Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Giải Nghĩa Từ Hán Việt - Những Điều Cần Suy Gẫm


 
I / Xuất Xứ của Từ Hán Việt

Từ thuở khởi đầu dựng nước, Tiền nhân ta đã hình thành và phát triển một nền văn minh rực rỡ. Đó là nền Văn Minh Lúa Nước, cùng lúc chữ viết cũng được hình thành. Chữ Viết này, ngày nay chúng ta gọi là chữ Việt Cổ, tượng Thanh có hình dáng như con nòng nọc, được thể hiện trên các Trống Đồng cũng như trên các di chỉ khảo cổ được tìm thấy (*).
Qua hằng ngàn năm Bắc Thuộc, các vương triều phương bắc thực hiện mạnh mẽ chính sách đồng hoá dân bản địa, như trường hợp Sĩ Nhiếp đã phá huỷ và cấm lưu hành chữ viết thời Hùng Vương, bắt dân ta học chữ Hán. Tuy không bị đồng hoá, nhưng nước ta vẫn bị ảnh hưởng nhiều về văn hoá học thuật của người Tàu. Chữ Việt Cổ đã dần mai một và đi vào quên lãng.
Sau thời gian dài Bắc thuộc, các triều đại của chúng ta hầu hết đều lấy chữ Hán làm chữ viết chính trong nước.
Để thuận tiện, Tiền nhân đã phiên âm chữ Hán theo giọng đọc của người Việt. Chữ hán phiên âm được viết ra theo chữ Quốc ngữ gọi là từ Hán Việt.



Chữ Việt Cổ Trên Trống Đồng

II / Điều Cân Nhắc Khi Giải Nghĩa Từ Hán Việt

Cũng từ cách viết các phiên âm thành chữ Quốc ngữ, do không có chữ gốc là Hán Tự, nên đã xuất hiện những cách giải nghĩa từ Hán Việt khiến người xem đôi lúc phải dở khóc dở cười.

Có 5 nguyên nhân khiến chúng ta thường giải nghĩa sai từ Hán Việt:

1 - Nghĩa chữ thay đổi :
Thí dụ như chữ "Lang Bạt: 狼跋 "

- " 狼跋其胡 Lang bạt kỳ hồ” là một câu trong “Kinh Thi” của Trung Hoa. “Lang” là chó sói, “bạt” là giẫm đạp, “kỳ” là một đại Danh từ thay thế cho danh từ “lang”, còn “hồ” là cái yếm da dưới cổ của một số loài thú.
Hầu hết Tự Điển ngày nay đều giải nghĩa là trôi dạt lang thang đó đây.

Theo Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh:
- Lang Bạt Kỳ Hồ là con sói đạp cái bọc da ở trước cổ nó. Không thể đi được (ý chỉ sự lúng túng.). Người mình lại thường dùng mấy chữ ấy theo nghĩa trái hẳn .
Ngày nay từ Lang Bạt đã trở thành Từ Nôm mang nghĩa: Đi nơi này nơi khác không định chỗ nào.

2 - Một từ Hán Việt có nhiều Hán Tự khác nhau:

Như chữ Phụ. Chỉ một chữ Phụ này thôi, Hán Tự có nhiều chữ khác nhau, mỗi chữ lại nhiều nghĩa:
1. [腐] hủ, phụ 2. [跗] phụ 3. [輔] phụ 4.[阝] 5.[附] phụ 6 .[鮒] phụ 7. [賻] phụ 8. [負] phụ 9. [埠] phụ 10. [婦] phụ 11. [拊] phụ 12. [祔] phụ 13.[父] phụ, phủ 14. [駙] phụ, phò 15. [傅] phó, phụ 16. [柎] phu, phủ, phụ

3- Từ Hán Việt sử dụng thông dụng đã trở thành từ Nôm:
- 鍾
chung : tụ họp, của chung.
- 鍾 Chung cư : chỗ ở chung,
- 贒
hiền : hiền lành tốt bụng.

Vũ trụ, tạo hoá, thiên nhiên, tự nhiên...

4 - Cùng một từ Hán Việt nhưng nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau:

- Chữ Minh : chữ Hán có nhiều cách viết, nhưng chúng ta vẫn đọc, viết là Minh
冥 minh : u ám tối tăm ; 冥 月 Minh Nguyệt : trăng mờ
明 Minh : Sáng sủa ; 明月 Minh Nguyệt : trăng sáng

Chúng ta thấy Minh Nguyêt nếu viết bằng chữ Hán là hai chữ khác nhau, nghĩa cũng khác nhau. Nhưng khi viết bằng chữ Việt, nếu đứng riêng rẽ, chúng ta sẽ không biết phải giải nghĩa thế nào cho đúng.

5 - Một Từ Hán Việt theo nghĩa Việt có nhiều nghĩa:

- Như chữ Phụ :
-婦 phụ : người vợ; người đàn bà có chồng.
- phụ : ba , người sanh ra mình

Chữ Phụ đi chung với chữ Hiền ; Hiền Phụ ta sẽ được hai cách giải nghĩa.
: người vợ hiền
: Người ba hiền

Ngoài ra, do xã hội ngày càng phát triển, có những tiện nghi mới phục vụ cho cuộc sống của con người. Ngôn ngữ cũng phải có nhiều từ mới để theo kịp sự tiến bộ của nhân loại. Chính vì thế đã xuất hiện nhiều từ ghép giữa Từ Nôm và Từ Hán Việt. Đó là qui luật phát triển ngôn ngữ, những từ mới này, nếu không hợp lý, sẽ tự đào thải, chúng ta không thể cho ra phán quyết đúng sai. Điều này cũng ảnh hưởng đến cách giải nghĩa của chúng ta.

Qua những điều kể trên, khi muốn đinh nghĩa các từ Hán Việt, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng tránh tình trạng giải thích chỉ một chiều.
.... 


Giải Mã chữ Việt Cổ

(*) Giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài như Anh, Czech.. đã xác nhận: “Ngay từ trước Công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh - loại chữ ghép chữ cái thành từ”. Điều này được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn như: lưỡi cày, đặc biệt là trống đồng… cùng các hình vẽ, chữ viết trên đá cổ Sa Pa, Xín Mần, Pá Màng… theo một hệ thống nhất quán, tất cả đều thể hiện đó là những chữ viết cổ từ thời kỳ tiền văn tự, phát triển và hoàn thiện dần thành bộ chữ Khoa Đẩu. Đây là loại chữ lưu truyền từ thời Vua Hùng, có hình dáng như những con nòng nọc. Chính loại chữ Khoa Đẩu này đã được nhiều học giả trong nước khẳng định như: Giáo sư Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Giáo sư Bửu Cầm, Giáo sư Đỗ Quang Vinh…

Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét