Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Không Duyên Cớ!


Bài Xướng:
 

Không Duyên Cớ!
 

Mấy kiếp luân hồi dễ gặp nhau!
Nhiều thêm xuân hạ tóc thay màu
Đi qua những nẻo hằn khôn dại
Hụt hẫng bao lần bước chậm mau
Họ đến rồi xa như chủ trái
Ta buồn lại nhớ khắp trời sao
Mưa chiều điệp khúc từ xưa lắm
Mang máng lâu đời thấm nỗi đau!

                        Cao Linh Tử
                           2/11/2018
***
Các Bài Họa:

 
          Chung Thủy

Có cách gì ta giữ mãi nhau
Trăm năm tình nghĩa khó phai màu
Đói nghèo không khiến lòng chai sớm
Phú quý khôn làm dạ đổi mau ?
Hãy trọn yêu thương nào bởi lẽ...
Và luôn tin tưởng chẳng vì sao...
Suốt đời vẫn nặng lòng chung thủy
Chia sẻ vui buồn lẫn khổ đau.

                            Phương Hà
***
              Bạn Cũ
 

Ngỡ ngàng bạn cũ nhận ra nhau
Hai mái đầu xưa bạc thếch màu.
Hiu hắt trời thu chiều xuống lẹ,
Lạnh lùng sương khói tối buông mau.
Hạc vàng đất khách run chao cánh,
Tri kỷ quê người lặn tắt sao.
Rượu cúc hàn huyên hờn vận nước,
Mắt già rơm rớm nhắc thương đau!

                                   Mailoc
                          ( Thu Cali 2018)

***

         Mộng Tình Ấp Ủ
 

Kinh qua muôn kiếp mới quen nhau !
Đã trải trăm năm tóc bạc màu
Sống thọ nào ai đi chậm chạp
Sanh tiền mấy kẻ chạy hăng mau
Quê hương cách biệt trời Âu Mỹ
Đất nước mù khơi tinh tú sao
Mưa gió thu đông chiều giá lạnh
Đôi bờ cách trở dạ thầm đau...

                     Mai Xuân Thanh
                     Ngày 02/11/2018

***
       Không Duyên Cớ
 

Luân hồi mấy kiếp để bên nhau
Sương tuyết thời gian tóc nhuốm màu
Vạn nẻo xa xăm hoài ngóng đợi
Tháng ngày mòn mỏi hãy qua mau
Người đâu chợt đến tràn tinh tú
Ai đấy xa rồi lịm ánh sao
Đừng hỏi bao giờ duyên gặp gỡ
Cớ chi day dứt trái tim đau

                        Kim Phượng 
***
Tình Nghĩa Vợ Chồng

Tang điền thương hải vẫn bên nhau
Từ thuở đầu xanh đến bạc màu
Chiến quốc xuân thu bao thảm cảnh

Nồi da xáo thịt xót lòng đau
Phong ba cuồng nộ cùng san sẻ
Ngày tháng vô tình lặng lẽ mau 
Mấy chục năm vui buồn sướng khổ
Nghĩa tình sâu đậm há quên sao.  
                                      Quên Đi
 ***
Cảm Tác

   Ngày Xuân Thăm Bạn 
Xuân về tri kỷ kiếm thăm nhau
Hai đứa nhìn ra tóc ngã màu
Người nói quê nhà còn khốn khó
Kẻ rằng đất khách cũng lao đao
Mưu sinh tất bật không ngừng nghỉ
Suy nghĩ ngậm ngùi chẳng biết sao!
Cũng muốn ủi an tình bạn hữu
Nhưng nào xoá được vết thương mau!

                                   songquang
                                    11042018

 ***

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Kas Krobei-Prei Nokor Theo Dòng Thời Gian P2


Đến năm 1660 thì con trai của công chúa Ngọc Vạn lên ngôi vua lấy hiệu là Batom Reachea, đóng đô ở Udong. Sử Chân Lạp có ghi như sau: “Nhờ người Việt Nam mới được làm vua, quốc vương Batom
Reachea ký hòa ước nhận triều cống cho chúa Nguyễn hàng năm. Cho người Việt Nam được làm chủ phần đất vừa khai hoang. Cho người Việt được định cư trong lãnh thổ Chân Lạp và được hưởng quyền lợi ngang hàng với người Miên.”(28) Từ khoảng năm 1674 đến năm 1690(29), Prei Nokor khởi sự xây dinh thự cho Phó vương Nặc Nộn, và doanh trại cho quân binh của ông tại vùng Cây Mai, thuộc quận 11 ngày nay. Tuy nhiên, khi thấy người Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh tại vùng nầy nên người Chân Lạp bắt đầu đối kháng dữ dội. Năm 1674, Nặc Ong Đài đem quân Xiêm La về đánh Nặc Ong Nộn, đuổi người Việt ra khỏi đất Nông Nại và Prei Nokor, đồng thời ra mặt kình chống với quân đội của chúa Nguyễn. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bèn sai Cai Cơ đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm đem quân vào đánh SàiGòn(30), sau đó tiến đánh Gò Bích và Nam Vang.
Nặc Ong Đài thua chạy rồi sau đó chết trong rừng. Một vị hoàng tử thuộc dòng chính thống tên Nặc Ong Thu ra đầu hàng với quân chúa Nguyễn và được phong làm Cao Miên quốc vương, hiệu là Chey Chetta III, tức Nặc Ong Thu đệ tam, đóng đô ở thành Long Úc (Oudong). Còn Nặc Ong Nộn được phong làm Phó vương và tiếp tục đóng đô tại Prei Nokor (Sài Gòn).
Chính công nữ Ngọc Vạn đã nhiều lần mở đường dẫn lối cho người Việt đi về đất phương Nam. Trong số đó chúng ta phải kể đến lần thứ nhất là ngay sau cuộc hôn nhân của bà với Miên vương Chey Chetta II vào năm 1620, và lần thứ nhì quan quân nhà Nguyễn can thiệp sâu rộng vào triều chánh của xứ Chân Lạp sau vụ tranh chấp nội bộ trong vương triều Chân Lạp vào năm 1658. Kể từ đó, xứ Đàng Trong cứ được dâng hết vùng đất này đến vùng đất khác, và mỗi lần được đất như vậy, các chúa cho thiết lập ngay sổ bộ chánh quyền và cho lưu dân đến khẩn đất, để đặt Chân Lạp trước một sự việc đã rồi. Sau này dù cho họ có muốn đòi lại đất đai cũng không đòi lại được, vì dân cư trên những vùng đất này đều toàn là người Việt cả. Năm 1665, một giáo sĩ người Pháp tên Chevreuil tới thăm Colompé, tức Phnom Penh đã ghi lại:
“Hai làng An Nam nằm bên kia sông, tổng số trên 500 người, mà kẻ theo đạo Thiên chúa chỉ có khoảng 4 hay 5 chục mà thôi. Ngoài Nam Vang, tại các nơi khác cũng có nhiều người Việt Nam sinh sống, ở thôn quê thì làm ruộng, gần phố thị thì buôn bán hay làm nghề thủ công nghệ, hay chuyên chở hàng hóa bằng ghe thuyền, kể ra đến hàng mấy ngàn người, như ở các vùng Đất Đỏ, Bà Rịa, Bến Cá, Cù Lao Phố, Mỹ Tho và Hà Tiên...

Đến năm 1679, tức khoảng 56 năm sau ngày chúa Nguyễn lập hai đồn thu thuế ở Kas Krobei và Prei Nokor, chúa Nguyễn cho lập đồn dinh Tân Mỹ. Đây không phải là trạm thu thuế, mà là một đồn binh mang tính quân sự, có giám quân, cai bộ và ký lục cai quản hẳn hòi, với nhiệm vụ bảo vệ Phó vương Nặc Nộn và Việt kiều. Đồn binh nầy cũng có nhiệm vụ tổ chức làng xóm và phố chợ cho lưu dân Việt Nam nào muốn định cư lại đây. Trên thực tế, đây đã là tổ chức chánh quyền một cách bán chánh thức của chúa Nguyễn tại đây. Cùng năm 1679, chúa Nguyễn cho phép di thần nhà Minh là 2 tướng Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình, đem 3.000 quân binh và gia quyến vào khai hoang lập ấp vùng Nông Nại. Từ đó Cù Lao Phố được thành lập, giao thương với các nước ngoài rất sung túc vào hậu bán thế kỷ thứ XVIII tại vùng nầy. Đồng thời, nhóm quan quân của Tướng Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến được chúa Nguyễn cho vào khai phá đất Mỹ Tho. Cùng năm 1679, chúa Nguyễn cho thành lập thêm đồn binh tại Prei Nokor, tại khu vực Tân Mỹ ngày nay(31), chúa Nguyễn đưa ra lý do là đồn binh được lập ra nhằm giúp giải quyết những vấn đề của người Minh Hương tại vùng nầy, nhưng kỳ thật đây là một trong những đồn binh lớn, được dùng cho mục đích quân sự nhiều hơn là để giải quyết những vấn đề dân sự. Đồn binh có hình Bát Quái, tại Prei Nokor, thành có 8 cửa, rất đơn sơ. Dầu đồn binh nầy có qui mô nhỏ so với thành Gia Định sau nầy, nhưng vào thời đó, đồn binh có hình Bát Quái nầy là một trong những thành trì vững chắc tại vùng Thủy Chân Lạp.
Năm Mậu Thìn 1688, Phó tướng Hoàng Tiến làm phản, giết chủ tướng Dương Ngạn Địch, rồi đem quân Long Môn đồn trú ở Nan Khê (có lẽ là vùng Rạch Gầm ngày nay). Hoàng Tiến nỗ lực đóng tàu và đúc thêm súng ống, âm mưu đuổi người Chân Lạp và cả người Việt ra khỏi vùng nầy để lập nên một tiểu vương quốc theo kiểu Tân Gia Ba ở cực Nam bán đảo Mã Lai. Nặc Ong Thu đệ tam cũng đắp lũy xây đồn để chống lại Hoàng Tiến, và chống luôn cả quân đội của chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Trăn bèn sai Vạn Long Hầu Mai Vạn Long đem quân vào đánh dẹp Hoàng Tiến rồi sau đó kéo sang đánh dẹp luôn Chân Lạp. Mai Vạn Long dẹp được Hoàng Tiến, nhưng không bình định được Chân Lạp. Chúa Nguyễn bèn sai Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào vào thay Mai Vạn Long, nhưng Nguyễn Hữu Hào lại mắc phải mỹ nhân kế nên không hoàn thành nhiệm vụ. Chúa Nguyễn Phúc Chu bèn sai Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào đánh dẹp. Sau loạn Hoàng Tiến, Phó vương Chân Lạp là Nặc Ong Nộn bèn bỏ vùng Prei Nokor để dời dinh về vùng La Bích(32). Năm 1697, Phó vương Nặc Nộn dời dinh về La Bích, và con trai của ông là Nặc Yêm được Nặc Thu gọi về Oudong và gả con gái để sau nầy Nặc Yêm nối ngôi làm vua Chân Lạp. Từ đó Sài Gòn không còn chức Phó vương nữa.
Từ khi Phó vương Nặc Nộn dời dinh về La Bích, khu Prei Nokor bị lãng quên cho đến năm 1698, tức 75 năm sau ngày chúa Nguyễn lập trạm thu thuế ở Prei Nokor, Nguyễn Hữu Cảnh lại được chúa Nguyễn Phúc Chu cử đi kinh lược vùng đất nầy, lấy đất Nông Nại lập ra phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn(33), lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, đặc các chức giám quân, cai bạ và ký lục cai quản(34). Kể từ đó đất Gia Định được chính thức khai sanh vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử của vùng đất nầy, Gia Định được ghi danh vào sổ bộ của xứ Đàng Trong. Nghĩa là quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức tuyên bố xác lập chủ quyền của xứ Đàng Trong trên vùng đất mới nầy(35). Tuy nhiên, trên thực tế, có lẽ nhiều thế kỷ trước đó, người Việt Nam đã tới buôn bán và khẩn hoang lập ấp rải rác ở các vùng miền Đông và vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như vùng châu thổ sông Mê Nam(36). Sau khi thành lập hai phủ Phước Long và Tân Bình, Nguyễn Hữu Cảnh bèn xây đắp một lũy đất dài khoảng 8 hoặc 9 cây số, từ phía dưới rạch Thị Nghè lên vùng Chí Hòa ở khu Rạch Cát, nhằm bảo vệ vùng phía tây bắc và tây nam Sài Gòn; riêng phía đông bắc và đông nam Sài Gòn đã có rạch Thị Nghè, sông Tân Bình và sông Sài Gòn che chắn. Như vậy Quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã làm một việc mà chưa có một vị quan Chân Lạp nào đã làm tại vùng Thủy Chân Lạp trước đây. Ông chính là chứng nhân lịch sử, người đã chính thức tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên phần đất Nam Kỳ với đầy đủ những thủ tục hành chánh mà chưa có dân tộc nào đã làm trước đây, như đặt địa danh, kiểm tra dân số và thiết lập bộ máy hành chánh cho đến ngày nay. Thời điểm quan Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh(37) vào kinh lược xứ Nông Nại, thì dân số vùng nầy lúc bấy giờ không vượt quá con số 200.000, nghĩa là dân cư rất thưa thớt. Toàn vùng Sài Gòn và Nông Nại còn chìm trong những khu rừng rậm hoang vu như khu rừng Hóc Môn, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Lâm, vân vân. Chính vì vậy mà quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh phải xin phép các chúa Nguyễn cho chiêu mộ cư dân cố cựu từ các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Qui Nhơn đến đây khai hoang lập ấp với quy chế thật dễ dãi(38). Mãi đến thế kỷ thứ XVIII, thì đa phần đất Prei Nokor vẫn còn rất hoang vu. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm, họ Nguyễn trước kia lấy được đất ấy, rồi chiêu mộ dân từ các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn di cư đến khai hoang lập ấp trên vùng đất mầu mỡ, họ chiếm lấy vườn trồng cau, làm nhà ở. Lại mua con trai con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tỳ... cho chúng lấy nhau, sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng cho lớn lên để làm việc phá rừng cày ruộng, vì lẽ đó mà lúa thóc tại vùng nầy rất nhiều. Tại các địa phương, mỗi nơi có 40, 50 hoặc 20, 30 nhà giàu, mỗi nhà đều có từ 50 đến 60 điền nô, từ 300 đến 400 trâu bò, cày cấy, gặt hái rộn ràng không lúc nào rảnh rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng chạp, giã gạo, sàng gạo, bán lấy tiền để dùng vào lễ chạp, lễ tết, sau tháng giêng trở đi, không làm việc xay giã nữa. Họ đem nông sản bán ra các vùng Phú Xuân để đổi lấy hàng từ miền Bắc như tơ lụa, lãnh, trừu, và áo quần tốt đẹp.” Thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ 18, việc mua bán lúa gạo tại vùng Nông nại đã đóng một vai trò hết sức quan trọng cho xứ Đàng Trong. Lúa gạo được chở từ cảng Nông Nại ra Quảng Nam, Phú Xuân, ngay cả các vùng Tân Gia Ba và Malacca nữa. Theo giáo sĩ Halbont tại vùng Thuận Hóa thì mỗi năm từ Đồng Nai, vùng đất phì nhiêu, có hàng ngàn chiếc ghe đến từ vùng nầy mang lại sự đầy đủ và nỗi vui mừng cho dân chúng. Đến thời Gia Long thì đất Nam Kỳ vẫn còn chia làm 3 dinh và 1 trấn là Biên Trấn dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh (Gia Định), chia Gia Định làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Tây Ninh(39), Chợ Lớn(40), và Gia Định(41). Quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh có công rất lớn với dân tộc Việt Nam trong việc mở cõi về phương Nam. Chính ông đã thành lập một vùng cương vực rộng lớn từ Phước Long, Bình Long, Bình Dương, Tây Ninh, Tân Bình, Vũng Tàu, Sài Gòn và xuống tận Long An bây giờ. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị. Nói như vậy không có nghĩa là trước đây vùng đất nầy chưa từng có cư dân nào trú ngụ. Kỳ thật, theo các di chỉ khảo cổ thì vùng Prei Nokor cũng như các vùng phụ cận từ lâu lắm đã có nhiều bộ tộc của các cộng đồng cư dân cổ trú ngụ. Họ là những bộ tộc người Stiêng, Mạ, và Chu Ru, vân vân. Họ chia thành những bộ lạc, gần giống như các tiểu vương bên Mã Lai Á ngày nay. Họ sinh sống rải rác từ vùng Mô Xoài, Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Dương, xuống tận đến các vùng Meso (Mỹ Tho) và Long Ghor (Long Hồ), kể cả các tiểu vương trên các vùng từ lưu vực sông La Ngà lên đến cao nguyên Di Linh và khu vực Lâm Đồng ngày nay. Tuy họ phải triều cống các vua Chân Lạp, nhưng sinh hoạt trong các bộ lạc nầy vẫn được độc lập tự do. Văn hóa của họ có liên hệ tới văn hóa đá cũ tìm thấy tại các vùng Xuân Lộc, Lộc Ninh, Định Quán; văn hóa Hòa Bình Bắc Sơn tìm thấy tại vùng Suối Chồn; văn hóa đá mới tìm thấy tại vùng Cầu Sắt; văn hóa đồng tìm thấy tại núi Gốm, Bến Đò; văn hóa đồng sắt tìm thấy tại các vùng Suối Chồn, Rạch Núi; văn hóa Đông Sơn tìm thấy tại Bình Phú, Vũng Tàu, Lộc Ninh, Phú Chánh; cũng như nhiều di chỉ tìm thấy trong vùng có liên quan đến văn hóa Óc Eo và hậu óc Eo. Mặc dầu các vương quốc Phù Nam và Chân Lạp đã từng có cư dân trên vùng đất nầy, nhưng về phương diện chánh quyền và xã hội, cả hai vương quốc nầy chưa từng tổ chức thành làng mạc, thôn ấp, cũng chưa từng xác lập lãnh thổ hay cương vực rõ ràng. Chính vì thế mà những cư dân bán du mục của hai vương quốc nầy chỉ đến đây canh tác một thời gian rồi bỏ đi khi đất đai không còn mầu mỡ nữa. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, trước khi người Việt đến vùng Nông Nại khai khẩn thì nơi đây hãy còn là một khu rừng rậm hoang vu, nơi trú ngụ của nhiều nhóm dân tộc thiểu số mà người Việt gọi chung là người “Man” hay “Mọi”. Như vậy vùng Prei Nokor đã có cư dân cổ cư ngụ từ rất lâu đời, như chưa có dân tộc nào xác lập chủ quyền hành chánh của mình trên vùng đất nầy như dân tộc Việt Nam. Mãi đến ngày nay vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào xác nhận về những cư dân người Việt đầu tiên đi vào khai khẩn vùng nầy(42).

-----------------------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở
Link bên dưới:

https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html




***

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Bên Giáo Đường


Nhìn dáng cô đơn trước giáo đường
Nghe sao lòng cảm thấy thương thương
Rạng ngời tà áo trong đêm Thánh
Anh ước dìu em một quãng đường...
                                             Quên Đi

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Sự Tích Chim Đa Đa



Ðã lâu rồi, ở dựa mé rừng thưa có đôi vợ chồng người tiều phu ăn ở với nhau hai mươi năm rồi mà không có đứa con để vui cửa vui nhà. Một hôm vợ chồng bàn với nhau nên đến ngôi chùa ở gần triền núi ăn chay niệm Phật để cầu con.
Quả nhiên đi cầu tự trở về được ít lâu, vợ người tiều phu có thai, sinh được một con trai, đặt tên con là Ða Ða. Lúc thằng Ða Ða lên bảy tuổi thì mẹ nó qua đời. Còn lại một cha một con không ai sớm hôm săn sóc cho đứa trẻ, người tiều phu phải ngày ngày vào rừng đốn củi mãi tối mịt mới về, sự mệt mỏi làm cho gã không đủ sức để săn sóc nuôi dưỡng con thơ. Sau nhiều lần cân nhắc gã tiều phu không còn biết làm cách nào hơn là cưới thêm một người vợ kế.
Người đàn bà này không được hiền lương như mẹ ruột của Ða Ða. Ngoài roi vọt, tiếng nặng tiếng nhẹ, chị ta còn bắt Ða Ða phải lặn lội trong cánh đồng lầy chăn đuổi bầy vịt của chị ta nuôi. Ðã vậy đến bữa, chị ta chỉ cho thằng Ða Ða ăn cơm thừa canh cặn đói no mặc kệ. Vì vậy tối đến thấy cha về thằng Ða Ða thường thút thít khóc kể với cha về nỗi dì ghẻ hành hạ chăn vịt, đòn bộng lại còn cho ăn đói.
Nghe vậy, người dì ghẻ càng ghét cay ghét đắng thằng Ða Ða nặng lời nhiếc mắng, đánh đập tàn nhẫn rồi để chồng tin, đợi lúc gần tối chị xúc một chén cát, lấy cơm trắng trải lên trên cho thằng Ða Ða bảo ăn. Thằng Ða Ða không dám cãi lời dì ghẻ, lại nghĩ tủi thân, hồi nào còn mẹ được ăn uống đầy đủ, nâng niu, săn sóc nay thì cực khổ, cơm lại trộn cát bảo ăn, làm sao ăn được. Nó cứ cầm chén cơm mà khóc cho tới lúc cha nó lơn tơn xách rựa về nhà.
Phần mệt nhọc, lại nghe tiếng dì ghẻ chanh chua mắng vốn: “Ðó, ông xem thằng Ða Ða hành hạ tôi đến bực nào, cơm đã dưng tận tay nó không chịu ăn ngồi khóc rấm ra rấm rứt khi ma trù mà ẻo thì còn làm ăn gì được”.
Gã tiêu phu nóng tính, nghe vậy bực mình rồi, lại thấy chén cơm trong tay Ða Ða là cơm trắng ngon lành tại sao không ăn mà ngồi khóc.
Nổi khí xung thiên, gã vớ lấy khúc củi đánh thằng Ða Ða, chẳng dè trúng nhầm đầu đứa bé ngã ra chết. Chén cơm trắng đổ tứ tung bày ra những vữa cát.
Bây giờ gã tiều phu mới hiểu được lòng dạ bạc ác của người vợ kế thì đã muộn rồi. Bác chỉ còn cách chôn con và đuổi chị ta ra khỏi nhà.
Ba ngày sau ra thăm mả thằng Ða Ða, gã tiều phu thấy từ dưới mả một con chim kỳ lạ sắc xám bay lên đậu trên cành nhìn bác rồi cất tiếng kêu:
Bát cơm cát trả cho cha, đánh bể óc ác la, ác la đa. 
Gã tiều phu biết ngay rằng hồn thằng Ða Ða hoá thành chim, buông ra những tiếng kêu thê thảm.
Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.
Theo truyencotich vn

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Nguyệt Tịch Bộ Tiên Du Sơn Tùng Kính - Chu Văn An


月夕步仙 遊             Nguyệt Tịch Bộ Tiên Du 
         山松徑                               Sơn Tùng Kính 

緩緩步松堤                Hoãn hoãn bộ tùng đê 
孤村淡靄迷                Cô thôn đạm ái mê 
潮回江笛迥                Triều hồi giang địch quýnh 
天闊樹雲低                Thiên khoát thụ vân đê 
宿鳥翻清露                Túc điểu phiên thanh lộ 
寒魚躍碧溪                Hàn ngư dược bích khê. 
吹笙何處去                Xuy sinh hà xứ khứ, 
寂寞故山西。            Tịch mịch cố sơn tê (tây)
       朱文安                                   Chu Văn An 


Dịch Nghĩa:
Đêm Trăng Dạo Bước Dưới Hàng Tùng Trên Núi Tiên Du

Thong thả dạo chơi trên đê tùng
Làn khói nhạt che mờ cả làng hẻo lánh
Triều xuống trên sông nghe tiếng sáo văng vẳng từ xa
Trời rộng, mây xuống thấp gần ngọc cây
Chim về tổ bay trong làn sương mát
Cá gặp lạnh nhảy dưới khe nước trong vắt
Người thổi sên đã biền biệt nơi nào 

Để giờ đây núi tây cũ càng thêm vắng vẻ.

Dịch Thơ


1/
Bờ tùng thong thả dạo 
Xóm nhỏ khói giăng dài
Sáo vẳng vang triều xuống
Mây sà ôm ấp cây
Chim về khi móc phủ
Khe lạnh cá nào hay
Người thổi sên đâu tá
Non Tây giờ vắng thay.


2/
           Bờ tùng thả bộ dưới trăng
Xóm nghèo hẻo lánh khói giăng mờ mờ
        Nước ròng sáo vẳng sông thơ
Mây trời mỏi mệt xuống nhờ nương cây
           Chim về tổ lúc sương dầy
   Cá như lạnh bởi khe đầy nước trong
        Thổi sênh người ấy còn không
  Để non tây cũ buồn mong tháng ngày.

                                               Quên Đi 

***
     1)
      Trên đê tùng, dạo chơi thong thả
          Làn khói mờ che cả cô thôn
        Triều hồi, địch vẳng bến sông
Trời quang mây lượn ngàn thông la đà 

  Chim xao động sương ngà đêm mát
    Nước lạnh tanh cá quạt khe trong
      Tiếng sênh im bặt mênh mông
Núi xưa hiu quạnh hư không một màu

(2)
Lững thững trên bờ thông
Sương khói mờ cô thôn
Triều lui tiếng sáo vẳng
Trời tạnh rừng mây lồng
Sương rung chim lũ lượt
Cá lạnh quẫy khe trong
Sênh ai vừa bặt tiếng
Non cũ quạnh trời không

                        Mailoc 

***
Ðêm trăng dạo bước dưới rặng thông ở núi Tiên Du


1/
Chầm chậm dưới bóng tùng,
Xóm nhỏ sương mông lung.
Nước về vang tiếng sáo,
Trời cao cây mây chùn.
Chim chiều bay về tổ,
Cá lạnh vượt khe rừng.
Tiêu thiều đà vắng ngắt,
Núi tây lại lạnh lùng.

2/
            Thẩn thơ đi dưới bóng tùng,
Làng quê sương khói mông lung mơ màng.
          Nước về tiếng sáo vẳng sang,
  Trên cao mây thấp cây ngang lưng trời.
            Chim bay về tổ sương rơi,
   Lạnh căm khe nước quẩy đuôi cá về.
           Tiêu thiều lặng ngắt tư bề,
      Quạnh hiu làng cũ tái tê núi đồi!

                               Đỗ Chiêu Đức

***
Đêm trăng dạo bước núi Tiên Du 


Trên đê tùng,dạo chơi đi lững thững
Làn mây che khuất nẻo cảnh cô thôn
Triều nước xuống,tiếng sáo vẳng bên sông
Trăng trong sáng,mây la đà ngọn bách
Chim về tổ bay qua làn sương mát
Nước khe sâu,cá lạnh nhảy lung tung
Tiếng sáo im,người thổi sến đã ngưng
Phía tây núi,cảnh xưa càng hiu quạnh 

                                         Songquang
***
Đêm Trăng Dạo Bước Dưới Rặng Tùng Ở Núi Tiên Du 


Dưới tùng, lững thững dạo bờ đê
Ẩn khuất thôn làng mây khói che
Sông vắng, triều dâng, tiêu vẳng giọng
Trời cao, mây thấp, lá vươn khoe
Chim bay về tổ sau sương tỏa
Cá nhảy trong khe trốn lạnh về
Tiếng sáo lịm dần trên sóng nước
Non tây lặng lẽ cảnh sầu tê. 

                                  Phương Hà
***


Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

Gửi Cõi Mai Này


Bài Thơ Xướng

Gửi Cõi Mai Này


         Khối lòng vẫn chẳng nỗi riêng
Hoà trong tâm khảm nỗi niềm nước non
             Thời gian lây lất vẫn còn
 Câu vần – khát vọng vui tròn thức thao 

Im ngồi soát lại chuỗi ngày qua
Bỗng chốc chìm thinh lặng tuổi già 
Lật dỡ trang đời bao lớp phủ 
Soi tìm mảnh vụn những lần xa 
Thời gian tản đọng trên màu tóc 
Kỷ niệm hằn in giữa bóng tà 
Gửi cõi mai này tâm khát vọng 
Câu vần tạm giải khối lòng ta.  
                           Mai Thắng 
                       @1380~181205

Các Bài Thơ Họa
 

      Sống Trong Hiện Tại 
                  (Họa Đường Luật)

     Âm thầm mang nỗi niềm riêng
  Muốn đi tầm đạo tu thiền trên non
        Vấn vương tục luy vẫn còn
Lòng trần u uẩn chưa tròn thanh thao.

Nhấp trà, ngẫm lại quãng đời qua
Thoáng chốc mà nay tuổi đã già
Hoài bão, ước mơ chưa trọn vẹn
Công danh, địa vị hãy còn xa
Học Thầy, lòng giữ tròn ngay thẳng

Đọc sách, tâm không vướng ác tà
Xướng họa văn thơ cùng bạn hữu
Niềm vui tao nhã đến cùng ta.

                              Phương Hà
***
                   Ray Rức

      Nước này chẳng phải tư riêng
Xin đừng tặng bán xót niềm núi non
      Cùng nhau thề quyết sống còn
  Đem tài bảo vệ khéo tròn lược thao
       

Ngày tháng thoi đưa nối tiếp qua
Bốn ngàn năm tuổi có đâu già

Giao tranh biên giới vừa qua đó
Đánh chiếm Gạc Ma cũng chẳng xa
Thành phố tan hoang vì lũ cướp
Biển đông bất ổn bởi gian tà
Vốn người dân Việt nên mong muốn
Hợp phố châu huờn thỏa ý ta.

                                  Quên Đi

***

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2018

Hận Nam Quan

Từ xửa từ xưa , có bao giờ ta sợ thằng Tầu đâu ! Có bao giờ ta không khinh bỉ , chửi bới , chống đối và đánh thắng nó đâu !!! 
Từ Hai Bà Trưng cho tới Trần Hưng Đạo 
Từ Đặng Dung cho tới Nguyễn Trãi 
Có bao giờ ta sợ nó đâu ! Ta luôn khẳng định tính độc lập , lòng tự cường bất khuất của Đại Việt . 
Khi Pháp tới thì Cần Vương ! Đông Du ! Duy Tân … 
Đầu thế kỷ ta rất mê những bài ái quôc của Tản Đà . Nhưng nhũng bài của cụ còn nhẹ lắm ! Bất quá cũng như thơ ái quốc của Đường , Tống … Vì lẽ đó tôi rất mê những Hiệp Hội … Những Phong Trào !
Tôi xin lớp trẻ đánh giá cao nhóm Hàn Thuyên . Những trí thức thời này đã sớm thấy sức mạnh của ngòi bút . Các cụ Đào Duy Anh , Đặng Thai Mai , Nguyễn Đăng Thục … đã giương cao ngọn cờ : Văn Hóa Dân Tộc …

Khi bên Pháp có Mặt Trận Bình Dân thì ở ta hoạt động mạnh lắm ! Những tờ báo Thanh Nghị , Tao Đàn … đã thổi một luồng gió mới ! 

Nếu bên âm nhạc có những bài nêu cao lòng ái quốc … như của Lưu Hữu Phước thì đặc biệt bên Văn Học , tôi nêu cao ngòi bút sáng chói của Hoàng Cầm ! 
Hoàng Cầm , tác giả tập kịch Kiều Loan , sau này cho ra những bài lừng lẫy :
Cũng Những Thằng Nịnh Hót , Em Bé Và Củ Khoai Lang … !!!

Nhưng tôi không đành lòng khi lớp trẻ … bỏ quên : HẬN NAM QUAN đã viết trước đó ! 
Trong khi thanh niên thời đó còn những người mê ngủ ( mà ngay cả Hoàng Cầm còn hút thuốc phiện và đi hát Ả Đào với Vũ Hoàng Chương … ) mà vở kịch đó ra đời !!! Trong khung cảnh đó mà tiếng thơ Hận Nam Quan như tiếng gào thét !!!

Đó là bài thơ rất mới , rất mạnh . Tôi không muốn nói theo kiểu quân sự hóa rằng : Một bài viết hay mạnh như một sư đoàn ! Tôi chỉ xin các bạn hãy đọc , hãy la ( và sẽ thấy sảng khoái ) bài Hận Nam Quan ! Thật là một Thiên Cổ Hùng Văn !!! 

……….  

Phi Khanh :  

Con yêu quí chớ xuôi lòng mềm yếu 
Gác tình riêng vỗ cánh trở về Nam 
Con về đi tận trung là tận hiếu 
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang 
Nếu trời còn muốn cho nước ta tiêu diệt 
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh 
Không bao giờ , không bao giờ con chết 
Về ngay đi rồi chí toại công thành 
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm 
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù 
Trãi con ơi tương lai đầy ánh sáng 
Cha đứng đây trông suốt được ngàn thu
Nguyễn Trãi :

Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng 

Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê 
Quỳ lậy cha , cha lên đường ảm đạm 
Rồi Nam Quan theo gió con bay về

Phi Khanh :

Ôi sung sướng ! Trời cao chưa nỡ dứt 

Về ngay đi ghi nhớ hận Nam Quan 
Bến Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt 
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san .
……….
 

C.D.M.

--------------------------------------------
Phụ Chú
Toàn văn kịch thơ "Hận Nam Quan" của Hoàng Cầm (Theo thivien.net)

Một đêm giăng mờ lạnh lẽo. Tiếng tiêu nào trên ngàn xa văng vẳng trong sương. Trên một khu rừng gần Ải Nam Quan, chi chít cây cối, có một bóng đen vạch cây, rẽ lá tìm đường.

Gần chỗ ấy, Nguyễn Phi Khanh bị giam trong một cái cũi lớn. Lúc đó đã nửa đêm. Bốn bề tịch mịch. Duy có tiếng tiêu vẫn réo rắt, não nùng. Thỉnh thoảng có tiếng mõ cầm canh xa xa. Hồi lâu, Phi Khanh hơi cử động và ngồi dậy.


Phi Khanh
Đây biên giới hai nước thù đẫm máu;
Đây Nam Quan... con mắt khép tình thâm
Lối qua lại của một loài cuồng khấu
Là Nam Quan... chua xót bóng nghìn năm.
Đây Nam Quan, bốn bề sương lạnh lẽo,
Hồn thuở xưa lay động bóng tinh kỳ
Ai đi sứ nơi quê người lẽo đẽo
Cỏ hoa rừng dâng lệ khóc phân ly?!
Đây Nam Quan, những u hồn thấp thoáng
Đứng đầu non, trông rõi bóng quê hương
Đây Nam Quan, anh hùng xưa lảng vảng
Trỏ sang Tàu, vẽ máu trên đường gươm.
Đây Nam Quan, nơi tướng quân họ Lý
Đuổi quân thù để cứu lấy dân sinh
Lại phóng xá cho giống người tiểu kỷ
Rút binh về, múa tít lưỡi gươm linh
Đây Nam Quan, quân Nguyên rời biển máu
Thoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về
Say chiến công, tướng nhà Trần lảo đảo
Nắng chiều hôm rung động ánh gươm thề.
Màu thời gian phất phơ làn khói biếc
Bóng người xưa lồng lộng tít trời xanh
Đến bây giờ Thăng Long nằm đợi chết
Đau lòng ta tiếng gọi dưới trăng thanh
Nước phá, nhà tan, muôn dân u uất!
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu?
Mấy cha con như thần vụt tắt,
Đường xa xôi, huyết lệ chảy về đâu?

(Nguyễn Trãi đi đến, nép vào một bụi cây, lắng nghe)

Trãi
Góc trời Nam, ánh sao thần vụt tắt,
Thành Thăng Long nghi ngút chuyện thương đau
Phụ thân ôi! Chiến bào đầy nước mắt,
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu?!

Phi Khanh
Ai?

Trãi
Thưa phụ thân, con, đây Nguyễn Trãi!

Phi Khanh
Kìa, đêm khuya sao lại đến tìm cha?

Trãi
Đêm giá lạnh, quân canh vì trễ nải
Con băng rừng, tìm nẻo đến thăm cha.

Phi Khanh

Đây là chốn ải địa đầu nước Việt
Khắc trong lòng ghi nhớ hận Nam Quan
Bao năm trời nằm sương và gối tuyết
Cha hằng mong thiên hạ được bình an
Bên đất khách khi đến giờ nhắm mắt
Cha sẽ cầu con trả được thù chung
Ngày mai đây, tấm thân tàn sẽ mất
Nhưng linh hồn bay lại với non sông
Con về đi! Cha yên tâm chịu khổ!
Con về đi! Đúc thép chống giang san
Cha tin chắc đường gươm nơi đất Tổ
Sẽ có ngày sáng chói những vinh quang
Con về đi!

Trãi

Thưa cha đau đớn lắm,
Nỗi chia lìa tê buốt bóng trăng xa
Như thân con có quản gì bụi lấm
Xin theo hầu thân phụ đến Trung Hoa,
Để cùng cha, một mai cùng biết chết,
Cùng hai anh chia xẻ nỗi đau buồn.

Phi Khanh
A! Nguyễn Trãi! Hãy dẹp tình thảm thiết
Trông đằng sau: xương máu ngập giang sơn
Cha sinh con, nghĩa là gây sức mạnh
Cha nuôi con, là hy vọng về sau
Đến ngày nay, giữa đường cha đứt gánh
Thì con ôi! Tung kiếm cho quên sầu!
Con về đi! Cha vui lòng vĩnh biệt
Con về đi! Rửa nhục cho non sông
Con phải nhớ: con là dòng tuấn kiệt,
Trong người con cuồn cuộn máu anh hùng

Trãi
Nhưng bên trời, cha cùng anh tắm máu
Con lòng nào yên sống giữa quê hương
Ôi! Ðại Việt! vào tay loài thảo khấu,
Khói nghìn năm thoi thóp trên sa trường
Khắp non sông vừa tàn cơn ác mộng
Tình yên vui, trăm họ nén đau thương
Ai đồng chí trong đám người ham sống
Trên kinh thành lơ lửng một thanh gươm!
Kìa nghìn dặm trên đường về thui thủi
Lưới quân Minh căng đợi khách giang hồ
Một mãnh hổ chống sao đàn chó sói
Thân tan tành bêu máu chợ Kinh Đô
Con xin cha, cho con theo bóng áo,
Cùng ôm nhau, cùng chết dưới gươm thù
Không tận trung, thôi đành con tận hiếu,
Kiếp này mong khỏi thẹn với nghìn thu

Phi Khanh

Không thể được! Định sang Tàu chết nhục
Làm con ma uất hận giữa quê người!
Con hèn quá, con làm cha tủi cực,
Thôi! Mong gì báo đáp một ngày mai!
Giống Đại Việt không bao giờ hèn yếu,
Tự nghìn xưa ngẩng mặt lên trời cao
Ôi! Kiêu hãnh là những trang niên thiếu
Tự nghìn xưa không nhụt chí anh hào!
Gái cùng trai trên non sông gấm vóc
Đã thêu bằng huyết lệ, bằng gươm đao
Những trang sử đẹp như vàng với ngọc
Bóng muôn đời không thẹn với trăng sao!
Con là trai mà không bằng nhi nữ
Cha sinh con hổ thẹn với trời xanh
Mong chết uổng chỉ là người uý tử
Sống bẽ bàng thêm tủi mặt tài danh.
Người trượng phu nên tìm đường mà chết
Chết làm sao vang động khắp nghìn phương
Chết làm sao cho kẻ thù tiêu diệt!
Chết làm sao mà vạn thuở nhớ thương!
Kìa cái cchết bậc anh thư ngày trước
Muôn nghìn năm quốc sử ngát trầm hương
Con hãy trả xong thù nhà nợ nước,
Muốn theo cha thì chết trên sa trường!

Trãi
(mơ màng nhìn về phía xa)

Ôi! Bóng quê hương ngả nắng chiều
Những mùa thu cũ gợi thương yêu
Mái tranh xơ xác, thềm giăng lạnh
Sân mốc, vườn hoang, gió tịch liêu
Tre xanh san sát chuyện gươm đao
Đứng rũ tà huy nhuốm máu đào
Thép rỉ buồn tênh lời sắt đá,
Gươm cùn tựa nguyệt giấc chiêm bao
Chí khí phai dần trên kỷ niệm
Như đường tơ nhạt nếp thời gian
Bao giờ dứt lệ quên đau khổ
Tung kiếm nghìn thu quét bạo tàn.

Phi Khanh

Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Không bao giờ! Không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành!
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu.

Trãi
(quỳ lạy)

Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê
Quỳ lạy cha, cha lên đường ảm đạm
Rời Nam Quan, theo gió, con bay về.

Phi Khanh

Ôi! Sung sướng, trời sao chưa nỡ tắt
Về ngay đi! Ghi nhớ hận Nam Quan
Bên Kim Lăng, cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san.

Trãi

Hận Nam Quan, biết bao giờ phai nhạt,
Biết bao giờ cạn lệ khóc cha già
Lúc vĩnh biệt thật trăm nghìn chua xót!

Phi Khanh
Kìa con trông: nắng hé chân trời xa.

Trãi
Chân trời xa!

Phi Khanh
Về ngay đi Nguyễn Trãi
Nâng gươm thề, đem quốc sử mà soi.

Trãi
Đã đến giờ con lìa xa quan ải,
Kể từ nay Nam Bắc cách đôi nơi.

Phi Khanh
Đêm sắp cạn, về ngay đi Nguyễn Trãi,
Nhớ Nam Quan là vết máu trên đầu.

Trãi

Đêm Nam Quan là con dao hai lưỡi,
Trích lòng con thành một vết thương sâu
Trông phía Bắc thì xót thương dòng máu
Ngó về Nam thì tan tác gia hương
Càng thảm khốc, càng bền gan chiến đấu
Bụi hồng bay, quay tít một thanh gươm
Giống nòi ấy, nghe lời oanh liệt cũ
Sẽ vùng lên như trận gió điên cuồng!
Hỡi quân Minh! Sao không nhìn lịch sử
Mà vội vàng ngạo nghễ xuống Nam phương?
Hãy chờ đấy mà nếm mùi thất bại,
Tàn ác đi rồi trả nợ về sau!
Hãy chờ đấy, trông sao thần sáng chói,
Trong trần ai, ai dễ biết ai đâu!
Một ngày mai con tung gươm cất cánh
Trời quê hương rực lửa những đêm thiêng
Cha phù hộ cho con tròn sứ mệnh
Bại hay thành là theo lệnh Hoàng Thiên
Một ngày mai, khi Trãi này khởi nghĩa,
Kéo cờ lên, phấp phới linh hồn cha
Gạt nước mắt, con nguyện cầu cùng thiên địa,
Một ngày mai, con lấy lại sơn hà.

Phi Khanh

Máu anh hùng! Trôi đi mà rửa nhục,
Kìa con trông: nắng nhuộm chân trời xa.

Trãi

Con xin về, mài gươm chờ báo phục.

Phi Khanh

Cha mỉm cười nhắm mắt bên Trung Hoa.

Trãi

Tình phụ tử chia lìa, ai nín khóc
Bóng đêm tàn cay đắng tấm lòng con!
Trời thẳm xa, đoạt mất quyền hoạ phúc.

Phi Khanh
Kìa con trông: nắng xoã trên đầu non

Trãi

Trên ngọn núi, nắng phơi màu hy vọng
Con biết rồi, bóng dáng của nghìn xưa
Con hiểu rồi, linh hồn cha cao rộng
Sẽ bay về theo lớp gió mây đưa
Tiếng chim ca vang lừng, sao mãnh liệt!
Gió bình minh phơi phới tuổi thanh xuân 


(lùi dần vào các khóm cây)
 

Kính chúc cha lên đường sang cõi chết,
Vui từ nay cho đến lúc ly trần.

(Tiếng tiêu vẫn mơ màng, gió sớm nổi lên, Phi Khanh quắc mắt nhìn theo con)


***

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 Phần Cuối

Tặng Quà Kỷ Niệm

Phúc Liên đang săm soi phần quà 

Phỉ thích thú với món quà kỷ niệm.
Tuyết Nga trao tặng quà kỷ niệm cho Tuyết Hoa
Bạch Tuyết tặng quà cho Bảo Long (cháu nội của Đức).
 

Thầy Nhã giới thiệu những tác phẩm đã xuất bản và bản thảo của Thầy. Đức đại diện Các Bạn lên nhận. 



Đức, Thế Vĩnh.
***
Rời nhà hàng Thiên Tân, chúng tôi kéo đến quán cà phê Tiến Đạt (con của My Nguyễn CHS Tống Phước Hiệp nk74)






Đến 15 giờ cùng ngày chúng tôi chia tay ra về, và không quên hẹn gặp lại vào lần họp mặt thứ 11 vào đầu tháng 12/2019.


Hình ảnh Huỳnh Hữu Đức

***
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 P1:
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 P2
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 P3
http://huynhhuuduc.blogspot.com/2018/12/hop-mat-cuu-hoc-sinh-tong-phuoc-hiep-nk.html
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 - P4


*** 

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Họp Mặt Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp NK NK 62-69 Lần 10 P4

 Huê, Mân, Em, Huệ (Cao), Danh, Khải (Hoàng), Trường, Vân.

 Điệp(Lê), Khải (Dương), Tứ, Khánh, Huệ (Phan).

 Huệ (Phan), ... , Tước.
 Hương, Bảy, Cẩm, ... , Xuân Mai.

Hiền, Phỉ, Phượng, Mỹ.
Hải, Tuyết Hoa, Hồng Liên, Thảo, Hoàng.
Phú Mai, ... ,... , ... .

 Hồng Liên, Thảo, Hoàng, ... , Phú Mai.

***
Văn Nghệ giúp vui

 Tuyết Hoa.

Bạch Tuyết, Trường.
Tuyết Nga, Khải (Hoàng). 

Mẫn.


Phụng.


Hình Ảnh Huỳnh Hữu Đức
***
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 P1:
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 P2
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 P3
http://huynhhuuduc.blogspot.com/2018/12/hop-mat-cuu-hoc-sinh-tong-phuoc-hiep-nk.html
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 Phần cuối
***

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Họp Mặt Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 - P3 Toàn cành







Phúc Liên, Tuyết Nga, Nhung, Ngọc Hoa.

 Ngọc Hoa, Thế Lang, Giang Thanh (thư Ký thầy Nhã). Bảo Đăng (cháu nội của Đức)

Sanh, Hạnh, ...,....

Bích Ngọc, Mui, Sương, Chí Thanh.
Thế Vĩnh (khách mời), Thầy Nhã, Tường, Thầy Liêm
Tường, Thầy Liêm, Phụng, Định.

Danh, Khải (Hoàng), Trường, Vân.




Hình ảnh Huỳnh Hữu Đức.

***
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 P1:
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 P2
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 P4
- Họp Mặt Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp nk 62-69 lần 10 Phần cuối


***