Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Bồi Giang Phiếm Chu Tống Vi Ban Quy Kinh - Đỗ Phủ

 Bồi Giang Phiếm Chu 
   Tống Vi Ban Quy Kinh 
                                     Đỗ Phủ 
涪江泛舟

     送韋班歸京

追餞同舟日,
傷春一水間。
飄零為客久,
衰老羨君還。
花雜重重樹,
雲輕處處山。
天涯故人少,
更益鬢毛斑。


Truy tiễn đồng chu nhật 
Thương xuân nhất thủy gian 
Phiêu linh vi khách cửu 
Suy lão tiện quân hoàn 
Hoa tạp trùng trùng thụ 
Vân khinh xứ xứ sơn 
Thiên nhai cố nhân thiểu 
Cánh ích mấn mao ban.


Dịch Nghĩa:


Nhớ ngày cùng thuyền đi một đoạn đường tiễn bạn

Trên sông nước mênh mông trong một trời xuân buồn
Nối trôi làm khách lâu rồi ở nơi đất khách
Tuổi già suy yếu mừng cho nhau còn được trở về chốn cũ phố xưa
Hoa dại nở rộ đầy rừng
Mây bay giăng giăng khắp núi
Ven trời từ nay thiếu vắng cố nhân
Râu tóc chắc lại càng thêm bạc trắng loang lổ cằn cỗi


Dịch Thơ :

  Lênh Đênh Thuyền Tiễn
Ngày tiễn thuyền xuôi nước ,
Xuân buồn nặng nỗi quê .
Tuổi xanh mòn đất khách,
Đầu bạc mừng nhau về .
Hoa dại đầy rừng vắng ,
Mây bay ngập núi cao.
Ven trời nay thiếu bạn ,
Tóc rối mờ trăng sao.  
                  PKT  12/01/2014

--Bản dịch của Mailoc—

Sông Bồi dong thuyền tiễn Vi Ban về Kinh
(1)
Hôm ngồi tiễn bạn chiếc thuyền dong ,
Sông nước tình Xuân ý một dòng .
Luân lạc lâu rồi sầu viễn khách ,
Tuổi già gặp lại thỏa lòng mong .
 
Trùng trùng rừng lá hoa tươi thắm ,
Lớp lớp mây giăng đỉnh chập chùng .
Tri kỷ bên trời đâu có mấy ,
Mái đầu vì thế trắng như bông .
                                        ML
(2)
Bạn cùng thuyền hôm nao đưa tiễn ,
Nước sông xuân , xao xuyến một dòng .
Bấy lâu thân khách long đong ,
Lúc già gặp lại thỏa lòng hằng mong .
 
Cây trùng trùng đơm bông sặc sỡ ,
Mây giăng giăng chớn chở non cao .
Bên trời bạn cũ là bao ,
Chỉ làm cho tóc bạc mau mái đầu !
                                ML
(3)
Trên thuyền ngày tiễn bạn ,
Tình xuân nước một dòng .
Long đong nơi đất khách ,
Già gặp thỏa lòng mong .
 
Trùng trùng hoa rực rỡ ,
Mây giăng khắp non cao .
Bên trời đâu tri kỷ ,
Chỉ khiến bạc đầu mau !
                         ML


Trên Thuyền Tiễn Bạn Về Kinh
Lúc lên thuyền tiễn bạn
Xuân tiếc buồn trên sông
Thân gởi lâu trời lạ
Tuổi già mới gặp ông
Đầu cành hoa lớp lớp
Đỉnh núi mây song song
Bạn cũ chân trời vắng
Càng trơ lọn tóc bông.
                    Quên Đi

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Chờ



Canh tàn tiếng quạ kêu đêm
Ánh trăng lụn tắt bên thềm trong mưa
Gió về ru lá đong đưa
Sao người lãng tử vẫn chưa tìm về
Chương Đài liễu rũ buồn lê
Một ngày cách biệt tựa hề ba thu
Cuộc đời như cánh phù du  
Bóng chim tăm cá mịt mù bóng ai.
                                      Quên Đi

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

50 năm Chuyện Chúng Mình

 

Ta nhớ em cuối mùa chinh chiến cũ   
Áo bà ba tôn vóc dáng chân quê  
Tóc choàng vai như buông thả câu thề   
Nương theo gió suối huyền gờn gợn sóng.  
Anh lặng lẽ theo tim từng nhịp đập  
Đến bên em như tìm đến non bồng   
Ta chẳng biết đây hư hay là thực
Chuyện chúng mình hư thực khác chi nhau.

Có cô gái thiên thanh màu áo mới 
Chân ngập ngừng qua ngưỡng cửa văn phòng
Đôi mắt tròn đen nhánh lướt nhìn quanh 
Ta chợt thấy tim chừng như dao động
Khi em nhẹ từng bước đến bên anh.     
Cô giáo mới thì ra cô giáo mới   
Tôi mỉm cười mời cô giáo mới ngồi.         
- Lần đầu hay em từng đến nơi đây
- Khi còn bé chốn nầy em đã sống.

Kinh Chắc Băng trước trường vô tư lự  
Đỏ màu tươi sông Trẹm nước dòng xuôi 
Lương duyên chăng hay vốn đây là nợ  
Định mệnh ư  hay đấy chỉ tình cờ
Đã đưa lối dẫn cau trầu  tương ngộ.
Mới thoáng thôi nửa thế kỷ qua rồi
Và phía trước dẫu còn bao xa nữa  
Vẫn trong tay cùng đến hết cuộc đời.
  
Em một thuở chuyện hai mình muôn thuở...  
                                                   Quên Đi

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

Hoa Đào (Tập Kiều và Lẩy Kiều)

 


Hôm trước, anh Trần Thế Vĩnh ở Câu Lạc Bộ Thơ Văn Xương Các Vĩnh Long có đề xướng một thú vui tao nhã thuần Việt của các bậc Nho Gia thuở trước, đó là "Tập Kiều", kèm theo điều kiện là phải làm ít nhất 4 câu, anh ra câu đề là 2 câu thứ  2757 và 2758 trong Truyện Kiều:

                     Hoa Đào 

   "Trước sau chẳng thấy bóng người  
Hoa đào năm trước còn cười gió đông

Thấy cũng vui vui và thú vị, nên mình hưởng ứng:

   "Trước sau chẳng thấy bóng người  
Hoa đào năm trước còn cười gió đông
      Lạnh lùng cảnh cũ vắng không   
 Nhìn hoa khoe sắc mà lòng quặn đau   
       Bướm ong vờn lượn cành đào  
   Còn ta vắng bạn dàu dàu kém tươi.   
                                         Quên Đi

Thấy còn hứng, nên mình mượn mấy câu đề chơi "Lẩy Kiều":
Câu 2757 - Trước sau chẳng thấy bóng người 2758 - Hoa đào năm trước còn cười gió đông 253 - Buồng văn hơi giá như đồng 286 - Tuyệt mù nào thấy bóng hồng nào ra 703 - Trời Liêu non nước bao xa 634 - Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng 1269 - Lần lần thỏ bạc ác vàng 2402 - Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu... Quên Đi

Sau đó, Anh Song Quang của Vườn Thơ Thơ Thẩn cũng nối vận:

“ Trước sau chẳng thấy bóng người
Hoa đào năm trước còn cười gió đông” (ND)
Giờ đâu én liệng tầng không
Ngó hoa mà quặn nỗi lòng lệ sa
Xa quê nhớ nước non nhà
Bao giờ trở lại chan hoà lời ru?
Đường về còn quá mịt mù
Chẳng nghe tiếng quốc cu gù mà đau
Tựa Kiều số phận má đào
Trót đem thân gởi ,dạt dào khen chê !
                                 songquang
                                  20230427


Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

Úc Cuối Thu

 


Thơ Thẩn qua ảnh Diemphan gởi trên Facebook
 
                    Úc Cuối Thu
 
        Vĩnh Long giao mùa xuân hạ
Thành phố Melbourne cũng đã cuối thu
             Ôi phố biển vẫn mịt mù
     Chẳng ai mời gọi cho dù trong mơ
            Non xanh lá đỏ suối thơ
     Cảnh em gởi khiến ta ngơ ngẩn rồi
               Mùa thu từ Úc xa xôi
      Ai giữ được lá vàng thôi rời cành
             Cho ta ủ mộng tình xanh
Để quên thực tại mong manh kiếp người.
                                             Quên Đi

 

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Có hay không Luật Xướng Họa Thơ?



Thời gian qua, phong trào Xướng Họa Thơ rộ nở khắp nơi, không chỉ Xướng Họa Thơ theo truyền thống là thơ Đường Luật, mà còn lan sang những thể loại thơ khác, như Thơ Mới, Lục Bát...Một thú vui tao nhã, khiến những người chơi thơ khó lòng cưỡng lại. Tuy nhiên, có vài quan điểm khá khác biệt, do chưa thấy tư liệu nào của Tiền nhân hướng dẫn rõ ràng về các nguyên tắc. Các thư tịch lưu lại cũng không hề đề cập chi tiết về Thi Họa.

Ngày nay, trên mạng đầy dẫy những nguyên tắc Xướng Họa Thơ. Đây có phải do người thời nay tự đặt ra, hay có luật mà chúng ta chưa biết?

Trên thực tế, những gì liên quan đến Đường Luật Thi mà chúng ta thấy, tất cả chỉ dựa theo luật từ các sách Quan Vận của Tàu.

Các học giả Trung Hoa đã soạn nhiều bộ Thi Vận Tập Thành, thường gọi là sách Quan vận, hay Vận thư. Ðời Tùy có sách Thiết Vận; đời Ðường có sách Ðường vận, Quảng Vận; đời Tống theo những bộ sách đời trước, soạn ra bộ Lễ Bộ Vận Lược, được triều đình dùng làm nguyên tắc cho thi vận trong việc khảo thí. Các đời sau cũng theo gương đời Tống, soạn ra những sách Quan vận mới. Nhà Nguyên có sách Trung Nguyên Âm Vận; nhà Thanh có sách Bội Văn Vận Phủ; Trung Hoa dân quốc có Trung Hoa Tân Vận ...Sách Trung Hoa Tân Vận chưa được đem ra áp dụng . Ðược thông dụng nhất là Bội Văn Vận Phủ. Nước Việt Nam không có sách Quan vận. Các cụ ngày xưa đều dùng sách Tàu khi làm thơ chữ Nôm, cũng như khi làm thơ chữ Hán.

"Thơ Nôm Ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng Ta cũng tương tự tiếng Tàu. Nên Thi pháp của Ta là thi pháp của Tàu, và Niêm luật thơ Ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả..."(theo Quách Tấn)

Trong các sách Quan vận, không hề đề cập đến Xướng Họa Thơ. Nhìn vào các Thi Đàn của người Hoa, kể cả các Thi nhân nổi tiếng từ xưa đến giờ, chúng ta không hề thấy bài thơ xướng họa nào như của chúng ta. 

Như thế, có thể kết luận, Xướng Họa Thơ là một thú vui riêng của Việt Nam, do các Thi nhân Việt sáng tạo.

 Xướng Họa xuất hiện bao giờ?

- Quỳnh Quyển Cửu Ca Thi Tập 瓊苑九歌詩集  

Theo các tư liệu, Quỳnh Uyển Cửu Ca Thi Tập (Chữ Hán) là tập thơ Xướng Họa đầu tiên của Việt Nam.

"Quỳnh Uyển Cửu Ca là một tập thơ gồm những bài xướng họa giữa Lê Thánh Tôn và 28 từ thần, xoay quanh 9 đề tài. Tên Quỳnh uyển cửu ca (chín khúc ca ở vườn Quỳnh) là phỏng theo tích Tống Thái Tổ ban yến cho các tiến sĩ, ở Quỳnh lâm uyển, trong cung Phủ Khai Phong của triều đình. Chọn 28 từ thần cũng là phỏng theo điển tích cổ (nhị thập bát tú, nhị thập bát tướng v.v.) ở Trung Quốc.
Tập thơ xuất hiện vào cuối năm Dần, sau hai năm Sửu (1493) và Dần (1494) khớp với Lời Tựa của Lê Thánh Tông và Đào Cử, chứ không phải xuất hiện năm Mão (1495) như ghi chép, chắc là sai sót nhầm lần của Đại Việt sử ký toàn thư...
Bài tựa của vua, ở đầu tập thơ ghi rõ: Ta ngồi yên, ngẫm nghĩ hồi lâu, bèn viết ra 9 bài thơ cận luật, nét chữ rạng rỡ trên giấy vàng. Rồi sai họp các học sĩ họ Thân, họ Đỗ…tất cả 28 người, ứng với “nhị thập bát tú”, thay nhau cùng họa có đến vài trăm bài...
Tập thơ đã được nhà vua cho khắc in để ban bố, hơn một tuần thì xong. Bản in đã mất, những bản hiện còn đều chép tay. Rải rác, có một số bài: Tựa và thơ được in trong các sách thời sau. Tập thơ có 9 bài xướng của Lê Thánh Tông, 28 từ thần, mỗi người họa 9 bài, cộng 29×9=261 bài. Thì hiện còn, qua thống kê, chỉ khoảng trên dưới 250 bài".
(theo GS Bùi Duy Tân)

Như vậy Thơ Xướng Họa có thể xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15, Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú của vua Lê Thánh Tôn khởi xướng. (ngoài ra, những người chơi thơ chắc không lạ gì bài thơ Xướng Họa của Nguyễn Trãi và Thị Lộ, mặc dù đây chỉ là truyền thuyết).

 Có hay không Luật Xướng Họa?

Trước hết, chúng ta cùng nhau tìm hiểu Xướng Họa là gì.

- Theo Hán Việt Tự Điển Trích dẫn
倡: Xướng là Hát, làm thơ, làm ca. § Ai làm trước gọi là xướng
和: Họa; hùa theo, hưởng ứng đáp ứng, chấp thuận, nhận lời. 倡和: Xướng Họa là một người đề xuất chủ trương, người khác phụ họa, hô ứng cùng nhau. Dùng thi từ thù đáp với nhau.

- Theo Đại Tự Điển Hán Việt:
倡 Xướng: Nêu ra, đề ra
和 Họa: là hòa theo. Lên tiếng đáp lại — Đáp ứng, tán thán
倡和 Xướng hoạ: Đọc lên và đáp lại

- Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh
倡: Xướng: dẫn đạo, phát khí ra trước hết
倡:Họa: Đáp tiếng lại, hợp nhau.
倡和 Xướng hoạ: Bên Xướng ra, Bên Họa lại (Bên mở ra trước, phát ra trước. Bên đáp tiếng lại).

Nói chung Xướng Họa có nghĩa là nêu ra, đưa ra và đáp lại, đối lại.
Như thế Xướng Họa không chỉ là đối đáp bằng bài thơ như chúng ta thường hiểu, mà còn đối đáp câu.
Như vậy Xướng Họa gồm có Cú Đối (Đối Câu) và Thi Họa (Đối đáp Thơ).

1 - Cú Đối

Đối có nguồn gốc từ Đối Liên bên Tàu, xuất hiện hơn 3000 năm trước, được xem là tinh hoa của văn hóa Trung Hoa, có xu hướng Biền Ngẫu, nên sau này còn gọi là Đối Ngẫu. Nhưng phải đợi đến thời Lục Triều, Đối Ngẫu mới phát triển mạnh.
Đối là từ viết cho gọn của "Đối Ngẫu". Đối có nghĩa là đáp, chống lại. Ngẫu có nghĩa là đi đôi. Như vậy Đối Ngẫu tức là hai câu đi đôi với nhau, có ý và từ chống lại hay trả lời, hoặc bổ khuyết cho nhau.
Những quy định về luật của câu đối chủ yếu dựa trên những cặp đối ngẫu trong thể Đối Phú, các cặp Thực và Luận trong thơ Đường luật. Từ các sách của Phan kế Bình, Trần Trọng Kim, Quách Tấn, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Ngọc, Nghiêm Toản .v.v.. đều có bài viết rất tường tận về phép làm Câu Đối.

Quan chẳng quan thì dân (b) / chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên (b)/nào lính, nào
cả, nào bàn ba (b)/ xôi làm sao, thịt làm sao, đóng góp làm sao (b); thủ lợn nhìn lâu trở
cả mắt (t).
Già chẳng già thì trẻ (t) / đàn tiểu tử nháp nhô đứng trước (t); này phú, này thơ, này
đoạn một (t) / bằng là thế, trắc là thế, lề lối là thế (t) mắt gà đếm mãi mỏi bên tai (b)"
(theo Dương Quảng Hàm)

2 - Thi Họa

Đối đáp với nhau bằng một bài thơ cùng một thể, một vần, để tỏ sự đồng tình hay chống đối.
Thay vì như Cú Đối chỉ có 1 câu (có thể dài vắn tùy theo người làm Vế Ra), nói đúng hơn, Thi Họa có thể xem như là Cú Đối nhưng là một bài thơ có nhiều câu. Thể thơ dùng mở đầu cho Thi Họa thường là thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú. Bài làm đầu tiên là thơ xướng, bài làm sau là thơ hoạ.
Không như Cú Đối, trong các sách về Việt Thi, chúng ta chưa hề thấy bài viết nào chỉ dẫn tường tận về Luật của Thi họa. Các Cụ viết sách có quên chăng?

Trò chơi nào cũng phải có quy luật của nó. Xướng Họa Thơ không ngoại lệ, vẫn có luật để mọi người theo đó mà chơi.

Quá trình hình thành Luật của các dạng thơ:

Thơ Lục Bát tuy xuất hiện rất lâu, nhưng thuở trước đâu ai nghĩ phải có Luật, chỉ thuận miệng hát hò, sao cho có vần có điệu, nghe êm tai dễ nhớ, dần dà được sử dụng rộng rãi. Tiền Nhân không hề đặt luật, chỉ thuận miệng gieo vần, lâu dần thành thói quen. Đến sau này, các học giả khi nghiên cứu ca dao, mới đặt ra Luật Thơ Lục Bát, như chúng ta biết.

Xa hơn nữa, như Thơ Đường Luật, cũng được kết hợp từ Thơ Cổ Thể, Đối Ngẫu và áp dụng với Tứ Thanh Bát Bệnh của Thẩm Ước mà hình thành. Tuy thế cũng cần thời gian, từ cuối đời Tùy đến thời Sơ Đường mới hoàn chỉnh.

Nhìn lại nền thi ca của Việt Nam, trong ca dao có rất nhiều câu hò đối đáp, được truyền khẩu đến ngày nay. Như:

- Tóc em dài sao em không bới
Để chi dài bối rối dạ anh?

- Tóc em dài em cài hoa thiên lý
Anh ngó làm gì cho bối rối dạ anh?

hay:

- Đố anh chi sắc hơn dao
Chi sâu hơn biển, chi cao hơn trời?
– Em ơi mắt sắc hơn dao
Bụng sâu hơn biển, trán cao hơn trời

- Hò ơ ớ ơ…Gió năm non thổi lòn hang chuột
Tui thấy cô Ba chèo xuồng (ớ ờ) đứt ruột … đứt gan (ơ ơ)…

- Hò ơ ớ ơ…Gió năm non thổi lòn hang chuột
Tui thấy anh chèo xuồng (ớ ờ) tui cũng đứt ruột … bầm gan (ơ ơ)…

và còn rất nhiều.

Trong Xướng Họa Thơ chúng ta còn có bài thơ Xướng Họa 4 câu 7 chữ, tương đồng với lối Hò Đối Đáp, được truyền khẩu, nhưng không biết có phải do Nguyễn Trãi và Thị Lộ đối đáp hay không.

Ả ở nơi nào bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa được mấy con.
                                       Nguyễn Trãi

Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có hỏi chi con.
                                           Thị Lộ

Để mở một hướng mới trong những lúc trà dư tửu hậu, đồng thời nâng thú chơi thơ lên một tầm cao mới, các Cụ Nhà Ta đã mượn kỹ thuật từ Hò đối đáp trong dân gian, kết họp với luật của Cú Đối, Đường Luật Thi, chỉnh sửa thêm thắc đôi chút như Hòa Vận... để thành Luật bất thành văn cho Xướng Họa Thơ.
Trò chơi nào cũng lắm công phu. Theo thời gian, Luật Xướng Họa được các nhà thơ các thế kỷ trước  đến nay, cải tiến không ngừng, nhờ thế chúng ta đã có Luật Xướng Họa hoàn chỉnh và được mọi người chấp nhận.

Kết Luận

Luật Xướng Họa Thơ của chúng ta đã hình thành theo quá trình như thế. Nếu xét cho kỹ, Luật Xướng Họa Thơ vẫn có Luật căn bản chính là Luật Đối. Sở dĩ Luật Xướng Họa không có luật chính thức vì những luật Thơ có văn bản đều là của Tàu. Còn Luật Thơ của người Việt chúng ta đều xuất phát từ truyền miệng, lý do là Thơ của ta không có trong các kỳ thi tuyển chọn nhân tài, chỉ để giải trí vui chơi.
Tuy không hề có Văn Bản chính thức, nhưng Luật Xướng Họa Thơ hiện tại đã được giới thi nhân chấp nhận, như thế xem như đã thành Luật Chính Thức (xem Xướng Họa Thơ từ các Diễn đàn trên Mạng).

Đã là trỏ chơi thì phải có luật chơi. Xướng Họa Thơ cũng thế, những ai chấp nhận chơi thì phải chấp nhận  các nguyên tắc mà tất cả đã chấp nhận, không vì lý do gì mà trống đánh xuôi còn kèn thì thổi ngược, theo luật rừng, ai muốn làm gì thì làm, như thế tất cả sẽ rối lên, và đâu thể gọi là một cuộc chơi tao nhã, không còn gì là thú vui độc đáo, đậm nét riêng của Người Việt Chúng Ta.

Huỳnh Hữu Đức

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Thú Vị


Ai bảo làm thơ chán thấy bà
Thấy bà mà chán thiệt khó tha
Khó tha cũng đáng đừng than thở
Than thở cỡ nào cũng bị la.
                   o0o
Lắm lúc làm thơ thấy thiệt vui
Thiệt vui đến khoái mãi rung đùi
Rung đùi tay vỗ hòa theo nhịp
Theo nhịp lời ngâm giọng quá mùi
                   o0o
Làm được bài thơ khoái tỉ tê
Tỉ tê đến đổi thấy đê mê
Đê mê đúng lúc còn thông cảm
Thông cảm nhà thơ lại thích phê.
                                      Quên Đi