Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Về Miền Tây Bài 11


Về phía Tây Nam sông Hậu là một dãy đồng ruộng bao la, cò bay thẳng cánh, mà trước đây là đất Tầm Phong Long của Chân Lạp. Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng phần đất này cho các chúa Nguyễn, chúa cho đặc là Châu Đốc đạo và sáp nhập vào dinh Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Đến năm Minh Mạng thứ 13, nhà vua cho lấy vùng đất này và huyện Vĩnh An của dinh Long Hồ để làm tỉnh An Giang. Về vị trí, tỉnh An Giang thời Nam Kỳ Lục Tỉnh, Bắc giáp Cao Miên, Nam chạy ra tận
biển Đông, Đông giáp Vĩnh Long và Định Tường (vùng mà bây giờ thuộc tỉnh Sa Đéc), Tây giáp Hà Tiên. Tỉnh An Giang thời Lục Tỉnh có rất nhiều chợ búa sầm uất như chợ Thái An Đông (gần Ô Môn), chợ Tân An (Bình Thủy), chợ Cần Thơ, chợ Vĩnh Phúc (Sa Đéc), chợ Nha Mân (Sa Đéc), chợ Hòa Mỹ (Bãi Xào bây giờ thuộc Sóc Trăng). Sau khi xâm chiếm Nam Kỳ, người Pháp chia An Giang ra làm 4 tỉnh gồm các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ, Sóc Trăng, và một phần nay là vùng Nha Mân và Lai Vung cho sáp nhập vào Sa Đéc.
Cần Thơ thời Mạc Thiên Tứ, vào năm 1739, mang tên là Trấn Giang, chỉ là một huyện của dinh Long Hồ, nhưng bây giờ Cần Thơ là Tây Đô của miền Tây. Ngay cả trước thời Pháp chiếm Nam Kỳ, Cần Thơ hãy còn là một vùng đất chưa được phát triển. Cần Thơ cũng như những vùng khác ở miền Nam, nằm ven bờ sông Hậu với nước ngọt quanh năm, nhờ phù sa sông Hậu mà nơi nào cũng đồng ruộng phì nhiêu, cò bay thẳng cánh. Bên cạnh đó là những khóm tre bờ trúc bao quanh những thửa vườn xanh tươi, cây trái nặng oằn, với những kinh rạch đầy tôm cá. Về sau này, khi Mạc Thiên Tứ lên làm Tổng Trấn Hà Tiên thay cha là Mạc Cửu vừa mới qua đời, thì vùng Cần Thơ trở thành trung tâm chiêu tập khách tao đàn, một chi nhánh quan trọng của Mạc Gia Chiêu Anh Các. Ngay từ những ngày đầu, Cần Thơ đã nổi tiếng là nơi của trai thanh gái lịch, nơi của gạo trắng nước trong. Trai thì văn hay chữ giỏi, còn gái giỏi vắn về nữ công và đức hạnh. Chính vì thế mới có câu vè kén rể chọn dâu của ông bà ta ngày trước “Trai Nhơn Ái, gái Long Xuyên” (Nhơn Ái là một xã thuộc Cần Thơ). Dưới thời Gia Long thì Cần Thơ hãy còn trực thuộc trấn Vĩnh Thanh, phủ Định Viễn, Dinh Long Hồ. Đến đời Minh Mạng thứ 12 thì Cần Thơ trực thuộc phủ Tân Thành và bị tách ra khỏi Vĩnh Long để trực thuộc tỉnh An Giang. Về vị trí, Cần Thơ nằm về phía Tây Nam sông Hậu, cách Sài Gòn 169 cây số. Cần Thơ là nơi hội tụ của các con lộ quan trọng, quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1), quốc lộ 80 và quốc lộ 91. Về vị trí, Bắc giáp An Giang và Sa Đéc, Tây và Tây Bắc giáp Rạch Giá, Nam giáp Sóc Trăng, Đông Nam giáp Trà Vinh, Tây Nam giáp Chương Thiện, Đông giáp Vĩnh Long và Trà Vinh và ngăn cách bởi khúc sông Hậu giang dài trên 50 cây số. Ngọn rạch Cần Thơ ăn thông qua sông Cái Bé rồi đổ ra vịnh Thái Lan. Nói là ăn thông nhưng vì rạch Cần Thơ nhận nước từ sông Hậu,
chảy vào sông Cái Bé, gặp chỗ giáp nước, nên sông cạn, không thuận tiện cho việc đi lại bằng đường thủy. Chính vì vậy mà Đại Nam Nhất Thống Chí mô tả khúc đường nước ấy như sau: “Cuối đông qua xuân, nước khô bùn cứng, ghe thuyền qua lại không được, từ mùa hạ qua mùa đông, nước mưa tràn bờ thì ghe thuyền cỡi lên trên cỏ và bèo mà đi, cứ trông theo phía tả hay phìa hữu rừng cây mà nhận dấu đường. Nơi đây không có bóng người, có rất nhiều muỗi và đĩa, người qua lại rất khổ sở.” Tóm lại, vào trước thời Pháp thuộc, Cần Thơ chỉ đông đúc ờ phía ven bờ sông Hậu. Lại nữa, miền Tây trước thời pháp chiếm Nam Kỳ, có cửa biển Ba Thắc nên lúa gạo, cá khô, tôm khô và những đặc sản toàn vùng Sóc Trăng và Ba Thắc thì xuất đi từ cửa Ba Thắc. Còn lúa gạo vùng Cà Mau và Rạch Giá thì tàu buôn Hải Nam đến thẳng vùng cửa sông Ông Đốc hay cảng Rạch Giá thâu mua... nên vùng Cần Thơ được xem như không quan trọng. Diện tích toàn tỉnh là 162.257 mẫu, đất đai rất phì nhiêu. Khí hậu Cần Thơ rất tốt, tuy đất hoang chưa được khai khẩn đúng mức, nhưng đến thời Pháp thuộc thì phía Tây của Cần Thơ chỉ là những cụm rừng chồi thưa thớt, chứ không như những cánh rừng tràm ủng nước như bên phía Rạch Giá hay Cà Mau. Giữa Cần Thơ và Rạch Giá là một cánh đồng bát ngát, nước ngọt, và không quá thấp và sình lầy như vùng Đồng Tháp Mười. Đó chính là vùng Ngã Bảy Phụng Hiệp, đầy lau sậy mà ngay khi Pháp chiếm Nam Kỳ hãy còn nhiều voi và heo rừng. Người Pháp gọi vùng này là “Đồng Sậy”, nhưng sau khi khai phá xong thì đồng sậy cũng biến mất. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, năm 1782, họ tách Trà Ôn và Cầu Kè của Vĩnh Long, Phụng Hiệp và Ô Môn của An Giang hợp với quận Châu Thành Cần Thơ bây giờ để thành lập tỉnh Trà Ôn (hay hạt Trà Ôn). Lúc đó dân số phỏng chừng 300.000 người, đa số là người Việt, kế đó là người Khmer và người Hoa. Nhưng sau đó vào năm 1876 thì hạt Trà Ôn bị giải tán, và tỉnh Cần Thơ chính thứ được thành lập vào ngày 23 tháng 2 năm 1876, lúc đó Trà Ôn trở thành quận của Cần Thơ. Tuy nhiên, người Pháp vẫn xem Trà Ôn là một trung tâm quan trọng vì tất ghe thuyền chở lúa gạo từ miền tây về Sài Gòn đều phải qua ngã Trà Ôn, theo ngã sông Măng Thít qua Tiền Giang, rồi lên Sài Gòn. Theo sự phân chia dưới thời đệ nhị Công Hòa thì Cần Thơ có thị xã Cần Thơ và 7 quận: Châu Thành, Phong Phú, Phụng Hiệp, Thuận Nhơn, Thuận Trung, Phong Điền và Phong Thuận. Hiện tại thị xã Cần Thơ chia làm 2 quận là quận nhất và quận nhì. Cần Thơ không có rừng núi nên đất đai tương đối bằng phẳng. Đường sá Cần Thơ mở mang sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ vì họ đặt thủ phủ miền Tây tại Cần Thơ. Cần Thơ
nằm giữa đồng bằng sông Cửu Long, là trục giao thông quan trọng về đường thủy lẫn đường bộ, chẳng những cho các tỉnh miền Tây, mà còn với Sài Gòn Gia Định nữa. Khúc sông Hậu chảy qua Cần Thơ vừa rộng lại vừa sâu nên rất thuận tiện cho việc giao thông đường thủy. Quốc lộ số 4 đi ngang qua Cần Thơ để chạy về Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Chương Thiện. Đường liên tỉnh 27 là trục giao thông nối liền Cần Thơ với Cái Răng, Cái Tắc và Phụng Hiệp. Liên tỉnh lộ 31 nối thị trấn Cái Tắc với Rạch Gòi và kinh Cùn qua tỉnh Chương Thiện và Rạch Giá. Đường này do Pháp mở vào năm 1898 và hoàn thành năm 1916, từ Cần Thơ đi Vị Thủy khoảng 60 cây số. Hương lộ 4 đi từ Cái Răng đến Phong Điền, Cầu Nhiếm, Ba Xe, Ô Môn. Hương lộ 11 và 12 đi đến Tân Hòa và chợ Bảy Ngàn.
Ngay khi vừa chiếm xong Nam Kỳ, người Pháp đã nhận ra ngay sự quan trọng của Cần Thơ về các mặt kinh tế, chính trị và quân sự nên họ đã đặt ngay thủ phủ miền Tây tại Cần Thơ. Về kinh rạch, Cần Thơ có nhiều kinh lớn như kinh Thị Đội chạy từ Thới Lai Cờ Đỏ đi Rạch Giá, kinh Ô Môn chạy từ Ô Môn đến ranh giới tỉnh Rạch Giá (đào năm 1896, nối ngọn sông Cái Bé từ Rạch Giá qua Ô Môn), kinh Saitenoy chạy từ Rạch Gòi đến ngã tư Cây Dương ở Phụng Hiệp, kinh Lacote chạy từ Rạch Gòi đến Cái Dứa của quận Phụng Hiệp, kinh Xà No chạy từ rạch Cần Thơ đến chợ Bảy Ngàn của Chương Thiện, rạch Bằng Tăng chạy từ Cần Thơ đến kinh Thới Thạnh, rạch Cái Đôi chạy từ ranh xã An Bình đến Phú Thứ, rạch Cái Sâu chạy xuyên qua xã Phú Thứ đến rạch Cái Da, rạch Bùng Binh chạy xuyên qua hương lộ 10 đến xã Phú Thứ, rạch Bến Hạ chạy từ Cần Thơ đến rạch Cái Da, rạch Cái Cui chạy từ Cần Thơ đến kinh Thạch Đông, rạch Mái Dầm chạy từ Cần thơ đến kinh Saintenoy, rạch Cái Khế chạy từ cầu Đôi đến Đầu Sấu, rạch Cái Dầu chạy qua các xã Đông Phú, Phú Hữu tới giáp ranh Phụng Hiệp, rạch Bình Thủy chạy từ Bình Thủy đến xã Giao Xuân của Long Xuyên, rạch Trà Nóc chạy từ Trà Nóc đến Ba Xe, rạch Ô Môn chạy qua các xã Thới Bảo và Định Thới, rạch Cần Thơ chạy ngang qua bến Ninh Kiều đến Phong Điền. Riêng tại Phụng Hiệp, khi người Pháp mới xâm chiếm miền Nam thì vùng này ngày nào hãy còn từng đàn voi đến nhiễu hại ruộng rẫy của dân trong vùng. Người Pháp đã cho đào tại đây thêm một số kinh hội tụ về Phụng Hiệp từ bảy nơi khác nhau như Sóc Trăng, Cái Hiếu Cái Côn, Bún Tàu, Mang Cá, Xẻo Môn và Xẻo Dông, nên từ đó tại đây có tên là Ngã Bảy Phụng Hiệp. Từ khi Ngã Bảy Phụng Hiệp được khai thông, thì voi không còn đất dung thân nữa nên phải chạy về vùng Sóc Trăng và cuối cùng bị các thợ săn người Miên tiêu diệt vào khoảng cuối thế kỷ 19. Chợ Phụng Hiệp rất nổi tiếng với những đặc sản như rắn, rùa, chồn, tắc kè, kỳ đà, gà, vịt, và đủ loại chim. Năm 1901, theo đề nghị của Duval và Guéry, người Pháp bắt đầu dùng xáng múc kinh Xà No, đến tháng 7 năm 1903 là hoàn tất. Kinh dài 22 cây số, mặt kinh rộng 60 mét, đáy kinh rộng 40 mét, sâu từ 3 đến 5 mét, phí tổn lên đến 3.680.000 quan Pháp. Hồi nầy xáng chạy bằng nồi sốt de đốt bằng củi, nên người Pháp bắt dân xâu thay vì làm đất phải làm củi mang đến nộp gần chỗ đào kinh, tuy nhiên, không có tài liệu đích xác là mỗi người phải nộp bao nhiêu thước củi. Khi kinh Xà No vừa khởi đào thì toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cấp không cho Guéry và Duval một sở đất tốt với diện tích khổng lồ là 2.500 mẫu trong vùng đào kinh nên về sau này, hai điền của Duval và Guéry trở thành vượt trội nhất nhì ở miền Tây, vì nước kinh vừa xả phèn vừa tưới mát ruộng đồng quanh vùng. Hồi này rất nhiều người từ vùng Thái Bình (Bắc Việt) xin di cư vào Cần Thơ để làm tá điền cho các điền Tây. Phải nói dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, nếu không cúc cung theo làm tay sai cho Pháp thì chỉ bị chúng coi là những nô lệ không hơn không kém. Chính nhờ hệ thống sông ngòi và kinh rạch chằng chịt này đã biến vùng này thành một trong những vùng bao la trù phú vào bậc nhất của miền Tây. Cần Thơ chẳng những nổi tiếng về lúa gạo, và vườn cây ăn trái, mà thủy sản Cần Thơ cũng không kém phần quan trọng. Cần Thơ là vựa cá tôm nước ngọt vì ngoài cá tôm trong các sông rạch, Cần Thơ còn có hơn 5.000 ao đầm nuôi tôm và cá nước ngọt. Ngoài ra, Cần Thơ còn có nhiều ngành công nghiệp chế biến nông và thủy sản, cũng như các hóa chất và vật liệu tiêu dùng hay xây dựng. Về kinh tế, cũng như các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, nguồn lợi kinh tế lớn nhất của Cần Thơ vẫn là sản xuất lúa gạo, trong toàn tỉnh chỉ cần khoảng 1/3 số lượng sản xuất, còn lại 2/3 xuất cảng lên vùng Sài Gòn Chợ Lớn hay ra nước ngoài. Cần Thơ không có khoáng sản hay lâm sản, nhưng nguồn lợi cá tôm nước ngọt của Cần Thơ rất phong phú, có thể cung cấp dư dùng trong tỉnh. Vì Cần Thơ nằm về phía Nam sông Hậu nên không có đường rầy xe lửa. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản chia tỉnh Phong Dinh ra làm hai phần, một là thành phố Cần Thơ, và một là tỉnh Hậu Giang. Thành phố Cần Thơ, nguyên là thành phố Cần Thơ cũ dưới thời VNCH, Bắc giáp An Giang và Đồng Tháp, Đông giáp Vĩnh Long, Tây giáp Kiên Giang và Nam giáp Hậu Giang. Tổng diện tích khoảng 1.390 cây số vuông, gồm các vùng thành phố Cần Thơ cũ, các quận Ô Môn, Thốt Nốt, một số xã ấp của hai quận Châu Thành và Châu Thành A, tổng dân số toàn thành phố khoảng 1.112.000 người. Thành phố Cần Thơ hiện có giang cảng Cái Cui tiếp nhận tàu bè với trọng tải khoảng 5.000 tấn, và phi trường Trà Nóc nằm bên bờ sông Hậu Giang, trước kia là phi trường quân sự, nay được chuyển thành dân sự để phục vụ đường hàng không tại các tỉnh phía Nam. Trong khi đó tỉnh Hậu Giang được tách ra từ tỉnh Phong Dinh cũ, Bắc giáp thành phố Cần Thơ, Nam giáp Bạc Liêu, Đông giáp Sóc Trăng, và Tây giáp Kiên Giang, với tổng diện tích khoảng 1.608 cây số vuông, gồm các quận Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ, và một số xã ấp của hai quận Châu Thành và Châu Thành A, tổng dân số của tỉnh Hậu Giang khoảng 766.000 người. Ngay từ thời Pháp thuộc, vùng Cần Thơ đã là một trung tâm lúa gạo lớn của miền Tây, hiện nay Cần Thơ vẫn là một trong những nơi sản xuất lúa gạo lớn nhất trong nước. Ngày trước muốn đi từ Sài Gòn về Cần Thơ phải qua hai cái bắc là Mỹ Thuận và Cái Dồn. Bây giờ cầu Mỹ Thuận đã xây xong nên phương tiện giao thông đường bộ cũng rất thuận tiện. Nghe nói chính quyền Cộng Sản đang muốn nhờ người Nhật xây cây cầu dài trên 2 cây số rưởi bắt ngang qua sông Hậu. Cầu Mỹ Thuận chỉ dài non một cây số đã là khó khăn lắm rồi, không biết rồi đây cầu qua sông Hậu Giang sẽ như thế nào?
 
Cần Thơ cũng như hầu hết các tỉnh thành khác của Nam Kỳ Lục Tỉnh, đã trải qua những thăng trầm theo dòng lịch sử Nam tiến của các chúa Nguyễn. Thời các chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Phúc Lan, Phúc Tần, Phúc Trăn, Phúc Chu, Phúc Chú từ năm 1613 đến năm 1738, Cần Thơ là huyện Trấn Giang, thuộc dinh Long Hồ. Sau khi mất, Mạc Cửu giao quyền cho con là Mạc Thiên Tứ làm Đô Đốc trấn nhậm trấn Hà Tiên năm 1735. Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng đất về phương Nam như Rạch Giá, Cà Mau, phía Tây của huyện Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bạc Liêu). Bấy giờ Cần Thơ còn là một vùng rừng tràm ủng nước. Năm 1722, quân Xiêm dùng vũ lực toan lấn chiếm Hà Tiên và các vùng lân cận, Mạc Thiên Tứ lui về Trấn Giang cố thủ, con ông là tướng Mạc Tứ Sanh đã hy sinh tại cầu Tham Tướng. Xem thế họ Mạc không chỉ có công khai mở đất Hà Tiên, mà còn có công khai mở cả một vùng bao la rộng lớn khắp miền Tây Nam bộ. Năm 1739, Mạc Thiên Tứ đã dâng toàn bộ miền Tây cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn đặt các vùng Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Trấn Di (Bạc Liêu), và Trấn Giang (Cần Thơ) trực thuộc dinh Long Hồ về mặt hành chánh, nhưng vẫn tiếp tục cho Mạc Thiên Tứ làm Đô Đốc trấn nhiệm Hà Tiên. Năm 1753, chúa Võ Vương sai Nguyễn cư Trinh, đang làm Ký Lục của dinh Bố Chính vào Nam trông lo việc khai khẩn và lập bộ máy cai trị hành chánh. Nguyễn cư Trinh đã tỏ ra rất xuất sắc và có công rất lớn về tham mưu trong việc điều khiển các dinh Trấn Biên, Trấn Phiên và Long Hồ. Trong khi đó thì tại Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ đã tỏ ra xuất sắc trong việc biến nơi đây thành một dãy đất phì nhiêu trù phú và văn vật đáng kể của đất nước vào thời bấy giờ. Tuy nhiên, về sau này Nguyễn Ánh vì quyền lợi gia tộc đã khởi binh tại xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh để giành giựt lại giang sơn từ tay nhà Tây Sơn và gieo rắc không biết bao nhiêu là điêu linh đồ thán cho nhân dân Nam kỳ, nhứt là vùng Cần Thơ vừa yên giặc Xiêm, đến nội chiến. Khi quân Tây Sơn vào Nam bình định lãnh thổ và bắt sống được chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Ánh chạy thoát cùng Mạc Thiên Tứ sang Xiêm cầu viện và mang quân về tiếp tục gây cuộc can qua với nhà Tây Sơn.
Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), thì vua cho đổi Vĩnh Thanh trấn làm Vĩnh Long trấn, sáp nhập hai huyện Tuân Nghĩa và Trà Vinh (trước thuộc Gia Định) vào Vĩnh Long. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) thì Cần Thơ đổi làm huyện Phong Phú. Sau đó những năm cuối đời Minh Mạng (khoảng năm 1839) nhà vua chia các vùng đất của Gia Định thành làm 6 tỉnh, nên từ đó mới có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh. Sau khi Pháp Chiếm toàn bộ miền Nam, thoạt tiên vào năm 1868 chúng cho thành lập tỉnh Tam Cần, bao gồm các huyện Trà Ôn và Phong Phú (nay là Cần Thơ) và đặt tòa bố tại Trà Ôn để kiểm soát vùng này. Đến năm 1876, Soái Phủ Sài Gòn cho vùng Phong Phú thành lập tỉnh Cần Thơ, còn Trà Ôn thì trở thành một huyện của Cần Thơ. Lúc đó Cần Thơ có 5 quận là Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn, Trà Ôn và Cầu Kè gồm 8 tổng là Định An, Định Bảo, Định Phong, Định Thành, Định Quới, Thạnh Trị, Thới Bảo, Tuân Giáo và Tuân Lễ. Đầu quận có quan Chủ Quận và đầu tổng có Cai Tổng. Dưới tổng là xã có các hương cả, hương chủ, hương sư, hương trưởng, hương chánh, hương giáo, hương bộ, hương quản, hương thân, hương hào, xã trưởng và chánh lục bộ trông coi. Thời VNCH, năm 1956, Cần Thơ được đổi ra Phong Dinh, giao hai quận Trà Ôn và Cầu Kè về cho Vĩnh Bình, cắt phần đất Kế Sách trả lại cho tỉnh Ba Xuyên, trả hai quận Long Mỹ và Long Đức cho tỉnh Rạch Giá (sau này thuộc tỉnh Chương Thiện). Trong khi đó tại vùng kinh Xáng Xà No thì thành lập hai quận mới là Khắc Nhơn (sau này đổi lại là Thuận Nhơn) và Khắc Trung (sau này đổi lại là Thuận Trung). Về sau này nghe nói chánh quyền CSVN đổi lại tên tỉnh là Hậu Giang và nâng thị xã Cần Thơ lên hàng thành phố, dân số trong tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ lên đến hai triệu người (theo thống kê năm 2000 của CSVN). Đa số theo đạo Phật (khoảng 70%), toàn tỉnh có trên hàng trăm ngôi chùa Phật giáo. Khoảng 6% theo đạo Thiên Chúa, có một nhà thờ chánh tòa rất lớn tọa lạc trong thành phố. Ngoài ra, còn các đạo khác như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành, Ba Hai, và một số lớn dân chúng không theo đạo nào, mà thờ ông bà theo truyền thống cổ truyền của dân tộc.

***
Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Quí Vị mở Link bên dưới:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét