Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Đi Thăm Đất Nước

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Thân Tình Giao Hảo



Bài Xướng: Thân Tình Giao Hảo

Cái ôm thể hiện chút tình thân
Xa ấy mà nay lại cảm gần
Do dự làm chi đừng quản ngại
Tự nhiên mới đúng chớ phân vân
Một lời chào hỏi trong đoàn thể
Đây dịp làm quen giữa cá nhân
khiến Cả muôn lòng thêm ấm áp
Cái ôm thể hiện chút tình thân.

Thái Huy
***
Các Bài Họa: 


Ôm, Điều Tốt Đẹp

Tình nghĩa người ơi dẫu lạ thân
Cái ôm trìu mến bạn xa gần
Cho dù ngăn cách như nam bắc
Hay có mơ hồ giống vụ vân
Thể hiện kiểu này do hậu thế
Phải đâu cách cũ của tiền nhân
Suy đi nghĩ lại ờ hay đấy
Tình nghĩa người ơi dẫu lạ thân.

Quên Đi
***
Trao Cả Tấm Lòng


Cho nhau tất cả tấm lòng thân
Nào cứ phải ôm mới thấy gần
Lời nói chân tình không khách sáo
Nụ cười thành thật chẳng phù vân
Bàn tay siết chặt tay thân hữu
Ánh mắt nhìn sâu mắt cố nhân
Trao trọn thương yêu nào tính toán
Cho nhau tất cả tấm lòng thân.

Phương Hà
***
1/Ao Ước Một Vòng Ôm


Hôm nay mới gặp tỏ tình thân

Ao ước vòng ôm muốn thật gần
Tháng đợi em vui mơ vóc dáng
Năm chờ bạn khỏe mộng phong vân
Vai quàng thể hiện duyên bằng hữu
Tay bắt tỏ bày vẻ quý nhân
Trước lạ sau quen sinh cảm mến
Hôm nay mới gặp tỏ tình thân

2/ 
Một Vòng Ôm Trìu Mến

Không phải tự nhiên được kết thân
Ôm ai thiện chí ước mong gần
Quen lâu hiểu biết tình thân hữu
Lạ mới tương giao nghĩa vụ vân
Sơ ngộ bắt tay như cố cựu
Mới hay tỏ ý tựa ân nhân
Nụ cười ấm áp lòng lưu luyến
Không phải tự nhiên được kết thân.


Mai Xuân Thanh
Ngày 21 tháng 10 năm 2017
***
Ôm Kết Tình Thân

Gặp gỡ choàng vai kết bạn thân
Ôm nhau dù lạ thấy như gần
Bàn tay nắm chặt bao trìu mến
Ánh mắt nhìn nhau tạo nguyệt vân
Cần nói chi đâu,mà cảm thấu
Chỉ cười một chút cũng tao nhân
Mĩm cười tạo đủ niềm lưu luyến
Gặp gỡ choàng vai kết bạn thân

Song MAI Lý Lệ
***
Thể hiện tình thân 1

Khi ôm là tỏ chút tình thân
Dù lạ,lúc ôm thấy cũng gần
Chẳng nói nên lời mà ý nghĩa
Đôi bàn tay nắm chớ phân vân !
Môi cười thành thật bao trìu mến
Ánh mắt chân tình giống cố nhân
Hay đến bên nhau lòng chớ ngại
Khi ôm là tỏ chút tình thân

Song Quang
***
Tình Thân

Thiên lý hữu duyên hãy kết thân
Một vòng tay ấm đủ thêm gần
Buồn vui chia sẻ niềm tâm sự
Thơ thẩn ngắm nhìn những áng vân
Xao xuyến làm sao tình bạn hữu
Mến thương nào khác cặp tình nhân
Vườn Đào tích cũ nay còn đó
Thiên lý hữu duyên hãy kết thân

Kim Phượng
***
Các Bài Họa Khác:

Ôm


Ôm ghì thật chặt tỏ tình thân
Những lúc Ôm nhau sẽ cảm gần
Cách biệt xa vời Ôm luyến nhớ
Ôm chầm tái ngộ chẳng phân vân
Ôm lòng mẹ ấm thời con trẻ
Tưởng phút Ôm nồng ảnh cố nhân
Muốn cả Ôm hôn đời lữ thứ
Ôm hồn tổ quốc dưỡng tình thân!

Mai Thắng 
171022
***
Văn Hóa Ôm

Văn hóa Tây, Ôm tỏ ý thân,
Muốn ôm luôn phải xáp cho gần.
Bắt tay, kéo lại, ôm thân ... mật,
Hôn má, ôm chầm, vuốt tóc ... vân.
Thụ thọ ... rất thân, kim thế tục,
Nữ nam ... cá biệt, cổ thời nhân.
Quan tâm đâu chỉ ôm bày tỏ ...
Ánh mắt trao ngàn vạn ý thân!

Đỗ Chiêu Đức


Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Về Miền Tây - Bài 14


Về phía Tây Bắc của An Giang là tỉnh Châu Đốc. Trước kia là Đạo Châu Đốc thuộc Dinh Long Hồ (Vĩnh Long bây giờ). Vùng Châu Đốc Đạo có sông Châu Đốc, sông Vĩnh Tế, sông Vàm Nao, sông Đàm Giang, sông Cần Đăng, sông Thụy Hà. Về phía Đông sông Hậu giang khúc chảy ngang Sa Đéc có sông sông Trường Tiền và rạch Cường Thành hay rạch Lấp Vò. Rạch Cường Oai, còn gọi là rạch Lai Lễ, ở bờ phía Đông sông Hậu, chảy đến Sa Đéc, rồi đổ ra sông Tiền. Ở vùng Cần Thơ có sông Bào Hốt, sông Cần Thơ và sông Bồn. Vùng Sóc Trăng có sông Ba Xuyên và rạch Vu Lai. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì An Giang xưa có những đồn cũ như đồn Hồi Oa, nay thuộc xã Long Hưng tỉnh Sa Đéc, đồn Châu Đốc, đồn Châu Giang. Trước khi Châu Đốc được tách ra làm tỉnh thì ở miền Nam An Giang là tỉnh duy nhất, trên có dãy Thất Sơn (Bảy Núi), dưới thì có dòng Hậu Giang uốn khúc. Vùng núi Thất Sơn, tuy không lớn lắm, nhưng cũng dài đến 30 cây số và rộng đến gần 20 cây số. Vùng này gồm rất nhiều núi nhỏ chứ không riêng bảy núi. nhưng mỗi khi nói đến vùng này là người ta liên tưởng đến bảy ngọn. Rặng Thất Sơn dài trên 30 cây số và rộng 13 cây số bao gồm trong các quận Tịnh Biên và Tri Tôn. Những núi lớn là núi Kéc (Anh Vũ Sơn), Núi Dài (Ngũ Hồ Sơn), Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), và Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn). Trong thời các chúa Nguyễn thì An Giang chính là tuyến đầu ngăn chặn sự xâm nhập quấy rối của người Xiêm La. Về vị trí, Bắc và Tây Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp Long Xuyên và Rạch Giá, Tây giáp Rạch Giá và Hà Tiên, Đông giáp Kiến Phong và Sa Đéc. Tỉnh lỵ đặc tại thị xã Châu Đốc, đây là một thành phố có lối kiến trúc cổ theo kiểu Pháp, nằm bên bờ sông Hậu. Sau khi vua Minh Mạng tách dinh Long Hồ ra để thành lập tỉnh An Giang thì Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang. Đến thời Pháp thuộc, họ cắt 4 quận của tỉnh An Giang là Tân Châu, Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn để thành lập tỉnh Châu Đốc cho dễ bề kiểm soát và cai trị. Cũng như các tỉnh khác ở miền Tây, Châu Đốc là một vùng đồng ruộng bao la bạt ngàn, đất đai mầu mỡ với phù sa bồi đắp từ sông Cửu Long. Ruộng lúa Châu Đốc có phần thu hoạch cao hơn những nơi khác, có chỗ mỗi công ruộng người ta thu hoạch đến ba chục (30) hay bốn chục (40) giạ lúa. Tuy nhiên, Châu Đốc là tỉnh duy nhất ở miền Tây có dãy Thất Sơn (bảy núi) trồi lên ngay giữa một vùng đồng ruộng bao la. Riêng khu Thất Sơn đã chiếm hết 276.000 mẫu Tây đất đai (cách thị xã Châu Đốc khoảng 40 cây số). Tại đây có núi Cấm cao nhất (khoảng 880 mét). Về mùa nước nổi, cá tôm từ biển hồ tràn về Châu Đốc đủ loại từ cá tra, cá lóc, cá trê... đến tôm càng, tép bạc... Đặc biệt là loại cá linh, cá chốt thì thôi hằng hà sa số. Châu Đốc được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi chẳng những về nông sản mà còn về thủy sản nữa. Sau mỗi mùa nước, dân Châu Đốc bắt cá tôm quá nhiều, nên chỉ còn biết làm khô, làm mắm, chứ không cách chi tiêu thụ tươi cho hết được. Chính vì vậy mà Châu Đốc rất nổi tiếng về các loại khô và mắm. Dân cư Châu Đốc tương đối phức tạp hơn các nơi khác nhiều, vì đây là vùng biên giới nên người Việt gốc Miên chiếm một tỷ lệ gần 30%, người Kinh khoảng 50%. Ngoài ra, còn có người Chàm (Chăm) khoảng 10%, số còn lại là người Hoa, Mã Lai, Lào... Cộng đồng người Chàm ở Châu Đốc là cộng đồng người Chàm lớn thứ nhì sau Phan Rang. Sau khi đất nước Chàm bị diệt vong thì họ di tản về xứ Thủy Chân Lạp, vì dân Chân Lạp cũng có nền văn hóa gần gũi với họ hơn là người Việt. Tuy nhiên, đến khi Thủy Chân Lạp bị mất vào tay các Chúa Nguyễn thì họ quyết định tiếp tục ở lại Châu Đốc, chứ không chạy nữa. Tại đây họ sống co cụm tại các xã Phú Tân, Châu Phong và Châu Giang. Tại Phú Tân có khoảng 12.000 người Chàm, chuyên sống bằng nghề dệt vải. Tại đây họ có Thánh đường Hồi giáo Mosque Mubarak rất lớn, cách Châu Đốc khoảng 2 cây số. Tại Châu Phong, người Chàm chuyên nghề dệt vải Thổ Cẩm Chăm (vải đầy màu sắc rực rỡ), và thêu may khăn choàng để xuất khẩu sang Mã Lai. Thánh đường Hồi giáo Châu Phong cũng lớn như Mosque Mubarak ở Phú Tân. Tại Châu Giang, người Chàm rất nổi tiếng về nghề dệt xà rông và các loại vải may quần phụ nữ. Riêng tại Tân Châu, người Chàm dệt cả ba loại là lãnh, lụa, và lược (lãnh là loại dầy, lụa là loại vừa vừa, còn lược là loại vải mỏng nhất). Điểm đặc biệt, có lẽ Châu Đốc là tỉnh duy nhất ở miền Nam có nhiều cây thốt nốt nhất (thốt nốt là một loại cây tương cận với cây dừa, nhưng trái nhỏ hơn và nước ngọt hơn, nên đường thốt nốt rất thơm và ngọt thanh hơn đường mía). Người ta nói đường thốt nốt của Châu Đốc ngon hơn đường thốt nốt của Nam Vang nhiều. Cây thốt nốt, dù thuộc họ dừa, nhưng có lá giống lá cây kè (palm), xòe đều quanh ngọn, chứ không rũ xuống như những tàu dừa. Ở Châu Đốc, thốt nốt mọc từng cụm rải rác trong ruộng như những ốc đảo, trông rất lạ mắt. Châu Đốc còn có một thắng cảnh nổi tiếng mà hằng năm số người đến thăm viếng lên đến hằng triệu người. Đó là Miễu “Bà Chúa Xứ” ở núi Sam. Hầu như ngày nào xe cộ từ Châu Đốc đi núi Sam cũng tấp nập người đi kẻ đến. Người ta ước lượng hàng năm có trên một triệu người từ khắp các tỉnh miền Nam và ngay cả những vùng khác trong nước đến hành hương Miễu Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Hai bên đường là kinh rạch, xa xa có một xóm nhà. Tuy nhiên, dân chúng sống tập trung dọc theo hai bên bờ kinh Vĩnh Tế, đa phần là nhà sàn gỗ lợp lá, chỉ có một ít nhà lợp tôle hay ngói. Vào trong đền khói hương không còn nghi ngút nữa mà người ta đốt quá nhiều đến độ khói bay cuồn cuộn lên trần, tạo ra một bầu không khí vô cùng ngột ngạt. Về phía Tây của Miễu Bà Chúa Xứ là vùng Ba Chúc, nghe nói lúc Khmer Rouge (Khờ Me Đỏ) tràn qua đã giết tập thể rất nhiều người vô tội, hiện ngôi mồ chôn tập thể ấy vẫn còn với hàng ngàn chiếc sọ được xếp thành hàng trong một nhà mồ bằng kiếng. Ba Chúc là một xã nằm sát biên giới Việt Miên, dân chúng vùng này trông cằn cỗi, cằn cỗi như chững cụm đất khô cằn nơi họ đang sinh sống. Ngoài ra, Châu Đốc còn có một nhà thờ chánh tòa đã được xây dựng từ năm 1859 (nghĩa là ngay từ những năm Pháp mới khời sự chiếm Nam Kỳ). Châu Đốc còn là quê hương của trên 12.000 người Chàm (họ là người Chàm chạy lánh nạn khi nước Chàm bị nước ta lấn chiếm hồi thế kỷ thứ 16). Đa số người Chàm ở đây làm nghề nuôi tằm dệt tơ, họ theo đạo Hồi và sống co cụm tại những vùng Phú Tân và Châu Giang. Tân Châu của Châu Đốc cũng rất nổi tiếng về ngành dệt tơ lụa, nhứt là lãnh đen được nhuộm bằng mủ cây mạt nưa. Đi qua vùng Tân Châu chúng ta thường nghe câu hát vè của dân địa phương, họ hãnh diện về sự bảnh bao của những thiếu nữ tại đây “Trai nào tài bằng trai Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Tân Châu.” Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, Châu Đốc có một lực lượng ghe thuyền rất lớn có thể vận chuyển hàng hóa từ những con rạch nhỏ ra sông lớn. Nhờ vậy mà hàng hóa Châu Đốc không bị ứ đọng vào mùa nước nổi khi mà đa số đường sá đều bị ngập lụt. Tuy có một hệ thống kinh rạch và sông ngòi chằng chịt, nên việc giao thông đường thủy chiếm ưu thế, tuy nhiên, Châu Đốc cũng có một hệ thống đường bộ đáng kể. Ngay từ thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, họ đã xây dựng tỉnh lộ Long Xuyên-Châu Đốc và Châu Đốc-Hà Tiên (127 cây số). Ngoài ra, Châu Đốc cũng có đường bộ đi đến tận Nam Vang (177 cây số). Từ xưa đến giờ, Châu Đốc là điểm tiếp nhận hàng hóa từ cao Miên và phân phối hàng hóa Việt Nam lên Nam Vang. Ngoài lúa gạo, Châu Đốc còn nổi tiếng về cá khô, tôm khô và mắm, nhất là loại cá cháy và cá ba-sa (loại cá tra đổ xuống từ Biển Hồ). Ngày nay, ngành nuôi cá bè của Châu Đốc phát triển rất mạnh, dọc theo bờ sông Hậu Giang có rất nhiều “nhà bè”, họ nuôi đủ loa i cá, từ cá lóc, cá trê, cá rô, cá tra, vân vân. Đây là những căn nhà được xây cất trên những chiếc bè lớn, bên trên để ở và nấu thực phẩm cho cá, còn bên dưới là một hồ cá thật lớn mà đáy được làm bằng lưới, nên thông thương với lượng nước bên ngoài.



Sau năm 1975, chính quyền CSVN sáp nhập tỉnh Châu Đốc vào Long Xuyên và cho lấy lại tên cũ đã từng được ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí là “An Giang”. Hiện tại thì địa giới tỉnh An Giang rộng lớn với diện tích 3.424 cây số vuông, gồm thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc và các quận Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân và Tân Châu, Châu Phú. Về vị trí, Đông và Đông Bắc giáp Đồng Tháp, Nam giáp và Tây Nam giáp Kiên Giang, Đông Nam giáp Cần Thơ, và Tây giáp Cao Miên. Dân số tỉnh An Giang, theo thống kê năm 2.000 có trên 2.128.800 người. An Giang có thành phố lớn là Long Xuyên, nằm trên hữu ngạn sông Hậu giang, cách Sài Gòn 189 cây số. Sau khi sáp nhập tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên vào nhau để thành lập tỉnh An Giang (theo tên cũ của Đại Nam Nhất Thống Chí) thì An Giang trở thành tỉnh đứng đầu về sản xuất lúa gạo trên toàn quốc. An Giang còn sản xuất một số lượng đáng kể về bắp và các thứ đậu. Vùng sông nước bao la chạy dài từ Tân Phú, xuống Tân Châu và Long Xuyên... khiến An Giang trở thành tỉnh đứng đầu về số lượng cá tôm nước ngọt. Vì số lượng các nước ngọt quá nhiều, không kịp bán tươi về Sài Gòn nên gần phân nửa số cá tại Châu Đốc được người ta làm mắm và măm Châu Đốc rất nổi tiếng trên toàn quốc. Phần lớn cộng đồng người Chàm ở Châu Đốc đều sinh sống bằng nghề dệt vải và thêu may, xuất cảng hàng sang Mã Lai. Ngoài ra, An Giang còn nổi tiếng về khô bò, bánh phồng tôm, đường thốt nốt, lạp xưởng thịt bò. Trên đây là một số hình chụp tại tỉnh Châu Đốc của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:

***
Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Quí Vị mở Link bên dưới:

***


Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Về Miền Tây

Image result for Chợ nổi Cái Răng
Xướng
         Về Miền Tây

Nam Bộ quê mình đẹp biết bao
Dọc ngang sông rach, nước dâng trào
Cửu Long hai nhánh, dòng xuôi chảy
Vĩnh Tế một kênh, hướng thẳng đào
Màu mỡ phù sa, đồng bát ngát
Trĩu oằn vườn trái, nắng xôn xao
Người dân hiếu khách và vui vẻ
Chơn chất giọng cười, câu đổi trao.
                              Phương Hà

Các Bài Thơ Họa

Quê Tôi

Miền Tây một thuở nhớ dường bao,
Nhiều lúc bâng khuâng kỷ niệm trào.
Châu Đốc nhấp nhô vài ngọn núi,
Cửu Long chằng chịt những kinh đào.
Mơ màng mái lá, lam chiều tỏa,
Lặng lẽ con đò gió sóng xao.
Sông nước đẹp ôi! lòng khắc khoải,
Nỗi niềm viễn khách biết ai trao ?
                            Mailoc

 Đồng Bằng Nam Bộ

Miền Nam lục tỉnh đẹp dường bao
Sông rạch, con kênh nước thoát trào
Bồi lỡ phù sa rồi cửa biển
Nhập điền dẫn thủy nước sông đào
Cò bay thẳng cánh, xanh màu mở
Trái trĩu vườn cây, sóng lúa xao
Hiếu khách đồng bào vui đón tiếp
Hồn nhiên chơn chất tấm lòng trao
                     Mai Xuân Thanh

 Quê Hương Tôi

Quê tôi hiền dịu biết là bao
Nhắc đến lòng thêm cảm xúc trào
Đang lúc muôn người vui hạnh phúc
Từ đâu nổi dậy sóng ba đào
Biên thuỳ giặc dữ luôn đe doạ
Sát cánh đồng tâm chớ lãng xao
Có kẻ đồng sàng nhưng dị mộng
Tấc vàng tấc đất muốn dâng trao.
                                Quên Đi
   
Về Miền Tây Nam Viêt

Miền Tây cảnh đẹp ngỡ chiêm bao !
Ngang dọc sông sâu nước cuộn trào
Vườn tược sai oằn cây trái ngọt
Ruộng đồng chằng chịt lắm kênh đào
Cần Thơ sông Hậu phù sa đấp
Sa Đéc Tiền giang sóng xuyến xao
Chất phát dân tình luôn mến khách
Tiếng cười câu nói cứ mời trao
                            songquang
                               08/25/17

 Sông Nước Cần Thơ

Cần Thơ sông nước đẹp là bao,
Cuồn cuộn Hậu Giang sóng nước trào.
Chợ nổi Cái Răng tranh nhộn nhịp,
Đình thần Bình Thủy tránh ba đào.*
Bạt ngàn cây trái luôn xanh tốt,
Cần mẫn nông dân chẳng lãng xao.
Hiếu khách nhiệt tình lòng rộng mở,
Nụ cười chơn chất sẵn sàng trao !
                            Đỗ Chiêu Đức      
*
  Đình thần Bình Thủy tránh ba đào.
          Năm 1852Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú trên một hải thuyền, gặp phải một trận cuồng phong, nhưng nhờ ẩn nấp kịp nơi vàm rạch Bình Hưng nên vô sự. Thoát nạn, Huỳnh Mẫn Đạt cho tổ chức tiệc mừng để vui cùng nhân dân địa phương và cho đổi lại tên rạch và tên đất này là "Bình Thủy". Đồng thời ông tấu trình lên vua Tự Đức, xin ban sắc phong cho thần Thành hoàng làng. Từ đó, làng có tên mới là Bình Thủy, và ngôi đình cũng được người dân gọi là đình Bình Thủy. 
             

Về miền Tây

Tiết miền nhiệt đới nóng dường bao
Nắng lửa Miền Tây vẫy sóng trào
Biển cả mênh mông trời gió lộng
Sông dài tít tắp nước triều xao
Mồ hôi, mảnh đất, hồn quê đẫm
Trí não, bàn tay, dãy lụa đào
Khách đến niềm vui tràn má ửng
Nặng lòng thương cảm dệt tình trao.
                    Mai Thắng- 170826 


Miền Tây phương Nam
(nương vận bài thơ "Về mien tây" của chị PH)

Cảnh đẹp miền tây tươi xiết bao !
Sông ,kênh chằng chit nước tuông trào
Ruộng đồng bát ngát xanh màu mạ
Mương,rạch dọc ngang ví xẻ đào
Hai mái chèo khua thuyền lướt sóng
Một cây cầu khỉ bước lao xao
Thôn làng quý mến người du khách
Miệng nói vui cười lưu luyến trao
                    Song MAI Lý Lệ

      
DẤU THỜI GIAN

Bây giờ thứ ấy hỏi còn bao..?
Nhắc đến chao ơi lệ ứa trào
Bởi xót cảnh quê đường bám bụi
Do thương tình cũ má phai đào
Em mơ bến nớ lòng quay quắt
Anh đợi sông tê dạ xuyến xao
Mong gío xuân về mang sức sống
Duyên kia dù lỡ vẫn thương trao.
                      Thái Huy,8-27-17
***


Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Cung Tơ Muộn Màng


Nhìn em ta ngẩn ngơ
Chiều xuống khói sương mờ 
Chỉ một lần tương ngộ
Hoàng hôn đời tựa mơ 
               Vòng tay anh mở vội
               Đưa nhau vào tiếc hối
               Ánh ráng hồng rực rỡ
               Khiến mây ngần ngại trôi 
Em vẫn đầy xuân sắc 
Anh đang đến cuối đường 
Tình mình không đoạn kết 
Sao em lại cố vương 
               Đàn ta đang lỡ nhịp
               Cung điệu nhiều hoang mang
               Tim đi vào vô thức
               Nét chấm phá muộn màng.
Tàn thu trời se lạnh
Heo may từng cơn cuối 
Và cuộc tình mong manh 
Trôi dần vào dĩ vãng
                                   Quên Đi