Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Sông Ngòi Và Kinh Rạch Vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định


Trong địa phận vùng Sài Gòn-Gia Định ngày nay có hai con sông lớn chảy ngang qua, đó là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sông Sài Gòn, còn gọi là sông Bến Nghé khi nó chảy ngang qua vùng đất Bình Dương ngày nay. Từ sau năm 1788 khi thành Qui(56) được xây dựng thì vùng Bến Nghé đã một sớm một chiều biến thành xứ thành thị vì Thành Qui rất thuận tiện, trên chợ dưới bến nên người thời đó còn gọi là chợ Bến Thành(57) với cả một dãy dinh thự, kho lẫm, xưởng đóng ghe thuyền và tàu chiến. Đồng thời, hệ thống đường sá và phố chợ được xây dựng rất qui mô. Chính vì vậy mà thương cảng Bến Nghé có sức thu hút rất lớn đối với các thương nhân ngoại quốc. Cũng chính từ đó mà dòng sông Bến Nghé trở nên tấp nập với đủ loại thương thuyền. Về phía tây dòng Bến Nghé nối liền với sông Bình Dương(58), ăn xuống An Thông mà tục danh là sông Sài Gòn. Giao thông đường thủy rất thuận tiện chẳng những cho tàu bè từ ngoài biển vào, mà còn cho tất cả tàu bè từ miền Tây đi lên. Khi chảy đến vùng Thủ Đức, sông Sài Gòn lại có tên là Đức Giang, sau đó nó chuyển rẽ xuống ngã ba Phù Gia, tục gọi là ngã ba sông Nhà Bè, từ đó sông Sài Gòn đổ thẳng vào sông Nhà Bè(59), rồi sau đó chảy ra cửa biển Cần Giờ, bờ nam của sông là địa giới của trấn Phiên An; phía nam giáp trấn Định Tường, phía trên từ Quang Hóa, Quang Phong, về phía tây đến Vàm Dừa, Rạch Cỏ, đến sông Bát Chiên, chuyển xuống phía đông đến sông Vũng Gù, qua Tra Giang rồi ra cửa biển Soài Rạp, dùng bờ bắc của sông nầy làm địa giới của trấn Phiên An.
Con sông lớn thứ nhì chảy ngang qua vùng Sài Gòn là sông Đồng Nai. Tuy sông Đồng Nai không sánh được với hai con sông lớn là Hồng Hà và Cửu Long, nhưng chính nó đã biến cả miền Đông Nam phần thành một vùng trù phú không kém gì vùng châu thổ sông Cửu Long. Sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên(60), chảy qua địa phận Lâm Đồng(61), tiếp tục chảy ngang qua các thác Dambri, xuống đèo Bảo Lộc, Suối Tiên, rồi dòng sông tiếp tục chảy qua các vùng rừng núi Nam Trung Việt đến địa phận Định Quán, rồi đổ vào hồ Trị An. Tuy nhiên, ở khúc sông này mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì nước chảy xiết cuồn cuộn, nên tàu bè không lưu thông được. Qua khỏi vùng Trị An thì thế đất tương đối bằng phẳng hơn nên sông sâu và nước chảy chậm hơn. Trước khi chảy vào Biên Hòa, sông Đồng Nai phân làm hai nhánh, bao bọc những cù lao Tân Chánh, cù lao Rùa, và cù lao Tân Triều. Sau khi chảy qua tỉnh lỵ Biên Hòa, sông lại chia nhánh bao bọc các cù lao Phố và cù lao Ông Còn. Sau đó hai dòng hợp lại để chảy theo hướng Bắc Nam về hướng Sài Gòn, nó không chảy ngang qua thành phố Sài Gòn, mà chảy qua Nhà Bè, nên người gọi nó là sông Nhà Bè. Qua khỏi Nhà Bè, sông Đồng Nai có một phân lưu khác là sông Lòng Tảo(62). Trên đường chảy ra cửa Cần Giờ, sông Đồng Nai lại có thêm những phụ lưu quan trọng khác, bên hữu ngạn có sông Bé và sông Sài Gòn, tả ngạn có sông La Ngà. Tại đây các sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây cùng chảy vào sông Đồng Nai trước khi đổ ra biển tại cửa Xoài Rạp(63).
Vùng Sài Gòn còn có một con kinh cổ, đã được đào từ năm 1772, đó là kinh Ruột Ngựa. Theo Gia Định Thành Thông Chí, được viết vào khoảng năm 1820, kinh Mã Trường Giang(64), nằm trong địa phận các quận 6, 8 và 11 ngày nay. Ngày trước từ cửa Rạch Cát ra phía Bắc đến xóm Lò Gốm có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được. Mùa thu năm Nhâm Thìn 1772, chúa Nguyễn ra lệnh cho đào thẳng đường nước nầy, do có hình như một đường thẳng nên người ta gọi nó là ‘Kinh Ruột Ngựa’. Từ ngày đào xong kinh Ruột Ngựa, ghe thuyền từ các vùng miền Tây lên Sài Gòn đi lại rất dễ dàng. 
Ngoài hai con sông lớn là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định còn có rất nhiều kinh rạch chằng chịt khác. Tuy nhiên, đáng kể nhất là trong địa phận huyện Cần Giờ có rất nhiều sông rạch tự nhiên như sông Soài Rạp (khúc sông Đồng Nai chảy ngang qua Cần Giờ trước khi dỗ ra cửa biển Soài Rạp); sông Vàm Sát, chảy từ cửa Vàm Sát bên sông Soài Rạp qua sông Đồng Tranh; sông Lòng Tàu, chảy từ phía sông Nhà Bè gặp sông Dừa, trở thành sông Ngã Bảy trước khi chảy ra cửa Vịnh Gành Rái; sông Đồng Tranh chảy từ phía sông Lòng Tàu và đổ nước vào ngã tư của bốn con sông: sông Dừa, sông Lòng Tàu, sông Ngã Bảy và sông Đồng Tranh. Khúc sông từ sông Lòng Tàu chảy về hướng tây nam trước khi đổ ra biển cũng có tên là sông Đồng Tranh. Về phía đông của Cần Giờ còn có các sông Bà Giỏi, sông Gò Gia và sông Thị Vải, tất cả đều đổ ra vịnh Gành Rái phía giáp với Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thương Cảng Sài Gòn-Chợ Lớn Và Cù Lao Phố:
Trong tiến trình hoàn thành cuộc Nam Tiến, những người Minh Hương chẳng những có công trong việc mở đất, mà còn có công rất lớn trong việc phát triển miền Nam nữa. Năm 1679, chúa Nguyễn cho 3.000 người Trung Hoa vào khai khẩn đất phương Nam. Trần Thượng Xuyên, tổng binh các châu Cao, Lôi, Liêm, cùng phó tướng Trần An Bình theo cửa Cần Giờ, lên đồn trú tại xứ Đồng Nai, khai phá đất hoang, lập ra Đông Phố, một trong những khu thị tứ sầm uất nhất của xứ Đàng Trong thời bấy giờ. Giai đoạn người Minh Hương vào khai khẩn hoang địa miền Nam là một trong những giai đoạn thuận lợi nhất cho xứ Đàng Trong trong suốt tiến trình Nam Tiến. Trong lúc quân binh của tướng Trần Thượng Xuyên đang hướng về Đông Phố, thì quân binh của tướng Dương Ngạn Địch cũng rầm rộ kéo về các vùng Mỹ Tho và Cao Lãnh, xây dựng nên khu Đại Phố Mỹ Tho và những thành phố lớn ở phía tây nam về sau nầy. Trên đường du hành lên thượng nguồn sông Đồng Nai, tướng Trần Thượng Xuyên và quân binh đã quyết định dừng lại tại vùng Cù Lao Phố, vì vùng nầy có nhiều tiềm năng về cả hai mặt nông nghiệp và thương nghiệp. Bên cạnh đó, về mặt giao thông thì thuận tiện cả hai mặt thủy và bộ. Đây là một hòn đảo phì nhiêu, nằm trên sông Đồng Nai, nên chỉ sau một thời gian ngắn, những người Minh Hương nầy đã thành lập và phát triển khu nầy thành Nông Nại Đại Phố. Lúc đó Đông Phố có giao dịch thương mại với người Tàu, Nhật, châu Âu. Thuyền bè tụ tập về đây rất đông đảo. Kể từ thập niên 1680, Cù Lao Phố, hay Đông Phố, hay Giản Phố, đã bắt đầu trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất của xứ Đàng Trong. Cù Lao Phố nằm cách bờ biển trên 100 cây số, nhưng lúc đó nó là một cảng nước sâu, là trung tâm tụ hội của các khu vực, là khu chợ đầu mối của các khu chợ quanh vùng. Vào thời Pháp thuộc, quốc lộ số 1 và đường rầy xe lửa xuyên Việt đều đi ngang qua Cù Lao Phố qua hai cây cầu là cầu Gành về phía nam và Cầu Rạch Cát về phía bắc. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn đã ghi lại cảnh phồn thịnh và sầm uất của Cù Lao Phố như sau: “Cù Lao Phố ngày trước là một nơi hưng thịnh, thu hút nhiều cư dân đến từ miền Trung. Nhà mái ngói, tường vôi, lầu cao, quán rộng. San sát bên bờ sông là các nhà làm bằng gỗ hai tầng, nối liền năm dặm. Ngoài việc xây cất nhà cửa, chợ búa, phát triển các nghề trồng trọt, thủ công nghiệp, tướng Trần Thượng Xuyên còn cho xây ba loại đường rộng, bằng phẳng, đến nay vẫn còn. Con đường giữa, theo chiều dài cù lao, lót đá ong đỏ, dài khoảng 4 cây số, từ chùa Đại Giác đến Bến Đò Kho. Con đường thứ hai, xây ngang qua Cù Lao Phố, lót đá trắng, cắt ngang con đường giữa cạnh chợ Hiệp Hòa, đi đến bến đò Tân Vạn. Con đường thứ ba lót đá xanh, bao quanh Cù Lao, ngày nay không còn nữa.” Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, thì Cù Lao Phố lại là điểm tranh chấp quan trọng của cả hai phe. Phải thành thật mà nói, con cháu của người Hoa trong vùng Đông Phố luôn nhớ ơn các chúa Nguyễn, nên họ lúc nào cũng tuyệt đối trung thành với triều đình nhà Nguyễn, cho dù cái triều đình ấy có thối nát thế mấy, họ vẫn trung thành. Chính vì vậy mà một thảm kịch đã xảy ra vào năm 1776, khi quân Tây Sơn đánh chiếm thành Gia Định, người Hoa tại đây vẫn một mực tiếp tục đóng thuế và gởi quân trang quân dụng tiếp tế cho quân của Nguyễn Ánh. Sau nhiều lần kêu gọi người Hoa đừng tiếp tục tiếp tay cho Nguyễn Ánh đều thất bại, năm 1776, Nguyễn Nhạc đã tàn sát một số rất đông người Hoa cũng như tàn phá gần như toàn bộ Đông Phố. Hầu như toàn bộ nhà cửa, tiệm buôn, phố xá, kho chứa hàng... đều bị thiêu rụi. Trong khi đường sá bị đào bới lên, và các cơ sở thủ công nghệ đốt cháy. Tóm lại, sau trận chiến năm 1776, cả vùng thương cảng sầm uất đã biến thành bình địa. Những người sống sót đã bỏ chạy về lánh nạn tại vùng Bến Nghé, nơi mà họ tiếp tục xây dựng và phát triển một trung tâm khác mang tên “Chợ Lớn” về sau nầy. Theo Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức đã ghi lại cảnh Đông Phố vào năm 1776 như sau: “Chỗ nầy biến thành gò hoang; khu trung hưng người ta trở về, nhưng dân số không còn bằng một phần trăm lúc trước.”(65) 

Sau biến cố năm 1776, Cù Lao Phố bị tàn phá gần hết, hầu như toàn bộ những người Minh Hương còn sống sót đều chạy về lánh nạn tại vùng Bến Nghé, rồi sau đó tin đồn Bến Nghé là nơi tốt, thuận tiện cho việc thương mãi còn hơn cả Cù Lao Phố, nên người Hoa lại ùn ùn kéo nhau về Bến Nghé làm ăn. Từ đó Bến Nghé nghiễm nhiên trở thành vị trí trung tâm thay thế cho Giản Phố. Thêm vào đó, thành Qui (66) được xây dựng tại vùng Gia Định càng khiến cho vị trí của Bến Nghé trở nên quan trọng hơn. Thêm vào đó, vị trí Bến Nghé càng trở nên quan trọng hơn vì dòng sông Bến Nghé, chạy về phía Tây liền với sông Bình Dương, tức là rạch Bến Nghé, rồi chảy xuống rạch An Thông(67), nối liền với rạch Bảo Định(68) chảy xuống miền Tây. Bên cạnh đó, chợ phố Sài Gòn nằm san sát bên bờ sông Sài Gòn, mà những ngã về miền tây cũng như miền đông đều không xa, nên vị trí Bến Nghé ngày càng trở nên thuận tiện, trong khi vai trò của Cù Lao Phố ở Biên Hòa cũng bị mất dần. Tuy nhiên, một lần nữa, thảm kịch lại xảy ra tại vùng Bến Nghé vào năm 1782. Sau khi quân của Nguyễn Nhạc đã hạ xong thành Phiên An(69), thoạt đầu Nguyễn Nhạc cũng kêu gọi người Hoa đừng tiếp tục tiếp tay cho Nguyễn Ánh, nhưng không có kết quả, nên cuối cùng Nguyễn Nhạc đã làm một việc hết sức thất nhân tâm, ông đã ra lệnh tàn sát tất cả những người Hoa cư ngụ trong vùng, từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn(70).
Tuy vậy, sau khi quân đội của Nguyễn Nhạc rút về Qui Nhơn, thì người Hoa lại qui tụ về đây, tiếp tục đi về phía tây nam và phát triển vùng Chợ Lớn. Chỉ vài năm sau đó, tức là khoảng cuối thập niên 1780, họ đã biến khu phố hoang tàn thành một Chợ Lớn sung túc và sầm uất hơn xưa rất nhiều lần. Đến cuối thế kỷ thứ XVIII thì cảng Bến Nghé-Sài Gòn đã là một thành phố thương cảng lớn nhất của miền Nam. Vào nửa đầu thế kỷ thứ XIX, năm 1821, một thương gia người Anh tên Finlayson, nhấp dịp ghé lại cảng Bến Nghé đã ghi lại như sau: “Không ngờ ở miền xa xôi này lại có một thành thị to rộng như thế, cách xếp đặt phố xá ở đây còn phong quang, thứ tự hơn nhiều kinh đô ở Âu châu.”

------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét