Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Vui Cười 56


Nhật ký oshin thời @

Ngày... tháng... năm... Chàng lại về muộn. Chàng bỏ bữa tối. "Nó" lại chửi chàng.

Ngày... tháng... năm... Nấu món chàng thích nhất. Thế mà "nó" giành ăn hết. Lại còn khen mình nấu ngon nữa. Đểu thế. Tội chàng quá! Mai "nó" đi công tác, mình cho chàng ăn "phở".

Ngày... tháng... năm... Đi đăng ký tạm trú. Mục "Quan hệ với chủ hộ", mình điền: 3 lần/tuần. Công an phường trợn tròn mắt. Oái…Nhiều hay ít nhỉ?
NHẦM
- Alô, ai đấy ?????? 
- A lô, đây là nhà tôi mà, ai đang cầm máy đó? 
- Dạ, tôi là giúp việc _Ủa, nhà tôi có giúp việc đâu?
 - Dạ, bà chủ vừa thuê tôi sáng nay _Thế bà chủ đâu? 
- Dạ, bà chủ ngủ với ông chủ trên gác
 - Láo, tao là ông chủ đây
- Dạ, thế bà chủ ngủ bà bảo kia là ông chủ ạ
 - Này, muốn có tiền không? 
- Dạ...
 - Lấy khẩu súng trong ngăn kéo, bắn bỏ hai đứa đó đi...
Pằng !!!!!!!!!!!!! 
- A lô, xong chưa ?
- Dạ, xong rồi ạ 
- Bây giờ, gói xác, ném xuống hồ nước canh nhà 
- Dạ, cạnh nhà ??? Làm gì có hồ nước nào ??? 
- Nhìn kỹ lại xem nào!
 - Dạ, không có hồ nào ạ
 - Thôi chết, nhầm máy, xin lỗi nhé...

Chuyện Thời internet
Một cậu bé hỏi bố mình: 
"Bố ơi! Con được sinh ra như thế nào hả bố?" 
Người cha là một kĩ sư công nghệ thông tin đang lướt web bèn ứng khẩu trả lời cậu quí tử.
- "Mẹ và bố cùng duyệt web trên một chiếc giường. Cha kết nối với mẹ. Cha upload dữ liệu từ một cái USB sang cho mẹ. Sau khi download hết về, mẹ sửng sốt thông báo là mẹ không cài một chương trình anti-virus nào cả, trong khi đó, bố cũng không cài đặt Firewall". 
-"Rồi thế nào nữa hả bố?"
- "Cả cha và mẹ đều cố gắng xoá bỏ số dữ liệu trên, thậm chí là format lại ổ cứng, nhưng không kịp. Vậy là sau 9 tháng 10 ngày, con được sinh ra đời".

Nguyễn Thế Bình Sưu Tầm

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Vầng Trăng Khuyết


Bài Xướng:

Vầng Trăng Khuyết


Khép nép giữa dòng vầng trăng khuyết
Ai tình nhân biền biệt phương nao
Để người thơ thẩn ra vào
Trăng không tròn vẹn bến nào trăng neo
Trên sông vắng trăng theo sóng nước
Thuyền có về chở được hay không
Chớ gieo hy vọng chờ mong
Để trăng lại nhớ đau lòng cho trăng
                             Quên Đi

 ***
 
Bài Họa:

Trăng Làm Chứng Nhân

Dần xoay một mảnh trăng tròn khuyết
Con đò xưa đã biệt nơi nao
Bến đây trăng hỡi ghé vào
Lắng nghe tâm sự cớ nào gieo neo
Sao trăng mãi đùa theo con nước
Lờ lượn hoài có được gì không
Bến đành thôi hết đợi mong
Tệ chi trăng cũng bạc lòng hỡi trăng
                      Kim Phượng


Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Nơi Tôi Đến


Muốn bước lên trời lỡ sẩy chân
Thương ơi lại rớt xuống dương trần
Thôi thì cố gắng tìm phương sống
Lạng quạng coi chừng khổ tấm thân
Ra Biển lạnh tanh hòn đá cuội
Về đồng vắng lặng bóng nông dân
Hỏi ra mới biết đồng khô mặn
Còn biển người ơi cũng lụn dần
                              Quên Đi

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Hai Bà Chúa Thơ Nôm Đạo Thơ?


Trong tình cờ, đọc được bài viết " Xuân Của Xuân Hương - với bài thơ Đánh Đu.."  của Ngô Vưu trường Quốc Học Huế nơi trang Thơ Đường Đất Việt. Ngô Vưu đã không ngớt lời ca ngợi nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

"...  Ít viết về đề tài mùa xuân nhưng thơ Xuân Hương bài nào cũng tràn trề sức trẻ. Tả mùa xuân, nữ sĩ chọn một trò chơi dân gian.

      ĐÁNH ĐU

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân có biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không !

...Hồ Xuân Hương tả khéo đến mức bạn đọc có thể hình dung đối tượng rõ mồn một từ toàn cảnh đến cận cảnh. Từ việc cây đu được dựng như thế nào đến cảnh chơi đu, kiểu chơi đu của con trai con gái xưa. Các cặp từ láy đối nhau: khom khom - ngửa ngửa, phấp phới - song song...
...Hai câu kết là lời trách móc, nuối tiếc: Vui chơi đón xuân mà có biết đến tình xuân? cuối vụ chơi xuân, các cột đu lại nhổ đi hết, chỉ còn trơ lại các lỗ cọc và rồi người ta sẽ lấp đi. Chân tình mà cũng thật chua chát về thói vô tâm đáng trách của người đời...
...Cái tài của Xuân Hương là biết tìm và diễn tả những điểm gặp gỡ, tương đồng giữa sự việc này và sự việc kia, giữa cái thanh và cái tục. Vì những lí do tế nhị, trên sách vở, người ta chỉ giảng cái thanh, nhưng để hiểu, để cười tủm tỉm, thích thú và thấm thía tài nghệ về chữ nghĩa của Xuân Hương thì phải hiểu nghĩa của cái tục.

Ở lớp nghĩa này, hai cặp thực, luận phát huy hết khả năng đăng đối của nó.

Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng


Thử sắp xếp ra từng cặp: trai - gái, đu - uốn, khom khom cật - ngửa ngửa lòng. Tổng hợp các yếu tố đối: nghĩa, từ loại, phối thanh, nhịp... tất cả tạo được hình ảnh trai gái chồng khít lên nhau, tạo được cảm giác bằng trắc, trên dưới êm ái, nhẹ nhàng; đạt được hiệu quả cao nhất của cảm giác thẩm mỹ. Đặc biệt từ cật ở câu luận là một danh từ chỉ bộ phận cơ thể nhưng đứng sau từ láy khom khom nó thường được hiểu là một động từ, âm cuối ất trắc cao như các âm gật, bật, lật tạo cảm giác hành động, có nhịp nhanh, liên tục... càng hay chứ sao!

Hình ảnh hai hàng chân ngọc duỗi song song thì có lẽ chỉ có thơ, mà phải là thơ Xuân Hương mới tả được như vậy. Họa sĩ làm sao vẽ được đôi chân khỏe đẹp, co duỗi sống động, nhịp nhàng đến thế. Trong trường hợp này, nghệ thuật hội họa đành chào thua nghệ thuật ngôn từ.

Hai câu kết là một sự liên tưởng độc chiêu của Xuân Hương. Chơi xuân có cảm nhận được xuân, có tình với xuân không? Thời gian đi, mối tình nào chẳng tàn, cuộc vui nào chẳng tan. Mở đầu bài thơ là cảnh khéo khéo trồng cọc, thì kết thúc bài thơ là cảnh cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không uể oải, mệt mỏi, pha một chút ngậm ngùi, nuối tiếc. Hình ảnh ở hai câu này quá rõ nhưng cũng không bắt bẻ được là nó tục. Cái đó là do người đọc tự liên tưởng, tác giả có nói đâu? Cái tài của Xuân Hương là sờ sờ ra đấy..."

Có lẽ nhà giáo Ngô Vưu chưa hề biết thơ đời Hậu Lê có bài "Cây Đánh Đu" trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập. Đây là một Bài Thơ dạng Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn, một dạng thơ rất thông dụng thời Hậu Lê. Nếu biết, Ngô Vưu có khen cách dùng chữ ở hai cặp Thực và Luận không?

           Cây Đánh Đu

Bốn cột lang nha cắm để trồng,
Ả thì đánh cái, ả còn ngong.
Tế hậu thổ khom khom cật,
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng.
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cột đem về để lỗ không.

       Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập

Như thế, Ngô Vưu có phải đã khen sai đối tượng chăng?
Điều này, làm tôi chợt nhớ đến bài viết của TS Phạm Trọng Chánh trong trang Giới Trẻ :

"...Bài thơ CHỢ TRỜI được khắc vào đá núi Thầy, Sài Sơn dưới có ghi rõ : « Đề năm Hồng Đức thứ bảy »(1476) tác giả là Thiên Nam Động Chủ, tức Vua Lê Thánh Tông.

          CHỢ TRỜI
Bầu trời thú lạ cũng nhiều nơi,
Chẳng thú đâu hơn thú Chợ Trời.
Sáng sớm mưa tan, trưa nắng đứng,
Chiều hôm mây họp, tối trăng chơi.
Hàng bày hoa quả tư mùa sẵn,
Chợ góp giang sơn một thú vui.
Bán lợi mua danh nào những kẻ,
Lại đây mặc cả một đôi lời.

Bài thơ đã tạc vào đá, không thể nhầm lẫn, không thể sửa chữa vài chữ, rồi bảo đó là thơ Hồ Xuân Hương..."

              Chợ Trời
Khen thay con Tạo khéo trêu ngươi.
Bày đặt ra nên cảnh chợ Trời!
Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đứng,
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi.
Bầy hàng hoa quả tư mùa sẵn,
Mở phố giang sơn bốn mặt ngồi.
Bán lợi, buôn danh nào những kẻ,

Chẳng nên mặc cả một đôi lời.
                        Hồ Xuân Hương

Không chì riêng Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan còn để lại cho chúng ta nghi vấn về gốc của bài thơ "Vịnh Đèo Ngang".
Theo Nguyễn Vĩnh Tráng qua bài viết "Phải chăng Bà Huyện Thanh Quan đã trau chuốt lại bài thơ "Đèo Ngang" nguyên thủy ? " được đăng trên trang Chim Việt Cành Nam như sau:

"...tôi tìm thấy trong Contes et Légendes du Pays d’Annam của Lê Văn Phát, viết năm 1913, in lần thứ 2, tại Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1925, có bài "Le Râle d’eau " . Trong " Le Râle d'eau " lại có bài "Đèo Ngang", vô danh, rặt chữ Nôm, văn phong rất mộc mạc, còn nội dung thì giống hệt nội dung bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan.
Bài  " Le Râle d’eau " kể chuyện ngày xưa. Chuyện vua La Hoa (?) nước Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ. Môt cận thần tên Quốc đã hết lời can gián và xin hoãn lại cuộc viễn chinh, nhưng nhà vua không nghe. Biết rằng trận chiến này thế nào cũng đem lại thất bại, Quốc xin theo, hầu quyết tâm bảo vệ an toàn cho chúa.
Cuộc chiến xảy ra ở Đèo Ngang. La Hoa, quá hiếu chiến, quá chủ quan, tiến thẳng đến trận tiền, nên bị trúng tên mà chết. Quá đau đớn, Quốc liều xông ra chém giết giữa muôn tên ngàn giáo để báo thù. Nhưng đơn thương độc mã, nên Quốc đã chết dưới làn sóng của địch quân. Quá uất ức, hồn của Quốc không siêu thoát được, cứ phảng phất quanh Đèo Ngang để tìm xác chủ, nhưng vô hiệu quả. Sau đó Quốc tái sinh dưới dạng con chim Cuốc để đêm đêm rít lên những tiếng kêu bi ai của một vị trung thần khóc quốc vương tử trận: "Quốc Quốc, La Hoa ", Quốc ở  đây, còn La Hoa ở  đâu ?
Một văn nhân vô danh, đi qua Đèo Ngang, nhớ lại chuyện xưa, đã làm bài thơ " Đèo Ngang ".
Ông Lê Văn Phát chỉ để lại hai tác phẩn La vie intime d’un Annamite et ses croyances vulgaires, (Bulletins de la Société des Etudes Indochinoises, Imprimerie F.H Schneider Sàigòn 1907 ), và Contes et Légendes du Pays d’Annam, (Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1913), bằng chữ Pháp. Như thế, có thể ông Lê Văn Phát không biết nhiều về các tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan. Những bài của ông Lê Văn Phát viết, toàn là chuyện cổ tích, huyền thoại dân gian cả. Bài «Đèo Ngang» trong Contes et Légendes du Pays d’Annam có thể là một giai thoại dân gian lâu đời, có trước thời Bà Huyện Thanh Quan chăng. Sau đây là bài "Đèo Ngang" theo ông Lê Văn Phát :


         Đèo Ngang

Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen ba.
Non cao rải rác tiều vài lão,
Đất rộng lai rai xóm mấy nhà.
Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc,
Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa.
Dừng chơn ngóng cổ miền non nước,
Một tấm lòng riêng ta với ta.

                        Vô danh.

[ ... Quốc-Quốc, tên của trung thần Quốc]
[ ... Hoa-Hoa, tên của vua La Hoa]
Vậy phải chăng Bà Huyện đã lấy bài đó, đã có từ lâu, và trau chuốt lại thành một bài thơ bất hủ như ta đã biết"

         Vịnh Đèo Ngang

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
            Bà Huyện Thanh Quan

Một vấn đề thật thú vị. Thuở còn đi học, tôi chưa bao giờ được Thầy nói về vấn đề nầy. Có phải do Chương trình của Bộ thiếu sót khi đưa những bài thơ này vào chương trình dạy, hay tại những nhà biên soạn sách giáo khoa không ghi chú rõ ràng, trong khi những tài liệu đều có sẵn?
Nếu đứng trên quan điểm ngày nay, đây là hành động Đạo Thơ của Hồ Xuân Hương và bà Huyện Thanh Quan. Còn thời trước, tôi thật sự không biết, có lẽ do lúc đó không có tác quyền.
Nhưng thú thật, tôi rất thích thú với những bài thơ chỉnh sửa này qua thi tài của Hai Bà Chúa Thơ Nôm này

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn   


Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

DẠ VŨ KÝ BẮC


DẠ VŨ KÝ BẮC
Lý Thương Ẩn (812 - 858)
 
Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ,
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
Hà đương cộng tiễn tây song chúc,
Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì.
 
Dịch Xuôi :  
Gửi Tiếng Mưa Đêm Về Phương Bắc
PKT 06/21/2016
 
Bạn hỏi ngày nào về , tôi chưa định được    
Ở vùng núi Ba ,lúc này vào thu, đêm mưa dai dẳng ,ao nước ngập tràn  
Không biết bao giờ chúng ta cùng chong một ngọn nến bên song cửa tây
Để kể lại với nhau nghe về tiếng mưa rơi trong những đêm thu ,như đêm nay , ở vùng  núi Ba này

Chú Thích :
Ba Sơn , vùng núi Ba xưa thuộc Tứ Xuyên , phố núi Trùng Khánh (Bắc Kính) bây giờ ,nổi tiếng mưa nhiều trong đêm, nhất là vào mùa thu . Có Thính Vũ Đường, giữa rừng trúc, cho khách thập phương thiền giả , về đêm , ngồi uống trà, chỉ để, nghe tiếng mưa rơi . PKT 06/21/2016 

MƯA NÚI ĐÊM THU ĐẤT KHÁCH
PKT 06/21/2016
Bạn hỏi hẹn về chưa định được ,
Đêm thu, mưa núi tràn ao đầy.
Bao giờ chong nến riêng tây nhỉ ,
Để nói về mưa đêm ở đây.
 
Lời Thêm  : Mưa núi ,đêm thu, đất khách ! Chao ôi , chữ với nghĩa của người xưa. Các cụ nói gì với nhau, riêng tây , về mưa đêm ở đây , nếu còn được găp nhau lại, vào những ngày tháng cuối đời này? 
PKT 06/21/2016 
***

  Mưa Đêm Gởi Phương Bắc

          Ngày về biết trả lời sao
    Ba Sơn mưa tối nước ao thu đầy
        Hẹn anh dưới nến song tây
Cùng nhau kể chuyện đêm nầy núi Ba.
                                     Quên Đi
***
DẠ VŨ KÝ BẮC 夜雨寄北 - LÝ THƯƠNG ẨN 李商隱:
夜雨寄北                                      DẠ VŨ KÝ BẮC                     
             
君問歸期未有期    Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ
巴山夜雨漲秋池    Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
何當共剪西窗燭   Hà đương cộng tiễn tây song chúc ,
卻說巴山夜雨時   Khước thuyết Ba sơn dạ vũ thì.

Thêm một kiểu hiểu nữa về bài " Dạ Vũ Ký Bắc " là " Dạ Vũ Ký NỘI " ( NỘI là Nội nhân, là Bà Xã, là Người Yêu ). Chữ QUÂN là Ngôi thứ 2 trong Danh xưng Đại từ, nên có thể chỉ Nam hoặc Nữ. Theo tình ý trong bài thì thích hợp với tình yêu trai gái hơn là tình bè bạn. Này nhé !...
.....Em hỏi ngày nào anh về , anh cũng chưa biết là ngày nào anh mới về được.( Vì bận công vụ chẳng hạn... ). Đêm nay mưa ở Ba Sơn làm tràn ngập cả nước ao thu, ( như tình anh nhớ em cũng tràn ngập như thế ! ). Ôi, biết bao giờ mới được cùng em cùng ngồi tỉ tê tâm sự và cùng khêu ngọn nến sắp tàn lụn bên song cửa phía tây, để anh lại sẽ kể cho em nghe về những đêm mưa rả rít ở Ba Sơn !....
Diễn nôm: 
Em hỏi hôm nao trở lại nhà ?
Ba Sơn ao nước ngập mưa sa
Bao giờ lại được cùng soi nến
Nói chuyện Ba Sơn mưa thướt tha !
 

Quý vị thấy thế nào? Có thể lắm chứ ! Vì Lý Thương Ẩn chuyên về tình cảm yếu đuối, lãng mạn mà.... " Tương kiến thời nan, biệt diệc nan " và.... " Lạp cự thành hôi lệ thủy can " mà !....
Đỗ Chiêu Đức

***
             Dạ Vũ Ký Bắc

Rằng bạn ngày về chưa định trước
Đêm thu mưa núi nước tràn ao
Cửa tây chung nến bao giờ thắp
Hầu kể cho nhau mưa thế nào
                         Kim Phượng
***
       Đêm Mưa Núi Ba

Khi nao định được ngày về?

Ao thu mưa tối não nề núi Ba

Bao giờ  thắp nến cùng ta?

Hiên tây kể lại mưa sa đêm này.
                             Kim Oanh

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Em Cũng Là Hoa: Đóa Sen Trắng!

Quen em khi tuổi còn thơ
Bất ngờ gặp lại thẩn thờ dáng xinh
Thẹn thùng áo lụa nguyên trinh
Thướt tha trong gió diễm tình thi nhân
Dạ ở xao xuyến lâng lâng
Bước đi lưu luyến bâng khuâng khó rời
Yêu hoa thốt chẳng nên lời
Ngại làm hoen ố hương ngời trắng trong

                                   Kim Oanh
 
Bài Thơ Hoạ
 
            Say Hoa

Thuở mình vào tuổi xuân thơ
Say hoa đắm đuối tôn thờ nét xinh
Si nàng be bé trắng trinh
Bao câu muốn nói tỏ tình mỹ nhân
Nghĩ thôi hồn cũng thấy lâng
Nhưng vì tại vận bâng khuâng không rời
Nên bài hoạ chẳng hết lời
Phải đành tiếc rẻ dáng ngời ngời trong 
                                   Quên Đi


Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Pin Laptop

Pin laptop sau một thời gian sử dụng sẽ bị "chai", khiến cho laptop dù có sạc đầy cỡ nào thì cũng sẽ mau hết pin, có khi mới 15 phút là đã tắt ngúm. Thay vì vứt pin cũ và mua mới, hãy làm mẹo vô cùng đơn giản này, pin laptop sẽ lại chạy như mới.
Hầu hết các máy tính xách tay hiện nay sử dụng pin có thể kéo dài 3-5 năm, hoặc khoảng 1.000 lần xả-sạc pin (pin của một số dòng laptop cao cấp có thể kéo dài hơn). Mỗi ​​khi bạn sạc pin, tổng công suất pin sẽ bị giảm bớt. Ban đầu nó có thể chạy được 3,5 giờ, nhưng sau khoảng một năm nó sẽ rút lại do năng lượng hao hụt đi và chỉ còn 3 giờ, ngay cả khi bạn đã sạc đầy.

Chưa kể, tùy theo cách sử dụng pin của bạn, sau một thời gian tối đa khoảng 5 năm, pin laptop của bạn sẽ xuất hiện các triệu chứng như chai pin, pin sạc không đầy, lỗi pin, pin không sạc nữa ngay khi bạn cắm điện để sạc…

Ngoài việc mua pin mới (tốt nhất là mua pin chính hãng, thà chịu mắc một chút nhưng đỡ hơn là mua pin thay thế không rõ xuất sứ, có thể dẫn đến hư cả máy tính) thì cũng có một số mẹo vặt cải thiện tình trạng hoạt động của pin laptop hoặc có thể khiến nó hoạt động gần như mới (khoảng 80%).

Với cách này, mọi người có thể hồi phục được năng suất của pin từ 60% đến 80%, và điều đặc biệt là mọi người có thể làm TẠI NHÀ và MIỄN PHÍ.

Bước 1: Tắt máy tính và nhẹ nhàng tháo pin ra.

Bước 2: Lau sạch pin và quấn nó trong một chiếc khăn khô rồi cho vào túi ni lông có khóa kéo, phải đảm bảo được rằng pin sẽ không bị thấm nước.

Bước 3: Đặt pin trong tủ lạnh ở ngăn đông trong ít nhất là 12 giờ - hãy nhớ ghi lại thời gian bắt đầu để vào tủ lạnh; bạn thậm chí có thể để pin trong tủ lạnh đến 72 giờ.

Bước 4: Lấy pin ra từ tủ đông. Mọi người không cần vội vàng lấy pin ra khỏi túi nhựa, bạn đặt túi nhựa (bên trong vẫn có pin) ra ngoài không khí bình thường thêm 10 giờ cho đến khi nó đạt đến nhiệt độ trong phòng của bạn. Sau đó, bạn kiểm tra lại túi một lần nữa, nếu túi nhựa vẫn còn khá lạnh, bạn có thể để lâu hơn một chút.

Bước 5: Ngay sau khi nhiệt độ túi pin đã giảm xuống bằng nhiệt độ phòng, tháo pin ra khỏi túi nhựa, mở khăn và lau sạch pin bằng khăn khô cho đến khi không còn chỗ nào trên quả pin bị ẩm nữa.

Bước 6: Đặt lại pin vào laptop nhưng KHÔNG MỞ máy tính lên. Tiếp theo, bạn cắm máy tính vào bộ sạc nguồn điện ngoài và sạc cho đến khi đầy. 



Bước 7: Sau khi sạc đầy, pin laptop của bạn giờ đây đã được hồi sinh, bạn ngắt kết nối với bộ sạc nguồn và kiểm tra thử. Mặc dù phương pháp này thực sự không đem lại cho pin của bạn trở về như cũ là được 100% như ban đầu, nhưng bạn đã thành công trong việc phục hồi được từ 60% ~ 80% năng lượng mà pin đã có. Từ bây giờ, bạn hãy xả hết năng lượng pin (dùng đến khi tắt nguồn) và nạp lại đầy đủ trong một vài lần nữa để cảm nhận pin laptop của bạn được phục hồi tốt hơn.

Dell%2BAlienware%2BM15X

Mọi người lưu ý, nên sử dụng laptop đến khi pin còn 3%. Sau đó, bạn cắm lại máy tính vào bộ sạc để cho sạc cả đêm nếu có thể. Hôm sau, bạn dùng đến khi còn ít nhất là còn 3% pin. Bạn sạc tiếp trong 8 giờ nữa, sau khi thực hiện điều này, bạn sẽ nhận thấy một sự gia tăng đáng kể tuổi thọ cho pin.

Tôi đã thử và thành công, hy vọng thông tin trên giúp ích được cho mọi người.

Tổng hơp theo Vnreview


Theo webtretho.com


Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Mưa Hạ

Bài Thơ Xướng
       Mưa Hạ

Từng cơn dìu dặt thổi khoan lơi
Lúc sắc xám đang kéo phủ trời
Từng cánh non bay tìm chỗ ẩn
Lúc tia vàng vội trốn mưa rơi
Lại mơ dáng cũ nào đâu thấy
Dẫu luyến hương xưa cũng đã rời
Tí tách vang lên từng giọt hạ
Tiếng buồn như đọng chẳng hề vơi
                              Quên Đi
Các Bài Thơ Hoạ
               Nghỉ Hè


Nhạc vàng dìu dặt lại buông lơi,
Khúc hát du dương vọng khắp trời.
Bóng mát trưa, chiều cây nóng nực,
Che dù nắng xế phượng hồng rơi.
Học sinh được nghỉ Hè ba tháng,
Tuổi trẻ về quê hết Hạ rời.
Đồng nội tha hồ chơi dế đá,
Sông hồ mặc sức tắm chơi vơi...
           MAI XUÂN THANH
     Ngày 02 tháng 07 năm 2016

***

         MƯA HẠ
Gió giật từng hồi liễu lả lơi ,
Bỗng đâu mây xám nghịt chân trời .
Ầm ầm sấm chớp cơn giông tới,
Rào rạt mặt đường xác lá rơi .
Chất củi chị kêu, tai giả điếc ,
Đá banh bạn níu chân không rời .
Mưa ơi ! nặng hạt lòng càng thích,
Kỷ niệm ngày vàng thật khó vơi !
                            Mailoc
                         7-02-2016
***
               MƯA HẠ 

Ánh ráng buông chiều sợi nắng lơi 
Tầng không vội vả cánh chim trời 
Vầng mây tản hợp màn u ám 
Ngọn gió quay cuồng hạt đổ rơi 
Ký ức hằn sâu bao hận oán 
Dòng trôi khắc đậm khó xa rời
Còn vang tiếng nhạc hồn xưa cũ 
Nhắc nỗi đau buồn chẳng phút vơi! 
                      Nguyễn Đắc Thắng
***
                 Mưa Hạ
 
Nắng hạn chiều qua cũng phải  lơi
Mây đen phủ kín khắp phương trời
Ngang đầu sấm nổ cành sao gãy
Trên đất dông lùa tổ sáo rơi
Lảo thợ âu lo nhìn chẳng đục
Làn mưa quất tạt dõi không rời
Căn nhà cũ kỹ nhiều nơi dột
Xối xả hàng giờ sao chửa vơi !
                  Cao Linh Tử
 ***
      Hạ Vẫn Huy Hoàng

Hoa nắng buông cành để lả lơi
Phơi mình uống nắng ve vang trời
Từng bầy én lượn bao xuân đã
Mấy tháng hạ đến những lệ rơi
Dĩ vãng một thời đang sống lại
Khung trời kỷ niệm dẫu xa rời
Phượng hồng hẳn chết hè hôm ấy
Không! Vẫn hương thầm sắc chẳng vơi.
                         Kim Phượng
***

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Đời Người


Xuân tròn rạng rỡ sắc hương khoe
Hừng hực tương lai tựa nắng hè
Đến lúc vào thu lòng khắc khoải
Mơ tàn bóng ngã gió đông se

                          Quên Đi
***