Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Cổ Học Tinh Hoa Tập 5





89. THÂN TRỌNG HƠN THIÊN HẠ

Nước Hàn, nước Ngụy muốn lấn đất của nhau, Tử Hoa Tử đến ra mắt vua Chiêu Nghi nước Ngụy, thấy vua có dáng lo buồn mới hỏi rằng:
"Giá bây giờ cả bao nhiêu nước họp nhau, đính ước một câu và khắc câu ấy trước mặt vua rằng: "Tay trái lấy thiên hạ thì hỏng mất tay phải; tay phải lấy thiên hạ thì hỏng mất tay trái". Hỏng mất một tay mới lấy được thiên hạ, thế thì nhà vua có bằng lòng lấy thiên hạ không?"

Vua Chiêu Hi nói: "Thế thì ta chẳng lấy thiên hạ làm gì".
Tử Hoa Tử thưa: "Nhà vua nói phải lắm. Cứ xem như thế thì hai cánh tay trọng hơn cả thiên hạ, thì cái thân ta trọng hơn hai cánh tay ta lại đáng trọng hơn biết là bao! Nước Hàn so với cả thiên hạ bé nhỏ thấm vào đâu! Miếng đất tranh nhau so với cả nước Hàn bé nhỏ thấm vào đâu! Thế mà sao chỉ vì lo không tranh được miếng đất nhỏ ấy, mà nhà vua đến nỗi ủ dột, buồn rầu, mất ăn, mất ngủ, thương sinh quá như vậy?"

Vua Chiêu Hi nói: "Phải lắm. Người dạy bảo quả nhân cũng nhiều, nhưng chưa từng thấy ai dạy bảo quả nhân được những lời như thế."
Tử Hoa Tử bàn như thế mới thực là người biết điều khinh, điều trọng ở đời vậy.

GIẢI NGHĨA

Hàn: một nước lớn trong bảy nước thời Chiến Quốc ở vào trung bộ Hà Nam bây giờ.

Ngụy: cũng là một nước lớn về thời đại ấy, ở vào bắc bộ Hà Nam và phía nam Sơn Tây bây giờ.

Tử Hoa Tử: một nhà học thuyết giỏi nước Ngụy đời vua Chiêu Hi.

LỜI BÀN

Mất một cánh tay mà được cả thiên hạ còn không muốn, huống chi hại cả cái thân mà được một miếng đất cỏn con lại còn muốn hay sao! Thế mới hay, tất cả mọi người, trên tự vua chúa dưới đến thường dân ai ai cũng biết trọng cái thân mình, quí thân mình hơn cả ngoại vật, nhưng tiếc thay những kẻ có quyền thế trong tay thường chỉ biết mến một cái thân mình, còn cái thân của người, của bao nhiêu người lại nỡ đem ra sát hại để thỏa chút lòng tham muốn, cầu lợi rất đáng khinh bỉ. Nếu ai cũng biết thương sinh là hại, sát sinh là bất nghĩa, thì còn đâu là những sự chiến tranh hại kể có đến muôn, triệu tính mệnh sinh linh!

90. CHÚC MỪNG


Vua Nghiêu đến chơi đất Hoa. Viên quan giữ cõi đất Hoa chúc rằng:
- Xin chúc nhà vua sống lâu.
Vua Nghiêu nói: Đừng chúc thế.
Viên quan lại chúc: Xin chúc nhà vua giàu có.
Vua Nghiêu nói: Đừng chúc thế.
Viên quan lại chúc: Xin chúc nhà vua lắm con trai.
Vua Nghiêu nói: Đừng chúc thế.
Viên quan lấy làm lạ, hỏi: Sống lâu, giàu có, lắm con trai, người ta ai cũng muốn, một mình nhà vua không muốn là cớ làm sao?

Vua Nghiêu nói: Lắm con trai thì sợ nhiều; giàu có thì công việc nhiều; sống lâu thì nhục nhã nhiều. Ba điều ấy không phải là những điều gây nên đức hay cho mình nên ta từ chối.

Viên quan nói: Nhà vua như thế thực là một bậc quân tử. Nhưng trời sinh ra người, mỗi đứa cho làm một việc thì có lo sợ gì. Giàu có mà biết đem chia của với người ta thì còn công việc gì? Ăn uống có chừng, ngủ có độ, trong bụng lúc nào cũng thư thái tự nhiên, thiên hạ hay ra, thì cũng hay với thiên hạ, thiên hạ mà dở thì làm cho thiên hạ hay, trăm tuổi thì nhắm mắt về cõi rất vui, một đời không có tai họa gì, thì còn nhục nhã làm sao được.

Viên quan nói xong lùi ngay. Vua Nghiêu còn muốn nói nữa thì cho theo không kịp.

GIẢI NGHĨA

Nghiêu : Một trong Ngũ Đế của Trung Hoa

Hoa: chỗ vua Nghiêu đóng kinh đô.

91. NGƯỜI BÁN THỊT DÊ


Vua Chiêu Vương nước Sở mất nước, phải bỏ chạy. Có người hàng thịt dê tên là Duyệt, cũng chạy theo vua.

Sau vua Chiêu Vương lại trở về, lấy lại được nước. Vua bèn thưởng những người chạy theo khi trước, có cả anh hàng thịt dê nữa. Ai ai cũng nhận thưởng, chỉ có anh hàng thịt dê từ chối, nói rằng:
- Trước nhà vua mất nước, tôi mất nghề bán thịt dê, nay nhà vua còn nước, tôi còn nghề bán thịt dê. Thế là tôi giữ được nghiệp cũ đủ ăn rồi, còn đâu dám mong thưởng gì nữa.

Vua cố ép. Người hàng thịt dê thưa rằng:
- Nhà vua mất nước không phải tội tôi, nên tôi không dám liều chết; nhà vua lấy lại được nước không phải công tôi, nên tôi không dám lĩnh thưởng.

Vua bảo để rồi ra đến nhà ngươi chơi vậy.
Người hàng thịt dê nói: Theo phép nước Sở, phàm người nào có công to được trọng thưởng thì vua mới đến nhà. Nay tôi xét tôi trí mưu không đủ giữ được nước, dũng cảm không đủ giết được giặc. Quân giặc vào trong nước, tôi lánh nạn, phải theo nhà vua chớ có phải là cốt ý theo nhà vua đâu! Nay nhà vua lại muốn bỏ phép nước mà đến chơi nhà tôi, tôi e thiên hạ lại chê cười chăng.

Chiêu Vương thấy nói, ngoảnh lại bảo Tư Mã Sử Ký rằng: Người hàng thịt dê này tuy làm nghề vi tiện mà giãi bày nghĩa lý rất cao xa. Nhà ngươi làm thế nào mời được người ấy ra giữ chức tam công cho ta.

Người hàng thịt dê nói: tôi biết chức tam công là quí hơn cửa hàng bán thịt dê, bổng lộc nghìn vạn, giàu hơn tiền lãi bán thịt dê. Nhưng tôi đâu dám tham tước lộc mà để nhà vua mang tiếng là gia ơn không phải nghĩa. Tôi thực không dám nhận. Xin cho về giữ lấy nghề bán thịt dê.

Nói đoạn lui ra ngay.

Trang Tử

GIẢI NGHĨA


Tam công: ba chức quan to, đời nhà Chu thì là Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo, đời nhà Tây Hán thì là Đại Tư Mã, Đại Tư Đề, Đại Tư Không, đời nhà Đông Hán thì là Thái Úy, Tư Đồ, Tư Không.

LỜI BÀN


Vua Chiêu Vương muốn thưởng là lấy cái ý khi mình gặp bước lưu vong mà người ta đi theo mình, là người ta có lòng trung thành với mình. Người hàng thịt dê không nhận thưởng là lấy cái nghĩa không đáng nhận vì không có công cán gì. Nếu ai cũng biết an phận thủ thường, quí trọng nghề nghiệp như người bán thịt dê, thì còn ai là kẻ ham mê phú quí, quyền thế và sự thưởng phạt ở đời chẳng là công minh lắm ư! Thực đáng làm gương cho những kẻ không biết liêm sỉ, tài năng công đức chẳng có gì, mà cũng cố cày cục, chạy chọt lấy chút phẩm hàm chức vị để lòe đời vậy.

92. Thành thực

Vợ thầy Tăng Tử đi chợ. Con khóc đòi đi theo. Mẹ bảo:
Con ở nhà rồi mẹ về mẹ làm thịt con lợn cho ăn.
Lúc vợ về thầy Tăng Tử bắt lợn đi làm thịt.
Vợ nói:
Tôi nói đùa nó đấy mà.
Thầy Tăng Tử bảo:
Nói đùa là thế nào? Đứng khinh trẻ thơ là không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt trước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy nó nói dối ư!
Tăng Tử nói xong, làm thịt lợn cho con ăn thực.

Lời bàn: "Ấu tử thương thi vô cuồng"; câu kinh Lễ đã dạy, ta không nên nói dối trẻ. Thầy Tăng Tử nhà nghèo, phải giết lợn, mẹ thầy Mạnh Tử cũng có mua miếng thịt lợn nhà láng giềng cho con ăn, đều là đã trót nói đùa vời trẻ cho ăn thịt lợn, thì không muốn dối trá nó, để giữ lấy lòng thực. Phàm cha mẹ, ai là không muốn cho con thành thực. Nhưng muốn như vậy, tất phải giữ gìn, chớ có nói dối nó bao giờ. Lục Chí có câu nói rằng: " Nếu mình không hết lòng thành mà mong người ta hết lòng thành, chắc người ta chán mình mà không theo mình nữa. Lần này mình không có lòng thành mà bảo lần sau rồi có lòng thành, chắc người ta ngờ vực mà không tin nữa". Cũng một ý với thầy Tăng Tử dạy con vậy.

93.Mẹ hiền dạy con

Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ nhà gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt trước đào, chôn lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nói:
Chỗ này không phải chỗ con ta ở được
Rồi dọn nhà ra gần chợ. Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước người ta buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế lại nói:
Chỗ này cũng không phải là chỗ con ta ở được.
Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thầy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói:
Chỗ này là chỗ con ta ở được đây.

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ:
Người ta giết lợn làm gì thế?
Bà mẹ nói đùa:
Để cho con ăn đấy.
Nói xong, bà nghĩ lại hối rằng:
Ta nói lỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?

Rồi bà đi mua thịt lợn về cho con ăn thật.

Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng:
Con đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy.

Từ hôm đó thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần rồi về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng nhờ có cái công giáo dục quý báu của bà mẹ hay sao?

Liệt Nữ Truyện

Lời bàn: mẹ thầy Mạnh Từ thực là biết dạy con. Mấy lần dọn nhà, thế là hiểu cái lẽ gần mực thì đen gần đen thì rạng. Nói lỡ lời phải mua thịt cho con ăn, thế là hiểu cái lẽ chớ nên nói dối trẻ. Thấy nó bỏ học mà cầm dao cắt đứt tấm vải làm thí dụ, thế là hiểu cái lẽ học hành cốt phải chuyên cần. Người ta đã nói: người mẹ là thầy giáo thứ nhất của trẻ, nên người mẹ phải biết cách dạy trẻ mới được. Dạy con từ thuở còn thơ, cái buổi đầu là cái buổi khó, mà cái buổi ấy là ở trong tay người mẹ, người mẹ tức là người có trách nhiệm gia đình giáo dục rất to, không kém gì người cha, mà có lẽ hơn.

94. Ngọc bích họ Hòa

 Nước Sở có người họ Hòa, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lê Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: "Đá không phải ngọc". Vua cho người họ Hòa là nói dối, sai chặt chân trái.

Đến khi vua Vũ Vương nối ngôi, người họ Hòa lại đem ngọc đên dâng. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: "Đá không phải ngọc"

Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hòa thưa: " Tôi khóc không phải là thương hại chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối". Vua bèn sai người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là "ngọc bích họ Hòa".

Hàn Phi Tử

Giải nghĩa:
Sở: xem bài 9
Lê Vương, Vũ Vương, Văn Vương: ba vua kế tiếp nước Sở
Ngọc bích: thứ ngọc rất đẹp, rất quý hiếm

Lời bàn: Người ta ở đời thường mờ mịt của thật cho là của giả, sự phải ngờ là sự trái. Hoặc có ai biết lẽ phải, muốn đem ra bày tỏ, mà thiên hạ không biết cho, lại còn mỉa mai, thì thực là khổ tâm. Người họ Hòa không đau vì nỗi hai chân bị chặt chỉ vì đau vì nỗi ngọc mà cho là đá, nói thực cho là nói dối, quả là một người vì yêu cái thực, cái phải, cố làm cho sự thực, sự phải phá đổ đực sự u mê của người đời.

95.Nuôi gà chọi

 Vua Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi.
Được mười hôm, vua hỏi:
Gà đã đem chọi được chưa?

Kỷ Sảnh thưa:
Chưa được, gà hăng lắm, chưa thấy gà khác đã muốn chọi rồi.

Cách mười hôm, vua hỏi:
Gà đã đem chọi được chưa?

Kỷ Sảnh thưa:
Chưa được, gà còn hăng, mới thấy bóng gà khác đã muốn chọi rồi.

Cách mười hôm, vua lại hỏi:
Gà đã chọi được chưa?

Kỷ Sảnh thưa:
Chưa được, gà còn hơi hăng, trông thấy gà khác đã muốn chọi rồi.

Mười hôm sau, vua lại hỏi:
Gà đã đem chọi được chưa?

Kỷ Sảnh thưa:
Được rồi, gà bây giờ cho nghe thấy tiếng gà khác cũng không cho vào đâu. Trông thì tựa như gà gỗ, mà thực thì đủ các ngòn hay. Gà khác coi cũng đủ sợ, phải lùi chạy.

Trang Tử

Giải nghĩa:
Tuyên Vương: đây là Tuyên Vương nước Tề
Gà gỗ: chữ là Mộc Kê. Các nhà làm văn hay dùng hai chữ ấy để khen những bậc học tập, tu dưỡng được hoàn toàn, không có gì bộc lộ ra ngoài.

Lời bàn:
1. Chưa trông thấy gà khác đã muốn chọi thế tức khí hão chớ vì tất chọi mà đã được.
2. Trông thấy bóng gà khác đã muốn chọi thế là cậy khỏe chớ vị tất chọi mà đã được.
3. Trông thực thấy gà khác đã muốn chọi thế là còn hiếu thắng chớ vị tất chọi mà đã được.
Chỉ đến lúc mất hết tất cả tức khí, cậy khỏe, hiếu thắng, luyện đã được hình toàn thần toàn đủ hết cả ngón hay, mà trông bề ngoài trơ ra như gỗ, là lúc ấy mới chọi được, có khi không phải đợi chọi, gà khác ngó thấy cũng đủ sợ mà trốn chạy rồi. Thế mới hay những bậc thánh hiến chỉ thu cái tài vào khuôn phép nén cái khí vào tâm thần, chỉ cốt trong mình cho đầy đủ, không có ý gì tranh cạnh với ai, mà thiên hạ hồ dễ ai cạnh tranh nổi. Chớ những kẻ chỉ vụ bề ngoài, chăm chăm danh lợi, có tranh giành mới lấy làm vui lòng, có tham lam mới lấy làm mãn nguyện, còn là những hạng tầm thường, có khi hại đến thân mà vẫn tự đắc cho là phải.

96. Dùng chó bắt chuột

Nước Tề có người xem tướng chó giỏi. Nhà láng giềng nhờ mua một con chó hay bắt chuột. Một năm trời anh ta mới mua được, bảo nhà láng giếng: "Con chó này tốt đấy"

Nhà láng giềng nuôi chó mấy năm mà không thấy nó bắt chuột, mới nói chuyện với anh ta. Anh ta bảo: "Con chó tốt lắm đấy. Nhưng cái chí nó chăm bắt hươu nai, cầy, cáo chớ không muốn bắt chuột. Bây giờ muốn nó bắt chuột thì phải cùm chân nó lại."

Nhà láng giềng làm theo như thế, quả sau con chó hay bắt chuột.

Lã Thị Xuân Thu

Lời Bàn: con chó trước không bắt chuột, là vì nó có tài bắt những hươu nai, không thèm bắt chuột. Sau nó bắt chuột, là vì người ta đã cùm chân, hãm cái tài nó lại, không cho chạy nhanh quá. - Cốt ý bài ngụ ngôn này nói kẻ có đại tài mà đem dùng vào việc nhỏ thì không được việc. Muốn cho được việc, thì người dùng tất phải biết chế hạn cái tài ấy lại. Nên người có tài mà làm được việc hay không làm được việc là cốt ở người biết dùng hay không biết dùng mà thôi. Nhưng muốn cho người có cái tài to làm việc nhỏ thì phải làm cho mất cái tài to đi đã, thì chẳng đáng tiếc cho người có tài mà chẳng gặp được tri kỷ lắm ru !

97. Lời người bán cam

Ở Hàng Châu có người bán các thứ quả, khéo để dành cam, lâu mà không úng, vỏ vẫn đỏ hồng, trông đẹp như vàng, như ngọc, đem ra chợ bán giá đắt, mà người ta tranh nhau mua. Ta cũng mua một quả. Đem về, bóc ra, hơi xông lên mũi, múi xác như bông nát. Ta liền đem ra chợ hỏi người bán cam:
Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi tân khách hay là chỉ làm cho choáng bề ngoài để đánh lừa người ta? Tệ thật! Anh giả dối lắm!

Người bán cam cười nói:
Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, người ta mua, chẳng ai nói gì, chỉ có ông là kêu ca. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải gì một mình tôi? Ông thật không chịu nghĩ đến nơi.. Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm kỳ thực không biết có giỏi được như Tôn Tẩn, Ngô Khởi hay không? Người đội mũ cao, đóng đai dải, đường hoàng trông ra dáng quan văn lắm, kỳ thực không biết có giỏi như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc nổi không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương, không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của quy, oai vệ, hách dịch vô cung!.. Đó bề ngoài chẳng như vàng, như ngọc, mà bên trong chẳng như bông nát là gì? Ông không chịu xét những hạng người ấy mà đi xét quả cam của tôi!

Ta nghe nói thế, nín lặng, không trả lời được ra làm sao. Ta nghĩ người ấy ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục mới thác ra chuyện bán cam để dạy người đời chăng?

Lưu Cơ

Giải nghĩa
Hàng Châu: tên một phủ tức tỉnh lỵ Chiết Giang bây giờ
Tôn Tẩn, Ngô Khải : hai người làm tướng võ giỏi thời Chiến quốc
Y Doãn tướng giỏi đời vua Thang nhà Thương
Cao Dao tướng giỏi thời vua Nghiêu vua Thuấn

Lời bàn: Người bán cam đây chẳng qua chính là tác giả. Mà cốt ý của tác giả là muốn lấy quả cam đẹp vỏ, thối ruột mà bóc cả cái hách dịch oai vệ bề ngoài của những bậc quan lớn một đời suy đốn, để phơi bày cái thực tình bất tài, bất tri, bất dũng ở bên trong. Nói rộng ra, bài này có ý dạy ta không nên tin bề ngoài, cũng như những bài ngụ ngôn nói: cái thùng không, bông lúa lép hay những câu ca dao:

Trông em, anh ngỡ sao mai, biết rằng trong có như ngoài hay không.
Nhác trông ngỡ tượng tô vàng, nhìn ra mời biết chẫu chàng ngày mưa
Thật là có ý vị.

98. VỢ CHỒNG NGƯỜI NƯỚC TỀ


Người nước Tề có hai vợ, vợ cả và vợ lẽ. Ngày ngày, chồng cứ sáng ra đi, tối đến mới về, mà hôm nào về cũng no say phè phỡn. Hai vợ thường hỏi:
"Đi ăn với ai mà đi luôn thế?"
Anh ta nói: "Ta đi ăn với toàn những bậc giàu có, sang trọng cả".

Một hôm, vợ cả bảo vợ bé: "Chồng ta chơi bời toàn những bậc giàu sang , mà sao không thấy một người nào giàu sang đến chơi nhà nhỉ? Ta thử dò xem chồng ta đi những đâu và chơi với những ai".
Hôm sau, vợ cả dậy sớm, lẻn đi theo chồng. Đi cùng làng này, xóm khác, chẳng thấy một người nào dừng lại nói chuyện với chồng mình cả. Khi đi đến phía đông ngoại thành, thấy có đám cất mả, người ta đang tế lễ, ăn uống, đã thấy chồng lật đật lại đấy, xin những cơm thừa canh cặn, ăn lấy ăn để. Ăn xong, lại ngong ngóng đi chỗ khác.
Bấy giờ chị ta mới rõ cái cách chồng ngày ngày ăn uống no say là thế, tủi thẹn vô cùng, ngậm ngùi trở về; kể chuyện cho vợ bé nghe, rồi than rằng: "Chồng là người trông cậy suốt đời, ai ngờ chị em ta lại gặp phải một người chồng đê mạt quá đến như thế!". Nói đoạn, hai người ngồi trông nhau giữa sân sụt sùi khóc. Ngay lúc đấy anh chồng ngất ngưởng ở đâu về, vẫn ra bộ làm kiêu với hai vợ như những hôm trước.

Ôi! Đem con mắt tinh đời mà coi, thì ngày nay những kẻ cầu công danh phú quí hồ dễ không mấy kẻ mà ở nhà vợ cả vợ lẽ không thẹn không tủi, không ngấm ngầm khóc với nhau như hai vợ người nước Tề này!

Mạnh Tử

GIẢI NGHĨA

Mạnh Tử: tên là Kha, lúc nhỏ được mẹ hiền dạy bảo, lúc lớn theo học thầy Tử Tư, lúc học hành, đi du lịch các nước Chư hầu. Về sau biết đạo thông hành, cùng làm sách với học trò là Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương. Đời sau nhặt những câu Mạnh Tử đối đáp với học trò và vua các nước Chư hầu làm quyển Mạnh Tử, bảy thiên.

LỜI BÀN

Lấy đức, lấy tài, lấy học thức đường đường chính chính mà được công danh phú quí thì còn gì bằng. Nhưng nịnh nọt, luồn cúi, làm những việc đê hạ, mất cả phẩm giá con người, để chen chúc vào đám công danh để cầu lấy chút phú quí, thì tưởng không còn gì đáng khinh hơn nữa! Thế mà đến lúc được công danh phú quí, lại còn vác mặt làm cao, ra dáng hách dịch, thiên hạ người ta biết ta, thì còn ai cho vào đâu nữa! Tưởng rằng khuất một người để đẻ muôn nghìn người, nhưng người ta có e lệ bề ngoài, trong bụng người ta cũng không sao trọng được. Thầy Mạnh Tử đặt ra câu chuyện người nước Tề này thật là phơi bày được cái xấu xa của những kẻ quen thói cầu công danh phú quí "hôn dạ khất ai, kiêu nhân bạch nhật" (đêm khuya van lạy, ban ngày vênh váo khinh người) vào những thời buổi mạc tục vậy.

99. ĐẦY THÌ ĐỔ

Đức Khổng Tử vào xem miếu Hoàn Công nước Lỗ, có một cái lọ dựng nghiêng. Ngài hỏi người coi miếu. Người này nói rằng:
"Đó là một vật quí của nhà vua thường để bên chỗ ngồi chơi để làm gương."
Đức Khổng Tử nói: "Ta nghe nói nhà vua có vật quí để làm gương, vật đó bỏ không thì đứng nghiêng, đổ nước vừa vặn thì đứng ngay, mà đầy quá thì lại đổ, có lẽ vật này chăng."

Ngài bèn sai học trò đổ nước vào. Quả nhiên nước đổ vừa thì lọ đứng ngay; nước đổ đầy thì lọ đổ; bỏ không thì lọ lại đứng nghiêng. Ngài chép miệng than rằng: Hỡi ôi! Ở đời chẳng có cái gì đầy mà không đổ!

Thầy Tăng Tử nói: Dám hỏi có cách gì giữ cho đầy mà không đổ không?
Ngài nói: Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu độn, công lao to lớn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung; sức khỏe hơn đời nên giữ bằng tính nhút nhát; giàu có bốn bể nên giữ bằng thói nhún nhường. Đó là cách đổ bớt đi để giữ cho khỏi quá đầy mà đổ.

Tuân Tử

LỜI BÀN

Mặt trời đứng bóng rồi xế, mặt trăng tròn rồi lại khuyết; nhân sự cũng vậy, thăng rồi trầm, thịnh rồi suy, đó là luật tự nhiên khó mà tránh khỏi. Tuy vậy cứ theo lời dạy của Khổng Tử đây thì cũng có cách giữ được lâu dài mà không suy đổ. Cách ấy là "Hữu nhược vô, thực nhược hư" nghĩa là có mà như không, đầy đặc mà như trống rỗng.

100. ÔNG LÃO BÁN DẦU

Ông Trần Nghiêu Tư làm quan đời nhà Tống, bắn cung giỏi có tiếng ở đời bấy giờ không ai bằng. Ông cũng lấy thế là kiêu căng.

Ông thường bắn trong vườn nhà. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, đặt gánh xuống, ngấp nghé xem mãi. Ông lão thấy ông Nghiêu Tư bắn mười phát trúng được tám chín thì hơi gật gù mỉm cười. Nghiêu Tư gọi vào hỏi:
"Nhà ngươi cũng biết bắn à? Ta bắn chưa được giỏi hay sao?"

Ông lão nói: Chẳng phải giỏi gì cả. Chẳng qua là quen tay thôi.

Nghiên Tư giận lắm, bảo: À nhà ngươi giám khinh ta bắn không giỏi à?

Ông lão nói: Cứ xem tôi rót dầu thì đủ biết.
Nói đoạn bèn lấy một cái bầu đặt xuống đất, để đồng tiền lên miệng, lấy cái môi từ từ rót dầu qua lỗ đồng tiền, mà không dây một tí dầu nào ra đồng tiền cả.
Rồi nói: Tôi cũng chẳng phải giỏi gì, chỉ quen tay mà thôi.

Nghiêu Tư cười chịu là phải.

Âu Dương Tử

GIẢI NGHĨA


Trần Triệu Tư: người đời nhà Tống, làm quan Tiết độ sứ là người có chí khí, viết tốt và bắn giỏi.

101. GẶP QUỈ


Hoàn Công nước Tề đi săn ngoài đầm có Quản Trọng theo hầu. Hoàn Công trông thấy quỉ, nắm tay Quản Trọng hỏi rằng:
-Trọng phụ có thấy gì không?
Quản Trọng thưa: Thần không thấy gì cả.

Hoàn Công về nghe trong người khó chịu, như là mất vía, rồi sinh ốm, mấy hôm không ra chầu.
Có người học trò tên Cáo Ngao vào ra mắt nói rằng:
- Nhà vua đau, là tự mình làm ra cả, chớ ma quỉ nào làm được! Phàm chưng khí tán mà không thu lại được, thì tinh thần suy yếu; cái khí ấy bốc lên trên không xuống được, thì làm cho người ta hay giận dữ, cái khí ấy tụ ở dưới không vận lên được thì làm cho người ta hay mê lú, chóng quên, cái khí ấy không lên không xuống, kết ở giữa bụng, thì sinh ra hoảng hốt.
Hoàn Công hỏi: Thế nhưng có quỷ thực không?
Cáo Ngao thưa: Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, núi có Sơn Thần, bể có Long Vương, đầm có thứ quỷ gọi là Uy Di.
Hoàn Công hỏi hình dạng Uy Di thế nào?
Cáo Ngao thưa: Quỷ Uy Di to như cái cối xe, dài như cái càng xe, mặc áo tía, đội mũ đỏ, tính hay sợ tiếng sấm, tiếng xe, hể nghe thấy thì đứng sững, hai tay ôm lấy đầu. Ai trông thấy, thì...rồi làm nên đến nghiệp Bá.

Hoàn Công vẫn có chí muốn làm Bá, nghe nói hớn hở cười rằng: "Ấy ta trông thấy cũng như thế đấy".
Nói đoạn, sửa mũ, mặc áo, ngồi dậy chưa hết một ngày, bệnh đã khỏi tự bao giờ không biết.

Trần Tử Tuyết

GIẢI NGHĨA


Hoàn Công: vua nước Tề, đứng đầu Ngũ Bá thời Xuân Thu

Quản Trọng: xem chuyện 44

Trọng phụ: trọng tôn Quản Trọng; phụ: cha, gọi như thế có ý tôn Quản Trọng như cha

LỜI BÀN

Hoàn Công thấy quỷ, sinh lo ngờ mà sinh bệnh, sau có người nói thấy quỉ mà làm được nghiệp bá thì khỏi bệnh ngay. Thế mới biết có quỷ hay không có quỷ, quỷ hại mình hay lợi cho mình cũng là tự tâm mình tưởng tượng ra cả, rồi yên trí như thế mà thôi. "Đau là tại mình chớ quỷ nào làm" Câu Cáo Ngao nói thật là xác lý, Cáo Ngao lại khéo biết trước, lấy lẽ thuốc thang làm như ông lang rõ bệnh của người ốm, khiến người ốm để tai nghe, sau lấy chuyện vu vơ đâu đâu mà xử được chuyện mơ hoảng khiến người mới phá được cái lòng lo ngờ mà hóa nên vui vẻ. Tiếc thay đời bây giờ người mê như Hoàn Công thật lắm, mà người biết giải mê được như Cáo Ngao lại không được mấy người.

102. MUA NGHĨA


Mạnh Thường Quân nhà giàu cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi Phùng Huyên hỏi: "Tiền thu được có định mua gì về không? - Mạnh Thường Quân nói: Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua".

Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân lại bảo rằng: "Các ngươi công nợ bao nhiêu Thường Quân đều cho cả". Nói rồi đem văn tự  ra đốt sạch.

Lúc về Phùng Huyên thưa với Mạnh Thường Quân rằng: Nhà Tướng Công châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu gì nữa. Chỉ có thiếu một cái "nghĩa" tôi trộm phép vì tướng công đã mua về.

Mạnh Thường Quân nghe thấy nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa.

Sau Mạnh Thường Quân phải bãi quan về ở đất Tiết, dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa, ra đón rước đầy đường, Mạnh Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên rằng: "Trước tiên sinh vì tôi mua "nghĩa", nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy".

Quốc Sách

GIẢI NGHĨA

Mạnh Thường Quân: xem chuyện số 52

Phùng Huyên: người khách ở nhà Mạnh Thường Quân, muốn gì được nấy nên giúp Mạnh Thường Quân được nhiều việc, khi Thường Quân bị bãi về, cũng nhờ có Phùng Huyên mà được phục chức

Tiết: tên một nước nhỏ thời Chiến Quốc, sau bị nước Hồ lấy mất, nay là huyện Đằng, tỉnh Sơn Đông

103. ỨNG ĐỐI GIỎI


Án Tử sắp sang nước Sở, vua Sở nghe thấy bảo cận thần rằng:
- Án Tử là một tay ăn nói giỏi nước Tề, nay sắp sang đây, ta muốn làm nhục, có cách gì không?
Cận thần thưa: Đợi bao giờ Án Tử sang, chúng tôi xin trói một người , dẫn đến trước mặt nhà vua.
- Để làm gì?
- Để giả làm người nước Tề.
- Cho là phạm tội gì?
- Tội ăn trộm

Lúc Án Tử đến nơi, vua Sở làm tiệc thiết đãi tử tế. Rượu uống ngà ngà, bỗng thấy hai tên lính điệu một người bị trói vào.
Vua hỏi: Tên kia tội gì mà phải trói thế?
Lính thưa: Tên ấy là người nước Tề phải tội ăn trộm.
Vua đưa mắt nhìn Án Tử hỏi rằng:
- Người nước Tề hay trộm cắp lắm nhỉ?
Án Tử đứng dậy thưa rằng: Chúng tôi trộm nghe cây quất mọc ở đất Hoài Nam, thì là quất ngọt, đem sang trồng ở đất Hoài Bắc, thì hóa quất chua. Cành lá giống nhau mà quả chua, quả ngọt khác nhau là tại làm sao? Tại thủy thổ khác nhau vậy. Nay dân sinh trưởng ở nước Tề thì không ăn trộm, sang ở nước Sở thì sinh trộm cắp. Có lẽ cũng tại vì cái thủy thổ khác nhau nó khiến ra như thế chăng!

Vua Sở cười nói: Ta muốn nói đùa thành phải chịu nhục. Thế mới hay kẻ cả không nên nói đùa bao giờ.

GIẢI NGHĨA


Hoài Nam, Hoài Bắc: hai đất ở về phía Nam, phía Bắc sông Hoài ở vùng Giang Tô, An Huy bây giờ.


 104. Hà chính mãnh ư hổ
 

Đức Khổng Tử khi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn thấy một ngưới đàn bà khóc ở ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Ngài nói rằng:
Người đàn bà này xem như trong nhà có trùng tang.

Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà thưa rằng:
Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi đã chết vì hổ, chồng tôi đã chết vì hổ, bây giờ con tôi lại chết vì hổ nữa. Thảm lắm ông ạ!

Thầy Tử Cống bảo:
Thế sao không bỏ chỗ này đi ở chỗ khác?

Người đàn bà nói:
Tuy vậy nhưng ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc tàn bạo như các nơi khác.

Thầy Tử Cống đem câu chuyện thưa lại với Đức Khổng Tử
Đức Khổng Tử nói:
Các ngươi nhớ đấy: Chính sách hà khắc khốc hại hơn là hổ.


Lễ ký

Lời bàn: Người đàn bà ở một nơi lắm hổ, hổ ăn thịt mất bố chồng, mất chồng lại mất con, đáng lẽ phải bỏ nơi ấy mà đi nơi khác. Nhưng không là tại làm sao? Tại người đàn bà cho chính sách các nơi khác là hà khắc hơn dữ hơn là hổ. Ôi! Hổ có hại chị một số ít người, chớ hà chính hại cả muôn dân, hổ có hại chỉ hại một phương, chớ hà chính hại cả toàn quốc. Hổ hại còn có cạm bẫy, cạm trừ bỏ được, chớ hà chính hại, trừ bỏ rất khó lòng. Thật vậy, kẻ dùng hà chính hại dân đã dữ quá hổ, lại còn bao nhiêu thần tử bè cánh, phần làm cho hổ thêm cánh, phần mượn oai hổ đi ăn thịt người. Hà chính một khi trừ bỏ được thì dân cũng đã điêu tàn và nước cũng đã bao kiệt. Vậy ai là người có chút quyền chính trong tay mà chẳng nên lấy câu "Hà chính mãnh ư hổ" để làm câu cảnh giới thống thiết cho dân được nhờ ư.

105. Hang Ngu công

 
Vua Hoàn Công nước Tề đi săn, đuổi con hươu chạy vào trong một cái hang, thấy có một ông lão, bèn hỏi rằng:
-Hang này tên gọi là hang gì?

Ông lão thưa :
-Tên là hang Ngu Công

-Tại làm sao mà đặt tên như thế?

-Tại kẻ hạ thần đây mới thành có tên ấy.

-Coi hình dáng lão không phải người ngu cớ gì lại đặt cái tên như thế?

Để hạ thần xin nói:
- Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con. Khi bò con đã lớn, Hạ thần đem đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa con đem về cùng nuôi với bò cái. Một hôm, có một chàng thiếu niên đến lấy lý "bò không đẻ được ra ngựa" bèn bắt con ngựa con đem đi. Tôi chịu mất, không cãi được. Vì thế xa gần đâu cũng cho tôi là ngu, mới gọi hang tôi ở đây là hang Ngu Công.

Hoàn Công nói:
- Lão thế thì ngu thật!

Buổi chiều hôm sau, Hoàn Công đem câu chuyện kể lại cho Quản Trọng nghe.
Quản Trọng nói:
-Đó chính là cái ngu của Di Ngô này. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bầy tôi minh như Cao Dao, thì khi nào lại có kẻ dám ngỗ ngược, lấy không ngựa của người ta như vậy. Ngu Công mà đành để mất ngựa, chắc biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin nhà vua kíp chỉnh đốn các chính sự lại.

Đức Khổng Tử nghe thấy nói:
-Đệ tử đâu, ghi lấy việc ấy! Hoàn Công là bậc minh quân, Quản Trọng là hiền thần. Tuy đã vào bậc khôn ngoan, mà còn tự cho là ngu dại.


Khổng Tử tập ngữ

Giải nghĩa:
- Ngu Công: Ông ngu dại.
- Di Ngô: tên của Quản Trọng.

Lời bàn:
Ông lão cam tâm mất ngựa lại chịu cả tiếng "ngu" là ý lão nghĩ gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi, còn hơn dở khôn đi kiện, chẳng những mất ngựa, mà có khi lại mất cả bò và bao tiền của, thời giờ vào đấy nữa. Hoàn Công thấy chuyện mà lưu tâm đến, thế là ông vua có bụng với dân. Quản Trọng nghe chuyện mà biết nhận ngay cái lỗi ấy tại mình, thế là cũng là hai bậc minh quân, lương tướng hiểu rõ cái trách nhiệm chăm dân của mình, nên Đức Khổng Tử có lời khen thực là đáng lắm. Vì rằng giữ vận mệnh một dân tộc mà không hiểu thấy ẩn tình của dân, thì tuy có lòng thương dân, dân vẫn khổ và nước vẫn không yên được.

106.Trung hiếu lưỡng toàn

Đời vua Chiêu Vương nước Kinh, có người Thạch Chử làm quan rất công bình chính trực.
Một hôm, đang đi tuần trong hạt thấy ở ngoài đường có kẻ giết người. Thạch Chử đuổi bắt, thì ra chính cha mình, bèn quay xe trở lại rồi chạy đến trước sân rồng nói rằng:
Kẻ giết người là cha tôi. Bắt cha mà làm tội thì tình không nỡ, vì cha mà bỏ phép nước thì lý không xuôi. Làm quan đã không giữ phép thì phải chịu tội.

Vừa nói vừa kề gươm vào cổ, xin vua cho hành hình.
Vua nói:
Nhà ngươi đuổi mà không bắt được đã là biết giữ phép còn có tội gì. Cứ yên tâm làm chức vụ.


Thạch Chử thưa:
Làm con không ủy khúc thờ cha, không gọi là người con có hiếu, làm tôi không công bằng giữ phép nước không gọi là bấy tôi trung. Bao dung mà xá tội là ơn của quân thượng, trái phép mà chịu tội là phận của tôi con.

Nói đoạn cầm gươm tự sát.

Không giữ phép nước thì chết, cha phạm tội không nỡ bắt, vua tha tội không chịu nhận. Người Thạch Chử làm quan như thế, thật là người trung hiếu lưỡng toàn.

Lã Thị Xuân Thu

Giải nghĩa:
- Thạch Chử: tức Thạch Xa, tướng giỏi của vua Chiêu Vương, người thanh liêm chính trực.

Lời bàn: Đồng thời bấy giờ có kẻ, vì thù cha mà quật mả vua lên mà đánh vào xác thật là người có hiếu nhưng không có trung. Lại có kẻ, vì phép nước mà làm chứng nói thẳng cha ăn trộm dê thật là người có trung nhưng không có hiếu. Sao bằng Thạch Chử đây, giết cha không nỡ, dối vua không đành, cam chịu trái phép để cứu cha, thì thân để giữ phép. Thực mới là trọn được cả đôi niềm trung hiếu vậy. Ta cũng nên biết khổ tâm của Thạch Chử có khi là: được vua tha cho mà cứ cẩu thả sống, sống chỉ càng làm to cái hung ác của cha, giết người không tội vạ, kết cục liệu cha có thoát án tử hình không. Sống chỉ tăng cái tư tình của vua để cho vua khinh nhờn phép nước, biết đâu sau này không gây ra cuộc rối loạn trị an, thì thà một chết còn hơn đối với gia đình đủ làm cho cha hối hận mà tuyệt được mầm ác, đối với tổ quốc đủ làm cho vua tỉnh ngộ mà tự mình giữ phép để trọng tính mệnh dân. Thạch Chử không nhưng trung hiếu mà còn là nhân nữa.

107. Mong làm điều phải

Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa cũng một mình một nhà.

Một đêm, mưa to, gió lớn, nhà người đàn bà đổ, người đàn bà sang xin ngủ nhờ nhà người láng giềng. Người láng giềng đóng cửa không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ nói rằng:
Ngươi sao bất nhân thế! Không cho ta vào ư?

Người láng giềng đáp:
Ta nghe đàn ông, đàn bà sáu mươi tuổi trở lên, mới ở chung được, nay người còn trẻ mà ta cũng còn trẻ cho nên ta không cho người vào ngủ nhờ được.

Người đàn bà nói:
Ngươi sao không làm như ông Liễu Hạ Huệ ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai tiếng gì?

Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, ta đây thật chưa thể được. Ví ta cho ngươi vào mà không được như ông Liễu Hạ Huệ, thì thà rằng, ta không cho ngươi vào mà ta cũng giữ không tai tiếng gì được như ông Liễu Hạ Huệ. Thế chẳng là ta không làm theo như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư?

Đức Khổng Tử nghe chuyện nói:
Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ, chưa ai giống được như người nước Lỗ này, mong làm điều rất phải, không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật khôn.

Lã Thị Xuân Thu

108. Kẻ bất chính

 
Nước Sở có người có hai vợ. Vợ cả và vợ lẽ cùng đẹp, cùng xinh.

Anh láng giềng ghẹo người vợ cả. Người vợ cả giận và mắng thậm tệ. Anh láng giềng lại ghẹo vợ lẽ, người vợ lẽ bằng lòng đi lại.

Không bao lâu, người hai vợ ấy chết. Anh láng giềng muốn tính cuộc vuông tròn lại dạm hỏi người vợ cả.

Có kẻ hỏi rằng:
Người vợ cả trước đã mắng anh người vợ lẽ vẫn có tình với anh, sao bây giờ anh lại định lấy người vợ cả.

Anh ta đáp:
Lúc người ta còn là vợ người, thì thích kẻ tư tình với mình, lúc người ta đã là vợ mình thì thích kẻ không tư tính với ai. Kẻ trước đã tư tình với tôi, thì rồi ai nó cũng tư tình được, thiên hạ ai cũng là chồng nó được. Cho nên bây giờ tôi không lấy nó.

Thế mới hay con người bất chính đi làm tôi tớ người ta dù làm cho người ta bằng lòng đến đâu, người ta vẫn rẻ rúm khinh bỉ.

Lời bàn: Ở đời những kẻ dễ đổi lòng như người vợ lẽ nói trong chuyện này là những kẻ bất chính. Đã bất chính thường hay phản trắc, rất nên khinh bỉ. Còn những kẻ chính trực như người vợ cả nói trong chuyện này, thì lúc nào cũng thuần thục thẳng băng dù chẳng may gặp sự khó khăn, thiên hạ như có phần không ưa, mà thực bụng vẫn kính phục vô cùng. Ta có hiểu rõ cái tâm lý ấy như người lấy vợ đây thì mới gần được người quân tử mà xa được kẻ tiểu nhân.

109. Nhân trung dài thì sống lâu


Một hôm vua Vũ Đế nhà Hán nói với các quan rằng:
Ta xem trong sách tướng có nói : người ta nhân trung dài một tấc thì sống lâu đến một trăm tuổi.

Đông Phương Sóc đứng bên, phì cười. Các quan bảo là vô phép.
Đông Phương Sóc cất mũ, tạ rằng:
Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần không dám cười bệ hạ, chỉ cười ông Bành Tổ mặt dài thôi

Vua hỏi:
Sao lại cười ông Bành Tổ?

Đông Phương Sóc nói:
Tục truyền ông Bành Tổ sống tám trăm tuổi, nếu quả thực như câu trong sách tướng Bệ hạ vừa nói, thì nhân trung ông dài tám tấc, mà nhân trung ông dài tám tấc thì dễ mặt ông dài đến một trượng.
Vua Vũ Đế nghe nói, bật cười, tha tội cho.

Sử Ký

Giải nghĩa
- Vũ Đế: vua nhà Hán trị vì bên Tàu (140 TCN - 88 TCN)
- Đông Phương Sóc: Bầy tôi vua Vũ Đế nhà Hán là người ăn nói giỏi, tính hay khôi hài.
- Bành tổ: Tên ông lão đới cổ cho là sống lâu lắm.
Lời bàn: Vua Vũ Đế nhắc câu trong sách tướng là có lòng mê tín tướng thuật. Đông Phương Sóc cười, rồi nói như thế, tuy là khôi hài, nhưng thực ý làm cho phá được sự quá tin của vua. Nhân trung có phải là thước đo sự thọ, yểu của người ta, người ta trước hết phải ăn ở cho nhân từ, làm việc cho chăm chỉ, ăn uống cho điều độ và biết quả dục, thì mới có sống lâu được.

110. THUỐC BẤT TỬ

 
Thời Chiến quốc, có người đem dâng vua nước Sở một vị thuốc bất tử. Người ấy bưng vị thuốc vào, có viên quan canh cửa hỏi rằng:
"Vị thuốc này có ăn được không?"
Người đáp" "Ăn được".
Tức thì, viên quan giật lấy vị thuốc mà ăn.
Chuyện nói đến tai vua. Vua phán bắt viên quan đem giết.
Viên quan kêu rằng:
"Thần đã hỏi người đem dâng thuốc. Người ấy nói rằng: "Ăn được", nên thần mới dám ăn. Thế là thần vô tội mà lỗi ở người dâng thuốc. Vả chăng người đem dâng nói là "bất tử" , nghĩa là ăn vào thì không chết nữa. Thế mà thần mới ăn, đã sắp chết, vậy là thuốc tử chứ sao gọi là bất tử được?



Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

L/K Delilah, Je Sais, Mua tinh yeu & Mot thoi de yeu

Điêu Tàn (Thơ)

        
Nhất tướng công thành vạn cốt khô (*)
Biết bao uổng tử chẳng nên mồ
Lòng dân ta thán vang trời đất
Máu lệ tràn tuôn ngập biển hồ
Gục ngã chinh phu cam lỗi nhịp
Mỏi mòn thiếu phụ chít khăn xô
Uy quyền tham vọng gây chinh chiến
Nhất tướng công thành vạn cốt khô (*)
                                             Quên Đi

(*)  Câu cuối trong bài thơ Tứ Tuyệt  "Kỷ Hợi Tuế" của Tào Tùng đời vua Hy Tông nhà Đường.  

Ông lão đánh cá và con cá vàng (Truyện Cổ Tích)


Ngày xưa có hai vợ chồng người đánh cá ở một túp lều cũ kỹ sát ven biển. Hôm nào người chồng cũng đi câu cá suốt ngày. Một hôm bác buông câu ngồi hết giờ này đến giờ khác, nhìn mặt nước trong veo mà chẳng được con cá nào. Thình lình lưỡi câu chìm sâu xuống tận đáy biển. Người ấy giật lên thì được một con cá đìa to. Cá nói:
- Ông đánh cá ơi, tôi van ông, xin ông để tôi sống, tôi không phải là cá đâu, mà là Hoàng tử bị phù phép đấy. Thịt tôi ăn cũng chẳng ngon lành gì. Xin ông thả tôi xuống nước cho tôi bơi đi.
Người câu cá đáp:
- Cá biết nói thì ta sẵn lòng thả cho đi ngay.
Bác thả cá xuống nước, cá lặn xuống tận đáy bể, để lại sau một vệt máu dài. Người câu cá trở về túp lều cũ kỹ. Vợ hỏi:
- Thầy nó ơi, hôm nay không câu được gì ư?
- Không, tôi bắt được một con cá đìa, nhưng nó nói rằng nó là một Hoàng tử bị người ta phù phép nên tôi lại thả nó xuống.
- Thế thầy nó không xin gì ư?
- Không biết xin cái gì!
- Hừ! Cứ ở mãi một túp lều cũ tồi tàn, hôi hám thì khổ quá. Lẽ ra thầy nó xin nó một chiếc nhà gianh nhỏ mới phải. Thầy nó hãy chạy ngay đi gọi cá mà xin lấy một chiếc nhà gianh nhỏ, chắc thế nào cũng được.
- Chà! Quay lại làm gì?
- Úi chà! Bắt được nó mà thả nó ra, thì nhất định nó phải cho. Thầy nó cứ đi ngay đi.
Người đánh cá ngần ngại nhưng lại chẳng muốn trái ý vợ. Lúc bác tới bể thì thấy nước đục, vừa xanh, vừa vàng. Bác lại gần mặt nước, gọi:
- Cá đìa yêu quý của tôi ơi, vợ tôi nó mong ước một điều.
Cá bơi lên ngay hỏi:
- Điều ước gì đó?
- À, lúc nãy tôi bắt được chú, vợ tôi nó trách tôi sao không xin gì chú. Nay nó không muốn ở túp lều cũ kỹ nữa, nó muốn có nhà gianh.
- Ông cứ về đi, vợ ông có nhà gianh rồi đấy.
Người đánh cá về thì không thấy vợ ở túp lều nữa mà đang ngồi ở ghế dài trước cửa một ngôi nhà gianh xinh xinh. Vợ nắm lấy tay chồng nói:
- Mình vào mà xem, bây giờ hơn trước nhiều rồi đấy chứ!
Hai vợ chồng cùng vào trong nhà thì thấy có phòng đợi, phòng khách, buồng ngủ kê hai giường cho hai vợ chồng. Lại có buồng ăn và nhà bếp đầy đủ nồi niêu xanh chảo bằng đồng bằng thiếc, sáng choang. Sau nhà có một cái sân con, gà vịt chạy tung tăng và một mảnh vườn nhỏ trồng rau và cây ăn quả. Vợ nói:
- Mình xem, thích đấy nhỉ?
- Ừ thích thật đấy, chúng ta ở đây sung sướng lắm rồi.
- Để xem sao đã.

Truyện: Ông lão đánh cá và con cá vàng - 1

Hai vợ chồng ăn xong đi ngủ. Ở nhà gianh được mươi mười lăm ngày, người vợ nói:
- Này mình ơi, thật ra thì nhà, sân và vườn hẹp quá! Cá có thể cho ta nhà rộng hơn. Tôi thích lâu đài to xây bằng đá kia. Mình đi xin cá nhé.
Chồng nói:
- Chà! Nhà ở thế này là vừa lắm rồi, cần gì ở lâu đài.
- Thì mình cứ xin đi, thế nào cá cũng cho.
- Thôi, mình ạ, cá vừa mới cho nhà này, tôi chẳng đi nữa sợ quấy rầy cá.
- Thì cứ đi đi nào, chắc cá sẽ vui lòng cho.
Người đánh cá thấy phiền quá không muốn xin, nghĩ bụng: “Thật quả không biết điều chút nào”. Nhưng rồi bác vẫn cứ đi.
Khi đến bờ biển, bác thấy nước màu tím, xanh thẫm, xám, gợn sóng, nước không xanh và vàng như lần trước, nhưng cũng chưa đến nỗi động bể. Bác gọi cá và bảo:
- Cá ơi cá, vợ tôi nó ước mong một điều.
Cá hiện lên hỏi:
- Điều gì thế bác?
Người đánh cá nói:
- Nhà tôi muốn có lâu đài bằng đá.
- Bác cứ về đi, bác gái đang đợi bác ở cửa đấy.
Người đánh cá trở về, tưởng lại thấy nhà gianh như cũ. Nhưng không, nhà gianh đã biến thành một tòa lâu đài bằng đá. Vợ bác đang đứng trên bậc thềm cao, sắp sửa quay gót đi vào. Vợ nắm tay chồng, nói:
- Mình vào với tôi.
Hai vợ chồng cùng vào. Trong lâu đài có phòng đợi rộng thênh thang lát bằng đá cẩm thạch, gia nhân đi lại mở cửa nhộn nhịp. Tường treo rèm rực rỡ. Phòng nào cũng bày bàn ghế bằng vàng, trần có treo đèn pha lê, nền giải thảm. Bàn nào cũng bày la liệt những món ăn ngon cùng rượu quý. Đằng sau lâu đài có sân rộng, chuồng ngựa, chuồng bò và những cỗ xe lộng lẫy, còn có cả một khu vườn lớn trồng đủ thứ hoa thơm cỏ lạ và cây ăn quả. Thêm vào đó lại có một cánh rừng nhỏ dài nửa dặm, đủ các loài vật như hươu nai, thỏ.
Người vợ hỏi:
- Thế nào, thầy nó, đẹp quá nhỉ!
Chồng nói:
- Đẹp lắm! Giá cứ được như thế này mãi! Bây giờ được ở lâu đài thì mãn nguyện rồi chứ.
Vợ nói:
- Để rồi xem sao. Ta hãy đi ngủ cái đã.
Rồi hai vợ chồng bèn đi ngủ. Hôm sau, vợ tỉnh giấc trước. Trời đã sáng bạch. Nằm trên giường, bác nhìn thấy phong cảnh ruộng đồng đẹp vô cùng. Chồng vươn vai tỉnh dậy. Vợ lấy khuỷu tay hích chồng bảo:
- Mình ơi, dậy ra cửa sổ mà trông. Ước gì ta được làm vua cả miền này! Mình hãy đi tìm cá, xin cá cho làm vua đi.
- Làm vua làm gì, tôi không thích đâu.
- Nếu thầy nó chẳng muốn làm vua thì mặc thầy nó, tôi làm nữ vương vậy. Thầy nó cứ đi tìm cá xin cho tôi làm nữ vương đi.
- Úi chà! Sao nhà nó lại muốn làm nữ vương? Tôi chẳng dám xin đâu.
- Sao lại không! Thầy nó đi ngay đi, tôi muốn làm nữ vương cơ.
Người chồng thấy vợ muốn làm nữ vương buồn lắm, tự nghĩ: “Như thế thật quả là không được đúng”. Bác trù tính không muốn đi, nhưng rồi nể vợ lại đi. Ra đến biển, bác thấy nước xám đen, sôi sục và thối hoăng. Bác gọi cá bảo:
- Cá ơi cá, vợ tôi nó ước mong một điều.
- Điều gì?
- Trời ơi! Nó muốn làm nữ vương!
- Bác cứ về đi, bác gái thành nữ vương rồi.
Về đến nhà, bác thấy lâu đài đồ sộ, trang hoàng rực rỡ, có lính gác cổng, có quân đánh trống thổi kèn. Vào trong nhà thấy tuyền là đá cẩm thạch và vàng, thảm nhung, rương vàng. Cửa điện rộng mở, tất cả triều đình đều có mặt. Vợ bác ngồi trên ngai vàng, đầu đội mũ miện vàng, tay cầm hốt vàng dát ngọc, mỗi bên có sáu cung nữ sắp hàng đứng hầu, người nọ thấy hơn người kia một đầu. Bác lại gần nói:
- Ai chà! Nhà đã thành nữ vương rồi đó à?
- Phải, bây giờ tôi đã là nữ vương.
Bác đứng ngắm vợ hồi lâu rồi bảo:
- Này, nhà làm nữ vương thì thỏa thích lắm rồi. Bây giờ hẳn chẳng còn gì mong ước nữa nhỉ.
Vợ bứt rứt trả lời:
- Không phải thế đâu, tôi chán ngấy rồi. Thầy nó hãy đi tìm cá, xin cho tôi làm nữ hoàng.
- Chà chà! Sao nhà nó lại muốn làm nữ hoàng?
- Thầy nó cứ nói với cá cho tôi làm nữ hoàng đi.
- Nhà này, tôi không dám xin thế, cá chẳng cho đâu. Làm nữ hoàng trị vì cả một nước lớn. Cá không thể cho nhà làm nữ hoàng được đâu, chắc chắn là không được đâu.
- Hừ! Tôi làm nữ vương, thầy nó chẳng qua chỉ là anh chồng tôi thôi. Nhà có đi ngay không? Nhà đi ngay đi! Cá đã có thể làm cho nữ vương thì cá có thể cho làm nữ hoàng được. Tôi muốn làm nữ hoàng cơ mà. Thầy nó phải đi ngay.
Thế là chồng đành phải đi. Bác vừa đi vừa lo ngay ngáy, nghĩ bụng: “Thật quả là không biết điều. Thật là quá đáng. Cá cũng đến phát chán”.
Khi đến bờ biển, bác thấy nước đen ngòm, nổi bọt lên sùng sục, sóng gió ầm ầm. Bác rét run, gọi cá đến bảo:
- Cá ơi cá,vợ tôi nó ước mong một điều.
- Lại điều gì nữa?
- Trời ơi, nó muốn làm nữ hoàng.
- Bác cứ về đi, bác gái thành nữ hoàng rồi đấy.
Người đánh cá quay gót trở về. Khi tới nhà thì thấy toàn bộ lâu đài làm bằng đá cẩm thạch bóng lộn, lại có cả tượng bằng đá trắng, đồ trang trí bằng vàng. Trước cổng có lính thổi kèn đáng trống. Các bậc công hầu đứng chầu nhộn nhịp bên trong. Họ mở cổng cho bác vào, cửa bằng vàng nguyên chất. Bác thấy vợ ngự trên ngai đúc bằng vàng cao hai thước, đầu đội mũ miện vàng cao hơn ba tấc, nạm ngọc và kim cương, một tay cầm quả cầu tượng trưng ngôi nữ hoàng. Hai lính ngự lâm sắp thành hai hàng, từ người khổng lồ cao hai trượng đến người lùn xíu vừa bằng ngón tay út. Trước mặt vợ bác, một đám đông vua chúa đứng hầu. Bác tiến vào giữa đám người đó và bảo vợ:
- Này nhà, bây giờ nhà đã là nữ hoàng rồi nhỉ?
- Phải tôi là nữ hoàng rồi.
Bác đứng ngắm vợ hồi lâu rồi nói:
- Này nhà làm nữ hoàng thích lắm nhỉ.
Vợ nói:
- Thầy nó làm gì mà cứ đứng đực ra đấy? Nay tôi đã được làm nữ hoàng rồi, nhưng tôi lại muốn làm Giáo hoàng kia. Thầy nó đi tìm cá đi.
- Chết rồi, nhà đòi thế không được đâu. Khắp thế giới công giáo chỉ có một vị giáo hoàng thôi, cá không làm được việc ấy đâu.
- Tôi muốn làm Giáo hoàng, thầy nó đi ngay đi. Tôi muốn là Giáo Hoàng ngay ngày hôm nay.
- Nhà ạ, tôi chẳng dám xin đâu, không thể được đâu! Như thế quá đáng, cá không thể cho nhà làm Giáo Hoàng đâu.
- Gớm, nói lôi thôi mãi. Cá cho tôi làm nữ hoàng được thì cũng cho tôi làm Giáo Hoàng được chứ! Thầy nó đi ngay đi. Tôi là nữ hoàng còn thầy nó là chồng tôi thôi. Thầy nó có chịu đi hay không thì bảo?
Bác trai sợ phải ra đi, bụng phân vân, người run cầm cập, chân đi lẩy bẩy. Gió thổi ào ào, mây đen phủ kín khiến bầu trời tối xám. Lá cây rào rào, sóng vỗ vào bờ ầm ầm. Đằng xa, những con tàu bị sóng đánh ngả nghiêng phải bắn súng báo động. Giữa trời còn có một điểm xanh. Nhưng chung quanh mây đã kéo kín đặc, báo hiệu một trận bão to. Bác lại gần mặt nước, khiếp sợ nói:
- Cá ơi! Tôi đã hết sức can ngăn mà vợ tôi nó vẫn ước mong một điều.
- Điều gì thế bác?
- Trời ơi, nó muốn làm Giáo hoàng.
- Bác cứ về đi, bác gái làm Giáo hoàng rồi đấy.
Bác về tới nhà thì thấy một nhà thờ rộng mông mênh, chung quanh san sát những lâu đài. Bác phải rẽ đám đông mới vào được. Ở trong thắp hàng trăm nghìn đèn nến sáng trưng. Vợ bác phủ vàng từ đầu đến chân, ngự trên ngai vàng cao hơn ngai vàng trước nhiều, đầu đội ba cái mũ miện bằng vàng, chung quanh có đông đảo giáo sĩ. Hai bên có hai hàng nến, cây lớn nhất to và cao như ngọn tháp lớn, cây bé nhất chỉ bằng cây đền nhà bếp, các vua chúa thì quỳ xuống hôn giầy bác gái. Bác ngắm vợ rồi nói:
- Thế là nhà trở thành Giáo hoàng rồi nhỉ?
- Phải tôi đã là Giáo Hoàng rồi.
Bác đứng ngẩn ra ngắm vợ y như nhìn mặt trời. Một lát sau bác nói:
- Nhà là Giáo hoàng thì thích lắm nhỉ!
Vợ ngồi im như khúc gỗ, chẳng đáp. Bác lại nói tiếp:
- Nhà này, bây giờ đã được làm Giáo hoàng thì chắc mãn nguyện rồi, không còn gì hơn nữa mà mong.
- Để xem sao đã.
Rồi vợ chồng đi ngủ. Nhưng vợ không sao ngủ được vì lòng tham chưa thỏa cứ nghĩ mãi xem có làm gì hơn được nữa không. Chồng đi cả ngày mệt, ngủ một mạch đến sáng. Còn vợ thì suốt đêm trằn trọc không sao ngủ nhắm mắt, tưởng đến cách làm to hơn nữa mà nghĩ không ra. Trời rạng đông, bác ngồi nhổm dậy trông ra ngoài. Thấy ánh nắng chiếu qua cửa sổ, bác nghĩ " Ước gì mình sai khiến được mặt trời, mặt trăng mọc". Bác bèn lấy khuỷu tay hích vào chồng mà nói:
- Thầy nó ơi, dậy đi tìm cá, bảo cá tôi muốn được y như chúa trời.
Chồng còn đang ngái ngủ nghe vợ nói, giật mình ngã xuống đất. Bác ngỡ là nghe lầm, dụi mắt, hỏi:
- Nhà vừa nói gì thế?
- Thầy nó ạ, nếu tôi không sai được mặt trời mặt trăng mọc, và nếu tôi thấy mặt trời mặt trăng mọc mà không theo lệnh tôi thì tôi không chịu được đâu. Nếu chính tôi không làm cho mặt trời mặt trăng mọc thì tôi sẽ không lúc nào yên đâu.
Vợ nhìn chồng với một con mắt dữ tợn, khiến chồng lạnh toát xương sống và nói:
- Thầy nó đi ngay đi, tôi muốn làm Chúa trời.
Chồng quỳ trước mặt vợ, can:
- Nhà ạ, cá không thể làm việc đó đâu. Cá có thể làm cho nhà làm nữ hoàng, làm Giáo hoàng là cùng. Tôi van nhà, nhà nên biết điều, cứ làm Giáo hoàng thôi.
Bác gái khùng lên, xõa tóc tung ra, xé áo, đạp chồng thét lên:
- Tôi không chịu nổi nữa, thầy nó phải đi ngay đi!
Chồng vội mặc quần áo, chạy ra đi, như người mất trí. Bão ầm ầm, bác đi không vững bước. Nhà cửa cây cối rung động, núi chuyển đá lăn xuống bể. Trời đen tối như mực, sấm vang chớp nhoáng, bể nổi sóng đen kịt và cao như gác chuông nhà thờ, như núi, trắng xóa bọt bể. Bác kêu lên mà cũng không thể nghe thấy tiếng gọi của mình.
- Cá ơi cá, tôi đã ngăn mãi mà vợ tôi nói cứ ước mong một điều.
- Điều gì?
- Nó muốn làm Chúa trời.
- Bác về đi sẽ thấy bác gái lại ở túp lều như xưa.
Thế là từ đó hai vợ chồng lại cứ túp lều cũ mãi cho đến ngày nay.

( Theo  http://hcm.eva.vn )