Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Tìm Hiểu Về Ki Tô Giáo


Các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham (*) xuất phát từ truyền thống Do Thái cổ xưa. Sự khởi nguồn từ Abraham, được miêu tả trong các kinh Torah, Thánh Kinh và kinh Our an , các tôn giáo Độc Thần này bao gồm:Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Ki Tô Giáo, chiếm gần nửa số người có đạo trên thế giới

Từ "Kitô" xuất phát từ chữ Khristos trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là "Đấng được xức dầu", dịch từ chữ Messiah trong tiếng Hebrew. Từ "Kitô hữu" (Christian) có nghĩa là "người có Chúa Kitô hiện hữu (ở trong)", hay "người thuộc về Chúa Kitô".

Trong Tiếng Việt , bên cạnh "Kitô" (như Kitô giáo) có gốc từ tiếng Hy Lạp như trên, và thường được sử dụng bởi tín đồ Công giáo, còn có "Cơ Đốc" có nguồn gốc từ chữ Nho và thường được những người theo đạo Tin Lành sử dụng. Trong khi người Công giáo dùng chữ "Kitô" để chỉ Giêsu, người Tin Lành thường dùng chữ "Christ". Ngoài ra, Thiên Chúa giáo cũng thường được sử dụng bởi những người ngoài Kitô giáo để chỉ Công giáo nói riêng và Kitô giáo nói chung.
Trong Tiếng Việt , thuật ngữ Thiên Chúa giáo thường được dùng để chỉ Công Giáo Rôma  nói riêng, và Ki tô giáo nói chung. Cách sử dụng giới hạn này, do yếu tố lịch sử, bắt nguồn từ việc Công giáo Rôma là giáo hội thuộc Ki tô được truyền bá vào Việt Nam sớm nhất.

Đức Chúa Giê-su sáng lập Kitô giáo vào khoảng năm 26 ở Do Thái. Đức Chúa Giê-su giáng sinh vào năm 1 Công Nguyên, tại làng Bethlehem xứ Judea. Trú quán của Giê-su là làng Nazareth, xứ Galilee. Đức chúa Giê-su khởi hành truyền bá Phúc Âm trong xứ Galilee lúc khoảng 30 tuổi.
Các tôn giáo trên thế giới đều dạy con người phải tự mình làm các điều lành thánh thiện, tu tâm dưỡng tính để tự cứu mình hay để được siêu thoát hoặc thi hành nghiêm túc các giới cấm của đạo để được lên thiên đàng. Ki Tô Giáo khẳng định là mọi người sinh ra đều mắc phải tội tổ tông truyền(do phạm luật Chúa Cha đã truyền dạy " Các ngươi được phép ăn tất cả trái cây trong vườn địa đàng, nhưng không được ăn cây ở giữa khu vườn nếu ăn các ngươi sẽ phải chết ") do nghe lời con rắn xúi dục, tham lam muốn bằng Thiên Chúa nên đã bị phạt làm người phải chịu chết và sinh con đau đớn, nên Chúa Cha đã ban Con Một của mình là Đức Chúa Giê-su xuống thế gian chịu chết trên thập giá để làm giá cứu chuộc.

Theo Kinh thánh, Thiên Chúa là đấng đã sáng tạo ra vũ trụ, muôn loài trong 6 ngày và ngày thứ 7 Ngài nghỉ ngơi. Ông Adam và bà Eva là tổ phụ của loài người, không nghe lời Thiên Chúa đã ăn trái của "cây biết điều thiện điều ác" (trái cấm) nên bị Thiên Chúa đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. Hai người này truyền tội lỗi (gọi là tội tổ tông, nguyên tội) cho con cháu là loài người. Bởi loài người mang tội, Thiên Chúa đã giáng sinh cứu rỗi cho loài người để loài người được về lại thiên đàng cùng Thiên Chúa.
Vậy tâm điểm việc cứu rỗi của Kitô giáo là Chúa Giêsu, do đó trọng tâm của cuộc sống Kitô hữu là niềm xác tín rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa giáng trần, là Đấng Messiah, và là Chúa Kitô

Cuộc đời của Chúa Giê-su được ghi lại trong bốn sách Phúc Âm Tin Mừng theo thánh Mát-Thêu (Mathew), Maco, Lu-ca và Gio-an. Phúc Âm Mát-Thêu cho biết gia phả của Chúa Giê-su thuộc dòng dõi của vua Đa-vít và sanh bởi Đức nữ đồng trinh Ma-ri-a. Hai điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri: "Có một chồi sẽ nứt từ gốc Y-sai, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái" và "Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai và sanh một con trai" (I-sai-a). Phúc Âm Ma-thi-ơ đã trưng dẫn tất cả 16 lần các lời tiên tri nói về Đấng Mê-si ở Cựu Ước được ứng nghiệm trong Đức Chúa Giê-su ở Tân ước để thuyết phục người Do Thái chấp nhận Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si của mình. Phúc Âm Mác bày tỏ Đức Chúa Giê-su là Con của Đức Chúa Trời và là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Phúc Âm Lu-ca bày tỏ Đức Chúa Giê-su là Con của Đấng Rất Cao, Chúa Con sẽ ngồi trên ngôi Đa-vít trị vì đời đời, nước Chúa vô cùng. Phúc Âm Giăng bày tỏ Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời Ngôi Hai trở thành nhục thể để đem sự cứu chuộc đến cho nhân loại.

Kitô hữu tin rằng, là Đấng Messiah, Giêsu được Thiên Chúa xức dầu để tể trị và cứu rỗi nhân loại, Giêsu đến để làm ứng nghiệm lời tiên tri về Đấng Messiah trong Cựu Ước. Trọng tâm của đức tin Kitô giáo là qua sự chết và phục sinh của Giêsu, con người tội lỗi được phục hòa với Thiên Chúa, nhờ đó mà nhận lãnh sự cứu rỗi và lời hứa được hưởng sự sống đời đời.
Trong khi những tranh luận thần học về bản thể của Giêsu vẫn đang tiếp diễn, thì phần lớn Kitô hữu tin rằng Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giêsu "là Thiên Chúa và là con người" trong ý nghĩa trọn vẹn của cả hai bản tính. Vì Chúa Giêsu là người nên phải trải qua những đau khổ và bị cám dỗ như con người bình thường, nhưng không hề phạm tội. Vì là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đánh bại quyền lực sự chết và sống lại từ kẻ chết. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, đặt Chúa Giêsu ngồi bên hữu của Chúa Cha và Ngài sẽ trở lại để làm ứng nghiệm lời tiên tri về Đấng Messiah như sự phục sinh, sự phán xét sau cùng và sự thiết lập Vương quốc của Thiên Chúa.

Kitô giáo được biết đến từ thế kỷ thứ Nhất khi các môn đồ của Chúa Giêsu được gọi là Kitô hữu tại thành Antioch (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), nơi họ đến để lánh nạn và định cư sau những cuộc bức hại đầu tiên tại xứ Judea. Nền thần học của Kitô giáo sơ khai được thành lập và truyền bá bởi ứ đồ Phao Lồ và các sứ đồ khác.
Theo Tân Ước, Chúa Giêsu tự xưng mình là Đấng Messiah mà dân Do Thái vẫn hằng mong đợi, nhưng đã bị nhóm lãnh đạo Tôn giáo và Dân sự cũng như dân chúng chối từ và bị xem như là chống lại Đền thờ và luật lệ thời đó. Ngài cũng bị buộc tội phạm thượng do dám gọi Thiên Chúa là Cha và bị kết án tử hình bởi chính quyền La Mã vào năm 30. Tuy nhiên Giêsu được Pontius Pilate, tổng đốc người La Mã, gọi là "Vua của dân Do Thái".

Vào thiên niên kỷ thứ hai, Kitô giáo phát triển đến hầu hết thế giới phương Tây, Trung Đông, các vùng Châu Phi và bắt đầu tiếp cận vùng Viễn Đông. Dù vẫn nảy sinh một số bất đồng về thần học và đều được giải quyết tại các công đồng, Kitô giáo đã duy trì được sự đồng thuận về các giáo lý nền tảng trong suốt thời kỳ này. Tuy nhiên, trong thiên niên kỷ sau, các bất đồng về thần học và sống đạo ngày càng trở nên trầm trọng. Cuộc Đại Ly Giáo năm 1054 chia cắt Hội thánh thành giáo hội phương Tâygiáo hội phương Đông. Trong khi giáo hội phương Tây dần dần được củng cố với quyền lực tập trung vào La Mã thì giáo hội phương Đông với danh xưng "Chính thống" cam kết bảo tồn các truyền thống và đề kháng với mọi thay đổi. Cho đến nay giáo hội phương Đông vẫn duy trì lập trường không đặt giáo hội dưới quyền cai trị của một giám mục duy nhất. Giáo hội phương Đông công nhận Thượng phụ thành Constantinople là "người đứng đầu nhưng bình đẳng" với các giám mục khác đang cai quản các giáo hội tự trị trong gia đình Chính Thống giáo
(Kitô giáo Đông phương bao gồm các truyền thống Ki Tô Giáo phát triển ở Hy Lạp, Đông Âu và Vùng Cận Đông. Kitô giáo Đông phương có nhiều khác biệt với Ki Tô Giáo Phương Tây về văn hoá, chính trị cũng như thần học).

Nền thần học được xác lập vững chắc từ ban đầu và được chấp nhận rộng rãi giữa ba nhánh chính của Kitô giáo : Công giáo, Chính Thống Giáo, và Kháng Cách- khẳng định những xác tín căn bản của Kitô giáo bao gồm:
  • Thiên Chúa là Ba Ngôi, Thực Thể vĩnh cửu duy nhất hiện hữu trong ba thân vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Khánh Linh. 
  • Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người, cả hai bản thể đều trọn vẹn trong Ngài...
...

Kitô giáo là tôn giáo có đông tín hữu nhất, với những con số ước tính từ 1,5 tỉ đến 2,1 tỉ người xưng nhận niềm tin Kitô giáo; theo sau là Hồi Giáo với 1,3 tỉ; số người theo Phật Giáo là 1,2 tỉ người và số người vô thần là 1,1 tỉ (?); Ấn Độ Giáo là 900 triệu; tôn giáo cổ truyền Trung Hoa là 394 triệu.
Kitô giáo chia ra nhiều nhánh, bao gồm 1,1 tỉ người Công Giáo, 510 triệu người Tin Lành  cùng với 84 triệu tín hữu Anh Giáo, 216 triệu người Chính Thống Giáo , con số các tín hữu độc lập (không gia nhập giáo phái nào) là 158 triệu và những giáo hội "ngoại vi" ( Chứng nhân Jehova, Cơ Đốc Phục Lâm, Mormon...) có khoảng 31,7 triệu tín hữu. Các giáo phái này tự nhận mình thuộc Kitô giáo nhưng họ không được công nhận bởi cộng đồng Kitô giáo vì cớ các học thuyết không chính thống của họ.
Tuy Kitô giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới và đang duy trì bộ máy truyền giáo khổng lồ, lại không đạt được mức tăng trưởng như các tôn giáo khác cũng như không theo kịp tốc độ gia tăng dân số thế giới. Trong khi dân số toàn cầu tăng 1,25% mỗi năm thì mức tăng trưởng của Kitô giáo chỉ khoảng 1,12%.
x X x
--------------
(*) Abraham theo Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Ki Tô Giáo, là tổ phụ của dân Do Thái và dân Ả Rập. Tên ban đầu của ông là Abram  nghĩa là "cha cao quí" hoặc "người cha được tôn kính". Về sau ông được Chúa đổi tên thành Abraham, nghĩa là "cha của nhiều dân tộc". Do vị trí đặc biệt của Abraham trong lịch sử, niềm tin và sách thánh của Do Thái giáo, Hồi giáo và Ki Tô Giáo mà ba tôn giáo này thường được gọi chung là " các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham".

Huỳnh Hữu Đức Tổng Hợp và Biên Soạn từ các nguồn http://vi.wikipedia.org...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét