Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Tang Lễ Nguyễn Kỹ Khuyên : Ngày 29-04-2015

Do có sự thay đổi nơi hoả táng, Khuyên sẽ được thiêu ở Cần Thơ cho tiện, và ngày mai mới thiêu.Mình đã thay mặt Các Bạn mua tràng hoa và phúng điếu. Tối nay tôi và một vài bạn nam sẽ đến chia sẻ với gia đình Khuyên, và 14 giờ ngày mai 30-4, Các bạn nam ở Vĩnh Long sẽ đến tiễn linh cữu Khuyên rời Vĩnh Long. Gởi một vài hình ảnh tại đám tang Khuyên lúc 9 giờ sáng nay. 







Các Con của Khuyên (từ trái sang phải): Thư, Ngọc Quỳnh, Kỹ Nguyên.




Hiển

Nguyễn Hồng Danh, Thới.


Hoàng Xuân Khải, Bá Lộc.

Hình ảnh : Huỳnh Hữu Đức


Biển Chiều



Bài Thơ Xướng  

        Biển Chiều

Chiều trông mặt biển thấy mông mênh
Tiếng sóng âm vang vỗ bập bềnh
Gió thổi rì rào hàng liễu rũ
Thuyền câu thả lưới dáng buồn tênh
Hải âu chớp cánh tìm mồi đớp
Dãi núi quanh co đá gập ghềnh
Có đến một lần lòng nhớ mãi
Nước trời cảnh sắc dạ nào quên !
                        Song Quang        

  Bài Thơ Hoạ

           Biển Vắng
Xanh thẩm một màu biển rộng mênh 
Gió đùa bọt trắng nhảy bồng bềnh
Bước chân trên cát ai lưu dấu
Mây biệt trời cao cảnh vắng tênh
Chim lượn cánh chao theo ngọn sóng
Nước vờn leo bãi phủ quanh ghềnh
Một mình một bóng lòng thầm nhủ
Tình cũ còn vương thật khó quên.
                          Quên Đi
***

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

CHS Tống Phước Hiệp NK 62-69 Chia Buồn Cùng Gia Đình Nguyễn Kỹ Khuyên



Một Nhóm Cựu học sinh Tống Phước Hiệp, niên khóa 62-69 rất đau buồn khi hay tin
Bạn Nguyễn Kỹ Khuyên 
Sanh năm 1950, đã từ trần, sau thời gian bạo bệnh.
Lúc 15 giờ 30 phút ngày 28 - 05 - 2015 (nhằm ngày mùng 10 - 03 năm Ất Mùi) 
Tại Vĩnh Long  
Hưởng thọ 65 tuổi
Tang lễ sẽ cử hành tại tư gia đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vĩnh Long.
Lễ động quan vào lúc 14giờ ngày 29 - 05 - 2015. 
Sẽ được hoả táng tại Sài Gòn.
Thành kính phân ưu cùng Gia đình bạn Nguyễn Kỹ Khuyên cùng các cháu
Nguyện cầu Ơn Trên Đức Phật từ bi cứu độ vong linh bạn, được thoát chốn mê đồ, vãng sanh miền cưc lạc.

Đồng Kính Phân Ưu
1/ Nhóm 1 Niên Khóa 62-69
Hoàng Thị Thơ
Lê ngọc Điệp
Lê Thị Tuyết
Giản Kim Dung
Nguyễn Thị Hồng Điệp
Lê Thị Kim Phượng
Nguyễn Thành Khai
Lê Văn Hiển
Nguyễn Hồng Danh
Hoàng Xuân Khải
Lê Quý Thông
Huỳnh Hữu Đức

2/ 
Lê Thị Kim Oanh - Niên khóa 69-76

Báo Tin Buồn CHS Tống Phước Hiệp Nguyễn Kỹ Khuyên NK 62-69 Đã Qua Đời


Vô cùng thương tiếc báo cùng các bạn Cựu Học Sinh trường Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long NK 62 - 69:
Bạn Nguyễn Kỹ Khuyên
Sanh năm 1950, đã từ trần, sau thời gian bạo bệnh.
Lúc 15 giờ 30 phút ngày 28 - 05 - 2015 (nhằm ngày mùng 10 - 03 năm Ất Mùi) 
Tại Vĩnh Long  
Hưởng thọ 65 tuổi
Tang lễ sẽ cử hành tại tư gia đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vĩnh Long.
Lễ động quan vào lúc 14giờ, ngày 29 - 05 - 2015. 
Sẽ được hoả táng tại Sài Gòn.

Nay Kính Báo
Huỳnh Hữu Đức
 

Người Gieo Mộng


Thơ: Quên Đi 
Tranh Thơ: Hữu Đức

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Điền Viên Lạc Kỳ 4 - Vương Duy


Khai bút mồng một Tết Giáp Ngọ , xin được gửi đến mọi người thân quí , mấy vần thơ mộc mạc, để đọc cho vui trong mấy ngày xuân. 
PKT 01/31/2014

Điền Viên Lạc
Vương Duy (699 - 759)


Đào hồng phục hàm túc vũ
Liễu lục cánh đãi triêu yên
Hoa lạc gia đồng vị tảo
Oanh đề sơn khách do miên


Dịch Xuôi : Vui Thú Điền Viên
PKT 01/31/2014

Đào hồng , đọng giọt mưa đêm
Liễu biếc , vương tơ sương sớm
Hoa rụng , gia đồng chưa quét
Oanh hót , sơn khách còn ngủ


Phụ Chú :
(1) Gia đồng = trẻ giúp việc trong nhà
(2) Sơn khách = khách núi = ý nói người ở ẩn, xa lánh việc đời


Điền Viên Lạc
PKT 01/31/2014

Đào hồng, mưa đêm, trổ lộc ,
Liễu biếc, sương sớm, đong đưa.
Hoa rụng đầy sân êm ả , 
Oanh ca người ngủ dậy chưa ?


-------------
Xin hưởng ứng cùng Thầy Trí ngày đầu năm
Thân kính 
Mailoc
           
         Điền Viên Lạc
Đào cánh hồng mưa đêm ngấn nước ,
Liễu xanh cành sương ướt phất phơ .
Trẻ nhà chưa quét hoa rơi ,
Chim kêu , khách núi trong mơ ngủ vùi .
                                   Mailoc phỏng dịch
------------
Quên Đi cũng xin " Vui Thú Điền Viên " Cùng Quý Thầy và Anh Chị.


Mưa đêm ướt đẫm cành hồng
Liễu xanh ủ rũ giữa lòng sương mai
Trẻ còn chưa quét hoa bay
Oanh kêu khách vẫn ngủ say đến giờ
                                                                    Quên Đi
----
 *Phụ Chú
                     Nguyên Tác:

  田園樂 其           Điền Viên Lạc Kỳ 4
                王維                             Vương Duy
桃紅復含宿雨,      Đào hồng phục hàm túc vũ 
柳綠更帶朝煙.      Liễu lục cánh đái triêu yên   
花落家童未掃,      Hoa lạc gia đồng vị tảo 
鳥啼山客猶眠 .     Điểu đề sơn khách do miên.

 Có Sách cho rằng bài thơ trên là 4 câu cuối trong bài thơ Lục Ngôn "Quy Sơn Tác" của Cố Huống. Tuy nhiên, nếu xét kỹ, Chúng ta thấy có sự gượng ép ý thơ giữa 4 câu đầu và 4 câu sau rất rõ ràng, Nếu không muốn nói là hoàn toàn đối nghịch nhau.
Có thể do sự nhầm lẫn nào chăng khi sưu tầm các bài thơ của Người Xưa.
                                                                                                           Quên Đi

           

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Nguyễn Trãi: Chí Linh Sơn Phú (Bản Diễn Nôm)



Tóm Tắt Tiểu Sử:

Nguyễn Trãi (阮廌), hiệu là Ức Trai (抑齋) sinh năm 1380 mất năm 1442, tại làng Chi Ngại, huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh Tỉnh Hải Dương). Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long, tức Nguyễn Phi Khanh , người làng Chi Ngại, một nho sĩ hay chữ nhưng nghèo và mẹ là Trần Thị Thái, con gái thứ ba của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Nguyễn Trãi  từng làm quan nhà Hồ và công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong Lịch sử Việt Nam. Sau khi Việt Nam bị rơi vào sự cai trị của Nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viện. Năm 1464, vua Lê Thánh Tôn xuống Chiếu giải oan cho ông.
Nguyễn Trãi cũng là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam.

Tác Phẩm
  • Ức Trai Thi Tập là tập thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi, gồm 105 bài thơ, trong đó có bài Côn Sơn Ca nổi tiếng.
  • Quốc Âm Thi Tập là tập thơ bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi, gồm 254 bài thơ, chia làm 4 mục: Vô đề (192 bài), Thời lệnh môn (21 bài), Hoa mộc môn (34 bài), Cầm thú môn (7 bài). Đây là tập thơ nôm xưa nhất của Việt Nam còn lại đến nay. Bằng tập thơ này, Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam
  • Chí Linh Sơn Phú là bài phú bằng chữ Hán, kể lại sự kiện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba vào năm 1422.
  • Băng Hồ Di Sự Luc là thiên tản văn bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi làm vào năm 1428, kể về cuộc đời Trần Nguyên Đán.
Ngoài ra, Nguyễn Trãi còn có một số tác phẩm khác như Ngọc đường di cảo, Thạch khánh đồ, Luật thư, Giao tự đại lễ nhưng đều không còn lại đến ngày nay.


- Chí Linh Sơn Phú (Bản Diễn Nôm)

Rồng thiêng bay chừ trên Lam Kinh,
Giáo trời chỉ chừ ải Bắc yên.
Sáng nghiệp thành công bao khó nhọc,
Núi sông miền Tây thật là thiêng!
Ôi! Vua ta tài thánh võ,
Gánh việc bốn phương kinh doanh,
Lao tâm khổ tứ, vận nước gian truân.
Đã do trời mà biết thời,
Lại cố chí để công thành.
Nhờ thế ngày nay Hồ-Việt mới hoá một nhà,
Mà núi này được thiên cổ lưu danh.
Khi nghĩa binh mới nổi, thế giặc hoành hành,
Cả nước anh hào như lá thu sương.
Chí nuốt Ngô chừ, ai là Chủng? ai là Lãi?
Mưu hưng Hán chừ, ai là Bình? ai là Lương?
Vua ta giấu vết ở núi này, đành nín hơi để náu nương.
Vợ con lưu ly, quân sĩ tan tác,
Tuy khốn đốn mà lại hay, vì có điều sắp vẻ vang.
Mang giáp trụ để che thân, lấy củ rau để làm lương.
Chí hăm hở lo toan, lòng căm tức chẳng hề quên.
Tưởng núi này lúc bấy giờ chừ khác nào núi Mang Đãng của vua Hán.
Bởi biết người biết mình, hay yếu hay mạnh.
Đợi thời chờ dịp,
Giấu sắc giấu tài.
Ăn thường nếm mật,
Ngủ thường nằm gai.
Lo rửa nhục cũ, khôi phục đất xưa,
Tưởng núi này lúc bấy giờ chừ há chẳng giống núi Cối Kê dung Việt Vương hay sao?
Rồi thu thập tàn quân, nuôi vỗ ân cần,
Trong rèn chiến cụ, ngoài giả hoà thân,
Bỏ vàng mộ lính, giết voi khao quân.
Ai cũng mến vua mà liều chết,
Ai cũng muốn ra sức để đền ân.
Thế rồi luyện binh, kén tướng, mưu cao như thần,
Sống nhục thà thác vinh, biết quân ta khả dụng.
Lương thực khí giới do giặc cấp cho mình,
Vạn toàn quyết thắng, một mũi tên không coi khinh.
Cầm Bành dập đầu để hiến đất,
Phương Chính đứt hơi mà hồn kinh.
Liền giữ hiểm để lập công, lại dùng mưu để lừa địch,
Đêm thì đốt lửa, ngày thì kéo cờ.
Chiếm Đỗ Gia để tranh chỗ lợi,
Qua Khả Lưu vượt sông để đánh đắm quân thù.
Sấm vang chớp giật, trúc chẻ tro bay.
Chu Kiệt bỏ cũi, Hoàng Thành phơi thây.
Đất Nghệ An chiếm lại, Tây Đô thu nhanh về tay.
Gạo nước đón rước,
Người theo đường đầy.
Hào kiệt nghiến răng vì căm giận,
Phụ lão nức nở thấy ngày nay.
Tiếng quân ta ngày càng vang dậy,
Giặc mỏi mệt ngày càng thua chạy.
Trận Thị Cầu như ổ kiến làm đê vỡ,
Trận Tốt Động như gió mạnh gãy cành cây.
Trần Hiệp, Lý Lượng như dưới hố cọp sa,
Vương Thông, Mã Kỳ như vạc sôi cá nhảy.
Muôn dặm non sông thu phục lại,
Đông Đô phường phố vẫn y nguyên.
Lúc bấy giờ khác nào Hán Cao bốn mặt vây Cai Hạ.
Thế mà lòng tham của giặc còn không nén,
Đốc quân cả nước lại kéo đến.
Chữa cháy thêm dầu, vui hoạ thích tai.
Nên Liễu Thăng bỏ mạng mà Chi Lăng máu chảy,
Mộc Thạnh trốn đêm mà Lãnh Câu đầy thây.
Viện binh hai đạo chưa kịp trở gót mà đại bại,
Thành giặc các nơi không đổ máu mà mở cửa ra hàng.
Vẫy đuôi xin tha, thảm thiết kêu than.
Lúc bấy giờ há lại chẳng giống Câu Tiễn vây Ngô Vương ở đài Cô Tô hay sao?
Tuy nhiên quy mô to lớn của Hán Cao cũng giống như đức thịnh của vua ta ngày nay,
Còn Câu Tiễn chỉ lo thoả chí phục thù há lại có thể muôn một sánh tày.
Đến như thần võ không giết,
Đức lớn hiếu sinh.
Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước,
Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh.
Sửa hoà hiếu cho hai nước,
Tắt muôn đời chiến tranh.
Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh.
Như thế thịnh đức của vua ta, há Hán Cao có thể sánh được, mà phải cùng khen với Nhị Đế, Tam Hoàng kia.
Than ôi! Từ xưa đến nay,
Trăm đời đổi thay.
Nghiêu từ Đường hầu Thuần từ hàn vi,
Thành Thang mở đầu từ núi Bạc,
Thái vương dời sang đất Kỳ.
Thế là bởi tai nạn nhiều là gốc dựng nước, lo nghĩ nhiều là cái nền mở nghiệp thánh.


Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1976


Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Mạn Bàn Về Bỏ Dấu Thanh Trong Chữ Việt



A - Thanh điệu
B - Các quan điểm về dấu thanh
         1 - Vị trí các dấu thanh đã được công nhận
         2 - Vị trí các dấu thanh còn đang tranh luận
C - Chiết tự và ghép vần
         1 - Chiết tự 
         2 - Ghép vần
  Kết luận
---
A - Thanh điệu

Dấu của tiếng Việt
Dấu
Chữ mẫu
ngang
a
sắc
á
huyền
à
hỏi
ngã
ã
nặng

A- Thanh Điệu (trích vikipedia.orp)

Hệ thống thanh điệu của tiếng Việt khá phức tạp (do có những thanh và từ không thể đi chung với nhau - ví dụ: từ
"mit" không thể đi với thanh huyền). 
Trong tiếng Việt có sáu thanh: ngang (không dấu: a), sắc (nghiêng phải: á), huyền (nghiêng trái: à), hỏi (dấu hỏi: ả), ngã (dấu ngã: ã) và nặng (dấu chấm: ạ). Tất cả các dấu đều được đặt trên nguyên âm, riêng dấu nặng được đặt dưới nguyên âm.
.................................................................................
Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm, nhưng những từ ghép cũng có nhiều Nguyên âm đôi (au,ai..)  nguyên âm ba iêu, oai...) rất thông thường.
................................................................................................

        Trong đời sống, hiện vẫn tồn tại hai cách đặt dấu thanh trong tiếng Việt. Ví dụ "hòa" là một cách đặt dấu thanh khác cho "hoà", trong đó "hòa" còn gọi là cách đặt dấu thanh "cũ". Bảng sau liệt kê các trường hợp mà hai cách đặt dấu
thanh khác nhau:

Mới
òa, óa, ỏa, õa, ọa
oà, oá, oả, oã, oạ
òe, óe, ỏe, õe, ọe
oè, oé, oẻ, oẽ, oẹ
ùy, úy, ủy, ũy, ụy
uỳ, uý, uỷ, uỹ, uỵ
....................................................................................................................

         Tại sao đến nay vấn đề đặt dấu thanh cho chữ Việt vẫn còn tranh cải? Chỉ vì hai quan điểm trái ngược nhau và không bên nào chấp nhận ý kiến của bên kia.

         Chúng ta thử tìm hiểu và nhận xét về hai quan niệm trên.

B - Các quan điểm về dấu thanh

1 - Vị trí các dấu thanh được tất cả công nhận

        - Trong các chữ chỉ có 1 nguyên âm thì dấu thanh đương nhiên sẽ ngay nguyên âm đó.

        - Trong các chữ có phụ âm đầu, phụ âm cuối hay cả hai, hoặc có hai, ba nguyên âm, trong các nguyên âm này nếu có dấu phụ như ă â ê ơ... thì các dấu thanh sẽ đặt ngay vị trí nguyên âm có dấu phụ đó.
Thí dụ : khuyến, lun , quc , du...

        - Trong các chữ nếu cả hai nguyên âm đều có dấu phụ thì dấu thanh sẽ đặt vào nguyên âm sau.

Thí dụ : trưng , ngưi...

       - Trong các chữ nếu cả hai nguyên âm đều không có dấu phụ, và chỉ có phụ âm trước hoặc phụ âm sau, dấu thanh sẽ đặt vào nguyên âm đứng kế phụ âm.

Thí dụ : trào , oán....

      - Trong các chữ có hai nguyên âm không dấu phụ,đồng thời có cả phụ âm trước và phụ âm sau , dấu thanh sẽ đặt vào nguyên âm đứng kề phụ âm sau.
Thí dụ : hoàng, toét....

Chúng ta thấy rất rõ những dấu thanh đều đặt ngay vị trí các nguyên âm chính trong chữ.(Nguyên âm chính là nguyên âm góp phần quan trọng trong việc đọc thành tiếng của chữ. Có thể được xác định bằng cách chiết tự và kết âm bên dưới)

2 - Vị trí các dấu thanh còn đang tranh luận :

Mới
òa, óa, ỏa, õa, ọa
oà, oá, oả, oã, oạ
òe, óe, ỏe, õe, ọe
oè, oé, oẻ, oẽ, oẹ
ùy, úy, ủy, ũy, ụy
uỳ, uý, uỷ, uỹ, uỵ








         Trong hai cách đặt dấu trên, cách nào đúng?  Hiện tại chưa thể nói cách nào đúng cách nào sai. Mỗi bên đều có lý do bác bỏ lập luận của bên kia, đến nay, cả hai vẫn giữ lấy quan điểm của mình. 

a - Phái đổi mới  :        

- Trong tiếng Việt những chữ có phụ âm đứng sau, các dấu thanh đều được đặt vào vị trí nguyên âm có dấu phụ, kể cả trường hợp cả hai đều không có hoặc có dấu phụ.

Thí dụ : khuyến , trường, oán , khoảng...

- Đa số các dấu thanh đều đặt vào nguyên âm đứng sau. Để cho việc bỏ dấu được giản dị, phái này đề nghị tất cả các chữ tận cùng bằng các vần : oa , oe , uy, cũng nên bỏ dấu vào vị trí nguyên âm sau như bảng Mới bên trên.

- Dựa vào Bảng ký hiệu phiên âm Quốc tế ( I PA) để chứng minh, vì các vần oa, oe, uy khi phát âm sẽ thành wa, we, wy.

- Các dấu thanh đều ở ngay vị trí nguyên âm chính

Dựa vào những lý trên, phái đổi mới đề nghị các vần này cũng đặt dấu thanh vào nguyên âm sau.

b - Phái Bảo Thủ :

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm và có đến 6 thanh điệu, nên không thể sử dụng hệ thống ký hiệu mẫu tự phiên âm quốc tế( I P A ). Phương pháp này chỉ dùng để hướng dẫn cách phát âm chớ không thể dùng trong chữ viết.

Bỏ dấu theo cách cũ (bảng Cũ bên trên) mọi người đã quen sử dụng vì đã được dùng từ lâu

Cách bỏ dấu này trong đẹp mắt hơn.

Dấu thanh ở ngay vị trí nguyên âm có phụ âm kề bên.

- Nhận xét về hai quan điểm trên :

Nếu khách quan nhận xét, thông thường trong cùng một vấn đề, những thuyết có sau thường hoàn chỉnh hơn thuyết có trước.
Sở dĩ chuyện đặt vị trí dấu thanh vẫn còn nhiều tranh cải vì cả hai quan điểm không thể dung hoà.
Quan điểm Cũ chỉ dựa theo cảm nhận, theo thói quen hoặc theo thẩm mỹ, chưa thể chứng minh một cách khoa học chính xác.
Quan điểm Mới thì dựa hoàn toàn vào phương pháp chiết tự và ghép vần, mang tính khoa học hơn.

C - Chiết tự và ghép vần :
 
1 - Chiết tự (tách chữ)
Chiếc tự là tách chữ ra làm hai hay nhiều phần để ráp vần cho chính xác.
a - Chiết tự dùng cho các chữ mà các nguyên âm không có dấu phụ: Trong trường hợp này, chữ thường được tách chia ngay trước vị trí nguyên âm chính (mang dấu thanh hay không có dấu thanh)
thí dụ:( những chữ có màu, gạch dưới bên dưới là những nguyên âm chính trong chữ)
thoái => th / o / ái => th..o..ái , khi ráp vần ta đọc nhanh tho..ái => thoái
toét => to / ét , khi ráp vần ta đọc nhanh to..ét=> toét
hoang => h / o / ang => h..o...ang => ho..ang => thành tiếng hoang
 
b - Dùng cho các vần có dấu phụ: trong trường hợp này chữ được tách chia ngay sau phụ âm trước.
thí dụ : hường => h / ường khi ráp vần ta đọc nhanh hờ..ường = > hường
khuyến => kh / uyến khi ráp vần ta đọc nhanh khờ..uyến => khuyến

2- Ghép Vần
Nguồn gốc chữ Việt ngày nay được gọi là chữ Quốc ngữ xuất phát từ các mẫu tự La Tinh. Các Giáo Sĩ Tây Phương đã lấp ghép các mẫu tự này dựa vào cách phát âm của dân ta. Ta có thể khẳng định chắc chắn rằng chữ quốc ngữ được sinh ra từ cách Ghép Vần.

Từ cách ghép vần, ta có thể xác định cách bỏ dấu hợp lý nhất trong chữ Việt.
Chúng ta thử trở lại những bài học vỡ lòng trong tiếng Việt. Phương pháp ráp vần trong tiếng Việt chính là cách đọc nhanh hai vần lại với nhau.
Thí dụ :
a - Ghép vần phụ âm với một nguyên âm :
 
Chữ " bà" được ghép bởi "bờ" và "à". Ta tách rời chữ " bà " ra ( chiết tự) : b./.à, và đọc thật nhanh "bờ..à", hai âm sẽ dính liền vào nhau sẽ cho ra tiếng " bà ".
        Đó chính là cách Tách Chữ ( Chiết Tự )  và Ráp Vần ( Kết âm )
 
b - Ghép vần phụ âm với hai nguyên âm không có dấu phụ :
       - Chữ "giá" .Chúng ta đều biết nếu "g" (gờ) không có  "i" đi kèm sẽ đọc là "gá" . Nhưng có  "i" chúng ta sẽ đọc là "zá" ( gi = z ). Như thế, chữ "giá" sẽ được tách ra : gi./.á và chúng ta sẽ đọc là "giờ..á" đọc nhanh sẽ ra tiếng zá (trong mẫu tự VN không có Z ,chúng tôi chỉ sử dụng trong cách phát âm đúng).
        - Chữ "ga " (trong giặt gỵa). Có người cho rằng phải viết là "gịa" mới đúng. Điều này khó chấp nhận vì như thế chúng ta không thể nào ráp vần.
          Chữ g.. ịa ( gờ.. ịa ) không thể nào đọc thành zịa, mà sẽ đọc thành g..ịa .
          Còn chữ gỵa ( trong chữ Việt chữ y được sử dụng như hai chữ i ; y = i + i ) ta có thể tách ra như sau:
  " y = i i => gỵa = gi./.ịa " và khi ta đọc nhanh gi..ịa sẽ thành " giờ..ịa = zịa ".
         - Nếu trường hợp " dấu nặng "  ở vị trí nguyên âm " a "
         "gi" . Khi tách chữ " gi./..ạ " . Ráp vần nhanh , thành tiếng " zạ ".
         Tương tự
 thuý  hay thúy khi chiết tự:
- Nếu chúng ta chiếc tự  chữ  thúy = > th / ú / y => th..ú..i..i (y=i+i) => thú..i..i  không đọc được thành tiếng thuý mà chỉ đọc thúi..i
- Nếu: thuý = thuií (y=i+i) => th / u / i / í => th..u..i..í  =>  thu..i..í => thui..í , đọc thành tiếng thuý
- huy => hờ..u..i. / .i => hu..i. / .i => hui..i  tuần tự ta ráp vần nhanh sẽ thành tiếng huy     
   (Những chữ có màu, gạch dưới là nguyên âm chính)
            Qua những thí dụ trên, chúng ta thấy rất rõ "y" chính là nguyên âm chính trong các chữ. dấu thanh sẽ ở ngay vị trí chữ "y".
            Từ đây Ta rút ra được một điều : chúng ta có thể áp dụng cách chiết tự và ghép vần để xác định đâu là nguyên âm chính trong chữ, các dấu thanh sẽ được đặt ở ngay nguyên âm chính, góp phần làm sáng tỏ trong các vần đang tranh cải.
 Trở lại các vần đang tranh luận, chúng ta sẽ sử dụng phương pháp Tách Chữ và Ghép Vần để phân tích:
      -  " oa " :
          Cũ :  òa => ò..a => đọc nhanh cũng không thành tiếng gì cả, vì không thể ráp vần.
          Mới : oà => o..à => đọc nhanh sẽ cho ra tiếng oà.
      -  " oe " :
           Cũ  : ọe => ọ..e => ráp vần không được.
          Mới :  oẹ => o..ẹ => đọc nhanh sẽ cho ra tiếng oẹ.
-  " uy " : 
          Cũ  :  ủy => ủ..i..i => Ráp vần không được.
          Mới :  uỷ => u..ỷ => đọc nhanh sẽ cho ra tiếng u..i..ỉ=uỷ.

Kết Luận :

          Vấn đề vẫn còn đang tranh cải chưa kết thúc, nên dưới đây chỉ là ý kiến cá nhân về cách bỏ dấu thanh:      
- Ngoại trừ các vần : oa ; oe ; uy còn đang trong vòng tranh luận. Vị trí dấu thanh nằm ở nguyên âm đứng sau chiếm đa số : người, truyện, điểm, hoài... Nếu đặt dấu thanh vào vị trí nguyên âm đứng sau, cũng chính là nguyên âm chính trong chữ của các vần oa , oe , uy thì sẽ thật dễ dàng trong việc bỏ dấu trong chữ Việt vì hầu hết đều ở vị trí nguyên âm đứng sau.

- Dựa vào phương pháp Tách Chữ và Ghép Vần, cách mới cũng vẫn đúng hơn. Trong khi cách cũ không thể ghép vần, mà ghép vần chính là nguyên tắc căn bản để đọc trong chữ Việt.

Như thế, với những Vần : oa , oe , uy , dấu thanh đặt vào nguyên âm sau là hợp lý hơn.
...
Tóm lại, bất cứ ý tưởng mới nào cũng có sự phản đối. Việc dặt dấu thanh vào nguyên âm đứng phía sau cũng thế. Nếu không chấp nhận, chứng ta cần chứng minh quan điểm của mình là đúng.

        Trong các quan điểm về dấu thanh, những điều gì tất cả mọi người đã công nhận, không có ý kiến phản bác, chúng ta tiếp tuc sử dụng.     
        Còn những điều gì đang trong vòng tranh cải, điều nào đúng, điều nào sai vẫn chưa có kết luận cuối cùng, do đó mọi người có thể tuỳ sử dụng cách bỏ dấu này hay cách kia. Chúng ta không thể dựa vào quan điểm này mà cho rằng quan điểm kia là sai. 
        Muốn chấm dứt tranh luận, chúng ta cần một Hội đồng bao gồm những Học giả về Văn hoá, Ngôn ngữ Việt, đưa ra một quy tắc thống nhất để đi đến một kết luận cuối cùng .
        Đến một lúc nào đó, đã xác định được cách bỏ dấu nào đúng. Khi đó chỉ còn một cách duy nhất thì việc ai đặt dấu thanh không đúng vị trí quy định mới  thật sự là sai
                                                                             
Huỳnh Hữu Đức