Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Đấng Sinh Thành


 
Đấng Sinh Thành

Khói hương nhẹ tỏa sợi mong manh
Ngỡ dáng xuân huyên hiện trước mành
Non Thái cao vời ơn dưỡng dục
Nước nguồn vô tận nghĩa sinh thành
Mưa sa bảo táp ba oằn gánh
Trái gió trở trời má vỗ canh
Khốn khó chẳng bao giờ quản ngại
Chỉ mong con trẻ được an lành.

Quên Đi
 
***
Nhớ Mẹ


Nhớ Mẹ năm xưa dáng mỏng manh
Ngồi phơi thóc giống trước hiên mành
Nắng lung linh rọi trên sân đất
Mây lững lờ trôi phía cổ thành
Ngoài rẫy, mùa màng tươi sắn bắp
Trong nhà, bếp núc ngọt cơm canh
Chờ chồng về nghỉ sau công cấy
Trao chén trà thơm thật mát lành

Phương Hà
 
***
Ơn Nghĩa Sinh Thành

Nhang khói bềnh bồng cuộn mỏng manh
Trên bàn thờ Tổ cạnh bên mành
Nhớ Cha nuôi dưỡng cao vời vợi
Nghĩ Mẹ công sinh đã tạo thành
Lúc ốm bố lo đâu quản ngại
Khi đau mạ thức suốt năm canh
Suối nguồn,non Thái sao bì được
Mong muốn các con mãi mạnh lành

Song Quang
***
Ơn Nghĩa Sinh Thành
 

Hương khói trầm trầm sợi mỏng manh 
Song thân bóng dáng ngỡ bên mành 
Tấm lòng trời biển công nuôi nấng 
Chín chữ cù lao đấng tạo thành 
Mưa nắng dãi dầu trên mọi nẻo 
Sớm hôm tần tảo đến tàn canh 
Dẫu cho khôn lớn tròn gia thất 
Vẫn mãi mong con vạn sự lành
Kim Phượng
 
***
Quán Núi
(Tá Vận)

Mặt hồ tuyết trắng rã từng manh,
Gió bấc hoàng hôn lộng bức mành.
Lặng lẽ lầu cao người ngắm cảnh,
Xa xa núi biếc khói xây thành.
Vượn rừng thảm thiết kêu đàn tối,
Phố sá im lìm vẳng trống canh.
Giường lạ chăn mền trằn trọc khách,
Lan can lãng đãng mảnh trăng lành.

 
Mailoc
11-9-17
( Hoài niệm một đêm khách sạn ở Tây An
Trung Quốc năm 2008 )


Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Chính Sách Dễ Dãi Của Xứ Đàng Trong Đối Với Người Minh Hương Và ...

 
Gánh hàng "Chí Mà phủ" của người Minh Hương ở Hội An

Chính Sách Dễ Dãi Của Xứ Đàng Trong Đối Với Người Minh Hương Và Sự Đóng Góp Của Người Hoa Trong Việc Khẩn Hoang Và Phát Triển Đất Phương Nam:


Ngay từ khi những người Hoa đầu tiên theo chân các tướng Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu đến xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã có những chánh sách hết sức dễ dãi cho họ trong vấn đề khẩn đất và làm ăn trong vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần. Nhờ vậy mà di dân người Hoa đã tận dụng những điều kiện có lợi trong việc làm ăn sinh sống để tạo nên những cộng đồng người Hoa rất thịnh vượng và đoàn kết trên khắp xứ Đàng Trong. Khởi đầu bằng những cộng đồng Minh Hương ở vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Mỹ Tho Đại Phố, Hà Tiên... rồi sau đó phát triển đến các vùng Prei Nokor(37), Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Tân An, Gò Công, Mộc Hóa, Tây Ninh, Cao Lãnh, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Châu Đốc và Rạch Giá. Chính sự dễ dãi của chính quyền xứ Đàng Trong mà các công đồng người Minh Hương đã phát triển vững mạnh cho đến ngày nay. Theo tài liệu lịch sử của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, rõ ràng các chúa Nguyễn đã cậy tay người Hoa làm những người dẫn đạo và chỉ huy trong công cuộc khai phá hoang địa Nam Kỳ thời đó. Theo tài liệu lịch sử của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, rõ ràng các chúa Nguyễn đã cậy tay người Hoa làm những người dẫn đạo và chỉ huy trong công cuộc khai phá hoang địa Nam Kỳ thời đó. Theo quyển Văn Hóa & Cư Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long, đa số những lưu dân Nam Kỳ đều là những nông dân nghèo ở miền ngoài hay những người Hoa không chịu hợp tác với Thanh Triều. Đây là những nông dân, binh lính, địa chủ và thương gia người Hoa ở các vùng Quảng Đông, Quảng Tây và Phước Kiến đã vì yêu nước và bảo vệ dân tộc chống lại sự đàn áp của triều đại Mãn Thanh. Họ còn là những nông dân bị cướp đất đuổi ra khỏi vùng môi sinh mà họ đã khai phá ở các vùng ngoại ô các thành phố miền Nam Trung Hoa(38). Khi đến xứ Đàng Trong, họ

được sự bao dung đón nhận của một dân tộc hiền hòa hiếu khách, thà chịu “chật bụng chứ không chật nhà” như dân tộc Việt Nam, thêm vào đó vùng đất phương Nam quả đúng như lời truyền tụng từ bao đời nay là vùng của “đất lành chim đậu”, nên những người Hoa một khi đã đến đây là muốn ở lại luôn chứ không còn có ý định muốn trở về xứ nữa. Chính nhờ vậy mà sau đó những khu buôn bán sầm uất ở Đông Phố (Biên Hòa), Bến Nghé (Sài Gòn), Chợ Lớn, Hà Tiên, và Bạc Liêu tuần tự được thành hình.


Ngoài ra, các chúa Nguyễn cũng hết sức dễ dãi cho người Hoa trong mọi vấn đề khiến cho cuộc sinh hoạt của họ trên vùng đất mới khai phá phương Nam thật là thuận tiện. Trước tiên, các chúa Nguyễn cho người Hoa được tự do lựa nơi cư trú. Chính vì thế mà sau khi tướng Trần Thượng Xuyên đã thành lập khu cù lao Phố, một số không nhỏ người Hoa đã lần mò đi đến các vùng xa hơn như Biên Hòa, Bình Long, Phước Long, Xuyên Mộc, Tây Ninh, Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Dương. Sau cuộc chạm trán khốc liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh tại vùng cù lao Phố vào năm 1776, rất nhiều người Hoa bị kẹt giữa hai chiến tuyến và đã chết trong trận chiến nầy, nên sau đó những người còn sống sót đã bỏ đi thật xa, họ chạy về phía tây nam của vùng Bến Nghé, tức vùng Prei Nokor thời đó hay vùng Chợ Lớn ngày nay để thành lập một cộng đồng người Hoa lớn nhất cả nước. Hiện nay tại Hội


An vẫn còn một tấm bia “Tuy Tiên Đường Bi” hãy còn ghi lại một đoạn văn nói về sự thiên di của nhóm ‘mười vị đại lão’ như sau: “Ban đầu họ ở Trà Nhiêu, sau dọn về Hội An, chia thôn đào giếng, dựng cổng xây tường, lưu truyền cho con cháu đến ngày nay.” Đây là một bằng chứng hiển nhiên về sự tự do lựa chọn chỗ ở của người Hoa ở xứ Đàng Trong. Kế đến, các chúa Nguyễn còn cho phép những người Hoa được tự do lựa chọn nghề nghiệp. Nói về buôn bán, chỉ cần họ đóng thuế đầy đủ, còn thì họ được tự do làm ăn tùy theo điều kiện và phương tiện mà họ có. Nói về làm ruộng rẫy, theo Đại Nam Thực Lục, họ có thể tự mình khẩn đất để làm ruộng rẫy hay họp lại thành nhóm khẩn đất để lập nên những đồn điền(39). Thời đó chính nhờ vậy mà rất nhiều người Minh Hương đã phiêu lưu tới những vùng xa để phá rừng làm rẫy như tại các vùng Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh, Hớn Quản, Hà Tiên, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Trấn Di (Bạc Liêu), Ba Thắc (Sóc Trăng), Trà Vinh và Trấn Giang (Cần Thơ). Chính nhờ chánh sách dễ dãi đối với sự di dân của người Hoa ngay từ thời các chúa Nguyễn, rồi đến thời các vua nhà Nguyễn, rồi đến thời Pháp thuộc và sau cùng là thời Việt Nam Cộng Hòa, nên lưu dân người Hoa đến lập nghiệp ở Nam Kỳ ngày càng đông. Năm 1955, theo thống kê của VNCH, tổng số người Hoa từ  vĩ tuyến 17 trở vào là hơn 800 ngàn người. Riêng tại Sài Gòn-Chợ Lớn đã có trên 500 ngàn, Rạch Giá khoảng 27 ngàn, Bạc Liêu khoảng 26 ngàn, Sóc Trăng khoảng 25 ngàn, Trà Vinh và Gia Định mỗi nơi khoảng 20 ngàn người; trong khi đó toàn miền Trung từ Quảng Trị vào Phan Thiết chỉ có khoảng chừng 25 ngàn người mà thôi. Sau năm 1975, tổng số người Hoa trên toàn quốc khoảng từ 1,3 đến 1,5 triệu người(40).

Ngoài việc trồng lúa nước, người Minh Hương còn lên líp làm rẫy và trồng nhiều loại hoa màu khác như củ cải, thuốc lá, bí, dưa, bắp, khoai. Chính những hoa màu phụ nầy đã giúp người Minh Hương làm giàu ở nhiều nơi như dọc theo bờ sông Ba Lai và cửa biển Mỹ Thanh(41). Bên cạnh việc buôn bán và làm ruộng rẫy, người Minh Hương còn làm nghề đánh bắt thủy hải sản và làm muối như tại các vùng Bạc Liêu và Hà Tiên(42). Ngoài ra, dầu ở Nam Kỳ không có nhiều quặng mỏ như các vùng Bắc và Trung bộ, vẫn có một số người Hoa làm nghề khai thác quặng mỏ, như những người Phúc Kiến khai thác quặng sắt ở núi Lò Thổi, thuộc trấn Biên Hòa. Họ lấy sắt đúc chảo, nồi, và nhiều vật gia dụng khác. Trong tất cả mọi ngành nghề mà người Minh Hương làm ở xứ Đàng Trong phải nói đến nghề buôn bán, đây là sở trường của người Hoa. Họ thường tập trung sinh sống tại những nơi có điều kiện mua bán như tại các đầu mối giao thông, các hải cảng, giang cảng, hoặc khu trung tâm của địa phương. Cũng giống như những người tiên phong của họ đã làm ở cù lao Phố, Mỹ Tho Đại Phố và Hà Tiên, vân vân, họ xây dựng phố sá để buôn bán ở những nơi thuận tiện, tạo nên cảnh quang thật tấp nập, trên bến dưới thuyền. Ngay từ cuối thế kỷ thứ 16, đầu thế kỷ thứ XVII, người Hoa đã lập nên những phố Thanh Hà ở Phú Xuân, phố Khách ở Hội An và Quảng Ngãi. Đến cuối thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII, ở vùng Đồng Nai-Gia Định, họ đã lập ra cù lao Phố, Mỹ Tho Đại Phố, và những khu phố sá buôn bán của người Hoa ở Hà Tiên. Đến giữa thế kỷ thứ 18, hầu hết những khu phố của người Minh Hương ở Nam Kỳ đã trở thành những nơi buôn bán phồn thịnh nhất trong vùng. Theo Gia Định Thành Thông Chí, Nông Nại Đại Phố ở đầu phía tây cù lao Đại Phố, lúc đầu tướng Trần Thượng Xuyên chiêu tập nhiều người Hoa đến xây dựng phố sá, mái ngói, tường vôi, lầu cao, quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới 5 dặm, chia vạch làm 3 đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, đường phố rộng bằng phẳng, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, có những xà lan liên tiếp nhau, ấy là một chỗ đo hội.”(43)


  Đến khoảng hậu bán thế kỷ thứ XVIII, khoảng năm 1776, sau trận chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, số người Minh Hương còn sống sót đã bỏ cù lao Phố để chạy về vùng Prei Nokor, tức vùng Chợ Lớn ngày nay, để thành lập một khu thương mại của người Hoa, chẳng những lớn nhất ở Nam Kỳ, mà có thể nói là lớn nhất trong cả nước. Trịnh Hoài Đức đã ghi lại vùng Chợ Lớn trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Đường phố lớn thẳng, suốt ba đường giáp đến bờ sông, bề ngang một con

đường giữa và một con đường dọc theo sông. Các con đường ấy xuyên giáp nhau như hình chữ điền, phố sá liên tiếp sát mái nhau, người Tàu và người ta ở chung lộn dài độ ba dặm... Ấy là một thị phố lớn và đô hội náo nhiệt.”(44). Đến thời Pháp thuộc, họ cho sáp nhập hai thành phố Bến Nghé và Chợ Lớn lại với nhau để thành lập đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn, lúc đó Chợ Lớn là kho hàng chính của toàn miền Nam. Thời đó, Chợ Lớn là điểm tập trung phân phối hàng hóa cho sáu tỉnh miền Nam. Đồng thời, vào cuối thế kỷ thứ 18, nhiều khu phố khác của người Minh Hương đã được thành lập dọc theo bờ sông Cửu Long như Vĩnh Long, Sa Đéc, An Giang và Châu Đốc. Tuy nhiên, những nơi nầy chỉ là những điểm chuyển tiếp, họ mua hàng hóa tại địa phương để chuyển về Chợ Lớn, và ngược lại họ lấy hàng hóa mà địa phương của họ không có từ Chợ Lớn để mang về phân phối lại cho các vùng xa trong tỉnh. Nói như vậy không có nghĩa là thương nhân người Hoa chỉ tập trung buôn bán tại những trung tâm buôn bán lớn, mà họ còn phiêu lưu đi về các vùng xa xôi hẻo lánh, tại các bờ sông, cửa biển, vân vân. Nói chung, hễ chỗ nào có cư dân người Việt hay người Khmer là có người Hoa tới cộng cư. Một điểm đặc biệt khác khiến cho các cộng đồng người Hoa ngày càng phát triển vững mạnh, dù họ ở đâu, họ cũng mở trường dạy tiếng Hoa cho con cháu của họ và dù làm gì đi nữa bên ngoài xã hội, đến khi về nhà họ chỉ nói tiếng Hoa chứ không nói tiếng Việt. Người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long và Bến Tre cũng như hầu hết người Việt gốc Hoa ở các nơi khác, họ sống co cụm thành nhóm và lập thành những bang hội, mỗi bang có một bang trưởng lãnh đạo. Họ sống rất đoàn kết, nếu cần thì bang của họ có thể đứng ra giúp đỡ về tài chánh để họ cùng làm ăn vươn lên với nhau. Chính vì vậy mà đa phần họ làm kinh tế rất mạnh.

Tóm lại, với chánh sách thật dễ dãi của các chúa Nguyễn đối với người Hoa đã góp phần không nhỏ trong việc khiến cho vùng đất Nam Kỳ đi sau mà đến trước. Ngày nay, ai trong chúng ta cũng đều phải công nhận Nam Kỳ chẳng những là vựa lúa lớn nhất cho cả nước, mà nó còn là trung tâm thương mại phát triển mạnh nhất trên toàn quốc. Trong sự nghiệp khai khẩn và phát triển vùng đất phương Nam, dĩ nhiên người Việt luôn đóng vai trò chính yếu và chủ động; tuy nhiên, nếu không có sự góp sức một cách tích cực của người Hoa, thiết tưởng Nam Kỳ chưa có được bộ mặt của nó như ngày nay. Chính những người Minh Hương mà khởi đầu từ các bậc tiền bối Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu... cùng nhiều thế hệ con cháu của họ đã đóng góp vào việc khẩn hoang lập ấp, định hình làng xã và bộ máy hành chánh, rồi mở mang sản xuất và phát triển mọi ngành nghề. Họ đã cùng chia ngọt sẻ bùi với các cộng đồng người Việt, người Khmer và người Chăm, vân vân, trong mọi hoàn cảnh lịch sử và trải qua một thời gian gần bốn thế kỷ nay. Là con dân Nam Kỳ chúng ta không thể nào không nhớ ơn các bậc tiền hiền và hậu hiền người Minh Hương, những người đã góp phần không nhỏ trong việc khai khẩn và phát triển, khiến cho vùng đất Nam Kỳ trở nên phồn thịnh như ngày nay.


Chú Thích:


(1)        Theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã ghi chép về việc xứ Đàng Trong buôn bán với các thuyền buôn của thương nhân Trung Hoa như sau: “Xứ Thuận Hóa, đường thủy đường bộ liên tiếp với xứ Quảng Nam, phía hữu xứ Quảng Nam lại thông với các phiên quốc. Về đường biển thì xứ Thuận Hóa và Quảng Nam chỉ cách tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Quảng Đông không đến 3, 4 ngày đường, nên các tàu buôn của Trung Quốc từ xưa đến nay thường tụ tập ở hải phận Thuận Hóa và Quảng Nam.”


(2)      Ngay từ thế kỷ thứ XVI, những thương nhân người Hoa đã thành lập cộng đồng đầu tiên của họ tại Hội An của xứ Đàng Trong.


(3)        Trên đường lên thượng nguồn sông Đồng Nai, đến khúc Bến Gỗ, Trần Thượng Xuyên đã ra lệnh hạ trại và khởi công khai khẩn đất hoang. Tuy nhiên, sau đó Trần Thượng Xuyên đã quyết định về khai phá vùng cù lao Phố. Sở dĩ Trần Thượng Xuyên cho di chuyển từ vùng Bến Gỗ về Cù Lao Phố là vì ông nhận thấy tại vùng cù lao Phố có những điều kiện thuận lợi chẳng những về việc sinh sống, mà còn rất tốt cho việc phát triển kinh doanh buôn bán về sau nầy. Lúc đó vùng cù lao Phố là một bãi phù sa nằm giữa sông Đồng Nai. Phía Nam cù lao Phố là sông Phước Long, phía bắc có sông Rạch Cát hay Sa Hà, có vực sâu rất tiện lợi cho tàu bè ghé lại. Trần Thượng Xuyên quả là một nhân tài lỗi lạc, chẳng những về quân sự, mà ngay từ thời đó, ông đã nhìn thấy được tương lai của thương cảng Cù Lao Phố về sau nầy. Ngày nay cù lao Phố thuộc xã Hòa Hiệp, cách thành phố Biên Hòa khoảng 1 cây số (cách Sài Gòn khoảng 31 cây số), thuộc tỉnh Đồng Nai. Phía bắc giáp đường Thống Nhất, phía nam giáp xã Tân Vạn, đông giáp phường An Bình và xã Tam Hiệp, phía tây giáp xã Bửu Hòa. Cù Lao được nối liền với thành phố Biên Hòa bởi hai cầu Rạch Cát và Cầu Gành (trên quốc lộ 1).

(4)      Theo Phan Quang trong “Bút Ký Đồng Bằng Sông Cửu Long”, TPHCM: NXB Trẻ, 2002, tr. 136-139.


(5)      Sở dĩ những di thần nhà Minh không ghé lại xứ Đàng Ngoài vì họ sợ xứ Đàng Ngoài quá gần với Trung Hoa và đang thần phục Thanh Triều, nên rất có thể vua Lê và Chúa Trịnh chẳng những không dung chứa họ, mà còn có thể giải giao họ về cho nhà Thanh.


(6)       Cũng theo Gia Định Thành Thông Chí, phía bắc gành đá có vực sâu làm chỗ cho tàu biển các nước tới đậu. Xưa nay thuyền buôn đến đây bỏ neo xong thì lên bờ mướn phố để trú ngụ. Sau đó họ đi đến nhà các chủ vựa để thương lượng bán hàng. Thường thì chủ vựa định giá và mua tất cả hàng hóa bất kể tốt xấu. Trong lúc lưu lại Đại Phố, các chủ thương thuyền cũng đi tìm mua hàng hóa trước khi nhổ neo về xứ.


(7)      Thuở đó, lúa gạo Đồng Nai nhiều nên rất rẻ. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Q.III, tr. 223, đồng tiền xưa thì một tiền (60 đồng) đong được 16 đấu thóc. Cứ lường theo bát được gạt bằng miệng mà dân địa phương thường dùng thì ba bát ngang với 30 bát của nhà nước. Một quan tiền đong được 300 bát đồng của nhà nước, tức bát định chuẩn.


(8)       Năm 1776, khi đại quân Tây Sơn kéo vào vùng Gia Định để tảo thanh tàn quân của Nguyễn Ánh, nhưng ở vùng Cù Lao Phố quân Tây Sơn không được sự yểm trợ của người Minh Hương nên quân Tây Sơn đã bị tổn thất khá nặng. Nguyễn Nhạc nghĩ rằng chính những người Hoa ở đây đã theo phe Nguyễn Ánh để đánh lại Tây Sơn, nên ông đã cho đốt phá và tàn sát rất nhiều người Minh Hương trong vùng cù lao Phố. Sau sự kiện nầy, đa số người Hoa đã bỏ vùng cù lao Phố để chạy về phía Nam, dọc theo sông Tân Bình, để thành lập nên khu Chợ Lớn ngày nay. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, sau khi đánh phá vùng Nông Nại Đại Phố, quân đội Tây Sơn cho dỡ lấy hết nhà cửa, gạch đá và mang hết của cải về Qui Nhơn. Sau khi Gia Long lên ngôi, dân chúng có trở về đây xây dựng lại, nhưng chưa được một phần trăm thời trước.
(9)      Theo Nam Bộ Đất & Người của Viện Khoa Học Lịch Sử, TPHCM: NXB Trẻ, 2004, tr. 155-156.
(10)   Nay thuộc tỉnh Định Tường.
(11)   Nay thuộc Biên Hòa.
(12)   Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Tập I, Quyển V, theo bản dịch của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Sử Học, NXB Giáo Dục, tr. 91.
(13)   Người Âu châu nói chung.
(14)     Theo chữ Khmer, chức Ốc Nha là một chức quan nhỏ, tương đương với chức quận trưởng của Việt Nam.
(15)     Trong đó có nhiều sắc tộc khác nhau như Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hẹ, Hải Nam, vân vân, nhưng đông nhất là nhóm người Triều Châu tháp tùng theo Mạc Cửu. Nhóm người nầy người Việt gọi là Minh Hương, vì cho rằng họ là những người trung thành với quê hương của nhà Minh.
(16)   Thuộc vùng Hà Tiên ngày nay.
(17)   Kompong Som ngày nay.
(18)   Kampot ngày nay.
(19)   Vạn Tuế Sơn, thuộc vương quốc Thái Lan ngày nay.
(20)   Cà Mau ngày nay.
(21)   Vùng Bạc Liêu và Bãi Xàu mà bây giờ thuộc Sóc Trăng.
(22)   Cần Thơ ngày nay.
(23)   Vùng Rạch Giá ngày nay.
(24)     Chúa Nguyễn cho ông nối nghiệp Mạc Cửu với chức vụ Hà Tiên Trấn Đại Đô Đốc, tước là Tông Đức Hầu.
(25)   Lúc nhỏ thì ông có tên là Mạc Thiên Tứ, nhưng khi lớn lên thì đổi làm Mạc Thiên Tích; tuy nhiên, người ta vẫn gọi ông là Mạc Thiên Tứ. Ông còn có tên Miên là Práh Sàtắt.
(26)    Kim Dự Lan Đào, Bình San Diệp Túy, Tiêu Tự Thần Chung, Giang Thành Dạ Cổ, Thạch Động Thôn Vân, Châu Nham Lạc Lộ, Đông Hồ Ẩn Nguyệt, Nam Phố Trừng Ba, Lộc Trĩ Thôn Cư, và Lư Khê Ngư Bạc.
(27)   Gia Định Thành Thông Chí, Q.III, tờ 63a – 64b.
(28)   Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Q.III, Đệ Nhất Kỷ tr. 255.
(29)   Người Trung Hoa.
(30)   Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Q.VII, tr. 115.
(31)   Kỳ thật khi tướng Dương Ngạn Địch đi vào Mỹ Tho Đại Phố, ông đã cho một số nhỏ ghé lại khai khẩn vùng Lôi Lạp rồi.
(32)   Ngày nay là hai vùng Vĩnh Long và Bến Tre.
(33)   Theo Gia Định Thành Thông Chí, Q.III, tờ 63a – 64b.
(34)   Sông Hưng Hóa là tục danh của sông Vũng Gù, cách trấn Phiên An khoảng 160 dặm về phía tây, cách lỵ trấn Định Tường khoảng 47 dặm về phía đông), vùng hạ lưu sông Bát Chiên (hồi nầy cũng thuộc trấn Định Tường.
(35)   Vùng Trường Tàu cách cửa sông Bassac khoảng 60 dặm về phía tây.
(36)Hồi nầy cửa biển Mỹ Thanh thuộc trấn Vĩnh Thanh. (37)Vùng Chợ Lớn ngày nay.
(38)Theo Nguyễn Công Bình-Lê Xuân Diệm-Mạc Đường trong “Văn Hóa & Cư Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long”, NXB Khoa Học Xã Hội, 1990, tr. 223-224.
(39)Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Tập III, đệ nhất kỷ, bản dịch của NXB Sử Học Hà Nội, 1963, tr. 94.
(40)Theo Phan Quang trong “Bút Ký Đồng Bằng Sông Cửu Long”, NXB Trẻ, TPHCM, 2002, tr. 139-140. (41)Theo Gia Định Thành Thông Chí, Q.II, Xuyên Sơn Chí, tờ 64b.
(42)Theo Gia Định Thành Thông Chí, Q.V, Sản Vật Chí, tờ 7b. (43)Gia Định Thành Thông Chí, Q.III, Thành Trì Chí, tờ 28a. (44)Gia Định Thành Thông Chí, Q.VI, Thành Trì Chí, tờ 18b.


------------
(Còn Tiếp)
------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***


Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Liễu - Tùng Thiện Vương

Thơ Miên Thẩm Tùng Thiện Vương

               柳                                     LIỄU
 

去歲春殘黃鳥歸,      Khứ tuế xuân tàn hoàng điểu quy,
秋容憔悴月明知.      Thu dung tiều tụy nguyệt minh tri.
東風昨夜吹何處,      Đông phong tạc dạ xuy hà xứ ?
更惹新愁上曉眉.      Cánh nhạ tân sầu thướng hiểu my.
 

Dịch nghĩa
 

Năm ngoái, mùa xuân đã tàn, chim hoàng oanh bay về
Dung nhan tiều tụy chỉ có ánh trăng sáng kia biết
Đêm qua gió xuân thổi ở xứ nào
Lại rước lấy mối sầu mới dâng lên nét mày thanh.


Dịch Thơ :
(1)
Năm ngoái oanh về xuân sắp phai
Dung nhan tiều tụy ánh trăng hay
Gió xuân đêm trước từ đâu thổi
Sầu sát lại thêm đọng nét ngài.
(2)
Năm ngoái oanh về xuân phai
Dung nhan tiều tụy, thở dài, trăng hay.
Gió xuân đâu đến lay lay,
Sầu thêm cao ngất đong đầy bờ mi!
                                    Mai Lộc
***
 LIỄU
(1)
Oanh về năm ngoái lúc xuân phai
Tiều tụy dung nhan, nguyệt cảm hoài
Nay gió xuân xa vừa chớm thổi
Đã nghe sầu nặng nét mi ngài

(2)
Oanh quay lại khi xuân đà úa
Nét tàn phai lộ rõ dưới trăng
Đêm qua nghe gió xuân sang
Lòng vương tê tái sầu dâng nét ngài

(3)
Cuối xuân năm ngoái, oanh về 
Dung nhan tiều tụy, ủ ê trăng sầu
Nay xuân vừa chớm nơi đâu
Đã nghe lòng trĩu buồn cau nét ngài.         
                    Phương Hà phỏng dịch
***
                          LIỄU
 

1/      Năm ngoái xuân tàn oanh vội bay,
         Dáng thu tiều tụy mảnh trăng soi.
         Đêm qua gió cuốn về đâu nhỉ ?
         Lại rước thêm sầu liễu sáng nay !
2/
               Xuân tàn oanh vội bay về,
         Nét thu tiều tụy não nề trăng soi.
               Đêm qua gió thổi nhà ai,
         Sáng nay sầu đượm nét ngài ủ ê !

                                      Đỗ Chiêu Đức
*** 
                 Liễu

Năm ngoái xuân tàn oanh ghé qua
Dáng thu xơ xác dưới trăng ngà 
Gió đông đêm trước từ đâu thổi
Lại khiến mi buồn thêm xót xa.
                                Quên Đi
***

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Sinh Con Rồi Mới Sinh Cha



Xưa có 2 người ở tỉnh xa cùng đi lính với nhau và sống với nhau rất thân thiết. Đến lúc thôi lính về nhà thì một người làm nên giầu có, còn người kia vẫn nghèo đói. Người nhà giàu nhớ bạn, đến hỏi thăm thấy bạn nghèo khổ, liền đưa cho vay 10 lạng bạc để làm vốn.Cách đã mấy năm không được tin tức gì của bạn, người nhà giàu nghĩ bụng rằng, bạn ta có lẽ vẫn còn túng, nên chưa có tiền trả ta. Bây giờ ta sang thăm anh ta, và đem thêm 10 lạng bạc, nếu anh còn nghèo đói, thì ta giúp anh lần nữa, nghĩ vậy rồi ra đi.
Khi vừa đến cổng, thấy nhà bạn trang hoàng lịch sự, thì người bạn đem bạc giấu ở trên đầu cổng, rồi mới vào nhà.
Vợ chồng bạn thấy mặt, nghĩ là sang đòi nợ, mời vào nhà thiết đãi ăn uống tử tế, rồi lập mưu đợi đến đêm khuya, giết đi, đem xác chôn dưới cây khế.
Ít lâu sau, cây khế chỉ sinh được một trái to lắm. Người vợ trông thích mắt hái xuống ăn. Ăn rồi thụ thai, đủ ngày đủ tháng, sinh ra một đứa con trai khỏe mạnh, khôi ngô, nhưng phải cái tật không biết nói.
Hai vợ chồng lấy làm buồn bực. Một hôm phàn nàn với nhau rằng: “Nhà ta giàu có không thiếu thốn gì, Trời cho sinh được một mụn con thì Trời lại bắt nó phải cái tật câm. Rõ người có năm có mười thì tốt, mình chỉ có một thì lại vô duyên”.
Đứa con nghe thấy cha mẹ than thở, tự nhiên bật nói ra rằng:
– Bố mẹ cho mời quan huyện qua đây chơi với con, rồi con nói cho bố mẹ nghe.
Hai vợ chồng lấy làm quái lạ, hỏi gặng nó mãi, thì nó lại câm như trước, không nói gì nữa.
Vợ chồng bàn bạc với nhau thử chiều ý con xem sao, liền đem lễ vật lên huyện, kể chuyện đầu đuôi và mời quan tới nhà chơi. Quan bằng lòng đi một chuyến xem sao. Khi đến nhà, liền cho lính gọi thằng bé câm ra và hỏi:
– Tại sao mày không chịu nói, để bố mẹ phải lên trình với ta?
Thằng bé ra, lễ phép cúi lạy quan lớn, rồi thưa rõ ràng rằng:
– Quan đã đến đây, xin quan soi xét kẻo con bị oan lắm. nguyên con với anh này, nó chỉ vào ông bố, xưa đi lính làm bạn với nhau rất thân, lúc mãn lính, anh em trở về làm ăn, con thấy anh nghèo, giúp 10 lạng bạc để anh làm vốn. Sau con lại đem 10 lạng nữa đến thăm, thấy anh đã giàu, con giấu 10 lạng bạc ngoài cổng rồi vào nhà, đêm đến 2 vợ chồng anh giết con, chôn dưới gốc cây khế…Hồn con nhập vào quả khế, vợ anh ăn vào rồi sinh ra con. Xin quan cho đào gốc khế, coi trên mái cổng xem có thật không?
Quan sai lính làm như lời khai, thấy thật như vậy. Vợ chồng hết đường chối cãi, thú nhận hết tội mình đã làm bậy. Quan phê án trị tội cả hai vợ chồng. Thằng bé lạy quan xong trở về nhà cũ.
Về tới nhà tính ra, đã biệt tích 20 năm. Khi đi vợ mới có thai, bây giờ con đã có cháu.
Bởi chuyện này nên có câu rằng:
Tham vàng phụ nghĩa cố nhân, Oan hồn, hồn hiện, trời gần chẳng xa, Sinh con rồi mới sinh cha, Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.
Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

(Theo http://truyencotich.vn)

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

Tứ Thất Thơ



Xướng: 
Tứ Thất Thơ
 
Thi sĩ nhìn đời lắm mộng mơ  
Mối duyên gắn kết tự bao giờ?  
Thất tình say xỉn bên men rượu  
Thất chí đăm chiêu giải cuộc cờ  
Thất nghiệp đi rong tìm ý tưởng  
Thất cơ gối nguyện gửi tâm chờ  
Tứ thơ từ thất nhiều hương vị
U uẩn lòng người tứ - thất - thơ!
Nguyễn Đắc Thắng
 ***  
Các Bài Họa: 
 
Bát Thất Thơ
 
Thất thân mất vốn tưởng nằm mơ  
Thất thế tàn binh chạy cuốn cờ  
Thất nghiệp đi rông...ngồi đó đợi...  
Thất cơ chạy loạn trốn đâu giờ ?
Thất tình cạn chén say men mãi  
Thất chí nâng ly xỉn rượu chờ  
Thất tịch tiêu đời thôi vỡ mộng  
Thất thu đói rách khổ con thơ
Mai Xuân Thanh  
Ngày 24 tháng 03 năm 2018 
***  
Hữu Vô Thi
 
Vô năng lận đận hết đường mơ  
Hữu phúc an nhiên tự thuở giờ  
Vô đạo ắt gây ra loạn thế  
Hữu tâm nào muốn đổi thay cờ  
Vô nghì chẳng kể điều sai đúng  
Hữu đức lo chi nạn đón chờ  
Vô phận khó mong tròn ước nguyện  
Hữu duyên tình sáng đẹp vầng thơ.
Quên Đi
***
Bát Hữu Thi

 
Hữu tình mây nước cũng nên thơ  
Hữu ý đôi lòng lắm mộng mơ
Hữu hảo tri âm bày cuộc rượu  
Hữu duyên tri kỷ vẹn câu chờ  
Hữu tài thành đạt trong đời sống  
Hữu lý vinh quang cuối cuộc cờ
Hữu ích giúp người khi họa nạn  
Hữu danh mấy kẻ tự xưa giờ ?
Phương Hà

  ***
Thập Nhất Vô Thi

 
Vô tình hoa nguyệt chẳng gây thơ,
Vô ý Đào nguyên cũng tựa mơ.  
Vô thức trần duyên còn khoắc khoải,  
Vô duyên đối diện vẫn mong chờ.
Vô tâm lỡ mất người tri kỷ,  
Vô vọng đành buông một cuộc cờ,  
Vô khả vô thi vô vướng bận,  
Vô cầu vô đạt đến bao giờ ?!
Đỗ Chiêu Đức
***
 Lạc  Tình
 
Đường đời LẠC lối bước vào thơ
LẠC dấu tri âm tự bấy giờ Từ đấy,
LẠC hồn say bến mộng  
Đến khi ,LẠC ngõ đến bờ mơ Tình như 
LẠC bóng ta tìm thấy Duyên tựa 
LẠC dây phím nhạc chờ
LẠC bạn bên nhau từ kiếp trước
Nay đà hết LẠC ,thật không ngờ
songquang
Riêng cho một người

3/27/2018
*** 

Thất Lạc Thi
 
Thất tình dạ chẳng mộng và mơ
Lạc mất tri âm hết đợi chờ  
Thất thế quê nhà mong đổi cuộc  
Lạc đàn đất khách khó thay cờ  
Thất cơ chắn bước đường quay gót  
Lạc dấu nẻo đi tự bấy giờ  
Thất hứa với người xin tạ tội  
Lạc lòng cố gắng viết bài thơ
SMLL

 ------------ 

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Cộng Đồng Người Minh Hương Tại Bạc Liêu... (Đất Phương Nam 1 (tt)

Chùa Quan Đế Bạc Liêu



Đất Trấn Di ngày trước là một trong những vùng đất mà dòng họ Mạc ở Hà Tiên đã dày công khai phá. Chính vì vậy mà chúng ta có thể nói mà không sợ bị sai lầm là người Hoa, nhất là những người Triều Châu, chính là những người đầu tiên đến đây khai phá vùng đất nầy. Như chúng ta đã biết, đa số các địa danh có sẵn tại miền Nam đều được đọc trại ra từ tiếng Khmer. Riêng với địa danh Bạc Liêu hay “Pó Lẻo” được đọc trại ra từ tiếng Triều Châu, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề chài lưới, hay đi biển, cũng đủ nói lên ảnh hưởng của người Triều Châu trên vùng đất nầy như thế nào. Lịch sử thiên di của người Hoa đến vùng đất Nam Kỳ có nhiều nhóm trong nhiều thời điểm khác nhau. Nhóm thứ nhất là những người Hoa tháp tùng theo các tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, được chúa Nguyễn cho vào khai phá các vùng Cù Lao Phố ở Biên Hòa và Đại Phố Mỹ Tho. Sau khi cù lao Phố bị tàn phá vì chiến tranh giữa nghĩa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh thì những người Hoa bỏ về vùng Prei Nokor (về phía tây nam của vùng Bến Nghé) để lập nên vùng Chợ Lớn ngày nay. Sau một thời gian trên dưới nửa thế kỷ thì những người Hoa ở vùng Mỹ Tho Đại Phố đã vượt sông Tiền và sông Hậu để đi đến khai phá vùng Trấn Di. Đồng thời tại Hà Tiên, Mạc Cửu cũng phái nhiều đoàn đến khai phá những vùng đất phía Nam Hà Tiên. Phải nói đây là những người Minh Hương thuộc nhóm thứ hai, họ đi theo đường biển từ Hà Tiên vòng xuống Long Xuyên (Cà Mau ngày nay), hoặc từ Mỹ Tho họ đi lần theo các kinh rạch qua Bến Tre, Trà Vinh, và Ba Thắc. Đi đâu đến đâu họ cũng cất chòi, lập trại, và xây dựng làng xã và đi lần đến vùng Trấn Di (Bạc Liêu ngày nay). Đây chính là những người Hoa đi tiên phong trên vùng đất nầy. Những lớp người Hoa đến Việt Nam đầu tiên nầy hầu hết là thanh niên trai tráng, họ cưới vợ Việt Nam hay Khmer và nhận nơi nầy làm quê hương. Con cháu của họ về sau nầy chính là những người mà chúng ta gọi là người Minh Hương. Thế nhưng vào thời các chúa Nguyễn, vùng Trấn Di không được xem trọng cho lắm vì thứ nhất là đường sá xa xôi trắc trở, thứ nhì đa số đất đai chỉ là những hoang địa chưa được khai phá. Chính vì thế mà các chúa Nguyễn đã cậy tay người Hoa làm những người dẫn đạo và chỉ huy trong công cuộc khai phá hoang địa phương Nam thời đó. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên(28), năm 1790, chúa Nguyễn hạ lệnh cho bốn dinh sửa lại sổ tiêu bạ, kể cả những người Đường(29) thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Thượng Hải và Hải Nam ngụ ở trong hạt. Chúa Nguyễn cũng ra lệnh cho quan Khâm sai chưởng cơ dinh trung quân quản đạo Toàn Dũng là Trần Công Dẫn (người Hoa) cai quản toàn bộ người Đường mới và cũ. Đến năm 1790, chúa Nguyễn sai Lâm Ngũ Quan làm tổng phủ phủ Ba Thắc và Lư Việt Quan là tổng phủ phủ Trà Vang; đồng thời chúa Nguyễn cũng hạ lệnh cho bốn dinh sửa lại sổ tiêu bạ, kể cả những người Đường (người Hoa) thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Thượng Hải và Hải Nam ngụ ở trong hạt. Lại ra lệnh cho quan Khâm sai chưởng cơ dinh trung quân quản đạo Toàn Dũng là Trần Công Dẫn (người Hoa) cai quản toàn bộ người Đường mới và cũ. Đến năm 1791, sai Lâm Ngũ Quan làm tổng phủ phủ Ba Thắc và Lư Việt Quan là tổng phủ phủ Trà Vang. Hồi nầy cộng đồng người Minh Hương chẳng những góp phần lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, mà các chúa

Nguyễn còn sử dụng nhiều nhân tài trong những cộng đồng Minh Hương nầy trong việc đi sứ sang Trung Hoa. Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên(30), chúa Nguyễn Phúc Chu sai bọn Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Quảng Đông để cầu phong. Bên cạnh đó, chính những cộng đồng người Minh Hương nầy đã cung cấp cho quân đội triều Nguyễn rất nhiều những viên quan tài ba lỗi lạc, cả văn lẫn võ. Ngoài các vị Đô đốc tài ba như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu, Trần An Bình, Trần Đại Định, Mạc Thiên Tứ, còn có nhiều lắm những vị quan nổi tiếng thời đó như các quan Điều khiển Trần Công Chương, Trần Đĩnh, quan tổng binh Trần Ứng, Lâm Hức; quan Tham tướng Mạc Tử Sanh; các quan Đại tướng quân Hà Hỉ Văn, Lương văn Anh; quan Khâm sai tổng binh Chu Viễn Quyền, quan thống binh Trương Bát Quan, quan hiệp trấn thành Gia Định Trịnh Hoài Đức, vân vân.

Dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức, Nguyễn tri Phương có đến kinh lược vùng đất nầy với chánh sách sở hữu ruộng đất rất dễ dãi, nhưng rồi cũng không thu hút được nhiều người. Mãi đến năm 1882 khi lần đầu tiên người Pháp làm thống kê dân số tại Bạc Liêu thì trên tổng số 25.000 dân, đã có tới gần 5.000 Hoa kiều. Nhiều người Hoa, nhất là người Triều Châu, đều cư ngụ tại chợ Bạc Liêu và nắm vai trò chủ động trong việc buôn bán, nên ngôn ngữ chính của vùng chợ Bạc Liêu vào thế kỷ thứ 19 là tiếng Triều Châu. Ngay cả người Việt hay người Khmer ở bạc Liêu cũng phải biết tiếng Tiều, nếu không thì khó lòng giao dịch trong thương mại được. Một số không nhỏ người Triều Châu ở Bạc Liêu làm ruộng rẫy và khai thác những vùng đất ven biển như các vùng Rẫy Chệt và Trà Ban, vân vân. Kể từ khi Bạc Liêu được nâng lên làm tỉnh vào năm 1882 thì không những thương mãi tại đây phát triển rất nhanh, mà các ngành nông ngư nghiệp cũng phát triển vượt bực. Chính vì vậy mà vào khoảng thập niên 1930, những tàu buôn Hải Nam đã đưa một số không nhỏ những thanh niên người Hoa, đủ các sắc tộc từ Hải Nam, Phúc Kiến đến Quảng Đông và Triều Châu...đến làm lao động tại chợ Bạc Liêu. Đến năm 1964, theo thống kê của chánh phủ VNCH, Bạc Liêu đã có gần 22 ngàn người Hoa sinh sống, đó là chưa kể đến rất nhiều thương nhân hay những người sống trên những ghe buôn. Rồi đến năm 1997, số người Hoa tại đây đã lên đến trên 32 ngàn người.
Cộng Đồng Người Minh Hương Tại Các Vùng Khác:

 Chùa Ông Phường 5 TP Vĩnh Long
Ngoài những cộng đồng lớn của người Minh Hương tại các vùng Đồng Nai, Chợ Lớn, Mỹ Tho và Hà Tiên mà sự liệu còn ghi lại, chắc hẳn hãy còn nhiều cộng đồng người Minh Hương trong những vùng khác ở Nam Kỳ, nhưng không có tầm cỡ như những khu vực vừa kể trên. Vài năm sau khi tướng Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho thì những người Minh Hương đã ổn định và an cư lạc nghiệp tại vùng Mỹ Tho Đại Phố, tuy nhiên, sau vụ phó tướng Hoàng Tấn nổi lên giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch, rồi đem quân đi đánh phá khắp nơi, một số không nhỏ trong cộng đồng người Minh Hương trong vùng Mỹ Tho Đại Phố đã một lần nữa phải ra đi tìm chỗ khác an toàn hơn để sinh sống. Họ đã chia làm nhiều nhóm đi về nhiều hướng, một nhóm đi về phía đông để đến tái định cư tại vùng Lôi Lạp, nay là Gò Công(31), một nhóm đi về phía tây qua định cư tại vùng mà ngày nay là Sa Đéc, nhóm khác đi về phía nam để tới định cư tại dinh Long Hồ(32), và một nhóm nữa đi về phía bắc để lên vùng Tầm Bôn (vùng Tân An ngày nay). Cũng như tại các vùng khác, đa số họ làm nghề buôn bán ở các phố chợ, và tôn giáo chính của họ là Phật giáo Bắc tông. Người Việt gốc Hoa có một đặc điểm là dù họ ở đâu, họ cũng mở trường dạy tiếng Hoa cho con cháu của họ và dù làm gì đi nữa bên ngoài xã hội, đến khi về nhà họ chỉ nói tiếng Hoa chứ không nói tiếng Việt. Người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long và Bến Tre cũng như hầu hết người Việt gốc Hoa ở các nơi khác, họ sống co cụm thành nhóm và lập thành những bang hội, mỗi bang có một bang trưởng lãnh đạo. Họ sống rất đoàn kết, nếu cần thì bang của họ có thể đứng ra giúp đỡ về tài chánh để họ cùng làm ăn vươn lên vớinhau. Chính vì vậy mà đa  phần họ làm kinh tế rất mạnh. Theo Gia Định Thành Thông Chí(33), ngoài các vùng Biên Hòa, Mỹ Tho và Hà Tiên là những địa điểm thu hút gần như toàn bộ những người Minh Hương vào giữa thế kỷ thứ XVII, lưu dân Minh Hương còn sống rải rác khắp mìn Tây Nam Phần, từ Mộc Hóa, Tân An, Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, vân vân. Họ đã tạo nên những cộng đồng thịnh vượng và sinh động trong hầu hết các đô thị tại miền Nam.
Ngay từ năm 1705, sau khi Nguyễn Cửu Vân đã nạo vét xong kinh Vũng Gù, hai nhóm lưu dân Việt và Hoa đã đổ xô đến định cư tại các vùng ven sông Hưng Hóa(34), vùng Trường Tàu(35), vùng cửa biển Ba Lai, vùng cửa biển Mỹ Thanh(36), khu vực núi Linh Quỳnh và khu vực cảng Cần Bộ (Kampot), cách lỵ trấn Hà Tiên khoảng 165 dặm về phía tây. Năm 1731, nhân vụ quân Chân Lạp từ vùng Tầm Bôn (Tân An) kéo lên quấy phá lưu dân ở Gia Định nên chúa Nguyễn Phúc Chu tức giận bèn xua quân đánh chiếm các vùng Định Tường và Long Hồ và sáp nhập Định Tường vào dinh Trấn Phiên (Gia Định), đồng thời thành lập thêm dinh Long Hồ. Cũng năm này thủ phủ của tỉnh Định Tường tại Cái Bè được dời về bên bờ rạch Bảo Định. Năm 1753, chúa Võ Vương cho lập đạo Trường Đồn gồm đất Mỹ Tho và Cao Lãnh, rộng đến biên giới Cao Miên bây giờ. Từ sau những biến cố nầy, cả một vùng đất bao la bạt ngàn về phía bắc, phía tây và phía nam của Mỹ Tho Đại Phố đã được mở ra ngay trước mắt những người Minh Hương thích phiêu lưu nầy. Năm 1756, sau khi hai vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp chính thức được sáp nhập vào xứ Đàng Trong, rất nhiều người Hoa nữa từ vùng Chợ Lớn đi xuống và từ vùng Mỹ Tho Đại Phố đi lên để tìm đất sinh nhai tại vùng đất mới Tầm Bôn, và họ đã thành lập tại đây một cộng đồng người Minh Hương, dầu không lớn như tại vùng Mỹ Tho và Chợ Lớn, nhưng cũng đủ lớn để nắm hầu hết các cơ cấu thương mãi tại đây. Như vậy, tính đến năm 1757, khi vùng đất còn lại cuối cùng của Thủy Chân Lạp là phủ Tầm Phong Long vừa được sáp nhập vào xứ Đàng Trong thì cộng đồng của người Minh Hương cũng đã phát triển và lớn mạnh trên khắp các vùng đất phương Nam.
Riêng tại vùng Bạc Liêu và Cà Mau, theo các ông bà già xưa kể lại thì ông bà mình lúc mới xuống khai khẩn các vùng rừng rậm phải đối đầu với không biết bao nhiêu là khó khăn gian khổ, lớp thì sơn lam chướng khí, lớp thì thú dữ khắp nơi đang rình rập, lớp muỗi mồng, lớp không có nước ngọt, vân vân và vân vân, nhưng các thế hệ cha ông đã kiên cường vượt qua hết những trở ngại để biến vùng đất mà chưa có dân tộc nào dám cho dân mình định cư thực thụ như vùng Nam Kỳ thời đó. Thời Phù Nam thì họ cũng chỉ co cụm tại những vùng Ốc Eo, Đồng Tháp, Tây Ninh... mà thôi, đến thời Chân Lạp thì dân họ chỉ rút lên các giồng đất cao chứ không dám bén mảng vào rừng khai phá. Chính vì vậy mà mãi đến thời Pháp thuộc, vùng Cà Mau có rất ít cư dân người Việt, chứ đừng nói chi đến người Minh Hương. Thật tình mà nói hồi Tây mới vô đánh nước mình thì cả một vùng rộng lớn từ Rạch Giá xuống Cà Mau, qua Bạc Liêu, Sóc Trăng hầu như hãy còn rất hoang vu và có rất ít cư dân. Ngoài khơi thì chỉ lác đác vài chiếc ghe đánh lưới của người Hải Nam, còn trên bờ chỉ lưa thưa vài cụm nhà của những người Triều Châu và Phước Kiến qua đây lập nghiệp từ thời ông Mạc Cửu.  
(Còn Tiếp)
--------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html
 ***