▼
Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019
Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019
Ký Lý Đãm Nguyên Tích - Vi Ứng Vật
寄李儋元錫 KÝ LÝ ĐÃM NGUYÊN TÍCH
去年花裡逢君別 Khứ niên hoa lý phùng quân biệt
今日花開又一年 Kim nhựt hoa khai hựu nhất niên
世事茫茫難自料 Thế sự mang mang nan tự liệu
春愁黯黯獨成眠 Xuân sầu ảm ảm độc thành miên
身多疾病思田里 Thân đa tật bệnh tư điền lý
邑有流亡愧俸錢 Ấp hữu lưu vong quý bổng tiền
聞道欲來相問訊 Văn đạo dục lai tương vấn tín,
西樓望月幾回圓。 Tây lầu vọng nguyệt kỷ hồi viên !
韋應物 Vi Ứng Vật
*CHÚ THÍCH :
- LÝ ĐÃM NGUYÊN TÍCH : là bạn của Vi Ứng Vật, Họ LÝ tên ĐÃM, tự là Nguyên Tích, đang giữ chức Điện Trung Thị Ngự Sử ở Trường an.
- Mang Mang : là Mờ mịt, mông lung.
- Ảm Ảm : là Vẻ sầu thương buồn bã.
- Điền Lý 田里 : Điền là Ruộng, Lý là Làng. Ruộng Làng ở đây chỉ Quê Hương, Xứ sở.
- Ấp : ở đây chỉ cái địa phận cai quản của quan chức địa phương.
- Lưu Vong : là Những người lưu lạc vì loạn lạc đói kém.
- Quỹ : là Tàm Quỹ, là Thẹn thùng, là Lấy làm thẹn về việc gì đó …
- Quý Bổng Tiền : Thẹn vì lãnh lương bổng mà làm không được việc.
- Văn Đạo : Nghe nói rằng …
*NGHĨA BÀI THƠ :
Gởi cho Lý Đãm Nguyên Tích
Năm ngoái khi gặp anh rồi thì lại phải chia tay.
Ngày hôm nay hoa lại nở mới biết rằng đã lại qua một năm nữa rồi !
Chuyện đời mờ mịt không biết đâu mà liệu định cho được.
Mùa xuân buồn bã ta ngủ đi một mình trong sầu thương áo não.
Tấm thân già nua nhiều bệnh tật lại luôn tưởng nhớ đến quê hương.
Trong thôn ấp có nhiều người lưu vong lại càng cảm thấy thẹn thùng vì hưởng bổng lộc mà làm quan không trọn.
Nghe nói bạn muốn đến đây để thăm hỏi nhau
Nên ta lên lầu tây mà trông ngóng mãi suốt mấy con trăng tròn rồi !( Không biết tới chừng nào mới gặp được bạn đây ?!).
Câu " Ấp hữu lưu vong quỹ bổng tiền 邑有流亡愧俸錢 " Vi Ứng Vật được khen là ông quan thanh liêm, có lương tâm, tự thẹn vì không làm tròn bổn phận của một quan phụ mẫu, để cho dân chúng phải sống lưu vong lang thang mà mình vẫn hưởng đầy đủ bổng lộc của triều đình, không như những tham quan của thời buổi ngày nay, dân chết mặc dân, chỉ lo cho mình vinh thân phì gia là trên hết ! Vi Ứng Vật lại buồn vì già nua bệnh tật và nhớ quê nữa.
Làm quan xa nhà đã buồn rầu áo não là thế, huống hồ với thân phận lưu vong tha phương cầu thực như chúng ta hiện nay, gởi thân nơi xứ lạ quê người, có về lại làng quê thì cũng không tìm đâu ra người xưa cảnh cũ ! Quê hương thì vẫn còn là quê hương, tỉnh thành vẫn là tỉnh thành, làng quê thì vẫn là làng quê, nhưng tất cả đều như xa lạ, ngỡ ngàng … đâu rồi những tháng ngày qua với người xưa cảnh cũ !!!
Dịch Thơ
Chia tay năm trước mùa hoa thắm,
Hoa nở năm nay lại một năm.
Mờ mịt chuyện đời khôn định liệu,
Ngổn ngang thế sự khó đi nằm.
Thân nhiều bệnh tật mơ quê cũ,
Ấp lắm lưu vong thẹn chẳng chăm.
Nghe bạn đến thăm mừng xiết kể,
Lầu tây trông ngóng biết bao rằm !
Lục bát :
Mùa hoa năm trước chia tay
Nay hoa lại nở cho dài một năm.
Chuyện đời mờ mịt xa xăm,
Sầu xuân khó ngủ buồn nằm riêng ta.
Thân nhiều tật bệnh la đà,
Dân lưu vong mãi lòng ta thẹn thầm.
Nghe tin bạn đến viếng thăm,
Lầu tây ngóng đợi mấy rằm trăng qua !
Đỗ Chiêu Đức
***
Gởi Lý Đãm Nguyên Tích
Năm rồi hoa nở chia tay
Giờ hoa lại nở mới hay năm tròn
Việc đời thật khó lo toan
Giấc xuân sầu muộn chỉ còn riêng ta
Tuổi cao nhiều bịnh nhớ nhà
Thẹn vì dân phải lìa xa thôn làng
Được tin bạn cũ tìm sang
Lầu tây mấy lượt trăng vàng đầy vơi.
Quên Đi
***
Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019
Chàng Đốn Củi và Con Tinh
Ngày xưa có một anh chàng nghèo khó, sống một thân một mình. Tuy làm việc tất lực nhưng đói rách vẫn hoàn đói rách. Những bông lúa đẹp do bàn tay chàng vun bón thì cứ thi nhau chạy về nhà lão trọc phú. Cuối cùng, chàng đành bán tất cả những thứ còn lại trong nhà để mua một lưỡi búa, với ý định từ nay làm nghề đốn củi nuôi thân, may chi thay đổi được số phận.
Nhưng kiếm được một gánh củi không phải là dễ. Một hôm, theo lệ thường chàng tiến vào rừng sâu tìm củi. Sắp giơ búa giáng vào một cây đại thụ bỗng có một con tinh từ trong thân cây hiện ra trước mặt van lạy, van nài. Chàng dừng tay hỏi:
– Mày muốn gì?
Đáp:
– Xin ngài làm ơn đi chặt chỗ khác, tha cho chúng tôi ở đây được yên ổn.
Thấy thế, chàng càng làm già:
– Không được. Tao hết hơi, hết sức mới tìm được cây gỗ này chặt về lấy tiền nuôi thân mà mày lại bảo tao đi đâu. Hãy cút ngay cho tao làm việc.
Con tinh thấy anh chàng lại giơ búa, hốt hoảng:
– Cây này với chúng tôi như bóng với hình, không thể nào rời được. Ngài hãy thương cho, chúng tôi sẽ xin kính biếu ngài một vật.
– Vật gì? Đưa ra đây. Mau! Nếu không thì đừng có trách.
Con tinh bảo chờ một lát, đoạn mang đến một cái mâm đồng và nói:
– Ngài chỉ cần gõ vào mâm ba tiếng là có ăn ngay, muốn thức ngon vật lạ bao nhiêu cũng có.
Nghe nói, anh chàng vô cùng mừng rỡ, vội nhận lấy mâm ra về, không quên hứa để cho con tinh được yên ổn.
Khi đi qua chợ, chàng ghé ngay vào quán cơm, nơi mà thường ngày mình vẫn đặt gánh củi nặng trước cửa vào một cái bánh, vài đĩa xôi ăn đỡ đói và đỡ mệt. Lần này, chàng có ý khoe với nhà hàng là từ nay mình sẽ không cần ăn chịu và cũng không cần ăn khổ như trước nữa. Nghĩ vậy, bèn đặt mâm của mình trước mặt vợ chồng chủ quán và mọi người, gõ lên ba tiếng. Tự nhiên trong long mâm tuôn ra những bát cơm, bát canh, những đĩa cá, thịt, giò, chả đầy tú ụ, những chén rượu cúc tràn trề, v.v…, toàn là những thức ăn chưa bao giờ được nếm. Trước con mắt ngạc nhiên của đám đông khách ăn trong quán, chàng đốn củi đắc chí mời họ cùng ngồi dự tiệc.
Ăn xong, say rượu, chàng nằm lăn ra giường làm một giấc ly bì. Lão chủ quán thấy thế thì động lòng tham lam. Thừa dịp mọi người tản đi, hắn vào buồng chọn một cái mâm giống với chiếc mâm màu nhiệm kia, rồi đánh tráo vào. Chàng đốn củi thức dậy không biết là mâm đã bị đánh tráo, hý hửng mang về. Sắp về tới làng, anh nghĩ bụng nên cho mọi người biết số phận của mình từ nay đã khác trước và nhân thể đãi làng xóm chén một bữa ra trò. Cho nên chàng rẽ ngay vào đính đánh trống gọi làng ầm ĩ. Tất cả mọi người từ ông tiên thứ chỉ cho đến anh mõ, ai nấy đều tưởng là có việc, lục tục đổ ra đình đông như hội. Anh chàng trịnh trọng lên tiếng:
– Không mấy khi cháu có bữa rượu, vậy mời quý cụ và đồng dân thượng hạ ngồi vào dự cuộc.
Nói rồi đặt mâm xuống chiếu, gõ lên thành mâm mấy cái. Nhưng anh ngạc nhiên thấy lần này mâm không còn mầu nhiệm như trước nữa. Chàng gõ mãi, gõ mãi, mâm vẫn trơ trơ bất động. Cho là đánh lừa mọi người, ông xã trưởng liền sai tuần đinh xông lại nện cho chàng một trận nên thân.
Trở về nhà, chàng đốn củi bực mình vô hạn. Chắc chỉ có con tinh nó lừa mình nên chuyện mới xảy ra như thế. Cho nên qua ngày mai, anh lại vác búa lên rừng tìm đến cái cây cũ ra sức giáng búa vào. Con tinh hốt hoảng chạy ra van lạy chí chết và xin tặng một con ngựa ỉa ra vàng để được tha tính mạng.
– Đưa ngay ra đây cho ta. Đồ lừa đảo!
Chàng quát lên như thế và chỉ lát sau một con ngựa đã hiện ra. Chàng cưỡi lên phi một đoạn để cho ngựa ỉa, quả nhiên có rất nhiều vàng vụn văng ra sáng giấp giới. Chàng mừng quá, giắt búa vào lưng và cưỡi ngựa ra về.
Đến chợ, chàng lại xuống ngựa, vào khoe với vợ chồng lão chủ quán:
– Lần này tôi có con ngựa vô cùng quý báu. Trong bụng nó là cả một kho vàng đấy ông bà ạ! Rồi nó sẽ làm cho mà xem!
Lão chủ quán thấy quả đúng như thế thì hoa cả mắt. Hắn sung sướng được chàng biếu trọn số vàng rơi ra. Nhưng hắn còn muốn được cả con ngựa. Hắn vội dọn cho anh một mâm đầy rượu thịt. Rồi chờ lúc anh chàng ngủ say, hắn lại đi tìm một con ngựa khác cũng có màu lông hung hung y hệt để thay vào, rồi dắt con kia đi biệt.
Khi tỉnh dậy, chàng đốn củi vẫn không ngờ vực gì cả. Chàng lại nhảy lên ngựa cưỡi về đến đầu làng. Bụng bảo vệ: – “Lần trước vì con tinh khiến cho ta mang tiếng là đánh lừa mọi người. Lần này ta phải biếu bà con một ít vàng để bà con thấy ta thực bụng”. Thế rồi, chàng lại vào đình đánh trống ầm ĩ. Làng lại đổ ra đình. Chàng nói:
– Tôi lần này có con ngựa rất có phép ỉa ra vàng. Vậy mời làng ra đây để nhận cho tôi một ít của báu.
Đoạn chàng phi cho ngựa ỉa, nhưng con ngựa ấy thì làm gì mà có vàng. Nhìn thấy đống phân ngựa vãi ra không hơn gì những đống phân ngựa khác, các cụ cho là thằng cha đã xỏ xiên cả làng nên không nên được cơn tức giận. Cuối cùng, chàng bị làng tịch thu con ngựa và còn bị tuần nọc xuống đánh ba mươi roi.
Qua ngày hôm sau hắn lại dậy sớm vác búa lên rừng quyết trị cho con tinh một mẻ. Lần này chàng bổ những nhát búa rất dữ dội. Thấy con tinh hiện ra quỳ lạy khóc lóc, chàng quát to:
– Sao mày dám lừa ông làm ông mang oán với mọi người. Mâm và ngựa của mày chỉ là những của vứt đi, không đáng một đồng kẽm.
Con tinh hết sức phân trần, vạch tội lão chủ quán, rồi nói tiếp:
– Để tôi xin biếu ngài cái ống này, lúc về có thể lấy lại những của đã mất.
Hắn đưa ống ra và dặn:
– Cái ống này có phép làm cho bất kỳ bao nhiêu người cũng phải chống ngược lên trời nếu cầm ống chỉ lên không ba lần. Cho đến khi nào gõ xuống đất ba lần thì mọi sự trở lại như cũ.
Nghe bùi tai, chàng đốn củi lại dừng tay búa, cầm ống phép bắt con tinh phải chống đít lên trời xem thử, thấy quả nghiệm rồi mới ra về.
Đến chợ, chàng lại ghé vào quán cơm tươi cười hỏi mọi người:
– Các ông các bà có muốn chống chăng?
Vợ chồng lão chủ quán tưởng có món gì bở nên vội đáp:
– Cơm ăn no, trầu đầy đây, không chống để làm gì?
Lập tức cái ống mầu nhiệm đã bắt cả nhà lão chủ quán chống hai tay xuống đất, chân giơ lên trời không cụ cựa.
Chắc là lần này chàng đốn củi đã rõ mưu mô gian dối của mình nên cố tâm phạt mình với phép thuật thần dị, lão chủ quán van khóc hết lời. Hắn hứa trả lại mâm và ngựa để xin tha mạng. Anh chàng chỉ cần có mấy món bảo vật cũ, nên vui lòng làm phép tha cho cả nhà lão đứng dậy.
Khi châu đã về hợp phố, chàng phi ngựa nước đại trở về làng. Chàng không quên tiến vào đình thúc một hồi trống lớn mời làng như mấy lần trước. Thế rồi trước mặt quan viên và đồng dân thượng hạ, chàng đặt mâm xuống chiếu mời mọi người chia hàng ngồi vào.
Tiếng gõ mâm lúc này rất có hiệu quả. Cơm rượu và mọi thức ngon vật lạ tuôn ra đầy mâm đầy chiếu. Cả làng không đợi mời nhiều, ai nấy cắm đầu ăn uống mặc sức.
Ăn uống xong đâu đấy, chàng chỉ vào con ngựa và nói:
– Nếu quý cụ và mọi người vui lòng nhận một ít vàng tôi sẽ bảo con ngựa này làm ngay.
Không một người nào từ chối lòng tốt của chàng. Họ đứng ra hai hàng, mỗi người cầm một cái rá chực hứng phân ngựa. Quả nhiên, ngựa chạy đến đâu, người ta đổ xô nhau nhặt đến đấy vì họ thấy lấp lánh trên mặt đất bao nhiêu là vàng vung vãi.
Xong cuộc nhặt vàng, anh chàng giơ ống lên và hỏi:
– Bây giờ còn ống phép này, bà con ta ai muốn chống xin mời đứng về phía này.
Bấy giờ người đã no say lại được vàng giắt lưng, ai nấy chắc mẩm lại có món quà gì nữa, nên chẳng một ai từ chối. Ống vừa giơ lên, tất cả mọi người đều chổng đít lên trời, dù cố gắng thế nào cũng không buông xuống được.
Hôm ấy, không ngờ lại có lão trọc phú và con gái lão cũng có mặt ở đấy. Con gái lão là người đã làm cho chàng đốn củi chết mê chết mệt. Mọi ngày, tuy thấy anh nghèo khổ mà nàng vẫn tỏ lòng quyến luyến, những lúc chàng đến làm công cho lão trọc phú, hai bên từng có cơ hội gặp gỡ, chuyện trò. Nhưng đối với lão thì đừng có hòng tính chuyện lấy nhau. Bây giờ đây, thấy lão van như vạc, chàng tới thỉnh cầu lão gả con gái cho mình. Lão gật. Thế là chiếc ống lại gõ xuống đất buông tha tất cả mọi người.
Rồi đó, anh chàng đốn củi lấy được vợ như ý muốn. Với ba món bảo bối, chàng đi khắp thiên hạ giúp đỡ những người nghèo khổ và trị tội những bọn tham lam độc ác.
Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.
***
Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019
Thăng Long
Bài Thơ Xướng: Thăng Long
Thăng Long đô hội phồn hoa
Hương xông xạ ướp lụa là đẹp xinh
Tiệc tùng xe ngựa rập rình
Quận công quận chúa đầy sân đầy đường
Nhà quan tham tụng giàu sang
Mà sao Nguyễn Thiếp chê tràn chẳng kiêng
La sơn cách mấy dậm nghìn
Qua Thăng Long để một nhìn triều Lê
Đường hoa còn nặng lòng quê
Vời trông Hồng Lĩnh quay về đi thôi
Chân Diện Mục
Bài Thơ Họa:
Ray Rức Hồn Quê
Sơn hà trời biển gấm hoa
Non xanh nước biếc thật là xinh xinh
Ngoại bang tham vọng luôn rình
Mưu mô thâm độc lấn sân lấn đường
Vung tiền mua lũ hám sang
Biển ta lũ cướp lan tràn nào kiêng
Hoàng Trường đảo có đôi nghìn
Giặc đang chiếm giữ mắt nhìn buồn lê
Xót lòng hai chữ hồn quê
Mong sau con cháu lấy về mới thôi.
Quên Đi
Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019
Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019
Sài Gòn Và Nguyễn Ánh
Trong suốt thời Nguyễn Ánh bôn tẩu để lẩn trốn nghĩa binh Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã xem miền Nam như là căn cứ địa và là hậu cứ cho công cuộc giành giựt lại giang sơn cho dòng họ Nguyễn. Mùa xuân năm Ất Mùi 1775, Nguyễn Ánh theo chân Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Sài Gòn, trú ngụ tại thôn Tân Khai. Sau đó, cả Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân chánh vương Nguyễn Phúc Dương đều bị nghĩa binh Tây Sơn bắt giết. Mùa thu năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Ánh xưng vương tại thành Gia Định. Ban đầu, ông trú ngụ trong đồn quân Tây Sơn trước đây để nghỉ ngơi dưỡng quân. Sau đó, Nguyễn Ánh cho khởi công xây thành mới vào ngày 4 tháng 2 năm Canh Tuất 1790 trên gò Tân Khai, thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay. Thành mới được xây theo hình ‘Bát Quái’ như hình một bông sen nở, tám bức tường thành có 8 cửa. Xuyên qua 8 cửa nầy là 8 con đường giao nhau tại tâm điểm của thành Gia Định(3). Sau khi xây xong, Nguyễn Ánh đặt tên là ‘Kinh Gia Định’. Từ bờ thành đông qua bờ thành tây rộng khoảng 131,2 trượng. Từ bờ thành nam lên bờ thành bắc cũng rộng như vậy. Tường thành cao khoảng 13 thước ta, chân tường thành rộng khoảng 7,5 thước ta. Bên trong thành, phía trước bên trái là nhà Thái Miếu, chính giữa làm sở hành tại, bên trái là kho chứa, đối diện là ‘cục chế tạo’. Xung quanh các dãy nhà là trại lính của quân túc vệ. Phía trước trại lính là cột cờ cao 12,5 trượng. Bên trên tường thánh có tháp canh. Bên ngoài có hào sâu và rộng, có cầu bắc ngang các chiến hào. Tổng chu vi của ‘Kinh Gia Định’ khoảng 794 trượng. ‘Kinh Gia Định’ là một thành lũy vừa nguy nga tráng lệ, mà cũng vừa hiểm trở nhất thời bấy giờ. Bên ngoài ‘Kinh Gia Định’ là phố xá bốn hướng, nhưng được sắp xếp rất có thứ tự. Bên trái là đường cái quan từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ, đến sông Bình Đồng tới vùng Trấn Biên. Đường cái quan bên phải từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An, qua gò Chùa Tuyên đến sông Bến Nghé (Thuận An). Từ bến đò Thủ Đoàn qua sông Hưng Hòa, qua gò Trấn Định đến Gò Triệu. Đường rộng khoảng 6 tầm, hai bên đường đều có trồng những hàng cây mù u. Lúc đó ‘Kinh Gia Định’ là kinh thành của Nguyễn Ánh, trong khi lỵ sở của trấn Phiên An được đóng tại xóm Tân Thuận, thuộc tổng Bình Trị. Đến năm Gia Long thứ 6 (1807), lỵ sở được dời qua thôn Hòa Mỹ, dựa lưng vào sông Bình Trị, ở về phía đông bắc thành Gia Định.
Sài Gòn Dưới Thời Gia Long:
Dưới thời Tây Sơn, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc chỉ lo củng cố Qui Nhơn mà thôi, trong khi Đông Định Vương Nguyễn Lữ thì không màng gì đến thế sự, ông chỉ theo lệnh anh mình cầm quân đánh đông dẹp bắc cho có lệ chứ kỳ thật ông không thiết tha gì đến việc chiếm giữ vùng đất Gia Định. Chỉ có Hoàng Đế Quang Trung là luôn nghĩ đến tiền đồ của dân tộc trên cả ba miền Nam-Trung-Bắc. Nhưng cuộc đời của ngài quá ngắn ngủi, nên ngài đã không có cơ hội làm được những gì mà ngài mong muốn. Sau khi dẹp xong giặc Mãn Thanh ở phương Bắc vào năm 1789, chỉ ba năm sau là ngài băng hà(4). Sau khi ngài băng hà, vận mệnh của triều Tây Sơn cũng suy thoái một cách thảm hại vì không có ai có được tầm cỡ chỉ huy và cai trị như ngài. Người kế vị ngài là vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản cũng chú trọng đến việc bình định và phát triển đất nước, nhưng Quang Toản hãy còn quá nhỏ, triều thần lại chia năm xẻ bảy, nên ông cũng không làm gì được cho đất nước. Năm 1800, đời vua Tây Sơn Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản thứ 8, nhà vua đã ban sắc lệnh cuối cùng của triều Tây Sơn về vùng đất phía Nam. Ông cho đổi phủ Gia Định ra làm Trấn Gia Định, nhưng không nói gì đến việc bổ nhậm quan quân, vì toàn vùng Gia Định thời đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Nguyễn Ánh.
Trong các vị vua chúa triều Nguyễn, có lẽ Nguyễn Ánh là người biết về miền Nam nhiều hơn ai hết, nhứt là vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Trước năm 1776, khi Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn, ông đã đến ẩn náu tại một vùng chài lưới nghèo nàn của người Cao Miên tại ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé(5), vùng Prei Nokor, và từ đó về sau nầy ông đã phải nhiều lần về đây nương náu. Nguyễn Ánh đã từng gắn bó với Sài Gòn trong suốt 22 năm dài, kể từ năm 1779 đến năm 1801. Đến khi Gia Long lên ngôi vào năm 1802, ông đã đặc biệt chú trọng đến việc phát triển thương mại trong thành Gia Định vì nguồn tài chánh của thành nầy đã đóng góp một phần rất lớn trong ngân quỹ của quốc gia. Năm 1808, trấn thành Sại Gòn đóng tại huyện Bình Dương thuộc phủ Tân Bình. Vào năm 1820, tức là năm đầu đời vua Minh Mạng, tổng trấn Gia Định Thành là đức tả quân Lê văn Duyệt đã cho mở cửa thương cảng Sài Gòn và hàng loạt tàu bè Tây phương đã cập bến Sài Gòn, trong đó có những thương thuyền của người Mỹ đã ghé lại đây mua đường và nhiều nông phẩm khác. Phải thành thật mà nói, sự phát triển vượt bực của phủ Tân Bình cũng như vùng Sài Gòn Gia Định đa phần là nhờ ở những người Minh hương. Họ đã đến đây từ giữa thế kỷ thứ XVII và họ đã liên kết với nhau thành những bang hội rất có thế lực. Chính họ là những chủ vựa đóng vai trò rất quan trọng việc phân phối hàng hóa từ các nơi đưa về Sài Gòn-Gia Định. Thêm vào đó, dưới thời nhà Nguyễn, vua chúa nhà Nguyễn đã tuyệt cấm người Việt Nam đóng ghe tàu biển nhằm buôn bán với người ngoại quốc, nhưng triều đình chẳng những không cấm đoán người Hoa mà còn khuyến khích và hỗ trợ họ trong việc nầy. Ngoài ra, Hoa kiều còn được phép thu mua gỗ quý, gạo và đường để phân phối các nơi. Mãi cho đến ngày nay vẫn chưa có nghiên cứu chính xác nào về những nguyên nhân khiến các vua nhà Nguyễn không cho phép người Việt Nam hoạt động trong những lãnh vực quan trọng nầy mà chỉ cho phép người Hoa. Có thể các vua nhà Nguyễn cho rằng người Hoa rất giỏi về thương mại nên khi cho phép họ làm những việc thương mại lớn lao nầy các ngài sẽ thu về một số tiền thuế lớn lao. Tuy nhiên, chính những chánh sách ưu đãi Hoa kiều nầy đã chẳng những chặn đứng bước phát triển của các thương nhân Việt Nam mà hậu quả của nó đã làm tê liệt toàn bộ thương nhân Việt Nam mãi cho đến ngày hôm nay.
Nhìn lại quá trình giành giựt lại giang sơn từ tay ấu chúa Tây Sơn, chúng ta thấy rõ Sài Gòn là hậu cứ không thể thiếu được của Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, đến khi ông lấy lại được ngôi báu thì mặc dầu ông vẫn chủ trương cho Sài Gòn phát triển về thương mãi và kinh tế, nhưng về mặt hành chánh dưới thời Gia Long, Sài Gòn xuống địa vị chỉ là một trấn biên thành mà thôi. Vào thời Nguyễn Ánh đang tranh giành ngôi báu với ấu chúa Tây Sơn, thì Sài Gòn-Gia Định giữ một vị trí vô cùng quan trọng đối với nhà Nguyễn, vì Sài Gòn cách xa biển đến gần 90 cây số, nên nếu có tàu chiến từ ngoài khơi kéo vào thì quân tiền sát có dư thời giờ chạy về Sài Gòn báo cáo với Nguyễn Ánh để chuẩn bị thủ thế và nghênh chiến. Mặt khác, Sài Gòn còn có hai dãy hào chiến lược thiên nhiên là sông Thị Nghè và sông Bến Nghé. Và từ Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đi Mỹ Tho không xa lắm, nên Nguyễn Ánh thường chạy về vùng Ba Giồng (Mỹ Tho) ẩn trốn mỗi khi bị đại quân Tây Sơn truy đuổi. Thời đó, Nguyễn Ánh đã nắm lấy tất cả những nguồn hàng hóa nhu yếu như gạo và đường để đổi lấy khí giới với Tây phương. Năm 1790, Nguyễn Ánh cho xây Qui Thành tại Sài Gòn-Gia Định. Đến thời Lê văn Duyệt làm Tổng trấn, ông cho xây cất bến cảng Sài Gòn và các nhà kho chứa hàng hóa về phía Nam và phía Đông Nam thành phố, dọc theo bờ hữu ngạn của sông Sài Gòn. Đồng thời, quan Tổng trấn cũng cho thành lập những vườn cây ăn trái xanh tươi giữa hào thành và trung tâm thành phố, khiến cho bộ mặt của thành phố dưới thời đức tả quân Lê văn Duyệt rất đẹp. Một thương nhân người Anh tên Finlayson, đã ghé lại Qui Thành vào năm 1821, có ghi lại như sau: “Không ngờ ở miền đất xa xôi nầy lại có một thành thị to và rộng như vậy. Cách xếp đặt phố xá ở đây còn phong quang, thứ tự hơn nhiều kinh đô ở Âu Châu.” Tuy nhiên, thành nầy bị vua Minh Mạng phá bỏ vào năm 1835 để quên đi nỗi nhục bị Lê văn Khôi đánh chiếm Quy Thành 3 năm.
Sài Gòn-Gia Định Dưới Thời Minh Mạng:
Năm 1836, vì muốn quên đi nỗi nhục đã làm mất Quy Thành 3 năm vào tay Lê văn Khôi nên vua Minh Mạng cho triệt hạ Quy Thành, lúc đó vẫn còn là một thành trì kiên cố. Minh Mạng cho xây lại thành Sài Gòn-Gia Định với qui mô nhỏ hơn Quy Thành, có lẽ gần sở Ba Son bây giờ. Thành mới nằm về hướng đông bắc của Quy Thành. Thành mới có 4 cửa, chu vi 429 trượng, cao khoảng 10 trượng, hào sâu 7 thước (xích), bề ngang hào khoảng trên 11 trượng. Thành mới tọa lạc tại làng Nghĩa Hòa, huyện Bình Dương. Đến năm 1859 thì thành thành bị giặc Pháp triệt hạ. Như vậy thành Sài Gòn-Gia Định do Minh Mạng xây chỉ tồn tại được có 23 năm, còn ít hơn số năm Quy Thành tồn tại (45 năm). Dưới thời Minh Mạng, ở Sài Gòn có ba nơi đáng lưu ý là Thành Sài Gòn(6), chợ Bến Thành hay chợ Mới(7), và chợ Cũ(8). Vua Minh Mạng vì sợ nạn Lê văn Khôi tái diễn mà cho tiêu hủy Quy Thành là một điều đáng tiếc và đáng trách vì mặc dầu nhà vua đã cho dùng lại một phần vật liệu cũ còn dùng được để xây thành mới, nhưng để xây xong thành mới nhà vua đã phải chi phí một khoảng không nhỏ trong ngân sách quốc gia. Thế mới biết được uy quyền của một ông vua, làm vua thì muốn làm gì mà chẳng được, có ai dám hạch hỏi ngài đã chi tiêu bao nhiêu trong ngân quỹ quốc gia đâu! Theo Trương Vĩnh Ký thì cột cờ của thành Sài Gòn Gia Định xây năm 1790 ở ngay tại nhà thờ Đức Bà hiện nay(9). Phía Đông thành là đường Lê Thánh Tôn, phía Tây thành là đường Phan Đình Phùng, mà hào thành vẫn còn mãi đến năm 1920 mới lấp để xây sở Canh Nông và trại gia binh của Hội Hồng Thập Tự, viện Pasteur, và dinh thự của hãng Hàng Không. Phía Bắc của thành là đường Đinh Tiên Hoàng nối dài qua Cường Để. Phía Nam thành là đường Công Lý. Cửa Tiền hay cửa Đông gồm hai cửa Gia Định và Phan Yên(10). Tây môn hay cửa Hậu gồm hai cửa Vọng Khuyết và Cung Thìn(11). Bắc môn hay cửa Tả cũng có hai cửa là Hoài Lai và Phục Viễn (12). Nam Môn hay cửa Hậu gồm hai cửa Định Biên và Tuyên Hóa(13). Năm 1832, sau khi Tả Quân Lê Văn Duyệt qua đời thì vua Minh Mạng cho đổi tên thành Gia Định ra thành Phiên An. Đến năm 1833 thì Lê văn Khôi nổi lên, hai năm sau, sau khi dẹp xong Lê văn Khôi thì Minh Mạng cho triệt hạ thành Phiên An. Thành Sài Gòn được xây bằng đá ong. Thuở ấy các kinh rạch dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn đều được lót bằng đá nguyên miếng lớn rất đẹp, tuy nhiên, vì thiếu săn sóc tu bổ nên không được sạch sẽ.
****
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
Đất Phương Nam Quyển 1
****
Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019
Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019
Nhánh Mai Mùng Một Tết
(Hình Ảnh - Huỳnh Hữu Đức)
Nhánh Mai Ngày Mùng 1
Nở đều trên Bonsai
Đua chen khoe nét đẹp
Duyên dáng cành hoa mai.
Quên Đi
***
Các Bài Họa:
Cụt Hứng
Mùng một Mỹ hôm nay,
Múi giờ có biệt sai.
Trúc đào đều đồ giả,
Kể cả cành hoa mai!
Đỗ Chiêu Đức
***
Tục lệ Tết xưa nay
Nhà nhà chưng nhánh mai
Màu hoa vàng rực rỡ
May mắn đến chẳng sai!
Màu hoa vàng rực rỡ
May mắn đến chẳng sai!
và tặng thêm 4 câu nữa:
Mai nhà bạn năm nay
Nở rộ, đẹp lắm thay
Như thỏi vàng óng ả
Hẳn gia đình gặp may!
Phương Hà
Xa nhà bấy lâu nay
Băm chín năm chẳng sai.
Giao thừa trằn trọc mãi
Nhớ quá một nhành mai!
Băm chín năm chẳng sai.
Giao thừa trằn trọc mãi
Nhớ quá một nhành mai!
Mailoc
***
Dường như mấy bữa nay
Nhà mạng có gì sai
Thư đến trong thùng rác
Mình không thấy ảnh mai!
Nhà mạng có gì sai
Thư đến trong thùng rác
Mình không thấy ảnh mai!
Tiếc thật! Nhưng Không sao, đệ bèn chuyển thư vào hộp thư đến,
May quá! mai nhà anh rần rần hiện trong ấy nên:
Chúc bạn tết năm nay
Như hoa nở chằng sai
Phúc lộc và sức khỏe
Tươi thắm tựa màu mai.
Cao Linh Tử
Mồng Tết 6/2/2019
Chúc bạn tết năm nay
Như hoa nở chằng sai
Phúc lộc và sức khỏe
Tươi thắm tựa màu mai.
Cao Linh Tử
Mồng Tết 6/2/2019
Xa xứ bấy lâu nay
Tiết mùa chút lêch sai
Vẫn rộn ràng đón
Tết Xuân lòng thắm sắc mai
Kim Oanh
Melbourne Mùng 2-2019
***
Ngẩn NgơNgơ ngẩn ngơ chiều nay
Nhìn vàng nụ trổ sai
Sắc hoa màu rực rỡ
Xinh quá cành đầy mai
Kim Phượng
Melbourne Mùng 2 - 2019
***
Mai Xuân
Giao thừa một nhánh mai
Rực rỡ sắc vàng sai
Thềm cổng bừng hoa đẹp
Ngày xuân trải mấy nay
Mai Thắng
190206
Cảm Tác:
Bây giờ đặt bút viết khai xuân
Cứ cảm phân vân với ngại ngần
Chỉ sợ lời cầu không hợp cảnh
Thêm lo ý nguyện bị sai tầm
Sẽ làm cô bác buồn da diết
Còn khiến tỷ huynh chán ngán thầm
Dẫu vậy vẫn vui và kính chúc
Mọi người Kỷ Hợi thật an tâm.
Thái Huy
5/2/2019
Mồng Một Tết Kỷ Hợi
***
Cảm Tác Thơ Hoa Mai
1)
Bông mai vàng rực rỡ
Tết rước xuân vô nhà
Thương bạn hiền hớn hở
May mắn một nhành hoa
2)
Đào hoa rộ ngoài Bắc
Bông mai rực trong Nam
Nụ cười lên ánh mắt
Bạn sẽ hên quanh năm...
Mai Xuân Thanh
Ngày xuân đầu năm
(06/02/2019)
Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019
Xuân Nhật Hữu Cảm 1 - Trần Quang Khải
春日有感 一 Xuân Nhật Hữu Cảm 1
雨白肥梅細若絲, Vũ bạch phì mai tế nhược ty
閉門兀兀坐書癡。 Bế môn ngột ngột tọa thư si
二分春色閒蹉過, Nhị phân xuân sắc nhàn sai quá
五十衰翁已自知。 Ngũ thập suy ông dĩ tự tri
故國心還飛鳥倦, Cố quốc tâm hoàn phi điểu quyện
恩波海濶縱鱗遲。 Ân ba hải khoát túng lân trì
生平膽氣輪囷在, Sinh bình đảm khí luân khuân tại
醉倒東風賦一詩。 Túy đảo đông phong phú nhất thi.
陳光啓 Trần Quang Khải
Dịch nghĩa
Có phải vì mai nên mưa rơi trắng để làm tươi tốt những cành nhỏ mỏng manh
Như người mê sách nên cửa vẫn còn đóng kín
Hai phần của tuổi xuân đã trôi đi thật uổng phí
Đã năm mươi tuổi lão tự biết sức khỏe mình đã yếu kém
Đối với quê hương đất nước lòng này chưa được như chim thỏa chí bay lượn
Còn ơn như biển rộng của vua, thì không thể như cá vẩy vùng
Nhưng sự gan dạ thường khi vẫn còn nguyên vẹn
Dẫu cho say nghiêng ngã trước gió đông cũng làm một bài thơ.
Dịch Thơ
Xúc Cảm Ngày Xuân
Mưa đến làm tươi những nhánh mai
Như người mê sách cửa then cài
Hai phần xuân đã trôi phung phí
Ở tuổi năm mươi hết dẻo dai
Nợ nước sức hồ chim mỏi cánh
Ơn vua tựa biển cá mòn vây
Nhưng lòng can đảm nào đâu giảm
Vẫn vịnh thơ xuân dẫu đã say
Quên Đi
Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019
Tết Nhà Quê
Tết Nhà Quê
Nhớ hoài cái Tết ở nhà quê.
Tháng Chạp vui sao chẳng muốn về.
Thôn xóm chày vang, người tất bật
Mít xoài cành trĩu khách đê mê.
Xanh rờn liếp cải trên nương rẫy
Lóp ngóp cá đồng dưới rạch khe.
Lành lạnh cuối đông trời gió bấc
Gà trưa xao xác, võng bên hè.
Mailoc
01-29-19
***
Các Bài Thơ Họa và Cảm Tác
Quê Xưa
Phải chăng hướng ấy chính làng quê
Ta vẫn trông mong được trở về
Sáng mặt trời hồng soi rực rỡ
Đêm vầng trăng bạc ngắm say mê
Gió rung xào xạc trên nương rẫy
Cá quẫy tưng bừng dưới suối khe
Cuộc sống an vui và giản dị
Thu đông tiếp nối đến xuân hè.
Phương Hà
***
Bánh Tết
Hình dáng dịu hiền của mẹ quê
Má tôi bận rộn mỗi xuân về
Rọc dây phơi lá không ngơi nghỉ
Đãi nếp làm nhưn vẫn mãi mê
Thịt chuối đậu bày trên bộ ván
Nồi niêu củi xếp cạnh bờ khe
Gói vừa xong bánh là đem nấu
Ánh lửa hồng soi sáng rực hè.
Quên Đi
***
Nỗi Nhà Trăn Trở
Xa nên lưu luyến mối tình quê
Tết đến nghe tin lẽo đẽo về
Xưa cái thời xuân làm phát khóc
Nay con thác lũ khiếm ra mê
Nửa đời lưu lạc ai con nhớ ,
Môt thuở thân thương bậu có” khe”?
Tâm sự nhỏ to ghi đá biếc
Nay nghe tiếng cuốc gọi sau hè
Thái Huy
31/01/2019
***
Tết Nhà Quê
1/
Tết đến miền Nam nắng khắc khe,
Bà con xúm xít ở xa về.
Xóm làng chợ búa vui như Tết,
Bánh tráng bánh phồng bán thấy mê.
Đì đẹt đầu thôn tràng pháo chuột,
Lùng thùng tiếng trống đội lân quê.
Trẻ em áo mới tung tăng chạy,
Bánh tét chị hai nấu cạnh hè.
2/
Cạnh hè bánh tét chị hai khoe,
Trước cửa anh tư đang thở khè,
Đánh bóng lư hương ba bốn cái,
Lau chùi gắn máy bốn năm xe.
Cửa nhà dán nhện không còn bám,
Vườn tược khang trang hết khập khè.
Thơm phức thịt kho cùng với trứng,
Cả nhà vui vẻ đón xuân về!
Đỗ Chiêu Đức
***
Tết Nhà Quê
1)
Lúc nhỏ êm đềm sống mẹ quê
Vợ chồng anh chị dắt nhau về
Quây quần gói bánh chưng vui vẻ
Xúm xít canh nồi bếp lửa mê
Pháo chuột trẻ con chơi cuối xóm
Rạch sông cống rãnh chảy qua khe
Quét vôi dọn dẹp đâu ra đấy
Kẽo kẹt võng đưa gió mát hè ...
2)
Bánh tét chị Hai nấu cạnh hè
Thức khuya củi cháy đỏ đêm về
Giao Thừa đón Tết râm ran pháo
Mồng Một mừng xuân lạch cạch xe
Nhà cửa khang trang mai trổ búp
Vách trần sáng sủa nắng ngoài khe
Thịt kho dưa giá quê hương nhớ
Sum họp mừng xuân đón khách quê
Mai Xuân Thanh
Ngày 30/01/2019
***
Tết Nhà Quê
Tết ngoài đại lộ tết trong nhà
Tết cũng rộn ràng khắp chợ hoa
Tết đã nhiều năm không tiếng nổ
Tết chừng một bữa thiếu dân ca
Tết người ở ẩn nào tha thiết
Tết chốn mua vui chắc thuận hòa
Tết họ pháo bông nay khác nẳm
Tết khoanh bánh tét cúng ông bà.
Cao Linh Tử
Đêm trừ tịch 4/2/2019
***
Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019
Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019
Sài Gòn Và Tiến Trình Phát Triển Của Xứ Đàng Trong:
Đối với lịch sử hình thành xứ Đàng Trong thì Thuận Quảng là trung tâm chính trị và văn hóa, mà cũng là chân đứng của dòng họ Nguyễn trong suốt hai thời kỳ ‘chín chúa mười ba vua’ của dòng họ nầy, vì trong tình hình gần như thập tử nhứt sanh của Nguyễn Hoàng trước sự đe dọa của Trịnh Kiểm, thì vùng biên địa hoang vu với đầy dẫy những khó khăn thử thách ‘Thuận Quảng’ chẳng những đã mở ra cho Nguyễn Hoàng con đường sống, mà lại còn chính là nơi phát tích cho dòng họ Nguyễn. Chính vùng đất ‘Thuận Quảng’ đã khai sanh ra xứ Đàng Trong, một dãy giang sơn gấm vóc có tầm vóc không thua gì nơi xuất phát của dân tộc Việt năm xưa. Thật vậy, xứ Đàng Trong đã sớm tạo cho dòng họ Nguyễn một thế lực tương xứng với vùng lãnh thổ của vua Lê và chúa Trịnh ở bờ Bắc sông Gianh. Tuy nhiên, nếu nói vùng Thuận Quảng là đất dựng nghiệp của dòng họ Nguyễn thì cũng phải thành thật mà nói rằng Sài Gòn đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển và giữ vững xứ Đàng Trong. Nói về vùng Sài Gòn, không phải đợi đến lúc chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công nữ Ngọc Vạn cho quốc vương Chân Lạp là Chei Chetta II, hoặc đến khi xứ Đàng Trong mở ra hai trạm thâu thuế Kas Krobei và Prei Nokor vào năm 1623, mà trước đó rất lâu vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn đã từng là chứng nhân lịch sử cho các cư dân bản địa ngay từ thời tiền sử và sơ sử, nghĩa là hàng chục thế kỷ trước tây lịch. Rồi đến khi vương quốc Phù Nam được thành lập trên vùng đất nầy, chắc chắn Sài Gòn cũng đã đóng một vai trò rất quan trọng trong thời kỳ văn hóa Óc Eo phát triển, từ đầu thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ sáu sau tây lịch. Đến khi vương quốc Phù Nam bị phiên quốc Chân Lạp tiêu diệt, không riêng gì vùng Kas Krobei và Prei Nokor bị vương quốc Chân Lạp bỏ quên trong suốt mười thế kỷ, từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ mười bảy, mà cả vùng Thủy Chân Lạp hầu như cũng bị lãng quên. Mãi đến đầu thế kỷ thứ mười bảy, khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đặt chân đến đây họ chỉ thấy nơi giao tiếp giữa rạch ‘Bến Nghé’ và sông Sài Gòn chỉ là một làng chài nhỏ mà người Khmer gọi là Kas Krobei. Đi xa khỏi ‘Bến Nghé’ về phía tây nam là cả một khu rừng rậm với lác đác vài xóm nghèo mà người Khmer gọi là ‘Prei Nokor’. Tuy nhiên, chỉ khoảng vài năm sau khi xứ Đàng Trong được Miên vương cho phép đặt hai trạm thu thuế tại Kas Krobei và Prei Nokor vào năm 1623 thì lưu dân người Việt đã đổ xô nhau đến đây sinh cơ lập nghiệp. Mặc dầu người Việt đến đây và sống rất hài hòa với cả người Khmer lẫn cư dân bản địa, nhưng có thể vì sự khác biệt quá xa về văn hóa nên hễ người Việt đến đâu là người Khmer và cư dân bản địa lui sâu dần vào vùng rừng rậm, để rồi chỉ trong vòng mộ thế kỷ sau đó, không riêng gì hai vùng Kas Krobei và Prei Nokor, mà hầu như toàn thể miền Đông Nam Phần còn rất ít người Khmer cư trú. Đến năm 1679, các cựu thần nhà Minh được chúa Nguyễn cho phép đến khai phá vùng Bàn Lân lập nên Cù Lao Phố, rồi sau đó quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược xứ Nông Nại vào năm 1698, đã khiến cho vùng đất nầy phát triển nhanh chóng.
Sài Gòn Của Xứ Đàng Trong:
Có nhiều giả thuyết về cái tên Sài Gòn, ở đây chúng ta không bàn đến những giả thuyết ấy. Sài Gòn, Chợ Lớn, Kas Krobei, Prei Nokor Đê Ngạn hay Xi Koong... là những danh xưng rất quen thuộc cho thành phố đã từng là thủ phủ của nước Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, ý nghĩa của cái tên Sài Gòn cho mãi đến hôm nay vẫn còn là một câu hỏi chưa có giải đáp. Ngay từ khi mới chiếm Nam Kỳ, chính cái dáng vẻ quyến rũ của Sài Gòn đã khiến nhiều nhà khảo cổ học người Pháp bỏ công ra tìm hiểu về ý nghĩa của địa danh Sài Gòn. Nhưng trải qua nhiều thời kỳ với nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả thỏa đáng nào được công nhận. Có người cho rằng chữ Sài Gòn tự nó không có ý nghĩa gì cả mà chỉ là âm đọc trại từ tiếng Miên “Prei Nokor” mà thôi(1). Giả thuyết nầy không đứng vững vì dưới thời vương quốc Phù Nam và Chân Lạp, chưa bao giờ có một sử liệu nào nói đến cái tên “khu rừng quốc gia” cả. Dân Lâm Ấp vùng Bình Thuận lại gọi Sài Gòn là Prây Kor, có lẽ họ cũng gọi trại theo tiếng Cao Miên, nhưng chữ “Kor” ở đây lại có nghĩa là “bò”, có thể xưa kia dân vùng biên địa giữa hai vương quốc Lâm Ấp và Phù Nam đều biết vùng nầy là một khu rừng có rất nhiều bò nên họ gọi là khu “Rừng Bò.” Ngoài ra, theo ngôn ngữ Cao Miên thì “Ko” hay “Kor” còn có nghĩa “Gòn”, một loại cây có thân rất nhẹ dùng làm củi. Theo Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Xưa và Nay thì chữ Sài có nghĩa là củi để đốt lò, còn chữ “Gòn” là một loại cây bông, gỗ nhẹ, có bông dùng làm chất độn gối. Tuy nhiên vì chữ Hán không có chữ “Gòn” nên tổ tiên ta đã viết chữ “Côn” nhưng vẫn đọc là “Gòn.” Thuyết nầy có phần hợp lý với từ “Prây Kor” của người Lâm Ấp. Dù thế nào đi nữa thì cái tên Sài Gòn đã quá quen thuộc và thân thương với chẳng những dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà còn với cả nước. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chúng ta cũng không bàn nhiều chi tiết của các địa danh ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, mà chúng ta chỉ gợi lại những kỷ niệm xa xưa của tổ tiên trên bước đường Nam tiến mà thôi. Và trong suốt bài viết “Sài Gòn Theo Dòng Thời Gian” cũng như bộ tuyển tập “Đất Phương Nam” nầy, mỗi khi nói đến Sài Gòn kể từ sau thời Pháp Thuộc, người viết muốn ám chỉ cả ba vùng: Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Từ khi người Phù Nam còn làm chủ trên mảnh đất Nam Kỳ, lúc đó còn là rừng rậm và đầm lầy, thì dân Chân Lạp cũng đã có mặt và sống lẫn lộn với người Phù Nam tại vùng Sài Gòn, nhưng cả hai dân tộc này không khai khẩn chi cả, mà họ chỉ thu hái hoa lợi tự nhiên. Hễ hết chỗ này thì họ đi đến chỗ khác thu hái tiếp và cứ thế mà họ lòng vòng lẩn quẩn quanh vùng Sài Gòn. Chính vì thế mà khi người Việt ta đến đây thì vùng này vẫn còn rất hoang vu, hình như chưa có tên gọi. Vào thuở đất Sài Gòn hãy còn trực thuộc dinh Trấn Phiên (Gia Định) thì đó là một vùng đất hoang vu, nơi có rất ít người Việt đến cư ngụ. Đa phần dân cư tại Sài Gòn lúc bấy giờ là dân khờ me, Stieng và Chàm. Trước năm 1698 khi chúa Nguyễn sai Nguyễn cư Trinh vào Nam thiết lập bộ máy cai trị thì dân cư trong vùng Sài Gòn chỉ có khoảng chừng 10.000 người. Từ lúc có cư dân Việt Nam đến khi Pháp chiếm Nam kỳ thì vùng Sài Gòn có khoảng chừng 15.000 cư dân, nghĩa là cũng không tăng là bao nhiêu trong vòng 100 năm đó. Dưới chế độ thuộc địa từ năm 1859 đến năm 1954 thì Sài Gòn có khoảng 110.000 dân. Dưới thời đệ nhứt và đệ nhị Cộng Hòa (1954-1975), nghĩa là trong vòng 21 năm mà Sài Gòn đã có đến 3.500.000 dân. Từ năm 1975 đến nay (2005), nghĩa là trong vòng gần 30 năm mà dân Sài Gòn hiện tại đã có trên 5.000.000. Về diện tích, Sài Gòn rộng khoảng 2.095 cây số vuông. Về vị trí, phía Bắc Sài Gòn giáp Tây Ninh, Bình Dương và Biên Hòa, phía Đông giáp Biên Hòa và Bà Rịa, phía Tây giáp Long An, phía Nam giáp tỉnh Gia Định. Mãi đến bây giờ cũng chưa có tài liệu nào đích xác về lịch sử cư dân trong vùng Sài Gòn. Trước khi người Phù Nam làm chủ trên mảnh đất này, không biết có sắc dân nào đã cư ngụ tại đây. Người ta chỉ đoán là trước đó có những bộ tộc cổ Mã Lai cư ngụ. Sau khi Pháp chiếm xong Sài Gòn, người Pháp bắt đầu đào mống để xây dinh thự cho chính quyền thuộc địa thì họ khám phá ra những chứng tích của thời đồ đá(2). Người ta cho rằng thời sơ khai của Sài Gòn, có những bộ tộc của người Mạ và Stieng cư ngụ, sau đó thì dân Phù Nam, rồi dân Chân Lạp, Chăm, và cuối cùng là dân Việt. Khi dân Việt đến đây thì các sắc dân kia rút sâu về những khu rừng rậm ở phía tây bắc như Sông Bé, Tây Ninh, Snoul, vân vân. Từ thế kỷ thứ 16, do sự tăng trưởng dân số nên dân Việt từ lưu vực sông Hồng đã tiến về phương Nam mở đất. Trong khi các sắc dân khác hãy còn sống bán khai thì người Việt chúng ta đã biết khẩn hoang, làm rẫy, làm ruộng, làm thủ công, rèn dao, làm gạch, vân vân, nên khi chúa Nguyễn Phúc Tần sai Nguyễn hữu Cảnh vào đây thiết lập bộ máy hành chánh thì các sắc dân khác vốn không quen sống dưới sự kiểm soát của ai, nên họ bỏ đi và lẩn vào rừng sâu. Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất mới phía Nam, ông đã thành lập phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, và lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Lúc đó dinh Phiên Trấn chỉ có huyện Tân Bình và dinh Trấn Biên chỉ có huyện Phước Long. Tuy nhiên, trước khi các chúa Nguyễn đưa lưu dân vào Sài Gòn thì ở đây đã có dấu chân của người Hoa lai vãng. Người Hoa đã đến đây bằng những thương thuyền, họ chở hàng hóa buôn bán với các vùng Mã Lai và Tân Gia Ba, khi về ngang qua một vùng xanh ngát, họ ghé thuyền lại và khám phá ra vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn. Lúc ấy Sài Gòn có khoảng dưới 10.000 cư dân. Thế rồi từ đó về sau những thương thuyền Trung Hoa tiếp tục lui tới và biến nơi đây thành một vùng tương đối sầm uất. Kỳ thật vùng mà người Hoa hay lui tới là vùng mà bây giờ mình gọi là Chợ Lớn, nhưng người Hoa gọi là “Đê Ngạn.” Khi người Việt đến đây đầu tiên vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVII, khi chúa Nguyễn sai Nguyễn cư Trinh vào đây bình định thì cư dân tại đây chỉ có khoảng chừng 10.000 kể cả các sắc dân, thế mà chỉ ba thế kỷ sau, dân số ở đây đã lên đến con số 5 triệu. Về sau này thì hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập lại làm một và Gia Định được tách ra riêng làm một tỉnh. Tuy nhiên, ba từ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đối với người Việt Nam chúng ta hình như đã ăn sâu vào tim óc của mọi người. Kỳ thật cho tới bây giờ chưa có ai có thể xác định rõ địa điểm Gia Định và Sài Gòn khi xưa nằm ở đâu. Năm 1789, sau khi tái chiếm Gia Định, Nguyễn Ánh đã cho xây lại thành trì kiên cố để chuẩn bị lương thực cho chiến tranh giành lại giang sơn.
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
Đất Phương Nam Quyển 1Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019
Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019
Phố Đi Bộ Vĩnh Long Những Ngày Đầu Năm Mới
Phố
Đi Bộ Vĩnh Long được khai mạc vào tối 23 - 2 -
2018. Nằm cạnh quảng trường Vĩnh Long, được bố trí trên đoạn đường Lê
Lai, giới hạn trong phạm vi ngã tư Nguyễn thị Út - Lê Lai, Ngã ba Trưng
nữ Vương- Tô thị Quỳnh, ngã ba Hưng đạo Vương - Tô thị Quỳnh.
Phố đi bộ chỉ hoạt động 3 ngày trong tuần: Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật. Thời gian từ 18 đến 23 giờ.
Trên phố đi bộ có rất nhiều quầy hàng ăn uống, đồ lưu niệm, văn nghệ.. để phục vụ khách thưởng ngoạn.
Trên phố đi bộ có rất nhiều quầy hàng ăn uống, đồ lưu niệm, văn nghệ.. để phục vụ khách thưởng ngoạn.
Thật
đông, vâng rất đông, có lẽ vì ngày Tết, những quầy bán thức ăn rất đông
khách. Đủ các mùi thơm của thức ăn hòa quyện nhau, kích thích khứu
giác, khiến khách khó từ chối những món ăn bình dị với giá vừa rẻ lại
vừa ngon miệng.
Sẽ
thật thú vị. Nếu đến đây trong những ngày cuối tuần, về đêm, khách có
thể thưởng thức các món ăn bình dân, mang hương vị thật đậm đà.
Thưởng
thức chương trình văn nghệ đường phố không chuyên của các bạn trẻ.
Khách sẽ cảm thấy sảng khoái với những cơn gió lành từ sông Tiền đưa
đến.
Tất cả sẽ mang đến cho khách cảm giác thư thái, nhẹ nhàng và sảng khoái.
Vĩnh Long ngày Mùng 4 Tết Kỷ Hợi (08-02-2019)
Huỳnh Hữu Đức