Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Tuyệt Tình

  
Tình nhân hề cách biệt
Yêu khó thể vuông tròn
Chung thủy giờ đâu nữa
Mộng mơ đã chẳng còn
Câu thề dù bể cạn
Lời nguyện dẫu non mòn
Cũng chỉ là hư ảo
Nhớ gì chữ sắc son.
                   Quên Đi

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Ca Dao Cạo 2


Nhà em lối nhỏ quanh co
Đêm đen tối mịt Qua mò không ra

Gió nam non thổi lòn hang dế
Qua nhớ mình chẳng kể tháng năm
Muốn tìm đến để hỏi thăm
Sợ tía má Bậu lầm bầm chẳng ngưng

Vợ thường to nhỏ anh à
Phở thì phải tốn cơm nhà sẵn đây
Thịt thà canh cá đủ đầy
Hơi đâu đổi món hao gầy tấm thân.
                                  Quên Đi

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Tan Tác


Trách nhau chi khi đời rẽ lối
Nhớ làm gì những chuyện đã qua
Bao nhiêu tình cảm dẫu thiết tha
Nào có khác những bong bóng nước

Còn đâu những ngọt ngào hai đứa
Từng đổi trao giây phút yêu đương
Giờ đây chỉ mỗi một con đường
Chia tay để giữ tròn tình nghĩa

Đã xa lắm những gì thắm thiết
Hãy quên đi lời nói yêu thương
Giờ đôi câu khách sáo bình thường
Thay đổi hết chỉ còn ký ức

Trong thầm lặng nỗi buồn gặm nhấm
Nghe con tim rên rỉ không thôi
Để đắng cay dày xéo từng hồi
Đau xót lắm mối tình tan vỡ.
                                    Quên Đi

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Duyên Thơ

Đường Luật thi vào Việt Nam, được hưởng ứng nhiệt liệt. Do tinh thần dân tộc, Tiền nhân đã thể hiện sự tự chủ qua dạng thơ Đường Luật Thất Ngôn xen Lục Ngôn. Người khởi xướng là Ức Trai Tiên Sinh Nguyễn Trãi. Dạng này thường được nhiều Thi gia danh tiếng hưởng ứng như Lê Thánh Tôn và thi đàn Nhị Thập Bát Tú, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hữu Chỉnh...Vì thế dạng này được các học giả Việt xếp vào dạng thơ Đường Luật Chính thể như các dạng Thủ Vỹ Ngâm, Liên Hoàn (Liên Châu), Thuận Nghịch Độc... đặc biệt là Nữ sĩ Hồ Xuân Hương với bài tứ tuyệt xướng họa rất độc đáo với thi sĩ Chiêu Hổ:  

Trách Chiêu Hổ

Xướng                                                     Họa:
Ônh đồ tỉnh, ông đồ say,                          Này ông tỉnh! Này ông say!
Sao ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày?      Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày!
Này này chị bảo cho mà biết.                  Hang hùm ví bẵng(2) không ai mó,
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.               Sao có hùm con bỗng(3) trốc tay?

                    Hồ Xuân Hương                                                    Chiêu Hổ



Xướng:
        Duyên Thơ

(Dạng thơ Đường Luật Thất Ngôn xen Lục Ngôn)

Long Hồ vẫn mực nghiên bày
Đây Blog bao năm đã miệt mài
Đại vũ không che mờ trí dũng
Cuồng phong khó cản bước danh tài
Thi đàn hội tụ ngàn hương tỏa
Văn các tương giao vạn sắc khai
Ai đó tao nhân mời góp bút
Vườn Thơ hoa rực sáng tương lai 
                                    Quên Đi
***
Các Bài Họa:

Tình Xưa, Nghĩa Cũ, Tùy Duyên!


Sĩ khí Vĩnh Long hẵn bày
Bút nghiên đỗ đạt ắt dồi mài
Quê hương nổi tiếng đây hùng dũng
Đất nước vang danh đó thiện tài
Mặc khách Diễn Đàn nơi hội tụ
Tao nhân Văn Bút chốn công khai
Bốn phương xướng họa cùng thi hữu
Bỉ cực qua rồi tới thái lai... 
                         Mai Xuân Thanh
                          Ngày 09/05/2020
***
             Bút Hoa

Thiên nga đan cánh chao bày
Hoa bút tô trên vạt đá mài
Từng nét đan thanh xanh biếc tóc
Bao câu diễm tuyệt mực son tài
Thơ như bạch tuyết vờn mây trắng
Chữ tựa trăng vàng chiếu nguyệt khai
Thi khách chập chờn nghe sáo trổi
Ngữ ngôn văn học đẹp thời lai...
                    Hawthorne. 9 - 5 - 2020
                            Cao Mỵ Nhân
***
          Duyên Thơ


Nghiên mực nơi đây đã bày
Đề thơ động bút gắng dùi mài
Dạt dào cảm xúc mong trao đổi
Mộc mạc đôi câu thử trổ tài
Xuất hiện Thi đàn trăm kẻ đến
Vườn thơ đua nở vạn hoa khai
Long Hồ giữ lửa tình tri kỷ
Đừng phụ lòng đây khách vãng lai 
                          Kim Phượng
***
                  Ẩn Sĩ


Đau lòng vận nước an bày
Ẩn sĩ bâng khuâng bảo kiếm mài.
Tóc dựng đường gươm phô dũng khí
Thơ ngâm nét bút rõ thi tài.
Thu về hiu hắt sen tàn tạ
Sương xuống lờ mờ cúc triển khai.
Lướt khướt bên rừng buông xả mộng
Trăng tà tỉnh giấc nửa giường lai!
                                   MaiLoc
                                 5-10-2020
***
         Nợ Thơ

Long Hồ Blog Vĩnh sẵn bày
Theo chân học hỏi cố công mài
Chọn lời cảm bút cùng thi hữu
Lựa chữ đề thơ với bậc tài
Lục Bát Cước Yêu vần thật khó
Đường Thi Bằng Trắc luật vừa khai
Lâu lâu xướng họa bài ưng ý
Bĩ cực qua rồi mới thới lai. 
                           Kim Oanh
***
              Chí Khí

Tấm lòng son khó phân bày
Chí khí hiên ngang vẫn giũa mài
Thất thế khôn tàn phai bản sắc
Sa cơ chẳng lụn bại anh tài
Đang khi ẩn nhẫn, lòng kiên định
Đến lúc rộn ràng, ý mãn khai
Truyền thống Lạc Hồng luôn vững chắc
Tiên Rồng dòng giống giữ không lai. 
                                      Phương Hà
***
            Lạc Điệu(*)

Duyên Thơ đẹp nét phô bày
Khó chối từ nên kiếm bút mài
Họa với Quên Đi bậc hảo thủ
Se cùng Mai Lộc đấng anh tài
Cộng thêm Kim Phượng như ngô “pop” (**)
Lấn tới Kim Oanh thể pháo khai
Chiêu Đức,Xuân Thanh và Sỏi Đá(***)
Song Quang Đắc Thăng cũng lai lai…

(*) Xin lỗi,mắt kém nên bài trước sai cách ở câu 1
(**) Oan cho Kim Phượng khi tui dùng từ này
(***) Tựa một bài của Chị Phương Hà 
                                         Thái Huy 
                                            5/11/20
***
          Cam Tâm

Nợ thơ giờ ráng phơi bày
Từ chối e người lại trách lai
Số kiếp con tằm đành nhả kén
Tấm thân sỉ tử phải dùi mài
Gặp thời xuân đến hoa khoe sắc
Đúng tiết hè sang nụ mãn khai
Nào dám học đòi trang hảo hán
Cam tâm lép vế chẳng đua tài 
                        Songquang
                         20200512
***
Bài Cảm Tác:

      Dệt Mối Duyên Thơ

Bĩ cực qua rồi chuyển thái lai
Buồn vui nóng lạnh chẳng tranh tài
Thi đàn vạch hướng cài tâm điểm
Mạng nét chia luồng mở ngưỡng khai
Tuổi hạc trầm ngâm vùng cám dỗ
Lòng quê khắc khoải chuỗi an bài
Hanh vàng nắng tỏa chiều thanh đạm
Gió thoảng chen đùa những cội mai. 
                              Mai Thắng 
                                  200511

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Đường Luật Thi Vần Trắc?


             



Trong thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện nhiều bài thơ làm theo Đường Luật thi, nhưng lại gieo vần Trắc. Các nhà thơ hiện đại gọi đó là thơ Đường Luật Vần Trắc! Tôi thật sự rất ngỡ ngàng, vì từ lúc biết, làm quen, học hỏi, tìm hiểu và làm thơ Đường Luật, tôi chưa hề biết đến thơ Đường Luật có gieo vần Trắc.
Sự thật thế nào, Thơ Đường Luật có gieo vần trắc không?
Để giải đáp thắc mắc, tôi truy tìm trong các Thư Tịch của các Học giả Nho gia cận đại, từ cuối thế kỷ 19 đến tiền bán thế kỷ 20. Đồng thời nhờ anh bạn chí thân là Đỗ Chiêu Đức sưu tầm bài viết về Đường Luật Thi của Học giả Trung Hoa.

 1- Theo Các Học giả Việt:

- Theo các giáo sư Nghiêm Toản, Dương Quảng Hàm...khi viết về Thơ Đường Luật, đều cho rằng thơ này chỉ gieo vần bằng, không hề nói đến vần trắc.
- Theo Trần Trọng Kim viết trong quyển Việt Thi nơi trang 34:
"Thơ Luật chỉ dùng độc vận và chỉ dùng vần bằng, chứ không dùng vần trắc. Những bài thơ người ta gọi lầm là thơ luật vần Trắc, chỉ là thơ Cổ Phong làm theo lối thơ Luật đổi ra vần Trắc, chứ trong Đường thi không bao giờ có thơ luật vần trắc".
- Theo Phan Kế Bính viết trong Việt Hán Văn Khảo ở trang 9:
"Đó là Luật thơ vần bằng làm theo vần Trắc thì cũng theo điệu ấy mà điên đảo lên mà thôi"
- Theo Trương Minh Ký và Thế Tài trong quyển "Thi Pháp Nhập Môn", quyển xưa nhất mà tôi biết, phát hành năm 1898, khi đề cập đến gieo vần trong Đường Luật Thi, cũng chỉ hướng dẫn gieo vần bằng và không hề đề cập đến gieo vần trắc.

Các thí dụ về thơ Vần Trắc của Thi Nhân Việt:

          Cảnh Tết
                     Nguyễn Khuyến

Năm ngoái, năm kia đói muốn chết
Năm nay phong lưu đã ra phết
Thóc mùa, thóc chiêm hãy còn nhiều
Tiền nợ, tiền công chưa trả hết
Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng
Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt
Ta ước gì được mãi như thế
Hể hết Tết rồi, thời lại Tết.

Chúng ta thấy bài thơ Niêm, Đối rất chỉnh chỉ sai luật Bằng Trắc mà thôi.

       Qui Tiều
           Bùi Ưu Thiên

Rừng lau gió xao xác
Chim hôm bay lác đác
Gánh củi lững thững về
Đường quen không sợ lạc.

Câu 1 và câu 3 sai bằng trắc.

Nhìn thi ca của các tiền nhân Việt, chúng ta hiếm thấy những bài thơ gieo vần Trắc. Nếu có, cũng không hề theo đúng hoàn toàn luật của Đường luật thi.
Chúng ta thử tìm hiểu ý kiến của học giả Trung Hoa, quê hương của Đường Luật thi, qua sưu tầm của anh Đỗ Chiêu Đức.

2- Theo Học Giả Trung Hoa 

Với sự tận tâm, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, anh Chiêu Đức đã gởi cho tôi đường Link bài viết của các nhà cứu Trung hoa:

Đây là tổng hợp các tài liệu:


Dưới đây là trích đoạn bài dịch tổng hợp của anh Chiêu Đức :
           Căn cứ theo tài liệu nghiên cứu của Vương Lực王力, một học giả cận đại chuyên nghiên cứu về Luật Thi đời Đường thì:"Thơ Đường luật đời Đường, mặc dù có những tác phẩm gieo vần trắc, nhưng rất ít. Một ít tác phẩm thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt và Ngũ ngôn luật thi, còn Thất ngôn tuyệt cú và Thất ngôn luật thì lại càng hiếm thấy. Đại bộ phận Ngũ ngôn tuyệt cú đều được xếp vào "Ngũ Ngôn Cổ Phong", nên thơ gieo "Vần Trắc" đều được liệt vào nhóm "Cổ Thể Thi". Theo học giả Vương Lực thì:
      "Thơ Chính luật Đường Luật lấy VẦN BẰNG làm chính, còn VẦN TRẮC thì giống như thơ Cổ Phong. Ta phân biệt chúng bằng cách căn cứ vào LUẬT BẰNG TRẮC trong một câu thơ làm tiêu chuẩn". Theo như mẫu BẰNG TRẮC dưới đây :

   * NGŨ NGÔN:               
                 1.仄仄平平仄      T T B B T
                 2.仄仄仄平平      T T T B B
                 3.平平平仄仄      B B B T T
                 4.平平仄仄平      B B T T B
   * THẤT NGÔN:
                 1. 平平仄仄平平仄    B B T T B B T
                 2. 平平仄仄仄平平    B B T T T B B
                 3. 仄仄平平平仄仄    T T B B B T T
                 4. 仄仄平平仄仄平    T T B B T T B

Như bài kệ VÔ MÔN QUAN của Tuệ Khai Thiền Sư đời Tống 宋.慧開禪師《無門關》như sau

      春有百花秋有月, Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt,    BTTBBTT   Sai luật
      夏有涼風冬有雪; Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết.   TTBBBTT   Đúng luật
      若無閒事掛心頭, Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu,         TBBTTBB   Sai luật
      便是人間好時節。 Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.           TTBBTBT   Sai luật

      Ba câu trên còn giữ được "Nhị tứ lục phân minh", câu bốn thì bỏ luôn " Nhị tứ lục" và bài kệ cũng Thất cả Niêm. nên chỉ kể là Cổ Phong chứ không kể là "Thất Ngôn Tứ Tuyệt". 

      Lại như bài Thất ngôn bát cú "Ý TỰ" của Hàn Ốc 韩偓的《意绪》đời Đường :

     绝代佳人何寂寞,Tuyệt đại giai nhân hà tịch mạc,         仄仄平平平仄仄     Đ.luật
     梨花未发梅花落。Lê hoa vị phát mai hoa lạc.                平平仄仄平平仄     S.luật
     东风吹雨入西园,Đông phong xuy vũ nhập tây viên,     平平平仄仄平平     S.luật
     银线千条度虚阁。Ngân tuyến thiên điều độ hư các.       平仄平平仄平仄     S.luật
     脸粉难匀蜀酒浓,Kiểm phấn nan quân Thục tửu nùng,  仄仄平平仄仄平     Đ.luật
     口脂易印吴绫薄。Khẩu chi dị ấn Ngô lăng bạc.              仄平仄仄平平仄     S.luật
     娇娆意态不胜羞,Kiều nhiêu ý thái bất thắng tu,           平平仄仄仄平平     Đ.luật
     愿倚郎肩永相着。Nguyện ỷ lang kiên vĩnh tương trác.    仄仄平平仄平仄     S.luật

     Bài thơ có Vần Trắc trên đây, Niêm rất chỉnh, Đối rất chỉnh, Luật thì có câu Sai câu Đúng, nhưng vẫn không kể là Luật Thi được. 

     Từ các ví dụ trên đưa tôi đến kết luận là :

     Thơ TRẮC VẬN (Vần Trắc) thuộc phạm trù của thơ CỔ PHONG, nên "Không thể kể là thơ Đường Luật "  Chính Luật được. Nhưng thơ Vần Trắc cũng có nét độc đáo riêng, NÓ có thể nới lỏng hơn về Cách Luật trong từng câu, Niêm Luật và yêu cầu về Đối Xứng cũng dễ dàng hơn, dễ diễn tình diễn ý hơn mà âm điệu cũng hấp dẫn và lạ tai hơn, không đơn điệu gò bó như Luật Thi, nên thỉnh thoảng ta cũng hay bắt gặp một vài bài thơ độc đáo của các tác giả nổi danh tìm đến với không gian mới thông thoáng hơn...

Trên là các thí dụ và kết luận của Học giả Trung Hoa Vương Lực.


Và tiếp theo là ý kiến của Anh Chiêu Đức:

Nhưng....
                     Trước mắt, các bạn thơ, các người thơ trong Vườn Thơ Thẩn hay các thi nhân, thi sĩ làm thơ Đường Luật gieo vần Trắc, nhưng vẫn giữ đúng NIÊM, LUẬT, VẬN một cách nghiêm chỉnh. Theo tôi thì đó cũng là một diễn biến theo thời đại của Luật Thơ, nên ta vẫn có thể gọi đó là  TRẮC VẬN LUẬT THI 仄韻律詩 là : "Thơ Đường Luật được gieo vần Trắc" cho hợp với trào lưu tiến hóa, chớ nếu gọi bằng thơ CỔ PHONG hay CỔ THỂ thì nghe có vẽ CỨNG NGẮT không linh động thông thoáng chút nào cả ! Những từ chuyên môn như "Cổ Phong, Cổ Thể" chỉ để nghiên cứu và chỉ nên gọi ở trên lớp khi đang giảng cho các học viên mà thôi!
        Đó chỉ là ý kiến riêng của tôi, chỉ gởi đến anh để tham khảo!
                                                                                                                   Nay kính,
                                                                                                                Đỗ Chiêu Đức



3 - Kết Luận

Như ý kiến anh Chiêu Đức, chỉ khi giảng giải trên giảng đường, lớp học thì phân biệt rõ ràng đâu đó. Còn trong giải trí vui chơi thì không nên cố chấp cứng nhắc.

Qua tất cả những tư liệu, ý kiến, những bài thơ thí dụ trên, các học giả Việt Nam cũng như Trung Hoa đều xác nhận là không hề có thơ Đường Luật Vần Trắc.

Như thế, chúng ta có thể kết luận Thơ Đường Luật không hề gieo vần Trắc, chỉ duy nhất là vần Bằng. Nên không thể gọi các bài thơ gieo vần trắc làm theo luật thơ đường là thơ Đường luật, kể cả trong vui chơi giải trí. Nếu không, sẽ tạo nên một sự nhầm lẫn tai hại, cho những ai không vào học ở trường lớp, giảng đường, mà muốn tìm hiểu, học hỏi về thơ Đường Luật Chính Luật trên trang mạng xã hội.


Huỳnh Hữu Đức