Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Mắng Thần Phá Miếu


   Ngày xưa, về đời Hồng Đức nhà Lê, ở làng Trung An huyện Vĩnh Lại (Hải Dương) có nhà nho sĩ Văn Định kết duyên cùng con quan thượng Nhữ Văn Lan.
    Tiểu thư họ Nhữ nhan sắc tuyệt vời, thông minh xuất chúng, giỏi văn chương, tinh tướng số, kén chồng đến ngoài hai mươi tuổi, thấy Văn Định có tướng sinh quý tử mới nhận lời trao hôn. Hai người lấy nhau sinh được một con trai mặt mũi tinh anh, đặt tên là Bỉnh Khiêm, chưa đầy tuổi đã biết nói. Được mẹ dạy bảo, mới lên bốn tuổi Bỉnh Khiêm đã thông kinh truyện, học đến đâu thuộc lòng đến đó, nhớ đọc một lúc mấy chục bài thơ nôm.
    Khi tóc còn để trái đào, một hôm Bỉnh Khiêm cùng bọn trẻ đi tắm bến Hàn, có kể thuật sĩ đi thuyền trông thấy nói rằng: "Cậu bé này có tướng làm vua, tiếc là da thịt dày quá, chỉ làm đến Trạng nguyên, Tể tướng là cùng"!
    Mồ côi sớm, Bỉnh Khiêm được một tay hiệp khách giang hồ tên là Lý Hưng Chi nhận làm con nuôi rồi giao cho một người bạn trụ trì đem về dạy dỗ ở một ngôi chùa.
    Lớn lên, Bỉnh Khiêm theo học ông Bảng nhỡn Lương Đắc Bằng ở Thanh Hóa. Lương tiên sinh hồi sang sứ nhà Minh, gặp một người cùng họ ngụ cư bên Tàu là Lương Nhữ Hốt có tặng cho quyển Thái Ất thần kinh, đem về học tập rất tinh lý số, tiên tri. Bỉnh Khiêm được thày truyền lại phép thuật tinh vi, và khi sắp mất cụ Lương trao cho quyển kinh Thái Ất, tác phẩm của đạo sĩ Triệu Nga đời Tống (thế kỷ thứ X).
    Bấy giờ trong nước đang biến loạn, Bỉnh Khiêm bèn đi ở ẩn, lấy việc ngao du sơn thủy làm thú ở đời. Ông lên chơi chùa Bội Sơn, gặp lại nhà sư đã dạy dỗ mình thuở bé đang cầm đầu đảng cướp Hồng Nhật. Các tham quan ô lại cũng như các nhà giàu độc ác đều bị đảng cướp này trừ diệt, lấy của để giúp cho người nghèo khó. Quan phủ Vương Liêu Thăng là kẻ sâu dân mọt nước bị Lý Hưng Chi ra tay hạ sát, triều đình treo giải thưởng lớn cho ai lấy được đầu họ Lý.
    Bị tập nã ráo riết, Lý Hưng Chi tìm đường trốn sang Tàu, đem theo Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng vài bộ hạ tâm phúc. Vượt núi, băng rừng nhiều ngày, đến giáp giới Trung Quốc, Lý Hưng Chi ghé lại trại một người bạn cũ, giữa một vùng núi non với hai ngàn thủ hạ.
    Chủ trại là Hoàng Mưu mất vợ sớm, có một người con gái đến tuổi lấy chồng, thấy Bỉnh Khiêm là người lỗi lạc, bèn ngỏ ý với Lý Hưng Chi muốn gả cho. Đính hôn sau, Lý Hưng Chi và Bỉnh Khiêm cùng đám tùy tùng nhờ Hoàng Mưu giúp vượt qua biên giới.
    Tiến vào nội địa Trung Hoa, giữa đường họ gặp một toán cướp lớn chặn đánh, chỉ có Lý Hưng Chi thoát được, còn Bỉnh Khiêm cùng đám người đi theo đều bị bắt. Tướng cướp là Lý Lăng Tử tra hỏi, thấy Bỉnh Khiêm là người thông thái, giỏi lý số, tiên tri, bèn giữ lại tôn làm quân sư.
    Trại ở trên một ngọn núi kỳ vĩ, chung quanh có nhiều dãy núi cao bao bọc như những thành lũy thiên nhiên. Bỉnh Khiêm miễn cưỡng phải ở lại đây, suốt ngày chỉ đọc sách ngâm thơ. Một hôm, có một ông già ăn mặc nâu sồng, đeo khăn gói đỏ, tay chống gậy trúc lần mò đến cổng trại. Bị quân canh đuổi đi, ông già trở đi, trở lại đến lần thứ ba, nằn nì đòi xin gặp chủ trại. Bỉnh Khiêm đang đi dạo, trông thấy ông già cốt cách khác thường, gọi hỏi chuyện thì ông ta nói: "Tôi là kẻ ngao du sơn thủy, đi đó đây khảo sát địa lý để tìm một nơi gửi nắm xương tàn, đến chốn này thấy có khí lạ, mới dừng bước lại".
    Rồi ông già ngắm Bỉnh Khiêm mà bảo rằng: "Tôi đoán ông không phải là người ở vùng này, mà chỉ là thượng khách của chủ trại. Nhưng chốn này sắp bị quân triều đình đến đánh nay mai"...
    Hỏi thêm, ông già không nói, chỉ bảo rằng có biết lý số, thiên văn, và đã mấy năm trời nay đi tìm một quyển sách để thông suốt quá khứ vị lai mà chưa được gặp. Bỉnh Khiêm tò mò hỏi: "Cụ bảo quyển sách gì mà thần diệu như thế"? Ông già đáp: "Đó là một quyển sách thần, có đủ những phép tắc dạy cho biết rõ việc quá khứ, hiện tại và tương lai. Quyển sách này trước ở tay thày dạy tôi nay đã qua đời, tặng cho một người cùng dòng họ làm sứ thần nước Việt, rồi nghe ông này trao lại cho một môn đệ. Đó là quyển kinh lấy tên là Thái Ất. Nhưng tôi biết chắc rằng vị sứ thần cũng như môn đệ của ông ta không thể nào dùng được quyển sách ấy, vì trong đó toàn là những câu kinh kỳ bí, mà họ không có lời giải. Tôi thì có lời giải mà không có quyển kinh Thái Ất".
    Bỉnh Khiêm hỏi tới: "Sao thày dạy cụ lại chỉ truyền cho cụ biết lời giải mà không cho cụ quyển sách"? Ông già đáp: "Theo lệ cổ truyền thì không ai có thể giữ nổi cuốn kinh này lâu đời được. Sứ thần Việt được cuốn kinh, nhưng không có phần giải. Khi thày dạy tôi sắp mất, có trao phần giải cho tôi mà không dặn rõ là tôi phải mất công hai năm mới tìm ra cuốn kinh. Tôi tính đến hôm nay vừa đúng là hai năm". Bỉnh Khiêm vội đi lấy ở trong hành lý ra một cuốn sách bọc vải điều trao tận tay ông già. Vừa lật xem qua mấy trang, ông già không giấu được nỗi ngạc nhiên sung sướng, trang trọng đặt cuốn sách lên trước mặt rồi sụp lạy. Cả hai người mặc dầu tuổi tác cao thấp chênh lệch, làm lễ đồng môn với nhau, rồi bắt đầu trao đổi nghiên cứu kinh Thái Ất. Trong vòng bảy hôm, họ đã thuộc lòng cả cuốn kinh cùng những lời giải đáp, rồi vội vã chia tay, sợ xúc phạm đến thiên cơ, vì cả hai đều thành tiên tri, thấu suốt cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
    Ông già tức là Hoàng Thạch Lâm đi về phương bắc, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi về phía nam. Trở về nước, gặp lúc nhà Mạc đang ở ngôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi đỗ Trạng nguyen, được vua phong làm Đông các đại học sĩ. Làm quan tám năm ông dâng sớ xin chém đầu mười tám tên nịnh thần, vua Mạc không nghe, ông bèn cáo bệnh từ quan.
    Khi ông về trí sĩ, dựng nhà chơi mát ở làng gọi là am Bạch Vân, lại làm một cái quán ở bên sông Tuyết Giang, dựng bia ký sự mình. Lúc thì bơi thuyền chơi ở bể Kim Hải và bể Úc Hải, lúc thì cùng vài nhà sư dạo chơi núi An Tử, núi Ngọc Vân và núi Đồ Sơn. Đi đến đâu đều làm thơ ngâm vịnh, gặp chỗ nào phong cảnh đẹp thì dừng lại, thường ngày không để ý gì đến việc đời, sống nhàn tản theo chủ trương của Lão, Trang.
    Triều Mạc vẫn quý trọng, lấy lễ sư phó đãi ông, hễ có việc gì thì sai sứ tìm đến hỏi ý kiến hoặc mời về kinh để thương nghị các chính sự trọng yếu. Vua Mạc phong ông làm Thái phó Trình Quốc công. Người đương thời gọi ông là Trạng Trình.
    Học trò của Trạng Trình tác thành rất nhiều, nổi danh có Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh, Trương Thời Cử.
    Lúc nhà Lê bắt đầu trung hưng, vua Mạc ngự giá đến nhà ông hỏi các kế công thủ, Trạng Trình bảo rằng: "Ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời". Sau bảy năm, nhà Mạc mất, lui về giữ đất Cao Bằng, quả nhiên truyền được ba đời, bảy mươi năm mới tuyệt.
    Khi vua Lê Trung Tông mất, không có con kế vị, bấy giờ Trịnh Kiểm đang cầm quyền, sai Phùng Khắc Khoan đến hỏi ý kiến ông, ông không nói gì, chỉ quay lại bảo người nhà rằng: "Năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo mạ". Phùng Khắc Khoan về nói lại, Trịnh Kiểm hiểu ý ông, tìm Lê Duy Bang là dòng nhà Lê về, lập lên làm vua.
    Một lần Trịnh Tùng có ý chiếm ngôi vua, sai sứ đến hỏi ông, ông cũng không nói gì, chỉ đưa đi chơi trong một cái chùa trên núi, bảo tiểu rằng: "Giữ chùa thờ Phật thì mới có oản ăn". Sứ giả về nói lạị Trịnh Tùng biết ý ông khuyên phải giữ đạo làm tôi thì mới được hưởng phúc, nên mới thôi manh tâm bội nghịch.
    Vào lúc Trịnh Kiểm có ý hại Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn lấy làm lo, mật sai người đi cầu ông bày cho kế lánh họa. Ông đang chống gậy chơi trong vườn cảnh, có mấy dãy đá xếp lại làm non bộ quanh co đến trước sân, có đàn kiến đương bò trên đá, ông đưa mắt nhìn theo đàn kiến mà nói rằng: "Một dải núi Hoành Sơn kia có thể nương thân đến muôn đời". Người sứ về thưa lại, chúa Nguyễn mới quyết tâm xin vào trấn thủ trong xứ Thuận, Quảng (miền Hoành Sơn), quả nhiên mỗi ngày một thịnh, dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn lâu dài.
    Trạng Trình tinh về thuật số, đoán trước được nhiều việc đúng, còn để lại được một số sấm ký về sau, người ta truyền là rất ứng nghiệm.
    Trước khi mất, ông có viết một tờ chúc thư gửi cho viên tri huyện ở vùng ông đời sau, có câu: "Tôi cứu cho ông khỏi chết vì sà nhà đổ, ông sẽ cứu cho cháu tôi đang nghèo khổ". Ông trao cho cháu bức thư này dặn đến ngày tháng ấy, giờ ấy mang đến đưa cho quan huyện, và nhớ gọi ra khỏi công đường mà trao. Quả nhiên đúng ngày giờ nói trên, viên tri huyện nghe có cháu ông Trạng Trình đến kiếm, bước ra tiếp, vừa đi khỏi thì cột sà ngang lớn bị mọt đục gãy rơi ngay chỗ ghế ngồi. Thoát chết, ông huyện nọ xem thư hết lòng cảm phục, liền đưa cháu ông Trạng Trình về nhà hết lòng nuôi cho ăn học.
    Trạng Trình còn để lại cho đời mấy trăm bài thơ nôm gọi là Bạch Vân Am thi tập, sống đến 95 tuổi mới mất. Những sấm ký của ông truyền lại, người đời sau đem các việc xảy ra để đối chiếu, giải thích cho đến gần đây, còn được chứng nhận là đúng.
 
Theo http://music.vietfun.com
  

Lệ Lòng


Khi tha thiết yêu nhau
Một ra đi vĩnh viễn
Mấy ai hiểu nỗi đau
Của người còn ở lại
Nước mắt có cạn khô
Nhưng lệ lòng còn mãi
Thời gian có qua đi
Chẳng thể xoá những gì 
Trong trái tim đau thương
                         Quên Đi


Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Giải Nghĩa Từ Hán Việt - Những Điều Cần Suy Gẫm


 
I / Xuất Xứ của Từ Hán Việt

Từ thuở khởi đầu dựng nước, Tiền nhân ta đã hình thành và phát triển một nền văn minh rực rỡ. Đó là nền Văn Minh Lúa Nước, cùng lúc chữ viết cũng được hình thành. Chữ Viết này, ngày nay chúng ta gọi là chữ Việt Cổ, tượng Thanh có hình dáng như con nòng nọc, được thể hiện trên các Trống Đồng cũng như trên các di chỉ khảo cổ được tìm thấy (*).
Qua hằng ngàn năm Bắc Thuộc, các vương triều phương bắc thực hiện mạnh mẽ chính sách đồng hoá dân bản địa, như trường hợp Sĩ Nhiếp đã phá huỷ và cấm lưu hành chữ viết thời Hùng Vương, bắt dân ta học chữ Hán. Tuy không bị đồng hoá, nhưng nước ta vẫn bị ảnh hưởng nhiều về văn hoá học thuật của người Tàu. Chữ Việt Cổ đã dần mai một và đi vào quên lãng.
Sau thời gian dài Bắc thuộc, các triều đại của chúng ta hầu hết đều lấy chữ Hán làm chữ viết chính trong nước.
Để thuận tiện, Tiền nhân đã phiên âm chữ Hán theo giọng đọc của người Việt. Chữ hán phiên âm được viết ra theo chữ Quốc ngữ gọi là từ Hán Việt.



Chữ Việt Cổ Trên Trống Đồng

II / Điều Cân Nhắc Khi Giải Nghĩa Từ Hán Việt

Cũng từ cách viết các phiên âm thành chữ Quốc ngữ, do không có chữ gốc là Hán Tự, nên đã xuất hiện những cách giải nghĩa từ Hán Việt khiến người xem đôi lúc phải dở khóc dở cười.

Có 5 nguyên nhân khiến chúng ta thường giải nghĩa sai từ Hán Việt:

1 - Nghĩa chữ thay đổi :
Thí dụ như chữ "Lang Bạt: 狼跋 "

- " 狼跋其胡 Lang bạt kỳ hồ” là một câu trong “Kinh Thi” của Trung Hoa. “Lang” là chó sói, “bạt” là giẫm đạp, “kỳ” là một đại Danh từ thay thế cho danh từ “lang”, còn “hồ” là cái yếm da dưới cổ của một số loài thú.
Hầu hết Tự Điển ngày nay đều giải nghĩa là trôi dạt lang thang đó đây.

Theo Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh:
- Lang Bạt Kỳ Hồ là con sói đạp cái bọc da ở trước cổ nó. Không thể đi được (ý chỉ sự lúng túng.). Người mình lại thường dùng mấy chữ ấy theo nghĩa trái hẳn .
Ngày nay từ Lang Bạt đã trở thành Từ Nôm mang nghĩa: Đi nơi này nơi khác không định chỗ nào.

2 - Một từ Hán Việt có nhiều Hán Tự khác nhau:

Như chữ Phụ. Chỉ một chữ Phụ này thôi, Hán Tự có nhiều chữ khác nhau, mỗi chữ lại nhiều nghĩa:
1. [腐] hủ, phụ 2. [跗] phụ 3. [輔] phụ 4.[阝] 5.[附] phụ 6 .[鮒] phụ 7. [賻] phụ 8. [負] phụ 9. [埠] phụ 10. [婦] phụ 11. [拊] phụ 12. [祔] phụ 13.[父] phụ, phủ 14. [駙] phụ, phò 15. [傅] phó, phụ 16. [柎] phu, phủ, phụ

3- Từ Hán Việt sử dụng thông dụng đã trở thành từ Nôm:
- 鍾
chung : tụ họp, của chung.
- 鍾 Chung cư : chỗ ở chung,
- 贒
hiền : hiền lành tốt bụng.

Vũ trụ, tạo hoá, thiên nhiên, tự nhiên...

4 - Cùng một từ Hán Việt nhưng nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau:

- Chữ Minh : chữ Hán có nhiều cách viết, nhưng chúng ta vẫn đọc, viết là Minh
冥 minh : u ám tối tăm ; 冥 月 Minh Nguyệt : trăng mờ
明 Minh : Sáng sủa ; 明月 Minh Nguyệt : trăng sáng

Chúng ta thấy Minh Nguyêt nếu viết bằng chữ Hán là hai chữ khác nhau, nghĩa cũng khác nhau. Nhưng khi viết bằng chữ Việt, nếu đứng riêng rẽ, chúng ta sẽ không biết phải giải nghĩa thế nào cho đúng.

5 - Một Từ Hán Việt theo nghĩa Việt có nhiều nghĩa:

- Như chữ Phụ :
-婦 phụ : người vợ; người đàn bà có chồng.
- phụ : ba , người sanh ra mình

Chữ Phụ đi chung với chữ Hiền ; Hiền Phụ ta sẽ được hai cách giải nghĩa.
: người vợ hiền
: Người ba hiền

Ngoài ra, do xã hội ngày càng phát triển, có những tiện nghi mới phục vụ cho cuộc sống của con người. Ngôn ngữ cũng phải có nhiều từ mới để theo kịp sự tiến bộ của nhân loại. Chính vì thế đã xuất hiện nhiều từ ghép giữa Từ Nôm và Từ Hán Việt. Đó là qui luật phát triển ngôn ngữ, những từ mới này, nếu không hợp lý, sẽ tự đào thải, chúng ta không thể cho ra phán quyết đúng sai. Điều này cũng ảnh hưởng đến cách giải nghĩa của chúng ta.

Qua những điều kể trên, khi muốn đinh nghĩa các từ Hán Việt, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng tránh tình trạng giải thích chỉ một chiều.
.... 


Giải Mã chữ Việt Cổ

(*) Giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài như Anh, Czech.. đã xác nhận: “Ngay từ trước Công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh - loại chữ ghép chữ cái thành từ”. Điều này được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn như: lưỡi cày, đặc biệt là trống đồng… cùng các hình vẽ, chữ viết trên đá cổ Sa Pa, Xín Mần, Pá Màng… theo một hệ thống nhất quán, tất cả đều thể hiện đó là những chữ viết cổ từ thời kỳ tiền văn tự, phát triển và hoàn thiện dần thành bộ chữ Khoa Đẩu. Đây là loại chữ lưu truyền từ thời Vua Hùng, có hình dáng như những con nòng nọc. Chính loại chữ Khoa Đẩu này đã được nhiều học giả trong nước khẳng định như: Giáo sư Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Giáo sư Bửu Cầm, Giáo sư Đỗ Quang Vinh…

Huỳnh Hữu Đức


Giang Thôn Thu Vọng - Bùi Tông Quán


裴宗灌 - Bùi Tông Quán (Việt Nam) 

      江村秋望             Giang Thôn Thu Vọng 

衣獨自立江阡         Phi y độc tự lập giang thiên 
秋色誰將到眼邊         Thu sắc thuỳ tương đáo nhãn biên 
旅雁行行過別浦         Lữ nhạn hàng hàng quá biệt phố 
客帆点点絡晴天         Khách phàm điểm điểm lạc tình thiên 
溪頭佛寺依紅葉         Khê đầu phật tự y hồng diệp 
竹外人家隔淡煙         Trúc ngoại nhân gia cách đạm yên 
日暮誰知凝佇處         Nhật mộ thùy tri ngưng trữ xứ 
菉雲暗野看豐年         Lục vân ám dã khán phong niên. 

Dịch Nghĩa:

 Ngắm Thu Nơi Xóm Ven Sông 


Khoác áo một mình đứng ở ven sông
Ai đem vẻ đẹp của mùa thu đến trước mắt
Chim nhạn từng hàng bay đi qua bến sông
Cánh buồm khách từng chấm giữa trời quang đãng
Nơi đầu khe ngôi chùa phật tựa vào đám lá hồng
Ngoài bụi tre nhà dân chúng bị che bởi khói mờ
Trời đã về chiều ai biết được ta đứng lặng rất lâu nơi đây
Đám mây xanh tuy che tối nhưng vẫn thấy cánh đồng rộng được mùa

Bản dịch của Mailoc 

Ven sông một bóng áo bay bay ,
Ai rắc thu vàng trước mắt ai .
Nhạn lướt hàng hàng trên bến vắng ,
Buồm dong lớp lớp giữa trời say .
Đầu khe chùa ẩn cây hồng nhuộm ,
Sau trúc nhà chìm khói xám xây .
Chiều xuống có người còn đứng ngắm ,
Đồng xanh lúa gợn gió cùng mây .
 
                                   Mailoc 
                                Cali 6-6-14   

Ngắm Thu Nơi Xóm Ven Sông 

Một mình khoác áo đứng ven sông
Trước mắt màu thu đẹp cả lòng
Nhạn xếp từng hàng ngang bến cũ
Buồm gương bao cánh giữa trời trong
Đầu khe chùa phật nương cây rậm
Cạnh trúc nhà dân ẩn khói lồng
Lặng ngắm cả ngày ai có biết
Xanh trời ruộng trúng chẳng hoài công

                                         Quên Đi

NGẮM THU Ở XÓM VEN SÔNG 

Khoác áo bờ sông cảm xúc nhiều,
Ai đem thu sắc trải đìu hiu.
Nhạn bay lớp lớp sang bờ khác,
Buồm chạy xa xa dưới nắng xiêu.
Thấp thoáng cửa chùa trong lá đỏ,
Chơi vơi làn khói quyện lam chiều.
Trời hôm đứng lặng nhìn mây xám,
Đồng tối được mùa bớt tịch liêu.
                     Đỗ Chiêu Đức.  

THU VỀ TRÊN XÓM VEN SÔNG

Khoác hờ chiếc áo, bước ra sông
Ngắm cảnh trời thu nhuộm khoảng không
Đàn nhạn hàng hàng qua xứ lạ
Cánh buồm thấp thoáng giữa mênh mông
Đầu khe, chùa lẫn rừng phong đỏ
Sau trúc, nhà vương bụi khói hồng
Ngơ ngẩn trong chiều buông bảng lảng 
Vụ mùa hứa hẹn trĩu trên đồng.
                    Phương Hà phỏng dịch

    VÀO THU NƠI BẾN SÔNG  

Một mình khoát áo đứng ven sông
Hương sắc vào thu khiến chạnh lòng
Chim nhạn từng đàn bay chốn khác
Cánh buồm ẩn hiện giữa chiều loang
Đầu khe Phật tự chen rừng lá
Dưới xóm nhà dân khói tỏa lồng
Đứng lặng ngẩn ngơ ai biết nhỉ ??
Được mùa lúa trổ hạt xanh đồng 
                                  SONG QUANG 

     Ven Sông Lặng Ngắm 

Áo vác vai ven ngoài bến vắng 
Ngắm màu thu chuyển sắc vàng thay 
Nhạn trời tiếp nối mờ xa lướt 
Buồm khách đua nhau thấp thoáng lay 
Cửa Phật đầu khe cành rậm phủ 
Mái nhà cạnh trúc khói mờ bay 
Hoàng hôn sắp tắt chưa rời bước 
Dưới áng mây  mờ lúa trĩu sai  
                     Kim Phượng

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Thầy Của Khổng Tử - Người Thứ I


Thầy của Khổng Tử
(Trích Luận ngữ Tân thư)

       Tục nhân lỡ một người thầy thì ôm hận suốt đời. Thánh nhân lỡ một người thầy thì ôm hận nghìn thu. Tục nhân ôm hận vì không gặp cơ hội được trên người. Thánh nhân ôm hận vì cảm thấy có lỗi nặng với những đời sau. Việc hôm nay, té ra có nguyên do từ bao đời trước nữa. Ví dụ cái chuyện thật, giả của muôn đời. Muôn đời thật thà là món trang sức rẻ tiền của dối trá, dối trá là chủ nhân đích thực của thật thà. Than ôi! cái đạo nói thật chẳng phải tầm thường. Đến thánh nhân cũng muốn cầu còn chẳng được. Thế gian xưa nay vẫn leo lẻo đấy, cứ tưởng mọi chuyện rồi sẽ rõ như ban ngày. Vậy mà rốt cuộc, tìm mãi có thấy tí sự thật nào đâu. Chung quy cũng tại một bận lỡ làng của bậc Vạn Thế Sư mà sinh ra cả…

      Vẫn “lời tựa“ trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:
Khổng Tử có lúc dạy tới ba ngàn học trò. Vậy mà vẫn lũ lượt người đến xin học. Vì thế mới đặt ra lệ phải kiểm tra, phỏng vấn trước khi nhận, đại khái cũng hao hao như thi đại học hoặc cao đẳng bây giờ. Phụ trách khâu tuyển sinh này gồm các thầy Tử Cống, Tử Nạp, Tử Hối, Tử Lộ, Tử Thâm, Tử Thượng, Tử Hạ. Toàn những thầy mà đời sau xếp vào bậc Tiên hiền cả. Từ khi đặt ra lệ ấy, thiên hạ càng đua nhau đến xin nhập học, công việc giáo dục phát đạt lên trông thấy. Bận rộn nhất là các thầy Tử Cống, Tử Nạp, Tử Hối, Tử Lộ. Các thầy thay nhau bán hồ sơ, xét duyệt hồ sơ, kiểm tra thí sinh bằng mồm, bằng mũi, bằng mắt, cả bằng tay… nữa. Kẻ thì cho nhập học, kẻ thì đuổi thẳng cổ. Chung quy cái việc thi tuyển thì xưa nay đều có trong, có đục cả, không có gì đáng chép lại. Chỉ xin chép ra đây mấy chuyện lạ xảy ra trong lúc tuyển sinh ấy. Không hiểu sao lại chỉ rơi vào các thầy Tử Thâm, Tử Thượng và Tử Hạ.

Người Thầy Thứ Nhất

       Một hôm, có một lão già nom hơi cổ quái, gương mặt tuy gồ ghề song hai mắt rất long lanh, dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát đến gõ cửa xin nhập học. Tử Thâm được phân công ra tiếp. Tử Thâm hỏi:
“Cụ già thế này, sắp xuống lỗ rồi còn học làm gì nữa cho mệt?“.
Lão kia trả lời:
“Lão chẳng học cái gì khác. Song trước khi xuống lỗ cũng muốn học cho được mỗi cái cách nói thật đó mà thôi“.
Tử Thâm ngạc nhiên hỏi lại:
“Tại sao cụ phải học cách nói thật?“.
Lão kia trả lời:
“Lão từng nghe cổ nhân truyền lại rằng nói thật một câu sẽ kinh động đến cả trời đất, quỷ thần. Vậy mà lão sống ngần này tuổi đầu rồi, tuyệt chẳng bao giờ thấy trời đất, quỷ thần động lòng gì cả. Điều đó phải chăng vì thiên hạ toàn kẻ nói dối. Tất nhiên trong đó có cả lão nữa. Vì thế lão mới phải đến đây để học cái đạo nói thật. Rất mong Phu Tử chiếu cố chỉ giáo cho, dẫu lão nói thật được một câu rồi chui xuống lỗ cũng hả lòng“.
Tử Thâm nghe ra bèn bảo:
“Rất tiếc ở đây chỉ dạy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Không dạy nói thật. Cụ đi tìm nơi khác mà học thôi“.
Lão kia nghe Tử Thâm nói thì có vẻ hơi thất vọng, song vẫn cố vớt vát:
“Lão nghe tiếng Phu Tử nức nở cả thiên hạ. Vậy ngoài Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín ra, Phu Tử còn dạy cái gì nữa?“.
Tử Thâm trả lời:
“Dạy đủ lục nghệ. Từ làm chính trị đến đi buôn, từ làm hàng thật đến hàng giả, từ chế đồ xịn đến đồ lô… Học đến đâu sáng ra đến đó. Cứ gọi là vua ra vua, tôi ra tôi. Bố ra bố, con ra con. Chồng ra chồng, vợ ra vợ. Thầy ra thầy, trò ra trò. Trên đời này động đến môn nào Phu Tử cũng tuyệt đối tinh thông cả. Duy có cái môn nói thật ấy thì bản sự đây quả chưa nghe nói đến bao giờ“.
Lão kia nghe thấy thế thì thất vọng quá, bèn thở dài một tiếng rồi than:
“Thế mà lão phu đây cứ tưởng bở. Ôi! Đến cửa này cũng không học được cách nói thật nữa thì lão đành nói dối cho trọn kiếp cùng với thiên hạ thôi“.
Than xong, lão ta vái Tử Thâm một cái rồi đi ra. Tử Thâm bèn vào kể lại toàn bộ đầu đuôi với Khổng Tử. Khổng Tử nghe kể đến đâu ngạc nhiên đến đấy. Nghe xong, Ngài trầm ngâm một lát rồi bảo:
“Ngươi chưa nghe nói đến cái môn nói thật bao giờ cũng phải. Học thuyết của ta toàn thị là chính trị. Mà đã gọi là chính trị thì cần gì phải biết cách nói thật. Thời thế này mà vẫn còn người muốn học cái đạo nói thật ư? Thì chính ta cũng đang muốn tìm thầy để học cái môn đệ nhất ngu ngốc ấy mà chưa tìm ra đấy".

( Theo http://lethikimphuong.blogspot.com.au )

 

Xướng Hoạ : Đồi Thông Hai Mộ

Bài Xướng

      ĐỒI THÔNG HAI MỘ

Đồi thông hai mộ, chỉ riêng nàng !

Theo gió mơ hồ tiếng khóc than
Một mối tơ duyên nhiều trắc trở
Một thiên tình sử lắm đa đoan
Ai chia đôi lứa trên trần thế ?
Ai tách uyên ương dưới suối vàng ?
Thân xác dẫu đành hai lối rẽ
Ngàn năm hồn thiếp vẫn bên chàng .

                                   Phương Hà
        ( Cảm tác trước Đồi Thông Hai Mộ
                             ở Đà Lạt- Tháng 5/2014 )


                Các Bài Hoạ

Họa " ĐỒI THÔNG HAI MỘ "

Đồi Thông Hai Mộ xót cho nàng,
Vi vút mơ hồ gió thở than.
Võ bị mượn đường mong giải thoát,
Văn khoa chung lối lắm đa đoan.
Bền lòng không phút quên tơ tóc,
Chặc dạ ngàn thu giữ đá vàng.
Chia rẻ mặc người phân đôi lứa,
Đồi thông muôn kiếp thiếp theo chàng !

                                     Đỗ Chiêu Đức.


          Bên Hồ Than Thở

Cung nước Sương Mai (*) luỵ xót nàng
Đồi thông rên rỉ tiếng kêu than
Bên hồ đôi bóng từng minh thệ
Dưới nguyệt một lòng giữ ước đoan
Hộ đối chia lìa duyên mộng thắm
Môn đăng tan vỡ giấc mơ vàng
Chuyện tình cay đắng đành ôm hận
Than Thở hồ xưa đến với chàng.
                                 Quên Đi
(*) Sương Mai là một tên gọi của hồ Than Thở.


Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Trần Quang Khải


Trần Quang Khải sinh năm 1240, mất năm 1294, là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông.
Dưới triều Trần Thánh Tông (1258 - 1278). Trần Quang Khải được phong tước Chiêu minh đại vương. Năm 1274, ông được giao giữ chức Tướng quốc Thái úy. Năm 1282, dưới triều Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải được cử làm Thượng tướng Thái sư, nắm giữ quyền nội chính. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt thứ hai, sau Trần Quốc Tuấn, có nhiều công lao lớn trên chiến trường.
Trong sự nghiệp quân sự của Thượng tướng Trần Quang Khải, thì trận ông chỉ huy đánh tan quân Nguyên ở Chương Dương và Thăng Long, khôi phục kinh thành vào cuối tháng 5-1285 "là chiến công to nhất lúc bấy giờ", như sử sách từng ca ngợi.

Trận Nghệ An
Đầu năm 1285, quân Nguyên tràn sang tấn công Đại Việt với sức công kích rất mạnh. Thái sư Trần Quang Khải suýt tử thương khi thuyền của ông đang ngủ bị bốc cháy, may nhờ có vợ là công chúa Phụng Dương đánh thức, thoát được

Tuy nhiên, dưới sự điều động tài tình của Hưng Đạo Vương, quân Đại Việt đã thực hiện các cuộc nghi binh, đưa quân Nguyên vào thế bị động. Năm Ất Dậu (1285), Toa Đô từ Chiêm Thành theo đường bộ kéo ra Nghệ An tấn công quân Nam, có Ô Mã Nhi dẫn quân đi đường biển tiếp ứng. Được tin, Hưng Đạo Vương tâu vua xin cho Thượng tướng Trần Quang Khải đưa binh vào đóng mặt Nghệ An, và cho Trần Bình Trọng giữ Thiên Trường, rồi rước xa giá ra Hải Dương. Trần Quang Khải vào đến Nghệ An, chia quân phòng giữ. Thấy thế giặc quá mạnh, ông cho lui quân ra mặt biển và giữ các nơi hiểm yếu. Quân của Toa Đô đánh mãi không được, cạn lương, bèn cùng với Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền trở ra Bắc. Trần Quang Khải hay tin cho người về Thanh Hóa cấp báo. Vua cho Chiêu Văn VươngTrần Nhật Duật cùng Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân ra đón đánh tại Hàm Tử Quan thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên . Quân Nguyên thua to chết hại rất nhiều.
Trận Chương Dương Độ, khôi phục Thăng Long

Lúc bấy giờ đại binh của Thoát Hoan đóng tại Thăng Long , còn chiến thuyền thì đóng ở bến Chương Dương, thuộc địa phận huyện Thượng Phúc. Trần Quang Khải được lệnh vua, cùng Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão đem quân từ Thanh Hoá đi thuyền vòng đường biển ra đến bến Chương Dương tấn công chiến thuyền của quân Nguyên. Quân Nguyên địch không nổi phải bỏ thuyền lên bờ chạy. Trần Quang Khải đem quân lên bờ đuổi đánh về đến chân thành Thăng Long, nhưng ông lập mưu cho phục binh đóng sẵn ngoài thành. Thoát Hoan đem quân ra đánh, bị phục binh đánh úp, quân Nguyên đại bại phải bỏ thành Thăng Long vượt sông Hồng giữ mặt Kinh Bắc ( Bắc Ninh ngày nay). Trần Quang Khải cho quân vào thành chiếm lại Thăng Long, và cho quân về Thanh Hoá báo tin. Trong vòng hai tháng, đại phá quân Nguyên hai lần tại Hàm Tử và Chương Dương, nên khí thế quân nhà Trần trở nên rất mạnh, sau đó thắng nhiều trận liên tiếp và đuổi được Thoát Hoan về Trung Quốc.

Trần Quang Khải còn là một nhà ngoại giao giỏi. Năm 1281, khi nhà Nguyên chuẩn bị xâm lược Việt Nam lần thứ hai, chúng cho Sài Thung đem 1.000 quân đưa bọn Trần Dĩ ái về nước. Khi tới biên giới, quân Nguyên bị nhà Trần phục đánh. Trần Dĩ ái bỏ chạy. Sài Thung được "rước" về Thăng Long để dùng vào kế hoãn binh để có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với giặc. Lúc Sài Thung về Trung Quốc, Trần Quang Khải làm bài thơ tiễn tặng rất thân, nhã, đoạn kết có câu viết:

Vị thẩm hà thời trùng đỗ diện,
Ân cần ác thủ tự huyên lương.
(Chưa biết ngày nào lại cùng gặp mặt,
Để ân cần nắm tay nhau hàn huyên
).

Đối với viên sứ giả hống hách của một nước sắp tràn quân sang xâm lược, thái độ Trần Quang Khải vẫn ung dung, niềm nở như vậy, đó cũng thể hiện một nghệ thuật ngoại giao khôn khéo của ông và con người Việt Nam thời ấy.
Trong văn học sử Việt Nam, Trần Quang Khải là một nhà thơ có vị trí không nhỏ. Thơ ông sáng tác có tập Lạc đạo, nay đã thất truyền, chỉ còn lưu được một số bài. Là một vị tướng cầm quân xông pha khắp trận mạc đánh giặc, song thơ ông lại "thanh thoát, nhàn nhã", "sâu xa, lý thú" (Phan Huy Chú). ấy cũng là cốt cách phong thái của các vua Trần, của người Việt Nam ngàn đời nay. Hãy đọc bản dịch bài thơ Vườn Phúc Hưng của Trần Quang Khải để thấy rõ hơn tâm hồn ông:

Phúc Hưng một khoảnh nước bao quanh,
Vài mẫu vườn quê đất rộng thênh.
Hết tuyết chòm mai hoa trắng xóa,
Quang mây đỉnh trúc sắc tươi xanh.
Nắng lên mời khách pha trà nhấp,
Mưa lạnh sai đồng dỡ thuốc nhanh,
Báo giặc ải Nam không khói lửa,
Bên giường một giấc ngủ êm lành.

(Theo Hoàng Việt thi văn tuyển).

Tâm hồn Trần Quang Khải vừa thoáng đạt, vừa gần gũi, gắn bó với cuộc sống bình dị của đất nước và con người:

Nhất thanh ngưu địch thanh lâu nguyệt,
Kỷ phiến nông soa bích lũng vân.
(Tiếng sáo mục đồng dưới ánh trăng bên lầu xanh, Mấy chiếc áo tơi dưới mây trên ruộng biếc)
          (Chùa Dã Thự).

Cuộc đời Trần Quang Khải là một cuộc đời sung mãn, khí phách dọc ngang. Vào tuổi 50, Trần Quang Khải vẫn còn viết những câu thơ đầy khát vọng anh hùng:
 
Linh bình đởm khí luân khuân tại,
Giải đảo đông phong phú nhất thi.

 
(Chí khí dũng cảm lúc còn trẻ vẫn ngang tàng, hăng hái. Muốn quật ngã ngọn gió đông, ngâm vang một bài thơ).
Ngoài bài Tụng giá hoàn kinh sứ, Lưu Gia độ (Bến đò Lưu Gia) cũng là một bài thơ nổi tiếng của Trần Quang Khải, có thể xếp vào trong số những bài thơ hay của thơ cổ Việt Nam.
 
Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên,
Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền.
Cựu tháp giang đình lưu thủy thượng,
Hoang tử cổ trùng thạch lân tiền.
Thái bình đồ chí kỷ thiên lý,
Lý đại quan hà nhị bách niên.
Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.
 
Bến đò Lưu Gia cây cao ngất trời,
Xưa phò giá sang đông từng đỗ thuyền nơi đây.
Tháp cũ, đình xưa dựng trên sông thu,
Đền hoang, mộ cổ trước mấy con lân đá.
Bản đồ thái bình ghi mấy ngàn dặm,
Non sông nhà Lý trải hai trăm năm.
Khách thơ nay trở lại đầu đã bạc,
Hoa mai như tuyết chiếu xuống sông trong.

Những vần thơ Trần Quang Khải để lại là những ánh hào quang, ghi dấu ấn của một sự nghiệp lớn trong cuộc đời vị Thượng tướng nhà Trần - vừa làm thơ, vừa đánh giặc.

Vinh danh

Chính sử không chép rõ Trần Quang Khải tham gia trong Chiến Tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần 3 như thế nào. Sau chiến thắng này, triều đình luận công ban thưởng, Trần Quốc Tuấn có công lớn nhất, được phong tước Đại vương. Trần Quang Khải cũng được xếp công thần hạng nhất.

Sử chép:
"Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh ngang với Quốc Tuấn." ”
                                —Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

Ông tiếp tục phụng sự triều đình cho đến khi mất ngày 3 tháng Bảy âm lịch năm Hưng Long thứ hai (tức 26 tháng 7 năm 1294) đời vua Trần Anh Tôn. Vợ ông là công chúa Phụng Dương đã mất trước đó 3 năm. Ông bà được chôn cất tại thái ấp của mình, được thờ làm Thành Hoàng làng Cao Đài.

Con ông là Văn Túc Vương Trần Đạo Tái cũng rất có tài văn học, được Thượng hoàng ưu ái hơn các em thúc bá khác, nhưng đáng tiếc mất sớm.

Trần Quang Khải được người dân Việt Nam lập đền thờ ở một số nơi; như tại đình làng Phương Bông, ngoại thành Nam Định. Tại Phường Bông cũng lưu lại điệu múa "bài bông" được người dân ở đây cho là khởi xướng bởi Trần Quang Khải trong tiệc "Thái bình diên yến" do Trần Nhân Tông tổ chức sau khi chiến thắng quân Nguyên. Tại đền Thái Vi ở Hoa Lư, Ninh Bình ông cùng với Trần Hưng Đạo được đúc tượng phối thờ trong hậu cung cùng với các vị vua nhà Trần. .

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm và Tổng Hợp


Khúc Đắng

Sương buồn nhuốm lạnh mấy cung tơ
Hiu hắt cành khô đẫm lệ mờ
Cung Quế vắng tênh tìm mộng cũ
Hằng Nga chiếc bóng tủi ngày thơ
Chương Đài khóc hận đời chia cách
Mòn mỏi Tiêu Tương kiếp đợi chờ
Én bắc nhạn nam tình viễn xứ
Canh tàn quạnh quẽ bóng trăng trơ

                                   
Quên Đi


 

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Vui Cười 21

Ăn gì trước 

Hai anh em nói chuyện với nhau:
Anh hỏi em: Nếu có một cái ôtô bằng sô cô la thì em sẽ ăn bộ phận
nào trước?
Em: Em sẽ chén ngay mấy cái bánh xe trước.
Anh: Tại sao vậy?
Em: Em phải ăn mấy cái bánh xe trước để nó không chạy được nữa. Nếu mình ăn các bộ phận khác thì xe chạy mất làm sao?
Anh: !!! 

Voi ăn vụng
Bà mẹ quát cậu con trai: 
- Này, con hay ăn vụng thì tai sẽ to ra nhiều đấy! 
- Hứ, nhưng con có ăn vụng đâu!... À, vậy chắc là voi hay ăn vụng lắm mẹ nhỉ? 
- Sao con lại hỏi vậy? 
- Thì mẹ không thấy tai con voi to thế kia à ??!
 

o O o
 

Vừa đi vừa ngủ

Bé Bi ham chơi không chịu đi ngủ, Mẹ nhắc nhở: 

- Bi! Con có vào đi ngủ ngay không? 
- Con không thể vừa đi vừa ngủ được mẹ ạ! 
...!

Tại sao bụng mẹ to?

Cu Tí thấy bụng mẹ ngày một to thì thắc mắc với bố: 
- Bố ơi, sao bụng mẹ lại to thế ạ? 
- À, chuyện này hết sức bình thường con ạ! - Ông bố cảm thấy rất khó nói vì đây là vấn đề nhạy cảm - Ví dụ như trong tổ ong chẳng hạn... 
Rồi ông bố giải thích vòng vo một hồi về ong chúa, ong thợ về mật, hoa... và hỏi: 
- Con đã hiểu chưa? 
- Rồi ạ! Mẹ bị to bụng là do... ong thợ đốt! 
- !??

 

Đúng quá rồi

Sau khi đã mất một giờ giải thích cho một lớp học sinh nhỏ tuổi về giá trị tương đối của những đồng tiền xu, cô giáo kiểm tra một em học sinh, hỏi em là nếu có hai đồng nửa penny và một đồng penny thì em thích lấy đồng nào hơn. Em gái này tuyên bố tức thì: 
- Em thích lấy hai đồng nửa penny hơn. 
Cô giáo hỏi: 
- Tại sao thế? Có phải cô đã nói đi nói lại với các em bao nhiêu lần là một đồng penny luôn bằng hai đồng nửa penny cơ mà?. 
Em học sinh trả lời: 
- Thưa cô đúng ạ, nhưng nếu em mất một đồng nửa penny, thì em vẫn còn đồng kia ạ. Trong khi đó nếu như em mất một đồng penny thì em chả còn gì cả!

Giáo dục nên bắt đầu từ...

Nhà trường tiểu học nọ mời phụ huynh học sinh tới dự. Thầy giáo chủ nhiệm giới thiệu với những người đến dự cuộc họp về kinh nghiệm giáo dục học sinh: 
- Giáo dục trẻ em, đầu tiên cần bắt đầu từ đây... 
Ông ta chỉ, chỉ vào đầu mình. 
Một phụ huynh béo nung núc đứng dậy, nói: 
Tôi giáo dục cậu con trai của tôi, ban đầu cũng bắt đầu từ cái đầu của nó, ai ngờ mới một gậy mà đã lăn ra ngất luôn. Thực tiễn chứng minh, vẫn là nên bắt đầu từ mông của con là tốt hơn.

(theo http://cuoi.xitrum.net/)