Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Sự Tích Hoa Trinh Nữ

                            
Thuở ấy, nhà nọ từng có hai kiếp đàn bà, cả hai kiếp đến lượt mình, đều chôn chân thờ chồng đi lính.
Hai người đàn ông lần lượt ra đi, nhưng người về thì chỉ một. Người chiến binh dũng cảm ấy về làng trong tiếng tiền hô hậu ủng, xênh xang trong mũ áo vua ban và làm vẻ vang cho dòng họ. Nhưng khi đón chồng, người đàn bà thứ hai khóc thầm: “Cân đai, mũ áo, bổng lộc vua ban… tất cả đều đẹp nhưng mái đầu ta và ông ấy tự lúc nào đã ngả sang màu sương!…”

Vậy nên, kiếp đàn bà thứ ba vừa lọt lòng và nhoe nhoe khóc, thì cả bà, cả bố và mẹ cô bé chắp tay: “Lạy Phật! Lại thêm một cái tội nữa. Nhưng lần này, chúng ta sẽ không gả nó cho bất kỳ một người lính nào đâu nhé. Hai đời, chúng ta đã đợi chờ đến bạc tóc, thế còn chưa đủ sao?”. sự tích
Cô bé lớn lên mơn mởn như nụ hồng. Từ nhỏ đến lớn cả nhà không cho cô được nói chuyện với bất cứ một người lính nào để cô giữ lời nguyền thuở trước.
Một buổi sáng, xa xa vẳng tới tiếng trống ngũ liên. Cô gái bước ra vườn, đến bên bờ giậu đẫm sương. Chàng trai nhà bên đang gấp gáp khăn gói lên đường. Vốn là đôi trẻ vẫn cũng nhau chơi trò “đố lá”, họ cùng nhìn nhau rồi cùng cúi mặt, lớp lông măng ngăm ngăm trên mép chàng trai khẽ rung. Tiếng trống thúc dồn. Chàng trai đánh bạo:
- Thế… có chờ… không?
- Sao không hỏi xem bông tầm xuân có nở trước khi mặt trời lên không? – Cô gái cắn môi, nước mắt lăn tròn trên má.
Và thế là mặt chàng trai đỏ đến tận chân tóc. Lâng lâng như vừa được chắp cánh, chàng bấm bụng: “Ta có thể ra đi, dù “da ngựa bọc thây”.
Cô gái trở vào, mắt ngấn nước và thẫn thờ như người ốm, trong tiếng trống ngũ liên xa xa thúc dồn. Vậy là cả nhà biết. Họ trách lẫn nhau, rồi hai người đàn bà ôm nhau khóc. Bà cô gái thắp ba nén hương khấn người chồng quá cố: “Ông ơi! Có lẽ cháu ông đúng, bởi tôi nghiệm rằng, nếu bây giờ ông sống dậy, lại ra trận, thì tôi vẫn chờ ông. Ôi! Cái kiếp đàn bà!…”. Mẹ cô gái nức nở: “Chỉ tại mẹ thôi, chính mẹ đã truyền cho con dòng máu “đợi chờ”! Con làm sao khác được!”. Ông bố cố gạt đi: “Thì cũng phải có một đứa con gái nào đó chờ thằng bé ấy chứ, cũng như ngày xưa, trong căn nhà này bà chờ tôi vậy! Bây giờ, chỉ còn biết mong sao thằng bé ấy trở về!”. truyện cổ tích
Nhưng thằng bé không sớm trở về. Chàng tân binh hăng hái giết giặc trong vài trận rồi ngôi sao chiếu mệnh mỉm cười với chàng ta, đấng quân vương vốn giỏi chọn người, vừa nhìn thấy chàng trai đã nhận ra ngay rằng đây là một tên lính hầu trung thành vô hạn. Thế là, ngài cho rút chàng trai về, ngày đêm cận kề bên ngài, một bước cũng không được rời xa. Khi còn giặc giã, vua cần chàng đưa vồng ngực vạm vỡ ra che làn đạn giặc, còn khi hết giặc, vua càng cần chàng hơn, để giữ gìn quyền uy tối hậu. Chàng là lưỡi kiếm “trừng phạt” tuyệt hảo, sẵn sàng giáng xuống đầu bất kỳ ai, theo lệnh đấng quân vương. truyện
Đã mười bảy năm rồi, cô gái chờ người lính ấy. Từ một thiếu nữ như nụ hoa chớm hé, nàng đã trở thành một cô gái quá lứa nhỡ thì. Bà nàng, rồi cha mẹ nàng theo nhau lần lượt trở về cõi Phật. Trước khi nhắm mắt, họ đều gọi con gái đến bên giường dặn dò: “Mai ngày nếu sinh con gái…”. Cô gái lặng lẽ khóc khi bà và bố mẹ mất, lặng lẽ khóc khi người yêu của chúng bạn trở về hay tử trận và cuối cùng, lặng lẽ để tang người yêu năm xưa, vì đã mười mấy năm rồi, chàng biệt vô âm tín.
Thế rồi một buổi chiều có tiếng vó ngựa ghé sát bên thềm.
Bước xuống từ yên ngựa là một người đàn ông phong trần và nhìn mọi vật từ trên xuống qua ánh mắt lạnh lẽo như thép. Ngang lưng anh ta thắt chiếc đai vàng vua ban. Đó là phần thưởng sau khi anh ta lập được công đâm vào lưng người bạn cũ. Người bạn này đã cả gan ngăn vua khi ngài hạ lệnh chém một danh tướng. Ông này chỉ vì mắt kém mà trót dâng vua một quả táo bị sâu ăn. Sau bữa tiệc ngập máu ấy, vua đã cất nhắc anh ta và cho phép anh ta về thăm nhà sau mười mấy năm xa cách. Mười mấy năm qua, người lính đó vẫn không quên người yêu xưa. Giữa cuộc đời bụi bậm, giữa triều đình đầy mưu kế sâu độc, cô trinh nữ nhà lành cắn môi cố nuốt giọt nước mắt chia ly vẫn không mờ nhạt mà thật lạ kỳ, lại càng như vầng trăng xa thẳm gọi anh về. viet nam
Người con gái lỡ thì bước tới vài bước rồi sững lại. Nàng hoang mang tự hỏi, không biết đó có phải là chàng trai hàng xóm năm xưa rụt rè mãi mới dám hỏi: “Thế… có chờ… không?”. Nhưng khi người đàn ông ấy gọi tên nàng bằng giọng nói thân thuộc, nàng khóc, tiếng khóc nghe như ngàn mảnh thủy tinh rơi, vì nàng phải chờ đợi quá lâu, và người nàng chờ nay đã biến thành người đàn ông có cái nhìn lạnh lẽo như thép.
Làng xóm đua nhau chúc mừng nàng. Các ông làm nghề “gõ đầu trẻ” đem mối tình chung thủy của hai người rao giảng trong các lớp học. Thế là từ đấy có thêm nhiều cậu bé chỉ mơ về chiến trận. Mơ về một mai mình được hầu cận đấng quân vương. Còn những cô bé thì chỉ ao ước sao mai này lớn, được chờ người yêu đến khi lỡ thì!
Không chậm trễ gì, người ta làm lễ cưới cho đôi tình nhân chung thủy. Vua ban áo tím cho nàng trinh nữ lỡ thì và đám cưới trọng thể hết chỗ nói. Hoàng hôn xuống, cạnh chén rượu bên mâm cỗ, quan khách tròn xoe mắt nghe chú rể kể chuyện. Mười mấy năm hầu cận vua, anh ta đã quen tính kín miệng. Và chỉ bốc lên khi rượu đã ngà ngà. Nhưng anh không biết nói chuyện gì khác, ngoài chuyện chém giết. Anh kể về những bữa tiệc đầy sơn hào hải vị ngập máu trong thời bình và say sưa mô tả các kiểu chết của nhiều người khác nhau dưới tay kiếm của anh. Cuối cùng, vì sao vua đã ban cho anh ta chiếc đai vàng.
Người trinh nữ nghe chuyện của chồng mới cưới và nàng đứng không vững nữa. Lảo đảo, nàng lùi dần về buồng. Nép mình trên giường trong bóng tối, nàng như ngửi thấy mùi tanh lợm của máu, và trên mặt nàng như có làn môi lạnh toát của những oan hồn lướt qua. Nàng vùng dậy, run lật bật, vội vàng châm lửa lên tất cả các ngọn đèn dầu lạc mà nàng tìm được trong buồng. Ánh đèn chập chờn đỏ quạch càng làm nàng thêm sợ hãi.
Vừa lúc đó, có tiếng kẹt cửa. Thân hình to lớn của người chồng mới cưới chếnh choáng tiến vào. Theo thói quen, anh ta vẫn mang theo thanh kiếm. Nàng nhìn lên, và thấy anh không vào một mình. Theo liền sau anh là một người đàn bà trong veo, tóc xoã – chỉ có bộ tóc là còn màu sắc – mặc quần áo đại tang, đang cầm một tấm áo đẫm máu giơ lên và cất giọng đều đều một cách kỳ lạ, lặp đi lặp lại như không bao giờ dứt:
-Hãy trả chồng cho ta! Kẻ giết bạn kia, trước khi mi bước vào giường cưới! Hãy trả cha cho năm đứa con thơ dại của ta! Hãy trả…
Vậy mà chồng nàng không nghe thấy gì cả, anh dựng thanh kiếm vào vách, rồi xáp tới đặt tay lên ngực nàng. Ngay lúc đó, nàng nhìn thấy máu từ tấm áo trong tay người đàn bà xoã tóc rỏ xuống hai bàn tay người chồng mới cưới. Nàng ôm mặt rú lên kinh hãi:
- Ôi kìa, máu! Máu nhiều quá! Máu đỏ cả hai bàn tay!
Chồng nàng giật mình nhìn lại. Anh vẫn không thấy gì cả, ngoài những vết sẹo ngang dọc nơi bàn tay mình. Anh dỗ dành:
- Ồ! Can đảm lên, cô em ủy mị! Chẳng qua là vì em quá hồi hộp đó thôi! Đã bao ngày ta chờ phút giây này. Nào, hãy vui lên.
Anh nói vậy, nhưng miệng không cười và mắt vẫn lạnh như thép, cũng như từ ngày về đến giờ, chưa một ai nhìn thấy anh cười. Người trinh nữ bỏ hai bàn tay che mặt. Nàng không nhìn thấy người đàn bà tóc xoã nữa, nhưng trên khuôn mặt đang gần xuống mặt nàng, nàng chỉ thấy khóe miệng mím chặt và cái nhìn lạnh lẽo như cái nhìn của Thần Chết. Lại sợ hãi cuống quít, nàng van vỉ:
-Hãy mỉm cười đi anh! Em van đấy! Hãy cười lên để em thấy anh của ngày xưa. Bao năm chờ đợi, em đâu muốn anh buồn…
Người chồng cố hết sức để mỉm cười. Đã lâu lắm rồi anh không làm cử chỉ đó nên bây giờ anh không biết bắt đầu một nụ cười như thế nào. Khó nhọc lắm, anh mới nhớ ra rằng, khi cười người ta phải để lộ ít nhất là một hàm răng. Anh nhếch môi, để lộ hẳn hai hàm răng chắc khỏe.
Nhưng anh quên rằng, khi người ta cười, chính đôi mắt cười trước, cái miệng cười sau, thậm chí chỉ cười bằng mắt cũng đủ. Mà đôi mắt muốn cười, trước hết tâm hồn phải cười đã, cho nên cố gắng để mỉm cười, trông anh lại thêm vẻ dữ dằn đe dọa của một con sói. Ngay lập tức, vợ anh co rúm lại và quay mặt vào trong, thổn thức cố kìm tiếng khóc.
Người chồng buồn bã soi trong tấm gương cười, ngắm kỹ mình, rồi tuyệt vọng:
- Thôi, thế là hết, cả một đời chờ đợi! Em chối từ ta, em ghê tởm ta ư?
Anh rũ xuống thành giường, rồi gầm lên như một con thú bị thương:
- Tại sao em chờ ta cả đời, để rồi chối từ ta? Tại sao em bắt ta phải cười! Còn đâu nữa chàng trai với lớp lông măng trên mép ngày xưa! Ta đã trở thành “người đàn ông không cười” của triều đình, từ khi bàn tay này nhúng vào máu bạn bè, bên những bàn tiệc đầy sơn hào hải vị. Đấng quân vương sai ta giết hết những kẻ bất tuân thượng mệnh bằng các chiếc đũa. Trong mọi chiếc đũa nạm vàng nơi bàn tiệc đều có một lưỡi dao tinh tế giấu ở trong…
Anh nức nở, đôi vai rung lên dữ dội:
- Ôi! Bạn ta! Người bạn đã cùng ta tựa vào lưng nhau tìm hơi ấm chống đỡ cơn gió lạnh chiến hào. Thôi, thế là hết và đây là đêm tân hôn vĩnh biệt, phần thưởng cuối cùng cho người lính quá nửa đời phụng sự đấng quân vương.
Tiếng nức nở dữ dội của người chồng mới cưới rung chuyển cả căn phòng. Rồi xách kiếm trên tay, anh bỏ đi biệt xứ. Có người nói rằng anh đã đến tìm vua, định bắt vua phải đền tội đã biến anh thành người đàn ông không biết cười. Nhưng vua đã kịp giết chết anh trước, bằng chính một trong những chiếc đũa nạm vàng nơi bàn tiệc. Cũng có người bảo rằng anh lại lao vào những cuộc chém giết mới không ghê tay cho quên ngày tháng.
Chỉ còn lại nơi quê nhà người trinh nữ lỡ thì. Nàng sống âm thầm như cái bóng, mà không một lần nghĩ đến chuyện tự giải thoát bằng cái chết. Nhưng cái tật h có tiếng chân hay tiếng động mạnh là đưa tay lên ôm mặt thì nàng không sao bỏ được.

Một hôm, người xã trưởng được mời đến để làm giấy chứng tử cho nàng. Nàng chết mà hai tay che mặt, người khâm liệm nắn thế nào cũng không bỏ ra.
Vài ngày sau, trên mộ nàng rùm roà mọc một loài cây thấp lòa xòa mang hình tròn tim tím buồn man mác. Mỗi khi có chân bước qua hay va chạm mạnh, những chiếc lá lăn tăn lại giật mình khép lại, xuôi xuống như bàn tay ai che mặt.
Những loài hoa cỏ mọc đầy chung quanh lấy làm lạ lùng lắm về chuyện đó. Một hôm, chúng chặn chàng Gió lại:
- Này, anh Gió! Ở đây, không có ai già như anh và trẻ như anh. Vậy anh hãy nói cho chúng tôi biết vì sao loài cây mới đến kia, tầm thường đến vậy, lòa xòa bên vệ cỏ, khách bộ hành dễ dàng giẫm lên, có gì đặc biệt đâu mà phải gìn giữ, hơi một tí lại lấy tay che mặt, điệu đà làm vậy?
Từng trải như chàng Gió mà cũng không trả lời được.
Thế là một đêm thanh tĩnh, dịu dàng, muôn hoa cỏ đang mơ màng trong giấc ngủ êm đềm, chàng Gió lướt tới bên loài cây tầm thường ấy, khẽ hỏi:

- Này cô em bé bỏng! Sao em hay che mặt thế? Ở đây có ai chọc ghẹo em sao? Em hay e thẹn lắm à? Nếu không, tại sao người ta lại gọi em là cây trinh nữ?
Đắn đo một chút, rồi loài cây ấy nhẹ nhàng đáp:
- Không phải thế đâu, mặc dù chết đi, em vẫn là trinh nữ. Em che mặt vì sợ. Ngày nay người ta càng tranh giành nhau dữ hơn, những bàn tiệc ngập máu vẫn còn nhiều. Vậy nên, mỗi va chạm, mỗi bước chân tạt qua đều làm em giật thót mình. Em sợ người ta sẽ gửi đến cho em đôi bàn tay đầy máu và khuôn mặt người yêu xưa chẳng biết cười.
Cây trinh nữ chợt co mình lại vì vừa nghe tiếng chân qua. Đó là bước chân sóng đôi của một đôi trai gái đang đi trong sương mù. Trước khi cẩn thận khép những mắt lá lại, cây trinh nữ cầu khẩn: “Ôi! Lạy Phật! Cầu cho đây không phải là bước chân của những người phải tiễn nhau về nơi ấy…”.

Trích truyencotich.vn

Màu Mực Tím


Em buồn không khi mùa chia tay đến
Những bạn bè trang lứa đổi trao nhau
Từng dòng chữ dạt dào sầu lắng đọng
Ẩn bên trong lưu bút của ngày xanh

               Ta từng tiếc sao thời gian nhanh quá
               Vừa gặp đây giờ hạ đã gần kề
               Ba tháng hè là ba tháng lê thê
               Mùa phượng thắm trở thành mùa nhung nhớ

Thời gian trôi hoa từng chiếc rụng rơi
Mỗi cánh phượng phủ dày thêm kỷ niệm
Vẫn trong ta em áo trắng một thời
Vì dĩ vãng đậm sâu màu mực tím...

                                       Quên Đi

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Thưa Thầy và các bạn
Mới vào hè mà trời đã nóng, nhất là vào buổi trưa. Nhịp sống như chùng lại....
Xin mời Thầy và các bạn xem bài thơ HÈ của Phương Hà:

Bài  Xướng :
                     Hè
Bạc phai trước nắng, mấy tàu tiêu
Hè mới vừa sang đã nóng nhiều
Sông vắng im lìm, thuyền trốn bến
Hoa tàn ủ rũ, bướm thôi yêu
Trời xanh đau đáu mong mây trắng
Diều tím ngu ngơ ngóng gió chiều
Ngọn lúa héo khô màu đỏ chạch
Nông dân thờ thẫn, mặt đăm chiêu.
                           Phương Hà
***

Bài Họa :
                  Làng Tôi
Làng cũ hôn hoàng vẳng tiếng tiêu ,
Tha hương mới thấy nhớ thương nhiều .
Ngôi trường mái dột bàn xiêu vẹo ,
Cô giáo duyên thầm nét mến yêu .
Gờn gợn nước sông đùa bóng nguyệt ,
Vi vu tre trúc quyện chuông chiều .
Quê nghèo man mác tình chan chứa ,
Mộc mạc dân tình vẫn đãi chiêu .
                                  Mailoc
                       Cali 3-19-14
***
Đỗ Chiêu Đức cũng xin được họa lại bằng Luật Bằng luôn cho... vui :


                Hè Về
Hè về xơ xác mấy giây tiêu,
Cái nắng chói chan nóng thật nhiều !
Ngõ trước im lìm cây đứng bóng,
Vườn sau ra rả tiếng ve yêu.
Cụ bà phe phẩy trông trời thẳm,
Em bé lưng tưng đón nắng chiều.
Ước được nồm nam cơn gió mát,
Thỏa lòng cậu ấm với cô chiêu  !
                           Đỗ Chiêu Đức.

***

Quên Đi mượn ý câu ca dao : " Anh về bỏ áo lại đây, Để khuya em đắp gió tây lạnh lùng " để hoạ bài thơ " Hè " của Phương Hà.

              Gió Tây
Trằn trọc canh dài lạnh bến Tiêu
Gió tây se thắt nhớ nhung nhiều
Ai đi để lại bao hờn tủi
Kẻ ở còn mang nặng dấu yêu
Tấm áo ngày xưa thành kỷ niệm
Mảnh tình một thuở xót trăm chiều
Đêm buồn thấm tận hồn cô phụ
Hy vọng ngày nao ánh nhật chiêu

                                     Quên Đi
 

***
SQ cũng xin mượn vận bài thơ "HÈ" của Phương Hà để có bài thơ vui"Thân Già" để xã stress cuối tuần và hâm nóng "vườn thơ than".SQ
                             
      Sướng Cái Thân Già 
Xót nghĩ việc đời tóc muối tiêu
Màu đen thì ít, trắng thời nhiều !
Lơ thơ mấy cọng trên đầu hói 
Lác đác vài chùm thật đáng yêu 
Nhờ thế, vợ nhà thương quá đổi
Cho nên, con cháu lại nuông chìu
Tuổi già coi vậy mà thân sướng  
Sáng uống cà phê, rượu chiêu .
                           Song Quang

***
Các Thầy và các Anh Chị thân mến,

Nguồn thơ của Các Thầy và các Anh Chị dồi dào quá, nên KP chỉ mạn phép Họa Tá Vận bài thơ Hè của chị Phương Hà.
Chúc các Thầy và các Anh Chị luôn tươi vui.
Thân mến
Kim Phượng

              Chàng Là Ai
Hào hoa phong nhã đấy hoa tiêu
Lả lướt đường bay ngoạn mục nhiều
Nợ nước quên mình say chiến đấu
Tình nhà xem nhẹ gác thương yêu
Tung hoành ngang dọc lao đầu tuyến
Ngạo nghễ hiên ngang lướt gió chiều
Sông núi hồn thiêng đang réo gọi
Đáp lời hùng khí rạng minh chiêu 
                               Kim Phượng

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Vui Cười 13


 Cạnh Tranh Hiệu Quả
Ba shop thời trang nằm kề nhau nên cạnh tranh kịch liệt.
Shop bên phải trưng bảng quảng cáo: "Chuyên bán thời trang cao cấp dành cho nghệ sĩ".
Ngày hôm sau shop bên trái cũng dán một tấm bảng: "Chuyên bán thời trang model dành cho những cô gái trẻ xinh đẹp nhất".
Và hôm sau cái shop bị kẹt ở giữa treo ở cửa một tấm bảng to đề hai chữ: "Lối vào".
!!!
Nghệ Thuật Tuyển Việc
Sinh viên ngành luật tốt nghiệp đến văn phòng luật sư tìm việc. Trưởng phòng nhân sự đặt tình huống để kiểm tra tâm lý.
- Trước mắt cậu là bức tranh, trên đó vẽ 3 người đang bơi trên biển, xung quanh rất nhiều cá mập. Một người không cầm gì trong tay nhưng người này không sợ cá mập. Người thứ hai cầm trong tay con dao lớn, người này sẽ chiến đấu đến cùng với cá mập để bảo vệ mình. Người thứ ba cầm khẩu súng bắn dưới nước. Hãy tự đánh giá mình là người nào?
- Tất nhiên là người thứ ba.
- Rất tiếc, bạn không thích hợp với văn phòng. Chúng tôi cần những cộng tác viên tự coi mình như những con cá mập.
 Để Xếp Phát Biểu Trước
1 nhân viên bán hàng, 1 thư ký hành chính và 1 Sếp quản lý cùng đi ăn trưa với nhau, họ nhặt được 1 cây đèn dầu cổ. Họ xoa tay vào đèn và thần đèn hiện lên. Thần đèn bảo: “ta cho các con mỗi đứa 1 điều ước”.
- “Tôi trước! tôi trước!” – thư ký hành chính nhanh nhảu nói: “tôi muốn được ở Bahamas lái canô và quên hết sự đời.“. Bùm ! Cô thư ký biến mất.
- “Tôi! Tôi!” anh nhân viên bán hàng nói: “tôi muốn ở Hawaii nằm dài trên bãi biển có nhân viên massage riêng, thưởng thức các loại rượu và hàng trăm cô gái mặc bikini vây quanh“. Bùm ! anh nhân viên bán hàng biến mất.
Ok tới lượt anh“. Thần đèn nói với ông quản lý.
Ông quản lý nói: “tôi muốn 2 đứa đấy có mặt ở Văn phòng làm việc ngay sau bữa trưa“.
Ai Tài Hơn 
Con của hai luật sư khoe với nhau:
- Mày xem bố tao có tài không? Ông X tham ô 9 tỉ đồng, nhờ bố tao, nói có một giờ mà ông chỉ bị có 2 năm “tù treo”
- Nhằm nhò gì, lão Y buôn lậu tới 2 kg heroin, nhờ bố tao nói có một câu mà lão khỏi phải tù ngày nào.
- Bố mày nói câu gì mà tài thế?
- Câu ngắn thôi: “Đề nghị tử hình”.
Ai Hư?
Thủ trưởng bảo tài xế:
- Cậu liệt kê các phụ tùng ở trong xe bị hư khoảng năm triệu, đưa tôi ký, rồi qua thủ quỹ lãnh tiền nghe chưa?
- Thưa thủ trưởng, xe mình đâu có hư?
- Nếu xe không hư, thì cậu hư rồi đó hiểu chưa?
 (truyencuoi.vn)

Trừ Dạ Hữu Hoài Thôi Đồ

 
alt

Cũng TRỪ DẠ HỮU HOÀI, cũng tấm thân phiêu lãng, lữ thứ tha hương, nhưng tâm sự của THÔI ĐỒ xót xa thảm hại hơn Mạnh Hạo Nhiên rất nhiều. Ta hãy cùng chia sẻ với tác giả tâm sự qua bài thơ sau đây :
        除夜有懷                TRỪ DẠ HỮU HOÀI
                                       
        迢遞三巴路,        Điều đệ tam ba lộ,
        羈危萬里身。        Ký nguy vạn lý thân.
     亂山殘雪夜,        Loạn sơn tàn nguyệt dạ,
        孤燭異鄉人。        Cô chúc dị hương nhân.
    漸與骨肉遠,        Tiệm dữ cốt nhục viễn,
       轉於奴僕親。        Chuyển ư nô bộc thân.
    那堪正飄泊,        Na kham chánh phiêu bạc,
       來日歲華新。        Lai nhật tuế hoa tân.
                    崔涂                                        Thôi Đồ
 CHÚ THÍCH :
         1. Điều Đệ : Xa xôi diệu dợi.
         2. Tam Ba : Chỉ xứ Ba Quận, Ba Đông, Ba Tây, nay thuộc đông bộ của tỉnh Tứ Xuyên.
         3. Ký Nguy : Chỉ Trong nguy nan mà thân lại ở xứ người.
         4. Câu số 4 : Có bản chép là : " Cô độc dị hương xuân "  孤獨異 鄉春  . Có nghĩa : Mùa xuân đến mà chỉ có một thân một mình nơi đất khách tha hương. CHÚC : Là Đuốc. Hoa Chúc : là Đuốc Hoa. Cô Chúc : là Cây đuốc cô đọc lẻ loi.
         5. Đồng Bộc Thân : Đồng là Tiểu đồng, Thư đồng. Bộc là Nô bộc. Thân là Thân thiết . Đồng Bộc Thân có nghĩa : Cả thư đồng nô bộc cũng thấy thân thiết như người thân.
                  
          崔涂 (854~?)字礼山,今浙江富春江一带人。唐僖宗光启四年(888)进士。终生飘泊,漫游巴蜀、吴楚、河南,秦陇等地,故其诗多以飘泊生活为题材,情调苍凉。《全唐诗》存其诗1卷。
     THÔI ĐỒ  ( 854-? ) , tự là Lễ Sơn, là người ở dãi Phú Xuân Giang, thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay. Ông đậu Tiến Sĩ năm Quang Khải thứ 4, đời Đường Hi Tông. Cả đời phiêu bạc, lãng du các xứ Ba Thục, Ngô Sở, Hà Nam, Tần Lũng... , nên thơ của ông phần nhiều lấy đề tài tả cảnh sống phiêu bạc giang hồ, tình tiết âm điệu thê lương. " Toàn Đường Thi  " còn giữ được một tập thơ của ông.

DỊCH NGHĨA :
            Diệu vợi trên đường đi gập ghềnh khúc khủy của xứ Tam Ba, Tấm thân ngoài ngàn dặm nầy đang tạm dung ở xứ người an nguy khó định. Đêm lạc lỏng trong cảnh tuyết tan giữa núi non chập chùng , người tha hương cô đọc với ngọn đuốc lẻ loi, và ... càng đi thì lại càng xa những người thâm tình cốt nhục, nên tình cảm chuyển sang cho thư đồng nô bộc xem họ như những người thân. Không sao kham nỗi với nỗi phiêu bạc giang hồ, trong khi ngày mai nầy đã lại bước sang năm mới rồi !
Diễn Nôm

Ba sơn diệu vợi đường dài,
Lẻ loi cô độc ai hoài một thân.
Tuyết tan non núi chập chùng,
Đuốc đơn người lẻ ngại ngùng bước chân.
Thân nhân cốt nhục xa dần,
Tính thân chuyển cả thư đồng bộc nô.
Tấm thân phiêu bạc giang hồ,
Mai ngày năm mới thân cô một mình !


Đỗ Chiêu Đức.
***       

Quên Đi cũng chia sẻ nỗi buồn xa xứ của Thôi Đồ cùng Các Vị

Đêm Trừ Tịch Nhớ.

Diệu vợi đường Tam Ba
Chốn nguy chẳng nệ hà
Ngàn non đêm tuyết chảy
Xuân khách một mình ta
Thân tộc giờ ngăn cách
Người hầu kề chẳng xa
Đành thôi thân lãng tử
Thêm một mùa xuân qua

                       Quên Đi
***
Mailoc  cũng xin góp vần cùng các bạn thơ.
     Nỗi Nhớ Đêm Cuối Năm
Đường Ba Tam xa-xôi diệu vợi ,
Bao hiểm nguy chờ đợi một thân .
Tuyết đêm đồi núi tan dần ,
Quê người dưới ánh đèn dầu mình ta .
Thân bằng hữu rồi ra mất biệt ,
Chỉ tiểu đồng thân thiết nghĩa cao .
Nổi trôi há chịu mãi sao ?
Ngày mai năm mới đượm màu xuân tươi .
                                 Mailoc phỏng dịch
                                            01-02-13

***
      Song Quang xin góp vui cùng quý thi huynh bằng một bản dịch cũng để nói lên nổi cảm xúc của mình trong đêm 31 ngồi chờ tiếng chuông Giao thừa rơi ở New York đánh dấu năm 2013 đến.Thân
 
Nỗi Lòng Đêm Trừ Tịch
Đường đi diệu vợi  chốn Tam Ba
Dung tạm xứ người ở rất xa
Như lạc trong đêm tan tuyết núi
Tha hương đất khách một mình ta
Thân nhân bạn hữu nào hay biết !
Nô bộc xem như trẻ ở nhà
Phiêu bạc giang hồ kham nổi tá ??
Ngày mai năm mới chắc đơm hoa ?
                                 Song Quang

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Bác Bùi Văn Thân-Lời Cảm Tạ Của Bác Bùi Văn Thân.

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU



Kính Gửi Bác Thân cùng Trung và Mỹ Lệ
Chúng cháu vừa nhận được tin muộn, Bác Gái Bùi Văn Thânnhũ danh Nguyễn Thị Xinh,Pháp danh Đức Sanh đã mãn phần.
- Bác Gái sinh năm 1923
- Qua đời  ngày 22-03 2014 - Nhằm ngày 22-02 năm Giáp Ngọ
- Tại Sydney - Australia
- Thượng Thọ 91 tuổi.
- Lễ an táng được tổ chức ngày 25-3-2014

Chúng cháu xin chia sẻ nỗi buồn mất mát với Bác Trai và Gia đình Trung, Mỹ Lệ.
Kính nguyện Hương Linh Bác Gái được sớm về Cõi Niết Bàn.

Đồng Kính Phân Ưu
Hai cháu Phụng, Nhung Lê Quang
Các cháu: Huỳnh Hữu Đức, Suối Dâu, Kim Phượng, Lục Lạc, Kim Oanh

Gia Đình Bác Bùi Văn Thân Cảm Tạ



Bác Bùi Văn Thân và con Bùi Thị Mỹ lệ,
Vô cùng xúc động với lòng ưu ái của mấy cháu, cùng đồng hành, chia sẻ,
phân ưu và cầu nguyện hương linh Hiền Nội của Bác là Nguyễn Thị Xinh,
Pháp danh Đức Sanh vừa từ giã cõi trần.
Bác xin ghi nhận nơi đây và thành thật tri ân sâu xa cùng mấy cháu.
Bác xin cảm tạ cháu Huỳnh Hữu Đức
Cảm tạ hai cháu Phụng & Nhung Lê Quang
Cảm tạ cháu Kim Phượng
Cảm tạ cháu Kim Oanh
Cảm tạ cháu Suối Dâu
Cảm tạ cháu Lục Lạc
Tang gia đồng cảm tạ


Những Lời Cho Người Nằm Xuống

Sinh ra trong ba vạn sáu ngàn ngày
Sinh thì hữu hạng, tử bất kỳ nào hay
Sống còn lặn hụp biển khổ trần thế
Thác đi rồi một kiếp nghiệp trả vay

Những tưởng phu thê xum hợp mãi
Nào ngờ đâu tan rã kiếp bèo mây
Đành đôi đường u hiễn kể từ đây
Một phút chia ly ngàn năm nhung nhớ!

Trăm năm sóng biển bạc đầu
Người thương đã mất biết đâu mà tìm
Từ nay tăm cá bóng chim
Vào ra hiu quạnh con tim thẩn thờ!

Quang Thân



Bùi Văn Thân


Điển Hay Tích Lạ Phần 12


Xe Dê

"Xe dê" do chữ "Dương xa".
Ngày xưa, nhà vua nào cũng vậy, ngoài có hoàng hậu, thứ phi còn có hàng ngàn cung nữ, chọn lấy người đẹp trong toàn quốc để vào cung hầu hạ, làm vui cho nhà vua. Đời nhà Tần (221-209 trước D.L.), vua Tần Thủy Hoàng (246-209 trước D.L.) có trên 3000 cung nữ. Ở Việt Nam, đời nhà Lý (1010-1225), vua Lý Thái Tông (1028-1054) quy định số hậu phi và cung nữ: hậu và phi 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ 1000 người.

Đó là con số ít nhứt so với các triều vua, nhứt là các vua Tàu. Kể ra là một sự ... tiến bộ.

Cung của nhà vua chia làm từng phòng đặc biệt. Mỗi nàng cung phi ở riêng một phòng. Đêm đến, nhà vua muốn vui say với một cung phi nào thì vào cung đó. Vì nhiều cung phi quá, và nàng nào cũng sắc nước hương trời, nhà vua, rốt cuộc, trông ai cũng như ai rồi ... đêm nay, mình không biết là phải ngự ở cung nào?

Sách "Tấn thư" có chép: vua Võ Đế có nhiều cung nhân, mỗi đêm muốn đến với cung nhân nào thì vua ngồi trên một chiếc xe nhỏ khảm châu ngọc có con dê kéo, để tùy ý dê đi đến cung điện nào thì nhà vua vào đấy.

Xe dê gọi là "Xe dê", tên chữ là "Dương xa".

Con dê trở thành một tên hướng đạo quan trọng.

Rồi cứ chiều đến, hoàng hôn vừa buông mình rủ xuống nhà vua ngồi trên chiếc xe dê để dê lững thững kéo đi. Các cung phi vì muốn được hưởng ơn mưa móc của quân vương, muốn sưởi ấm thân để cõi lòng khỏi đơn côi trống trải, nhưng không biết tìm thế nào cho dê kéo xe ngừng lại trước cung mình. Sau, có vài nàng có sáng kiến, biết dê thích ăn lá dâu nên tìm lá dâu rắc trước cung để nhử dê dừng xe lại. Dần dần trước cung nào cũng thấy dẫy đầy lá dâu.

Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, đoạn nói về nàng cung nữ oán trách nhà vua ghẻ lạnh đối với mình, có câu:

Phải duyên hương lửa cùng nhau,
     Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

Ý nói duyên nợ với vua từ bao kiếp trước, chứ đâu như các cung phi khác, muốn được hầu vua thì tất phải rắc lá dâu cho xe dê vào rồi mới được gần vua.

"Xe dê" lấy ở điển tích trên.

Khắc Lậu


Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả về thời gian có những câu:

Đêm thu khắc lậu canh tàn,
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương.
và:


Giọt rồng canh đã điểm ba,
Tiểu thư nhìn mặt đường đà cam tâm.

"Khắc lậu", "Giọt rồng" là vật đo lường thời gian (ấn định thời giờ) ngày xưa.
Về thời thượng cổ, người ta chưa có cơ khí gì để đo lường thời gian mà chỉ có một ít dụng cụ thô sơ. Dụng cụ đó là cái đồng hồ thái dương, xuất hiện có lẽ trước nhứt. Đồng hồ này gồm có một cái trụ đứng thẳng giữa một cái khung bán nguyệt bằng phẳng gọi là nhật quỹ, có chia từng gạch. Mỗi gạch là một giờ. Mặt trời chiếu cái trụ và bóng trụ ấy rọi xuống nhật quỹ, rồi người ta căn cứ vào đó mà định giờ.
Lẽ cố nhiên, cái đồng hồ thái dương chỉ có thể dùng ban ngày và khi trời tốt, có bóng mặt trời mà thôi. Còn ban đêm là cả một vấn đề.

Ở Việt Nam, ban đêm đại khái chia làm 5 canh:

Canh một từ 8 giờ đến 10 giờ (giờ Tuất).
Canh hai từ 10 giờ đến 12 giờ (giờ Hợi).
Canh ba từ 12 giờ đến 2 giờ khuya (giờ Tí).
Canh tư từ 2 giờ đến 4 giờ sáng (giờ Sửu).
Canh năm từ 4 giờ đến 6 giờ sáng (giờ Dần).

Ca dao ta có câu hài hước:


Nửa đêm: giờ Tí: canh ba,
Trổ sanh nam tử vậy mà con trai.
Hay là:


Nửa đêm: giờ Tí: canh ba,
Vợ tôi: con gái: đàn bà: nữ nhi.

Vì đồng hồ thái dương chỉ dùng được ban ngày và những lúc có mặt trời, nên người ta phải tìm dùng vật khác để tiện lợi trong việc đo thời gian, phân định

Năm Gai Nếm Mật


"Nằm gai nếm mật" do chữ "Ngọa tân thường đảm".

Đời Xuân Thu (722-479 trước D.L.), hai nước Ngô và Việt đánh nhau. Sau trận đại bại tại Cối Kê, vua Việt là Câu Tiễn phải mình trần sang lạy vua Ngô là Phù Sai xin hàng. Ngô vương bắt vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô làm con tin, có quan Tướng Quốc là Phạm Lãi theo hầu. Cả ba đều bị giam trong ngục đá.

Hằng ngày vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi phải cắt cỏ, hốt phân ngựa, gánh nước rửa dọn chuồng ngựa, kiếm củi nấu cơm... Suốt thời gian ba năm, chúa tôi sống một cách vô cùng vất vả cực nhọc, những vẫn bền chí đợi thời.

Một hôm vua Ngô đau, Câu Tiễn nghe theo lời của Phạm Lãi là chịu nếm phân của vua Ngô để được vua Ngô tin kẻ hàng giữ dạ trung thành. Nhờ đó mà cả ba được phóng thích về nước.

Được trở về cố quốc, nhớ đến nỗi thất bại nhục nhã và bị giam cầm làm nô lệ, Câu Tiễn vô cùng căm uất, lòng canh cánh mưu toan báo thù. Tướng quốc Phạm Lãi nói:

- Chúa công chớ lúc nào quên cái nhục ở ngục đá thì mới có cơ báo thù được nước Ngô.

Câu Tiễn đáp:

- Xin vâng lời dạy bảo!

Bấy giờ giao quốc chính cho Văn Chủng, giao quân chính cho Phạm Lãi, nhà vua tôn hiền đãi sĩ, kính người già, thương kẻ nghèo, đối xử trăm họ như anh em nên được mọi người mến phục.

Đến mùa làm ruộng, Câu Tiễn cũng vác cày đi cày. Vương phi Câu Tiễn cũng chăm việc dệt cửi. Cùng đám dân chia sự lao khổ, ăn mặc rất tiết kiệm.

Muốn gấp báo thù, Câu Tiễn cố sức chăm chỉ làm việc suốt ngày đêm. Khi nào buồn ngủ thì lấy cỏ lục (rau răm) xoa vào mắt cho cay làm mắt phải mở. Chân lạnh muốn co thì dầm nước lạnh. Mùa đông lạnh thì ôm giá. Mùa hè nóng nực thì ngồi bên lửa. Bỏ cả giường nệm, lấy gai lấy củi lót nằm. Quả mật luôn luôn treo ở chỗ ngồi, chỗ nằm, thỉnh thoảng lại nếm một ít như để nhắc lại nỗi tủi nhục, khổ đau. Đêm nào cũng sùi sụt khóc. Khóc chán lại thở dài. Hai chữ "Cối Kê" lúc nào cũng lẩm nhẩm ở miệng.
Theo 7 kế phá Ngô của Văn Chủng, mới thi hành được 3 thì nước Việt hưng thịnh, nước Ngô suy. Cuối cùng nước Việt báo được thù, thôn tính nước Ngô, và vua Ngô tự tử.

Trong bài "Văn tế trận vong tướng sĩ" của Nguyễn Văn Thành đời vua Gia Long, có câu: "Nằm gai nếm mật chung nỗi ân ưu; mở suối bắc cầu riêng phần lao khổ".

"Nằm gai nếm mật" có nghĩa chịu những việc lao khổ để trả thù cho kỳ được là do điển tích trên.

Điểu Tận Cung Tàng

"Điểu tận cung tàng" nghĩa là: khi chim đã chết thì người ta vác cung đi một nơi mà không dùng đến nữa. Nguyên câu Hán văn: "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong". Nghĩa là: "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết".
Nguyên đời Xuân Thu (722-479 trước D.L.), nước Việt và nước Ngô giao tranh. Vua Ngô là Phù Sai thất bại. Thế cùng lực tận và bị bao vây bức bách quá, định xin hàng. Phù Sai biết có hai bề tôi có uy quyền của Việt Vương Câu Tiễn là Tướng Quốc Phạm Lãi và Đại Phu Văn Chủng, nên viết một bức thư, buộc vào mũi tên, bắn vào thành Việt, mong hai người tâu giúp vua Việt cho hàng. Quân Việt lượm được đệ trình lên Phạm Lãi và Văn Chủng. Thư ấy nói:

"Tôi nghe giảo thỏ chết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn. Sao quan Đại Phu không lưu cho nước Ngô tôi còn lại một chút để làm cái dư địa sau này".

Nhưng Phạm Lãi và Văn Chủng không cho hàng. Cuối cùng Phù Sai tự tử.

Việt Vương Câu Tiễn chiếm được nước Ngô, bày tiệc rượu trên Văn Đài nước Ngô. Các quan vui say đánh chén nhưng Câu Tiễn lại có vẻ không vui. Phạm Lãi biết ý nhà vua không muốn nói đến công của kẻ hầu hạ đã diệt được Ngô mà lòng vua lại mang mối nghi kỵ, nên xin từ quan trí sĩ.

Nhưng trước khi bỏ nước đi du Ngũ Hồ, Phạm Lãi có viết thư gởi cho bạn là Văn Chủng. Thư nói: "Vua Ngô có nói: "Giảo thỏ đã chết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn". Ngài không nhớ hay sao! Vua Việt môi dài mỏ quạ là người nhẫn nhục mà ghét kẻ có công. Cùng ở lúc hoạn nạn thì được, chớ cùng ở lúc an lạc thì không toàn, nay ngài không đi ắt có tai vạ".

Văn Chủng xem thư phàn nàn Phạm Lãi, cho họ Phạm xử như thế là khí quá!

Quả thực như lời Phạm Lãi nói. Câu Tiễn không chia cho các quan một thước đất nào, lại có ý khinh dể công thần. Văn Chủng buồn bã, cáo ốm không vào triều. Câu Tiễn vốn biết tài của Văn Chủng, nghĩ thầm: Ngô đã diệt, còn dùng hắn chi nữa, một khi hắn làm loạn thì sao trị nổi, nên muốn trừ đi.
Một hôm, Câu Tiễn đến thăm bịnh Văn Chủng, bảo:

- Ta nghe người chí sĩ không lo cái thân mình chết mà lo cái đạo mình không được thực hành. Nhà ngươi có 7 thuật, ta mới thi hành có 3 mà Ngô đã diệt, còn thừa 4 thuật, nhà ngươi định dùng làm gì?

Văn Chủng đáp:

- Tôi cũng không biết dùng làm gì cho được!

Câu Tiễn nói:

- Xin nhà ngươi đem 4 thuật ấy mà mưu hộ cho tiền nhân nước Ngô ở dưới âm phủ, phỏng có nên chăng?

Nói xong, lên xe đi về, bỏ thanh kiếm đeo tại chỗ ngồi. Văn Chủng cầm lấy xem thấy vỏ kiếm có đề chữ Chúc Lâu, là thanh kiếm của Phù Sai đưa cho Ngũ Viên tự tử khi trước. Văn Chủng ngửa mặt lên trời than: "Cổ nhân có nói "Ơn to thì không báo nữa", ta không nghe lời Thiếu Bá đến nỗi bị giết, chẳng cũng ngu lắm ru!"

Văn Chủng nói xong, cầm kiếm tự tử.

Lời nói: "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong" được nhiều người về sau nhắc lại.

Đời Tây Hán (206 trước 23 sau D.L.), Hàn Tín,người đất Hoài Âm phò Hán Lưu Bang, có tài cầm quân nên diệt Triệu, phá Ngụy, thắng Sở, làm cho Sở Bá Vương Hạng Võ phải bức tử ở Ô Giang. Hán Lưu Bang thấy tài của Hàn Tín quán thế thiên hạ và Tín có ý cậy công nên nghi Tín làm phản, lòng toan mưu mẹo chờ dịp giết Tín.

Khoái Triệt là tướng tâm phúc của Hàn Tín có khuyên: "Tôi lo thầm cho túc hạ, vì thấy túc hạ chắc rằng Hán Vương chẳng hại thì là lầm lắm: Hể thú rừng hết thì ắt làm thịt chó săn, túc hạ phải lo cho xa mới được. Vả lại, dõng lược mà rúng chúa, thì mình khốn, công trùm thiên hạ lại chẳng được thưởng. Nay túc hạ mang cái oai rúng chúa, cầm cái công chẳng thưởng mà muốn cho được an thân sao?"

Hàn Tín cho là phải nhưng không nghe theo để đề phòng. Sau Hàn Tín bị vua lừa bắt tại Vân Mộng, kết án mưu phản, toan đem xử tử. Hàn Tín thở dài, than:

- Chim rừng hết thì cung ná quăng, chồn thỏ hết thì chó săn chết, nước giặc phá thì mưu thần mất, nay thiên hạ định thì tôi phải chết.

May nhờ trung thần là Đại Phu Điền Khẳn can gián nhà vua nên Tín được tha, nhưng bị tước hết binh quyền. Tuy vậy, cuối cùng, Tín bị vợ của Hán Vương là Lữ Hậu tên Lữ Trỉ âm mưu dụ bắt Hàn Tín và xử tử tại Vị Ương Cung.

Người đời sau có làm hai bài thơ tứ tuyệt tiếc Hàn Tín. Trong đó có những câu:
Mươi năm chinh chiến công lao nặng,
Một phút phủi rồi uổng xiết chi.
Và:
Chim hết ná quăng đà chẳng biết,
Hoài âm sao chẳng sớm lo âu.
Ở nước Việt Nam đời nhà Nguyễn (1802-1945), vua Gia Long Nguyễn Ánh sau khi thống nhất đất nước lại có ý nghi kỵ các công thần có tài cán lật đổ ngai vàng của mình, nên tìm dịp để giết hại. Nguyễn Văn Thành có tài thao lược đã theo phò Gia Long từ lúc còn nhỏ, lận đận lao đao với nhà vua, cũng như Đặng Trần Thường có tài văn học, trốn Tây Sơn vào Gia Định giúp vua, thế mà cả hai ông đều bị xử tử vì những lỗi tầm thường.
Tương truyền Đặng Trần Thường khi còn bị giam trong ngục, có làm bài "Hàn Vương tôn phú" bằng quốc âm để ví mình như Hàn Tín đời Hán.
Sử gia Việt Nam, Trần Trọng Kim, soạn giả quyển "Việt Nam sử lược", chép về đoạn này có viết: "...chỉ hiềm có một điều là khi công việc xong rồi, ngài không bảo toàn cho những công thần, mà lại những chuyện nhỏ nhặt đem giết hại những người có công với ngài, khiến cho hậu thế ai xem đến những chuyện ấy cũng nhớ đến vua Hán Cao, và lại thở dài mà thương tiếc cho những người ham mê hai chữ công danh về đời áp chế ngày xưa".
Ngày xưa, phần đông nhà vua nào cũng thế, chớ riêng gì vua Gia Long. Ngày nay cũng vậy thôi, mới có câu thành ngữ: "Được chim bẻ ná, được cá quăng nơm" để chỉ sự phản bội của nhà vua mà cũng là sự phản bội của những người đối với kẻ giúp mình được lập nên thân thế, địa vị.


             Không Vào Hang Hùm Sao Bắt Được Cọp Con

"Không vào hang hùm sao bắt được cọp con", nguyên Hán văn: "Bất nhập hổ huyệt an đắc hổ tử". Đó là lời nói bất hủ của tướng Ban Siêu đời nhà Hán ở Trung Hoa.
Ban Siêu người đất Bình Lăng. Cha là Ban Bưu, anh cả là Ban Cố, em gái là Ban Chiêu, đều là những người học vấn uyên thâm nổi tiếng một thời. Siêu cũng là người học rộng tài cao, hay thích biện luận.
Năm thứ năm, niên hiệu Vĩnh Bình đời Hán Minh Đế (58-76), Siêu theo anh và mẹ lên Lạc Dương. Nhà nghèo, phải viết mướn trong dinh quan Tri Phủ để kiếm tiền nuôi mẹ. Cuộc đời chật vật và vô vị đã khiến Ban Siêu chán nản uất ức. Đã nhiều đêm nằm trên chiếc chiếu rách, quạt phì phạch chiếc quạt nan, Siêu nhìn lại dĩ vãng mà đau lòng, rồi trông vào hiện tại mà lo lắng cho tương lai của mình và cả gia đình. Là một thanh niên có học thức, huyết chí phương cương, Ban Siêu không thể để cuộc đời trôi theo dòng đời một cách tầm thường, vô vị.

Một hôm, đang viết công văn cho quan phủ, Ban Siêu bỗng vứt mạnh bút xuống giường, hét lên một tiếng, khẳng khái nói: "Đại trượng phu sinh ra ở trên đời phải lập cho mình một sự nghiệp hiển hách mới thỏa chí bình sinh, chớ sao lại chịu chết già chốn bút nghiên đói lạnh này!" Đoạn Siêu bỏ đi.
Mười sáu năm sau, Đậu Cố vâng lịnh vua Hán đem binh đánh Hung Nô, Siêu tùng quân, giúp nhiều kế hay, có công lớn, được phong chức Tư Mã.

Đậu Cố thấy Ban Siêu có tài bèn sai đi sứ cùng Quách Tuân sang Tây Vực.

Quách Tuân và Ban Siêu đến nước Thiên Thiện. Vua nước này tiếp đãi rất nồng hậu. Nhưng ít lâu sau, Siêu nhận thấy thái độ nhà vua bỗng lạnh nhạt với mình nên sinh nghi. Tìm cách hỏi dò lính hầu thì mới biết nhà vua nghe lời gièm pha của bọn sứ thần Hung Nô vừa mới đến đây vài ngày nên nhà vua không ưa chuộng bọn Ban Siêu nữa. Là người thông minh quyết đoán, Siêu tiên đoán ngay tương lai nguy hiểm nên vội tìm cách đối phó.

Biết Quách Tuân là người nhu nhược nên Siêu không tính kế với hắn; chỉ triệu tập thủ hạ cả 36 người uống rượu bàn mưu. Rượu đã ngà ngà, Siêu lấy lời nói khích:

-Anh em cùng tôi xa xôi ngàn dặm đến đây, ai cũng muốn lập công lớn để mong cầu phú quý. Sự nghiệp chưa thành mà nguy cơ đã đến. Hiện nay sứ Hung Nô vừa tới đã cố ý gièm pha, khiến vua Thiên Thiện thay lòng đổi ý lãnh đạm với chúng ta. Nếu chẳng may chúng ta bị nhà vua bắt nạp cho Hung Nô, chết uổng mạng nơi đồng hoang, làm mồi cho hổ báo, thì anh em liệu có cam tâm chịu chết nhục không?

Bọn thủ hạ nghe nói vừa sợ vừa tức, đồng thanh nói:

-Việc gấp rút như thế, sống chết xin theo lịnh ngài.

Siêu bảo:

-Không vào hang hùm sao bắt được cọp con. Chúng ta bây giờ thừa đêm tối trời, xông vào đốt phá dinh trại Hung Nô. Xuất kỳ bất ý hẳn phải toàn thắng.

Thế rồi, vào canh ba đêm đó, Siêu dẫn thủ hạ đến gần trại Hung Nô, chia làm hai đội. Một đội phục đằng sau có đủ khí giới trống chiêng; một đội phục đằng trước, tay sẵn sàng cung tên chờ lịnh.

Quân Hung Nô ngon giấc.

Ban Siêu tức tốc hạ lịnh nổi lửa đốt trại.

Lửa bốc cháy. Khói mù mịt. Lửa theo gió, gió thổi lửa. Gió lửa tung hoành trong bầu trời mù mịt bóng đêm. Quân Hung Nô choàng dậy, hoảng hốt, kêu khóc vang dầy, bỏ chạy tán loạn.

Phục binh của Siêu nhất tề đứng dậy, hò hét inh ỏi. Kẻ dùng tên bắn, người dùng giáo đâm, kẻ dùng đao chém. Chỉ trong chốc lát, quân Hung Nô bị mất ba bốn chục đầu. Còn hơn trăm tên khác đều bị cháy trong đống lửa, không một kẻ thoát thân.

Thắng trận, Ban Siêu lên mặt, hạ lịnh đòi vua Thiên Thiện đến, cho xem mấy chục thủ cấp Hung Nô. Vua sợ hãi quá, phải xin hàng làm thuộc quốc Hán triều.

Hoàn thành nhiệm vụ, Ban Siêu trở về nước, được vua Minh Đế khen thưởng, phong chức quan Tư Mã, ban cho 200 tấm vải.


Sau Ban Siêu còn lập nhiều chiến công vĩ đại nữa là đánh bại nước Quy Tư, uy danh lẫy lừng. Suốt cõi Tây Vực, 50 nước rải rác khắp bắc đạo cũng như nam đạo đều phải dâng biểu triều cống nhà Hán, Siêu được vua Hán trọng đãi phong chức Đinh Viễn Hầu.

Sau 31 năm tung hoành Tây Vực, Ban Siêu đã 71 tuổi.

Trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm", bản dịch của Đoàn Thị Điểm, có câu:
 Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Và:
         Múa gươm rượu tiễn chưa tàn,
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.

"Hang beo" hay "hang cọp" (hổ huyệt) cùng đồng nghĩa để chỉ chỗ nguy hiểm. "Xếp bút nghiên", "Hang beo" đều do điển tích trên.

                        Quyển Tiểu Thuyết Tẩm Thuốc Độc


Quyển tiểu thuyết tẩm thuốc độc này là quyển "Kim Bình Mai" ở Trung Hoa, tác giả Vương Thế Trinh, người đời nhà Minh.

"Kim Bình Mai" là một bộ tiểu thuyết vừa nổi tiếng vừa mang tiếng. Nổi tiếng nhờ nghệ thuật tả chân cao, nhờ nội dung chống bọn cường hào khá. Nhưng lại mang tiếng vì những đoạn diễn tả khiêu dâm đậm đà. Mà những đoạn này muốn chiếm cả toàn quyển truyện.

Sự tích Kim Bình Mai vốn rút trong truyện "Thủy Hử" của Thi Nại Am. Trong "Thủy Hử", tên kỳ hào lưu manh là Tây Môn Khánh thông dâm với vợ của Võ Đại Lang là Phan Kim Liên và âm mưu giết Võ đi. Sau em của Võ Đại Lang là Võ Tòng giết cả hai để báo thù cho anh.

Trong "Kim Bình Mai", sự việc gian dâm này được miêu tả một cách tinh tường, vô cùng "hấp dẫn". Nguyên tên thổ hào Tây Môn Khánh có một chánh thất và ba thứ thiếp, ngày đêm chơi bời phóng đãng. Dưới tay hắn có một bọn tay sai toàn đầu trộm đuôi cướp chuyên đánh thuê giết mướn. Hắn thấy Phan Kim Liên là vợ của Võ Đại Lang có sắc đẹp bèn lập kế giết Đại Lang để giựt Phan Kim Liên về làm tỳ thiếp. Võ Tòng, em của Đại Lang về báo thù nhưng lại giết lầm một người khác, Tây Môn Khánh trốn thoát được.

Sau đó, hắn lại lấy thêm con tỷ tất của Kim Liên là Xuân Mai, rồi nạp thêm Bình Nhi làm thiếp. Vì thế truyện mới lấy tên ba nàng là "Kim Bình Mai".

Tây Môn Khánh vốn tay cự phú, với quan phủ địa phương rất thân mật nên mặc sức tung hoành, tác oai, tác ác thiên hạ. Hắn hoang dâm quá độ cùng bầy mỹ nữ chuyên môn nghệ thuật khích dâm. Một hôm hắn bị bạo bệnh chết ngay trên mình người tỳ thiếp.

"Kim Bình Mai" đã bóc trần được bộ mặt xấu xa tàn ác dâm bạo của tên thổ hào Tây Môn Khánh nói riêng, và những tên thổ hào khác đời Tống nói chung. Về phương diện nghệ thuật, "Kim Bình Mai" đạt đến một mức khá cao. Những nhân vật và hành động được tác giả vẽ lên như sống. Nhưng "Kim Bình Mai" thuộc về loại dâm thư vì lối diễn tả những chuyện dâm tình quá bạo, dễ kích thích người đọc.
Quyển tiểu thuyết này được người Pháp dịch ra Pháp văn. Tên dịch giả không được nhớ.

Tương truyền: tác giả quyển "Kim Bình Mai" là Vương Thế Trinh, người đời nhà Minh vốn có phụ thù với Nghiêm Thế Phồn. Thân phụ của tác giả là Vương Dư bị cha của Thế Phồn là Nghiêm Tung vốn quan thái sư đương triều hại thác. Uy thế họ Nghiêm rất mạnh. Vương Thế Trinh không làm gì được. Thế Phồn là con trai duy nhứt của Nghiêm Tung, họ Vương biết hắn thích đọc truyện khiêu dâm nên viết bộ "Kim Bình Mai", "lòn" cho người chuyền đến tay Thế Phồn. Và mỗi góc tờ sách đều có tẩm thuốc độc, để khi Thế Phồn lấy tay thấm vào môi lật sách, cố nhiên sẽ ngộ độc.

Truyện "Kim Bình Mai" đến tận tay Thế Phồn. Hắn vốn có tật thấm nước miếng lật sách. Nhưng lần này lại khác. Vì đọc qua chương đầu, hắn cảm thấy bị "hấp dẫn" ngay. Rồi vì muốn giữ cho sách được lâu, đừng bị ướt nên hắn không thấm nước miếng mà lại cẩn thận giở từng tờ. Do đó, mục đích của tác giả "Kim Bình Mai" không đạt được.

Quyển truyện không giết được kẻ thù. Nó lại được lưu hành trong dân chúng. Lần này nó lại đầu độc tinh thần quần chúng quá tợn. Nhứt là thanh niên nam nữ xem đến thì càng cảm thấy sóng lòng thèm khát bồng bột ... quá chừng!

Hết Phần 12