Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Tìm Hiểu Đạo Giáo Qua Đạo Đức Kinh của Lão Tử


Đạo giáo thường được gọi là Lão Giáo là một trong Tam Giáo tồn tại từ thời Trung Hoa cổ đại, song song với Nho Giáo  và Phật Giáo. Ba truyền thống tư tưởng nội sinh (Nho-Lão) và ngoại nhập (Phật) này đã ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng văn hoá dân tộc Trung Hoa.
Người ta không biết rõ Đạo giáo khởi phát lúc nào, chỉ thấy được là tôn giáo này hình thành qua một quá trình dài, thâu nhập nhiều trào lưu thượng cổ khác. Đạo giáo thâu nhập nhiều tư tưởng đã phổ biến từ thời nhà Chu (1040-256 trước CN). Thuộc về những tư tưởng này là vũ trụ luận về thiên địa, ngũ hành, thuyết về năng lượng (chân khí), thuyết âm dương và kinh dịch.
 
Tại sao gọi là Đạo giáo, 


Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được là đã thật có một triết gia tên Lão Tử hay không. Các Đạo gia cho rằng, chính ông là tác giả của bộ Đạo Đức Kinh. Tiểu sử của ông bị huyền thoại vây phủ và vì vậy gây nhiều tranh luận trong giới học thuật. Tương truyền ông sống thời Chiến Quốc, thế kỉ thứ 6 trước CN, một thời kì được đánh dấu bằng chiến tranh và loạn ly. Nhưng thời này cũng được xem là thời vàng son của triết học Trung Quốc vì nhiều nhà tư tưởng đã tìm cách giải hoá vấn đề làm sao để an dân lập quốc. Do đó mà người sau cũng gọi thời kỳ này là thời của Bách Gia Chư Tử "hàng trăm trường phái". Đạo Đức Kinh hàm dung những tư tưởng này, hướng đến những nhà cầm quyền và cách tạo hoà bình.
Đạo Đức Kinh (道德經) là quyển sách do triết gia Lão Tử viết ra vào khoảng năm 600 trước Công nguyên. Theo truyền thuyết thì Lão Tử vì chán chường thế sự nên cưỡi trâu xanh đi ở ẩn. Ông Doãn Hỷ đang làm quan giữ ải Hàm Cốc níu lại "nếu ngài quyết đi ẩn cư xin vì tôi để lại một bộ sách!", Lão Tử bèn ở lại cửa ải Hàm Cốc viết bộ "Đạo Đức Kinh" dặn Doãn Hỷ cứ tu theo đó thì đắc đạo. Do đó, Đạo Đức Kinh còn được gọi là sách Lão Tử.Đạo Đức Kinh cũng được gọi dưới tên của tác giả, là Lão Tử. Trong dạng được truyền ngày nay thì nó bao gồm hai quyển với tổng cộng 81 chương. Phần thứ nhất nói về Đạo, phần hai nói về Đức. Tuy nhiên, Đạo Đức kinh không là một bộ kinh có một kết cấu lôgic của một cách nhìn tổng thể, mà chỉ là một tập hợp của những ngạn ngữ huyền bí, tối nghĩa, dường như nó muốn người đọc phải tự lý giải một cách chủ quan. Chính vì vậy mà người ta tìm thấy hàng trăm bản chú giải, hàng trăm bản dịch của bộ kinh này.

Có thể từ việc Đạo Đức Kinh do Lão Tử viết nên Đạo Giáo còn gọi là Lão Giáo
Đạo Đức Kinh gồm có 81 chương với khoảng 5000 chữ Hán, chia làm 2 phần: Thượng Kinh và Hạ Kinh.
  • Thượng Kinh gồm 37 chương, bắt đầu bằng câu: "Đạo khả Đạo phi thường Đạo". ( Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo) Thượng Kinh bàn về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh.
  • Hạ Kinh gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu: "Thượng Đức bất Đức thị dĩ hữu Đức".(Đức cao nhất là không Đức như thế mới thực là có Đức) . Hạ Kinh luận về chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh
Lời lẽ trong Đạo Đức Kinh rất khúc chiết, ý nghĩa rất uyên thâm, luận về hai chữ "Đạo Đức", nói về cơ tạo hóa, định vị trời đất, hóa sinh vạn vật, và những phương pháp huyền bí dạy về tu luyện để đắc thành bậc Thiên Tiên.
Đây là quyển kinh căn bản của Tiên giáo do Lão Tử (người đời sao gọi là Thái Thượng Lão Quân) viết ra và người đời sau suy tôn ông là giáo chủ Tiên giáo.
Quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của Lão Tử căn cứ trên hai chữ Đạo và Đức, nên ông theo đó mà lập thành giáo lý. Nhiều người cho rằng giáo huấn của Lão Tử thật kỳ lạ, vì ông khuyên người ta rèn luyện trí tuệ đạt tới mức tưởng như ngu độn, đời sống không nên tranh giành, xử thế nên đơn giản, tính tình nên giản phác.

Khái Niệm Đạo

Tên Đạo giáo xuất phát từ chữ Đạo, một danh từ triết học Trung Hoa đã được dùng rất lâu trước khi bộ Đạo Đức kinh xuất hiện, nhưng chỉ đạt được tầm quan trọng đặc biệt, phổ cập trong văn bản này. Đạo ban đầu có nghĩa là "con đường", những ngay trong tiếng Hán cổ đã có nghĩa "phương tiện", "nguyên lí", "con đường chân chính". Nơi Lão Tử, danh từ này được hiểu như một nguyên lí cơ sở của thế gian, xuyên suốt vạn vật. Theo kinh văn, Đạo là hiện thật tối cao, là sự huyền bí tuyệt đỉnh (chương IV):
道沖,而用之或不盈 。淵兮,似萬物之宗
Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh. Uyên hề, tự vạn vật chi tông.
Đạo trống không, nhưng đổ vào mãi mà không đầy. Đạo sâu thẳm, dường như là tổ tông của vạn vật.
Đạo là đơn vị tối sơ, nguyên lý của vũ trụ và là cái tuyệt đối. Vạn vật xuất phát từ Đạo, nghĩa là cả vũ trụ và như vậy, trật tự vũ trụ cũng từ Đạo mà ra, tương tự như nguyên tắc tự nhiên, nhưng Đạo lại chẳng phải là một nhân vật toàn năng, mà là nguồn gốc và sự dung hoà tất cả những cặp đối đãi và như thế, không thể định nghĩa được. Đạo là Vô danh, như câu đầu của bộ kinh này cho thấy:
道可道,非常道 。名可名,非常名 。
無名天地之始,有名萬物之母 。
Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường Danh.
Vô danh thiên địa chi thuỷ, hữu danh vạn vật chi mẫu.
Đạo mà ta có thể nói đến được, không phải là Đạo thường còn. Danh mà ta có thể gọi được, không phải là Danh thật sự.
Vô danh là gốc của thiên địa, hữu danh là mẹ của vạn vật.
Về mặt triết học thì Đạo có thể được xem là siêu việt mọi khái niệm vì nó là cơ sở của tồn tại, là nguyên nhân siêu việt và như vậy, là tất cả, bao gồm tồn tại và phi tồn tại. Trên cơ sở này thì ta không thể luận đàm, định nghĩa được Đạo vì mỗi định nghĩa đều có bản chất hạn chế. Nhưng Đạo lại là cả hai, là sự siêu việt mọi hạn lượng mà cũng là nguyên lí bên trong trong vũ trụ. Cái Dụng (用) của Đạo tạo ra âm dương, nhị nguyên, những cặp đối đãi và từ sự biến hoá, chuyển động của âm dương mà phát sinh thế giới thiên hình vạn trạng.

Đối với Lão Tử, nguyên thủy của vũ trụ và vạn vật là Đạo.
Đạo là thể vô hình vô tướng, không sinh không diệt, hằng hữu đời đời. Sở dĩ người ta không thấy được Đạo là vì nó là những nguyên tố rời rạc, chưa kết thành hình tượng.
Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật. Một đó là Thái Cực, Hai đó là Âm Dương, Ba đó là Tam Thiên Vị (Ba ngôi: Thái cực, Dương và Âm). Âm và Dương thâu nhận Sanh quang từ ngôi Thái cực, rồi vừa xung đột vừa hòa hiệp, để tạo thành trời đất, vũ trụ và vạn vật. Cho nên theo ông, trong vạn vật đều có Âm Dương: Vạn vật đều có cõng một Âm và bồng một Dương.
Vì vậy theo Đạo giáo, trước khi vũ trụ thành hình, trong khoảng không gian hư vô bao la, có một chất sinh rất huyền diệu, gọi là ĐẠO. Đạo biến hóa ra Âm Dương. Âm Dương xô đẩy và hòa hiệp tạo ra vũ trụ và vạn vật.
Vạn vật được hóa sanh ra, tác động với nhau, phồn thịnh với nhau, rồi cuối cùng tan rã để trở về trạng thái không vật không hình, tức là trở về nguồn gốc của nó là Đạo.

Đạo trong sự trình bày của Lão Tử là một khái niệm trừu tượng chỉ cái tự nhiên, cái có sẵn một cách tự nhiên: "Người ta bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự nhiên". Nó là nguồn gốc của vạn vật.

 Đức là biểu hiện cụ thể của Đạo trong từng sự vật. Đạo sinh ra vạn vật, nhưng làm cho vật nào hình thành ra vật ấy và tồn tại được trong vũ trụ là do Đức. Nếu Đạo là cái Tĩnh vô hình thì Đức là cái Động hữu hình của Đạo. Nếu Đạo là bản chất của vũ trụ thì Đức là sự cấu tạo và tồn tại của vũ trụ

Sự sinh hóa từ Đạo ra Đức, từ Đức trở về Đạo, ở Lão Tử thấm nhuần sâu sắc tinh thần biện chứng âm dương của triết lý nông nghiệp. Được chi phối bởi luật quân bình âm dương, vạn vật tồn tại theo lẽ tự nhiên một cách rất hợp lý, công bằng, chu đáo, và do vậy mà mầu nhiệm. Hợp lý, vì theo Lão Tử, lẽ tự nhiên giống như việc giương cung, cao thì ghìm xuống, thấp thì nâng lên. Cân đối, vì nó luôn bớt chỗ thừa mà bù vào chỗ thiếu. Chu đáo, vì nó như cái lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt. Bởi vậy mà nó mầu nhiệm tới mức không cần tranh mà chiến thẳng, không cần nói mà ứng nghiệm. Mọi sự bất cập hay thái quá (m. quân bình) đều trái với lẽ tự nhiên, và do vậy sẽ tự điều chỉnh theo luật âm dương chuyển hóa: "vật hễ bớt thì nó thêm, thêm thì nó bớt".

Chúng ta có thể hiểu thật đơn giản: Đạo sinh ra vạn vật. Đức là mầm sống, nuôi dưỡng vạn vật
 
Về Thuyết Vô Vi
 Lão Tử suy ra triết lý sống tối ưu là muốn làm việc gì, phải đi từ điểm đối lập, phải vô vi (không làm). Vô vi không có nghĩa là hoàn toàn không làm gì, mà là hòa nhập với tự nhiên, đừng làm gì thái quá. Vì làm thái quá thì theo luật âm dương "vật cực tắc phản", kết quả thu được còn tệ hại hơn là hoàn toàn không làm gì. 
Hiểu một cách đơn giản Vô Vi nghĩa là thuận theo tự nhiên mà làm, không nên can thiệp vào sự tiến hoá tự nhiên của vạn vật, của sự việc.

Triết lý vô vi áp dụng vào đời sống cá nhân là "chỉ vì không tranh nên thiên hạ không ai tranh nổi với mình". Áp dụng vào đời sống xã hội, Lão Tử không tán thành lối cai trị cưỡng chế, áp đặt đương thời, ông nói muốn dân yên ổn thì cai trị một nước phải "giống như kho một nồi cá nhỏ": cá nhỏ nên để yên, không cạo vẩy, không cắt bỏ ruột, khi kho không quấy đảo – cạo, cắt, khuấy đảo chỉ tổ làm cho cá nát.
Công lao của Lão Tử chính là đã học thuyết hóa những tư tưởng triết lý của truyền thống văn hóa nông nghiệp phương Nam: Đạo chẳng phải cái gì khác ngoài sự phạm trù hóa triết lý tôn trọng tự nhiên; còn Đức chính là sự phạm trù hóa luật âm dương biến đổi.
Muốn hòa vào Đạo, Lão Tử nói về Lý Vô Vi. Vô Vi nghĩa là không làm, tức là không can thiệp vào tự nhiên, để con người sống theo tự nhiên và cùng với tự nhiên tiến hóa.

Lý Vô Vi gồm :
  -  Vô cầu, giúp ta vô vọng, xa lìa vọng tưởng điên đảo.
  -  Vô tranh, giúp ta vô đại, xa lìa ý tưởng hơn thua, cao thấp
  -  Vô đoạt, giúp ta vô thủ, xa lìa ý tưởng có, không, còn, mất.
  -  Vô chấp, giúp ta vô ngại, xa lìa ý tưởng trọc thanh. 

Vô Vi tức Đạo. Đạo thường vô vi nhi vô bất vi (không làm tức là Đạo. Đạo thường không làm, mà không gì không làm được).
Từ chỗ không làm mà làm được tất cả. Làm được tất cả mà như không làm gì cả. Đó là bí quyết của Đạo.
Lý Vô Vi quá sức huyền diệu cao viễn, ít ai thấu triệt nổi, thành ra bị thất truyền hay bị hiểu sai lạc đi.

Về Nhân Sinh 


Đức Lão Tử quan niệm rằng: Đạo Trời không thân ai, không sơ ai. Trời Đất sanh ra muôn vật, rau cỏ, chim muôn, nhân loại, không phải cốt để chúng ăn thịt nhau, nhưng các sanh vật đều được dùng cái nó sở thích để sống.
Đức Lão Tử không lấy cuộc đời làm lạc thú, xem việc sống như một nghĩa vụ, không yếm thế, không lạc quan, và xem cái chết là một việc phục tùng theo lẽ tự nhiên nhứt định.
Lão Tử ghét những người ham mê danh lợi, quá coi trọng cái xác thịt của mình. Cái xác thịt nầy là một cái không đáng quí, vì nó thường là mối lo cho người ta; đáng quí nhất là khi người ta biết đem thân ra phụng sự thiên hạ.
Đức Lão Tử khuyên người đời không nên quá tôn trọng và thiên về đời sống vật chất, phải tiết chế lòng ham muốn, nên chú trọng tinh thần, lấy cái tâm đè nén cái khí, thà bỏ cái thân nầy mà giữ được Đạo và Đức.
Lão Tử không bàn đến Thượng Đế, Linh Hồn, Thiên Dàng, Địa Nguc, mà chỉ nói một cách tổng quát về nguồn gốc của con người và vạn vật là từ Đạo mà ra, và cuối cùng thì trở về Đạo, hòa vào Đạo.

Ảnh Hưởng của Đạo Giáo
Với Phật Giáo:
 
Tông phái có nhiều điểm tương đồng với Đạo giáo nhất là Thiền Tông . Thành phần Đạo giáo của Thiền có thể được hiểu rõ hơn khi tham chiếu lại nghịch lí "tham ái". Lão tử nói: Ai thường không có ham muốn (dục) thì thấy được cái huyền diệu (của Đạo), ai ham muốn thì chỉ thấy những cái nhỏ nhặt (Đạo Đức Kinh  I). Nếu hành giả Phật giáo lìa bỏ tham ái để đạt Niết-bàn thì phải quên cả hai, Niết-bàn và Luân hồi. Và sự kiện này lại tương ứng câu giải đáp bí ẩn dành cho bản chất Niết-bàn cũng như nhấn mạnh lần nữa sự đề cao cách thực hành của Thiền tông "ngay lúc này, ngay đây", sự trực nhận "tất cả chúng sinh bản lai là Phật".

Với Việt Nam : 
Ở Việt Nam, Đạo Giáo đã ăn sâu vào đời sống văn hoá Việt nam, đã thâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội.
Lão giáo thâm nhập vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ thứ 2 sau CN. Cuối đời Đông Hán, nước Trung Hoa có loạn Vương Mãng, nhiều bậc sĩ phu và tu sĩ chạy sang nước ta lánh nạn.
Ngay khi vào VN, Lão giáo "đã tìm thấy ngay những tín ngưỡng tương đồng đã có sẵn từ lâu". Bởi vì từ xa xưa người Việt Nam đã rất sùng bái ma thuật, phù phép, và tin rằng có thể chữa bệnh, đuổi tà ma hoặc để làm tăng sức lực, tránh điều rủi ro trong cuộc sống, cho nên Lão giáo thuộc phái Đạo giáo nhân gian đã hòa quyện dễ dàng với tín ngưỡng ma thuật người Việt tới mức không còn phân biệt, cho nên nhiều nhà nghiên cứu lầm tưởng Lão giáo sớm phát triển ở VN, trong khi đó rất nhiều người VN qua nhiều thời đại không hề có ý thức gì về đạo Lão.

Từ Trung Hoa vào VN, đạo Lão cũng vẫn giữ hai phái là Đạo giáo nhân gian thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử), thần Trấn Vũ (Huyền Vũ), Quan Thánh Đế Quân. Bên cạnh đó, có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian, Lão giáo còn thờ nhiều vị thần thánh khác của người Việt như Đức Thánh Trần, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cùng với Tam Phủ, Tứ Phủ, cho thấy sự hòa quyện giữa Lão giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Kinh sách của đạo Lão được truyền sang Việt Nam hiện vẫn còn truyền tụng, ngoài 2 quyển đầu tiên là Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Trang Chu, còn có quyển Huỳnh Đình Kinh dạy cách luyện Đạo, Thanh Tịnh Kinh và Cảm Ứng Kinh dạy về lẽ lành dữ trả vay cho người tu giải thoát. Tất cả tương truyền là do Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng cơ dạy từ xưa bên Trung quốc.

Đặc biệt, Lão giáo khi vào Việt Nam, hòa quyện với văn hóa tín ngưỡng dân gian đã hình thành một khuynh hướng của những người thật sự không phải là tín đồ đạo Lão nhưng có tư tưởng gần với phái Tiên Đạo hay Đạo Giáo Thần Tiên, tức ưa thích đời sống thanh tĩnh nhàn lạc. Đó là những bậc trí thức Nho giáo, sinh không gặp thời, gặp chuyện bất bình nơi chốn quan trường hay các bậc anh hùng đã làm xong phận sự nam nhi đến lúc công thành thân thối lui về ẩn dật, vui thú điền viên cùng với thiên nhiên thi phú, cuộc cờ chén rượu mà theo dòng lịch sử, chúng ta đã thấy rất nhiều như: Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ…. với cuộc sống "tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc; tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn" của học thuyết Lão Trang

Với Đạo Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:
 
Khi đạo Cao Đài ra đời với cách thờ cúng , bài trí Thiên bàn trong hàng Tam vị Giáo Tổ, đại điện Tiên giáo là Đức Thái Thượng Đạo Tổ(Lão Tử), một nhân vật mà người thế gian biết qua truyền thuyết, bên cạnh là Đức Khổng Tử và Đức Thích Ca
Qua thời gian, đến Tam Kỳ Phổ Độ, mặc dù Lão giáo vẫn còn thịnh hành trên quê hương cội nguồn của nó, nhưng đã không còn giữ được chơn truyền theo đúng tinh thần của Đức Lão Tử. Cái tên gọi đã nói lên được điều này: Đạo giáo thay vì Lão giáo. Đạo giáo thay vì Đạo gia. Sự ra đời của ĐĐTKPĐ với tôn chỉ "Tam giáo quy nguyên" là để đưa Lão giáo trở về bản chất cội nguồn ban sơ, để con người có thể theo đó mà tu hành đắc Đạo.
Chính vì vậy, tinh hoa của Lão giáo đã hiện diện trong tôn giáo Cao Đài từ hình thức đến nội dung giáo lý.

Dân gian ta còn truyền khẩu câu " Trời sanh voi thì trời sanh cỏ" có thể đây là do ảnh hưởng từ thuyết của Lão Giáo mà ra. 

Kết Luận
Trong Việt Nam Phong Tục cụ Phan Kế Bính có viết:

"Đạo Lão Tử cốt lấy thanh tịnh tự nhiên làm tôn chỉ, cái ý tưởng ấy rất cao xa, không phải người tầm thường hiểu thấu được. Người ta có biết đích xác được cái thân là cái nguồn khổ sở, cái trí khôn là cái gốc phiền lụy, thì mới biết được cái tôn chỉ ấy là cao; lại phải xét cho thấu hết việc đời, hiểu cho rõ hết tình người, đem một tấm lòng nhạt nhẽo hư không mà giao thiệp với đời, không có một sợi tơ sợi tóc nào vướng vít đến trước mắt, thì mới biết được đạo ấy có một cái thú ung dung, nhàn nhã, sung sướng, khoan thai. Còn các việc đời, tuỳ xảy đến việc gì thì ứng đối việc ấy, không cần phải khó nhọc hơi sức, lao tổn tinh thần, dùng cái lẽ tự nhiên mà thù ứng các việc tự nhiên mà đâu ra đấy cả.."

Tóm lại, quan điểm của Lão Tử trong Đạo Đức kinh là vũ trụ, vạn vật bắt nguồn từ Đạo. Đạo là khởi thuỷ. Vũ trụ vạn vật biến hoá và phát triển do Đức. Đức chính là mầm sống của tất cả.
Chúng ta sống trong thiên nhiên, phải hoà nhập vào thiên nhiên, hoà đồng vào vạn vật, không cần xen vào trật tự của thiên nhiên. Như thế sẽ làm mất sự cân đối trong tự nhiên.
Một khi đã hoà nhập được với thiên nhiên, tinh thần sẽ thư thái, tâm không hề vướng bận, mới thực sự đắc đạo. Đây mới chính là cách tu tiên mà Lão Tử dạy.

Huỳnh Hữu Đức Tổng Hợp và Biên Soạn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét