Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Trong Mơ


Mơ màng lạc lỏng giữa bầy muông
Đứng lặng nhìn xem chúng diễn tuồng
Co vuốt cáo hùm chung sức dụ
Tin lời nai thỏ vội ra chuồng
U mê ắt vướng vòng gian hiểm
Kết thảm cũng vì chuyện hứa suông
Hốt hoảng gọi người ngăn kẻo trễ
Giật mình tỉnh giấc ánh chiều buông.
                                 Quên Đi

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Ngẫu Thành 2 - Nguyễn Trãi



       偶 成                         Ngẫu Thành 2

世上黃梁一夢餘   Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư, 
覺來萬事總成虛   Giác lai vạn sự tổng thành hư. 
如今只愛山中住   Như kim chỉ ái sơn trung trú, 
結屋花邊讀舊書   Kết ốc hoa biên độc cựu thư.
                    阮廌                             Nguyễn Trãi

Dịch nghĩa

Đời này cũng như một giấc mộng kê vàng mà thôi
Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực
Thế nên ngày hôm nay mới thích ở trong núi
Làm nhà cạnh vườn hoa và đọc những sách cũ xưa.

Dịch Thơ:

      Chợt Viết Ra

Cuộc đời như giấc mộng trôi qua
Muôn việc gẫm suy ảo chính là
Nay núi tìm về theo ý thích
Dựng lều sách cũ đọc cùng hoa
                           Quên Đi
***
CHỈ MỘT GIẤC KÊ VÀNG

Giấc mộng kê vàng mới thoáng qua,
Thành công, thất bại, ảo thôi mà.
Nay ta ở núi tùy duyên phận,
Sách cũ lều thơ đọc ngắm hoa !
                    Mai Xuân Thanh

BẤT CHỢT
NGẪU NHIÊN RA CỚ SỰ

Kê vàng một giấc mộng mông lung,
Mọi sự chung qui cũng số không.
Lên núi an nhiên mà tự tại,
Lều tranh đọc sách thưởng hoa hồng.
                           Mai Xuân Thanh
***
     Ngẫu Nhiên Làm
Cuộc đời như giấc kê vàng thôi
Muôn sự hư không tỉnh mộng rồi .
Nay thích ở cùng rừng núi thẳm ,
Bên hoa đọc sách dựng lều chơi .
                 Mailoc phỏng dịch
***
Cùng các bạn yêu thơ Việt,
Hôm nay chủ nhật, mở máy lên gặp bài thơ của cụ Nguyễn Trãi do bạn Quên Đi giới thiệu, thật vui ! Nhưng trước khi góp thơ thì xin có vài lời thư giản cùng quí bạn.
1.- Trong thơ của Nguyễn Trãi có 2 bài mang tên Ngẫu Thành (ngẫu nhiên mà thành ra), một bài 'bát cú' cụ làm lúc cụ "hết việc, ngồi không" khi cụ còn tại chức và bài này là khi cụ đã về hưu. Hai bài đều mang tên Ngẫu Thành. Ý là, cụ muốn giải thích chuyện : Khi đang tại chức mà ngồi không và khi đã về hưu, lại có việc làm. Cả hai cái việc trái khuấy ấy xảy ra đều là chuyện ngẫu thành cả, nghĩa là không phải đến từ ý muốn của mình. Chúng ta trong đời chắc cũng có nhiều vị có cùng hoàn cảnh như cụ Nguyễn Trãi ?
2.- Câu 2 : Giáo lai, vạn sự tổng thành hư 覺來萬事總成虛 : Tỉnh giấc, muôn việc thảy rồi ra không có gì. Bạn Quên Đi diễn xuôi : Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực. Như vậy là bạn đã hiểu sai câu thơ, vì bị câu thơ trước ám ảnh. Giấc kê vàng là một ví dụ, còn chuyện đời của tác giả thì vẫn là chuyện thực đã xảy ra. Cụm từ覺來này có 2 âm đọc : Giác lai và Giáo lai. Đọc Giác thì Giác là hiểu biết, còn đọc Giáo thì giáo là thức giấc. Ở đây, xét theo văn cảnh, thì phải đọc Giáo với nghĩa Thức giấc (anh chàng Lư Sinh khi thức giấc mới hay những gì mình vừa trải qua đều chỉ là chuyện trong mộng). Hư : Hư là hư không, là chuyện đang thực trở nên không có gì, khác với : Không hề thực là chuyện chưa hề xảy ra. Câu thơ của tác giả là muốn đem câu chuyện anh chàng Lư Sinh để biện giải cho cuộc đời của chính tác giả, chứ không phải là kể chuyện Giấc kê vàng của Lư Sinh. Nguyễn Trãi là nhà chính trị, thơ ông, tất nhiên không nói chuyện xuông. Có vậy, ông mới được thế giới ngưỡng mộ, họ ngưỡng mộ về tư cách của ông chứ không phải thi tài của ông. Họ đâu có thưởng thức được thơ ông như chúng ta.
3.- Bài thơ này, câu cuối có 2 dị bản. Trong các quyển Thi Lục và Thi Tuyển đều chép là :
Kết ốc, hoa biên, độc phụ thư (Dựng nhà, bên hoa, đọc sách của cha).
Riêng bản Dương Bá Cung thì chép như bạn Quên Đi :
Kết ốc, hoa biên, độc cựu thư (Dựng nhà, bên hoa, độc sách cũ).
Vậy, chúng ta nên chọn câu nào ? Câu chép trong các quyển tuyển lục thơ hay câu của Dương Bá Cung ? Tôi nghĩ : câu trong các cuốn tuyển thơ đúng hơn. Chữ Phụ tuy nghĩa đen của nó là cha, nhưng phụ cũng có thể để chỉ những sách của các hiền triết đời trước đáng bậc sư phụ. Còn Cựu thư thì chỉ để nói chung chung : các sách cũ, sách gì cũng được, là chỉ để đọc giải khuây. Nếu cụ chỉ đọc sách để giải khuây, chắc cụ không đến phải chịu cảnh thảm thương lúc đã về trí sĩ : Tru di tam tộc (Ba họ bị giết). Họ giết ba họ nhà cụ là kết tội cụ đang mưu tính chuyện phản nghịch. Chữ cụu thư, như vậy, chỉ là chữ đã bị chữa lại lúc sau, cho nó thành trung dung, không đụng chạm đến ai. Giờ đây, tôi nghĩ, ta nên quên chữ Phụ, chữ Cựu đi, cụ muốn đọc sách gì đó là quyền của cụ.
Cũng nên nói thêm là cụ Nguyễn Trãi đã được UNESCO vinh danh nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của cụ, năm 1980 tại Paris.
                                                     Chuyện ngẫu nhiên mà ra
                                               Cuộc đời, rốt lại, giấc kê vàng;
                                               Thức giấc, muôn điều thảy huyễn mang.
                                               Vào núi, giờ đây, ta chỉ thích :
                                               Dựng nhà, đọc sách cạnh hoa trang.
                                                                       Danh Hữu dịch
         Chúc các bạn vui vẻ !
                 Danh Hữu
***
Theo em nghĩ mình nên giải thích từ HƯ với nghĩa từ nguyên của nó là đối với THỰC và xác định là nó thuộc cái thế giới HƯ song song với cái thế giới THỰC. Nếu nói như Anh Quên Đi (QĐ) là “tất cả cũng không hề thực” không có nghĩa là nó không hiện hữu mà là  nó thuộc cái thế giới HƯ. Còn nếu nói như Thầy DH cho rằng HƯ là không có gì” thì cũng không ổn bởi vì nó có chứ, có cái thế giới (cõi) HƯ riêng của nó như mạng ảo hiện nay chẳng hạn. Nghĩ như vậy và đối chiếu với bài thơ thì cũng vẫn thích hợp với tâm sự của cụ Nguyễn Trãi mà Thầy DH đã phân tích. Hai câu đầu là hồi ức về những ngày làm quan đã qua, nó là một chuỗi sự kiện có thực nhưng lại thuộc cõi HƯ so với hiện tại được diễn tả ở hai câu sau là công việc dựng lều đọc sách mới thuộc về cõi THỰC lúc ông về hưu.

Em cũng góp dịch bài thơ này để góp vui

     CHUYỆN NGẪU NHIÊN

Cuộc đời như giấc mộng vừa trôi
Tỉnh giấc thực - hư chuyện đã rồi
Ẩn núi bây chừ ta chỉ thích
Dựng lều đọc sách ngắm hoa thôi!
                 Nguyễn Đắc Thắng
***
Ngẫu Nhiên

Cuộc đời chẳng khác giấc chiêm bao
Muôn sự xem ra có thực nào
Thích núi tìm về cho thỏa ý
Bên hoa đọc sách cạnh lều cao.
                      Kim Phượng
***
       NGẪU THÀNH

Đời người như giấc kê vàng ấy,
Chợt tỉnh tay không muôn việc chưa.
Chỉ thích kết lều nơi núi thẵm,
Bên hoa ta đọc sách người xưa !
                      Đỗ Chiêu Đức
***

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Mừng Cháu Thy Tốt Nghiệp Đại Học


Diễm Thy (*)gái rượu Thắng và Mai
Dung hạnh công ngôn chẳng kém ai
Bao tháng chuyên tâm vùi sử sách
Mấy thu bền dạ hướng tương lai
Vâng lời cha mẹ mong thành đạt
Tốt nghiệp cử nhân tỏ sắc tài
Mừng chúc cháu Thy cùng nhắn nhủ
Đường lên phía trước vẫn còn dài.
                                     Quên Đi
(*) Diễm Thy là con gái của Anh Bạn Nguyễn Đắc Thắng ở Cao Lãnh.

Bài Thơ Hoạ

          ĐƯỜNG DÀI

Cuộc sống khơi nguồn tự ánh mai
Đường đi vạn nẻo vẫn luôn dài
Vinh quang tiếp nối tôn dòng tộc
Hạnh phúc chuyên cần hưởng thái lai
Gửi gắm niềm mơ vào tuổi trẻ
Hòa vang khúc hát hiện anh tài
Sinh tiền nguyện đắp xây nền tảng
Thắng lợi mai ngày chẳng kém ai!

                Nguyễn Đắc Thắng
                       20160826

***

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Nhớ Lại Buổi Xưa Họp Mặt Bạn Bè...Thi Hữu



Bài Thơ Xướng

Nhớ Lại Buổi Xưa Họp Mặt 
                Bạn Bè...Thi Hữu

Biết làm sao thấy bạn thân yêu,
Bình rượu Đinh Lăng hấp dẫn nhiều.
Mùi vị thơm ngon nghe thú vị,
Đắng cay nồng chát nhớ đăm chiêu !
Mừng bằng hữu quý nhân mau quá !
Đón khách phương xa gẫm sớm chiều.
Nhớ kỹ từng ngày năm gặp gở...
Những mong trở lại hết cô liêu !
                 Mai Xuân Thanh

Bài Thơ Hoạ
  
  Mời Dự Tiệc Đinh Lăng 

Óng ánh vàng kim thật đáng yêu
Men nồng vị ngọt lại thơm nhiều
Củ lên mười tuổi đào không tiếc
Ủ rượu tròn năm để đãi chiêu
Mời chị và em trưa ghé sớm
Kính thầy cùng bạn đến trong chiều
Hoà thơ thưởng thức Đinh Lăng tửu
Vui suốt đêm ngày hết tịch liêu.
                                  Quên Đi
***

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Một Dạng Thơ Đường Luật Độc Đáo


(Bổ Sung cho Bài Viết Dạng Thơ Đường Thất Ngôn Xen Lục Ngôn)
Không Đề
Nối nghiệp nhà xưa học một kinh,
Chẳng ngờ lạc đến áng công danh.
Thân xưa đã có duyên hương lửa,
Lộc nặng ơn nhờ đức thánh minh.
Lỗi bước, già nên chịu dại,
Hay cơ, trẻ khá làm thinh?
Phúc nho hoạ trong đời trị, (*)
No ấm cũng nhờ phúc thái bình.

            Nguyễn Bỉnh Khiêm
Khi đọc bài thơ này, có lẽ sẽ không ít người ngạc nhiên cùng những thắc mắc tuần tự hiện ra. Đây là thơ thuộc thể loại nào, sao lại có đến 3 câu 6 chữ? Có phải do viết thiếu chăng? Hay là thơ Đường Luật phá cách ?
---
(*) Những câu có chữ viết đứng trong các bài thơ của bài viết này là những câu 6 chữ.
***

Năm 1407 vua nhà Minh bên Tàu sai tướng Trương Phụ sang thôn tính nước ta. Lúc bấy giờ, nước ta đang vào triều đại Hồ Quý Ly quốc hiệu Đại Ngu. Cuộc chống giặc ngoại xâm thất bại, vua tôi nhà Hồ bị bắt gần hết. Trong số các quan lại thoát được có Nguyễn Trãi. Nơi ông trốn lánh lâu nhất là Côn Sơn. Trong khoảng thời gian này, ngoài việc lên kế sách để đuổi giặc xâm lăng, ông còn thay đổi dạng thơ Đường luật thành một dạng riêng cho mình. Không những thế, các vua, quan từ đó về sau cũng sáng tác Thơ Đường Luật dạng này. Đó là dạng thơ mà ngày nay gọi tên là " Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn".
Ức Trai Lão Tiên Sinh đã đan xen bao nhiêu câu 6 vào ở vị trí nào? như thế luật Bằng Trắc và Niêm, Đối có thay đổi không?
Để giải đáp những câu hỏi trên, chúng ta cùng tìm hiểu qua thơ của Nguyễn Trãi trong quyển "Quốc Âm Thi Tập".

Quốc Âm Thi Tập gồm hơn 250 bài thơ Nôm, không có tựa đề, chỉ đánh số thứ tự. Để tiện cho việc tìm kiếm, có nơi đã tuỳ theo nội dụng đặt cho tựa đề. Những bài thí dụ bên dưới hầu hết tôi lấy từ Thivien.net.

- Chỉ có 1 câu 6 chữ, như "Ngôn Chí 2". Đó là câu thứ 8:
 
Vừa sáu mươi dư tám chín thu,
Lưng gầy da xí tướng lù khù.
Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào Hứa,
Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng Chu.
Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc,
Gian lều cỏ đội đức Ðường Ngu.
Tơ hào chẳng có đền ơn chúa
Dạy láng giềng mấy sĩ nhu

Bài thơ trên làm theo luật Trắc. Tác giả đã bốt đi chữ dầu của câu 8

- Bài "Tự Thán 15", có 2 câu 6 chữ nhưng không đi liền nhau.1 câu nằm trên cặp Đề, 1 câu nằm ở cặp Kết:

Lòng người man xúc nhọc đua hơi,
Chẳng cóc nhân sinh gửi chơi.
Thoi nhật nguyệt đưa qua mấy phút,
Áng phồn hoa họp mấy trăm đời.
Hoa càng khoe tốt, tốt thì rữa,
Nước chớ cho đầy, đầy ắt vơi.
Mới biết doanh hư đà có số,
Ai từng cải được lòng trời.

Đây là bài thơ Luật Bằng, Tác giả có thể đã bỏ chữ thứ nhất hoặc chữ thứ 5 ( nếu không áp dụng Nhất Tam Ngũ Bất Luận, thì tác giả bỏ bớt chữ thứ 5) trong các câu 6 chữ

- Bài Thơ có 2 câu Đề là 6 chữ như bài "Mạn Thuật 4" dưới đây:
Giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm,
Giơ tay áo đến tùng lâm.
Rừng nhiều cây rợp hoa chầy động,
Đường ít người đi cỏ kíp xâm.
Thơ đới tục hiềm câu đới tục, 
Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm. 
Trúc thông hiên vắng trong khi ấy, 
Năng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm.
Chúng ta thấy bài thơ này đều đúng theo Đường Luật Thi luật Trắc, Tác giả chỉ bỏ bớt chữ thứ nhất ở hai câu Đề- Bài "Thuật Hứng 24" dưới đây có cặp Thực 6 chữ
Công danh đã được hợp về nhàn
Lành dữ âu chi thế nghị khen
Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then
Bui có một lòng trung lẫn hiếu 
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen. 
 
Đây là bài thơ Luật Bằng, như thế ở hai câu Thưc, Tác giả đã bỏ bớt chữ thứ

- Một của câu Đề và Cặp Thực là 3 câu 6 chữ như bài" Tự Thán 10"
Tơ tóc chưa hề báo sở sinh,
Già hoà lủ, tủi nhiều hành.
Chông gai nhẹ đường danh lợi,
Mặn lạt no mùi phế tình.
Sách một hai phiên làm bậu bạn,
Rượu năm ba chén đổi công danh.
Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa,
Cầu một ngồi coi đời thái bình.

 
Đây là bài thơ có Luật Trắc, Như vậy Tác giả đã bỏ chữ thứ nhất ở 3 câu 6 chữ.
 
- Ở bài "Ngôn Chí 2" có 4 câu 6 chữ ở các cặp Luận và Kết

Lểu thểu chưa nên tiết trượng phu,
Miễn là phỏng dáng đạo tiên nho.
Chà mai đêm nguyệt dậy xem bóng,
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu.
Dưới công danh đeo khổ nhục,
Trong dại dột có phong lưu.
Mấy người ngày nọ thi đỗ,
Lá ngô đồng thuở mạt thu.

Bài Thơ Luật Trắc, Như vậy các chữ thứ nhất của 4 câu cuối đã được Tác giả bỏ

- Đặc biệt bài "Mạn Thuật Kỳ 4" có đến 6 câu 6 chữ, chỉ còn 2 câu kết là 7 chữ
Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay,
Trong thế giới phút chim bay.
Non cao non thấp mây thuộc,
Cây cứng cây mềm gió hay.
Nước mấy trăm thu còn vậy,
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay.
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,
Bui một lòng người cực hiểm thay.

Với bài thơ này, cũng là bài thơ Luật Trắc, thế nhưng tác giả không chỉ loại bỏ chữ đầu câu 1, mà còn có chữ thứ 5 các câu 1, 3, 4. Riêng hai câu 5 và 6, có thể Tác giả đã bỏ các chữ thứ 6 trong câu cho đúng với Luật Thơ Đường.

Tóm lại, Qua các thí dụ và nhận xét trên, ta có thể rút ra những nguyên tắc trong thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn như sau:

- Vẫn giữ đúng Luật của Đường Luật Thi.
- Số câu 6 chữ có thể nằm trong giới hạn từ 1 đến 6 câu (sở dĩ tôi dùng chữ có thể vì tôi đã được đọmột bài thơ Lục Ngôn lại viết theo Đường Luật Thi, nhưng quên ghi chép lại, giờ tìm chưa ra).

- Các câu 6 chữ nằm bất cứ vị trí nào trong bài thơ.
- Để theo đúng Luật Đường Thi và khi ngâm nga nghe cho êm, nên Tác giả đã tuỳ nghi mà bỏ các chữ ở các vị trí khác nhau. Nhưng thông thường, các chữ thứ nhất và thứ 5 được bò nhiều nhất.
Trải dài suốt triều Hậu Lê cho đến thế kỷ 19, dạng thơ này được khá nhiều nhà thơ sử dụng:
1/Lê Thánh Tôn Người Ăn Mày
Góp giang sơn xách một quai,
Lượng bằng sông biển chẳng từ ai!
Vườn đào ngõ mận từng len lỏi,
Gác tía lầu son mặc nghỉ ngơi.
No biết thế tình mùi mặn nhạt,
Quản bao nhật nguyệt (ngày tháng) bữa đầy vơi!
Vương tôn thuở trước làm sao tá ?
Bái tướng phong hầu, ấy những ai ?


2/ Hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú
Đêm Trung Thu Không Trăng
Lượt là vằng vặc rạng tơ hào,
Phải mịt mù nay vì cớ nao? 
Nhân bởi hắc vân ngất phủ,
Há rằng ngọc thỏ hay lao.  
Nga lấy đấy làm rông vát,
Thục Đế tuồng ni kẻo ước ao.
Mựa đắng đêm nay chăng thấy nguyệt,
Thu qua đông đến quế càng cao.


3/ Tác giả Khuyết Danh Thời Hậu Lê
Mẫu Đơn

Dưỡng cẩn vườn tiên của hạ thường
Trăm hoa tươi tốt đã khiêm nhường
Thức tươi chiếm được xuân thiên hạ
Giá trọng kham khoe đất Lạc Dương
Khắp trong đời khen quốc sắc
Hơn chúng bạn khải hoa vương
Dầu thêm hay thốt hay cười nữa
Thấy mặt trong lòng những đoạn trường


4/ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Cương Thường

Trời phú tính ở mình ta,
Đạo cả cương thường năm mấy ba.
Tôi hết ngay, chầu chức chúa,
Con hằng thảo, kính thờ cha.
Anh em mựa nỡ điều hơn thiệt,
Bầu bạn cho hay nết thực thà.
Nghĩa vợ chồng xem rất trọng.
Ở đầu phong hoá phép chưng nhà.


5/ Nguyễn Hữu Chỉnh

Ngôn Ẩn Thi Tập Bài 1

Trên đầu đã rối tóc hoa râm
Lẩn thẩn còn chơi đám cát lầm
Nẻo lợi danh tuy dở bước
Lòng trung hiếu hãy bền cầm
Khôn chửa đủ mùi kim cổ
Dại nào lường máy thiển thâm
Miễn trọn cho cùng nhân sự chửa
Thôi thôi rất lẽ thuận thiên tâm


Ngoài ra Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có bài thơ thuộc dạng này:
Cùng Quan Tế Tửu Họ Phạm

Kìa ai tỉnh, kìa ai say (*)
Kìa ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Khoan khoan xin hãy dừng tay lại
Chớ mó hang hùm nữa mất tay


(*) có bản viết:
Ông đồ tỉnh ông đồ say
Sao ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày...


hay là:
Say hay tỉnh tỉnh hay say
Trêu hoa ghẹo nguyệt giữa ban ngày...

Tính đến nay, đã tìm được gần 1000 bài thơ Thất Ngôn Xen Lục Ngôn cho hậu thế. Nhìn chung, có 4 nhà thơ làm dạng này nhiều nhất. Đó là Nguyễn Trãi với Quốc Âm Thi Tập, vua Lê Thánh Tôn và Hội Tao Đàn với Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập và Nguyễn Hữu Chỉnh với Ngọc Ẩn Thi Tập.
Là một người yêu nước, có tinh thần tự chủ mạnh mẽ, Nguyễn Trãi muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào Thơ của Tàu, Ông đã tự mở cho mình một lối đi riêng bằng cách sửa đổi số chữ trong bài Đường Luật Thi. Con đường được vạch ra, ông đi trước, các thế hệ sau nhất là những thi nhân Triều Hậu Lê đã hưởng ứng mạnh mẽ, tỏ rỏ sự độc lập của đất nước .
Trong ý nghĩ cá nhân, tôi thường hỏi: tại sao thế hệ chúng ta không hưởng ứng và phổ biến sự bất khuất của Nguyễn Trãi nói riêng và dân tộc Việt nói chung, qua dạng Thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn này. Với suy nghĩ này, thỉnh thoảng tôi có làm một số bài thơ Đường Luật theo dạng này, gần đây nhất là bài "Tập Tành Thơ":

         Tập Tành Thơ

Nhớ xưa tập tểnh học làm thơ
Mới viết đôi câu đã đẫn đờ
Lục Bát vần lưng nghe lủng củng
Luật Đường niêm đối thấy ngu ngơ
Tự Do ư Tự Do hử
Thơ Mới ơ Thơ Mới quờ
Cứ tưởng dễ dàng nên bắt chước
Ai dè rắc rối thiệt không ngờ.
***
Huỳnh Hữu Đức biên soạn

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Đâu Đã Già









  




Trăm năm một kiếp sống đời ta
Vạn vật muôn đời chẳng lối ra
Sinh tử tự nhiên thôi chớ nghĩ
Luân hồi ràng buộc dễ hồ tha
Nay răng rơi rụng đi từng cái
Giờ tóc lưa thưa sợi trắng pha
Nhưng trí vẫn còn đang mẫn tiệp
Cớ sao than thở tuổi đây già
                          Quên Đi
***

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Thu Triêu Lãm Kính - Tiết Tắc

Những ngày cuối năm ta, sắp Tết ,thêm một năm nữa... Chuyển dịch lại một bài thơ xưa. Sau một đêm mưa , sáng dậy thấy mình trong gương , who would be that person if not me?   PKT 01/22/2016 

Thu Triêu Lãm Kính
Tiết Tắc (649 - 713)

Khách tâm kinh lạc mộc
Dạ tọa thính thu phong
Triêu nhật khan dung mấn
Sinh nhai tại kính trung

Dịch Xuôi : Sáng Thu Soi Gương
PKT 01/22/2016

Xa nhà ngại phải nhìn  lá  rụng / đêm ngồi nghe gió thu thổi về / sáng lấy gương soi mặt /  thấy hiện rõ nỗi đời vất vả của một kẻ tha hương.


Sáng Thu Soi Gương

Thu xa ngại lá rụng
Đêm gió lộng canh dài
Sáng lấy gương soi mặt
Ngẩn ngơ nhìn tưởng ai
            PKT 01/22/2016
***
Soi Gương Sáng Mùa Thu

Viễn xứ lặng buồn ngắm lá rơi
Đêm thu hun hút gió bên trời
Sáng ra nhặt mảnh gương soi mặt
Thấy nét bôn ba của một đời

            Phương Hà phỏng dịch
***
   1
   Lá rơi, khách bàng hoàng
   Đêm thu, gió  vang vang .
   Sáng sớm dung nhan ngắm ,
   Trong gương thấy võ vàng
                             Mailoc
2   Tiếng lá rơi làm  khách rụng rời .
Đêm thu nghe gió rít ngàn khơi .
Sớm mai đầu bạc dung nhan ngắm ,
Ngao ngán trong gương một cuộc đời .
                                   Mailoc
3
Tiếng lá rơi làm khách kinh động ,
Đêm thu nghe gió lộng trên ngàn .
Sớm mai lặng ngắm dung nhan ,
Cuộc đời vất vả rõ ràng trong gương !
                                     Mailoc
***
秋朝覽鏡         Triêu Thu Lãm Kính

客心驚落木,  Khách tâm kinh lạc mộc,
夜坐聽秋風。  Dạ toạ thính thu phong.
朝日看容鬢,  Triêu nhật khan dung mấn,
生涯在鏡中     Sinh nhai tại kính trung.
         薛 稷.                     Tiết Tắc

Dịch Nghĩa: Sáng sớm mùa thu soi gương

Trong lòng khách thấy lo sợ  khi nhìn cây rụng lá
Ban đêm ngồi nghe gió thu thổi
Sáng sớm ra nhìn xem đầu tóc dáng vóc

Mới thấy cuộc sống hiện rõ trong gương.

Dịch Thơ:

Sáng sớm mùa thu soi gương

Khách lo ngại khi nhìn cây rụng lá
Ngồi lắng nghe gió lộng cả đêm thu
Sáng tỉnh ra soi ngắm lại hình thù
Trong gương rõ dấu hằn đời trôi nổi.
                                   Quên Đi
***
Soi Gương Tự Biết
1)
Đăm chiêu đau đáu lá vàng rơi,
Đêm xuống trời thu gió thổi rồi.
Mờ sáng ra xem ôi bóng dáng !
Soi gương hiện rõ mảnh đời trôi...
                       Mai Xuân Thanh
2)
Lá rụng, giật mình khách ngẩn ngơ,
Đêm thu trở giấc gió vu vơ.
Dung nhan hằn nét xem ra khổ,
Tiều tụy soi gương thấy dật dờ !
                   Mai Xuân Thanh
           Ngày 23 tháng 01 năm 2016
***
Sáng Thu Soi Gương

Cảm ngại nhìn cây trút lá rơi
Đêm dài lắng tiếng gió thu khơi
Ban mai đối kính soi hình vóc
Hiện rõ trong gương bóng cuộc đời!
                       Nguyễn Đắc Thắng
***
 Sáng Sớm Mùa Thu Soi Gương

Cây trút là bồi hồi dạ khách
Đêm thu lồng lộng gió ngồi nghe
Sáng ra soi kính dung nhan ấy
Hằn nét già nua gương ngại e
                        Kim Phượng
***