Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Các Dạng Thơ Đường Luật


Trước đây, mọi người đều cho rằng Quách Tấn là nhà thơ lớn cuối cùng của Đường Luật Thi. Có thể đúng mà cũng có thể sai. Những tưởng thơ Đường Luật sẽ lụn tàn theo Quách Tấn. Nhưng thực tế, Thơ Đường Luật phát triển khá mạnh, các thế hệ 30 - 40 tuổi cũng tìm tòi học hỏi và gia nhập các thi đàn Đường Luật Thi. Không chỉ sáng tác, các Thi nhân ngày nay còn cho ra rất nhiều biến dạng hay, mới lạ.
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu Các Dạng Của Thơ Đường Luật trước đây và ngày nay.

***
Theo Thầy Dương Quảng Hàm, thơ Đường Luật có 8 dạng chính thức vừa của Tàu vừa của Việt Nam. Có lẽ vì thế mà 8 dạng này rất quen thuộc với giới làm thơ Đường Luật.

1- Thủ Vỹ Ngâm
Dạng thơ này có câu đầu cũng là câu cuối.

                Tết
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo 
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu. 
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy 
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu. 
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy 
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu. 
Thôi thế thì thôi đành tết khác, 
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo. 
                 Trần Tế Xương

2- Liên Hoàn
Liên Hoàn là lối thơ lấy câu cuối của bài trên làm câu đầu của bài dưới:

     Hủ Nho Tự Trào
I
Ngán nỗi nhà nho bọn hủ ta,
Hủ sao hủ gớm hủ ghê mà ! 
Thơ suông nước ốc còn ngấm váng; 
Rượu bự non chai vẫn chén khà. 
Múa mép rõ ra văn chú chiệc; 
Dài lưng quen những thói con nhà. 
Phen này cái hủ xua đi hết. 
Cứ để cười nhau hủ mãi a? 

II 
Cứ để cười nhau hủ mãi a ? 
Cười ta, ta cũng biết rằng ta. 
Trót quen nho nhã đầu khăn lượt. 
Hóa kém văn minh cổ áo là. 
Khó vậy làm em, giàu đã chị; 
No thì nên bụt, đói ra ma, 
Nay được buổi học ganh đua mới. 
Còn giữ lề xưa mãi thế là! 

(Bài Hủ Nho Tự Trào của Tình Si Tử, có tất cả 4 bài Liên hoàn, ở đây chỉ đưa ra hai làm thí dụ)

3- Thuận Nghịch Độc
Thuận nghịch độc (thuận: xuôi; nghịch: ngược) là lối thơ đọc xuôi đọc ngược cũng thành câu có nghĩa cả; có khi đọc xuôi thành thơ quốc âm mà đọc ngược thành thơ chữ Hán.

       Đền Ngọc Sơn 

(Bài đọc xuôi) 
Linh uy tiếng nổi thật là đây: 
Nước chắn, hoa rào, một khoá mây. 
Xanh biếc nước soi, hồ lộn bóng: 
Tim bầm rêu mọc, đá tròn xoay. 
Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng; 
Khách văng khi đưa xạ ngát bay. 
Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng: 
Rành rành nọ bút với nghiên này. 

(Bài đọc ngược) 
Này nghiên với bút nọ rành rành: 
Thắng cảnh đồn vang tiếng thị thành 
Bay ngát xa đưa khi vắng khách; 
Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh . 
Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím, 
Bóng lộn hồ soi nước biếc xanh. 
Mây khóa một rào hoa chắn nước, 
Đây là thật nổi tiếng uy linh 
                        Vô danh

4- Yết hậu
Yết hậu (yết: nghỉ; hậu; sau) là lối thơ có các câu trên đủ chữ, còn câu cuối cùng chỉ có một chữ. Thí dụ: 

"Sống ở dương gian đánh chén nhè,
"Chết về âm phủ cắp kè kè

"Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
"Be" (tức là be rượu. )
                       Dương Quảng Hàm 

Tiếng Đêm Mưa

Lặng ngồi trong bóng đêm
Nghe tiếng mưa bên thềm
Gió rít như hờn dỗi
Khiến lòng khó dịu êm
Im lìm căn gác nhỏ
Luyến tiếc đôi môi mềm
Vương vấn lòng như mãi
Thêm
                     Quên Đi
5- Lục ngôn thể 
Lục ngôn thể là lối thơ thất ngôn xen vào hai câu chỉ có 6 chữ. Lối thơ này ở nước ta về đời Trần, Lê hay dùng. Thí dụ : 

        Cảnh nhàn 
Lọ là thành thị, lọ lâm toàn, 
Được thứ thì hơn miễn phận nhàn.
Vụng bất tài nên kém bạn (lục ngôn thể) 
Già vô sự ấy là tiên (lục ngôn thể) 
Đồ thư một quyển nhà làm của; 
Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền. 
Dù nhẫn chê khen, dù miệng thế, 
Cơ mầu tạo hóa mặc tự nhiên.
             Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

6- Tiệt hạ
Tiệt hạ (tiệt: ngắt, hạ: dưới) là lối thơ nào cũng bỏ lửng như bị ngắt, bớt ở cuối, nhưng ý nghĩa rõ rệt, người đọc đoán mà hiểu được. 
Thí dụ:

Thác bức rèm châu chợt thấy mà …! 
Chẳng hay người ngọc có hay đà …! 
Nét thu dợn sóng hình như thể … 
Cung nguyệt quang mây nhác ngỡ là …
Khuôn khổ ra chiều người ở chốn .. 
Nết na xem phải thói con nhà .. 
Dở dang nhắn gửi xin thời hãy … 
Tình ngắn tình dài chút nữa ta … 
                           Vô danh 

7- Vĩ tam thanh- 
Vĩ tham thanh (vĩ: đuôi; tam: ba, thanh: tiếng ) là lối thơ ba tiếng cuối cùng, câu nào cũng phát âm giống nhau. Thí dụ: 

Ta nghe gà gáy tẻ tè te, 
Bóng ác vừa lên hé hẻ hè.
Non một chồng cao von vót vót, 
Hoa năm sắc nở loẻ loè loe. 
Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa, 
Ong nghĩa vua tôi nhẹ nhẻ nhè. 
Danh lợi mặt người ti tí tỉ 
Ngủ trưa chưa dậy khoẻ khoè khoe 
                             Vô danh. 

8- Song điệp
Song điệp (song: đôi; điệp: trùng nhau) là lối thơ mỗi câu hoặc ở đâu hoặc ở cuối có đặt hai cặp điệp tự (chữ lắp lại) Thí dụ: 

          Tự Tình

Vất vất vơ vơ cũng nực cười! 
Căm căm cúi cúi có hơn ai? 
Nay còn chị chị anh anh đó,
Mai đã ông ông mụ mụ rồi. 
Có có không không, lo hết kiếp 
Khôn khôn, dại dại chết xong đời. 
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy, 
Ngủ ngủ, ăn ăn, nói chuyện chơi 
                   Nguyễn Công Trứ

(Tài Liệu Tham khảo: Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm).

***
Như thế tất cả các dạng thơ Đường Luật bên dưới đây xuất hiện theo thú chơi thơ của các thi nhân mà thôi:
- Nhất Thủ Thanh: Các chữ đầu của các câu trong bài thơ giống nhau.
- Nghi Vấn: Câu thơ nào cũng có dấu hỏi ở cuối câu.
- Bát Điệp: Tất cả các câu đều có một từ giống nhau.
- Ô Thước Kiều: Tương tự như thơ Liên Hoàn, nhưng chỉ lấy hai chữ cuối của bài trên làm hai chữ đầu của bài dưới.
- Dĩ Đề Vi Thủ: Lấy các chữ ở tựa bài thơ làm chữ đầu tiên của các câu thơ.
- Dĩ Đề Vi Vận: Lấy các chữ ở tựa bài thơ làm vần để gieo.
- Áp Cú: Lấy chữ cuối của câu trên làm chữ đầu của câu dưới.
- Khoán Thủ: Ghép các chữ đầu các câu thơ  thành một câu văn có ý nghĩa.
- Ngũ Độ Thanh: Dựa theo Ngũ Độ Thanh từ xưa bên Tàu áp dụng vào thơ Đường Luật ở Việt Nam. Các câu thơ phải hội đúng 5 dấu thanh trong 6 dấu thanh của tiếng Việt: Không dấu, Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng.

Ngoài ra còn rất nhiều biến dạng khác tuỳ theo sở thích của Tác giả nhưng vẫn theo 5 quy tắc căn bản của Đường Luật Thi là Vần, Niêm, Luật, Đối và Bố cục.
Nhân đây xin giới thiệu môt dạng thơ mới của Đường Luật Thi:

- Thủ Vỹ Điệp Ngữ Cú

            Kẻ Tham
 
Ngơ ngơ kẻ kẻ giả ngơ ngơ
Vờ vĩnh lừa ai ai vĩnh vờ
Bợ dưới lẫn trên trên dưới bợ
Quơ nhiều hay ít ít nhiều quơ
Dở hay kệ kệ dù hay dở
Xơ múi đều đều cứ múi xơ
Nợ nước ai làm làm nước nợ?
Ơ này dân gánh gánh này ơ!
                       Quên Đi
 ***
              Chiều Tím 

Chiều tím màu mây nhuộm tím chiều 
Yêu người mơ ước được người yêu 
Bến xa khắc khoải thuyền xa bến 
Hiu quạnh bao mùa vẫn quạnh hiu. 
                            Quên Đi
***
Nhất Vận Thi
    Cách này, thỉnh thoang Tiền nhân cũng sử dụng:
 
              Dại khôn 
  
Làm người có dại mới nên khôn  
Chớ dại ngây si chớ quá khôn.  
Khôn được ích mình đừng rẽ dại  
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn  
Khôn mà hiểm độc là khôn dại  
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn  
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại 
Gặp thời dại cũng hóa nên khôn.
                Nguyễn Bỉnh Khiêm
***
          Làm Thơ
 
Thời gian thừa mứa tập tành thơ
Tứ bảo văn phòng sẵn đợi thơ
Cắn bút lim dim tìm ý lạ
Giấy buồn ngơ ngác chẳng ra thơ
Cháu con thấy ngộ bu ông nội
Bà xã cười châm ổng nhập thơ
- "Tất cả xê mau đừng léo nhéo
Um sùm như thế khó làm thơ"

                        Quên Đi


Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét