Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Báo Tin Buồn CHS Tống Phước Hiệp Nguyễn Trí Hiếu NK 62-69 Đã Qua Đời


Vô cùng thương tiếc báo cùng các bạn Cựu Học Sinh trường Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long NK 62 - 69:
Bạn Nguyễn Trí Hiếu
Đã trút hơi thở cuối cùng, sau thời gian điều trị tại bệnh viện Thống Nhất Sài Gòn.
Lúc 20 giờ ngày 26-05-2015 (nhằm ngày mùng 9 - 5 năm Ất Mùi)
Tại Vĩnh Long
Hưởng thọ 64 tuổi
Lễ động quan sẽ được cử hành lúc 06 giờ ngày 28-05-2015 tại Thành Phố Vĩnh Long. 



Sẽ được hỏa táng tại Sa Đéc.

Nay Kính Báo


Huỳnh Hữu Đức


CHS Tống Phước Hiệp NK 62-69 Chia Buồn Cùng Gia Đình Nguyễn Trí Hiếu



Cựu học sinh Tống Phước Hiệp, niên khóa 62-69 rất đau buồn khi hay tin
Bạn Nguyễn Trí Hiếu
Đã từ trần, sau thời gian trị liệu tại bịnh viện Thống Nhất Sài Gòn.
Lúc 20 giờ ngày 26 - 05 - 2015 (nhằm ngày mùng 9- 05 năm Ất Mùi)
Tại Vĩnh Long
Hưởng thọ 64 tuổi
Lễ động quan vào lúc 06 giờ ngày 28 - 05 - 2015.
Sẽ được hoả táng tại Sa Đéc.
Thành kính phân ưu cùng Gia đình bạn Nguyễn Trí Hiếu. Nguyện cầu Hương Linh bạn sớm vãng sanh miền cưc lạc.

Đồng Kính Phân Ưu

Lê Thị Kim Phượng
Huỳnh Hữu Đức

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Kính Thông Báo

        Do có việc riêng, trang huynhhuuduc.blogspot.com tạm ngưng đăng bài Mới trong khoảng thời gian 15 ngày. 
        Đến ngày 01- 6 - 2015, sẽ tiếp tục đăng bài bình thường.
             Nay Kính
       Huỳnh Hữu Đức

Trúc Mai - Mưa Đêm Nay - Nhạc Anh Việt Thu - Thơ: Đêm Mưa Cẩm Giang của Trường Anh



 Đêm Mưa Cẩm Giang 

Thăm thẳm đường trường, tôi, người cô-độc.
Mòn gót giày cắm trọ quán đêm nay.
Mưa Cẩm Giang như niềm đau ai khóc.
Đường sụt-sùi trong mấy nẻo truông lầy.

- Cho cốc cà-phê, cô hàng xanh tóc!
 Tôi uống đắng cay, hay mắt em say?
Nghe đâu đây ai cười lên vỡ ngọc
Thấy đau chúng mình một kiếp trắng tay

Cố tri mấy đứa giờ đâu… lăn lóc.
Ở chực nằm chờ, hay dạt đó đây?
Tiền thân chúng mình có là con cóc
Thơ nghiến răng cho trời chuyển mưa bay?

Ta không phải chán đời mà trách móc
 Khi những thằng hề không biết múa may.
- Cô hàng xanh tóc, cà-phê đầy cốc.
Miệng em cười, nhạc đắng chở màu cay.

Cẩm-Giang ôi ! đây, ngày xưa tang tóc.
Xiềng khua chân rổn rảng kiếp đi đày.
Lớp hưng-phế xô nghiêng nhà tróc nóc
Mồ những ai nằm trăng lạnh gió lay?

Cổng biên thuỳ lòng tham luôn dời cọc
Rồi, với thời gian, người chết, xanh cây!
- Cho thêm nữa cà-phê, sao em khóc ?
Ta hiểu rồi, lòng đã cảm thương vay.
  
Nhầu nát áo xanh mờ tràn bụi mốc
Chung một thuyền, thơ tâm sự dâng ai.
Nước sông Vàm-Cỏ nguồn xuôi trong lọc
Có chắc mang hoa về quán ngày mai?

- Cho thêm nữa đi, và em đừng khóc !
Trời hết đêm, rồi nắng dâng ngày.
Tôi, tôi là khách lữ-hành cô độc
Vỡ lệ nằm nghe mưa quán đêm nay.
                                 Trường Anh


Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

Đêm rơi



Sương lạnh đêm buồn lá ủ ê
Sông khuya mòn đợi nước trôi về
Gió thôi đừng đến gieo nhung nhớ
Xui khiến tình trăng nặng tái tê

Một lần gặp gỡ đã sầu vương
Chẳng nợ duyên nên chẳng chung đường
Người về chốn ấy còn lưu lại
Cả khối tình si thú đau thương.

Thẩn thờ đọc lại bóng hình ai
Ôm mộng mơ chi suốt canh chày
Bơ phờ một bóng trăng cô độc
Nghiêng ngã màn song đẫm giọt cay.
                          Quên Đi

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Luật Hỏi Ngã Trong Tiếng Việt


Trong tiếng Việt chúng ta xử dụng tất cả 1270 âm tiết với dấu hỏi hoặc với dấu ngã, trong đó có 793 âm tiết (chiếm 62%) viết dấu hỏi, 477 âm tiết (38%) viết dấu ngã.  Việc nắm được quy luật dấu hỏi và dấu ngã của lớp từ láy và lớp từ Hán Việt sẽ giúp ta giảm được nhiều lỗi chính tả.

I.  Từ láy và từ có dạng láy:

•  Các thanh ngang (viết không có dấu) và sắc đi với thanh hỏi, ví dụ như: dư dả, lửng lơ, nóng nẩy, vất vả...

•  Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã, ví dụ như: tầm tã, lững lờ, vội vã, gọn ghẽ...

Quy tắc từ láy chỉ cho phép viết đúng chính tả 44 âm tiết dấu ngã sau đây:

ã ầm ã, ồn ã
suồng sã
thãi thưà thãi
vãnh vặt vãnh
đẵng đằng đẵng
ẫm ẫm ờ
dẫm dựa dẫm, dọa dẫm, dò dẫm
gẫm gạ gẫm
rẫm rờ rẫm
đẫn đờ đẫn
thẫn thờ thẫn
đẽ đẹp đẽ
ghẽ gọn ghẽ
quẽ quạnh quẽ
kẽo kẽo kẹt
nghẽo ngặt nghẽo ??
nghễ ngạo nghễ
nhễ nhễ nhại
chễm chiễm chệ
khễng khập khễng
tễng tập tễnh
nghễu nghễu nghện
hậu hĩ
ĩ ầm ĩ
rầu rĩ, rầm rĩ
hĩnh hậu hĩnh, hợm hĩnh
nghĩng ngộ nghĩnh
trĩnh tròn trĩnh
xĩnh xoàng xĩnh
kĩu kĩu kịt
tĩu tục tĩu
nhõm nhẹ nhõm
lõng lạc lõng
õng õng ẹo
ngỗ ngỗ nghịch, ngỗ ngược
sỗ sỗ sàng
chỗm chồm chỗm
sỡ sặc sỡ, sàm sỡ
cỡm kệch cỡm
ỡm ỡm ờ
phỡn phè phỡn
phũ phũ phàng
gũi gần gũi
hững hờ hững
(Hoàng Phê, 2).

Ngoài ra còn có 19 âm tiết dấu ngã khác dùng như từ đơn tiết mà có dạng láy ví dụ như:



cãi cọ
giãy giụa
sẵn sàng
nẫu nà
đẫy đà
vẫy vùng
bẽ bàng
dễ dàng
nghĩ ngợi
khập khiễng
rõ ràng
nõn nà
thõng thượt
ngỡ ngàng
cũ kỹ
nũng nịu
sững sờ
sừng sững
vững vàng
ưỡn ẹo





  • Cần phải nhớ cãi cọ khác với củ cải, nghĩ ngợi khác với nghỉ ngơi, nghỉ học.

    Như vậy quy tắc hài thanh cho phép viết đúng chính tả 63 âm tiết dấu ngã.  Ngoài ra còn có 81 âm tiết dấu ngã dưới đây thuộc loại ít dùng:

    Ngãi, tãi, giãn (dãn), ngão, bẵm, đẵm (đẫm), giẵm (giẫm), gẵng, nhẵng, trẫm, nẫng, dẫy (dãy), gẫy (gãy), nẫy (nãy), dẽ, nhẽ (lẽ), thẽ, trẽ, hẽm (hẻm), trẽn, ẽo, xẽo, chễng, lĩ, nhĩ, quĩ, thĩ, miễu, hĩm, dĩnh, đĩnh, phĩnh, đõ, ngoã, choãi,doãi, doãn, noãn, hoãng, hoẵng, ngoẵng, chõm, tõm, trõm, bõng, ngõng, sõng, chỗi (trỗi), giỗi (dỗi), thỗn, nỗng, hỡ, xỡ, lỡi, lỡm, nỡm, nhỡn, rỡn (giỡn), xũ, lũa, rũa (rữa), chũi, lũi, hũm, tũm, vũm, lũn (nhũn), cuỗm, muỗm, đuỗn, luỗng, thưỡi, đưỡn, phưỡn, thưỡn, chưỡng, gưỡng, khưỡng, trưỡng, mưỡu (Hoàng Phê, 3).

    Tôi để ý thấy rất nhiều lỗi chính tả ở những âm tiết rất thường dùng sau đây: đã (đã rồi), sẽ (mai sẽ đi), cũng (cũng thế), vẫn (vẫn thế), dẫu (dẫu sao), mãi (mãi mãi), mỗi, những, hễ (hễ nói là lam), hỡi (hỡi ai), hãy, hẵng. 

  • Cũng có những trường hợp ngoại lệ như:



  • 1.  Dấu ngã:  đối đãi (từ Hán Việt), sư sãi (từ Hán Việt), vung vãi (từ ghép), hung hàn (từ Hán Việt), than vãn, ve vãn, nhão nhoét (so sánh: nhão nhẹt), minh mẫn (từ Hán Việt), khe khẽ (so sánh: khẽ khàng), riêng rẽ, ễng ương, ngoan ngoãn, nông nỗi, rảnh rỗi, ủ rũ . . .

    2.  Dấu hỏi:  sàng sảy (từ ghép), lẳng lặng, mình mẩy, vẻn vẹn, bền bỉ, nài nỉ, viển vông, chò hỏ, nhỏ nhặt, nhỏ nhẹ, sừng sỏ, học hỏi, luồn lỏi, sành sỏi, vỏn vẹn, mềm mỏng, bồi bỏ, chồm hổm, niềm nở, hồ hởi . . . (Hoàng Phê, 4).

    II.  Từ Hán Việt:

    a)  Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là:

    •  Ch-:  chuẩn, chỉ, chỉnh, chủ, chuẩn, chủng, chuyển, chưởng.
    •  Gi-:  giả, giải, giảm, giản, giảng, giảo.
    •  Kh-: khả, khải, khảm, khảng, khảo, khẳng, khẩn, khẩu, khiển, khoả, khoản, khoảnh, khổ, khổng, khởi, khuẩn, khủng, khuyển, khử.  
    •  Và các từ không có phụ âm đầu như:  ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.

    b)  Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là: 

    •  D-:  dã, dẫn, dĩ, diễm, diễn, diễu, dĩnh, doãn, dõng, dũng, dữ, dưỡng.
    •  L-:  lãm, lãn, lãng, lãnh, lão, lẫm, lễ, liễm, liễu, lĩnh, lõa, lỗi, lỗ, lũ, lũng, luỹ, lữ, lưỡng.
    •  M-: mã, mãi, mãn, mãng, mãnh, mão, mẫn, mẫu, mỹ, miễn.
    •  N-(kể cả NH-NG): nã, não, ngã, ngãi, ngẫu, nghĩa, nghiễm, ngỗ, ngũ, ngữ, ngưỡng, nhã, nhãn, nhẫn, nhĩ, nhiễm, nhiễu, nhỡn, nhũ, nhũng, nhuyễn, nhưỡng, noãn, nỗ, nữ.
    •  V-: vãn, vãng, vẫn, vĩ, viễn, vĩnh, võ, võng, vũ.

    c)  33 từ tố Hán-Việt có dấu ngã cần ghi nhớ (đối chiếu với  bản dấu hỏi bên cạnh):

    Bãi: bãi công, bãi miễn.
    Bảo: bảo quản, bảo thủ. Bão: hoài bão, bão ho
    Bỉ: bỉ ổi, thô bỉ Bĩ: vận bĩ, bĩ cực thái lai
    Cưỡng: cưỡng bức, miễn cưỡng
    Cửu:  cửu trùnh, vĩnh cửu Cữu: linh cữu
    Đãi: đối đãi, đãi ngộ
    Đảng: đảng phái Đãng: quang đãng, dâm đãng
    Để: đại để, đáo để, triệt để Đễ: hiếu đễ
    Đỗ: đỗ quyên
    Hải: hải cảng, hàng hải Hãi: kinh hãi
    Hãm: kìm hãm, hãm hại
    Hãn: hãn hữu, hung hãn
    Hãnh: hãnh diện, kiêu hãnh
    Hoãn: hoãn binh, hoà hoãn
    Hổ: hổ cốt, hổ phách Hỗ: hỗ trợ
    Hỗn: hỗn hợp, hỗn độn
    Huyễn: huyễn hoặc
    Hữu: tả hữu, hữu ích
    Kỷ: kỷ luật, kỷ niệm, ích kỷ, thế kỷ Kỹ: kỹ thuật, kỹ nữ
    Phẫn: phẫn nộ
    Phẫu: giải phẫu
    Quẫn: quẫn bách, quẫn trí
    Quỷ: quỷ quái, quỷ quyệt Quỹ: công quỹ, quỹ đạo
    Sỉ: sỉ nhục, liêm sỉ Sĩ: sĩ diện, chiến sĩ, nghệ sĩ
    Tể: tể tướng, chúa tể, đồ tể Tễ: dịch tễ
    Thuẫn: hậu thuẫn, mâu thuẩn
    Tiễn: tiễn biệt, thực tiễn, hoả tiễn
    Tiểu: tiểu đội, tiểu học Tiễu: tuần tiễu, tiễu phỉ
    Tỉnh: tỉnh ngộ, tỉnh thành Tĩnh: bình tĩnh, yên tĩnh
    Trĩ: ấu trĩ
    Trữ: tích trữ, trữ tình
    Tuẫn: tuẫn nạn, tuẫn tiết
    Xả: xả thân Xã: xã hội, xã giao, thị xã
    (Hoàng Phê, 6-7).

    III. Tóm lại:

    1.  Từ láy: Các thanh ngang và sắc đi với thanh hỏi.  Các thanh huyền và nặng đi với thanh ngã.  Để cho dễ nhớ chúng ta có thể tóm gọn trong hai câu thơ sau:

    Chị Huyền vác nặng ngã đau
    Anh Sắc không hỏi một câu được là (Hoàng Anh Tuấn).

    2.  Từ Hán Việt phần lớn viết với dấu hỏi (trong tổng số yếu tố Hán-Việt, có 176 yếu tố viết dấu hỏi, chiếm 62%; 107 yếu tố viết dấu ngã, chiếm 38%), (Hoàng Phê, 6).

    •  Dùng dấu hỏi khi có phụ âm đầu là CH, GI, KH và các từ khởi đầu bằng nguyên âm hoặc bán nguyên âm như ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu.

    •  Dùng dấu ngã khi có phụ âm đầu là M, N(NH-NG), V, L, D, N (cho dễ nhớ tôi viết thành Mình Nên Viết Là Dãu Ngã) (Hoàng Anh Tuấn).

      Như vậy chỉ cần nắm các qui tắc trên và nhớ 33 trường hợp đặc biệt viết với dấu ngã là có thể viết đúng chính tả toàn bộ 283 yếu tố Hán-Việt có vấn đề hỏi ngã cũng coi như nắm được căn bản chính tả DẤU HỎI HAY DẤU NGÃ trong tiếng Việt (Hoàng Phê, 1)

  • ****

    Huỳnh Hữu Đức sưu tầm
    (theo e-cadao.com/ngonngu/Luathoinga.htm)

    Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

    Chờ Hạnh Ngộ

    Bài Thơ Xướng

               Chờ Hạnh Ngộ

    Hai lăm năm nữa… tuổi tròn trăm
    Mất ngủ từng đêm lạnh chỗ nằm
    Tóc trắng, da mồi, tai nghễnh ngãng
    Lưng còm, mắt đục, mũi, môi thâm.
    Chiều gieo thi tứ cùng đôi bạn
    Sáng hội cà phê đoản khúc ngâm
    Bạn hữu miền xa chờ hạnh ngộ
    Hân hoan xướng họa kiếp con tằm ...

                       Dương hồng Thủy
                           (27/04/2015)


    Các bài Thơ Hoạ

           Cứ Sống Vui

    Cho dù sống thọ vượt hơn trăm
    Thì tới ngày kia cũng phải...nằm !
    Mắt lão tránh sao nhòe hoặc đục
    Da già nào khỏi nhão hay thâm
    Miễn còn trí óc, còn thơ phú
    Và vẫn bạn bè, vẫn xướng ngâm
    Vui đến tận cùng, ai cấm cản
    Nhả tơ trọn hết một đời tằm.
                           Phương Hà
    ***
           Chỉ Thế Thôi

    Nào dám mơ chi đến tuổi trăm
    Chỉ mong chín chín hả đi nằm
    Nhân sinh thật lắm điều vui thú
    Bạn hữu vốn đầy nghĩa nặng thâm
    Dứt bỏ? Sao đành rời thế tục
    Thôi thì! Cố giữ lại câu ngâm
    Làm hành trang đến miền vô cực
    Cũng tạm yên vui một kiếp tằm.
                              Quên Đi
    ***
    Chúc Bạn Chân Cứng Đá Mềm

    Đời người đâu được đến tròn trăm ,
    Mà nghĩ đên chi lạnh chỗ nằm .
    Năm tháng lo toan bồi nghĩa nặng ,
    Tối ngày bương chải đắp tình thâm .
    Sáng ra thư giãn cùng thơ phú ,
    Đêm lại trầm tư với khổ ngâm .
    Bao quản thân cò đâu xá kể ,
    Ở cho hết kiếp nợ con tằm .
                               Tri Khac Pham
    ***
          Chúc Bạn Thoả Lòng

    Chúc bạn thỏa lòng đạt tuổi trăm,
    Trước sau rồi cũng phải...đi nằm !
    Tám trăm Bành Tổ... còn đi đứt,
    Thập nhị Nguyễn Hiền... thế mới thâm.
    Thuốc lá cà phê... chơi xả láng !
    Thơ từ ca phú... mặc tình ngâm.
    Bạn bè tứ xứ vui tao ngộ,
    Xướng họa không thôi uổng kiếp tằm !!!
                                      Đỗ Chiêu Đức

    Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

    Lương Châu Từ - Vương Hàn


    Lương Châu Từ , bài thơ Tứ Tuyệt được xem là hay nhất trong dòng thơ Biên Tái. Tại sao?

    Đường thi Tứ tuyệt thường hàm xúc những quan niệm về nhân sinh quan và vũ trụ quan của các thi nhân bấy giờ. Lương Châu Từ của Vương Hàn cũng thế.
    Từ xưa, người Tàu luôn có chiến tranh, lấn chiếm qua lại với các nước phía Tây, Tây Bắc là Thổ Phồn và Hồ.
    ChúngTa cùng thưởng thức một tuyệt tác của Vương Hàn

    涼 州 詞 (*)                  Lương Châu Từ
                  王 翰                                Vương Hàn

    葡萄美酒夜光杯,    Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
    欲飲琵琶馬上催。    Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
    醉臥沙場君莫笑,    Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
    古來征戰幾人回。    Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi

    Dịch Nghĩa : Khúc Hát Dương Châu

    Rượu nho rót vào chén ngọc Dạ quang
    Muốn uống nhưng tiếng đàn tỳ bà thúc dục mau lên ngựa
    Có say rượu nằm nơi chiến trường thì đừng ai cười
    Từ xưa tới nay đi đánh trận có mấy người quay trở lại

    (*) Ghi ChúTừ (词)  : là một thể văn, có từ đời Đường, hưng thịnh thời nhà Tống, biến thể từ nhạc phủ xưa, câu dài ngắn không nhất định. Còn gọi là trường đoản cú 長短句, thi dư 詩餘 . Như: Đường thi Tống từ

    Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
    Giục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
    Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
    Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

    Từ hai câu đầu, chúng ta thấy rỏ ràng sự tương phản ngầm nói lên sự đối chọi của các Vương Triều người Hán và Tây Vực, qua sự thể hiện một câu tĩnh và một câu động. Nhưng cũng chính hai câu bày đã nói lên sự mong muốn sống chung hoà bình giữa hai dân tộc, ví như rượu Bồ Đào, rượu của Hồ phải uống bằng chén dạ quang của Hán mới tăng thêm cảm giác (trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ , Kim Dung  trình bày cách uống rượu bồ đào phải dùng chén dạ quang, qua việc Tổ thiên Thu cố lừa  Lệnh Hồ Xung  uống thuốc chữa bệnh, để lấy lòng thánh nữ Doanh Doanh cũng dựa vào bài thơ này...)

    Hai câu cuối, nói lên sự tàn bạo của chiến tranh, tại sao không thể dùng rượu thay cho binh khí, để không còn chết chóc đau thương.

    Bản diễn dịch chữ  Nôm đầu tiên ở nước ta :

    Chữ Quốc ngữ:

              Rượu đào vơi chén pha lê,
    Ngập ngừng hầu uống đàn kề bên tai
            Sa trường say ngã chớ cười,
      Xưa nay chiến địa mấy ai đặng về.

    Các Bài Thơ Dịch:

       Câu Hát Lương Châu 

                       1
    Dạ quang chén ngọc rượu bồ đào
    Muốn uống tỳ bà giục ngựa mau
    Say nằm trận địa đừng cười bạn
    Chinh chiến xưa nay sống được bao

                              2
             Bồ Đào đầy chén Dạ Quang
    Uống nhanh ngựa sẵn giục vang đàn Tỳ
            Sa trường rượu ngấm nằm lì
        Bao đời chinh chiến có đi khó về.

                                  Quên Đi
    ***
           Bài Hát Lương Châu

    Rượu vang rót vội chén pha-lê,
    Giục giã tì bà giọng tỉ tê.
    Say khước sa trường nàng chớ nhạo,
    Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?!

          Lục bát :
    Bồ đào rót chén dạ quang,
    Tì bà giục giã sa tràng tiến ngay.
    Chớ cười chiến địa ta say,
    Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về ?!

                            Đỗ Chiêu Đức.
    ***
        Lương Châu Từ

    (1) 
    Chén ngọc bồ đào sắc đỏ gay ,
    Tỳ bà giục giã thắng yên ngay .
    Say lăn chiến địa người đừng mỉa ,
    Kim cổ sa trường sống sót ai  ?

    (2).           
    Chén ngọc rượu bồ tràn óng ánh ,
    Tiếng tì đã giục thắng yên ngay .
    Sa trường chớ nhạo khướt say ,
    Xưa nay chiến trận mấy ai quay về ? 

                              Mailoc
    ***
     Bồ Đào Mỹ Tửu: Rượu Ngon

    1
    Uống cạn rượu đào ngon chén ngọc,
    Tỳ bà báo hiệu thúc quân ra.
    Lỡ say trận mạc em đừng nhạo,
    Đánh giặc xưa nay chẳng viếng nhà !
                         

    2
    Rượu ngon chén ngọc uống, vua ban
    Hiệu lệnh tỳ bà thắng ngựa ngang
    Chiến địa say mèm ai chế nhạo
    Xưa nay đánh giặc chết sa tràng
                     Mai Xuân Thanh
             Ngày 25 tháng 04 năm 2015

    ***
              Lương Châu Từ

    Chén ngọc, rượu đào, chửa thấm môi ,
    Tỳ Bà đã giục lên đường rồi .
    Say nằm chiến địa ai cười trách ,
    Đã mấy người về trọn cuộc chơi .
                           PKT 04/25/2015
    ***
        Khúc Hát Ở Lương Châu

    Toan rót rượu thêm vào chén ngọc
    Đã nghe tiếng nhạc thúc ra quân
    Chiến trường say ngã, xin đừng nhạo
    Lạc giữa binh đao, ai vẹn thân ?
                     Phương Hà phỏng dịch
    ***
        Khúc Hát Lương Châu

    Chén rượu bồ đào uống cạn đi!

    Tiếng đàn xung trận đã tung hê

    Nằm giữa sa trường say chớ nhạo

    Xưa nay chinh chiến mấy ai về!
                     Nguyễn Đắc Thắng
                              20150426
    ***
                      Bồ Đào Mỹ Tửu

               Quan hà cạn chén bồ đào
    Chưa vơi đàn giục ngựa mau lên đường
            Trách chi say chốn sa trường
    Binh đao chinh chiến có nhường mấy ai

                                           Kim Oanh