Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

HAPPY NEW YEAR ( KARAOKE LỜI VIỆT - HỢP CA TRÌNH BÀY )

Thân Chúc Quý Độc Giả, Quý Thân Hữu Năm Mới An Khang Hạnh Phúc
Huỳnh Hữu Đức

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Nguyễn Khoa Đăng



Ngày xưa, có nội tán Nguyễn Khoa Đăng là người có tài xử đoán. Khi còn làm một chức quan nhỏ, ông đến trị nhậm hạt nào thường được mọi người mến phục, không chỉ vì tài xét xử mà còn vì lòng tốt của ông lúc nào cũng lo trừ hại cho dân.
Có lần, ông đến nhậm chức ở một huyện, một hôm có người dân làng kia bị kẻ thù oán, đêm đến lẻn ra đồng phá hết cả một ruộng dưa. Đau xót cho công lao vun trồng, dưa sắp được ăn chỉ trong một đêm bị héo rụng hết cả, người ấy bèn đến kêu khóc với ông, xin ông minh xét. Ông Đăng theo ngay người ấy về tận ruộng dưa khám nghiệm. Tất cả dấu vết đều chứng tỏ kẻ gian đã dùng một cái thuổng xắn đứt ngọn dưa và dùng cán giẫm nát hầu hết các gốc dưa. Nhưng hắn rất khôn ngoan, bao nhiêu dấu chân, hắn đều cố ý xóa sạch. Ông hỏi người trồng dưa:

– Anh có ngờ ai thù oán mình không?

Người ấy kể cho quan nghe tên mấy người ở xóm, lập tức ông sai chức dịch đi thu hồi tất cả các thuổng trong xóm lại, thuổng của nhà nào đều có ghi tên nhà ấy vào cán. Đoạn, ông khám từng cán thuổng một, nhặt riêng mấy cái khả nghi ra một nơi. Rồi ông sai người thè lưỡi liếm trên mấy cái cán thuổng đó. Quả nhiên có một cái, người ta nhận thấy có vị đắng. Ông sai lấy một gốc dưa đập giập vắt nước ra nếm thử thì chất đắng của dưa cùng với chất đắng trên cán thuổng là một. Ông nhìn lại tên ghi ở thuổng thì đúng là thuổng của một trong số mấy người mà nguyên cáo ngờ là có thù oán với mình.

Lập tức ông sai lính bắt người kia giải đến. trước tang chứng và lý lẽ đanh thép của quan, hắn không còn chối vào đâu được, đành cúi đầu nhận tội. Ông bắt hắn phải đền hoa lợi ruộng dưa cho người kia và phạt thêm gấp hai lần để hắn chừa cái thói hại ngầm kẻ khác.

Một hôm khác, có một anh hàng dầu, gánh một gánh ra chợ bán. Trong khi đang bận đong dầu, có kẻ đã thừa dịp thò tay vào bị lấy trộm tiền. Đến khi anh hàng dầu biết thì tên ăn cắp đã chạy đi nơi khác. Anh ta nhớ tới một người mù hồi nãy quanh quẩn bên gánh của mình, đuổi mấy cũng không đi, đoán chắc là kẻ cắp, bèn gửi gánh hàng cho người quen rồi đi tìm người mù lúc nãy. Nhưng khi gặp, người mù hết sức chối cãi, rằng mình mù thì còn biết tiền của để ở đâu mà lấy. Hai bên xô xát, tuần bắt giải quan.

Khi họ dắt nhau đến công đường, ông Đăng bắt hai bên khai rõ sự tình. Người mù khăng khăng từ chối không nhận. Ông Đăng hỏi:

– Anh có tiền giắt đi theo đấy không?

Trả lời:

– Có, nhưng đây là tiền tôi mang đi chợ, không phải của nó.

– Được cứ đưa ra đây, của ai rồi sẽ biết.

Khi người mù móc tiền ra, ông Đăng sai người múc đến một chậu nước, rồi bỏ tất cả số tiền vào chậu. Một chốc tự nhiên thấy trên mặt nước có váng dầu nổi lên. Nghe quan sai bưng chậu nước cho mọi người chứng kiến, người mù hết đường chối, đành chịu tội ngay.

Nhưng quan còn nói thêm:

– Khoan đã, chưa hết đâu. Tội ăn cắp mới là một. Nếu mày mù tịt thì làm sao biết được tiền người hàng dầu bỏ trong bị, cất trong thúng khảo mà lấy được! Đúng là mày giả mù. Lính đâu. Bắt nó nọc ra đánh cho rõ đau, kỳ bao giờ nó mở hai mắt ra hãy thôi.

Người mù trước còn chối lấy chối để, nhưng chỉ qua ba roi là hắn mở ngay hai mắt nhận tội, đúng như lời quan truyền bảo[1].

Một hôm khác, có một người lái buôn giấy đến trình quan rằng mình nghỉ trọ ở làng Hồ-xá bị trộm lấy mất cả một gánh giấy. Ông Đăng hỏi rõ nguồn cơn, sai người do thám mấy ngày liền không có kết quả, bèn thân hành đến làng Hồ-xá nghĩ cách cứu xét. Đến nơi, ông cho triệu dân chúng sở tại và mấy làng xung quanh lại và bảo:

– Trên tỉnh vừa sức về bắt các xã thôn mỗi một người không kể nam phụ lão ấu phải làm ngay một tờ khai tên tuổi quê quán cho minh bạch.

Lệnh ban ra, mọi người đua nhau đi mua giấy. Vì thế giấy ở chợ lên giá vùn vụt.

Lại nói chuyện tên trộm trộm được gánh giấy nhưng chưa có nơi tiêu thụ còn giấu ở nhà. Nay nghe nói giá giấy lên cao bèn mang lẻn một số ra chợ bán. Hắn không ngờ người nhà của ông Đăng cũng đi rải ở các chợ để chờ hắn. Thế là bị bại lộ, tên trộm không những bị tội phải đền gánh giấy cho người lái buôn mà còn phải đền cho dân các làng mặt tiền mua giấy kê khai tên tuổi.

Một lần khác, ông được đổi đi một hạt miền núi. Khi ông mới đến, người ta cho ông biết là hạt ấy nổi tiếng có nhiều trộm cướp nhà nghề. Các quan trước bó tay không thể nào trị nổi. Ông chỉ cười nhạt không nói gì, nhưng sau đó ngầm sai người thân tín đi dò la hành tung và quê quán từng tên một. Thế rồi, ông vẫn cứ tảng lờ như là không hay biết gì hết.

Một hôm nhân đi hành hạt qua một làng nọ, ông thấy có một hòn đá lớn ở bên vệ đường. Hỏi dân sở tại, họ đáp:

– Đây là ông Mốc, ngài thiêng lắm, ai cầu khẩn việc gì cũng đều được linh ứng.

Ông nghe nói liền họa theo:

– Phải thế thì ta tới cầu ngài giúp ta trừ yên cướp trộm để bớt hại cho dân chúng mới được!

Nói rồi một mình bước tới khấn vái, hồi lại trở ra bảo mọi người rằng:

– Ngài bảo vài hôm nữa rước ngài về, ngài sẽ vạch mặt tất cả bọ gian phi trong toàn huyện.

Ít hôm sau, ông sai mấy người ban đêm bí mật đào hầm ở giữa sân công đường rồi cho người thân tín xuống nấp dưới đó. Tờ mờ sáng hôm sau, ông sai lính đi khiêng hòn đá về đặt lên trên hầm. Trước mặt mọi người đông đủ, ông dõng dạc hỏi đá:

– Ta nghe đồn thần rất thiêng, “hữu cầu tất ứng”. Nay ta vâng mệnh hoàng đế đến đây trấn nhậm, nhưng hiện nay trong huyện hạt có nhiều trộm cướp nhiễu hại dân cư. Vậy ta mời thần về đây để mách hộ ta truy tầm kẻ phạm pháp. Nếu có công, ta sẽ tâu triều đình phong tặng.

Đá không trả lời. Hỏi mãi, đá vẫn một mực làm thinh, ông nổi giận quát lớn:

– Hay là đá đồng lõa với kẻ phạm pháp. Lính đâu, hãy tra tấn nó cho đến lúc nó phải khai thực!

Bấy giờ, mọi người nghe tin đến xem đông như hội. Lệnh truyền xa, lính dùng roi đánh vào đá túi bụi, tự nhiên đá bật ra tiếng khóc, xin dừng tay lại để khai. Thế rồi, đá lần lượt khai và vạch tội từng tên một. Mỗi lần đá khai một tên nào, ông sai lại mục viết ngay trát, giao cho lính đã chực sẵn đi nã bắt lập tức. Cho đến suốt ngày hôm đó bắt được ba mươi tên cừ khôi. Khi giải cả một xốc về tra tấn, bọn trộm cướp nhìn nhau kinh ngạc, không ngờ lại có việc xảy ra như thế và bắt đúng tên như thế. Chúng cho là chỉ có thần đá linh thiêng mới biết một cách rành mạch tội trạng của mình, bèn không đợi khảo đả, thú nhận tất cả.

Trong thời kỳ làm nội tán, ông đã làm cho suốt một dọc truông nhà Hồ ở Quảng Trị không còn lấy một bóng gian phi. Trước đó, truông này là nơi rừng rậm, con đường Nam Bắc phải đi qua đây. Bọn gian phi đã dùng làm sào huyệt đón đường cướp của.

Nguyễn Khoa Đăng trước hết tìm cách lùng bắt trộm cướp. Ông sai chế ra một loại hòm gỗ kín có những lỗ thông khí, vừa một người ngồi lọt, có khóa trong, để người ngồi trong có thể mở tung ra được dễ dàng. Thế rồi, ông kén một số người giỏi võ, cho ngồi vào hòm có để sẵn vũ khí. Đoạn, ông sai quan sĩ của mình giả trang làm dân phu khiêng những hòm ấy qua truông nhà Hồ ra vẻ khiêng những hòm “của cải” nặng nề. Lại cho người đánh tiếng có một ông quan trấn ở ngoài Bắc sắp sửa trẩy về quê với những hòm tư trang quý giá sẽ đi qua truông. Bọn cướp đánh hơi thấy đây là một cơ hội kiếm ăn hiếm có, bèn rình lúc đoàn “dân phu” đi qua của truông, xông ra đánh đuổi, rồi hý hửng khiêng những cái hòm nặng ấy về tận sào huyệt.

Nhưng khi về đến nơi thì vừa đặt xuống thì những cái hòm tự nhiên mở toang, các võ sĩ ngồi trong đó cầm vũ khí xông ra đánh giết bọn cướp một cách bất ngờ. Đang lúc hoảng hốt chưa kịp đối phó thì bọn chúng nghe tin phục binh của triều đình ở phía ngoài ùn ùn kéo vào đông như kiến cỏ. Chúng đành chắp tay xin tha tội. Nhờ mẹo đó, Nguyễn Khoa Đăng đã tóm được cả lũ.

Ông cho phiên chế thành đội ngũ đi khai khẩn đất hoang ở nơi biên giới, lập thành những đồn điền lớn rộng. Sau đó, ông còn cho chiêu dân lập ấp ở dọc hai bên truông, làm cho một vùng trước kia là nơi vắng vẻ, trở nên những làng xóm dân cư đông đúc: tiếng xay lúa giã gạo, tiếng gà gáy chó sủa lấn dần tiếng vượn hú chim kêu. Từ đó, một vùng núi rừng thành ra yên ổn. Bọn trộm cướp còn lại đành phải giải nghệ.

Bởi vậy, người ta có câu: “Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm” là thế.

Theo Truyện Cổ Tích Việt Nam


Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Xa Vời


Bài Xướng: Xa Vời
 

Em như trái thị trên cây
Tuy thèm nhưng phải đứng đây ngước nhìn
Em như ảo ảnh hoá hình
Chẳng âu yếm được chữ tình lại mang
                                            Quên Đi
 
***
Các Bài Họa:

Ước Chi
 

Ngạt ngào thị chín thơm cây
Anh bao lần ghé qua đây, đứng nhìn
Ước chi cô Tấm hiện hình
Anh thành hoàng tử duyên tình nặng mang.
                                        Phương Hà
 
***
Oan Tình
 

Nhẩn tâm đốn sạch rừng cây
Lũ tràn đói khổ về đây… trố nhìn
Ai phán bản án tử hình
Dân xơ xác gánh oan tình đeo mang
                                Kim Oanh
 
***
Xa Vời
 

Trót thân trái thị rời cây
Hỡi người quân tử thương đây ghé nhìn
Chẳng mơ mượn bóng tưởng hình
Kẽo mai ân hận nợ tình đeo mang
                           Kim Phượng
 
***
Cảm Tác:
 
Thị Chín

Ô kìa trái thị chín cây
Bà tiên hú gọi rớt đây, lại nhìn
Duyên may "Tấm" hiện nguyên hình
Ta là Hoàng Tử nghĩa tình cưu mang.
                           Mai Xuân Thanh
***

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Du Lịch Đà Lạt - P 1 - năm 2012


Năm 2012, Cả nhà mình cùng gia đình Sui Gia đi Đà Lạt chơi.

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Đường xưa(Quốc Dũng) - Tô Chấn Phong

Hôm nay, khối lớp mình họp mặt, sao bổng nhớ đến bài hát "Đường Xưa" của Quốc Dũng. ..

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Theo Dòng

  
Hơn năm mươi tộc vốn chung dòng
Quê Việt có ngày đạt ước mong 
Mười tám vua Hùng xây dựng nước 
Các đời con cháu khắc ghi lòng 
Mấy ngàn năm trải qua giông bão 
Bao tấm gương hùng giữ núi sông  
Nay đất biển trời riêng một mảng 
Xin đừng vấy bẩn máu Tiên Long.

Xin đừng vấy bẩn máu Tiên Long
Khiến kẻ đời sau phải xót lòng 
Ích Tắc thời Trần nhơ sử sách
Triều Lê Chiêu Thống thẹn non sông  
Rước voi xã tắc đem dâng nạp  
Cõng rắn giang sơn họa hiểm vong 
Danh lợi cá nhân nào vĩnh viễn  
Ngàn năm bia miệng xứng hay không? 
                                 Quên Đi

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Vượt Sông Tiền

(Vườn trái cây Cái Mơn)
Người Việt vượt sông Tiền vào khoảng Cái Bè, cù lao An Bình. Sau đó suôi dòng Cổ Chiến để tiến tới Chợ Lách … Cái Mơn.
Chính nơi đây ta có Thiết Ấp, Tân Thiềng (Tân Thành)! Thiết Ấp là tên trong sử nhà Nguyễn, còn người Miên đóng đồn ở Thiết Thằng ( phiên âm đồn Miên Sittang chẳng hạn! Cũng giống như phiên âm Kancar: Cồn Cao, Chey chetta: Chày Đạp !!!). Làm gì có Thiết Thằng là sợi giây xích bằng sắt ngăn sông Tiền ! Người Miên hồi đó không giỏi đến thế đâu!!!
Chính nơi đây có Tiên Châu, cù lao Tiên! Chính nơi đây có Huyện Hà Dương và Huyện Hà Âm của Hà Tiên!Không hiểu sao các nhà Khảo Kíu nói Hà Âm, Hà Dương ở mãi tận Châu Đốc (?). Châu Đốc làm gì có sông Vĩnh Thành (???). Phương Đình Dư Địa Chí của cụ Nguyễn văn Siêu nói: Phía Đông sông Vĩnh Thành là huyện Hà Dương, phía Tây là Hà Âm!
Các nhà Khảo Kíu đã ít đọc (!) và có lẽ không biết có cuốn sách này trên thế gian (!)
Cái Mơn đích thị là Cao Man đấy các vị ạ! Những tên Tiên Thủy, Tiên Châu và hai huyện Hà Dương, Hà Âm cho ta thấy giòng họ Mạc đã tới vùng này trước người Việt. Giòng họ Mạc tới đây đã lấn đất của người Miên, chứ không phải vua Miên đã “ tặng “ đất sau những vụ giúp đỡ của Mạc cho vua Miên !
Vùng này có nhiều “ NƯỚC “ (hay Bộ Lạc,hay Quốc Gia) từ xưa. Cái dừa XIÊM là dừa “bản địa" chứ không phải nhập giống từ “ Thái Lan “ tới ! Áo Bà Ba, chè Bà Lai có lẽ xuất phát từ vùng này, và còn có những tập tục:
Chục: 16, chục 18, chục 24 trái nữa!!! Chính vùng này có lũy Giao Hoa(Giao Hoa là tên một ông vua đây, chả biết Chà hay Miên (?)…), Bà Xã Hời … và sau này Trần xuân Hòa chống Pháp, tung hoành ở vùng Mỹ Tho, Bến Tre là con cháu người Chà hay Hời vì dân gian gọi ông là phủ “ Cậu “
Ôi cái giồng JAVA người Pháp gọi là giồng Nhật Bản(Japan)là quá dốt(!), làm gì có cái ông Nhật Bản nào tới đây trồng tỉa (?)


(Sông Cổ Chiên - Vĩnh Long)
Tôi đi du lịch CÁI MƠN qua ngả Vĩnh Long nên hai chữ đầu tiên đập vào mắt tôi là ĐÌNH KHAO. Chả biết thắng trân khao quân từ thời nào? Không khảo nổi! Nhưng chắc chắn là trong những đợt chiến tranh rùng rợn từ cửa sông CỔ CHIẾN nơi có cù lao An Bình, nơi có đồn Thiết Thằng, huyện  sau này) Tân Thiềng … dài dài tới sông Chợ Lách, sông Vĩnh Thành tới Cái Mơn. Những trận chiến này là những vết thương đau lòng cho những người dân ven những con sông mầu mỡ này!
Tôi cũng không có thì giờ tìm hiểu về Trương Vĩnh Ký, mà có khảo thì chưa chắn đã có bằng chứng (!) hay là lại sa lầy vào những nhà thờ, họ đạo Cái Nhum, Mang Thít …..Hỏi người dân thì chẳng ai biết tới cái tên Trương Vĩnh Ký. Chỉ có vài tài liệu nói rằng những cây ăn trái nổi tiếng ở vùng này là do Trương Vĩnh Ký đem giống từ Mã Lai về (!), thật là ăn trái không nhớ kẻ trồng cây!
Chuyện xưa buồn quá … nhức đầu! Thôi thì mua Sầu Riêng Cái Mơn ăn cho đỡ tức !
Ôi! Cụ Bùi Hữu Nghĩa (chả biết có lai Miên không?) nhưng cụ đã bênh vực người dân hết mình, và khi đi qua vùng này, cụ có bài thơ cảm khái:
Mù mịt mây đen kéo tối sầm
Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm
Đống xương vô định sương phao trắng
Cỏ biếc đôi bờ máu nhuộm thâm

Chân Diện Mục
***

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Chiếc Cầu Mơ Ước


 
Xướng: 

Chiếc Cầu Mơ Ước 

Chiếc cầu cao tít giữa tầng không  
Nối nhịp thành đô gắn ruộng đồng  
Nặng gánh ưu tư nhiều thế hệ  
Thỏa niềm khao khát nỗi hoài mong  
Sông chia khoảng cách xa xôi bóng  
Nếp nghĩ dòng ngăn diệu vợi lòng  
Kết hợp tình người hơn tất cả  
Đôi bờ ý thức mối tương thông.  
Mai Thắng  
 (2014) 
*** 
Các Bài Họa:

Thay Cũ Đổi Mới  

Đổi mới bắc cầu có được không!  
Thông đường xe chạy thẳng sông đồng 
Người đi phương tiện thôi trông ngóng 
Khách đến bộ hành khỏi đợi mong 
Lũ lượt học sinh chưa trễ lớp 
Nhộn nhàng xe cộ sẽ an lòng 
Bến xưa hoài niệm trong tiềm thức 
Kiến thiết mở mang đại lộ thông 
Mai Xuân Thanh  
Ngày 11 tháng 11 năm 2017 
*** 
Cầu Cao Lãnh 
Nhịp cầu cao vút vượt trên không 
Nhìn xuống sông xanh giữa cánh đồng 
Kết nối hai bờ năm tháng đợi 
Thỏa lòng bao kẻ cả đời mong 
Nhớ con phà thủy, ưu tư dạ 
Ngắm những dòng xe, rộn rã lòng 
Rút ngắn thời gian, người hớn hở 
Thẳng đường, tiện lợi việc giao thông. 
Phương Hà  
( 12-11-2017 ) 
***
Cầu Cao Lãnh 
Chiếc cầu sừng sửng giữa trời không, 
Ngự trị sông sâu cả ruộng đồng. 
Đồng Tháp , An Giang tròn ước nguyện, 
Mối tình bến nước đã hằng mong. 
Ào ào xe cộ hân hoan khách, 
Heo hút phà xưa se sắt lòng. 
Lớp trẻ biết gì ngày tháng cũ? 
Bom mìn cầu gẫy khó lưu thông! 
Mailoc 
11-12-17 
*** 
Đôi bờ bắt nhịp 
Cầu bắc đôi bờ em biết không ? 
Từ đây,mơ ước thỏa chờ mong 
Nhìn qua xe cộ đang xuôi ngược 
Ngó xuống cò bay rợp ruộng đồng 
Lữ khách vui cười vì thuận tiện 
Dân tình thích thú bởi đường thong 
Phà xưa,bến củ vào tâm thức 
Hiện đại,tương lai rộn rã lòng ! 
Song Quang 
*** 
Theo Đà Tiến Hóa 
Cao vút nhịp cầu giữa khoảng không, 
Như sau mưa móng hiện ngoài đồng. 
Lự ưu ngày trước đà ưu việt, 
Mơ ước giờ đây thỏa ước mong. 
Trông chiếc cầu treo vun vút xế, 
Nhớ phà vọng cổ xót xa lòng. 
Bể dâu thoáng chốc thành dâu bể, 
Hiểu được lẽ trời vạn sự thông !   
Đỗ Chiêu Đức 
11/14/2017 
*** 
 Cầu Qua
Thích,cầu đã nối chứ sao không! 
Thành quả b̉ỏ ra cả tỷ đồng 
Giúp đó thăm đây thành ước nguyện 
Cho anh gặp bậu thỏa mơ mong 
Đẹp tình Chức nữ tròn tâm ý 
Vui cảnh Ngưu lang vẹn tấc lòng 
Chấm dứt ưu phiền vì cách trở 
Dài lâu hạnh phúc với hanh thông. 
Thái Huy 
*** 
Chiếc Cầu Bắc Nhịp 

Sương biếc tỏa mờ một khoảng không 
Sông sâu ai xới mối tương đồng 
Bao giờ toại nguyện niềm mơ ước 
Thôi hết ngậm ngùi nỗi nhớ mong 
Ngày ấy kề nhau soi bóng nước 
Chiếc cầu bắc nhịp kết đôi lòng 
Thể như vương vấn người qua lại 
Thắm thiết tình gần tỏ cảm thông  
Kim Phượng 
*** 
Những Chiếc Cầu Mơ Ước 

Sừng sững trụ cầu giữa khoảng không 
Dây giăng giữ nhịp nối hai đồng 
Tiền Giang xứ Vĩnh thôi ngăn cách 
Đồng Tháp An Giang thỏa đợi mong  
Đại Ngãi (*) cũng đang chờ cất tiếng 
Cổ Chiên (*) hoàn tất đẹp nơi lòng  
Sông Tiền sông Hậu nay liền dãy 
Kinh tế miền tây ắt sẽ thông.
Quên Đi

Cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu nối liền huyện Long Phú (Sóc Trăng) và Tiểu Cần (Trà Vinh) sắp sửa được xây dựng. Cầu Cổ Chiên nối huyện Mỏ Cày (Bến Tre) với huyện Càng Long (Trà Vinh).
 

*** 
Duyên Tình Trên Bến Xưa.
Mỹ Thuận duyên tình ai nhớ không
Phà xưa gặp gỡ mối tâm đồng
Dư âm bài hát còn vương vấn
Ký ức hương tình lưu luyến mong
Khép kín tâm tư sầu chất ngất
Dìm sâu kỷ niệm chết nơi lòng
Cầu nay bắc nhịp người qua lại
Có nối được tình hai bến thông

Kim Oanh

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Vui Cười 84



KẾT LUẬN SAI
Có một bà kia ngày nào cũng lái chiếc xe gắn máy chở một bao cát băng qua biên giới. Nhân viên thuế quan thoạt đầu không đặt vấn đề. Nhưng rồi hết ngày này qua ngày khác đều thấy vậy nên ông đâm ra nghi ngờ, một hôm ông chặn xe bà ta lại và hỏi:
- Bà chở gì trong bao này vậy?

Bà điềm nhiên đáp:
- Cát, toàn cát thôi. Nếu không tin ông cứ việc khám xét.
Nhân viên thuế quan liền mở bao khám xét thật kỹ nhưng không tìm thấy gì ngoài cát.
Cứ như vậy năm này qua năm khác, bà ta cứ chở những bao cát qua biên giới. Nhân viên thuế quan thỉnh thoảng cũng nghi ngờ yêu cầu khám xét nhưng cũng chẳng tìm thấy gì ngoài cát.
Ít năm sau, viên nhân viên thuế quan này về hưu, và một hôm tình cờ gặp lại bà, ông liền hỏi:
- Mấy năm trước, ngày nào tôi cũng thấy bà lái chiếc xe gắn máy chở một bao cát qua biên giới. Bây giờ tôi không còn là nhân viên công quyền nữa, vậy xin hỏi thực bà, bà có buôn lậu gì không vậy?
Bà ta đáp:
- Có!
- Vậy bà buôn lậu gì??
- Xe gắn máy!!

(Mai Xuân Thanh sưu tầm)
***

Hết biết
Giờ văn, thầy giáo :
- Theo các em, thế nào là sự rung động trước cái đẹp?
Một học sinh  trai trở lời:
- Thưa thầy, ví dụ như khi ta đứng trước hoa hậu hoàn vũ khỏa thân 100% ạ!
Thầy:
- Em ra ngay khỏi lớp, ngày mai mời phụ huynh đến gặp tôi!
Ngày hôm sau, thầy vào lớp, thấy bé học sinh nọ lầm lỳ trốn xuống ngối tít tận cuối lớp, dãy bàn cuối cùng.
Thầy:
-Ai cho phép em tự tiện đổi chỗ? Phụ huynh đâu, sao không thấy đến?
Trò:
-Thưa thầy, bố em bảo là, nếu thầy không thấy rung động khi đứng trước hoa hậu khỏa thân, thì thầy là người bệnh hoạn, pê-đê, bố em kinh tởm không muốn gặp, còn em phải ngồi tránh thầy ra.
!!?

(Nguyễn Thế Bình Sưu tầm)

***

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Trên Phà Vàm Cống



Trên Phà Vàm Cống 

Gió thổi lên từ mặt nước sông
Phù sa cuồn cuộn bốc hương nồng
Áo bay phần phật theo cơn gió
Tóc vướng lòa xòa che ánh trông
Người nghệ sĩ nghèo da diết hát
Đứa con gái nhỏ thiết tha mong...( * )
Mai đây cầu nối hai bờ đất
Phà chẳng còn qua, chắc...đói lòng ! ( ** )

Phương Hà 
( Tháng 9/2017 ) 

( * ) Đứa con gái nhỏ cầm lon đi theo nhận những đồng tiền lẻ của khách bỏ vào

( ** ) TTO - Theo kế hoạch, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống sẽ thông xe tháng 11-2017. Sau đó, các bến phà Cao Lãnh và Vàm Cống sẽ ngưng hoạt động qua sông Tiền và sông Hậu. 

* * * 
Họa:

Bến Phà Đâu Nữa 

Bến xưa nhộn nhịp khách qua sông
Khói thuốc dầu xăng hăng hắc nồng
Con gái đưa lon xin bố thí
Người cha dạo nhạc khẽ đàn trông
Đôi bờ cầu nối thôi lai vãng
Một bãi phà ngưng hết đợi mong
Khắc khoải tang thương ai kẻ lụy
Cha con bác ấy đói đau lòng 

Mai Xuân Thanh 
Ngày 04 tháng 11 năm 2017 

* * *
Bài Họa:

Phà Xưa Đâu Tá?


Chiếc cầu ngạo nghễ bắt qua sông
Giết chết trong tôi phút ấm nồng.
Đã hết phà chiều sông lặng ngắm,
Đâu rồi cò trắng mắt xa trông.
Tiếng đàn áo não còn xao xuyến,
Giọng hát u hoài vẫn nhớ mong.
Bến bắc ngày nao đà mất dạng,
Hồn xưa cảnh cũ mãi vương lòng! 

Mailoc
Cali 11-6-17
* * *
Chừng Nào Nối Nhịp? 

Con phà chầm chậm chạy trên sông
Hơi nước phù sa bốc nặc nồng
Khiến khách quá giang luôn mãi nhớ
Cho người rời bến vẫn hoài trông
Đó xưa một tràn ngập lời mơ mộng
Nay hiện dở dang nỗi ước mong
Chẳng biết chừng mô khung cầu nối
Đôi bờ chung nhịp thỏa muôn lòng.

Thái Huy
* * *
Bến Phà Ngày Xưa

Cầu xây bắt nhịp để sang sông
Đã bỏ phà đưa đượm ấm nồng
Hết đón gió lùa bay mái tóc
Đâu còn nắng dọi áo xa trông
Người buôn kẻ bán buồn xao xuyến
Lữ khách qua đường mãi nhớ mong
Bến nước giờ đây hoài kỷ niệm
Một thời gắn bó đến nao lòng

Song Quang
11/6/17
* * *
Chỉ Còn Trong Ký Ức

Cả đời gắn bó với dòng sông
Vàm Cống bao năm ấm lạnh nồng
Cảnh cũ rộn ràng đà đổi khác
Bờ xưa vắng vẻ hết chờ mong
Chiếc cầu mới bắc uy nghi đứng
Ông lão thở dài lặng lẽ trông
Đâu bến đâu bờ bao kỷ niệm
Sao nghe nhơ nhớ ở trong lòng.

Quên Đi
* * *
Lão Hành Khất Và Chuyến Phà Xưa

Chuyến phà tách bến khách sang sông
Say gió lim dim vỗ giấc nồng
Giọng hát thê lương vang vọng tới
Tiếng đàn áo não ngoảnh xa trông
Nụ cười khô héo âm thầm đợi
Đôi mắt mù loà khắc khoải mong
Vàm Cống hôm nao còn tấp nập
Người đâu cảnh cũ có nao lòng

Kim Phượng

***

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Trầm Giang Khúc - Khổng Thượng Nhiệm


         沉 江 曲                      Trầm Giang Khúc

走江邊,                        Tẩu giang biên,
满腔愤恨向谁言。        Mãn xoang phẫn hận hướng thùy nghiên (ngôn)?
老淚風吹面,                Lão lệ phong xuy diện,
孤城一片,                    Cô thành nhất phiến,
望救目穿,                    Vọng cứu mục xuyên
使盡残兵血戰。            Sử tận tàn binh huyết chiến.
跳出重圍,                    Khiêu xuất trùng vi,
故國悲戀,                    Cố quốc bi luyến,
誰知歌罷剩空筵。        Thùy tri ca bãi thặng không diên.
長江一線,                    Trường Giang nhất tuyến,
吴頭楚尾路三千。        Ngô đầu Sở vĩ lộ tam thiên,
盡歸别姓,                    Tận quy biệt tính,
雨翻雲變。                    Vũ phiên vân biến.
寒濤東卷,                    Hàn đào đông quyến,
萬事付空烟。                Vạn sự phó không yên.
精 魂 顯,                      Tinh hồn hiển ,
《大招》聲逐海天遠。" Đại chiêu " thanh trục hải thiên viễn.
         孔尚任 (1648-1718)          Khổng Thượng Nhiệm
 

Dịch Nghĩa:
Chạy đến bờ sông
Cả khối oán thù, bao lời biết tỏ cùng ai
Trên khuôn mặt phong trần gian khổ, lệ già tuôn chảy
Một mảnh thành cô độc
Dõi mắt trông chờ cứu viện
Cùng đám tàn quân quyết tử chiên
Thoát khỏi vòng vây
Đau lòng nhớ quê hương cũ
Ai hay tiệc rượu đã tàn tiếng ca cũng dứt
Sông Trường Giang một dãy
Từ đầu nước Ngô đến cuối đất Sở, dài ba ngàn dặm
Tất cả đã thuộc về kẻ khác
Mưa trở chiều mây thay đổi
Sóng lạnh cuốn về phương đông
Muôn việc phó mặc khói sương
Hồn thiêng sông núi hiển linh
Lễ chiêu hồn vang khắp biển trời xa.
 

Dịch Thơ:
Trầm Giang Khú

 Đến bờ sông
Lòng nặng căm hờn biết tỏ cùng ai
Khuôn mặt phong trần đôi hàng lệ chảy
Một mảnh thành côi
Viên binh chờ mòn mỏi
Cùng tàn quân quyết chiến nơi đây
Thoát khỏi vòng vây
Nhớ về quê cũ càng đau xót
Tiệc tàn nhạc dứt mấy ai hay
Trường Giang một dãy
Đầu Ngô cuối Sở dặm ba ngàn
Tất cả còn đâu
Mưa thay mây cũng đổi màu
Kìa sóng lạnh cuốn về đông
Thôi muôn việc mặc khói lồng
Hỡi hồn thiêng
Âm gọi hồn dường thấu tận biển trời xa.

Quên Đi
*** 


 Trầm Giang Khúc 

Chạy tới bờ sông thất trận trôi
Phong trần nét mặt khổ chia phôi
Viện binh chẳng thấy thành cô độc
Rã ngũ còn đâu chiến cuộc thôi
Thoát khỏi trùng vây hồn cố quận
Dứt đi đàn hát tiệc tam bôi
Ba ngàn dặm ...Sở - Ngô thay đổi
Nước mất Trường Giang kiếm gảy rồi
Hoàn cảnh sa cơ chủ đổi ngôi
Mưa buồn cuối nẻo thấy xa xôi
Sóng xô lạnh lẽo Đông phương ấy
Mây đổi hờn căm gió bấc thôi
Phó mặc khói sương muôn sự thế
Đất thiêng sông núi cảnh dầu sôi
Anh linh hiển hiện tang thương hải
Nhân lễ chiêu hồn thấu hỡi ôi!

Mai Xuân Thanh 
 Ngày 16 tháng 11 năm 2017 

*** 

Trầm Giang Khúc 

Đến bờ sông
Trút cả hận lòng dám tỏ cùng ai
Dòng lệ già tuôn chảy
Cô thành trơ trơ
Đợi chờ tiếp viện
Nơi đám tàn binh tử chiến
Mong thoát vòng vây
Nhớ quê khắc khoải
Tiếng ca dứt tiệc tàn ai hay
Trường giang một dãy
Từ Ngô cuối Sở ba ngàn dặm
Vào tay kẻ khác
Mưa mây đổi thay
Sóng cuộn về đông
Phó mặc lòng chẳng yên
Hỡi hồn thiêng
Hiển linh vang động trời biển xa

Kim Phượng

***

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Phút Cảm Hoài


Trăng tròn khuyết đường mây nào mở lối
Lòng nghe dâng bao cảm xúc bồi hồi.
Xuân hạ thu đông mai vàng mấy độ
Tình quê hương đâu há dễ phai phôi
Tang điền thương hải chẳng dừng biến đổi
Tuế nguyệt phong ba thế sự đã rồi
Trái đất vẫn xoay non sông vẫn đấy
Sao chừng như cay đắng ngập hồn tôi.
                                   Quên Đi
***

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Di Chúc Trần Nhân Tôn


 Mong rằng lời dạy của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tôn sẽ mãi ghi khắc trong tim người con Việt.

Thầy Mai Lộc chuyển