Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Nước Mắt


Nước Mắt

Não nùng mấy nhánh sông trôi  
Hay em mắt ướt giữa đời quạnh hiu  
Chiều lên, chiều ngẩn ngơ chiều  
Tôi ngơ ngẩn nhặt cánh diều ướt mưa
                    Trần Bang Thạch

 ***
Các Bài Họa:
 
Nước Mắt

Nghiệt oan bể mắt dòng trôi
Thuyền tình lặn hụp cảnh đời hắt hiu
Buồn ngơ buồn ngẩn ơi chiều
Hồn xơ xác thể như diều gặp mưa
                        Kim Phượng
 
***
Lạc Bến


Hồn lạc xa bến nước trôi
Tấp bờ phiền muộn vướn đời buồn hiu
Sợi nắng héo hắt cuối chiều
Không đủ sưởi ấm ta diều đẫm mưa
                                   Kim Oanh 

***
Mắc Mưa


Thời gian nghiệt ngã cứ trôi
Sóng tình xô đẩy cuộc đời buồn hiu
Chiều đi ngơ ngẩn từng chiều
Tơ lòng tan tác thả diều mắc mưa !
                          Song  Quang
***
Bong Bóng Nước

Lênh đênh bong bóng nước trôi
Tựa tình si cũ quãng đời hắt hiu
Rơi rơi từng giọt đưa chiều
Trái tim lạnh giá như diều trong mưa.
                               Quên Đi
 
***

Vẫn Yêu Vẫn Nhớ Người Thôi 


Tình như vận nước nổi trôi
 
Giọt yêu mang đến cho đời hiu hiu  
Dù rằng tuổi đã về chiều  
Nhưng lòng vẫn trẻ như diều gặp mưa.
                         Lý Tòng Tôn (7/2017)

***
Ngẩn Ngơ...

Sông thương bèo dạt hoa trôi
Mây đen rớt hạt đứng ngồi buồn hiu
Thiết tha tha thiết buổi chiều
Ngẩn ngơ lại tiếc con diều sũng mưa
                    Mai Xuân Thanh
 
***
Nước mắt


Đời dài một mảng trôi trôi
Chậm vành mắt mỏi gói đời quạnh hiu
Hoàng hôn đọng mảng sương chiều
Dòng khô ngược mảng gió diều bứt dây
                       Nguyễn Đắc Thắng
 ***
Cảm Tác 

Đời

Phận người như chiếc thuyền trôi
Dòng sông lờ lững, dòng đời hắt hiu
Chiều qua rồi lại qua chiều
Trong lay lắt nắng, trong dìu dặt mưa.
                                  Phương Hà
 ***
Chiều
 
Mắt nhìn biền biệt sông trôi,
Não nùng nhớ dáng ai ngồi quạnh hiu.
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ người mưa ướt một chiều ướt mưa !
                                Đỗ Chiêu Đức
***
Nhớ
 

Lặng nhìn sông nước mây trôi
Quê người thu tới bên trời đìu hiu.
Làm sao quên được buổi chiều
Mắt xưa nhoà nhạt lệ nhiều hơn mưa !
                                      Mailoc
 
***
Nhớ bậu

Nhìn trời mây trắng vẫn trôi!
Nhớ người vừa bước vào đời hẫm hiu
Chiều về chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ bậu những chiều ngắm mưa
                                    Song MAI Lý Lệ
***
 

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Vui Cười 79


Ấp trứng
 
Có một anh chàng nọ nhà rất nghèo, nghèo đến nỗi không có cái quần để mặc. Nhà bên lại có cô gái rất đẹp ngày ngày để ý anh ta.
Một hôm cô nàng quyết định qua nhà làm quen. Vì không có quần mặc nên anh không dám tiếp, nhưng cô gái cứ một mực đòi gặp anh. Cuối cùng anh đồng ý nhưng lại chui vào một cái lu và ló đầu ra để trò chuyện.
Cô gái thấy lạ bèn hỏi
- Anh làm gì trong đó vậy?
Chàng trai ấp úng:
- À … Anh … Anh ấp trứng.
Cô gái:
- Trứng gì?
Chàng trai:
- Trứng voi.
Cô gái nghe thấy trứng voi liền muốn xem cho biết, cô ta xin anh chàng cho mình xem trứng voi, vừa mở lời xin cô ta thò tay ngay vào trong lu nhanh đến nỗi anh chàng ngăn không kịp. Chợt cô gái reo lên:
- A, anh ơi, trứng đã nở thành voi con rồi, em sờ thấy cái vòi ...

Ổ khóa và chìa khóa
 
Một bà vợ luôn tự coi mình là nhân vật quan trọng trong gia đình:
- ... Nếu thiếu sự quán xuyến của em thì gia đình sẽ tan nát, của cải sẽ đội nón ra đi.
Nghe vợ nói, ông chồng không hề phản đối mà còn hăng hái thêm vào:
- Em nói đúng, người vợ trong gia đình cũng giống như cái ổ khoá của một căn phòng. Đồ đạc trong phòng muốn an toàn phải nhờ có ổ khoá tốt.
- Anh nói chí phải!
- Còn vai trò của người chồng chỉ như cái chìa khoá mà tôi, làm sao so được với cái ổ khoá.
- Anh nói đúng lắm! Chưa bao giờ em thấy anh đánh giá vai trò của vợ chồng mình chính xác như hôm nay. Hoá ra anh cũng không ngớ ngẩn như em và mọi người vẫn tưởng.
- Để anh nói hết đã! Cái ổ khoá tốt là ổ khoá chỉ có một chìa mở được!
- Đúng quá đi rồi! Nếu chìa nào cũng mở được thì ổ khoá là loại vứt đi.
Ông chồng lại thủng thẳng:
- Còn chìa khoá tốt là chìa khoá mở được nhiều ổ khoá.
- Đúng.... à, không phải thế, không phải thế.
Bà vợ suy nghĩ một lúc mới biết ông chồng gài bẫy mình, liền xấn xổ:
- Thế cái chìa của anh mở được bao nhiêu ổ khoá rồi? Nói đi, nói đi! Tôi sẽ bẻ cong cái chìa khóa láo lếu này cho nó khỏi mở ổ khóa nào hết!


(Nguyễn Thế Bình Sưu Tẩm)


Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Về Miền Tây Bài 7


Mãi đến đầu thế kỷ thứ 18, tuy người Việt đã sinh sống khắp Nam Việt, nhưng hãy còn một dãy đất rộng lớn nằm giữa hai sông Tiền và sông Hậu cũng như vùng Thất Sơn giáp đến Cần Thơ vẫn còn trực thuộc vương triều Cao Miên. Đến năm 1759, quốc vương Chân Lạp là Nặc Ông Tôn nhờ chúa Nguyễn đem quân sang trợ giúp chống lại quân Xiêm đang lăm le dòm ngó. Sau khi đuổi quân Xiêm ra khỏi bờ cõi Chân Lạp, vua Nặc Tôn bèn dâng phần đất Tầm Phong Long gồm năm tỉnh bây giờ là Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long và Trà Vinh lên chúa Nguyễn. Kể từ đó, toàn bộ Nam Kỳ đã thuộc về Chúa Nguyễn, và đất nước Việt Nam, dù bị Trịnh Nguyễn xâu xé, là một dãy đất chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Từ đó các chúa Nguyễn cho sáp nhập toàn vùng Châu Đốc, Long Xuyên và Trà Vinh vào dinh Long Hồ. Như vậy, thuở đó dinh Long Hồ là một trong ba dinh lớn của vùng Nam Kỳ. Đến đời Minh Mạng thứ 13 thì nhà vua chia Nam Kỳ ra làm 6 tỉnh. Tỉnh Vĩnh Long lúc ấy gồm hầu như toàn bộ đất đai trực thuộc dinh Long Hồ xưa, phía Đông Bắc giáp tỉnh Định Tường, Đông Nam giáp biển Đông, Tây Nam giáp tỉnh An Giang. Sau khi Pháp chiếm xong toàn bộ Nam Kỳ, chúng chia Vĩnh Long ra làm bốn tỉnh là Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, và Tam Cần (một phần của quận Trà Ôn và một phần của thành phố Cần Thơ và tỉnh Cần Thơ sau này).
Hiện tại thì Vĩnh Long chỉ còn là một tỉnh nhỏ nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, cách Sài Gòn khoảng 136 cây số và tổng số diện tích khoảng 1.487 cây số vuông. Địa đầu của thị xã Vĩnh Long là vùng Mỹ Thuận, giao điểm của quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) và quốc lộ 53 (đi về Sa Đéc), là đầu mối giao thông quan trọng giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Đây là một vùng châu thổ đã được thành hình lâu đời, mặt đất ở đây bằng phẳng nhưng không cao hơn mặt nước biển trung bình là bao nhiêu, chỉ vào khoảng từ 1 đến 2 thước (khoảng từ 3 đến 6 bộ Anh), thậm chí có nơi chỉ cao bằng mực nước biển mà thôi. Địa thế Vĩnh Long như một cù lao, Bắc giáp sông Tiền, Tây Bắc giáp Cái Tàu, Nam giáp sông Hậu, Tây Nam giáp Cần Thơ, Đông Nam giáp Trà Vinh. Diện tích toàn tỉnh hiện nay khoảng chừng 159.584 mẫu, vào khoảng 1.487 cây số vuông (dựa theo bản đồ phân chia ranh giới tỉnh dưới thời đệ nhị Cộng Hòa vào năm 1967), gồm 7 quận: Châu Thành, Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, Chợ Lách, Bình Minh và Cái Nhum (Minh Đức). Sau năm 1975, hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh được nhập làm một với tên Cửu Long, nhưng những năm về sau này thì lại tách ra làm hai tỉnh như cũ. Hiện một phần của quận Chợ Lách thuộc tỉnh Bến Tre.

Dưới thời các Chúa Nguyễn, Vĩnh Long từng có tên Long Hồ Dinh, rất rộng lớn, bao gồm các vùng đất Vĩnh Long ngày nay, một phần phía Nam của Bến Tre và Gò Công, Trà Vinh, Trấn Giang (bây giờ là Cần Thơ), Trấn Di (bây giờ là Bạc Liêu), Châu Đốc, Long Xuyện, một phần của Rạch Giá và Cà Mau. Vào thuở đó, đất Nam Kỳ chỉ gồm có 3 dinh và 1 trấn là Trấn Biên dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh (Gia Định), Long Hồ dinh (Vĩnh Long), và Hà Tiên trấn. Ngày đó, thị xã Vĩnh Long hiện nay giống như Cần Thơ bây giờ, đã từng là trung tâm văn hóa, chánh trị và quân sự của dinh Long Hồ hay cả miền Tây (ngoại trừ Hà Tiên trấn). Ngay như Cần Thơ xưa cũng chỉ là một huyện của dinh Long Hồ mà thôi. Sau những cuộc thư hùng giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn, vào năm 1786, dinh Long Hồ thuộc quyền kiểm soát của Tây Sơn. Đến năm 1787, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, kéo đại quân về tiến chiếm Tiền Giang và Hậu Giang cũng như toàn bộ dinh Long Hồ. Dù quân Xiêm bị quân của Nguyễn Huệ đánh tan tát ở Rạch Gầm Xoài Mút, nhưng nhà Tây Sơn phải kéo toàn quân về ngăn giặc xâm lăng phương Bắc (do Lê Chiêu Thống cầu viện và Nguyễn Ánh gửi giúp 500 xe lương thực), nên Nguyễn Ánh lại kéo quân về đánh chiếm Bãi Tiên (bên kia sông tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ), rồi ổn định vùng dinh Long Hồ và biến nơi đây thành kho lương cho cuộc tranh giành giang sơn về sau này. Sau khi Nguyễn Ánh đã thu phục cả miền Nam thì đổi tên miền Nam thành đất Gia Định và chia ra làm 4 dinh: Phiên Trấn (Gia Định), Trấn Biên (Biên Hòa), Vĩnh Trấn (Long Hồ) và Trấn Định.
Tỉnh Vĩnh Long được khai phá từ năm 1732, khi các chúa Nguyễn bắt đầu dựng dinh Long Hồ. Thủ phủ lâu đời nhất của dinh Long Hồ được đặt tại thôn Long Hồ (khoảng tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ). Đến năm 1804, vua Gia Long đổi Long Hồ thành Vĩnh Thanh Trấn, chỉ bao gồm Vĩnh Long và An Giang, gồm phủ Định Viễn và 4 huyện Định Viễn, Vĩnh An, Tân An và Vĩnh Định, các vùng Rạch Giá và Cà Mau thì sáp nhập vào Hà Tiên Trấn. Vị Tổng Trấn đầu tiên của Vĩnh Thanh Trấn là cụ Nguyễn văn Nhân (1801-1805). Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) thì nhà vua đổi Vĩnh Thanh trấn làm Vĩnh Long trấn, gồm 4 phủ có 8 huyện: phủ Định Viễn gồm 2 huyện Vĩnh Bình và Vĩnh Trị, phủ Hoằng An gồm 2 huyện Tân Minh và Duy Minh, phủ Hoằng Trị gồm 2 huyện Bảo Hựu và Bảo An, phủ Lạc Hóa gồm 2 huyện Tuân Nghĩa và Trà Vinh. Tên Vĩnh Long được giữ đến ngày nay, dù diện tích có khi bị thu hẹp hay nới rộng thêm ra. Ngay sau khi Tổng Trấn Gia Định là Lê văn Duyệt qua đời thì vua Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng Trấn và đổi các trấn ra làm tỉnh, chia đất miền Nam ra làm 6 tỉnh là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Từ đó mới có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ranh giới giữa các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Hà Tiên thì vẫn giữ như cũ, riêng tỉnh An Giang thì lấy đất Tân Châu, Châu Đốc và 2 huyện của phủ Định Viễn cũ. Như vậy dưới thời Minh Mạng, tỉnh Vĩnh Long đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Năm Minh Mạng thứ 7, Vĩnh Long đã có Học Xá do quan Đốc Học điều khiển. Vào các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Vĩnh Long không có thay đổi gì đáng kể về mặt địa lý. Dưới thời Tự Đức, về hành chánh thì có Tổng Đốc Long Tường trông coi hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường, thủ phủ đặt tại tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ. Sau khi Pháp tiến chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) thì Vĩnh Long trở thành tuyến đầu của ba tỉnh miền Tây. Vua Tự Đức phái cụ Phan Thanh Giản vào làm Kinh Lược Sứ 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên), bản doanh đặt tại tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ. Những người không chịu sống chung với Pháp thì tản cư qua 3 tỉnh miền Tây, hãy còn do triều đình kiểm soát. Bấy giờ Vĩnh Long nghiễm nhiên trở thành tỉnh địa đầu của Nam Kỳ. Nhưng rồi sau đó vào năm 1867, quân ta thế cô sức yếu và vũ khí thô sơ, nên 3 tỉnh miền Tây cũng lại thất thủ và rơi vào tay giặc Pháp. Từ đó về sau này, về mặt địa đồ hành chánh, Vĩnh Long có lúc thay đổi, có lúc Sa Đéc thuộc Vĩnh Long, có lúc lại tách ra làm tỉnh riêng. Đến thời đệ nhị Cộng Hòa, Sa Đéc lại được tách ra làm tỉnh.
Sông Cửu Long chảy đến Châu Đốc thì phân ra làm hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang. Đến Vĩnh Long, sông Tiền chia làm nhiều nhánh và chảy ra biển bằng 6 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Còn sông Hậu nằm về phía Nam Vĩnh Long cũng chảy ra biển bằng 3 cửa: Định An, Ba Thắc và Tranh Đề (chính vì thế mà gọi là Cửu Long hay chín con rồng). Vĩnh Long có cái may mắn là được nằm ngay giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang nên khí hậu rất ôn hòa, đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Trên thì bạt ngàn đồng lúa và vườn cây ăn trái xanh tươi quanh năm, dưới nước thì cá tôm dẫy đầy trong các kinh rạch, nên đời sống vật chất của dân chúng rất phong phú, có lẽ cũng chính vì vậy mà tánh tình dân Vĩnh Long cũng rất phóng khoáng, thuần hậu và hiền hòa.
 

Có thể nói Vĩnh Long là tỉnh vùng châu thổ sông Cửu Long với kinh rạch chằng chịt nhau. Đặc biệt là khi người Pháp vừa lấn chiếm xong Nam Kỳ, họ đã cho đào những con kinh mới mà trước kia chỉ là những lạch nước nhỏ như kinh Bocquét, kinh Lộc Hòa, kinh Đội Hổ, kinh Phó Tế, kinh Ruột Ngựa (còn gọi là Kinh Cụt). Mục đích chính của họ khi cho đào những con kinh này không phải với hảo ý là để dẫn thủy nhập điền nhằm tăng thu hoạch cho dân ta đâu, mà mục đích chính của họ là đào thêm kinh với đường nước rộng rãi để tàu bè của họ có thể đến tận những nơi xa xôi mà thu chở lúa cho dễ dàng. Nhưng rồi theo luật đào thải, họ chỉ đè đầu đè cổ dân ta được một thời gian thôi, còn thì nước vẫn tiếp tục từ những dòng kinh đó tuôn chảy vào những cánh đồng ủng phèn, biến những nơi này thành những cánh đồng trù phú bạt ngàn.
Như trên đã nói, Vĩnh Long là vùng đất hiền hòa, từ nhân văn đến khí hậu. Trong lịch sử, Vĩnh Long ít khi bị bão tố hay lụt lội hạn hán vì nhờ có nhiều sông rạch. Ngày trước khi dân cư hãy còn thưa thớt và đất đai phì nhiêu thì người ta chỉ cần làm mỗi năm một mùa lúa cũng dư ăn dư để, thường thì gieo mạ vào tháng 6, cấy tháng 8 và gặt vào tháng giêng. Ngày nay với đà dân số tăng nhanh, người dân các nơi chứ không riêng gì Vĩnh Long, ai nấy đều phải làm lúa thần nông, có khi đến hai hay ba vụ một năm. Nói rằng Nam Kỳ là vựa lúa cho cả nước cũng không phải là quá đáng, tuy nhiên, không phải vùng nào của Nam Kỳ cũng đều trù phú như nhau. Có những vùng như Đồng Tháp, U Minh Thượng và U Minh Hạ, đa phần đất đai ở những vùng này hãy còn quá trũng và úng quá nhiều phèn, nên chỉ có những loại cây như tràm, mắm, giá là có thể mọc được mà thôi. Dù Vĩnh Long nằm trong trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, mặt đất lại không cao so với mực nước biển, nhưng ít khi Vĩnh Long bi nạn lũ lụt như những tỉnh An Giang, Châu Đốc và Đồng Tháp, vì Vĩnh Long có cái may mắn là sông rạch và kinh nước chằng chịt như mạng nhện, nên nước từ sông Cửu Long đổ xuống bao nhiêu cũng được thẩm thấu bởi hệ thống sông, kinh, rạch này. Chẳng những vậy, nhờ những kinh rạch này mà vùng Vĩnh Long được sông Cửu Long bồi đắp rất nhiều phù sa hơn nhiều vùng khác trong vùng châu thổ. Và cũng chính vì thế mà Vĩnh Long là quê hương của rất nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam như nhãn, xoài, mít, ổi, mận, cam, quít, sầu riêng, măng cụt, sa bô chê, chôm chôm, vân vân. Bên kia sông Tiền Giang là cù lao An Bình (An Thành) chạy dài về Đồng Phú, gồm bốn xã là An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú. Đất đai thật màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, với những vườn cây ăn trái say oằn quanh năm. Dân cư trên cù lao đã trải qua bao đời nên ai cũng an cư lạc nghiệp. Trên khắp cù lao, ngoài những vườn cây ăn trái xanh tươi và những ao nuôi cá (nhiều nhất là cá tai tượng), thấp thoáng chúng ta cũng nhìn thấy những vườn hoa được chăm bón kỹ lưỡng, từ mai chiếu thủy, mai vàng, lài, lan, đến các loại cúc, hồng... Ngoài ra, quận tại Bình Minh, bên cù lao Mỹ Hòa, cách thị xã Vĩnh Long chừng 30 cây số, dân tại đây chuyên trồng bưởi năm roi, một loại bưởi nổi tiếng ngon nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong thời Tây Sơn hưng khởi thì Vĩnh Long cũng như toàn thể đất Nam Kỳ đều chịu chung số phận làm con dân hai chủ. Hễ anh em Tây Sơn kéo quân vào thì Nguyễn Ánh bỏ chạy về vùng Cà Mau hay Phú Quốc, hoặc qua Xiêm. Đến lúc anh em Tây Sơn phải kéo quân về Bắc để diệt Trịnh hay để chống giặc Thanh thì Nguyễn Ánh lại kéo quân về cát cứ vùng Gia Định. Cứ thế mà trò chơi cút bắt này lập đi lập lại làm cho dân tình ngày càng điêu đứng hơn. Có thể nói khắp các miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, không có nơi nào là không có vết chân bôn tẩu của Nguyễn Ánh, từ Cần Giờ, Giồng Tài (Bến Tre), Ba Vát, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Cà Mau, vân vân. Nói gì thì nói, không ai trong chúng ta phủ nhận công ơn khai mở đất đai của các chúa Nguyễn, nhưng đất nước này nào phải của riêng ai. Nếu không có sức chịu đựng và lòng nhẫn nại của tiền nhân chúng ta thì thử hỏi các chúa Nguyễn đã tiến được đến đâu về phương Nam? Thế mà một người trong dòng họ của các chúa Nguyễn, chỉ vì muốn giành giựt lại giang sơn trong tay nhà Tây Sơn, nên hết rước Xiêm, rước Tàu, rồi rước Tây về dày xéo mả tổ, chỉ với một mục đích duy nhất là giành lại giang sơn, để rồi đưa đất nước chúng ta đến chỗ điêu linh đồ thán, mà mãi cho đến ngày hôm nay hậu quả vẫn còn tàn phá đất nước và dân tộc. Chính Nguyễn Ánh đã nợ quá nhiều người dân Nam Kỳ trong suốt thời kỳ bôn tẩu để lẩn trốn nhà Tây Sơn, thế mà khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã quay mặt, nếu không nói là không ban cho đất Nam Kỳ một đặc ân nào, ngay cả chuyện xây thành đắp lũy để phòng thủ bảo vệ vùng đất đã từng cưu mang Nguyễn Ánh. Rồi các vua chúa Nguyễn triều về sau này chẳng những cứ y như vậy mà đối xử với đất và người Nam Kỳ, mà còn có phần khắc khe hơn những nơi khác nữa, khiến sau này đã xãy ra không biết bao nhiêu là cuộc tao loạn khác như chuyện xiềng mã Tả Quân Lê văn Duyệt và sau đó Lê Văn Khôi uất ức nổi lên làm loạn chẳng hạn. Thôi thì chuyện lịch sử hãy để cho lịch sử sau này phê phán, bây giờ chúng ta trở lại chuyện Nam Kỳ mến yêu của chúng ta.
Về di tích lịch sử tại Vĩnh Long, nếu kể từ thời còn mang tên Long Hồ dinh thì thôi quá nhiều. Tuy nhiên, cũng có nhiều di tích quan trọng ngày nay đã hoàn toàn mất dấu như Thành Long Hồ, nằm trọn trên khoảng đất mà ngày nay là phường một của thị xã Vĩnh Long, cửa hậu day ra sông Cổ Chiên, cửa tiền quay về phía Cầu Lầu, cửa tả quay ra sông Long Hồ, còn cửa hữu thì hiện nay người ta gọi là “Cây Da Cửa Hữu.” Ngoài ra, xưa kia còn có hai đồn khác trấn giữ sông Cổ Chiên, một nằm về phía Đông của Bãi Tiên là đồn Vĩnh Tòng, và một là đồn Vàm Tuần ở xóm Vĩnh Mỹ Thành, ngày nay đã bị phù sa bồi đắp mất. Tuy nhiên, thành cũ đồn xưa đã hoàn toàn bi giặc Pháp phá hủy sau trận lấn chiếm 3 tỉnh miền Tây năm 1867. Hiện tại thì di tích Cây Da Cửa Hữu vẫn còn một nền đất cao và một ngôi miếu nhỏ mà dân địa phương gọi là “Miếu Bảy Bà.” Ngày trước cửa hữu rộng khoảng 4 công đất, bốn phía là ao vũng sình lầy. Bên kia sông Tiền Giang, đối mặt với Cầu Tàu Vĩnh Long là chùa Tiên Châu (thuộc địa phận cù lao An Thành). Chùa do Hòa Thượng Đức Hội xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ thứ 19 trên một khu đất rộng rải. người dân địa phương còn gọi là chùa Di Đà hay chùa Tô Châu.
Cách tỉnh lỵ Vĩnh Long chừng một cây số có một cây cầu hãy còn tên gọi Cầu Lầu, dù cầu Lầu ngày xưa đã không còn mà thay vào bằng một cây cầu đúc, nhưng danh từ Cầu Lầu vẫn là danh từ thân thương đặc biệt của người dân đất Vĩnh vì nơi đây đã từng có cây Cầu Lầu bằng ván ghi lại dấu vết của thành Vĩnh Long thuở xa xưa. Đây cũng là chòi canh chính dòm ra dòng sông Long Hồ. Ngày xưa cầu được lót bằng ván bên dưới cho khách bộ hành, khoảng giữa cầu có 4 cây cột cao, bên trên là chòi canh, lợp bằng ngói âm dương, bốn vách đều có lỗ châu mai. Cầu Lầu và Cầu Lộ bây giờ ngày xưa là hai cửa của thành Vĩnh Long, là những nơi quan yếu nhứt trong thành. Bên kia rạch Cầu Lầu là rạch Cá Trê chảy vào làng Phước Hậu. Ngay đầu Cầu Lầu và con đường dọc theo bờ sông đi về xóm lò Rèn là ngôi chợ Chiều. Chợ chỉ nhóm vào buổi chiều nên gọi là chợ chiều. Ông bà già xưa kể lại, chính tại xóm lò rèn này là nơi mà cựu trào dùng để đúc binh khí cho binh lính. Nhưng khi người Pháp chiếm Vĩnh Long, họ đã phá hủy Cầu Lầu và làm lại bằng cầu bê tông cốt sắt. Ngày xưa con đường từ Cầu Lầu đi về ngã ba Long Hồ, là huyết mạch chính nối liền Vĩnh Long Trà Vinh nên xe cộ đông đúc và sinh hoạt tấp nập, nhưng ngày nay đã thưa thớt xe chạy vì đã có lộ cầu Vồng lớn hơn nối liền Liên Tỉnh Lộ Vĩnh Long Trà Vinh. Năm 1864, cụ Phan Thanh Giản sai quan Đốc Học Nguyễn Thông xây dựng Văn Thánh Miếu, đến năm 1865 thì xây xong. Hiện nay khu di tích Văn Thánh Miếu vẫn còn ở phường 4 thị xã Vĩnh Long, phía Bắc ngó ra sông Long Hồ. Đây là một trong số rất ít văn miếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ ngoài đi thẳng vào trong nội điện (ba gian hai chái trông rất cổ kính) là nơi thờ Đức Khổng Phu Tử, chứng tỏ ảnh hưởng Nho giáo rất sâu đậm vào thời nhà Nguyễn. Ngay khi bước vào cổng phía bên phải là Văn Xương Các, nơi thờ các cụ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản là những người có công đối với nền giáo dục Khổng Mạnh của nước nhà thời bấy giờ. Trên giữa đường đi vào Văn Miếu có bia ký ghi lại tiến trình xây dựng Văn Miếu. Thường thì giữa tháng 2 và tháng 8 âm lịch thì Văn Miếu có tổ chức hai ngày lễ hội truyền thống. Văn Thánh Miếu chẳng những là một di tích văn hóa, mà còn là một điểm son, nơi một thời là điểm hội tụ của các nhà cách mạng yêu nước, nói là hội họp tao đàn, chứ thật ra là họp bàn phương án chống trả giặc Tây. Đối diện với Văn Thánh Miếu, bên kia sông Long Hồ là đình Long Thanh, nay thuộc phường 5 thị xã Vĩnh Long, cách trung tâm thị xã chừng 3 cây số. Ngôi đình được xây dựng trước thời các chúa Nguyễn chính thức làm chủ vùng đất này. vào khoảng năm 1720 tại vùng này có nhiều người Việt sinh sống lẫn lộn với người Khmer, nên các quan Nam triều thời bấy giờ đã cho xây dựng ngôi đình để dân chúng có nơi tụ họp sinh hoạt lễ hội. Đình Long Thanh là một trong những ngôi đình cổ nhất tại miền Nam còn tồn tại đến ngày nay. Ngoài ra, ở ấp Đông Phú, xã Ngãi Tứ, quận Trà Ôn, hiện còn ngôi chùa Phước Hậu, được xây dựng từ hậu bán thế kỷ thứ 18. Vào các năm 1895 và 1910, thiền sư Hoàn Chỉnh từ Quảng Ngãi vào trùng tu và trụ trì tại đây. Sau đó năm 1939 Hòa Thượng Khánh Anh trùng tu lại. Từ năm 1961 đến năm 1972, Hòa Thượng Thiện Hoa trụ trì tại đây. Thiền Sư Thích Thanh Từ, một thiền sư nổi tiếng thời cận đại là một trong những đại để tử của Thầy Thiện Hoa. Hiện nay tại quận Tam Bình còn một ngôi chùa cổ rất lớn, đó là chùa Kỳ Sơn, được xây vào khoảng năm 1812. Đây là ngôi chùa chính làm nơi sinh hoạt và lễ hội của người Việt gốc Miên tại quận Tam Bình. Ngoài ra, ở Vũng Liêm còn có chùa chùa Vũng Liêm hay chùa Sanghamangala, nhiều tài liệu cho thấy đây là ngôi chùa Miên cổ nhất còn tồn tại. Chùa được xây vào năm 1339. Tuy nhiên, do chiến tranh tàn phá nên năm 1964 và 1974 chùa được hai lần trùng tu. Ngay tại thị xã Vĩnh Long còn có những chuađược xây vào đầu hay giữa thế kỷ 20 như chùa Long Viễn, chùa Viên Giác, chùa Giác Thiên, chùa Pháp Hải, và tịnh xá Ngọc Viên. Bên cạnh những ngôi chùa cổ, Vĩnh Long còn có một nhà thờ chánh tòa rất lớn, được Đức Cha Ngô Đình Thục xây dựng vào năm 1957, và Thánh Thất Cao Đài nằm đối diện với trường Trung Học Nguyễn Thông (nay là trường Lê Quý Đôn).                   

(Chương Vĩnh Long Phần Đầu - Trang 33-35)

Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Quí Vị mở Link bên dưới:

***

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Đêm Mưa Gió


Đêm về trong lặng lẽ
Đêm khơi dậy niềm đau
Đêm gieo đầy cảm xúc
Đêm kỷ niệm năm nào.
            Mưa về thêm nhớ mong
            Mưa chẳng xót cho lòng
            Mưa thôi đừng rên rỉ
            Mưa lạnh giá cô phòng.
Gió lùa xuyên kẽ lá
Gió lộng suốt đêm dài
Gió đi vào nỗi nhớ
Gió lạnh thấm hồn ai.
                         Quên Đi

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Chu Trung


 Đất trời hoà một, trời là đất, đất là trời, không còn ranh giới giữa cõi Phật và nhân gian, chỉ có Chân Như trong sáng thôi.

         舟中                              Chu Trung

一葉扁舟湖海客     Nhất diệp biển chu hồ hải khách         
撐出葦行風     Sanh xuất vy hành phong thích thích              
微茫四顧晚潮生     Vi mang tứ cố vãn triều sinh
江水連天一鷗白     Giang thuỷ liên thiên nhất âu bạch        
          玄光禪師                 Huyền Quang Thiền Sư

Dịch Nghĩa: Trong Thuyền

Kẻ đang phiêu bạt biển hồ, ngồi trên con xuồng mong manh như chiếc lá
Chống xuồng qua đám lau, nghe tiếng gió buồn buồn rên rỉ
Bốn phía mịt mù, trong khi con nước buổi chiều đang lên
Giữa vùng trời và sông nước như liền nhau, xuất hiện một cánh chim hải âu trắng.

Diễn ý:

 Đây có phải là chiếc Thuyền không đáy của Tiếp Dẫn Tăng, và người khách là thầy trò Đường Tăng? Rời bến Lăng Vân, bỏ lại phía sau chốn mê, Tiếp Dẫn Tăng đưa thầy trò Đường Tăng sang đất Phật.

Dịch Thơ

      Kẻ phiêu bạt ngồi trên xuồng nhỏ
      Vượt ngàn lau trong gió thì thào
        Chiều mờ con nước dâng cao
Giữa trời đất quyện hiện màu trắng âu.
                               Quên Đi

***
                 Trong Thuyền

       Phiêu bạt một chiếc thuyền con
   Hàng lau xào xạc dập dồn gió than
        Chiều lờ mờ nước dâng tràn
Hải âu trắng xóa mênh mang đất trời
 
                                   Kim Oanh  
***
    Trong thuyền
 I -

Mong manh thuyền nhỏ trên hồ rộng
Qua đám lau già, nghe gió than
Mờ mịt bốn bên, trời nước quyện
Cánh chim ẩn hiện giữa mây ngàn.
 
II-

    Biển hồ rộng, mong manh thuyền nhỏ
        Vượt lau ngàn, nghe gió thở than
         Bốn bên triều ngập mênh mang
Giữa vùng trời nước, nhịp nhàng cánh âu.
 
III-
    Mong manh thuyền nhỏ giữa hồ
Thở than, tiếng gió trong bờ lau cao
       Bốn bên trời nước một màu
Cánh chim âu trắng từ đâu lượn về.

IV-
Thuyền nhỏ trên hồ rộng
Trong lau, tiếng gió than
Mênh mang trời nước quyện
Trắng hiện cánh chim ngàn
                          Phương Hà
***
       Một Lá Xuồng Con

1)
Biển hồ phiêu bạt lá xuồng con
Lau lách chèo qua gió nỉ non
Mù mịt triều dâng chiều vắng lặng 
Một màu trời nước trắng âu bon

2) 
     Biển hồ một lá xuồng phiêu bạt
       Lau lách đìu hiu dạt gió buồn 
        Mịt mù tứ phía chiều buông
Hải âu trời nước, trắng luôn cánh bằng

3)
      Xuồng bơi phiêu bạt cỏn con
  Băng qua lau lách gió lòn đìu hiu
      Mịt mù con nước buổi chiều 
Trời sông một sắc âu xiu cánh bằng 
                         Mai Xuân Thanh
                        Ngày 13/07/2017 
***
          Chu Trung
Khách hải hồ trên thuyền bé nhỏ
Vượt ngàn lau lướt gió rì rào
Bốn bề mù mịt tràn dâng nước
Trời đất liền nhau hiện cánh âu
 
                        Kim Phượng
***
            Chu Trung

Như chiếc lá rong chơi thuyền khách,
     Gió xạc xào lau lách vượt qua.
        Triều lên mù mịt chiều tà,
 Giữa trời mây nước xa xa cánh cò. 
                       Mailoc phỏng dịch
***
            Trên Thuyền

Chiếc thuyền con chở theo người hồ hải,
Gió se se rời khỏi khóm lau xanh.
Con nước tối chung quanh chừng bát ngát,
Một cánh cò giữa trời nước thanh thanh !

                                  Đỗ Chiêu Đức
***

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Nguyễn Thị Phỉ - CHS Tống Phước Hiệp NK-69


 
          Đệ Thất                           Đệ Tứ                 


         Đệ Nhất                           Đệ Nhị            





Hình Ảnh Nguyễn Thị Phỉ

***

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Cái Nóng Ngày Hè



   Cái Nóng Ngày Hè
Cái nóng Cali nực quá ta
Đau đầu sổ mũi phải nằm nhà
Quê cha hạ bức sông hồ cạn
Đất mẹ hè oi xứ sở xa
Cỏ cháy đồng khô hoa héo úa
Cây cao bóng mát lá vèo qua
Cờ bay trước gió lên phơi phới
Tứ hải giai huynh đệ với ta...

               Mai Xuân Thanh
       Ngày 24 tháng 06 năm 2017

***
Bài Họa:
 

              Hè Cali
Khí hậu Cali hạp với ta,
Đi đâu cho mệt, quẩn quanh nhà.
Núi đồi rừng thẳm không gần lắm
Bãi biển cát vàng chẳng quá xa.
Sáng sáng trên hoa sương đọng lại,
Chiều chiều trong lá gió vờn qua.
Chim gù nắng hạ quê hương nhớ
Cái thú mơ màng, mộng của ta.

                              Mailoc
                             6-24-17
***
             Giữa Hè

Chiều ra trước ngõ một mình ta
Ngóng gió đi ngang trước cửa nhà
Cây cỏ im lìm bên dốc vắng
Ao hồ cạn kiệt giữa đồng xa
Bụi tre vàng úa, buồn thiu đợi
Mây xám vô tình, lặng lẽ qua
Tay quạt liên hồi mà vẫn nóng
Trời hành khốn khổ cái thân ta. 

                         Phương Hà
***
Trưa Hè Nhớ Võng Mẹ Ru
 

Trưa hè nóng nực chỉ mình ta
Ngồi trước mái hiên cạnh cửa nhà
Ngó trẻ vui chơi đùa nghịch nước
Nhìn người lam lủ mệt đường xa
Giàn hoa thiên lý che râm mát
Lất phất gió nồm cứ thoảng qua
Nắng hạ oi nồng thiêm thiếp ngủ
Nhớ ngày tiếng võng Mẹ ru ta 

                        Song Quang
                    (Một thời để nhớ)
                          6/26/2017
***
           Trốn Nóng
 

Trưa hè nực nội chẳng riêng ta
Chiếc quạt trên tay đứng trước nhà
Tìm lại hơi xuân vừa lẫn trách
Cố xua cái nóng dạt ra xa
Bầu trời trong vắt không mây gợn
Ngõ hẻm vắng teo ít kẻ qua
Coi bộ mọi người đang trốn nắng
Trưa hè nực nội chẳng riêng ta.

                            Quên Đi
***
     Nóng Muốn Thấy Bà

Nực nội thấy bà chẳng một ta,
Nắng thôi muốn chết trước hiên nhà.
Người già quạt gió than trời nóng,
Trẻ nhỏ cởi truồng tắm rạch xa.
Chim chóc êm re không một móng.
Bộ hành vắng ngắt chẳng người qua.
Nắng sao nắng qúa như thiêu đốt,
Nóng muốn thấy bà chẳng một ta ! 

                          Đỗ Chiêu Đức
***
        Nóng Ngày Hè
 

Nóng trời mệt thở há riêng ta?
Có lẽ nhiều nơi khắp mọi nhà
Phanh rốn xả hơi,hơi xứ lạ
Vén tà chờ gió,gío phương xa
Mong hoài phát oải mà đâu thấy
Đợi mãi sinh điên cũng chẳng qua
Đành kéo dăm lon hầu giải khát.
Nóng trời mệt thở há riêng ta?

                           Thái Huy
*** 

    Hương Tình Tháng Hạ 

Từ khi viễn xứ biệt quê ta
Thương nhớ làm sao non nước nhà
Cứ mỗi hè về mơ tiếng quốc
Mỗi lần hạ đến tiếc năm qua
Lời ru của Mẹ còn vang bóng
Chiếc võng bà đưa vẫn vọng xa
Cái nóng phương nầy đâu sánh được

Quê mình,bão tố khổ dân ta.
                  Song MAI Lý Lệ
                          6/28/2017

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Đất Phương Nam 1 (TT)- Phần 3 Đồng Bằng Miền Đông



Những Mốc Lịch Sử Quan Trọng Của Đồng Bằng Miền Đông: 

Ngay từ khi Nguyễn Hoàng được cử vào cai quản vùng đất Thuận Hóa vào năm 1558, ắt hẳn đã có lưu dân người Việt phiêu lưu tìm đất sống ở vùng miền Đông Nam Kỳ rồi. Đến khi quân Đại Việt chiếm Phú Yên vào năm 1611, con đường tiến vào đất Thủy Chân Lạp đã được rút lại thật ngắn. Đến năm 1693, vương quốc Champa coi như không còn nữa, biên giới giữa Đại Việt và Thủy Chân Lạp đã đến vùng Bình Thuận. Tuy nhiên, ngay những năm từ năm 1620 đến năm 1623, sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyễn gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chei Chetta II và xứ Đàng Trong đã đặt xong 2 trạm thu thuế ở các vùng Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay, đã có rất nhiều người Việt đến khẩn hoang lập ấp ở đồng bằng Miền Đông rồi.
Thật ra, vùng đất Thủy Chân Lạp chỉ trực thuộc vương quốc Chân Lạp trên danh nghĩa mà thôi, trên thực tế hầu như vùng đất nầy là một hoang địa kể từ khi vương quốc Phù Nam bị triệt tiêu. Người Khmer, nếu có, chỉ sống rải rác ở các vùng gò cao. Còn lại những bộ tộc cư dân cổ như Mạ, Stiêng, Cho-Ro, Cơ Ho, vân vân, cũng sống thưa thớt ở những vùng đồi núi mà thôi. Khi người Việt đến đây, hình như họ đang đi vào một vùng đất không người, vùng đất vô chủ, vùng đất không ai muốn tranh chấp với ai. Lúc đó cù lao Phố, tức vùng Biên Hòa bây giờ là ải địa đầu với đường bộ lên Cao Miên và ra Trung, cũng như đường thủy xuống Sài Gòn.
Chính vì thế mà chúa Nguyễn đã cho phép Trần Thượng Xuyên lên khai khẩn vùng này trước tiên, và chẳng bao lâu sau đó vùng Đông Phố đã nghiễm nhiên trở thành thương cảng lớn bật nhất của xứ Đàng Trong. Trần Thượng Xuyên đã chiêu tập lưu dân khai khẩn đất hoang, đồng thời ông đã tạo điều kiện dễ dãi cho thương nhân đến đây trao đổi buôn bán... Vào thời đó các vùng Bà Rịa, Đồng Môn, Long Khánh, Tân Uyên, Giồng Ông Tố, Thủ Thiêm, Nhà Bè, Thủ Dầu Một, Lái Thiêu... là những vùng đông cư dân và kinh tế rất phồn thịnh. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược. Công việc của Nguyễn Hữu Cảnh là định danh, phân ranh và đăng ký vào sổ bộ của Việt Nam những đất đai nào đã trực thuộc Việt Nam vào thời này. Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị.” Như vậy chính Nguyễn Hữu Cảnh đã xác lập và tuyên bố chủ quyền xứ Đàng Trong trên vùng đất Nam Kỳ này. Thời đó huyện Tân Bình, tức Sài Gòn bây giờ trực thuộc phủ Gia Định và Sài Gòn là lỵ sở của Gia Định. 

Sự Thành Lập Các Cộng Đồng Cư Dân Tại Miền Đông Nam Phần:

Theo các di tích khảo cổ từ thời Pháp thuộc thì vùng Sài Gòn Gia Định đã có nhiều bộ tộc cổ sinh sống tại đây từ rất xa xưa. Những tư liệu nghiên cứu về nhân chủng học ở thời kỳ văn hóa kim khí tại Đồng Bằng Miền Đông cho thấy cư dân của trung tâm kim khí nầy thuộc nhân chủng Mongoloid có nét nổi trội của các bộ tộc trong vùng Đông Nam Á (Indo-Melanésien), chứ không giống như người Mongoloid ở vùng Thái Bình Dương (Indonesien). Đây là những bộ tộc thiểu số vẫn còn tồn tại đến ngày nay như người Mạ, Stiêng và Khmer ở vùng biên giới Tây Ninh chạy dài xuống Mỹ Tho. Như vậy, ngay từ nhiều thế kỷ trước Tây lịch, vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn Gia Định đã từng là một nơi quan trọng trong vùng, đã từng là mặt tiền của lưu vực của hai con sông Đồng Nai và Vàm Cỏ. Có lẽ chính những cư dân vùng nầy vào thời đó đã góp phần xây dựng nên nền văn hóa Óc Eo cũng không chừng. Tính đến nay, dầu chưa có bằng chứng xác đáng về mối quan hệ giữa các nền văn hóa miền Đông Nam Kỳ với các nền văn hóa khác tại Đông Nam Á, nhưng những dấu ấn của nền văn minh Ấn Độ mà chúng ta tìm thấy qua các di chỉ khảo cổ Óc Eo cũng đủ cho chúng ta thấy rằng vào những thế kỷ trước Tây lịch, các cư dân cổ trong vùng Đông Nam Phần có liên hệ với các cộng đồng cư dân khác chẳng những trong vùng Đông Nam Á, mà còn với các xứ Miến Điện, Tích Lan và Ấn Độ nữa.
Vào giữa thế kỷ thứ XVII, người Việt bắt đầu tràn xuống sống chung đụng hài hòa với các bộ tộc bản địa tại đây. Tuy nhiên, ít lâu sau đó vì sự khác biệt về phong tục tập quán nên đa số người Khmer trong vùng này rút dần về phía Tây Ninh, gần vùng biên giới Việt Miên, trong khi đó người Khmer trong vùng Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Châu Đốc vẫn tiếp tục sống hài hòa với người Việt và người Hoa. Người Mạ ở vùng Mô Xoài, mà người Việt chúng ta thường gọi họ là “Mọi Bà Rịa,” họ có tục cà răng căng tai, rất thạo nghề dệt vải có hoa văn rất đẹp. Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc, trước khi người Chân Lạp làm chủ phần đất Nam Kỳ thì người Mạ sống trong vương quốc Phù Nam từ các vùng Đồng Nai xuống đến Mỹ Tho. Sau khi Chân Lạp sáp nhập vùng Thủy Chân Lạp vào lãnh thổ của họ, tuy phải triều cống Cao Miên mỗi năm, người Mạ vẫn là một kiểu tiểu quốc tự do, có tiểu vương Chê Mạ cai trị khắp vùng Tây Nam, trên lưu vực sông La Ngà, và về phía Bắc trên cao nguyên Di Linh và vùng Lâm Đồng. Người Mạ rất hiền lành nên thường bị người Khmer và người Stiêng bắt đem bán làm nô lệ khắp các nơi. Người Stiêng sinh sống tại các vùng Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa... Họ để tóc rất dài, bới đàng sau gáy, đeo bông tai, xăm mặt và xăm mình, đàn bà thường mặc váy, còn đàn ông đóng khố. Theo “Địa Chí Thủ Dầu Một” ấn hành năm 1910, người Pháp gọi người Stiêng bằng nhiều cái tên khác nhau như “Mọi Hoang,” hay “Mọi Cà Răng,” hay “Mọi Đồng Nai,” vân vân. Hiện tại bộ tộc Stiêng còn khoảng trên dưới 50 ngàn người, trong đó có khoảng 40 ngàn người sống rải rác trên các vùng Tây Ninh, Bình Dương, và Đồng Nai; số còn lại sống trên vùng phía nam cao nguyên Trung Phần. Trước thế kỷ thứ XVII, vùng Đồng Nai và Mô Xoài là vùng biên địa giữa hai vương quốc Chân Lạp và Chiêm Thành nên ngoại trừ hai dân tộc Mạ và Stiêng, vùng này hầu như không có dân cư Chiêm Thành hay Chân Lạp. Phần lớn đất đai ở vùng này là rừng rậm và đầm lầy hoang vu với vô số muông thú. Khi người Việt bắt đầu vào khai thác đất Thủy Chân Lạp thì các bộ tộc Mạ và Stiêng từ từ lui dần về phía Bắc với những vùng đất cao hơn.
Cho đến bây giờ người ta vẫn chưa tìm được chứng cớ lịch sử cho thấy lưu dân người Việt bắt đầu đi vào đất Đồng Nai-Mô Xoài từ lúc nào, có lẽ họ đã dong buồm xuôi Nam từ khi Nguyễn Hoàng mới vào trấn nhậm đất Thuận Hóa, hay có lẽ họ đã vào đây từ khi triều đại nhà Trần mới lên thay nhà Lý vào thế kỷ thứ XII, vì vào thời kỳ này, Trần Thủ Độ tìm cách tiêu diệt hết di thần nhà Lý, nên một số theo hoàng tử Lý Long Tường dong buồm về Bắc đến Cao Ly, còn một số khác dong buồm xuôi Nam, nhưng không thấy sách sử nào nói đến số di thần nhà Lý dong buồm xuôi Nam rồi đi về đâu. Tuy nhiên, theo Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định Thành Thông Chí,” từ  đời “tiên hoàng đế,” tức là từ thời các chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phước Nguyên, người Việt đã đến khai khẩn vùng Mô Xoài. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì Mô Xoài là vùng địa đầu của Biên Trấn, tức là vùng lưu dân người Việt đầu tiên đặt chân đến để khai phá và mở mang nước Việt về phương Nam. Tuy nhiên, mãi đến khi vua Miên là Chey Chetta II cưới nàng công nữ Ngọc Vạn, người Miên gọi là hoàng hậu Sam Đát vào năm 1620, thì lưu dân người Việt mới ào ạt tiến về phương Nam lập nghiệp. Theo hồi ký của giáo sĩ Christofo Borri, một giáo sĩ người Ý đã sống gần vùng Qui Nhơn từ năm 1618 đến năm 1622, chúa Nguyễn Phước Nguyên đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền lẫn binh lính để chống lại quân Xiêm La. Borri cũng diễn tả về phái đoàn của công nữ Ngọc Vạn đi Oudong như sau: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới Oudong thì dân chúng Khmer, thương nhân người Bồ, Nhật, Trung Hoa, đã tụ tập đông đảo để tiếp đón và hoan nghênh.” 
Vào hậu bán thế kỷ thứ XVII, cộng đồng người Hoa bài Thanh phục Minh theo chân Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên, được chúa Nguyễn cho vào vùng đất phương Nam khai khẩn các miền Đông Phố và Mỹ Tho. Tại đây những người Minh Hương nầy đã thành lập những cộng đồng người Hoa hết sức đặc sắc với những phố sá sầm uất. Tuy nhiên, sau khi quân Tây Sơn tảo thanh tàn quân Nguyễn Ánh năm 1776, vùng Đại Phố bị tàn phá vì thời đó người Hoa vùng này yểm trợ Nguyễn Ánh rất đắc lực. Sau khi Đông Phố bị đốt sạch, người Hoa chạy về vùng Bến Nghé và lập nên vùng Sài Gòn Chợ Lớn ngày nay. Đây là vùng đất cao nằm hai bên bờ sông Sài Gòn với nhiều sông rạch nối liền Thị Nghè (rạch Thị Nghè), Hóc Môn, Gò Vấp, Chợ Lớn... xuống tận Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Cần Đước, Cần Giuộc...

Thổ Sản Trên Những Cánh Đồng Miền Đông:

Miền Đông Nam Kỳ là một vùng đồi núi thấp, chạy dài từ biên giới Cam Bốt đến biển Đông, bắt đầu từ Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Long Khánh qua vùng Bình Dương, Đồng Nai, cho đến Bà Rịa, Vũng Tàu, có các con sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé chảy qua. Miền Đông đất đỏ mang một nét đặc sắc riêng biệt, vì đây là vùng chuyển tiếp từ vùng rừng núi của cao nguyên Nam Trung Phần sang vùng đồng bằng sông nước miền Nam. Trên mười ngàn năm nay, vùng này được bồi đắp bởi phù sa đất đỏ của sông Đồng Nai lên vùng nham thạch cổ của một vùng núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu. Đây là vùng bạt ngàn những rừng cao su và những núi đồi ngút ngàn, bên cạnh những dòng sông đỏ ngầu phù sa. Vùng đất đỏ bụi mù về mùa nắng, và lầy lội về mùa mưa. Tuy đồng bằng Miền Đông không màu mỡ như đồng bằng Miền Tây nhưng so với các vùng Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa... thì vùng này vẫn phì nhiêu mầu mỡ hơn nhiều. Tại đây có rất nhiều nông sản nổi tiếng như lúa cuống chim, tám thơm, nàng yên, nàng thơm; các loại nếp thơm, nếp than cũng nổi tiếng không kém. Ngoài ra, miền Đông còn nổi tiếng với những vườn cây ăn trái như bưởi Biên Hòa, xoài, vú sữa, chuối, mít, đu đủ, ổi, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... ở các vùng Bún, Lái Thiêu, Bình Dương. Trái cây và rất nhiều nông sản được sản xuất lên Sài Gòn và các tỉnh miền Trung. Ngoài việc tưới tẩm ruộng vườn miền Đông, sông Đồng Nai còn là nguồn nước tiêu xài chính yếu cho cả miền Đồng Bằng Miền Đông, thủy đạo quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa khắp các tỉnh miền Đông. Dưới thời Pháp thuộc, miền Đông trở thành miền đất nổi tiếng với nhiều đồn điền, là vùng đất hứa cho nhiều lưu dân từ các miền khác của đất nước. Chẳng những trong thời Pháp thuộc, mà ngay từ lúc đầu mở cõi, vùng đất Đồng Nai và Gia Định là điểm tập trung lưu dân, trước khi bung ra các miền khác. Ngay từ thời kỳ đầu của cuộc Nam Tiến, vùng đồng bằng miền Đông là hậu phương lớn cho dân quân đi khai khẩn miền Tây. Ngoài nông sản, lâm sản, thủy và hải sản, miền Đông còn một nguồn tài nguyên dồi dào nhất miền Nam, đó là khoáng sản. Từ khi mở cõi về phương Nam, cả miền Nam chỉ trông mong vào khoáng sản của miền Đông cung cấp cho toàn bộ công tác kiến trúc và xây dựng. Bên cạnh nguồn đá xanh (granite) từ các núi Bà Đen, Chứa Chan, và Bà Rá, miền Đông còn là nơi sản xuất đủ các loại gạch ngói, cát, cũng như các vật liệu bằng đá ong.

Sự Phân Bố Dân Số Tại Miền Đông Trong Thời Cận Đại:

Về dân số, khi những lưu dân Việt Nam mới đặt chân vào đất Đồng Nai thì cư dân ở đây chỉ có khoảng vài ngàn người thuộc các sắc dân thiểu số. Sau khi tướng Trần Thượng Xuyên thành lập xong vùng Cù Lao Phố, thì khoảng 92 phần trăm là người Việt, người Hoa khoảng 6 phần trăm, còn lại khoảng 20 dân tộc thiểu số chiếm 2 phần trăm. Trong đó người Chơro có khoảng 10.000, người Chàm khoảng 6.500, người Khmer khoảng 5.000, người Gia Ray khoảng 2.500, nhưng người É đê chỉ khoảng non 100 người mà thôi. Có người cho rằng đợt người Hoa di cư trong đợt “Bài Thanh phục Minh” cùng thời với Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch thuở nào đã cưới vợ hay lấy chồng Việt Nam và đã bị đồng hóa thành người Việt hết rồi. Nói như vậy là không hiểu gì về bản chất sinh hoạt văn hóa của người Hoa. Cộng đồng người Hoa ở hải ngoại tự thuở giờ vẫn vậy, đàn ông có thể lấy vợ Việt Nam, chứ đàn bà ít khi nào chịu lấy chồng người Việt lắm. Hơn thế nữa, họ chỉ nói tiếng Việt khi phải giao tiếp với người Việt Nam mà thôi, còn tại nhà hay nói chuyện với nhau họ đều dùng tiếng mẹ đẻ mà nói. Hầu như địa phương nào có người Hoa là có các trường dạy tiếng Hoa mọc lên, mà thường thì các trường dạy tiếng Hoa lại lớn hơn các trường Việt. Chính vì thế mà người viết bài này dám đoan chắc rằng những người Hoa ở vùng Biên Hòa, Sài Gòn và Chợ Lớn hiện tại, đa phần là hậu duệ của các nhóm di thần nhà Minh chạy theo Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch năm xưa. Đến năm 1776, Cai Bộ phủ Gia Định là Hiến Đức Hầu Nguyễn Khoa Thuyên đã làm tờ cáo về triều về dân số vùng Nông Nại như sau: huyện Phước Long thuộc vùng Biên Trấn có hơn 250 thôn với tổng dân số lên tới 8.000 người, và huyện Tân Bình có hơn 350 thôn với tổng dân số hơn 15.000 người. Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, theo thống kê năm 1865, dân đinh tại ba tỉnh miền Đông là 35.778 người; đến năm 1866 tăng lên 39.369 người. Tuy nhiên, trong lúc người Pháp làm những thống kê nầy thì đa số cư dân Việt Nam đã tản cư về 3 tỉnh miền Tây, nên mãi đến khi người Pháp chiếm xong miền Nam vào năm 1867, thì thống kê toàn miền Nam có trên 477.000 người.
Về tôn giáo thì người miền Nam nói chung, người dân ở vùng Đồng Bằng Miền Đông nói riêng, rất hòa đồng với nhau bất kể niềm tin hay tín ngưỡng. Chính vì thế mà ở vùng này có sự hiện diện của rất nhiều tôn giáo từ Phật giáo, chiếm trên 80 phần trăm, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa Hảo, vân vân. Đặc biệt, Tây Ninh là nơi sản sanh ra đạo Cao Đài. Hiện tại Thánh Thất Cao Đài Tây Ninh với một lối kiến trúc hoành tráng là biểu hiện thiêng liêng nhất cho các tín hữu Cao Đài khắp miền Nam. Riêng Thiên chúa giáo, dù đã được các cha cố người Bồ truyền bá vào Việt Nam từ thế kỷ XV, nhưng chỉ mới được du nhập vào miền Đông sau thời kỳ Pháp chiếm Nam Kỳ. Đặc biệt số tín đồ tại đây tăng lên đáng kể khi 2 triệu người di cư từ Bắc vào Nam trong năm 1954, với chánh sách của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đặc biệt nâng đỡ cho người theo đạo Gia Tô. Đạo Tin Lành phát triển mạnh sau thập niên 1960s.

Chú Thích:
(1) Vùng Bà Rịa và Vũng Tàu ngày nay.
(2) Đất đỏ.
(3) Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì vương quốc Bà Lợi có lẽ là một vương quốc nhỏ nằm trong vùng Đồng Nai và Bà Rịa hiện nay.
(4) Nay là miền Tây Nam Việt.
(5) Vùng Đồng Nai và Bà Rịa ngày nay.
(6) Vùng Bà Rịa và Biên Hòa ngày nay.
(7) Cù lao Thạnh Hội.
(8) Lãnh thổ Việt Nam bao gồm một phần lớn lãnh thổ Hoa Nam, tức Quảng Đông và Quảng Tây, miền Bắc, và Bắc Trung Việt tới đèo Ngang.
(9) Lãnh thổ Chiêm Thành từ đèo Ngang đến đèo Cù Mông.
(10) Lãnh thổ Phù Nam trên phần đất Việt Nam ngày nay chạy dài từ đèo Cù Mông đến Kompong Som (Vũng Thơm, ngày nay thuộc Cao Miên). Tuy nhiên, về phía Tây, nó chạy dài đến Thái Lan và phía tây nam đến eo biển Malacca (ngày nay thuộc Mã Lai).
(11) Theo một bia ký tại làng Võ Cạnh gần Nha Trang.
(12) Vùng Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay.
(13) Nay thuộc tỉnh Svayrieng.
(14) Chưởi sau lưng người khác.
(15) Diện tích gấp hai lần diện tích vùng châu thổ sông Hồng, nhưng dân số lại chỉ bằng phân nửa, nên đây vẫn còn là một vùng đầy hứa hẹn trong công cuộc phát triển của đất nước.
(16) Đà Lạt.
(17) Khoảng 85 mét khối một giây.
(18) Nằm về phía Bắc tỉnh Bà Rịa.
(19) Thuộc vùng Hóc Môn.
(20) Cao hơn mực nước biển.
(21) Chùa Phụng Sơn, trong địa phận Sài Gòn.

Hết Phần Đồng Bằng Miền Đông.

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***