Lê Thánh Tông là một nhà thơ lớn, tác phẩm ông để lại rất phong phú, vừa thơ, vừa văn xuôi, vừa Hán, vừa Nôm... Ông là Tao Đàn Đô Nguyên suý của "Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú". Sau đây là những bài thơ tiêu biểu bằng Hán văn của ông.
安邦風土 An Bang Phong Thổ
海上萬峰宭玉立, Hải thượng vạn phong quần ngọc lập,
星羅奇佈翠崢嶸。 Tinh la kỳ bố thúy tranh vanh.
魚鹽如土民趍便, Ngư diêm như thổ dân xu tiện,
鏵稻無田賦薄征。 Hoa đạo vô điền phú bạc trưng.
波向山坪低處踊, Ba hướng sơn bình đê xứ dũng,
舟穿石壁隙中行。 Chu xuyên thạch bích khích trung hành.
邊氓久樂承平化, Biên manh cửu lạc thừa bình hoá,
四十餘年不識兵。 Tứ thập dư niên bất thức binh.
Lê Thánh Tông
* Chú Thích
:
- An Bang Phong Thổ 安邦風土 : AN BANG là tên lộ thời Hồng Đức, nay là vùng Quảng Ninh. PHONG THỔ là do thành ngữ PHONG THỔ NHÂN TÌNH 風土人情, dùng để chỉ khí hậu, địa thế, tập tục, lễ tiết, thị hiếu... của một địa phương nào đó. Nên
AN BANG PHONG THỔ là chỉ Đất nước con người của xứ AN BANG.
- Quần 宭 : là tụ tập, là ở chung lại với nhau.
- Bố 佈 : là sắp xếp, rải đều ra.
- Tranh Vanh 崢嶸: là Cao ngất, cao chót vót, chênh vênh, ngất nghểu.
- Xu 趍: là rảo bước, đi nhanh (tới trước). Nên XU TIỆN 趍便 là cái phương tiện mà nhiều người hướng tới nhất.
- Hoa 鏵: là cái Lưỡi cày. ĐẠO 稻 là Lúa. Nên HOA ĐẠO chỉ sự canh tác,làm ruộng.
- Phú 賦: là Thuế Phú 稅賦 là Thuế má, Thuế khóa.
- Bạc Trưng 薄征: là trưng thu mỏng, là trưng thu nhẹ.
- Sơn Bình 山坪: Chỗ bằng phẳng của núi.
- Khích 隙: Cái kẻ hở. THẠCH BÍCH KHÍCH 石壁隙 là Cái khe hở của vách đá.
* Nghĩa bài thơ:
Đất Nước Con Người của xứ An Bang
Trên mặt biển như gom góp lại cả vạn ngọn núi giống như những tảng ngọc dựng đứng được bày bố la liệt một cách diệu kỳ với những chóp núi chênh vênh xanh biếc. Cá và muối nhiều như đất, nên dân cúng đều đổ xô sinh sống bằng cái phương tiện nầy, không có đồng ruộng để cày bừa canh tác nên việc trưng thu thuế khóa cũng nhẹ đi. Sóng thì cứ nhằm vào những chỗ bằng phẵng thắp xuống của núi đá mà vỗ vào, còn thuyền thì cứ lách qua những khe hở của vách đá mà đi. Dân của vùng biên tái nầy đã thừa hưởng cái niềm vui thanh bình lâu nay rồi, đã bốn mươi mấy năm hơn mà không biết đến việc binh đao là gì cả!
* Diễn Nôm:
Trên biển núi non như dựng ngọc,
Biếc xanh rải rác ngọn chênh vênh.
Cá nhiều muối lắm dân vui sống,
Ruộng ít đồng không thuế nhẹ tênh.
Sống vổ núi bằng khi nước xuống,
Thuyền len vách đá lúc triều lên.
Vùng ven thanh thản dân an lạc,
Bốn chục năm hơn chẳng chiến tranh.
Lục bát:
Ngàn non trên biển chênh vênh,
Biếc xanh tựa ngọc bồng bềnh khắp nơi.
Cá, muối, dân sống thảnh thơi,
Không đồng không ruộng thuế thời nhẹ tênh.
Bên sườn núi thấp sóng lên,
Thuyền nương kẻ đá lách luồn mà đi.
Thái bình an hưởng thường khi,
Bốn mươi năm lẻ biết gì việc binh !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
***
Phong Thổ An Bang
Sừng sững muôn ngàn ngọn núi xanh
Lô nhô trên biển, đá xây thành
Dồi dào cá muối, dân tìm đến
Khan hiếm ruộng đồng, thuế giảm nhanh
Sóng vỗ bờ xuôi triền xoải cạn
Thuyền qua khe hở đá vây quanh
Thanh bình ngự trị nơi đây mãi
Mấy chục năm rồi chẳng chiến tranh
Phương Hà phỏng dịch
***
An Bang Phong Thủy
Mặt biển xanh núi non sừng sững
Đá xây thành lững thững khắp nơi
Cá nhiều ,muối lắm dân vui
Ruộng đồng khan hiếm thuế thời nhẹ tênh
Dọc bờ núi sóng lên vỗ đá
Thuyền len theo khe hở luồn đi
Chiến tranh nào có biết gì
Bốn mươi năm đã thường khi thanh bình
songquang
***
An Bang Phong Thổ
- An Bang là tên lộ thời Hồng Đức, niên hiệu thứ 2 của Lê Thánh Tông sau Quang Thuận, nay là tỉnh Quảng Ninh, và hai cầu đầu bài thơ tả cảnh Vịnh Hạ Long.
- (*) Phong Thổ 風土: Theo Tự điển Đào Duy Anh (trang 124 quyển Hạ) Phong Thổ có nghĩa là phong tục thổ nghi của một địa phương - Khí hậu của một nơi.
Nhưng qua ý bài thơ này, tả nét đep, cái được của vùng An Bang, theo Quên Đi nghĩ chữ 豐 có lẽ hợp lý hơn.
Dịch Nghĩa: Nét Đẹp Vùng Đất An Bang
Trên biển, muôn ngọn núi vươn lên như những viên ngọc tụ lại
Bày biện thật diệu kỳ giống những ngôi sao cao chót vót giữa màu xanh biếc
Nơi này cá và muối rất nhiều, nên ngườì dân nương theo đó làm ăn thật thuận tiện
Không có ruộng lúa hoa màu, nên thuế đóng rất nhẹ
Sóng hướng về phía thấp của núi mà nhảy mạnh lên
Thuyền len lỏi giữa khe hở của hai vách núi mà đi
Người dân ở vùng biên giới sống sung sướng trong cảnh yên bình lâu rồi
Đã hơn bốn mươi năm họ không hề biết đến chiến tranh.
Dịch Thơ: An Bang Phong Thổ
Muôn núi ngỡ rằng ngọc khắp nơi
Diệu kỳ xanh biếc tựa sao trời
Nơi nhiều cá muối dân vui hưởng
Ruộng chẳng hoa màu thuế nhẹ thôi
Sóng vỗ triền non tràn chỗ thấp
Thuyền len khe núi tiến ra khơi
Từ lâu biên giới dân yên ổn
Bốn mấy năm rồi đao kiếm lơi.
Quên Đi