Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Đất Phương Nam 1 (TT)- Phần 1 Đồng Bằng Miền Đông


Tổng Quan Về Đồng Bằng Miền Đông: 

Vùng Đồng Nai thuở chúa Nguyễn mới khởi đầu cuộc Nam tiến, đất rộng người thưa, lại là vùng đất du canh của người Phù Nam từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ sáu, rồi sau đó đến người Chân Lạp, nên đất đai vùng này đã tương đối là vùng “đất thuộc” nghĩa là đất đã được khai khẩn chứ không còn ủng phèn như ở miền Tây nữa. 
Theo dòng Nam Tiến, cha anh chúng ta đã bắt đầu bằng cách chinh phục miền Đông Nam Phần. Họ đã đến khai phá những khu rừng già của vùng đất nầy cách nay trên 300 năm. Kỳ thật trước khi cha anh chúng ta đến đây thì hàng ngàn năm trước nơi nầy đã từng có các cộng đồng cư dân cổ. Đây là bản địa của các bộ tộc Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, và Stiêng, nhưng đến đầu thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch thì vùng đất nầy trực thuộc vương quốc Phù Nam, rồi đến thế kỷ thứ bảy vùng đất nầy trực thuộc Chân Lạp sau khi vương quốc Phù Nam sụp đổ. Khi vùng đất nầy trực thuộc vương quốc Chân Lạp thì hầu như nó bị lãng quên và bỏ cho hoang vu trong nhiều thế kỷ. Có thể người Chân Lạp đã quen sống với những vùng đất cao và dân cư ngay chính bản địa của họ là vùng Lục Chân Lạp cũng rất thưa thớt nên họ không màng đến chuyện tản dân về khai phá những miền đất sơn lam chướng khí của vùng Thủy Chân Lạp. Chính vì vậy mà cho mãi đến thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây, vùng đất nầy vẫn còn chìm trong hoang vu với rừng thiêng nước độc và hoang thú. 
Đúng ra phải phân định miền Đông và miền Tây theo thế đất, nghĩa là vùng đất cao từ Gia Định trở về phía Đông, phần đất thấp nằm về phía Tây của Gia Định. Miền Đông Nam Kỳ thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Khác với đồng bằng sông Cửu Long, ngoài lúa gạo tràn đồng, tôm cá đầy sông, cây trái quanh năm, vùng Đồng Nai Biên Hòa còn có nguồn tài nguyên dồi dào về đá xanh, đá ong, và đất sét đỏ làm gạch ngói, đồ gốm. Ngoài ra, vùng Thủ Dầu Một, Bình Long và Phước Long là một vùng thiên nhiên ưu đãi với những rừng cao su có phẩm chất tốt nhất nhì thế giới. Vùng tiếp giáp khu rừng Xuân Lộc và Buôn Mê Thuộc có rất nhiều gỗ quý. Miền Đông Nam Kỳ là vùng đất đỏ, một vùng đồi núi chạy dài từ biên giới Việt Miên đến biển Đông, từ Tây Ninh, Bình Long, Phước Long (Bình Phước), qua vùng Bình Dương, Đồng Nai cho đến Bà Rịa và Vũng Tàu. Vùng này có các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, và sông Bé, chảy qua miền đất đỏ mang nét đặc sắc riêng biệt là sự pha trộn chuyển tiếp từ miền núi đồi đất đỏ của cao nguyên Trung phần đến những cánh đồng bạt ngàn của miền Tây. Miền Đông với những rừng cao su bạt ngàn, những núi đồi chạy dài với những dòng sông đỏ ngầu đất phù sa. Đây còn là một vùng đất đầy sức sống của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu Nam tiến. Bắt đầu từ Đồng Nai, mảnh đất có chiều dài lịch sử mới hơn 300 năm nhưng mang đầy vết chân kiêu hùng của những người đi mở nước. Biên Hòa là vùng địa đầu của Nam Kỳ Lục Tỉnh, trước thời Nam Kỳ Lục Tỉnh Biên Hòa có tên là Trấn Biên. Trước đây vùng này mang tên Cù Lao Phố, là một phố cảng phồn thịnh nhất của Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, với những phố sá, mái ngói, tường vôi, đường sá lót gạch đỏ... Sau cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh thì cù lao Phố bị tàn phá. Sau năm Minh Mạng thứ 13, nhà vua bãi bỏ Gia Định Thành và chia Nam Kỳ ra làm 6 tỉnh, từ đó về sau mới có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Cấu Trúc Địa Chất Của Đồng Bằng Miền Đông:

Miền Đông Nam Phần có một địa thế hết sức đặc biệt, không cao như các vùng thuộc cao nguyên Nam Trung Phần, mà cũng không thấp như đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dầu khi nói đến Nam Phần là người ta nghĩ ngay đến vùng Đồng Nai Cửu Long, nghĩ ngay đến cái vùng mà một thời cha anh chúng ta đi mở cõi về phương Nam, nhưng về phương diện cấu trúc địa chất thì hai vùng Đồng Nai và Cửu Long hoàn toàn khác biệt nhau. Độ cao trung bình của đồng bằng miền Đông khoảng từ vài chục thước đến khoảng 200 thước trên mặt nước biển trung bình. Nó nằm ngay dưới chân các cao nguyên Lâm Đồng và Di Linh, về phía Bắc nó chạy dài từ Bà Rịa đến Tây Ninh, về phía Nam nó được phân biệt với đồng bằng sông Cửu Long bởi sự khác biệt về thế đất giữa hai con sông Vàm Cỏ. Đồng bằng sông Cửu Long thì kinh rạch chằng chịt, sông nước quanh năm, ngay cả vào những ngày nắng hạn, nhưng trên cánh đồng miền Đông thì ít sông rạch, nếu có thì chỉ là những con sông nhỏ, những con suối ngắn, mùa mưa thì nước tràn bờ, kịp đến mùa nắng thì cạn kiệt, không còn lấy một giọt nước. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, Đồng Bằng Miền Đông bao gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy, Phước Lễ(1), Sài Gòn và Gia Định với tổng diện tích khoảng 21.395 cây số vuông. 

Về mặt địa hình, đồng bằng Miền Đông có ba dạng địa hình khác nhau: thứ nhất là địa hình núi thấp như vùng núi Bà Đen hay Chứa Chan, thứ nhì là địa hình những ngọn đồi dợn sóng có độ cao từ 20 đến 150 mét, và thứ ba là địa hình đồng bằng có độ cao hơn mực nước biển từ 10 đến 20 mét. Đồng Bằng Miền Đông nằm trên hai vùng phù sa cổ và mới. Vùng phù sa cũ từ Tây Ninh qua Biên Hòa, rồi xuống Bình Dương, Sài Gòn, và từ Sài Gòn chạy ra Bà Rịa. Đây là vùng đất nghèo chất hữu cơ và khả năng giữ nước rất kém nên không phì nhiêu mầu mỡ như các vùng khác. Tuy nhiên, đây là loại đất rất thích hợp cho các loại hoa màu phụ như đậu phộng, rau cải, cây ăn trái như mãng cầu, chuối, và mít; cũng như các loại cây dùng trong kỹ nghệ như hạt điều, ca cao, và cà phê, vân vân. Vùng phù sa mới là vùng đất thấp, nằm về phía Nam Sài Gòn, chạy từ Nhà Bè ra biển. Vùng nầy quanh năm chịu ảnh hưởng của thủy triều và gió mùa, nên đất đai sình lầy với nhiều sông rạch. Dù không phì nhiêu như đồng bằng sông Cửu Long, các vùng Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, An Lộc, Lộc Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Vũng Tàu, Bà Rịa... vẫn có những khu vườn xanh mát bên cạnh những khu rừng bao la bạt ngàn. Nghĩa là khi thoạt nhìn toàn vùng chúng ta cứ tưởng toàn thể đồng bằng miền Đông có cấu trúc địa chất giống nhau, nhưng kỳ thật nó khác nhau rất xa. Vùng Tây Ninh từ biên giới xuống Bến Cát và Thủ Dầu Một, qua Chơn Thành, Phước Thành, từ Tân Uyên lên Đồng Xoài, ngoại trừ khu núi Bà Đen, còn thì đa số thuộc vùng đất của thềm phù sa cổ màu xám, tuy không phì nhiêu như vùng đất bazan(2), nhưng lại thích hợp cho việc trồng các loại cây lâu năm. Từ biên giới Cao Miên với các vùng Bù Đốp, Lộc Ninh, Bình Long và Phước Long là vùng đất đỏ, chen lẫn với các vùng đồi núi thấp nơi mà thượng nguồn các dòng sông Đồng Nai và La Ngà chảy ngang qua. Khoảng giữa sông Sài Gòn và sông Bé là bậc thềm phù sa cổ, có đất màu xám. Từ Biên Hòa ra Long Khánh, Gia Kiệm, Bình Long, Phước Long, nhất là vùng Lộc Ninh và Phú Riềng lại là vùng đất đỏ, Vùng đất nầy có tính giữ nước tốt hơn vùng đất xám nên đất đai tương đối mầu mỡ hơn. Vùng đất nầy rất thích hợp cho việc trồng các loại cây cao su, cà phê, hạt điều và hồ tiêu. Tuy nhiên, từ Long Khánh đến Xuân Lộc lại là vùng đồi núi thấp so với vùng cao nguyên. Từ Xuân Lộc xuống Bà Rịa-Vũng Tàu là sự chuyển tiếp giữa núi đồi thấp qua bậc thềm phù sa cổ có đất màu xám. Riêng vùng Cần Giờ và cửa Soài Rạp là có địa thế của vùng châu thổ, nhưng đa số đất đai vùng nầy lại bị ngập mặn. Chỉ riêng lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, từ biên giới Việt-Miên, xuống Gò Đầm, Trảng Bàng, Củ Chi, qua Thủ Dầu Một đến phía Nam thành phố Sài Gòn là vùng đồng bằng thung lũng, thấp hơn các vùng khác chung quanh, nhưng vẫn cao hơn mặt đất của đồng bằng sông Cửu Long. 
Xét về mặt địa chất thì đồng bằng miền Đông có hai thành phần cấu tạo rất khác biệt nhau. Về phía Bắc Đông Bắc gồm những dãy đồi thấp đất đỏ chạy dài từ Bình Long, Phước Long, xuống Phước Tuy, và Long Khánh. Đây chính là cái đuôi của vùng cao nguyên Trung Phần, vùng của những núi lửa cổ được lấp đầy bởi những dung nham của chính những núi lửa nầy. Hãy nhìn khu núi đồi Gia Nam thuộc tỉnh Long Khánh thì chúng ta sẽ thấy ngay một dãy dung nham trải dài đến hằng bốn, năm chục cây số từ Phước Tuy qua Xuân Lộc, Trảng Bom, Gia Kiệm, Định Quán, An Lộc, Lộc Ninh, và qua tận đến Cao Miên. Ngay tại Định Quán chúng ta vẫn còn thấy rõ những núi lửa cổ nổi bật giữa những ngọn đồi thấp thoai thoải. Nhìn chung trong vùng phía Bắc đồng bằng miền Đông Nam Phần, người ta thấy có một số núi đứng cô lập, không cao lắm, nhưng vẫn nổi bật giữa những vùng tương đối bằng phẳng. Đây là hình thức trồi lên của đá hoa cương trong vùng biển Thái Bình Dương, vì đá hoa cương được thành hình từ trong lòng đất thật sâu với nhiệt độ và áp suất thật cao, sau đó chúng trồi lên, rồi từ từ xuyên qua các tầng đá khác và nổi trội lên thành núi như các ngọn Bà Đen ở Tây Ninh (cao 986 mét), núi Bà Rá ở phía Bắc Phú Riềng (cao 736 mét), núi Chứa Chan ở gần Gia Ray (cao 838 mét), và ngay cả khu đồng bằng sông Cửu Long cũng có hiện tượng đá trồi ở khu “Thất Sơn” thuộc tỉnh An Giang.
Càng về phía Nam những đồi thấp đất đỏ nầy là những vùng phù sa cổ dọc theo lưu vực sông Đồng Nai có đất màu xám. Đây chính là những bậc thềm của vùng châu thổ. Tuy nhiên, xét về khả năng bồi đắp của sông Đồng Nai, chắc chắn nó không có khả năng bồi đắp thành những bậc thềm cao và rộng như vùng nầy. Chính vì thế mà có nhiều giả thuyết cho rằng chính sông Cửu Long trước kia đã từng chảy qua vùng nầy và chính nó đã từng tạo ra các bậc thềm ấy, rồi về sau nầy khi miền Đông được 
nâng lên trong kỷ Đệ Tứ cùng lúc với dãy Đậu Khấu bên Cao Miên, sông Cửu Long đã trượt dòng chảy từ từ về phía Nam đến vị trí của nó hiện nay. Ngoài ra, tại đồng bằng miền Đông người ta có thể tìm thấy vết tích của những lòng sông cũ qua những hồ dài và những trũng kín tù đọng tại các vùng Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Biên Hòa và Long Khánh. Nhiều nhà địa chất còn dám cả quyết rằng rất có thể là phần thượng lưu và trung lưu của các sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây cũng đang chảy trong các lòng sông cũ đó. Về phía biển, dầu chỉ có một bờ biển khoảng 100 cây số trong vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng bờ biển rất đẹp với tiềm năng thủy hải sản và du lịch rất cao. Bên cạnh đó, vùng nầy lại có một trữ lượng dầu tương đối lớn, trong khi bờ biển vùng nầy cũng chứa một trữ lượng khá lớn cát thủy tinh. Trên đất liền có đất của thềm phù sa cổ màu xám, tuy không phì nhiêu như vùng đất đỏ và nâu vàng, trên nền đá bazan, nhưng lại thích hợp cho việc trồng các loại cây lâu năm. Đây là loại địa hình rất thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp. 


Di Chỉ Khảo Cổ Trên Địa Bàn Miền Đông Nam Phần:

Lịch sử vùng đất Đồng Nai đã được thành lập từ lâu đời, tuy vậy, con người chỉ xuất hiện trong vùng này khoảng trên dưới 5.000 năm nay mà thôi. Vùng này là sản phẩm bồi đắp của phù sa sông Đồng Nai, một vùng phù sa đất đỏ, đã bao lần thay ngôi đổi chủ. Trước thế kỷ thứ V, vùng Đồng Nai và Bà Rịa thuộc vương quốc Bà Lợi, sau khi vương quốc Bà Lợi(3) suy yếu thì quân Chân Lạp lấn chiếm cả vùng phía Tây của vương quốc Phù Nam(4), lẫn vùng miền Đông(5) của vương quốc Bà Lợi. Bắt đầu thế kỷ XVII trở về sau này, dân Việt Nam bắt đầu tiến dần về phía Nam, khai khẩn những vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Trung phần như Mô Xoài và Trấn Biên(6). Cho tới bây giờ vẫn chưa có tài liệu đích xác về khởi điểm của cuộc Nam tiến; tuy nhiên, cuộc Nam tiến của dân Nam diễn ra rất sớm, có lẽ trước thời các chúa Nguyễn đặt chân đến Nam Kỳ rất lâu. Các di chỉ khảo cổ cho thấy vào những năm đầu Tây lịch thì trên bán đảo Đông Dương có rất nhiều sắc dân cư ngụ, tuy nhiên, có năm sắc dân chính là Việt Nam, Chiêm Thành, Lão Qua, Phù Nam và Chân Lạp, về dân số thì các dân tộc này ngang ngữa về số lượng. Sau một thời gian thì dân Việt lại tăng vượt trội hơn các dân tộc khác, trong khi các dân tộc khác chẳng những không tăng mà có phần suy giảm vì do sự du canh và điều kiện rừng thiêng nước độc ở các vùng này.
Về mặt nhân chủng học, theo các di chỉ khai quật được từ thời Pháp thuộc cũng như những cuộc khảo cổ mới đây vào những năm 2003 và 2004, tại vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Đồng Bằng Miền Đông, nhất là tại các vùng Dốc Chùa và Cù Lao Rùa(7) thuộc quận Tân Uyên đã có vết tích của người tiền sử có niên đại khoảng từ 2.500 đến 3.500 năm. Cũng tại Tân Uyên, người ta còn tìm thấy nhiều di chỉ thời sơ sử tại vùng Phú Chánh có niên đại từ 1.800 đến 2.000 năm. Trong hàng ngàn di vật đào được, tất cả thường là dụng cụ canh tác hay đồ trang sức, hoặc chum mộ, hoặc đồ gốm sứ bằng đất nung. Tất cả những thứ nầy đều gợi lại cho chúng ta những hình ảnh sinh hoạt của tiền nhân tại vùng nầy. Tuy nhiên, mãi cho đến ngày nay tại vùng Đồng Bằng Miền Đông, các nhà khảo cổ học chưa tìm được di vật mang hình ảnh con người, nên chỉ biết là từ xa xưa đã có con người sinh sống tại mảnh đất nầy, nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa hình dung được hình dáng và cách trang phục của những con người thời tiền sử tại vùng nầy như thế nào? Cho đến đầu thế kỷ thứ nhất sau Tây Lịch, dãy đất thuộc lãnh thổ Việt Nam bây giờ bao gồm ba vương quốc: Việt Nam(8), Chiêm Thành(9), và Phù Nam(10).
Cũng theo các di chỉ khai quật được, vào khoảng 1.000 năm trước Tây Lịch, đồng bằng miền Đông có nhiều bộ tộc cổ cư ngụ như người Mạ. Stiêng, Choro và Cơ ho, vân vân. Đến đầu Tây Lịch, vương quốc Phù Nam(10) thành hình. Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ thứ II, một dòng dõi quý tộc Chân Lạp(11) nổi lên tách vùng từ đèo Cù Mông đến Phan Thiết ra khỏi ảnh hưởng của Phù Nam và lập nên tiểu quốc Diệu Nghiêm mà sử Việt Nam gọi là Nam Chiêm, chứ kỳ thật đây là một vùng lãnh thổ của Phù Nam. Sau khi vùng Phan Thiết bị tách ra khỏi Phù Nam, một số dân trung thành với vương quốc Phù Nam tại đây chạy về vùng Sài Mạt, định cư và khai khẩn đất đai vùng này. Như vậy vùng đồng bằng miền Đông đã được người Phù Nam khai khẩn ngay từ đầu thế kỷ thứ II sau Tây lịch, và toàn bộ đồng bằng miền Đông nằm trong trung tâm của vương quốc Phù Nam xưa. Sau đó, vào khoảng thế kỷ thứ VI thì vùng đồng bằng Miền Đông trực thuộc vương quốc Chân Lạp. 

Diễn Tiến Lịch Sử Trên Địa Bàn Miền Đông Nam Kỳ: 

Mặc dầu trên danh nghĩa người Chân Lạp là chủ nhân ông của vùng Thủy Chân Lạp, nhưng cả một vùng đất bao la bạt ngàn nầy lại bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ vì Chân Lạp không đủ dân để đến khai phá. Mãi đến thế kỷ thứ XV, trong khi xứ Đàng Trong đã tiến đến Qui Nhơn (1471), thế mà vùng Prei-Nokor(12) vẫn còn là một vùng hoang vu, không có dân cư. Chính vì vậy mà mãi cho đến trước khi người Pháp đặt chân đến Nam Kỳ, tiến trình Nam tiến của dân tộc Việt Nam không hề bị trở ngại hay rắc rối nào với vương quốc Chân Lạp. Tuy nhiên, sau khi Pháp chiếm toàn bộ Đông Dương, họ đã dùng chính sách chia rẽ và gây thù hận giữa các dân tộc trong vùng để họ dễ bề cai trị bằng cách khởi động một chiến dịch tuyên truyền rằng Việt Nam đã xâm chiếm những đất đai ở vùng Thủy Chân Lạp bằng võ lực. Đây là một trong những đòn thâm độc nhất của thực dân Pháp vì tác dụng của nó gây di hại cho mối giao hảo giữa hai dân tộc Việt Miên cho đến ngày hôm nay. Phải nói qua lịch sử dựng nước của vương quốc Xiêm La, đa số đất đai của Chân Lạp đã bị vương quốc này thôn tính hoặc bằng võ lực, hoặc được dâng hiến như các tỉnh Chantaburi, Prachiburi, Xurin, Xixakhet, vân vân, nhưng tại sao người Chân Lạp không tỏ ra thù hận người Xiêm La như họ đã thù hận người Việt Nam? Lý do rất đơn giản, người Pháp đã tỏ ra rất tử tế với người Xiêm La vì không muốn họ quấy phá vùng biên giới Thái-Miên.
Đến năm 1658, vương quốc Cao Miên thần phục xứ Đàng Trong. Dù các vùng giáp ranh với Prei-Nokor đã có lưu dân người Việt đến khai phá, nhưng các vùng Tầm Bôn (Tân An), Lôi Lạp (Gò Công), Tầm Bào (Vĩnh Long), Preah-Trapeang (Trà Vinh), Bassac (Sóc Trăng), Tầm Phong Long, và Mang Khảm, vân vân, vẫn còn trực thuộc Chân Lạp. Sau năm 1658, lưu dân người Việt bắt đầu tràn xuống các vùng Trấn Biên (Biên Hòa và Đồng Nai), năm 1698 tiến xuống vùng Prei-Nokor và Gia Định, năm 1708 Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên. Năm 1732 Miên vương dâng đất Méso và Longhor, tức vùng Mỹ Tho và Vĩnh Long ngày nay. Năm 1755 Miên vương dâng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp, năm 1757 Miên vương lại dâng đất Trà Vang và Ba Thắc, và sau đó lại dâng luôn phần đất Tầm Phong Long. Như vậy đến năm 1757, cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam coi như hoàn tất. Cách nay hơn 3 thế kỷ về trước, tuy không phải là vùng rừng thấp như vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, toàn bộ Đồng Bằng Miền Đông chỉ là một vùng thảo nguyên hoang vu với vô số hươu, nai, bò hoang. Tuy nói Chân Lạp là chủ nhân ông, nhưng dân Chân Lạp thời bấy giờ lại là dân bán du canh nên họ chưa hề khai khẩn và phát triển miền này. Chính vì vậy mà khi mở cõi về phương Nam, các Chúa Nguyễn đã lấy vùng đất này làm bản địa xuất phát những cuộc mở cõi sâu hơn về phương Nam. Đây là vùng đất được lưu dân Việt Nam khai khẩn đầu tiên trong lịch sử khẩn hoang miền Nam. Như vậy, tính đến nay thì đất Sài Gòn-Gia Định đã có trên 300 năm lịch sử. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược. Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức đã ghi lại sự kiện lịch sử này như sau: “Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn.
Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị.” Đây là lần đầu tiên, kể từ sau thời vương quốc Phù Nam, vùng Trấn Biên và Phiên Trấn được định danh và phân bố ranh giới rõ ràng. Trước đây, người Chân Lạp dù đã mặc nhiên xem vùng đất này thuộc chủ quyền của mình, nhưng họ chưa bao giờ làm việc gì rõ ràng nhằm xác lập chủ quyền của vương quốc mình. Qua việc làm này, Nguyễn hữu Cảnh đã chánh thức xác lập chủ quyền của xứ Đàng Trong trên vùng đất mới này.
Sau khi chiếm xong miền Nam vào năm 1867, thực dân Pháp đã tự quyền cắt những phần đất do người Việt hay người Hoa khai phá và làm chủ như vùng phía Bắc Tây Ninh(13), và những vùng phía Bắc Hà Tiên như Kampot, Kompong Som và Linh Quỳnh để trả về cho Cao Miên. Nhờ những cử chỉ ấy mà khi người Pháp nói gì người Miên cũng tin là thật. Từ đó những tuyên truyền vô căn cứ của người Pháp về việc Việt Nam đã từng thôn tính vùng Thủy Chân Lạp của người Miên đã in sâu vào tâm khảm của dân tộc Khmer, và cũng chính vì thế mà mối thù hận của người Khmer đối với người Việt Nam ngày càng dâng cao. Kỳ thật, thời đó những lưu dân Việt Nam thường ví vùng Nam Kỳ như là vùng của “Chim Trời Cá Nước,” ai bắt được nấy ăn, không phiền phức đến ai. Mặt khác, vùng Nam Kỳ sau thế kỷ thứ VI hay thứ VII được người Chân Lạp mặc nhiên xem như của mình, chứ kỳ thật vùng này không phải là bản địa của Cao Miên. Thêm vào đó, người Chân Lạp có tánh hay hờn mát, nên khi người Việt tiến vào khai khẩn đất phương Nam, họ không thích người Việt, nhưng họ cũng không chống người Việt, mà chỉ rủa sả(14) rồi bỏ đi nơi khác. Vào đầu thế kỷ thứ 16, vùng Prei-Nokor chỉ là một thôn nhỏ nằm trong khu rừng già, dân cư rất thưa thớt, nhà cửa chỉ le que vài căn trên những gò cao, còn thì chung quanh là rừng rậm và đầm lầy. Cư dân ở đây chỉ tập trung theo các gò đất cao dọc hai bên bờ sông chứ không chịu đi sâu vào rừng khai phá. 

Hết Phần 1


Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét