Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

J'entendsSiffler Le Train - Tiếng Còi Tàu


J'ai pensé qu'il valait mieux  
Nous quitter sans un adieu 
Je n'aurais pas eu le coeur de te revoir 
Mais j'entends siffler le train 
Que c'est triste un train qui siffle dans le soir 
Je pouvais t'imaginer, toute seule abandonnée 
Sur le quai, dans la cohue des au revoir 
Et j'entends siffler le train et j'entends siffler le train 
Que c'est triste un train qui siffle dans le soir 
J'ai failli courir vers toi,  
J'ai failli crier vers toi 
C'est à peine si j'ai pu me retenir 
Que c'est loin où tu t'en vas 
Auras-tu jamais le temps de revenir ? 
J'ai pensé qu'il valait mieux  
Nous quitter sans un adieu 
Mais je sens que maintenant tout est fini 
Et j'entends siffler le train et j'entends siffler le train 
J'entendrai siffler ce train toute ma vie 
J'entendrai siffler ce train toute ma vie 
                              Plante, Jacques

     
Các Bài Dịch
  Tiếng Còi Tàu
Anh nghĩ rằng lúc này
Là lúc mình chia tay
Không nói lời từ biệt
Dẫu lòng  buồn da diết
Tiếng còi tàu hú vang
Giữa bóng đêm bàng hoàng

Anh nghĩ em đơn côi
Giữa sân ga đông người
Bao bàn tay đang vẫy
Tiễn đôi ngã xa xôi
Tiếng còi tàu vẫn hú
Trong bóng đêm lẻ loi

Anh như chạy về em
Tim gào thét  gọi tên
Khổ đau lòng kìm nén
Tiễn em về quá xa
Và em không trở lại ?
Bóng đêm lệ sương nhòa

Anh nghĩ rằng bây giờ
Chia tay không tạ từ
Và thế là chấm hết
Tiếng còi tàu ngu ngơ
Vang suốt đời buồn bã
Hú tàn một giấc mơ
                      Trầm Vân 

CHIA TAY TRÊN SÂN GA LẺ
Em ơi, giây phút này đây
Biết rằng khoảnh khắc chia tay đã gần
Ôm vai lần cuối trong sân
Lệ rưng khoé mắt, ngại ngần lời yêu
Còi tàu khuấy cõi tịch liêu
Sân ga vắng vẻ đìu hiu bóng chiều
Lặng buồn anh đứng trông theo
Đoàn tàu dần khuất chân đèo phía xa
Sương giăng thấm đẫm, nhạt nhoà
Thẫn thờ quay gót , lòng da diết buồn
Giờ thì chỉ có cô đơn
Theo chân anh suốt quãng đường vợi xa...
                       *****
Em nhìn trở lại sân ga
Bóng anh mờ khuất nhạt nhoà trong mưa
Lời yêu chưa thốt bao giờ
Dù tình đã chín, mong chờ đã lâu
Giá như anh nói một câu
Giữ em ở lại thì đâu lệ nhoà
Lòng em sẽ nở muôn hoa
Đêm nay ta nhắp chung trà hợp duyên
Vậy mà...anh đã lặng yên
Dường như có nỗi niềm riêng khó bày
Tủi hờn, mắt lệ nồng cay
Sao ta không được một ngày bên nhau ?!                 
                     ******                       
Hai người , hai nỗi đớn đau
Mà cùng yên lặng, ôm sầu trong tim
Tàu đi một lúc xa thêm
Lòng càng cảm nhận nỗi niềm biệt ly...
                                     Phương Hà
                                ( Tháng 9/2014 )

           Tiếng Còi Tàu 

Anh vẫn nghĩ mình xa nhau tốt nhất
Không một lời ly biệt tránh buồn thêm
Lòng dạ nào can đảm thấy lại em
Ôi não nuột ! tiếng tàu đêm vẳng lại

Anh mường tượng , em đơn côi tê tái
Trên sân ga người nhốn nháo giã từ
Tiếng còi tàu vương víu mãi tâm tư
Ôi buồn thảm ! âm u trong đêm tối

Anh hổn hển chạy theo em mệt đuối
Anh thét gào mòn mỏi để em nghe
Cũng vừa khi anh đứng lại sắt se
Nơi em tới , e xa xôi vời vợi

Quay trở lại ? có khi nào em hỡi !
Thôi xa nhau đừng nói đến biệt ly
Anh hiểu rồi , tất cả chẳng còn gì
Tiếng tàu rú , hồn anh như tê dại

Còi văng vẳng , người đi không trở lại
Tiếng còi nầy vọng mãi suốt đời anh !
                vọng mãi suốt đời anh …!
                                             suốt đời anh … 

                                                            đời anh ! đời anh ! ... 
                          Mailoc phỏng dịch
                               Cali 9-19-14

Xướng Hoạ :Nàng Thơ Và Thi Nhân

Bài Xướng
       Nàng Thơ Và Thi Nhân   

Thơ là người đẹp chốn Đào nguyên
Tìm khách tài hoa kết bạn hiền.
Lục Bát bắc cầu xây nguyện ước
Đường Thi giao nhịp nối tơ duyên.
Viết câu chờ đợi trao tâm sự
Gieo vận nhớ thương gởi nỗi niềm.
Nàng với thi nhân cùng sánh bước
Như hoa kề lá, bút kề nghiên.

                                       Kính bút
                                     Quang Tuấn

Các Bài Hoạ

       Thơ Và Nhà Giáo
               ( Hoạ  Nàng Thơ và Thi nhân
                                 của Quang Tuấn )
Thơ là thiếu nữ đẹp trinh nguyên
Thanh thoát, đoan trang nét dịu hiền
Đem đến cuộc đời nguồn cảm hứng
Gằn liền đôi lứa mối lương duyên
Bạn bè xướng hoạ vui từng chữ
Hạnh phúc trao nhau vẹn một niềm
Ví chẳng trải lòng trên giấy mực,
Giáo già hẳn nhớ bút và nghiên !
                                  Phương Hà 

             Thơ Là ... 
Thơ tựa hoa ngàn chốn thảo nguyên 
Nửa như hoang dại nửa ngoan hiền 
Là mây là gió gieo cơn bão 
Là nước là trăng kết mối duyên 
Như nhớ như mong tình rẽ lối 
Như mơ như tưởng mộng chung niềm 
Nàng thơ giọt máu tim thi sĩ 
Là cả thiên đường khách mặc nghiên 
                                         Quên Đi 

      Nàng Thơ Và Thi Nhân
                (Họa y đề thơ Quang Tuấn) 
Ở giữa đồng bằng hay thảo nguyên 
Nàng thơ vẫn đẹp nét ngoan hiền 
Đan tình lôi cuốn ngày ươm mộng 
Dệt tứ đợi chờ đêm gửi duyên 
Chọn chữ gieo đề khơi nặng nỗi 
Hòa vần xướng họa gợi chung niềm 
Thi nhân ray rứt dòng thời cuộc 
Như mối tơ lòng bút nhớ nghiên 
                      Nguyễn Đắc Thắng 
                              20140918


Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Vui Cười 26

Ai Lười Hơn
Trong buổi lao động, học sinh tham gia chuyển gạch để xây tường. Thấy Ân một chuyến chỉ mang một viên gạch, trong khi mọi bạn khác đều mang hai viên, một bạn liền hỏi:
- Ân lười quá, mang được mỗi một viên gạch.
Ân liền cãi:
- Có bạn lười thì có.
Mọi người cười ồ. Ân nói tiếp:
- Các bạn sợ phải đi hai chuyến nên mới mang hai viên một lần chứ còn gì nữa.

Đi Và Về
Một ông lão từng là cua-rơ chạy đua khoe với các cua-rơ cháu chắt về thời vàng son oanh liệt của mình:
- Ta còn nhớ hồi còn trẻ, ta đã chạy bộ 50 cây số để cho cái thằng cướp người tình ta một cái bợp tai.
- Thế sau đó, ông cũng lại chạy bộ về à?
- Không! Ta về bằng... xe cứu thương

Bao Quát Cả Sân

Sau mấy trận thua liên tiếp, trong một buổi họp, huấn luyện viên sau khi phê bình các cầu thủ kết luận:
- Cả cái sân rộng lớn như vậy các anh đều bao quát hết được. Thậm chí chỗ nào đặt máy quay của truyền hình, máy chụp ảnh của nhà báo, các anh đều biết để tạo dáng lên tivi cho đẹp mặt. Vậy mà chỉ có mỗi cầu môn đối phương nằm ở đâu mà không ai trong các anh xác định được chính xác là thế nào?

Thành Công
Đội bơi lội tỉnh nọ vừa đi thi đấu về, huấn luyện viên long trọng phát biểu:
- Tuy chúng tôi không đạt một thắng lợi nào, nhưng thay vào đó không ai bị chết đuối và điều đó đã là thành công lắm rồi!

 Chưa Biết
Hai vận động viên leo núi đang vượt qua một cái vực thì một người bị trượt chân rơi xuống. Người kia ngoái lại hỏi:
- Anh có làm sao kh...ô...ô...ng?
- Chưa b...i...ế...t...!, - ở dưới trả lời - vẫn đang r...ơ...i...i...

Kịch Bản Bóng Đá
Bố là dân điện ảnh đưa con trai nhỏ đi xem bóng đá. Người cha vui vẻ giảng giải cho con:
- Trong bóng đá, con có thể coi khán giả là người xem phim, huấn luyện viên là đạo diễn, còn các cầu thủ là diễn viên.
- Thế ai là người viết kịch bản hả bố?
- Ừm... là giới cá cược con ạ!

 Theo http://www.truyencuoi.vn


Lặng lẽ

Trong câm lặng nghe tiếng lòng thổn thức
Ánh mắt chờ người tận chốn xa xôi
Tháng năm đi nhưng hình bóng không rời
Càng in đậm dẫu tuổi đời chồng chất
Em hẳn biết tình yêu không giới hạn
Dù không gian rào ngăn cách chúng ta
Nhưng đôi lòng hoà quyện chẳng rời xa
Hai trái tim vẫn cùng chung nhịp đập
Anh giữ đó làm nguồn vui vĩnh viễn
Vì biết rằng khó đến được với nhau
Đành lặng lẽ với tình yêu mộng ảo.
                                     Quên Đi


Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Nồi Cơm Nhan Hồi

Do không còn nhớ Xuất Xứ câu chuyện "Nồi Cơm của Khổng Tử", Vì thế tôi tìm trên Internet. Cuối cùng cũng không tìm ra.
Nên tôi trích bài viết này từ  http://tuviungdung.blogspot.com/2010/04/nhan-hoi-yeu-tu.html
                                                                                               Huỳnh Hữu Đức

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử. Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng. May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm. Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi - một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất - phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ … Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng:
“Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước … Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy… cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”  

MỘT DỊ BẢN KHÁC. 
 Khổng Tử bị vây khốn ở giữa nước Trần và nước Thái, rơi vào tình cảnh khốn cùng. Các học trò cùng theo ông chu du liệt quốc đã 7 ngày không có gì vào bụng. Tử Cống nhân lúc người gác sơ hở, liền trốn ra ngoài, lấy số tiền mang theo, khẩn cầu người nông dân, mua được một ít gạo. Nhan Hồi và Trọng Do đốt lửa nấu cơm ở trong một căn phòng xây bằng đất.
Có một hòn đất nhỏ rơi vào nồi cơm, Nhan Hồi liền lấy chỗ cơm bẩn ra ăn. Tử Cống ở ngoài giếng nhìn thấy, cho rằng Nhan Hồi đang ăn vụng, nên rất không hài lòng, bèn đi vào nhà, hỏi Khổng Tử rằng:
"Thưa thầy, một người vừa nhân đức, vừa trong sạch, trong hoàn cảnh khốn cùng thì có phải cũng cần hành sự theo lễ, có thể vì tư lợi của mình mà thay đổi tiết tháo không?"
Khổng Tử đáp rằng:
"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng phải theo lễ mà hành sự, nếu như tùy ý thay đổi tiết tháo, thì không xứng đáng được gọi là bậc quân tử nhân đức nữa."
Tử Cống tiếp lời: "Người như Nhan Hồi có lẽ không bao giờ thay đổi tiết tháo đâu, thầy nhỉ?"
Khổng Tử đáp: "Đúng thế."
Tử Cống liền đem câu chuyện Nhan Hồi đang nấu cơm thì ăn vụng ra kể với Khổng Tử. Khổng Tử nói rằng: "Lâu nay, ta vẫn tin rằng Nhan Hồi là người trọng nhân đức, trọng lễ nghĩa, cho dù có chuyện như con nói, ta cũng khó vì đó mà nghi ngờ anh ta, chuyện này chắc có duyên cớ gì đây. Con hãy khoan nói gì, để ta hỏi anh ta xem."
Gọi Nhan Hồi lại, Khổng Tử nói rằng: "Mấy hôm trước, ta nằm mơ thấy các bậc tổ tiên đã khuất, có lẽ tổ tiên có điều gì muốn nhắc nhở hay phù hộ ta chăng? Con nấu cơm xong thì bưng lên đây, ta muốn dùng làm lễ cúng tổ tiên."
Nhan Hồi liền đáp: "Thưa thầy, khi nãy có một cục đất rơi vào nồi cơm, nếu không lấy ra thì e cơm sẽ bẩn mất, con định lấy chỗ cơm bẩn vứt đi, nhưng lại thấy tiếc; thế là con hớt chỗ cơm bẩn ở trên ăn mất rồi. Bây giờ cơm không thể dùng để cúng được nữa."
Khổng Tử đáp: "Nếu phải là ta thì ta cũng ăn chỗ cơm đó rồi."
Sau khi Nhan Hồi lui ra, Khổng Tử nói với các học trò rằng: "Không phải đến hôm nay ta mới tin là Nhan Hồi rất giữ lễ."
Các học trò từ đó càng tin phục Nhan Hồi hơn.

o O o

Thơ Tranh Tàn Thu


Thơ Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức


Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Tuệ Tĩnh Thiền Sư


Nếu những kết quả nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học Việt Nam sau này không đưa thêm bằng chứng gì mới thì truyền thuyết địa phương và những công trình nghiên cứu chuyên môn khác cho phép khẳng định Tuệ Tĩnh là một nhân vật đời Trần. Ông chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (tỉnh Hải Dương ngày nay).
Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.
Năm 55 tuổi (1385), Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, mất ở bên ấy, không rõ năm nào. Bia văn chỉ làng Nghĩa Phú (do Nguyễn Danh Nho soạn năm 1697) cùng các tư liệu khác ở địa phương đều ghi như vậy.
Những năm ở trong nước, Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa tư giác y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Đường luật (nôm), và bài Phú thuốc Nam 630 vị cũng dùng quốc ngữ. Thơ văn Nôm đời Trần rất hiếm, nếu quả thực đó là tác phẩm của ông thì Tuệ Tĩnh không những có vị trí trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học nữa.
Từ bao đời nay, giới y học Việt Nam và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Câu nói của ông: "Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt" biểu hiện sự nhận thức sâu sắc về quan hệ giữa con người và sinh cảnh, đồng thời cũng tiêu biểu cho ý thức độc lập tự chủ. Ngay trong việc nghiên cứu dược liệu, ông cũng không chịu phụ thuộc vào cách sắp xếp của những sách nước ngoài. Chẳng hạn, ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên. Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông,v.v.
Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ:
 
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần.
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.


Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc.
Nhiều thế kỷ qua, Tuệ Tĩnh được tôn là vị thánh thuốc Việt Nam. Tại Hải Dương, còn đền thờ ông ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cầm Giàng, có tượng Tuệ Tĩnh. Câu đối thờ ông ở đền Bia viết, dịch nghĩa như sau:
Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh
Sống nhờ của Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm Giang.


Giáo sư Vũ Ngọc Khánh - Đỗ Thị Hảo
http://maxreading.com/sach-hay/danh-nhan-dat-viet/tue-tinh-291.html


Tiên Du Tự - Nguyễn Trãi

    仙遊寺                Tiên Du tự
         阮廌                  Nguyễn Trãi
短棹繫斜陽,Đoản trạo hệ tà dương
匆匆謁上方。Thông thông yết thượng phương.
雲歸禪榻冷,Vân quy Thiền sáp lãnh,
花落澗流香。Hoa lạc giản lưu hương.
日暮猿聲急,Nhật mộ viên thanh cấp
山空竹影長。Sơn không trúc ảnh trường
箇中真有意,Cá trung chân hữu ý,
欲語忽還忘。Dục ngữ hốt hoàn vương (vong)

Dịch nghĩa:
     
Chùa Tiên Du
Mái chèo ngắn buộc trong bóng xế 
Vội vàng lên chùa lễ Phật 
Mây kéo về làm lạnh giường Thiền 
Hoa rụng xuống khiến dòng suối thơm. 
Chiều hôm tiếng vượn kêu rộn 
Núi trống và bóng trúc dài ra 
Trong cảnh ấy thật có ý 
Ta muốn nói ra bỗng lại quên lời. 

(1) Còn có tên là chùa Vạn Phúc, chùa Phật Tích; nay thuộc tỉnh Bắc Ninh


Các Bài Dịch:

                  Chùa  Tiên Du 

       Buộc con thuyền trời đà bóng xế , 
      Bước vội vàng lên lễ Phật đường . 
       Giường sư lạnh lẽo mây vương , 
Hoa trôi trên suối đưa hương khắp vùng . 
    Chiều dần tối vượn rừng lanh lảnh , 
   Bóng trúc dài quang tạnh núi trong . 
       Dường như cảnh cũng ý lòng , 
  Lời đâu quên mất nên không tỏ bày . 
                                      Mailoc

       Chùa  Tiên Du 

Buộc mái chèo trong bóng xế tà 
Lên chùa vội vã một mình ta 
Giường Thiền mây phủ màn vương lạnh 
Suối mát hoa rơi hương thoảng xa 
Vượn hót rộn vang chiều tối muộn 
Núi in dài trải bóng tre già 
Cành tình ẩn chứa muôn ngàn ý 
Muốn nói mà sao khó thốt ra 
            Phương Hà phỏng dịch 

         Chùa  Tiên Du  
Bóng chiều buộc chiếc thuyền con 
Vội lên lễ Phật thả buông muộn phiền 
Mây về kéo lạnh giường thiền 
Suối trôi hoa rụng hương mềm cánh trôi 
Vượn kêu trời đã tối rồi 
Núi xanh bóng trúc dài khơi nỗi niềm 
Cảnh dường muốn tỏ niềm riêng 
Lòng ta muốn nói lại quên mất lời 
                                Trầm Vân 

       Chùa Tiên Du 
Thuyền ghé bóng chiều sang
Lên chùa bước vội vàng
Mây về giường ngấm lạnh
Hoa rụng suối thơm tràn
Tiếng vượn vang chiều vắng
Bóng tre dài núi hoang
Cảnh như khêu gợi ý
Muốn nói lời quên ngang 
                     Quên Đi  

                       Chùa Tiên Du 
           Neo thuyền gác mái hoàng hôn 
   Vội vàng viếng cảnh chân dồn bước nhanh 
            Vườn thiền mây ám lạnh tanh 
Thoảng hương hoa rụng uốn quanh suối nguồn 
           Chiều hôm tiếng vượn hú luôn 
   Núi hoang bóng trúc ngả buông thêm dài 
            Tình trong cảm ý cảnh ngoài 
    Muôn điều muốn ngỏ đã ngay quên lời   
                                        Kim Phượng