Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Chú Thích Các Phần Trước


Chú Thích:


(1) Tiếng Miên Prey Nokor có nghĩa là khu rừng của quốc gia. 
(2) Hiện những khám phá về chứng tích của thời đồ đá vẫn còn được lưu trữ bên Viện Bác Cổ Ba Lê. (3) Còn có tên là thành Sài Gòn. 
(4) Hoàng Đế Quang Trung băng hà vào lúc mới 40 tuổi. 
(5) Tức Rạch Tàu hay Arroyo Chinois. 
(6) Thành Sài Gòn đã bị người Pháp phá hủy ngay sau khi họ chiếm xong Gia Định. 
(7) Khi người Pháp chiếm thành Gia Định vào năm 1860, chợ Bến Thành hay chợ Mới nằm gần bến nước và thành Sài Gòn. 
(8) Chợ Cũ bị Pháp phá bỏ năm 1913. 
(9) Khi đào mống để xây nhà thờ Đức Bà, người ta bắt gặp một lớp tro, gạch và đá cháy vụn mà bề dầy khoảng 3 tấc tây. Có thể đây là kho chứa lương thực của Lê văn Khôi bị binh lính Minh Mạng đốt vào năm 1835, người ta cũng bắt gặp rất nhiều tiền kẽm bị cháy rồi quện lại thành khối, súng đạn, và những hũ đựng hài cốt trẻ em. 
(10) Cửa Gia Định hướng ra chợ cũ và cửa Phan Yên nằm trên con đường bọc theo kinh Cây Cám, ngày nay đã bị lấp mất. 
(11) Cửa Vọng Khuyết tọa lạc khoảng Cầu Bông và Cung Thìn tọa lạc lối Cầu Kiệu ngày nay. 
(12) Cửa Hoài Lai tọa lạc lối rạch Thị Nghè và cửa Phục Viễn cũng tọa lạc lối rạch Thị Nghè. 
(13) Cửa Định Biên tọa lạc lối ngã tư Công Lý và Hồng Thập Tự và cửa Tuyên Hóa tọa lạc lối đường Võ Tánh. 
(14) Năm 1860, trong khu vực Sài Gòn, thực dân Pháp đã phá sập chùa Khải Tường, chùa Từ Ân và đình Tân Khai. 
(15) Bây giờ là các quận 5, 10, 11, 6, và 8. 
(16) Năm 1923, Sài Gòn-Chợ Lớn có tổng dân số trên 600 ngàn người. 
(17) Nhưng mãi đến năm 1946, dân số Sài Gòn mới lên tới 492 ngàn người. Theo thống kê dân số thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa, năm 1884, 15 ngàn; năm 1923, 117 ngàn; năm 1936, 256 ngàn; năm 1946, 492 ngàn; năm 1967, 1.376.00; năm 1975, 1.825.000 người.
(18) Vào năm 1860, thành phố Chợ Lớn cách Sài Gòn khoảng 6 cây số về phía tây nam. 
(19) Sài Gòn là thành phố của người Việt.
(20) Chợ Lớn là thành phố của người Hoa. 
(21) Rạch Bến Nghé. 
(22) Đường xe lửa Sài Gòn-Chợ Lớn-Mỹ Tho dài khoảng 72 cây số, song song với Rạch Tàu. 
(23) Có lẽ do chiến tranh, dân chúng các vùng nông thôn bất ổn đã dồn về thành phố. 
(24) Tướng Trần Thượng Xuyên và 3.000 người Minh Hương đã đến đây khai hoang lập ấp từ năm 1679. 
(25) Ngay từ lúc thực dân Pháp mới chiếm Nam Kỳ, ngành thương mãi lúa gạo ở Sài Gòn đã nắm giữ một vai trò quan trọng tại xứ Nam Kỳ. 
(26) Sau năm 1975, là quốc lộ 1A. 
(27) Khúc từ Cát Lái đến Vàm Cỏ Đông. 
(28) Trong số 5,5 nầy có 2,5 triệu tấn dành cho dân sự và 3 triệu tấn dành cho quân sự.(29) Sau năm 1954, các tuyến đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho và Sài Gòn-Gò Vấp đều bị hủy bỏ. 
(30) Phúc Đức Chính Thần. 
(31) Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1877 (do Thống sứ Nam Kỳ cung cấp 2.5 triệu quan Pháp để xây cất. Thánh đường dài 133 mét, rộng 33 mét và cao 21 mét. Tháp chuông cao 57 mét được xây năm 1895. 
(32) Nhà thờ được ông bà Huyện Sỹ, một gia đình trọc phú thời bấy giờ, bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1902, bên trong hậu cung còn có phần mộ bằng cẩm thạch của ông bà Huyện Sỹ. 
(33) Nhà thờ Chợ Quán được xây lên từ năm 1674, do giáo dân Bắc và Trung xây dựng. Năm 1887 cha xứ Nicolas Hamm khởi công xây dựng lại toàn bộ. Đây là ngôi nhà thờ uy nghi và lớn bậc nhất ở vùng Chợ Lớn. 
(34) Nhà thờ Cha Tam được xây dựng từ năm 1900. 
(35) Đến năm 1924, sở thú được nới rộng thêm 10 mẫu tây nữa nên người Pháp cho xây thêm viện Bảo Tàng Blanchard de la Boss trong khuôn viên sở thú. Viện Bảo tàng nằm về bên trái, gần cửa Vườn Bách Thảo. Viện Bảo Tàng Quốc Gia được chính thức xây dựng từ năm 1927, hiện có trên 17.000 cổ vật được lưu trữ tại đây. Trong viện Bảo Tàng có phòng trưng bày về lịch sử các triều đại từ thời nguyên thủy, đến Hùng Vương, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Gia Long... Còn có phòng trưng bày các tượng Phật cổ, đồ gốm các xứ Á Châu bao gồm các quốc gia đã bị diệt vong như Phù Nam và Chiêm Thành...Ngoài ra, năm 1968, người ta còn khai quật được tại xóm Cải thuộc quận 5, một xác ướp trên 2000 năm, hiện được trưng bày trong viện bảo tàng. Ngoài ra, Bảo Tàng Viện Việt Nam còn lưu trữ rất nhiều cổ vật, trong đó có nhiều bia đá khắc chữ Khmer, và nhiều trụ đá chạm trổ rất mỹ thuật, cùng nhiều tượng Phật (tượng Cổ Phật ngồi buông chân thõng xuống, xuất xứ từ Xuân Thọ và Sa Thịnh, thuộc tỉnh Trà Vinh; tượng Phật đứng, đào được ở Trung Điền, tỉnh Vĩnh Long; những tượng Phật khác đào được ở Bến Tre. Ngoài ra, còn có những tượng Đầu Phật đào được ở Rạch Giá, Sa Đéc, Tiểu Cần, Trà Vinh, Cần Giuộc, Tân An, vân vân), tượng Bồ Tát (tượng Lokavara ở Trà Vinh; tượng ở Lưu nghiệp An ở Trà Vinh; tượng Hộ Pháp ở Bến Tre; tượng Nam Thần 4 tay ở Kiến Tường; tượng Nam Thần đào được ở Núi Sập; tượng Nam Thần đào được ở Óc Eo; tượng Visnu đào được ở Tây Ninh; tượng Nữ Thần Uma giết hung thần Trâu ở Trà Vinh; tượng Nữ Thần đào được ở An Giang; tượng không đầu đào được ở chùa Linh Sơn trong tỉnh An Giang. Ngoài ra, còn có rất nhiều tượng người múa khăn, tượng voi, tượng sư tử, tượng đầu quái vật Garada đào được ở Trà Kiệu tỉnh Quảng Nam), vân vân. Năm 1929, người Pháp cho xây Temple de souvenir phỏng theo kiến trúc cung đình Huế, trên lầu có thư viện rộng rãi. Năm 1956, chính quyền VNCH tu sửa lại viện Bảo Tàng và cho đổi tên là Viện Bảo Tàng Quốc Gia Sài Gòn, và cho đổi tên Sở Thú làm Thảo Cầm Viên. Hiện Thảo Cầm Viên có trên 590 con thú thuộc 125 loài; thực vật có trên 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài; 23 loài lan quốc nội; 33 loài xương rồng; 34 loại bonsai và thảm cỏ trên diện tích 20 mẫu tây. 
(36) Dinh Gia Long được thực dân Pháp xây vào năm 1890, do một kiến trúc sư người Pháp tên Alfred Foulhoux vẽ kiểu, dùng để trưng bày các đặc sản của Nam Kỳ, nhưng sau đó Thống đốc Nam Kỳ trưng dụng làm tư dinh, rồi lần lượt trở thành tư dinh của Thống đốc Nhật Minoda, tư dinh của Khâm sai đại thần Nguyễn văn Sâm, trụ sở của Cao Ủy Cộng Hòa Pháp, dinh Thủ hiến Trần văn Hữu, dinh của Thủ hiến Nam Phần, dinh Gia Long của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sau năm 1963 dinh Gia Long được làm trụ sở Tối Cao Pháp Viện VNCH. 
(37) Bưu Điện Sài Gòn được xây dựng từ năm 1861, chiếc đồng hồ lớn treo trên cửa chính Bưu Điện có tuổi thọ bằng tuổi thọ của tòa nhà. 
(38) Sở Thú được chính quyền thuộc địa Pháp xây từ năm 1864 trên khu đất rộng 12 mẫu tây, do một nhà nghiên cứu thảo mộc nhiệt đới tên là J.B. Louis Pierre phụ trách. Sở Thú tọa lạc ở cuối đường Thống Nhất, giáp ranh với rạch Thị Nghè và chạy ngang phía trước là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong vườn, người ta xây dựng những con đường ngang dọc thẳng tắp, rất sạch sẽ khang trang. Ngoài ra, còn có nhiều con rạch là những chi lưu của rạch Thị Nghè, hoặc được người ta mới đào sau nầy. Có nhiều loại động vật nhiệt đới được đưa về nuôi tại đây. 
(39) Dinh Norodom hay dinh Độc Lập, được Pháp xây từ năm 1873, được chính phủ đệ nhị Cộng Hòa dùng làm dinh Tổng Thống, sau năm 1975, chánh quyền mới dùng nơi này làm Hội Trường. 
(40) Vườn Tao Đàn. 
(41) Toàn bộ quận Tân Bình gần như nằm tại trung tâm của thành phố Sài Gòn mới (HCM) nầy. 
(42) Gồm các quận 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức. 
(43) Gồm các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè.

***

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
Đất Phương Nam Quyển 1

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Việt Thi - Trần Trọng Kim


Thưa Quý Độc Giả thân mến,
Trong thời gian gần đây, phong trào làm thơ nở rộ, xuất hiện rất nhiều Nhóm Thơ, Thi đàn... từ đó nhu cầu tìm hiểu về Dạng thơ, Thể thơ và Luật thơ... rất lớn. Chính vì thế, có nhiều trang mạng giới thiệu các bài viết về Luật Thơ. Đây là việc làm rất tốt đối với người yêu thơ chúng ta, tuy nhiên ở một số trang, có vài bài viết hơi lệch lạc. Để tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn cho những người yêu thích và làm thơ, bắt đầu từ ngày 01/4/2019  trang Huỳnh Hữu Đức  giới thiệu quyển Việt Thi của Trần Trọng Kim đến quý Độc giả và những người thích làm thơ tham khảo; nắm vững thêm các căn bản về Luật Thơ và các thể loại thơ.
Thân ái kính chào
 Huỳnh Hữu Đức

***


Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Nàng Tiên Gạo


Ngày xưa, có một nhà chỉ có hai mẹ con. Người mẹ già yếu, không đi nương rẫy làm được nữa. Cô gái rất thương mẹ, suốt ngày chăm chỉ làm lụng nuôi mẹ già.
Năm ấy hạn hán to, mất mùa đói kém xảy ra. Cô gái và mọi người trong làng đổ dồn về làm thuê cho lão nhà giàu trong vùng.
Lão bắt mọi người làm việc cả ngày nhưng chỉ cho ăn một bát cơm độn với rất nhiều ngô sắn. Mỗi ngày cô ăn nửa bát cơm, còn nửa bát cô gói mang về cho mẹ.
Ban đêm, cô phải ngủ cạnh kho lúa canh chuột. Một đêm, vừa chợp mắt thì cô nghe thấy tiếng thở dài, rồi một giọng dịu dàng: “Ta là Tiên gạo đây. Ta đã nhầm khi giúp lão keo kiệt kia, có của mà không biết thương người. Lão xưa kia nghèo khổ, nhưng thương người nên ta giúp hắn trở nên giàu có. Nhưng càng giàu hắn càng thay đổi tính nết, đâm ra tham lam độc ác. Rồi ta sẽ trị lão thích đáng”.
Khi nương lúa vàng ươm, chỉ còn đợi gặt. Lão sợ người làm trộm lúa nên đuổi hết thảy mà chẳng trả một xu. Bỗng nước từ đâu ào tới tràn ngập nhà lão, lúa má trên nương dưới ruộng đều bị cuốn sạch. Sau đại hạn, mưa thuận gió hòa, khắp nơi được mùa. Trong khi đó lão nhà giàu gọi người làm nhưng không ai đến. Họ bảo nhau tránh xa lão tham lam keo kiệt. Lão khánh kiệt, không còn nổi bát cơm ăn.
Cô gái lại vào rừng đào củ, hái măng, tần tảo nuôi mẹ già. Một hôm vừa ra đến cửa rừng thì gặp bà lão ăn mày. Bà cụ run lẩy bẩy vì rét, miệng rên hư hử: “Tôi… mệt… Tôi… đói!”. Cô vội vàng vơ lá đốt lửa sưởi, nướng măng cho bà ăn. Bà cụ nhai ngon lành, hết cái măng thì kêu khát nước. Cô liền xách ống tre ra suối lấy nước. Trở lại, chẳng thấy bà cụ đâu. Chỉ thấy cái gùi không. Cô bèn đeo gùi về định hôm sau trả lại, nhưng mãi chẳng gặp lại bà cụ. Cô đành cất gùi lên gác bếp.
Kỳ lạ thay, đi làm về, cô lại thấy trong gùi có đầy thóc. Thì ra đó là những hạt ngọc nuôi sống con người mà bà tiên đã ban tặng cho cô. Cô gái mang thóc cho mọi người làm giống. Dân trong làng chẳng bao giờ biết đến cái đói cái rét nữa. Từ các cụ già đến trẻ con, ai cũng tấm tắc khen cô gái đẹp người lại đẹp nết.
Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Thu Cô Liêu

Thu Cô Liêu

Người đi đã mấy mươi thu
Trong lòng ấp ủ bóng mù mù xa
Mùa thu đôi mắt nâu pha
Ngàn năm vỗ giấc trăng tà cô liêu
                               Kim Oanh
Họa Thơ

Buồn Vào Thu 

Ta buồn vì lá vàng thu
Trời buồn nên khiến sương mù giăng xa
Tình người há dễ phôi pha
Chìm trong kỷ niệm canh tà tịch liêu.
                                       Quên Đi
***

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Di Tích Lịch Sử Và Danh Lam Thắng Cảnh Tại Vùng Sài Gòn



Về di tích lịch sử, Sài Gòn có Lăng Ông Bà Chiểu, nơi thờ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt, hàng năm lễ giỗ của Ngài được cử hành rất long trọng trong ba ngày 29, 30 tháng 7 và mồng 1 tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, vào những ngày Tết, dân chúng địa phương thường tới lui lễ bái và xin xâm cầu lộc cầu tài rất đông. Ngoài ra, vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định là nơi có đông đảo người Việt gốc Hoa nên nơi nào cũng có Chùa Ông Bổn, là nơi thờ cúng ông Châu Đạt Quan, một viên quan Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên, chùa Ông Bổn thường tổ chức lễ vía Ông vào hai ngày rằm tháng giêng và rằm tháng 8. Trong vùng Chợ Lớn còn có chùa Bà Thiên Hậu, do người Hoa xây vào năm 1760. Trong chùa hiện còn có một chuông đồng được đúc vào năm 1796 và một bia đá khắc về lai lịch của chùa vào năm 1859. Đình Phú Nhuận được xây vào đầu thế kỷ XVIII, lễ kỳ yên cúng đình được dân địa phương tổ chức rất trọng thể vào ba ngày 16, 17và 18 tháng giêng âm lịch. Trong quận Gò Vấp có miếu thờ Ông Địa(30), được xây vào đầu thế kỷ thứ XIX và được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852, hằng năm lễ hội Ông Địa diễn ra vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch. Trong quận 8 có Đình Bình Đông, được xây dựng từ thế kỷ thứ 18, hằng năm lễ kỳ yên cúng đình được diễn ra trong 5 ngày từ ngày mồng 10 đến 14 tháng 2 âm lịch. Trong quận Tân Bình có chùa Giác Lâm, một trong những ngôi chùa cổ nhất của miền Nam, chùa được xây vào năm 1744 và đã được trùng tu lại vào những năm 1804 và 1909. Tại quận 11 có chùa Giác Viên, được xây từ năm 1798, trước đây chùa có tên là Hố Đất do sư Hải Tịnh khai sơn, đến năm 1850 thì chùa được đổi tên thành Giác Viên. Tại quận 1 có chùa Ngọc Hoàng, được người Hoa xây dựng vào năm 1892, trong chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phật Thích Ca, Quán Thế Âm Bồ Tát, và các vị Thần Cửa, Thổ Địa, Phật Mẫu, Địa Tạng, Di Lặc, Dược Sư...Hằng năm diễn ra ngày vía Ngọc Hoàng vào ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch. Cũng trong quận 1 có chùa Linh Sơn, được xây dựng từ hơn 200 năm trước. Trước đây thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, đến cuối thế kỷ thứ XIX, dân chúng trùng tu và biến nó thành một ngôi tự viện khang trang. Năm 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được ra đời tại đây, năm 1932 Hội cho xuất bản tạp chí Phật giáo Từ Bi Âm. Đến năm 1968, Hòa Thượng Nhật Minh về đây trùng tu lại tự viện và kiến trúc ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Quận 3 có chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Xá Lợi, chùa mang tên Vĩnh Nghiêm, vị sư tổ trụ trì trước đây tu trên núi Yên Tử thuộc dòng Trúc Lâm đời Trần. Dù chùa chỉ mới được xây dựng từ năm 1964, nhưng theo lối kiến trúc cổ kính và sinh hoạt chùa lúc nào cũng rất nhộn nhịp, hằng ngày có rất nhiều Phật tử từ khắp nơi về đây lễ bái. Chùa Xá Lợi được xây vào năm 1956, trong chùa hãy còn tháp thờ xá lợi của đức Phật do Ngài Narada ở Tích Lan dâng cúng cho Phật giáo Việt Nam. Quận 10 còn có chùa Ấn Quang, được Hòa Thượng Trí Hữu xây dựng vào năm 1948. Trước năm 1975, chùa là trụ sở của Văn Phòng Viện Hóa Đạo, nhưng sau đó trở thành trụ sở của ban trị sự Phật Giáo Việt Nam do chính phủ mới thành lập và bảo trợ. Quận 11 có chùa Phụng Sơn, được Thiền Sư Liễu Thông xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 19, chùa hiện còn khoảng trên 40 pho tượng gỗ sơn son thếp vàng, trong đó có một số pho tượng quý như bộ Di Đà Tam Tôn. Quận Thủ Đức có ngôi chùa rất lớn mang tên Nam Thiên Nhất Trụ, được Hòa Thượng Trí Dũng xây dựng từ năm 1958, kiến trúc theo kiểu chùa Một Cột ở Hà Nội. Quận Gò Vấp có thiền viện Vạn Hạnh, đây là trụ sở của trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, văn phòng nghiên cứu Phật giáo, và hội đồng phiên dịch kinh điển. Ngoài ra, tại Sài Gòn còn có Vương Cung Thánh Đường(31). Tại quận nhứt có nhà thờ Huyện Sỹ(32). Quận 5 có nhà thờ Chợ Quán (33), Quận 5 còn có nhà thờ Cha Tam hay nhà thờ Thánh Francisco Xavier(34). Ngoài ra, tại quận nhứt còn có Viện Bảo Tàng Quốc Gia(35). Về di tích lịch sử tại Sài Gòn tại quận nhứt còn phải kể đến các dinh Gia Long(36), dinh Độc Lập, Bưu Điện Sài Gòn(37), và Sở Thú(38). Tại quận nhứt còn có dinh Norodom hay dinh Độc Lập(39).
Sau năm 1975, để hấp dẫn du khách, nhà nước Cộng Sản đã cho xây dựng những khu du lịch Đầm Sen ở quận 11, Kỳ Hòa ở quận 10, Công Viên Văn Hóa ở quận nhứt(40), khu du lịch Văn Thánh ở quận Bình Thạnh, công viên nước nằm bên bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức, khu du lịch Suối Tiên trong quận Thủ Đức, khu du lịch Một Thoáng Việt Nam trong xã An Phú quận Củ Chi, khu 18 Thôn Vườn Trầu ở Hóc Môn Bà Điểm, khu du lịch Vàm Sát ở Cần Giờ cách Sài Gòn khoảng 50 cây số, với diện tích trên 70.000 mẫu trong đó có hơn phân nửa là rừng tràm. Về giao thông đường bộ, quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1A, từ Cà Mau đi Hà Nội, chạy ngang qua Sài Gòn. Từ Sài Gòn có quốc lộ 22 đi Tây Ninh, quốc lộ 50 cắt quốc lộ 1A ở Thủ Đức, chạy dài xuống Nhà Bè, rồi đi Cần Giuộc. Quốc lộ 13 từ Sài Gòn đi Bình Dương. Tỉnh lộ 15 từ Sài Gòn đi Cần Giờ.

Sài Gòn Sau Năm 1975:
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền mới đổi tên Sài Gòn ra thành phố Hồ Chí Minh. Dù mang tên gì đi nữa, thì cái tên Sài Gòn với chiều dài lịch sử trên 300 năm vẫn là cái tên thân thương đối với người Việt Nam, bạo lực có thể cướp mất cái tên Sài Gòn trong chốc lát, nhưng không bạo lực nào có thể vĩnh viễn xóa được cái tên Sài Gòn trong lòng dân tộc Việt Nam, nhứt là trong lòng những người con dân Nam Kỳ. Vào ngày 2 tháng 7 năm 1976, chánh quyền mới sáp nhập Gia Định và Chợ Lớn vào Sài Gòn, và đổi tên Sài Gòn làm thành phố Hồ Chí Minh, gồm các quận Củ Chi, quận Hóc Môn, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức, quận Tân Bình(41), quận Bình Thạnh, quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, quận Bình Chánh, quận Nhà Bè, quận Cần Giờ. Tỉnh Gia Định và thành phố Chợ Lớn được sáp nhập vào Sài Gòn nên tổng diện tích Sài Gòn lên tới 2.095 cây số vuông, gồm 19 quận nội thành gồm các quận từ 1 đến 12 và các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, và Thủ Đức, và 5 quận ngoại thành gồm các quận Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, với tổng dân số lên tới 5.073.800 người. Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, hiện tại thành phố Hồ Chí Minh gồm 19 quận nội thành(42) và 5 huyện ngoại thành(43). Quận 1 có diện tích là 7,7 cây số vuông, dân số 201.500 người, mật độ trung bình là 26.169 người trên một cây số vuông. Quận 2 có diện tích là 50,2 cây số vuông, dân số 130.700 người, mật độ trung bình là 2.604 người trên một cây số vuông. Quận 3 có diện tích là 4,9 cây số vuông, dân số 199.400 người, mật độ trung bình là 40.694 người trên một cây số vuông. Quận 4 có diện tích là 4,2 cây số vuông, dân số 189.000 người, mật độ trung bình là 45.000 người trên một cây số vuông. Quận 5 có diện tích là 4,3 cây số vuông, dân số 139.800 người, mật độ trung bình là 32.512 người trên một cây số vuông. Quận 6 có diện tích là 7,2 cây số vuông, dân số 250.600 người, mật độ trung bình là 34.806 người trên một cây số vuông. Quận 7 có diện tích là 35,5 cây số vuông, dân số 194.300 người, mật độ trung bình là 5.473 người trên một cây số vuông. Quận 8 có diện tích là 19,2 cây số vuông, dân số 376.800 người, mật độ trung bình là 19.625 người trên một cây số vuông. Quận 9 có diện tích là 114 cây số vuông, dân số 216.500 người, mật độ trung bình là 1.899 người trên một cây số vuông. Quận 10 có diện tích là 5,7 cây số vuông, dân số 237.800 người, mật độ trung bình là 41.719 người trên một cây số vuông. Quận 11 có diện tích là 5,1 cây số vuông, dân số 227.500 người, mật độ trung bình là 44.608 người trên một cây số vuông. Quận 12 có diện tích là 52,8 cây số vuông, dân số 314.900 người, mật độ trung bình là 5.964 người trên một cây số vuông. Quận Bình Tân có diện tích là 51,9 cây số vuông, dân số 458.900 người, mật độ trung bình là 8.842 người trên một cây số vuông. Quận Bình Thạnh có diện tích là 20,8 cây số vuông, dân số 459.800 người, mật độ trung bình là 22.106 người trên một cây số vuông). Quận Gò Vấp có diện tích là 19,7 cây số vuông, dân số 495.700 người, mật độ trung bình là 25.162 người trên một cây số vuông. Quận Phú Nhuận có diện tích là 4,7 cây số vuông, dân số 175.400 người, mật độ trung bình là 37.319 người trên một cây số vuông. Quận Tân Bình có diện tích là 22,4 cây số vuông, dân số 390.400 người, mật độ trung bình là 17.429 người trên một cây số vuông. Quận Tân Phú có diện tích là 16,7 cây số vuông, dân số 378.300 người, mật độ trung bình là 23.497 người trên một cây số vuông. Quận Thủ Đức có diện tích là 47,8 cây số vuông, dân số 360.700 người, mật độ trung bình là 7.546 người trên một cây số vuông. Huyện Bình Chánh có diện tích 252,7 cây số vuông, dân số 340.800 người, mật độ trung bình là 1.349 người trên một cây số vuông. Huyện Cần Giờ có diện tích là 704,2 cây số vuông, dân số 67.900, mật độ trung bình là 96 người trên một cây số vuông. Huyện Củ Chi có diện tích là 434,5 cây số vuông, dân số 315.100, mật độ trung bình là 725 người trên một cây số vuông. Huyện Hóc Môn có diện tích là 109,2 cây số vuông, dân số 266.200, mật độ trung bình là 2.438 người trên một cây số vuông. Huyện Nhà Bè có diện tích là 100,4 cây số vuông, dân số 75.600, mật độ trung bình là 753 người trên một cây số vuông.
Hiện tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đang dẫn đầu toàn quốc về tổng sản lượng quốc dân, về bình quân lợi tức trên đầu người, và cả về nhịp độ tăng trưởng về kinh tế. Dù có thay đổi tên và chức năng, không còn là thủ đô của quốc gia, nhưng với chiều dài lịch sử trên 300 năm, khu vực Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn đã và vẫn đang nghiễm nhiên là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Mà thật vậy, ngay từ khi mới được khai sanh, Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại lớn với hải cảng Cần Giờ. Gần 300 năm trước đây, các tàu buôn ngoại quốc đã đến đây để mua gạo và các thổ sản khác, và bán các sản phẩm của họ. Hiện tại, dù không còn là thủ đô của Việt Nam, nhưng Sài Gòn chính là thành phố vực dậy cả nước trong thời kỳ đổi mới kinh tế. Không có thành phố Sài Gòn, không biết giờ nầy nền kinh tế của Việt Nam sẽ ra sao.
Về vị trí, TPHCM phía tây bắc giáp với Trảng Bảng (Tây Ninh), phía tây giáp Long An và Tiền Giang, phía nam giáp Biển Đông, phía đông nam giáp Đồng Nai, và phía đông bắc và phía bắc giáp tỉnh Bình Dương. Về phía đông nam của Sài Gòn là một bán đảo rất đặc biệt, bán đảo Cần Giờ. Bán đảo nầy bị cắt rời với đất liền bởi 3 con sông, sông Soài Rạp về phía tây bắc và tây nam đổ ra biển tại vịnh Đồng Tranh, phía đông bắc là sông Lòng Tàu đổ ra biển tại vịnh Gành Rái. Chỉ với khoảng 705 cây số vuông diện tích mà Cần Giờ đã có trên 20 cây số bờ biển. Bên cạnh đó, toàn bộ đất Cần Giờ được bao bọc bởi những con sông lớn, như sông Soài Rạp về phía tây, sông Bà Giỏi về phía đông; bên trong Cần Giờ lại bị cắt thành nhiều khoảnh nhỏ bởi nhiều con sông, từ tây sang đông có các sông Vàm Sát, sông Đồng Tranh, sông Lòng Tàu, sông Dừa và sông Ngã Bảy. Chính vì thế mà phần lớn đất Cần Giờ được phủ xanh bằng thảm thực vật rừng ngập mặn. Sau năm 1975, chánh quyền mới đã tái lập con đường xe lửa Xuyên Việt vào năm 1977, nối liền Sài Gòn với Hà Nội, chạy dọc theo các thành phố ven biển của Việt Nam.
*************
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
Đất Phương Nam Quyển 1





Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Hoa


Dáng lộ nét mê tơi
Xinh xinh hé nụ đời
Bướm vờn hoa nép lá
Ngơ ngẩn giữa chiều sa               
           Ngạt ngào những cánh hoa               
           Mây thắm điểm trời xa                
           Xao xuyến lòng mơ mộng                
           Ngất ngây ánh nắng tà.                   
Hồn xuân chẳng riêng ta
Yêu em phải đâu là
Bỡn cợt tình ong bướm
Mà lòng nặng tơ ươm
                          Quên Đi


Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân - Lý Bạch


    陌上贈美人             Mạch Thượng Tặng Mỹ Nhân
 

駿馬驕行踏落花      Tuấn mã kiêu hành đạp lạc hoa
垂鞭直拂五雲車      Thùy tiên trực phất ngũ vân xa
美人一笑褰珠箔      Mỹ nhân nhất tiếu khiên châu bạc
遙指紅樓是妾家      Dao chỉ hồng lâu thị thiếp gia
                  李白                                     Lý Bạch



Ngựa có đẹp có khôn mấy, cũng chẳng biết thương hương tiếc ngọc, đạp bừa lên những cánh hoa rơi. Còn người cỡi mới đúng là kẻ ngang tàng, cố ý vung roi làm động đến xe tiên, để mong nhìn được người đẹp. Và đúng như Lý Bạch nghĩ, trong xe là một giai nhân. Nhưng tác giả không ngờ lại là một gái lầu hoa.
Tất cả kết hợp nhau thành một sự khôi hài cố ý.

Dịch Nghĩa: 

Tặng Người Đẹp Trên Đường Nhỏ

Con ngựa đẹp ngạo nghễ chạy đạp trên những cánh hoa
Vung roi phất về phía chiếc xe năm màu mây (xe tiên)
Tươi cười, người đẹp vén chiếc rèm châu bạc
Đoạn chỉ tay về hướng tòa lầu màu hồng ở xa phía trước nói đấy là nhà của Thiếp

Dịch Thơ:

Vó đạp hoa rơi ngựa chẳng kiêng
Vung roi cố động đến xe tiên
Tươi cười người đẹp rèm châu vén
Thiếp ở lầu hồng đợi nối duyên.
                              Quên Đi

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

Mừng Sinh Nhật Thầy Mai Lộc


Trải cuộc đời bảy mươi chín năm thăng trầm thế sự

Vượt phong ba tứ thời tuế nguyệt bền vững sức già

***

Bảy mươi chín tuổi mừng Thầy 
Chúc ngày sinh nhật vui vầy qua thơ 
Kính Thầy dẫu cách đôi bờ 
Vài câu mừng thọ ước mơ tương phùng.
                                        Quên Đi

***

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Thắm Nghĩa Tình Thơ



Bài Thơ Xướng

  Thắm Nghĩa Tình Thơ

Đã hẹn em rồi khó bỏ thơ
Đường xa thử nghiệm chút ơ hờ
Tim còn khẻ đập nuôi nguồn thở
Máu vẫn xui về tải điệu mơ
Dẫu biết căn phận không thể chọn
Thì mong trực giác chẳng ngay đờ
Buồn vui dấn trải cùng dân tộc
Mẫn cán se đều dệt mảnh thơ.
                          Mai Thắng
Bài Họa

      Nặng Tình Thơ

Nhiều đêm trằn trọc cũng vì thơ
Nó khiến xui ta khó hững hờ
Nhìn lá rơi bay hồn cũng đắm
Nghe đàn trầm bổng tưởng rằng mơ
Tự Do Hiện Đại còn trăn trở
Lục Bát Đường Thi lại đẫn đờ
Bởi vậy cho nên lòng khó dứt
Để rồi thả mộng kết đường tơ.
                              Quên Đi

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Sài Gòn Dưới Thời Việt Nam Cộng Hòa:




Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, từ năm 1954 đến 1975, Sài Gòn chẳng những là biểu trưng chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế cho miền Nam mà còn cho cả nước, vì thời đó tổng sản lượng của Sài Gòn chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng toàn quốc. Sài Gòn còn là địa bàn phát triển kinh tế, chẳng những đối với miền Nam, mà còn trên bình diện cả nước nữa. Nhờ nằm giữa hai vùng trù phú nhất của Việt Nam, đó là miền Đông và miền Tây Nam Kỳ, Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế và thương mãi cho toàn vùng. Sau năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa, nơi tập trung tất cả những cơ quan đầu não, gồm các bộ và các tổng nha của chánh phủ, các tòa đại sứ, và trụ sở Thượng và Hạ Nghị Viện của VNCH. Chỉ riêng phi cảng Tân Sơn Nhất, trên các tuyến đường bay quốc tế tăng từ 35 ngàn hành khách mỗi năm từ năm 1958 đến năm 1961; từ 1966 đến 1970 tăng lên 435 ngàn mỗi năm. Trên những tuyến đường bay quốc nội tăng từ 50 ngàn hành khách năm 1961 lên đến trên một triệu mỗi năm từ năm 1966 đến năm 1970.
Về giao thông đường bộ, nhờ vị trí trung tâm của Sài Gòn khiến nó trở thành giao điểm của các trục lộ của miền Nam. Quốc lộ 1, chạy dọc theo bờ biển Đông, nối liền Nam Bắc Việt Nam, đến Sài Gòn, quốc lộ 1 tiếp tục đi lên Nam Vang, trong khi quốc lộ 4 đi về miền Tây(26). Riêng tại vùng Xa Cảng Miền Tây, khu thương mãi vùng Phú Lâm phát triển rất nhanh, nên trên trục lộ nầy chánh phủ đã cho xây lên nhiều cơ xưởng và kho chứa hàng hóa. Đồng thời, chợ búa, nhà cửa, phố xá cũng được xây dựng. Đến thời Việt Nam Cộng Hòa thì hai thành phố Sài Gòn-Gia Định gần như tiếp giáp nhau, nghĩa là những khu đồng ruộng đã từ từ biến thành đường phố và nhà cửa.
Những khu đồng ruộng giữa Sài Gòn và Gia Định trong các quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh cũng biến thành các khu phố liền nhau. Quốc lộ 20 nối liền Sài Gòn-Lâm Đồng-Đà Lạt. Đầu thập niên 1960, chánh phủ VNCH xây dựng Xa Lộ Sài Gòn-Biên Hòa nối liền thành phố với các khu kỹ nghệ trên vùng Biên Hòa. Sau năm 1955, tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn đi Mỹ Tho bị hủy bỏ vì quá cũ kỹ và không còn đủ tiêu chuẩn an toàn. Thay vào đó, chánh phủ VNCH nới rộng các tuyến đường bộ khác như Trần Hưng Đạo, Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), và Hồng Thập Tự (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh). Đến năm 1956, tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn đi Gò Vấp cũng bị hủy bỏ. Chánh phủ VNCH cho xây dựng đường Bùi Hữu Nghĩa ngay trên tuyến đường xe lửa nầy nhằm nối liền thành phố Sài Gòn với tỉnh Gia Định. Sau đó chánh phủ lại nới rộng tất cả những con đường xung quanh đó khiến cho việc lưu thông từ Sài Gòn đi Gia Định và đến tận thương cảng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều. Đến năm 1959, chánh phủ VNCH cho thành lập các tuyến đường xe buýt công cộng nối liền Sài Gòn-Gia Định với các quận ngoại thành như Tân Bình, Bình Thạnh và Phú Nhuận, nhằm giúp đở công nhân và công chức có lợi tức thấp. Riêng tuyến xe lửa Sài Gòn-Hà Nội, nằm dọc theo bờ biển miền trung, đã bị gián đoạn từ năm 1954, đến năm 1977 tuyến đường nầy mới được tái hoạt động.
Vị trí địa lý thật đặc biệt của Sài Gòn cũng góp phần không nhỏ cho sự phát triển của nó. Sài Gòn nằm dọc theo hữu ngạn sông Sài Gòn(27), một nhánh của sông Đồng Nai. Sông Sài Gòn chảy vào sông Đồng Nai trên khúc sông Nhà Bè, rồi sau đó theo hai nhánh đổ ra biển, đó là nhánh sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Dầu thương cảng Sài Gòn cách bờ biển trên 80 cây số, nhưng nhờ lòng sông sâu (khoảng trên 12 mét) nên tàu bè trên 20 ngàn tấn có thể cập bến Sài Gòn. Trên địa bàn miền Nam, Sài Gòn nằm ngay trung tâm của 2 vùng đồng bằng lớn của miền Nam, đó là đồng bằng miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long. Từ miền Tây qua miền Đông bằng cả đường bộ lẫn đường thủy đều phải lên Sài Gòn; và ngược lại, từ miền Đông qua miền tây, cũng phải đi ngang qua Sài Gòn. Bên cạnh những trục lộ giao thông trên bộ, Sài Gòn còn được nối kết với cả miền Đông lẫn miền Tây một mạng lưới kinh rạch, khiến cho việc giao giữa Sài Gòn và các miền đất trên khắp Nam Kỳ rất thuận tiện. Sự vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về Sài Gòn và ngược lại, rất nhanh chóng. Sông Sài Gòn và hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây được một hệ thống kinh rạch chằng chịt nối liền nhau, cộng thêm với hệ thống sông ngòi kinh rạch tự nhiên của vùng châu thổ sông Cửu Long, nên việc giao thông đường thủy từ Sài Gòn đi khắp nơi rất lý tưởng. Riêng giang cảng Sài Gòn, dầu lòng sông chỉ sâu độ 12 mét, cũng có thể tiếp nhận các tàu hàng có trọng tải 12 ngàn tấn. Đây là một trong những giang cảng lớn và thuận tiện vào bậc nhất trong vùng Đông Nam Á. Từ khoảng những năm từ 1955 đến 1965, giang cảng Sài Gòn là trung tâm qui tụ và phân phối 2,5 triệu tấn hàng hóa. Đến sau năm 1965, con số nầy tăng lên gấp 3 lần, nên dưới thời đệ nhị Cộng Hòa, chánh phủ chỉnh trang lại vùng cảng Nhà Bè, cách Sài Gòn khoảng 15 cây số về phía hạ lưu sông Đồng Nai, có khả năng tiếp nhận tàu hàng trên 18 ngàn tấn. Riêng số lượng dầu lửa nhập cảng tại cảng Nhà Bè mỗi năm lên đến 5,5 triệu tấn(28). Sau năm 1965, chánh quyền đệ nhị Cộng Hòa xây dựng thêm Tân Cảng Sài Gòn, cách cảng Sài Gòn cũ khoảng 10 cây số về phía thượng lưu sông Sài Gòn. Thoạt đầu Tân Cảng chỉ sử dụng vào mục tiêu quân sự, nhưng về sau nầy nó cũng được sử dụng cho cả các tàu hàng dân sự.
Về mặt dân cư, đến năm 1954, gần 2 triệu dân miền Bắc di cư vào Nam, trong số đó có khoảng gần 900 ngàn người đã định cư tại vùng ngoại ô Sài Gòn. Từ đó, bên kia sông Sài Gòn bắt đầu phát triển mạnh. Hồi nầy về phía Bắc Sài Gòn lấn dần qua tỉnh Gia Định, mở rộng sang các vùng Tân Bình, Phú Nhuận, và Bình Thạnh. Đây là một vùng quan trọng vì nó là điểm đi qua của các trục lộ nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Đông khác như Tây Ninh, Thủ Đức và Biên Hòa. Về phía Nam, thành phố Sài Gòn mở rộng đến vùng Khánh Hội; về phía Tây Nam, Sài Gòn mở rộng dọc theo đường Trần Hưng Đạo nối liền đường Đồng Khánh của Chợ Lớn. Tuy nhiên, sau khi thu hồi nền độc lập, miền Nam có một lúc thanh bình, từ năm 1954 đến 1960. Trong giai đoạn nầy có rất nhiều người hồi cư, vì vậy mà theo thống kê của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1955, dân số Sài Gòn là 1.900.800 người, nhưng đến năm 1958, dân số Sài Gòn giảm xuống còn 1.383.000 người. Như vậy, đã có trên nửa triệu người hồi cư trong giai đoạn nầy. Sau năm 1954, nhằm mở rộng những tuyến đường bộ, nên tất cả các tuyến đường xe lửa nối Sài Gòn với các địa phương lân cận đều bị hủy bỏ(29). Năm 1959, nhằm mục đích kiến thiết và chỉnh trang thánh phố, Tổng Nha Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thành Sài Gòn đã cho lấp những khu ao đầm và ruộng rẫy tại các vùng ven đô để xây cất nhiều khu cư xá bán rẻ lại cho cư dân Sài Gòn.
Đến sau năm 1960, chiến tranh tại miền Nam bắt đầu lan rộng, nên dân chúng ở các vùng nông thôn phụ cận Sài Gòn lại bắt đầu tản cư về Sài Gòn. Theo thống kê của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1967, dân số Sài Gòn giảm xuống còn 1.376.00, nhưng đến đầu năm 1975, lại tăng lên đến 1.825.000 người. Tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, dân số Sài Gòn là 1.860.000 người. Nếu tính luôn dân cư các vùng Hốc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè... dân Sài Gòn lúc đó đã lên tới 2.680.000 người. Với số lượng dân chúng ngày càng gia tăng như vậy, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa đã phải xúc tiến gấp rút việc chỉnh trang thành phố và nhà cửa. Riêng khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1975, đô thành Sài Gòn phát triển một cách nhanh chóng, nhà cửa và đường sá lấn dần những khu đồng ruộng chung quanh thành phố. Trong lúc chiến tranh đến hồi khốc liệt nhứt, tức là từ khoảng 1967 đến 1975, cư dân các vùng nông thôn đều tản cư về các thành thị. Lúc đó các vùng nông thôn gần như hoang vu, và Sài Gòn là nơi mà dân tản cư chạy về nhiều nhất. Theo thống kê của Việt Nam Cộng Hòa, năm 1967, có khoảng 17,7 phần trăm dân nông thôn chạy về thành thị, nhưng đến cuối năm 1974, con số ấy tăng lên đến trên 30 phần trăm. Lúc đó miền Nam Việt Nam phải vừa đương đầu với chiến tranh, vừa chỉnh trang các thành phố để có chỗ cho dân tản cư, mà lại vừa phải phát triển kỹ nghệ trong nước để đáp ứng như cầu của dân chúng. Trong thời gian nầy, khu kỹ nghệ Sài Gòn-Biên Hòa được thành hình, và rất nhiều xí nghiệp được xây dựng tại vùng ngoại ô Thủ Đức. Chỉ riêng kể từ năm 1957 đến năm 1965, kỹ nghệ Sài Gòn phát triển vượt bực về mọi phương diện từ may dệt, thực phẩm, dược phẩm, hóa học, đến kỹ nghệ biến chế đồ dùng bằng nhựa, vân vân. Từ năm 1965 đến năm 1975, chánh phủ VNCH đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng những xí nghiệp chuyên ngành lớn như kỹ nghệ luyện gang, thép, và nhôm tại khu kỹ nghệ Sài Gòn-Biên Hòa. Đặc biệt, chánh phủ VNCH đã tận dụng tất cả những phế liệu chiến tranh cho ngành kỹ nghệ tái chế biến những vật dụng cần thiết hằng ngày. Theo thống kê của Bộ Công Nghệ VNCH năm 1973, tại Sài Gòn có trên 6.471 xí nghiệp nhỏ, 1.494 xí nghiệp trung bình và 167 xí nghiệp lớn. Riêng hai ngành kỹ nghệ dệt và thực phẩm chiếm 55 phần trăm tổng số xí nghiệp tại Sài Gòn; trong khi các ngành kỹ nghệ nhẹ chế biến cơ khí, điện, và hóa học chiếm trên 33 phần trăm tổng số xí nghiệp tại Sài Gòn.
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, đa số các phi trường tại Việt Nam đều sử dụng cho quân sự. Riêng phi cảng Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn vẫn có một bên được dùng cho hàng không dân dụng. Trung bình từ năm 1958 đến năm 1961, hàng năm có khoảng 35 ngàn hành khách trên đường bay quốc tế, riêng tại quốc nội có khoảng 50.600 hành khách. Đến khoảng thời gian từ 1962 đến 1966, số lượng hành khách có gia tăng nhưng không nhiều lắm. Đến năm 1966, chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn, nên giao thông đường thủy và đường bộ không còn an toàn nữa. Chính vì vậy mà số lượng hành khách, cả quốc nội và quốc tế, đặc biệt là hành khách quốc nội, tăng lên hơn 20 lần, kể cả dân sự và quân sự. Trong thời gian nầy, nhiều phi trường được xây dựng khắp nơi tại miền Nam để nối kết đường hàng không với Sài Gòn.
Trải qua bao thời đại, Sài Gòn luôn là trung tâm quyền lực, là đô thị tập trung các ngành nghề thủ công đang phát triển, kể cả những xí nghiệp lớn nhỏ. Dưới thời Nguyễn Ánh, Sài Gòn là hậu phương chính của nhà Nguyễn trong cuộc chiến tranh với Tây Sơn. Chính tại đây, Nguyễn Ánh đã xây dựng những xưởng đúc súng, đóng tàu cung cấp cho quân đội nhà Nguyễn. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, họ đã nhanh chóng biến Sài Gòn thành thủ phủ của Đông Dương, nơi có dinh Thống Đốc Nam Kỳ và dinh Toàn Quyền Đông Dương. Đến khi quân đội Nhật đảo chánh Pháp vào năm 1945, Nhật cũng đã nhanh chóng biến Sài Gòn thành trung tâm hành quân cho tất cả các cuộc hành quân của họ tại Đông Nam Á vào thời đệ nhị thế chiến. Sau khi Việt Nam bị chia đôi, Sài Gòn biến thành thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa trong suốt 20 năm, từ năm 1954 đến năm 1975.

***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:Đất Phương Nam Quyển 1





***

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Cúng Mùng Ba




Đã bước sang mùng Ba
Mai còn rực rỡ Hoa
Như Vườn Thơ sắc thắm
Vượng khí khắp nhà nhà.

Vốn chẳng cúng mùng Ba
Nên không có cẳng gà
Để xem điềm họa phúc
Tốt xấu nghĩ chi xa

                     Quên Đi
***

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

Dương Liễu Chi - Liễu Thị



        楊柳枝                      Dương Liễu Chi               
楊柳枝,芳菲節      Dương liễu chi, phương phi tiết,            
所恨年年贈離別      Sở hận niên niên tặng ly biệt.           
一葉隨風忽報秋      Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,            
縱使君來豈堪折?    Túng sử quân lai khởi kham chiết? 
                 柳 氏                                        Liễu Thị

Dịch nghĩa :  Cành Dương Liễu

Mùi thơm từ sự trong sạch của cành dương liễu vẫn lan rộng
Hận thay bao năm qua chỉ là cách xa     
Bỗng nhiên một chiếc lá rơi theo gió như báo mùa thu đến
Chàng còn chưa về há để cho người bẻ hay sao?        

Dịch Thơ
       Cành Dương Liễu

Hương thơm cành liễu lan dầy
Hận nhiều năm chẳng vui vầy cùng nhau
Gió thu làm lá thêm đau
Chàng chưa trở lại ai vào bẻ đây?
                                 Quên Đi
***
             Cành Dương Liễu

Cành dương liễu, đương thì non biếc
   Hận hằng năm ly biệt tặng người .
          Thu về một chiếc lá rơi
     Còn gì để bẻ chàng ơi lúc về! 
                   Mailoc phỏng dịch
***
            Cành Dương Liễu 
 
  Cành Dương Liễu thuở xanh tươi
Hận bao năm chỉ tặng người biệt ly
          Gió thu lá rụng qua thì
 Chàng còn tha thiết bẻ khi trở về?

                            Kim Oanh 
***
       Cành Dương Liễu

Dương liễu hương lành vẫn tỏa lan
Hận vì ta mãi cách non ngàn
Lá rơi báo hiệu mùa thu đến
Chàng chẳng về ngăn kẻ bẻ ngang ?

                      Phương Hà phỏng dịch
***


Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

Thương Hiệu


          Thời buổi bây giờ làm ăn cái gì , bất cứ nghề ngỗng nào cũng cần xây dựng một Thương Hiệu ! Không chỉ có Sàn Xuất , buôn bán xây dựng một Thương Hiệu , ngay cả Văn Thi Sĩ , Nghệ Sĩ , Nhà Khảo Cứu cũng cần xây dựng một Thương Hiệu !Ôi ! Lậy Chúa lòng làng vô cùng , nhà thờ và chùa chiền , đền miếu cũng có thương hiệu cho xôm trò , cho quyến rũ !!!
     Chúa ơi ! Nhiều chuyện xảy ra tức cười lắm ! Một cô bán vải ngoài chợ nói mình bán vải Mỹ , hôm sau khách trả lại , nói bán bậy , đó là vải An Nam ! Cô ta cười toét , vỗ ngực nói : Em tên Mỹ mà , vải này là vải của Mỹ mà ! Một anh bạn tên Hiệu trong chợ , bán quần áo bèn nói quần áo mình hàng hiệu ! Ừ ! Thì cũng là hàng Hiệu chớ bộ !
     Viết văn thơ thì có gian nan hơn nhiều . Phải nhờ nhà xuất bản nổi tiếng ! Phải nhờ văn thi sĩ nổi tiếng viết bài đề tựa ! Nhờ người nhuận sắc ! Thậm chí nhờ người viết chửi bài của mình ( éo le thay nếu chửi cả cá nhân mình ) . Có lẽ kẻ này muốn có tiếng vang chăng ??? Nếu không nêu danh thơm ngàn năm thì thà rằng lưu xú vạn năm  cò hơn vô danh tiểu tốt !!!
     Ôi! Những người xây dựng thương hiệu kiểu này thì tôi chào thua (!)
     Những nhà thờ có thương hiệu thì thường người ta tới ngắm cảnh chú không tới để nghe các linh mục dạy dỗ (?) Nhà thờ Trà Cổ ở Quảng Ninh , nhà thờ đá Phát Diệm và nhà thờ Phúc Nhạc ở Ninh Bình người ta ghé để xem nó đẹp như thế nào ! Nhà thờ núi ở Nha Trang , nhà thờ đổ nát ở Kiên Lương , người ta tới để ngậm ngùi cho thế sự ! Các chùa thì tôi nói nhiều rồi ! Chẳng có thương hiệu nào ra hồn , toàn là lố lăng dù quảng cáo rầm rộ ! Nó rất đông người vì những bãi đậu hái ra tiền ! Người ta nói chuyện trên trời , nhưng tại các bàn bán vé ... đoán quẻ ... đều có ngăn bàn , túi tiền đầy nhóc ! Các tín nữ thời nay tới để tung tiền khoe khoang và ...... chứ nào có biết đến chùa lớn ... chùa thiêng (!)
     Đền Cổ Mễ khá to , người ta tới vay tiền Bà để ... mua may bán đắt . Đền Trần ở Kiếp Bạc khá thiêng ! Người ta tới xin Ấn để ...  Phó Chủ Tịch lên Chủ Tịch ! Tá lên Tướng !!!
     Đại Nam Quốc Tự ở Bình Dương , chùa Bái Đính ở Ninh Bình có quy mô rất Hoành Tráng , rất Quốc Tế . Chả biết người ta đếm khách tới viếng nhiều hay ít thu lợi bao nhiêu ? Nhưng ở đây có Thương Hiệu Ngầm là ...  người ta xây để cầu trường thọ cho mấy ông ... Chủ Tịch  ... Bí Thư ... !!!
     Ôi ! Khi trở lại cái nghề múa bút ! Có được mấy thương hiệu làm ta chiêm ngưỡng đâu ? Xuân Diệu , Huy Cận , Tố Hữu , Chế Lan Viên đã bị người ta sổ toẹt rồi !
     Sơn Nam viết về Cà Mau là bịa thôi . Ông viết về người Cổ Tron không mặc quần áo lại càng lố bịch !!! Ông Đông Hồ viết hàng trăm bài thơ ... huề vốn ! Điểm lại chỉ có bài " May Áo Mới " là thú vị ở thời đó !
     Có lần tôi đụng tới Sơn Nam , bị đệ tử của tôi bên Mỹ chê quá ! Chả là vì các văn sĩ miền Nam , sau 1975 muốn viết thì phải đổi bút hiệu và học tập đường lối mới . Ông Sơn Nam không biết là già rồi làm biếng hay không thích đường lối mới nên không viết (?) . Vì ông có một Thương Hiệu lớn , nên người ta tái bản một số tác phẩm của ông ! Ôi ! Ế một cách thảm thiết . Như người ta không mua những tái bản chuyện cũ của Hồ Biểu Chánh ! Tôi vô tiệm sách thấy mấy tháng  ... những bản in đó ... còn nguyên !!!  Không phải cứ có thương hiệu một thời ... là có thể tái bản dài  dài  !!! Sơn Nam thì nghèo nhưng mê rượu ... và ... nát rượu !!! Được một vị giáo sư nổi tiếng ngoài Hà Nội mời đứng tên chung một cuốn sách !!! Dĩ nhiên được . Trong sách có nói Lê Quý Đôn đã tả đồng bằng Nam Bộ mà ông đã đi qua , đã thấy !!! Tôi phản biện hơi ... mạnh (!) là tôi muốn nhắm ông giáo sư " nổi tiếng ở Hà Nội ! Nhưng đệ tử cúa tôi lại nói tôi " Dám Đụng Tới Sơn Nam " !!!  Mà dù tôi dám đụng tới Sơn Nam ... thì đã sao nào ! ( Con hơn cha là nhà có phúc , Phản biện dẫn tới tiến bộ ) . Một người bạn của tôi , nay ở Nha Trang , nói Sơn Nam dở ẹt , còn thua xa Phi Vân viết Đồng Quê !
     Ông Đông Hồ viết Lịch Sử Hà Tiên đã dựa theo Vũ Thế Dinh , một người có tiểu sử rất mơ hồ , và nay  sách của Vũ đã tuyệt bản ! 
Ông Đông Hồ sao nỡ nói Hà Tiên " Sáng Đèn' . Ông Đông Hồ sao lại không biết " Thành Xưa " chỉ có đèn tù mù thôi , và người ta chỉ nghe ngóng bên ngoài , khi hữu sự ... người ta mới đốt đuốc lên !
     Có một lần tôi gặp một người có thương hiệu : Ông Nguyễn ngọc Huy , chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến . Khi gặp hai ông Nguyễn Ngọc Huy và Phạm Thái . Tôi chỉ về phía ông Huy nói : Ông này viết Biện Chứng Duy Xạo Luận ! chỉ ông Phạm Thái nói : Ông này viết : Chuyện Năm Chàng Thanh Niên ! Hai ông có vẻ vui , nhưng ông Huy lại cười nói : Đó là tác phẩm khôi hài (!) Ông Huy viết khá nhiều , và đặc biệt khi ông viết về Kissingger và người Do Thái ở Mỹ ! Ôi ! Những người chỉ biết có tiền bạc và buôn bán ! Nhưng tác phẩm của Nguyễn ngọc Huy đáng cho ta suy gẫm !
     Nguyễn Mạnh Côn viết : Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử đã thành công lớn ! Tôi đọc cảm động lắm , nhưng thương hiệu này sau đó mờ nhạt , không có tác phẩm nào hay nữa . " Mộng Tan Tành " cho ta thấy mộng Công Hẩu Khanh Tướng chứ không phải mộng giúp dân giúp nước !
     Ngày nay , ai đụng tới mấy ông có thương hiệu này thì người ta cho là khùng ! ÔngTrương Minh Đạt chê Đông Hồ viết sai , có ai tin ? vì ông Đạt chưa xây dựng được một thương hiệu
Ôi ! Đọc sách thì không nên chơi cái kiểu : Bạn bè khen lẫn nhau ... Học trò tâng bốc thầy ... !!!
     Lịch Sử sẽ xóa bỏ những thương hiệu giả ! Thương Hiệu không xứng đáng !
     Lịch Sử sẽ tôn vinh " Tiếng Dương Cầm Xanh " , " Hoa Xương Rồng " , " Thơ Lửa ""

                                                                                                                                      C.D.M.