Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Con Đường Đến Nhà Dương Thanh Khải

Vào ngày 18-01-2015, nhóm chúng tôi kéo xuống cù lao Tân Phong để quậy anh bạn hiền lành Dương Thanh Khải. Lần này chúng tôi không thuê đò mà đi bằng xe gắn máy.
Sau khi qua bắc Cổ Chiên (phà Đình Khao), chúng tôi tiếp tục lên xe, thẳng tiến về Chợ Lách. 
Qua khỏi xã Bình Hoà Phước thuộc tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi đi đến xã Phú Phụng, thuộc huyện chợ Lách tỉnh Bến Tre; trước đây, Chợ Lách thuộc tỉnh Vĩnh Long. 
Xã Phú Phụng là quê Nội của tôi. Hiện mồ mả Ông Bà, Ba Má, các Cô và đứa em  trai thứ 7 của tôi được chôn cất nơi đây.
Ngược dòng thời gian, các tiền nhân trong dòng họ đến đây lập nghiệp vào những thập niên đầu của thế kỷ 20. Ông Nội tôi từng đóng góp chút ít công sức cho đình làng nơi đây. Với những đóng góp của ông, Bà Con chợ Cầu Dừa (tên gọi chợ Phú Phụng ngày trước) lúc bấy giờ tặng cho Người danh hiệu Kế Hiền...


(Trên đường đến Phú Phụng, Duyên chở Chí Thanh, xe sau là Xuân chở Điệp Lê)


(Chờ phà nơi bến phà Gạch Vông, Xuân, Duyên còn ngồi trên xe, Chí Thanh và Điệp đứng ở dưới)

Vừa qua khỏi Phú Phụng khoảng 3km, chúng tôi đến cầu Gạch Vông, rẽ trái đi khoảng 2km, đến bến đò Gạch Vông. Nơi đây chúng tôi chờ chiếc phà nhỏ để qua sông. Bên kia sông là cù lao Tân Phong. Hiện Bạn Khải đang chờ chúng tôi bên đó.


(Liên, Điệp Lê, Chí Thanh}



 (đang trên phà, Duyên và Chí Thanh đang ngắm cảnh dòng Cổ Chiên)

 (đây là bến phà Gạch Vông phía Tân Phong. Khải mặc chiếc áo đen, đội nón bảo hiểm chờ chúng tôi)

Từ bến phà này, đi theo con đường tráng xi măng cùng rất nhiều cua quẹo, chúng tôi như lạc vào Bát quái trận đồ có chiều dài khoảng 3km. Sau này được Khải cho biết muốn đến nhà bạn, cứ thấy ngã ba thì quẹo trái. Chỉ duy nhất có một ngã ba là quẹo phải mà thôi. Nhưng thú thật, tôi cũng không hề nhớ cái ngã ba nào nên quẹo phải.

(Ngôi Nhà của Bạn hiền Dương Thanh Khải)

Thế là chúng tôi đã đến ngôi nhà của Dương Thanh Khải sau hơn 2 giờ đồng hồ. Ở chơi đến hơn 14 giờ, Chúng tôi từ giả Bạn để ra về kết thúc chuyến đi.

Hình Ảnh Huỳnh Hữu Đức

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Một Cõi Đi Về

Sống gởi thác về lẽ tự nhiên
Cũng bình thường lá rụng công viên.
Hoa trôi bèo dạt theo dòng nước,
Gió cuốn vàng khô rớt mái hiên.

Sức yếu bệnh đau nằm rũ liệt,
Trên giường thoi thóp thở không yên.
Dầu thăm hỏi xác thân tàn kiệt,
Hấp hối tùy duyên xót bạn hiền.

Vô thường cõi tạm cũng ra đi,
Tha thiết gì đâu tất đến kỳ.
Phú quý bần hàn ôi tuyệt vọng !
Giàu sang danh lợi chẳng còn chi !
                     Mai Xuân Thanh

Kể Như Chuyện Nằm Mơ...


     Mơ cũng không dám nói gì ...Phước đức thay cho người dân Canada.


Dân Canada, đi ngoại quốc VN chơi mà lỡ bệnh nặng liệt giường, vậy mà y tế CANADA lo máy bay special,+bác sĩ, nhân viên bay qua xứ đó chở về Canada điều trị free. Health insurance Mỹ có hãng nào ngon như vậy không?



Mấy tuần nay xôn xao chuyện ông Nguyễn Bá Thanh một đảng viên cao cấp trị bịnh ở Mỹ, và Chuyên Cơ (special jet) đưa rước ông về nước ..v..v...làm tôi nhớ lại rất rõ chuyện tương tự của mình.


Năm 2009 Vì một tai nạn trầm trọng tại Việt Nam tôi đã phải sống ở Bịnh viện Chợ Rẫy nuôi vợ suốt 30 ngày ... Trong thời gian đó, tôi đã tìm đủ mọi cách để đưa vợ về Canada trị liệu, từ Toà Đại Sứ Canada tới bịnh viện, hãng... này, người nọ, cuối cùng có hai cách để đi. 
Cách thứ nhất: đi bằng Chuyên Cơ (Air Ambulance) của một công ty từ Singapore, sẽ bay qua Việt Nam lấy người và đưa về Canada, Gía tiền là $260,000. USD.
Cách Thứ 2: đi bằng hàng không dân dụng, cùng 2 Bác sĩ Việt nam đi theo, cách này thì hãng náy bay sẽ gỡ 2 hàng ghế quây màn thành phòng đủ chỗ để băng ca, giá vé là $26,000 USD cộng thêm tiền Bác sĩ đi theo, Phải chờ chuyển tiếp tại Hong Kong 16 tiếng .

Tôi thất vọng vô cùng, vì cách thứ nhất tôi vốn không có tiền để mà đi, cách thứ hai quá mạo hiểm càng không thể đi...

Ngày thứ 26 trong lúc tôi vô cùng thất vọng thì nhận được một cú điện thoại cứu mạng từ Canada gọi về: " Chào ông, chúng tôi là nhân viên của hãng Manulife, chúng tôi đã nhận được hồ sơ bịnh lý của vợ ông, chúng tôi sẽ đưa vợ ông về Canada trong thời gian sớm nhất, nội trong ngày hôm nay sẽ có nhân viên của hãng chuyên cơ và bác sĩ sẽ liên lạc làm việc với ông ..."

Ngày thứ 28 Chuyên Cơ đã về tới Tân Sơn Nhất, tối cùng ngày đoàn gồm bốn người, một Bác sĩ, một Y tá, một nhân viên cứu thương và một hướng dẫn viên người Việt, vào Chợ Rẫy để thăm chúng tôi, hội thảo cùng các bác sĩ tại Chợ rẫy, và đặt những yêu cầu cần thiết cho bịnh nhân. 
Họ nghỉ ngơi một ngày và Ngày thứ 30 cùng đoàn bốn người này trở lại Chợ Rẫy, lúc này họ mặc đồng phục và mang theo băng ca, dụng cụ y tế...cũng lúc này họ không cho bât cứ ai đụng vào bịnh nhân nữa, họ làm tất cả mọi việc vô nước biển, cài đặt máy theo dõi, di chuyển bịnh nhân ....

Tôi cùng đoàn lên xe cứu thương đi thẳng tới máy bay, tới đây người hướng dẫn viên Việt Nam đã hết trách nhiệm. vợ chồng tôi cùng ba nhân viên Y tế và hai Phi công bắt đầu một chuyến bay dài 36 tiếng trở về Canada. trên chiếc máy bay có đầy đủ dụng cụ y tế, 7 ghế ngồi rộng, một bên là chiếc băng ca bịnh nhân nằm được cài vao vị trí. 
Chuyến bay phải ngừng tại Oshaka Nhật, Nga, Alaska Mỹ, Winipeg Canada, để tiếp nhiên liệu, mỗi lần như vậy đều có mộc chiếc xe cứu hoả và nhân viên cứu hoả ở kế máy bay, vì trong máy bay có bịnh nhân, 1 xe tiếp nhiên liệu, 1 xe của Hải quan, 1 xe làm vệ sinh và mang đồ ăn nước uống... mỗi lần ngừng tôi cùng phi hành đoàn đều theo xe hải quan vào phi trường để họ làm thủ tục và tôi được đi lại cho thư dãn, nhưng trong đoàn luôn luôn có 1 người ở lại để coi bịnh nhân.
Máy bay đáp xuống phi trường Toronto, lúc này xe cứu thương đã chờ sẵn bên trong và đưa chúng tôi về thẳng bịnh viện, tới đây nhân viên của bịnh viện trao trả lại passport cho tôi. 
Sau 6 tháng nằm bịnh viện, 2 cuộc phẫu thuật, 1 năm vật lý trị liệu, vợ tôi đã bình phục. 
Theo như sự tìm hiểu sơ lược thì trường hợp của vợ mình chắc chi phí phải tốn đến vài triệu đô của bảo hiểm cũng như chính phủ .
30 ngày nằm tại bịnh viện Chợ Rẫy, 3 lần phẫu thuật, thuốc men, giá tiền tính theo người nước ngoài là khoảng $25,000USD
Chuyên Cơ (Air Ambulance) và đoàn hỗ trợ bịnh nhân về Canada từ Việt Nam khoảng $350,000 
Viện Phí khoảng $3,000 / ngày x 152 ngày = $456,000
Viện Phí nằm ICU khoảng $10,000 /ngày x 30 = $300,000
X-ray, MRI ... many time khoảng $30,000
Phẫu thuật Não Khoa từ $150,000 - $400,000 - cho là $250,000
 Sọ đầu nhân tạo, $14,000 
Phẫu Thuật chân nối xương chỉnh hình khoảng $100,000
Vật lý trị liệu $200/ lần x 156 lần = $31,200 
Chưa tính thuốc men, theo dõi của những bác sĩ chuyên Khoa ...tiền hỗ trợ khi bịnh tật ...v.v... 
Khác hẳn với ông Đảng viên cao cấp Nguyễn Bá Thanh, chúng tôi chỉ là những công dân lao động rất bình thường của Canada. 
Không cần phải có bảo hiểm Y tế như vợ tôi, Chỉ cần là người Canada, cho dù thất nghiệp hay vô gia cư, chỉ cần ở trên đất Canada thì bất cứ ai cũng sẽ được trị liệu một cách tương tự mà không tốn một xu ... this is why I love this country so much 

Ps: đây không phải là hình minh hoạ, đây là hình thật người thật, chiếc chuyên cơ này đã mang chúng tôi về Canada

Johnson Quoc Nguyen


Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Mừng Sinh Nhật Hoàng Thị Thơ-CHS Tống Phước Hiệp



 Từ trái sang phải: Khải (Dương), Điệp Lê, Chí Thanh, Điệp Bùi, Thơ.


 Chí Thanh, Điệp (Bùi), Thơ, Duyên


Trái sang phải:  Điệp (Bùi), Duyên, Chí Thanh, Thơ, Điệp (Lê).Khai (đứng sau Điệp Lê), Khải (Dương), Xuân, Đức.

Hình Ảnh : Huỳnh Hữu Đức

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Xướng Hoạ Lục Bát: Cảm Tác Nàng Thơ Và Thi Nhân


Cảm Tác Nàng Thơ Và Thi Nhân 


Thơ là Sơn nữ Cao Nguyên 
Quảy gùi con chữ kết duyên Đồng Bằng 
Thơ là Thôn nữ múa trăng 
Dệt bao thi tứ thả giăng sông Tiền 
Miền xuôi Phố núi bút nghiên 
Trải lên tâm sự quên phiền thế nhân 
Hòa chung hồn mộng bâng khuâng 
Thi Nhân ngất ngưỡng men xuân thả vần 
Chiều vàng nắng rợp ven sân 
Nàng Thơ khoe sắc lâng lâng ướm tình. 
                                         Kim Oanh 

Hoạ
 " Cảm Tác Nàng Thơ Và Thi Nhân
                                    của Kim Oanh " 

Thơ và Thi Nhân 

Thi nhân tựa cỏ thảo nguyên 
Thơ là suối mát mối duyên kim bằng 
Như hoa hé nhuỵ dưới trăng 
Là sương mờ toả giăng giăng bến Tiền 
Thi nhân múa bút mài nghiên 
Mượn thơ quên hết luỵ phiền trần gian 
Khi dào dạt lúc bâng khuâng
Thả lòng kết mối tình xuân gieo vần
Hằng Nga khoe sắc ngoài sân
Hồn thơ hoà quyện người lâng lâng tình 
                                        Quên Đi

Thu Dạ Tức Sự (Phạm Tông Ngộ)


   秋夜即事                 Thu Dạ Tức Sự
              范宗悟                        Phạm Tông Ngộ *            
破屋看星夜未央, Phá ốc khan tinh dạ vị ương
簫簫四璧遶寒螿。 Tiêu tiêu tứ bích nhiễu hàn tương.
青燈對影雙蓬鬢, Thanh đăng đối ảnh song bồng mấn,
黃卷論心一炷香。 Hoàng quyển luân tâm nhất chú hương
風送秋聲隨樹遠, Phong tống thu thanh tuỳ thụ viễn
月分夜氣入窗涼。 Nguyệt phân dạ khí nhập song lương.
羈懷冷卻渾無事, Ky hoài lãnh khước hồn vô sự
時聽庭梧落曉霜。 Thời thính đình ngô lạc hiểu sương.

Dịch Nghĩa :  Chuyện Đêm Thu


Ở trong ngôi nhà rách nát, nhìn sao chưa qua nửa đêm.
Quanh bốn tấm vách, vang tiếng côn trùng thở than
Bên ngọn đèn xanh, đối diện với bóng, hai mái tóc rối bù
Châm chú vào quyển sách cũ vàng bên một thẻ nhang
Gió tiễn tiếng thu theo đám cây từ xa
Trăng hắt hơi đêm vào cửa sổ nghe mát mẻ
Nơi quê người với cõi lòng lạnh vắng, chán nản, không còn tha thiết đến chuyện gì
Thỉnh thoảng nghe từ cây ngô đồng ngoài sân giọt sương ban sớm rơi.

Dịch Thơ: 


       Đêm Thu Tức Cảnh
Đêm khuya vắng nhìn sao mái rách ,
Dế tỉ tê than trách bên tường .
Cùng đèn đối bóng tóc sương ,
Bên chồng sách cũ nhan hương nao lòng .
Tiếng thu vẳng reo trong rừng thẳm ,
Trăng mơ màng , hơi lẩn vào song .
Tha hương buốt giá tâm hồn ,
Cành ngô sương điểm mênh mông sân ngoài
                                   Mailoc phỏng dịch
*** 
     Chuyện  Đêm Thu
Mái lủng nhìn sao đêm mới nửa
Quanh nhà tiếng dế não nùng than
Bên đèn đối bóng hai đầu bạc
Trước sách chuyên tâm một thẻ nhang
Thu đến rừng cây trong tiếng gió
Đêm len song cửa lạnh trăng tàn
Quê người buồn bả lòng ngơ ngẩn
Sương sớm sân ngoài từng giọt tan

                                  Quên Đi


* Phạm Ngộ 范悟 cũng thường gọi là Phạm Tông Ngộ 范宗悟 hiệu Liêu Khê, sinh và mất năm nào chưa rõ. Người hương Kính Chủ huyện Giáp Sơn, phủ Tân Hưng, nay thuộc tỉnh Hải Hưng, là anh em ruột của Phạm Mại. Ông nguyên họ Chúc tên Kiên sau vì vua Trần Nhân Tông cho rằng họ Chúc không phải là họ lớn nên đổi làm họ Phạm. Còn Kiên thì lại trùng với tên của Phán thủ Huệ Nghĩa nên đổi làm Ngộ. 
Pham Ngộ tính tình ngay thẳng, làm quan nổi tiếng thanh liêm. Bắt đầu vào triều với chức Thị nội học sinh, dưới triều Trần Minh Tông (1314-1329) ông giữ chức Tri thẩm hình viện sự, sau được thăng Tả ty lang trung rồi lại thăng Tri chính sự, đồng tri thượng thư tả ty sự.

Về thơ văn, sáng tác của Phạm Ngộ hiện còn rất ít, tuy vậy cũng có thể nhận ra ở ông một ngòi bút tả cảnh và trữ tình tinh tế, một thi vị man mác của người hiểu rõ ý nghĩa cuộc đời. Thơ ông rất cô đọng, nhiều ý ít lời. 

Tác phẩm: hiện còn 8 bài thơ, chép trong các bộ hợp tuyển. 

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

CHS Tống Phước Hiệp NK 62-69 Viếng Thăm Thầy Thuận Dịp Cuối Năm

Vào giữa tháng giêng 2015, lúc 9 giờ, Chí Thanh, Duyên, Thơ, Điệp Lê và Tôi; cùng đến thăm thầy Hồ Văn Thuận.


 Đến bất ngờ, thầy chưa kịp chỉnh trang y phục, nhưng chúng tôi muốn có ảnh Thầy lúc ngày thường ở nhà, nên xin Thầy một ảnh làm kỷ Niệm


 Duyên, Thơ, Chí Thanh, Điệp Lê

 Trước cửa nhà Thầy: Đức, Điệp Lê, Chí Thanh, Duyên, Thơ.



Trước thăm Thầy, sau đó Thơ đại diện gởi Thầy chút quà Tết, do các bạn: Giản Kim Dung, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Dương Thanh Khải và một nhóm Bạn tặng.




Thầy đang xem các ảnh họp mặt lần 6 (14-12-2014) của chúng tôi gởi tặng Thầy . Sau thời gian thăm hỏi, chúng tôi từ giả Thầy vào lúc 10 giờ.

Hình Ảnh :Huỳnh Hữu Đức


Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Xướng hoạ : Nối lại Vườn xưa

Bài Xướng
          Nối Lại Vườn Xưa               
Trót mấy ngày qua"vườn"* vắng tanh !
Không ai thăm viếng mốc rêu xanh
Một thời ngọn bút cây thêm nhánh
Mấy thuở vần văn nụ nảy cành
Chẳng lẻ hồn thơ đà cạn ý ??
Hay là  thi tứ  đã tàn canh ??
Tri âm nối lại thời gian củ
Xướng họa cùng nhau chẳng độc hành !
                                      Song Quang

Các Bài Hoạ

   Khơi Nguồn Cảm Hứng
Xa em trống trải thấy buồn tanh,
Cơm nước ai lo đói ốm xanh.
Mới biết cây xinh nhờ có nhánh,
Cho hay lá biếc tỏa trên cành.
Nàng thơ mộng đẹp buồn vô ý,
Thi sĩ nằm mơ tưởng hết canh.
Khuấy động tâm tư còn ngái ngủ,
Khơi nguồn cảm hứng khúc quân hành.
                                   Mai Xuân Thanh

             Thơ Quê
Cá khô đã nướng hết mùi tanh
Xoài tượng rim đường mấy quả  xanh
Mời bạn dừng chân ngồi xuống cỏ
Quen nơi cởi áo móc lên cành
Hương đồng mộc mạc lươn um sả
Gió nội thâm trầm ốc nấu canh
Chệt đẽo cưa đôi thơ sáng ý
Tình quê rượu đế hủ dưa hành.
                      Cao Linh Tử
                         12/11/2014

      Vườn Thơ Hoa Vẫn Nở
   Thời gian qua vườn thơ vẫn nở
     Vội vàng chi e sợ không chồi
           Do vì tại bởi đó thôi
Nhìn đi sẽ thấy cành ngời sắc hoa.
                  x X x

Đông đến bên thềm gió lạnh tanh
Nhưng "Vườn Thơ" vẫn nẩy chồi xanh
Thu qua khởi sắc bao cung điệu
Bấc đến đơm hoa khắp mọi cành
Ánh sáng luôn ngời trong cảnh tối
Vầng dương mãi hiện lúc tàn canh
Ưu phiền chi lắm nầy thi hữu
Có có không không tự vận hành
                             Quên Đi

               Hồn Thơ
Đời có lúc nồng, lúc lạnh tanh
Cỏ cây đâu phải mỗi màu xanh !
Xuân sang tươi thắm đâm chồi nhánh
Đông đến xác xơ rụng lá cành
Thỉnh thoảng lòng vui , vui suốt buổi
Nhiều khi dạ tủi, tủi năm canh
Hồn thơ dù vẫn tràn lai láng
Lực bất tòng tâm, khó tốc hành...
                               Phương Hà

        Gặp Lại Người Xưa
Đói bụng làm sao bếp lạnh tanh,
Ra ngoài lẫu cá với rau xanh.
Trời quang thoáng đãng hoa tươi nhánh,
Gió lạnh Đông về lá úa cành,
Gặp lại người xưa mừng suốt buổi,
Chia tay tri kỷ lúc tàn canh.
Có duyên không nợ đời cô quạnh,
Lỡ phận tình nhân luống độc hành...
                       Mai Xuân Thanh 
                kính bút họa thơ cho vui
              Ngày 12 tháng 11 năm 2014 
                 Đêm đồng Quê 

Đêm đến đồng quê đâu lạnh tanh
Trên trời lấp lánh ánh sao xanh
Hạt sương tí tách khua trên cỏ
Làn gió lanh chanh lướt chéo cành
Phía trước quạt than lo nướng cá
Mé bên thổi lửa vội đun can
Mùi thơm điếc mũi bay cùng xóm
Là ruột trai phi nấu cháo hành  
                        Hat Cat Dieu Sinh


VN Phong Tục - Hương Đảng Phần 4: Lệ Kính Biếu...Hương Học

XV.   LỆ KÍNH BIẾU

Việc sự thần khi tế tất, đồ lễ vật đem ra, trước hết làm phần biếu các hạng, còn đâu mới phá ra làm cỗ làm phần, cả làng đồng hưởng.
Đại đê bò lợn thì biếu tiên chỉ cái sọ, hoặc cái khoanh bí (cái cổ bò, cổ lợn), gà thì biếu một đùi. Tế cỗ chay thì biếu một cỗ xôi hoặc một cô bánh chính hiến (cỗ tế thần chính vị).
Còn thứ chỉ và các hạng khoa trưởng chức sắc dưới tiên chỉ thì biếu cái khoanh bí hoặc cái giò lợn hay là cái bắp bò. Nếu trong làng không có ai là khoa trường chức sắc thì biếu nhất nhị hạng kỳ mục hoặc người thượng hạng bô lão.
Mỗi lễ biếu phải có một đĩa xôi, chục miếng trầu hoặc năm ba quả cau.
Có nơi chỉ người đỗ đại khoa và người làm quan tam tứ phẩm trở lên mới được ăn biếu sỏ bò, sỏ lợn, đỗ trung khoa và lục thất phẩm trở lên mới được ăn biếu khoanh bò, khoanh lợn, đỗ tiểu khoa và cửu phẩm trở lên mới được ăn biếu giò lợn bắp bò. Nếu không có hạng nào thì thứ ấy để chung cả quan viên cộng hưởng, mà nếu khoa trường chức sắc nhiều quá thì cũng ăn chung trong các phần ấy mà thôi. Ví như trong làng có một ông nghè thì một mình ăn một cái sỏ, độ ba ông nghè thì cũng ăn chung một cái sỏ ấy, một ông cử thì một mình ăn một cái khoanh, độ ba, bốn hoặc nhiều người thì cũng ăn chung một cái khoanh ấy v.v...
Người vào tế chủ và người tả văn trừ ra hạng khoa trường chức sắc còn chỉ được ăn biếu một miếng thịt hoặc dăm ba quả cau.
Các ngưòi dự vào hàng trợ tế, được ăn biếu chung một miếng thịt bụng, gọi là miếng nầm, hoặc được biếu chung một vài cỗ.
Hàng lý dịch ký cựu ai làm đủ lệ làng, cũng được biếu miếng thịt hoặc năm ba miếng trầu.
Hàng lý dịch đương thứ thì được biếu chung một vài cỗ. Các người binh đinh, các người khách ngoại có lễ vật đem đến lễ thần, mỗi người cũng được biếu một miếng thịt nhỏ, hoặc một phẩm oản hoặc một vài quả cau tùy tục riêng từng làng.
Các làng nhiều ngưòi được ăn biếu, có khi biếu hết quá nửa sính lề, còn cả làng chỉ được ăn một nửa mà thôi.

Xét cái tục kính biếu của ta cũng là để tỏ cái lòng kính trọng người có danh giá, nghĩa là muốn làm cho hậu phong tục mà để khuyến khích người khác. Vậy thì cái đùi gà cái má lợn của dân làng, tức là cái lòng tôn quí của dân làng. Cho nên lắm ngưòi coi miếng thịt biếu dù to dù nhỏ thê nào cũng là quí. Hễ được biếu thì lấy làm vinh, mà không được thì lấy làm sỉ nhục. Chẳng những bọn ngu si tranh dành nhau từ quả cau miếng trầu, mà dẫu đến người có học thức cũng chưa khỏi được tranh hơi tranh khí với đám hương thôn, ấy cũng là một thói xấu vậy.
Lại còn lắm làng bày ra nhiều cách biếu xén, nào biếu sỏ, nào biếu khoanh, nào biếu đùi, biếu thịt, có nơi biếu đến hai ba mươi người, đàn anh xâu xé nhau ăn quá nửa ấy lại là một tục rất nhảm nữa.
Trong dân xã theo tục, đã quen lệ kính biếu cũng chưa có thê bỏ ngay được, nhưng tưởng nên dùng cách nào cho thanh lịch cốt để tỏ cái lòng kính trọng của làng là đủ, hoặc năm mười quả cau, hoặc một vài phần oản cũng được, mà biếu thì chỉ nên biếu một hai ngươi tiên thứ chỉ, còn hàng dưới thì mỗi ngưòi một miếng trầu cũng xong. Sự ăn uốg nên giảm bớt đi cho con em đỡ phải khổ sở về đóng góp, mà cũng khỏi mang tiếng rằng chỉ vì nắm xôi miếng thịt mà tranh nhau.
Vả lại người kiến thức, nên để lòng nghĩ đến điều cao xa, chớ quản gì tục nhỏ nhen dù biếu dù không, có quan hệ gì đến danh dự. Làm đàn anh trong làng, chỉ nên trù nghĩ cách nào cho dân đàn em được yên nghiệp làm ăn, dân làng được giàu thịnh, chỉnh đốn làm sao cho được theo đời các cách văn minh, ấy thế mới là danh dự, ấy thế mới đáng là đàn anh.

XVI.   ĐĂNG KHOA
 
Thi đỗ tú tài gọi là tiểu khoa (nhà Lê gọi là sinh đồ); cử nhân gọi là trung khoa (nhà Lê là hương công) phó bảng tiến sĩ gọi là đại khoa.
Phàm đăng khoa có lệ phải đón rước; đỗ tiếu khoa một làng đi rước, đỗ trung khoa một tông đi rước, đỗ đại khoa một huyện phải đi rước.
Có nơi đỗ tú tài, chỉ có mấy người bà con họ hàng đi đón, hoặc là dân làng cắt cả lý dịch đem bốn, năm tên tuần phu cắp tay thước, thổi tù và ra tại đầu cổng làng đón về. Song nơi hiếm hoi văn học thì có khi cả tổng đón rước.
Đỗ cử nhân thì quan sở tại sức về cho làng, hoặc lý dịch hỏi người đỗ, đính ước hôm nào ông tân khoa về làng thì cả làng hoặc cả tổng đem long đình và đồ nghi trượng sự thần đến tại chỗ tỉnh thành hoặc tại trường thi mà rước về.
Ông tân khoa đội mũ mặc áo của triều đình ban thưởng, cưỡi ngựa che lọng, có một vài đầy tớ điếu tráp đi hầu, thân thích họ hàng đểu kéo đi đón, cờ mở trống dong, dân làng, đàn bà trẻ con cho là vinh hiến lắm.
Đỗ phó bảng có nơi rước có nơi không rước.
Đỗ tiến sĩ nhà vua ban cho áo mũ xiêm ủng, và ban cho cờ biển vinh qui. cả hàng tổng hoặc nơi trọng văn học thì cả hàng tỉnh phải đem đồ, nghi trượng sự thần đi rước.
Ông tân khoa tiên sĩ mặc áo thụng lam, cưỡi ngựa che đôi lọng, cha mẹ, vợ và ông thầy dạy học mỗi người ngồi cái võng trần, che một lọng rước vinh qui về làng, thiên hạ kéo nhau đi xem, lại vinh hiển hơn cử nhần nhiều.
Từ tú tài cho chí tiến sĩ, dân làng đã rước về đến nhà thì phải giết trâu mổ bò, trước lễ thần lễ văn chỉ, lễ gia từ rồi thì làm cỗ làm bàn khoản đãi dân làng khách khứa, hát hỏng ăn mừng đến năm bảy ngày, dân làng khách khứa, dùng chè cau tiền bạc, câu đối thơ, trướng đến mừng rắt là náo nhiệt.
Có người nhà nghèo chưa lo được thì bà con thân thích giúp đỡ, hoặc đi vay đi mượn về mà lo. Có người chưa thể lo được thì để hoãn đến một vài tháng mới dám để dân làng đi rước. Có người sợ phiền phí thì trốn ở chỗ khác, không đẻ rước xách gì nữa. Song hạng ấy về đến làng thì chưa được dự ngôi thứ gì.

Đăng khoa là một vinh hạnh của hàng sĩ tử, mà làng nào có người đỗ cũng được dự phần vẻ vang với hàng tổng hàng mạc. Cho nên tục ta quý trọng cái sự đăng khoa lắm, có người đang nghèo kiết, sờ chẳng ra, rà chẳng thấy mà đỗ lên được một tí thì đã kẻ vị người nê, động nói vay vào đâu cũng đắt. Lại nhất là người nào trẻ tuổi, vợ con chưa có, đỗ về làng, đã chán người dòm nom muốn gả con cho, có người lại các thêm cửa nhà tiền của để mua lấy tiêng bà nghè bà cống cho con. Song cũng nhiều người vì đỗ mà phải vay công lĩnh nợ, sĩ diện vẻ vang được một lúc, mà ôm xác lo trả nợ nửa đời người. Vậy thì cái tục quí trọng ấy tuy cũng có vinh hiển cho người, nhưng lại làm cực khổ cho người.   '
Vả lại trong khi rước xách, thiên hạ cho là vinh hiển, nhưng thiết tưởng người có kiên thức, thì nên lấy làm nực cười. Tuy rước xách là trọng mạng triều đình, chớ không trọng riêng của ngưòi tân khoa.
Nhưng thử nhìn cái quang cảnh lúc cưỡi con ngựa, che cái lọng đi vênh váo trong đám mấy đứa vác cờ đánh trống, khoe mặt với vài lũ trẻ con đàn bà, thì có thú vị gì, chắc có người lại lấy làm thẹn nữa chứ chẳng không. Thẹn là vì tài đức chẳng là bao mà nặng lòng trọng đãi của triều đình, thẹn vì học thức vị tất giỏi mà uổng lời khen ngợi của dân gian.
Vì lẽ việc thi cử ít lâu nữa chắc rồi nhà nước cũng cải lương cách khác. Ây là may cho người nước ta đỡ một việc phiền phí vô ích, mà cũng bỏ được một sự buồn cười.

XVII.   CÁC SẮC PHONG TẶNG
Trong làng ai làm quan, được sắc phong tặng, hoặc phong tặng cho cha mẹ, hoặc người hiếu tử từ tôn, nghĩa phu tiết phụ, được mang ơn nhà vua ban thưởng chữ vàng tinh biểu, thì người được phong thưởng nói trên, trình với dân làng, dân làng đem long đình và đủ đồ nghi trượng phụng rước sắc văn về nhà.
Nhà chủ bày hương án, tuyên đọc sắc văn, lạy tạ ơn vua, rồi cũng sửa lễ, lễ thần, lễ gia tiên, mở tiệc ăn uống mời dân làng hàng tổng hàng mạc bà con khách khứa uống rượu. Dân làng tổng mạc bà con khách khứa cũng dùng chè cau, tiền bạc, pháo, câu đối, thơ trưóng đến mừng như cách mừng người đăng khoa.
Có người không muôn phiền đến dân làng thì tự nhà mình xuất tài xuất lực mượn người đi rước, nhưng về đến làng cũng phải mời dân.
Các người được tinh biểu, thì có đức hạnh xuất sắc hơn người, có sự trạng rõ ràng, lại phải có thế lực, nhờ lượng quan trên tấu sở về bộ xin cho thì mới được.
Ai được thưởng tặng ân ban như thế, mà sức không lo được khai hạ, hoặc khai hạ mà dùng cách giản tiện đơn sơ, thì dân làng ai cũng chê cười, cho là người bủn xỉn.

Những việc này cũng là việc đáng ăn mừng, nhưng nên tùy sức người ta, có làm nhiều, chẳng có làm ít không có nữa thì thôi cũng được, chớ nên vì một sự ăn uống mà nài ép người ta. Mà người được ân thưởng cũng nên tùy sức mình không nên vì mấy tiếng khen chê của mấy chú ham ăn ham uống, mà miễn cưỡng lo lắng thành ra vay công lĩnh nợ, thì cái sự vui mừng một lúc không bõ cái buồn rầu những khi ngưòi ta thúc nợ, và những khi đi khất nợ với người ta. Bực quá!

XVIII.   BẦU CỬ LÝ DỊCH

Trong làng khi nào khuyết lý trưởng hay là phó lý, hương trưởng, quan sức về cho dân làng phải bầu cử người khác, thì dân làng hội họp tại đình, kén chọn lấy một người có gia tư vật lực và là người biết chữ bầu cử ra làm việc. Tiên thứ chỉ kỳ mục và các bô lão đều phải ký kết vào đơn bầu, rồi mấy ngưồi kỳ mục dẫn người mới được bầu ấy đến trình quan phủ huyện sở tại, quan sở tại bằng lòng thì bẩm lên quan trên, cấp bằng triện cho lý trưởng, hoặc phê chữ vào đơn dân bầu mà cấp cho phó lý hương trưởng làm bằng, từ đó thì người được bầu mới ra ứng hành công vụ.
Trước khi bầu cử, các nơi dân xã to, lắm ruộng nương nhiều bổng lộc thì người trong làng hoặc vì tham lợi hoặc vì tham danh phận thường đến năm ba người tranh nhau ra ứng cử, nhiều khi ngươi có của phải lo lót với chức sắc, kỳ mục và quan trên tốn kém một vài trăm bạc mối được bầu. Nhưng cũng nhiều nơi công việc nhiều sự khó khăn mà bổng lộc ít, thì không mấy ngưòi chịu ra làm. Có làng phải cắt lần lượt nhau ra mà làm việc, có làng phải xem chừng người nào làm nổi thì ép uổng, tả đơn bắt người ta phải làm.
Song thường thường thì làng nào cũng vậy, người muốn ra ứng bảo thì phải kiếm chè lá nói vối chức sắc kỳ mục cho ai nấy bằng lòng, tôn độ dăm ba chục bạc thì dân làng mới ký kết bầu cho, khi ký kêt phải đem trầu mời dân làng ra đình, biện độ hai ba đồng bạc để chia cho các người ký đơn mỗi người vài xu, gọi là tiền ký điểm hay là tiền nhấp bút. Tả đơn xong thì mời dân làng về nhà uông rượu, gọi là bữa rượu tả đơn.
Ai được làm lý trưởng, phó lý lại phải lấy chữ hiệp cử chánh phó tổng, cũng phải biện tiền chè lá độ một vài đồng bạc hoặc năm sáu đồng bạc.
Hôm kỳ mục dẫn xuống quan trình diện, phải biện tiền phí tổn xe pháo và phải rượu chè khoản đãi. Vào quan cũng phải kiếm chè lá độ một vài đồng bạc, tùy quan tham liêm, hoặc nhiều hoặc, ít thế nào cũng phải có mới xong. Đến lúc lĩnh được bằng, ít ra cũng tốn độ năm ba chục bạc, nhiều ra thì đến một vài trăm.
Ngoài sự lễ quan lại phải tiền giấy bút cho phòng hộ, tiền sai cử cho nha lệ, tiền cho học trò, cũng phải dăm ba đồng nữa mới được.
Sau khi lãnh được bằng rồi, chọn ngày lành tháng tốt đem trầu cau nói với dân làng, sửa lễ thủ lợn mâm xôi đem ra đình lễ thánh, rồi mời dân làng về nhà uống rượu, tức là lễ khao. Hôm ấy uống rượu đâu đấy người mới làm việc, điếu tráp chỉnh tề, suất bọn tuần phu kẻ tay thước, người sào gậy, rúc ốc, thổi tù và đi diễu từ đầu làng đến cuối làng một lượt gọi là xuất tuần, nghĩa là trước mời dân sau cho tuần phu ăn uống một bữa để tuần phu biết mình là người làm việc, cho từ sau dễ sai khiến bọn ấy và xuất tuần đi như thế để cho dân làng ai cũng biết mình là ngưòi đã ra cáng đáng công việc cho dân làng. Cho nên bữa rượu ấy gọi là bữa rượu xuất tuần.
Tôi hôm ấy phải mời chức sắc kỳ mục ở lại chơi hoặc hát hỏng hoặc tổ tôm thuốc phiện, đêm phải mở tiệc cháo gà nữa mới tan.
Dưới hàng lý trưởng phó lý, hương trưởng thì là khán thủ, trương tuần, hương mục, thủ khoán v. v... Hạng này tự dân làng bầu riêng với nhau, tuy không phải trình với quan, nhưng cũng phải đủ lễ chè lá với chức sắc kỳ mục trong làng, và cũng phải tả đơn xuất tuần như người chánh phó lý, mới được dự vào hàng chức dịch.
Còn như khi nào khuyết chánh phó tổng quan sức bầu người khác thì cả kỳ mục trong hàng tổng phải hội bầu. Cách bầu chánh phó tổng thì phần lo khấn với quan nhiều, và phải nói với kỳ mục các làng, có khi tốn đên năm, bảy trăm một nghìn mới xong. Được bằng rồi cũng phải khao vọng mời làng, mời hàng tống ăn mừng ăn rõ như người đăng khoa, người được bằng sắc.
Mấy năm nay, nhà nước đã cải cách việc bầu cử tổng lý. Bầu chánh phó tổng thì quan lên tại chỗ hội bầu làm chủ toạ, để các hạng chức sắc kỳ mục các làng bỏ vé kín mà bầu cử trong mấy người ra tình nguyện ứng bảo. Bầu chánh phó lý thì cho cả dân đinh nội tịch được bỏ vé, cũng như cách bầu chánh phó tổng, hễ ai được nhiều vé hơn cả thì được làm.
Quan xét vé xong rồi, làm biên bản vê nha làm giấy tư bẩm với quan trên rồi quan trên cấp triện cho ngươi được bầu.
Dùng cách ấy thì giảm được sự phiền nhũng cho ngươi ra ứng bảo và lại hợp với cách công bằng. Nhưng ngươi được bầu rồi về nhà vẫn phải tuân theo lệ làng mới xong.

Xét cách bầu cử tổng lý của ta khi xưa nhiều điều phiền nhiễu mà phần nhiều thì dùng cách tư tình, những ngươi ra làm việc chẳng qua lại là con cháu họ bằng với những chức sắc kỳ mục. Trừ ra những làng lắm công việc khó khăn, không ai muốn làm không kế, còn về các làng tốt bổng, con cái nhà có thế lực tranh nhau mà ra, có mấy khi lọt vào tay người khác được. Vì thế lý dịch hay có đảng, mà nhất là hay a dua với hàng kỳ mục đê dễ cho sự thầm vụng của mình.
Vả lại tổng lý của ta, tiếng là thay mặt dân mà làm việc với quan, phần khó nhọc thì nhiều mà lương bổng thì không có, chánh phó tổng chẳng qua cũng trông vê dân làng, trông về việc phu phen đê điều, trông mấy đám đánh nhau, hoặc ăn trộm nhỏ nhặt, chúng nó đem nhau đến cậy phân xử, trông về mấy người làm việc của các làng lấy chữ hiệp cử, hoặc đôi khi tết nhất, họ có hảo tâm mà quĩ dị ít nhiều. Cái bổng nhỏ chẳng qua mươi lăm quả cau, một vài bao chè, hoặc đến năm ba đồng bạc, cái bổng lón chẳng qua khoét được một vài chục cho chí một trăm bạc là cùng, mà khoét như thế thì khó quá, có xảo quyệt lắm mới được. Vê phần lý trưởng trong làng, nhờ về cái mộc triện mà đôi khi kiếm được một vài bao chè, dăm ba đồng bạc, đám nào bán ruộng bán đất, bán cửa bán nhà thì may ra cũng được một vài chục bạc còn thì phải trông đên dân. Dân làng nào hảo tâm thì mỗi năm cũng cấp cho lý trưởng được dăm bảy chục bạc nhưng bạc ấy có đâu mà đưa, chẳng qua cho lý trưởng tự tiện lấy được ở món tiền công nào ra thì lấy, hoặc bán hoa lợi gi của làng hoặc bán trùm bán trưởng thế nào cho đủ thì thôi. Ngoài ra nữa thì trông vào những khi kỳ thần bái xã, những khi tu bổ làm sao cũng xẻo xén được ít nhiều. Còn như phó lý trưởng ăn chia tay với lý trưởng được ít nào thì được, không được thì thôi. Khán thủ, trương tuần khéo lắm mới xẻo xén được đám dân phu dăm ba đồng, dân xã nào có ruộng nương, có thóc lúa thì mỗi vụ công tuần phòng cũng được mươi lăm thúng thóc.
Cho nên người làm việc ở nơi tốt bổng thì còn khá, ở về nơi đồng trắng nước trong thì có khi phải bán cả nhà. Mà họ không bòn không khoét thì,lấy đâu họ ăn mà họ làm việc cho làng. Cái thói của họ đục dân thì cũng đáng ghét mà cái tình họ thì cũng đáng thương, vả họ tranh nhau ra làm vì họ muôn chiếm cái ngôi thứ lấy sĩ diện với dân thôn và muốn hưởng cái quyền lợi ăn uống; về sau thì nhiều, chớ không mấy người cầu cái lợi trước: mắt mà ra.
Cứ cái tình thế như vậy thì hàng tổng lý muốn cho công liêm khó lắm, mà họ đã không công liêm thì thường sinh ra nhiễu dân và lại hay sinh ra kiện tụng lôi thôi, cũng là hại cho phong hóa.
Nhà nước cải lương cách bầu cử đã đỡ được một sự phiền của người làm việc, nhưng còn cách lương bổng của lý dịch, các làng muôn cải lương phong tục cũng nên trù nghĩ cách nào để cho lý dịch có đủ ăn mà lo việc cho làng, như thế mới ngăn cấm được hết thói gian giảo của bọn họ, mà đõ hại cho dân làng, và đỡ được khỏi kiện cáo nữa.
Còn như lệ làng bữa nọ bữa kia, ăn uống hát hổng đã vô ích mà lại hại của cho người ta thì nên bỏ ráo.

XIX.   THUẾ KHOÁ Thuế khóa vê các dân làng, xưa kia mỗi năm chia làm hai vụ nộp thuế, hoặc nộp tiền hoặc nộp thóc, hoặc nộp sản vật, kể tiếng không mấy, nhưng cách thu bổ của dân chí lôi thôi, có làng thu lươm nhươm đến hai ba tháng không xong, mà lúc nộp cũng rầy rà khó chịu, nào lỗ cửa này, nào lạy cửa khác, có khi chờ chực đến hàng tháng mới nộp được.
Từ khi nhà nước bảo hộ đổi cách cũ mà thi hành cách mới, trừ ra các thuế ngoại ngạch, còn ở dân làng chỉ phải nộp thuế đinh, thuế điền thô gọi là thuế chính ngạch.
Thuế đinh chia làm hai hạng:
1.   Nội tịch đinh là những hạng đinh tráng từ 18 tuối trở lên cho đến 59 tuổi.
2.   Ngoại tịch đinh là những kẻ nghèo khó, không có sản nghiệp ở trong làng.
Thuế điền chia làm ba hạng, thuế thổ chia làm bốn hạng, tùy theo chỗ ruộng tôt ruộng xấu và đất trồng hoa màu nhiều lợi ít lợi mà định.
Thuế khóa thì tùy theo mỗi năm chi tiêu mà tăng gia một chút, nhưng từ năm Thành Thái thứ chín đến nay thì nội tịch một năm phải nộp ba đồng, ngoại tịch phải năm cắc, thuế điền thì'đại để từ tám cắc cho đến một đồng rưỡi một mẫu, thuế thổ thì đại để từ ba cắc cho đến hai đồng một mẫu.
Mỗi năm về độ tháng tư tháng năm An Nam, nhà nưốc phát chỉ bài về cho các làng làm thuế, lý trưởng tiêp nhận được chỉ bài, trước hết phải trình với tiên thứ chỉ kỳ mục rồi định ngày vào quân bổ, phải cho mõ reo suốt dân làng được biết. Đến hôm bổ thì đánh trống hội họp dân làng, nhiều nơi phải mô lợn làm rượu cho dân làng ra đông.
Hội họp đông đủ rồi thì lý trưởng đưa chỉ bài ra cho công dân xem xét, rồi hàng kỳ mục chiếu sổ đinh ra mà bổ.
Xã nào có thôn riêng, có lệ đồng cư biệt nạp, thì tính chia lấy một phần đem về đình riêng mà san bổ với nhau.   '
Kỳ mục chiếu sổ điền thổ của ai có bao nhiêu thì phải đóng chừng ấy, còn đinh thì trừ hêt các hạng được miễn trừ, rồi chiếu trong chỉ bài ra, cả thảy các thứ tiền thuế, tiền ngoại phí chia cho nội tịch và ngoại tịch, có làng chia bổ theo như cách thức của nhà nước đã định, có làng theo tục riêng của làng mà bổ, có làng đinh điền thổ hợp cả làm một mà quân san cho cả dân đinh.
Ngoài số tiền thuế của nhà nước, nhiều nơi lại bổ thêm ra một hai chục bạc để chi tiền phí tổn cho lý trưởng và để dự bị đóng đậy cho kẻ nào nhỡ ra không đóng được. Bổ xong giao cho một vài người kỳ mục hiệp trợ với lý trưởng mà thu. Lý trưỏng kỳ mục lại chia giao cho mỗi họ một người đốc thu. Nếu ai thiếu thì người đốc thu phải chịu trách nhiệm.
Dân làng dầu ai nghèo kiết thế nào mặc lòng, đến tiền thuế là phải lo đóng tươm tất. Nếu ai thiếu từ vài ba hào trở lên thì họ bắt đem ra điếm, cùm trói khổ sở, cho tuần đinh vào nhà bắt đến cả đồ thờ, hoặc bắt đến giường đến ghế làm cho phải đủ tiền mới nghe.
Chánh phó tổng thường thường cũng phải đi xem xét và đốc thúc các lý dịch trong hàng tống. Làng nào khó khăn thì có khi quan phủ huyện sở tại phải phái người về làng ấy hiệp với lý dịch mà thu. Đến gần hạn đổ thuế thì lý dịch phải đem số bạc thu trình với quan trưóc rồi mới đem nộp tại tỉnh đường hoặc tại kho bạc, làng nào thiếu hoặc chậm trễ thì lý dịch làng ấy phải phạt.
Nộp thuế xong thì nhà nước phát cho mỗi người một cái giấy tùy thân. Nếu ai không có giấy hoặc cho nhau mượn thì phải cữu.   ,

Việc thuế khóa là một việc rất hệ trọng trong cách cai trị của nhà nước. Mà nộp thuế thì là một nghĩa vụ của người ta. Vì người ta không có thể tự nhiên mà ngồi yên ăn ngon được, tất phải có quan cai trị, tất phải có quan binh và lính để xử đoán lẽ phải trái cho ta, để trông nom kẻ gian phi mà giữ cuộc yên ổn cho ta thì ta mới làm được công này việc khác, ta mới cày cấy được mà ăn, ta mới buôn bán được mà dùng huống chi nhà nước lại còn phải sửa sang những sự ích lợi, chỉnh đốn mọi việc cho được mở mang tấn hóa thì sự nộp thuế tưởng ai là người đã hiểu nghĩa vụ không nên còn oán hận gì nữa.
Duy còn hiềm vì trong thôn xóm và xã nhiều thói đường ngang ngoắt ngoéo, nhà nước cũng chưa có thể soi thấu mà chỉnh đốn lại cho hết mà những hạng có quyền thế trong làng thì phần nhiều chỉ cứ câu nệ lối cổ, đôi khi có người kiến thức muốn cải lương lại để cho hợp cách công bằng và tiện lợi cho đàn em thì họ không nghe. Cố mà làm ra thì mất lòng bọn họ, mà cứ để vậv thì thói hủ bại chưa bao giờ bỏ được.
Đại để như thuế đinh, nhà nước chia làm hai hạng nội tịch và ngoại tịch cho đỡ những người khổ sở nhưng về đến làng thì làng nào theo tục riêng làng ấy, có làng quân bổ, có làng san bổ, có làng chia làm hai ba hạng mà bổ, có làng thì bổ suốt từ đứa trẻ con mới vào làng trở lên. Song các cách ấy thì tùy tiện của làng người ta, cũng không hại gì, miễn là đủ được thuế mà dân tình thỏa thuận cả là xong. Nhưng còn lắm cách trái với đạo công bằng mà nói ra không xiết, nói qua mấy điều như sau này:
Ví dụ như kỳ mục chiếu sổ đinh mà bổ thuế cho lý trưởng nhưng con cháu nhà mình, dẫu đến tuổi cũng ẩn lậu đi không nói đến, dân làng thì kẻ vì nể, người sợ hãi, ai là kẻ dám hé răng, mỗi người kỳ mục lại ẩn lậu đi một người thành ra dân làng phải đóng nặng ấy là một điều tệ.
Kỳ mục mỗi khóa thuế làm thế nào cũng bổ dư cho lý trưỏng một vài chục bạc đế làm tiền chi phí vê việc đi nộp thuế. Dân làng ai là chẳng bằng lòng, nhưng vì số dư ấy mà kỳ mục ai cũng muốn chấm mút, hoặc người thì phần thuế của mình không đóng mà có đóng cũng bớt lại được dăm ba hào, đồng bạc mới nghe, hoặc người lại kéo thêm tiền thuế một vài đồng, thành ra tiếng là để cho lý trưởng mà kỳ thực thì lý trưởng không được mấy, nhỡ ra có kẻ cùng đinh trốn tránh thì lý trưởng lại phải phụ thêm. Các làng khó khăn mỗi năm đến vụ thuế, lý trưởng làm thế nào cũng phải phụ thêm tiền nhà dăm ba chục. Cho nên lắm nơi lý trưởng phải mất cơ nghiệp vì thuế, mà thành ra ai cũng sợ không muốn ra làm việc nữa ấy là hai điều tộ.
Lúc bổ thì cứ chiếu sổ đinh ra mà bổ, ai là dám rằng không đóng, song đến lúc thu, nào là những kẻ cùng khổ, dẫu dỡ cả nhà nó xuống cũng không đủ tiền thuế của mấy bố con nó, nào là những anh ngang ngược, cứng đầu cứng cổ thu nó hãy chịu, khi nào có tiền nó đưa mà biêt bao giò nó có tiền, bắt nó thì lý dịch bắt không nổi, thưa kiện nó thì lại sợ lôi thôi về sau, đó cũng thiệt hại đến lý trưởng, ấy là ba điều tệ.
Thuế điền nhà nước đã có phép nhất định, nhưng các hạng có thế lực thì ruộng hạng nhất cũng xuống hạng ba, người nào kém vai vế thì ruộng hạng ba cũng lên hạng nhâ't. Mà nhất là những ruộng phụ canh, lý dịch thường lấy nặng gấp hai gấp ba lần, những người biết lý luật thì bọn họ còn e ít nhiều, còn người hiền lành thì họ bảo sao cũng phải chịu, ấy là bốn điều tệ.
Các làng chia nhau làm hai ba thôn, cứ lệ tiền cổ thì làm nơi đồng cư biệt nạp, nghĩa là ở lẫn với nhau, nhưng mà nộp thuê thì phận thôn nào thôn ấy nộp. Giá cứ nhân số các thôn đểu nhau thì dẫu biệt nạp cũng chẳng sao, nhưng mà khi trưốc đều nhau, mà nay thì có thôn thêm nhiều đinh, có thôn giảm bổt đinh, nếu cứ chiếu lệ thôn nào xưa nay phải chịu bao nhiêu, bây giờ lại phải chịu bấy nhiêu, thì nhiều nơi cùng trong một xã mà thôn này đóng nhẹ thôn kia đóng nặng hơn tất phải phân bì ta oán. Nếu hợp lại cả hàng xã mà đóng đều với nhau thì bên kia chẳng qua mỗi người thêm lên dăm xu một hào mà bên này mỗi người đỡ được dăm bảy hào bạc, chẳng lợi hại là bao nhiêu mà trong một xã đều được quân bình. Nhưng bọn kỳ mục bên đóng nhẹ mấy người chịu nghe, họ chỉ được lợi dăm ba xu, họ cũng cố’ chết mà giữ, chớ họ có nghĩ gì đến chuyện công bình, ấy là năm điều tệ.
Nói rút lại thì các điều tệ tục, nhất là hay ở bọn kỳ mục mà ra, mà lý trưởng thì thường phải chịu phần thiệt thòi. Song lý trưởng cũng không hại; ứng hiện ra lúc này rồi lấy lại lúc khác, chỉ dân đinh cùng khổ, nhà nước đã có gia ân cho đóng vào hạng ngoại tịch mà vẫn phải gánh chung vối hạng chính đinh và những ngưòi phu canh là thiệt thòi mà thôi.

X.   BINH LÍNH Binh lính mỗi làng phải chịu bao nhiêu, cứ chiếu sổ đinh ra mà chịu, đã có lệ định của nhà nưốc. Ví như trong Trung Kỳ thì mỗi ba tên nội tịch phải ra một tên lính; Nam Kỳ mỗi năm tên nội tịch phải ra một tên lính;
Bắc Kỳ và ở Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa thì mỗi bảy tên nội tịch phải ra một tên lính; ở về doanh biên như Hưng, Tuyên, Thái, Lạng, Cao Bằng thì mười tên nội tịch phải ra một tên lính v.v...
Khi làng nào khuyết lính hoặc khi Nhà nước cần đến tư giấy về cho lý trưởng phải kén lấy người cường tráng đem ra gọi là đăng lính. Nhà nước xem xét rồi hoặc cho vào lính khố xanh, hoặc cho vào lính khố đỏ, hoặc lính thủy, lính bộ, lính cơ, lính lệ v.v... Việc ấy quyền ở nhà nước.
Kén lính thì phải kén con nhà đa đinh, chớ nhà nào độc đinh thì thôi. Mỗi tên lính trừ ra lương bổng của nhà nước chi cấp, còn ở làng lệ được ăn ba mẫu ruộng công. Hoặc làng nào không có ruộng thì phải cấp tiền công, nhiều ít tùy tục riêng, nhưng không được quá 250 quan tiền kẽm một năm, có làng chỉ cấp tiền cho một lần, có làng để riêng ra mấy mẫu ruộng công, bao nhiêu lính trong làng cũng ăn chung ở đấy mà thôi.
Hạn đi lính hoặc sáu năm, hoặc mừòi năm, hoặc mừời lăm năm tùy lệ định của nhà nước. Sổ cấp tiền cấp ruộng của làng, chỉ khi đương tại lính mới được ăn, hễ  mãn hạn về lính, hoặc chết đi, hoặc đăng thêm khóa cũng không được ăn nữa. Khi lính đương tại ngũ, được phép miễn trừ hết sưu dịch và lại được miễn trừ thêm cho một người thân nhân.
Binh lính về làng, có nơi được dự theo hàng quan viên miễn trừ tạp dịch, có nơi thì lại hoàn dân đinh.
Mãn khóa lính về làng, trừ ra người đóng cai, đóng đội trở lên còn ai ai cũng gọi cậu bếp, tiếng bếp do từ đời nhà Trần, mỗi năm người là một ngũ thì có một người làm hỏa đầu để coi việc thổi nấu cho lính ăn, cho nên gọi là bếp.
Về vùng quê hương, khi trước bao nhiêu lính tân lính cựu một làng, hợp lại làm một hội gọi là hội bản binh. Mỗi năm hai kỳ tháng hai tháng tám làm lễ thánh sư, rồi thì ăn uống với nhau. Hội có lần lượt nhau mỗi kỳ tế phái một người chứa đăng cai. Chủ ý hội thì chỉ cốt đê họp mặt ăn uống cầu vui, và để thông sự khánh điếu với nhau mà thôi. Tục ấy bấy giờ dễ bỏ hết.

Việc thế lính của ta, mới vài mươi năm nay, đã thấy khác nhau lắm. Khi xưa đăng lính người thì thuê mướn kẻ nghèo khó đi thay cho mình, người thì tiếng rằng đi lính, nhưng quan bán phòng cho lấy ít tiền mà cho ở nhà, chỉ khi nào ứng điếm mới phải ra. Mà đến lúc điếm duyệt lại buồn nữa, quân sĩ phân nửa người là kẻ bủng beo gầy yếu, ngọn giáo thì rỉ quèn, bằng mấy năm chưa lau đến, súng thì bắn chẳng nên.


XXI.   TẠP DỊCH
 
Các việc đắp đê điều mở mang đường sá hoặc bất kỳ có việc gì, dân làng phải đem phu đi làm việc, như khi nghênh tiếp thượng quan, khi vận tải đồ đạc cho việc quân nhu, khi cung ứng việc này, việc khác, đều gọi là tạp dịch.
Khi xưa tục ta, mỗi làng trừ ra các người được miễn trừ sưu dịch, còn dân đinh thì động có việc gì là phải đi làm, mỗi suất đinh mỗi năm phải đi mấy ngày, đã có lệ định của nhà nước. Nhưng thường thì lý dịch trong làng, động có việc đến phu, bắt được ai thì bắt đi chớ chẳng nề mấy ngày mấy buổi.
Năm Thành Thái thứ chín, nghị định của nhà nước mỗi suất đinh đồng niên phải chịu hai mươi chín ngày công sưu, họp với thuế thân làm một mà nộp bằng tiền. Đến năm Duy Tân thứ hai (1908) lại có nghị định cho dân đinh chuộc sư dịch mỗi năm mười ngày, nộp vào tiền thế mà miễn hết cho các việc tạp dịch, khi nào có công việc thì nhà nước thuê khoán đê thay cho dân.
Từ đấy thì các làng đỡ phải bắt phu, nhưng có việc gì cần kíp lắm thì đôi khi cũng phải dùng đến.

Tục bắt phu dịch của ta khi xưa cũng nhiều điều phiền nhiễu và lắm thói tệ. Ví như dân huyện này mà phải đi đắp đê đắp đưòng ở huyện khác, lắm khi dân phu phải mang lương ngủ trọ để làm việc đến hàng tháng mới xong. Đã đành hữu thân hữu khổ là kẻ làm dân, nhưng cũng nên thương cho kẻ bần cùng, ở nhà kiếm ăn còn chưa đủ, huống chi đi làm như thế thì lấy gì mà ăn. vả lại những dân đinh cường tráng, phần nhiều là lý dịch đã bán non bán già mất cả, đến lúc bắt phu thì chỉ đem những đàn bà con trẻ và mấy đứa yếu đuối như thế thì làm gì được? Từ khi nhà nước cho dân nộp tiền chuộc việc sư dịch, đâu mới đỡ được những sự phiền nhiễu ấy.

XXII.   HƯƠNG HỌC

Ta trước đây không có hương học, nhưng làng nào cũng có dăm ba trường học tư. Các trường học tư là của các thầy đồ thầy khóa và của các ông cử ông tú ngồi nhà mở ra, gọi là trường tư thục.
Làng nào không có ngưòi văn học thì nhà hào trưởng hoặc ngưòi có của mời một người ở xa để dạy cho con học, hoặc là các thầy đồ kiết phương xa tìm chỗ dạy trẻ nương thân cũng gọi là trường tư thục.
Trẻ trong làng độ bảy tám tuổi trở lên, cha mẹ đã cho đến các trường ấy mà học. Thoạt mới học, ông thầy cho học Tam tự kinh, tứ tự kinh v.v... mỗi ngày dăm ba câu, tập viết ván gỗ. Độ một vài tháng thì cho học một vài dòng chữ tập viết tô. Một năm trở lên mới học đến Dương tiết, Sử thượng hoặc học chính văn kinh, truyện, tập viết phóng và cho tập làm câu đối bốn chữ, hạng ấy gọi là mông học.

Hai ba năm, viết thành chữ rồi, học đã biết suy nghĩ, thì cho học đến Tứ thư ngủ kinh, sử Hán, sử Đường, cho tập làm câu đối bảy chữ, gọi là câu đối thơ, tám chín chữ gọi là câu đôi phú. Dần dần cho tập làm bài đoạn, đoạn nhỏ văn sách, bây giờ gọi là ấu học.
Năm sáu năm trở lên trẻ đứa nào có khiếu thông minh mới cho học đến làm thơ làm phú, làm kinh nghĩa, văn sách, và vẫn phải học kinh truyện sử, ôn đi ôn lại hai ba lần cho thuộc, ít năm nữa thì cho rộng ra đến Cổ văn, Đường thi, Tính lý, Chu lễ, bấy giờ mới gọi là hạng trung tập.
Trong làng có trường to gọi là trường các ông tú, ông cử, ông nghè thì mới dạy đến hạng trung tập, còn trường ông đồ, ông khóa thì chỉ dạy hạng ấu học mà thôi. Trẻ con nào học thêm thì phải đến trường trung tập mới học được.
Học trung tập đã khá thì lên đến trường đại tập. Trường đại tập là trường của quan Đốc học hoặc ở xa tỉnh thì học ở trường quan huấn quan giáo. Hoặc ở trong làng có trường của ông nghè ông cử mở ra thì cũng gọi là đại tập. Tập trường ấy phần giảng sách thì ít, mà phần tập làm văn chương thì nhiều. Tập ở đây giỏi rồi thì mới thi cử được.

Tập văn chương mỗi tháng có 4 kỳ cho học trò đem về nhà mà làm, hạn cho năm, sáu hôm thì đem nộp, gọi là văn thường kỳ. Mỗi tháng lại phải có hai kỳ học trò phải hội lại một chỗ, hoặc tại nhà ông thầy hoặc tại nơi đình chùa, làm văn hạn cho trong một ngày phải xong, gọi là văn nhật khắc. Văn chương làm xong, nộp để ông thầy chấm quyển, hễ văn nào hay nhất thì thầy phê ưu hạng, hay vừa thì phê bình hạng, tầm thường thì phê thứ hạng, kém lắm thì phê liệt hạng, mỗi tháng cứ ngày mồng một ngày rằm thì học trò hội cả lại nhà ông thầy bình văn, nghĩa là trong các quyển văn học trò có quyển nào ưu bình thì thầy cho học trò ngâm nga cao tiếng lên, để cho ai nấy đều nghe mà bắt chước.

Mỗi năm có khoa thi thì học trò trong làng rủ nhau làm văn hội, mỗi tháng định mấy kỳ hội làm văn nhật khắc với nhau, rồi nhờ thầy chấm quyển hoặc nhờ người nào có danh giá chấm giùm, quyển văn hội làm giả cách thi, cũng đóng dấu mặt dấu kiềm, dấu giáp phòng, dấu nhật trung, y như thế thức quyển thi. Văn nào hay cũng đem hội bình với nhau. Văn hội thường có treo giải thưởng, hễ ai ưu, bình thì được giải. Giải hoặc bằng giấy hoa tiên, hoặc bút mực v.v...

Các làng mộ văn học, cứ mỗi năm hội hết học trò trong làng khảo một kỳ, gọi là khảo tiến ích. Dân làng bầu cử một vài ông khoa mục, xét xem ai học giỏi, ai học kém, hễ ai giỏi thì dân có thưởng. Lại có nơi tuần phu đi tuần trong làng, hễ ai có con đi học mà không nghe tiếng học đêm thì dân làng bắt phạt. Các cách ấy đều có ý cổ võ cho người ta phải chăm việc học hành.

It lâu nay, xét ra cách học Hán tự của ta phần nhiều là hư văn, cải lương cách mới, đặt ra hương sư, tổng sự để thay cho các trường tư thục, thầy dạy phải có sư phạm, học trò phải theo quy trình mới, thì những tục cũ đã dần bỏ cả. Chỉ các nơi quê thôn xa, thỉnh thoảng vẫn còn ông đồ dạy tư, nhưng cũng cho trẻ con theo học tân thư, chớ không học như trước nữa.

Các trường tư thục của ta, tức như trường mông học, ấu học của các nước. Duy cách dạy của ta khi trước thì không có quy củ nào, trẻ mới học vỡ lòng đã dạy ngay những câu nghĩa lý viển vông, nào sách một chữ, ba chữ, nào sách bốn chữ, năm chữ, chỉ quý hồ cho trẻ dễ thuộc lòng, chớ không cốt gì cho trẻ luyện tập suy nghĩ, cha mẹ thì cũng thấy con thuộc lòng đọc được bài là hay, mà nhất là cho ông thầy dữ đòn mới là ông thầy chăm dạy, chớ thầy hay dở thế nào cũng không biết. Lớn lên ít tuổi, thì đã dần dần cho học văn chương, nào câu đối, nào thơ, nào phú, nào kinh nghiệm, nào tứ lục, nào văn sách chỉ học những lối hư văn và học chuyện nước người, đến những chuyện nước nhà cùng những điều thực dụng thì không dạy đến.

Cách học của ta chẳng nói thì bây giờ ai cũng biết là trái phép sư phạm. Từ lúc nhỏ cho đến lúc lớn, chẳng  qua chỉ học trong hai khoa là luân lý với văn chương. Mà luân lý thì lại theo nghĩa hẹp hòi, bó mình vào trong lễ phép quá, làm cho người ta không thế theo được, văn chương thì cũng phù phiếm, người nước Nam mà bàn việc Nguyên, Minh, chuyện Đường Tông, ngồi xó nhà mà là những cảnh Hoàng Hà, Thái Sơn thực là ngôi cầu Đơ mà nói quán Mọc. Văn như thế thì vẽ sao cho được cái chân cảnh của tạo hóa mà cảm động được lòng người.
Ngoài khoa văn chương luân lý thì không còn khoa gì nữa, thể thao chẳng có, kỹ nghệ cũng không. Ai học rộng ra đến thiên văn địa lý, y khoa lý số một đôi chút đã cho là vạn sự xuất ư nho, mà rút lại thì chẳng nghề gì là học cho đến nơi đến chốn. Học thuật của ta hủ bại như thế, trách nào mà tri thức của ta chẳng mờ mịt, văn minh của ta chẳng kém xa các nước.
Gần đây nhà nước đã cải định học qui, lấy chữ quốc ngữ làm đầu sự dạy trẻ ta, các ông thầy thì phải đủ cách phạm mới được dạy, điều ấy thực là có ích cho dân ta lắm
Than ôi! Học là để mở trí khôn cho loài người mà chỗ hương thôn lại là gốc của xã hội. Cứ như lối học của ta thuở trước thì chẳng những là chậm đường tiến hóa cho dân, mà lại làm hại cho tính thông minh của người ta nữa. Vì nước ta cũng là một nước có sẵn tính thông minh dễ dạy, nghĩa lý dẫu cao xa đến đâu cũng có người hội được, kỹ nghệ dẫu khôn khó đến đâu cũng có người làm được. Giá thử dạy phải phép thì chẳng thiếu gì người thông minh tài trí, tưởng cũng có thể gây được tay triết học, tay bác vật, tay văn chương, tay kỹ xảo chẳng kém gì các nước là mấy.

***