. Đặc biệt là mỗi
bàn tay có sáu ngón. Không may năm nàng mười ba tuổi thì bị lên đậu trời
mà chết. Thương nhớ con gái, hai vợ chồng không thiết làm ăn gì nữa.
Nghe nói ở Quảng-yên có chợ Mạnh-ma, ở đấy dương gian và âm phủ có thể
gặp nhau được, hai vợ chồng bèn tìm đến, mong được gặp con. Họ có mang
theo một cái quả bằng bạc sắm cho cô gái lúc còn sống. Nhằm ngày mồng
một tháng Sáu họ đến chợ giả bày hàng ra bán. Lát sau, người con gái đến
hàng mua trầu, trông thấy cái quả của mình liền hỏi chuyện. Cha mẹ nhận
ra con nhờ có bàn tay sáu ngón của cô và được con mời đi dạo cảnh âm
phủ.
Chồng
của cô là một viện quan giám thành, đưa cha mẹ vợ đi coi các cửa ngục.
Khi đến cửa thứ nhất, hai vợ chồng thất kinh thấy tên tuổi của họ có yết
ở cửa ngục. Họ vờ hỏi chàng rể tại sao có tên yết ở cửa, thì hắn bảo: -
"Hai người đó ở dương gian cho người ta vay nợ một lớp vốn năm bảy lớp
lời làm cho người ta phải bán vợ đợ con nên yết lên để chờ làm tội". Hai
vợ chồng lại hỏi: - "Vậy chúng nó muốn khỏi tội thì phải làm thế nào?" -
"Phải làm chay bố thí cho hết của đó, mới mong khỏi được". Trở về làng
cũ hai vợ chồng dốc của cải ra đón sư làm chay và mạnh tay bố thí. Sau
khi hết của họ lại lần mò ra chợ Mạnh-ma tìm con gái và định đòi xuống
âm phủ xem thế nào. Nhưng cô gái vừa gặp cha mẹ đã bảo: - "Cha mẹ đã
sạch tội rồi, không còn thấy tên ở cửa ngục nữa. Vậy chả cần xuống làm
gì".
Cả hai truyện trên có lẽ chịu ảnh hưởng từ một số phật thoại ngoại lai trong đó có truyện Mục Liên thăm mẹ ở địa ngục khá phổ biến ở Việt-nam (xem cuối truyện số19).Ai về Gia-định Đồng-nai thì về.
KHẢO DỊ
Phần cuối truyện Thủ Huồn tương tự với Sự tích sư ông Huyền Chân và Truyện bà Hiếu. Sự tích sư ông Huyền Chân: Xưa, ở chùa Quang-minh, xã Hậu-bổng (Hải-dương) có một hòa thượng nổi tiếng chân tu. Lúc về già, Phật Di-đà hiện lên báo mộng rằng: -"Nhà người có công với đạo Phật, kiếp sau sẽ cho giáng sinh làm vua Trung-quốc". Khi hòa thượng chết, đệ tử vâng lời thầy viết vào vai mấy chữ "Hòa thượng Huyền Chân chùa Quang-minh".
Về sau có lần sứ bộ Việt-nam sang Trung-quốc. Khi yết kiến, chánh sứ Nguyễn Tự Cường được vua Minh Hy Tông cho biết là mình sinh ra trên vai có mấy chữ, rửa mấy cũng không sạch, không biết đầu đuôi vì sao. Nguyễn Tự Cường về dò hỏi mới biết câu chuyện sư Huyền Chân, vội mang nước giếng chùa Quang-minh sang cho vua Trung-quốc. Kết quả, nước rửa đến đâu chữ mất đến đấy[3].
Truyện bà Hiếu: Ở làng Linh-chiểu Đông (Gia-định) có người đàn bà tên là Hiếu nhà giàu, không có con cái. Bà bèn lập chùa Hòa-nghiêm bao vây một khoảng đất rộng để cho kẻ nghèo chôn cất làm phúc. Nhờ có công đức đó nên khi chết được đầu thai làm con gái vua Trung-quốc. Công chúa khi đẻ ra có chữ son "Gia-định, Linh-chiểu Đông, chùa Hoa-nghiêm" vua Trung-quốc cho là sự lạ, gửi giấy sang hỏi bên ta. Sau đó vua sai cúng vàng bạc vào chùa và xin đưa bài vị sang để thờ. Làng không chịu, chỉ làm một bài vị khác đưa sang cho vua Trung-quốc[4].
( theo http://maxreading.com)
(*) Đạo Quang ( 1782 - 1850 ) là vị vua thứ 8 của Nhà Thanh bên Tàu Hiệu là Tuyên Tông lên ngôi năm 1821, mất 1850.
( Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét