Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật Phần 1

Đường xưa gấm lụa Tiền Nhân trải
Lối mới chông gai Hậu Thế bày
                                  Quên Đi

Thơ Đường Luật chỉ với 5 qui tắc : Vần, Luật Bằng Trắc (Thanh ), Niêm, Đối Ngẫu, Bố Cục, đã khiến cho người làm thơ phải khó khăn khi làm được một bài không phạm 5 qui tắc này. Cũng chính vì sự khó khăn của Chính Luật, nên chúng ta được thừa hưởng Kim Bài miễn tội, đó là "Nhất Tam Ngũ Bất Luận, Nhị Tứ Lục Phân Minh".
Thế nhưng trong thời gian gần đây, lưu truyền đầy dẫy trên mạng Internet những bài viết về "Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật". Giờ có thêm tôi chắc cũng không làm cho mọi chuyện rối hơn lên.
Qua những gì đã đọc, tôi thấy có nhiều điều rất quen, có cái như quen mà lạ, có cái như lạ mà quen, cũng như không ít cái mới mẻ so với những gì mình học hỏi từ thuở trước.

 

 Bệnh Trong Thơ Đường Luật
 

Thơ Đường Luật là một thể thơ gây nhiều khó khăn nhất cho người tập làm thơ.
Ðể giúp cho người làm thơ khỏi lạc đường và tới đích mau chóng, các học giả Trung Hoa đã soạn nhiều bộ Thi Vận Tập Thành, thường gọi là sách Quan vận, là Vận thư. Ðời Tùy có sách Thiết Vận; đời Ðường có sách Ðường vận, Quảng Vận; đời Tống theo những bộ sách đời trước, soạn ra bộ Lễ Bộ Vận Lược, được triều đình dùng làm chữ an tắc cho thi vận trong việc khảo thí. Các đời sau cũng theo gương đời Tống, soạn ra những sách Quan vận mới. Nhà Nguyên có sách Trung Nguyên Âm Vận; nhà Thanh có sách Bội Văn Vận Phủ; Trung Hoa dân quốc có Trung Hoa Tân Vận ...Sách Trung Hoa Tân Vận chưa được đem ra áp dụng . Ðược thông dụng nhất là Bội Văn Vận Phủ.
Nước Việt Nam chưa có sách Quan vận. Các cụ ngày xưa đều dùng sách Tàu khi làm thơ chữ Nôm cũng như khi làm thơ chữ Hán.
Thầy  Dương Quảng Hàm có viết trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu:

"Thơ nôm ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng đơn âm và cũng chia làm tiếng bằng tiếng trắc). nên thi pháp của ta tức là thi pháp của Tàu và các niêm luật của thơ ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả . Trong lối thơ Đường luật, có năm điều này phải xét 1) Vần; 2) Đối ngẫu; 3) Thanh; 4) Niêm; 5) Cách Bố cục "

Mãi đến thập niên 40 của thế kỷ 20 trở lại đây, vấn đề Thi Bệnh được các nhà Thơ Việt Nam đem ra bàn tán và mổ sẻ sôi nổi. Trong đó đáng chú ý nhất là quan điểm của Nhà thơ Quách Tấn.
 

Vậy Thi Bệnh là gì?
 

Theo cách nghĩ của các thi nhân từ xưa, Thi Bệnh là những khuyết điểm khi xướng lên sẽ làm bài thơ mất hay.
Người đầu tiên đề xướng là Thẩm Ước ( 441-513 ) sống vào thời Nam Bắc Triều (420-589), trước đời Nhà Tuỳ bên Tàu.  Ông đã đề xướng thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh áp dụng cho các thể thơ Cổ Thể (những thể thơ có trước Thơ Đường  Luật ).


Tứ Thanh Bát Bệnh có nghĩa là những lỗi về âm thanh, khi đọc hay ngâm nga bài thơ nghe không hay hoặc chói tai. Mỗi Thanh có hai Bệnh :

1. Bình Đầu - Thượng Vỹ
2. Phong Yêu - Hạc Tất
3. Chánh Nữu - Bàng Nữu
4. Đại Vận - Tiểu Vận

Sau khi Thẩm Ước đề xướng thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh, Thi sĩ hưởng ứng rất sôi nổi. Các Thi Nhân thời Sơ Đường dựa vào thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh này bổ sung và dần hoàn chỉnh Luật Bằng Trắc, Luật Niêm trong Đường Luật Thi. Các thế hệ thi nhân đã hoàn chỉnh và ngày nay chúng ta đang sử dụng.


Ở Việt Nam từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 trở về trước, các nhà thơ không quan tâm đến thi bệnh. Chỉ mãi đến thập niên 30-40 trở lại đây, thi bệnh được quan tâm rất kỹ. Hiện nay, đối với Thi Bệnh trong Thơ Đường Luật, mỗi người mỗi ý, có người cho là có 8 bệnh , có người 14 bệnh, cũng có người 17 bệnh, lại có người đề ra 34 bệnh...
Nhưng tất cả các bệnh mà các nhà Thơ Việt đưa thêm vào cũng chỉ là đào sâu vào Thanh (luật Bằng Trắc), Niêm và Vận, vì cả 3 quy tắc này trong Đường Luật đều liên quan đến Thanh âm.
Nhìn chung, những bệnh trong Thơ Đường Luật được đề cập nhiều chỉ
là 8 bệnh như của Thẩm Ước mà thôi.
 

8 Bệnh trong Thơ Đường Luật
 

1 - Bình Đầu : có nghĩa là bằng nhau ở đầu câu, 3 chữ đầu câu của 4 câu liên tiếp cùng tự loại như danh từ, động từ...
2 - Thượng Vỹ : Đuôi cao lên, 3 chữ cuối hoặc 3 chữ thứ 5 của 4 câu liên tiếp cùng tự loại
3 - Phong Yêu : eo con Ong, chữ thứ 2 và chữ thứ 7 trong cùng một câu cùng thanh(dấu)
4 - Hạc Tất : đầu gối chim Hạc, chữ thứ 4 và 7 trong cùng một câu cùng thanh (dấu)
5 - Chánh Nữu : phạm lỗi này khi trong 1 câu có 3 chữ
có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau. Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
6 - Bàng Nữu: trong 4 câu liên tiếp có từ 4 chữ 
có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau  .Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
7 - Đại Vận : Chữ thứ 4 và 7 trong cùng một câu trùng vần với nhau
8 - Tiểu Vận
: Chữ thứ 2 và 7 trong cùng một câu trùng vần với nhau.

 

Thí dụ : Qua Đèo Ngang là một bài thơ rất nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan,dựa vào 8 Bệnh của  Thơ Đường Luật, chúng ta thử xem bài thơ này có bao nhiêu Bệnh:
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
- Bệnh Bình Đầu : Chữ đầu câu của 4 câu cuối có 3 chữ Nhớ-Thương-Dừng cùng tự loại là Động từ

- Bệnh Thượng Vỹ
: Chữ cuối 4 câu trên có 3 chữ Hoa-Chú-Nhà cùng là danh từ

- Bệnh Phong Yêu
: ở câu 2 có chữ CâyHoa cùng dấu thanh. Câu 5 có chữ NướcQuốc cùng dấu thanh

- Bệnh Hạc Tất
: Câu 3 có chữ thứ 4 và chữ thứ 7 cùng dấu thanh. Câu 8 cũng thế.

- Bệnh Chánh Nữu :
Câu cuối có 3 chữ cùng phụ âm t

- Bệnh Bàng Nữu
: ở 4 câu cuối bị bệnh này,  5 chữ mang cùng phụ âm đầu là 5 chữ t và 4 chữ m, 5 chữ n

- Bệnh Đại Vận
: câu thứ 2 có chữ thứ 4 là đá chữ thứ 7 là hoa trùng vần

- Bệnh Tiểu Vận
:  Câu thứ 6 có chữ thứ 2 là nhà và chữ thứ 7 là gia trùng vần.



Giờ chúng ta thử đến với bài "Đón Tết" của cụ Tú "Có chăng chừa rượu với chừa chè"

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi đành tết khác,
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.

- Bệnh Bình Đầu : 4 câu đầu, 4 câu giữa và 4 câu cuối đều mắc phải lỗi vì có danh từ ở đầu câu.

- Bệnh Thượng Vỹ : 4 câu đầu có 3 chữ cuối là động từ : tiêu, quẩy, kiêu.

- Bệnh Phong Yêu : bị lỗi ở câu thứ 4: sen, kiêu  và thứ câu 7: thế, khác

- Bệnh Hạc Tất :lỗi ở câu 2: kho, tiêu.

- Bệnh Chánh Nữu : Câu 7 có  3 phụ âm trở lên  th :
Thôi, thế, thì, thôi

- Bệnh Bàng Nữu : 4 câu cuối cùng phụ âm t : toan, tết, tết, tôi.

Với bài này Cụ Tú Xương nhà ta bị mắc phải 6/8 bịnh.

Chúng ta cùng tiếp tục với thơ của Quách Tấn trong bài " Đêm Tình"
 

Giấc thắm tình duyên non gối nước,
Mán sương để lọt ánh sao băng.
Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió;
Tóc liễu dừng thơ đón tóc trăng.
Muôn điệu tơ lòng run sẽ sẽ,
Nửa vời sóng nhạc giợn lâng lâng.
Phòng hương thương kẻ ngồi nương triện
Tình gởi mây xa lệ ngập ngừng.


- Bệnh Bình Đầu
:
Chữ đầu câu của 4 câu đầu có 3 chữ trở lên cùng tự loại là danh từ

- Bệnh Thượng Vỹ
: chữ cuối câu của 4 câu
đầu có 3 chữ trở lên cùng tự loại là danh từ. 3 chữ thứ 5 của 4 câu giữa và  4 câu cuối cùng là động từ.


-Bệnh Phong Yêu : Câu 1 thắm - nước; câu 2 sương - băng
- Bệnh Hạc Tất : Câu 4 thơ - trăng
- Bệnh Chánh Nữu : Câu 4 có cùng 3 phụ âm h : hồn - hoa - hồn
- Bệnh Bàng Nữu : 4 câu cuối có cùng phụ âm l : lòng - lâng - lâng - lệ.     
Như thế, "Đêm Tình" cũng bị 6/8 Bệnh 
Qua mổ xẻ để định bịnh. Một bài thơ hay nổi tiếng Qua Đèo Ngang đã mang trên mình 8/8 bịnh. Bài Thơ của Trần Tế Xương thì bị 6/8 bệnh. Quách Tấn một trong những người đề xướng "Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật" cũng vướng 6/8 Bệnh.
 
Đó là chúng ta mới định bịnh thôi, chưa nói đến trên dưới 10 lỗi trong thơ Đường Luật nữa mà các nhà thơ, nhà nghiên cứu hay học giả của thế hệ chúng ta vạch ra để người làm thơ Đường Luật  phải tránh.


Hết Phần 1

Huỳnh Hữu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét